Thế giới 5000 năm

Cái Chết Của Kôbayasi Takiji

CÁI CHẾT CỦA KÔBAYASI TAKIJI

Đó là một ngày âm u và lạnh giá. Nhà văn Nhật Bản Kôbayasi Takiji đeo cặp kính đen cải trang, đội chiếc mũ dạ màu xám, mặc một chiếc áo khoác ngoài phủ lên chiếc áo kiểu Nhật bằng bông tơ vụn. Mỗi lần đi ra ngoài ông đều mặc như thế.

Lúc này Kôbayasi Takiji đang cùng với nhà thơ Kanamura đi vào ngõ hẻm trong khu vực đang xây dựng ở Tôkiô, lướt qua những căn nhà nhỏ hẹp và sơ sài, tiến đến một quán ăn gần đó. Hai người đang chuẩn bị gặp Mifune công tác tại cơ quan lãnh đạo của Đồng minh thanh niên, để tổ chức một cuộc họp bí mật của Đảng cộng sản.

Theo thời gian Mifune đã hẹn, hai người bước vào quán ăn. Nhưng đợi họ tại đó không phải là Mifune mà là một tốp cảnh sát. Thì ra Mifune chính là một tên đặc vụ chui vào tổ chức bí mật của Đảng Takiji cùng với cộng sự đã bị Mifune bán đứng.

Cả hai người liều mạng tháo chạy. Kôbayasi Takiji vừa chạy vừa cởi chiếc áo khoác ngoài. Ngõ hẻm đó không có lối rẽ. Hai người không còn cách nào khác phải chạy về phía ga tàu điện cách quán ăn khoảng hơn 200 mét.

Bọn cảnh sát vừa đuổi theo, vừa hò hét

- Bắt lấy tên cướp! Bắt lấy tên cướp!

Đó vốn là thủ đoạn chúng đã quen dùng mỗi lần đuổi bắt những người cộng sản. Kôbayasi Takiji đã vượt qua đường tàu điện, nhưng nghe tiếng hò hét của cảnh sát, mấy người đàn ông lực lưỡng đã đứng chặn ngang đường. Còn Inamura thì bị xe đạp của cảnh sát đâm ngã. Cả hai người đều bị bắt. Đó là ngày 20 tháng 2 năm 1933.

Buổi chiều ngày hôm sau, Đài phát thanh Tôkiô đưa tin đặc biệt Kôbayasi Takiji đột ngột từ trần; tất cả các báo đều đăng lại tin ấy. Chúng còn công bố nguyên nhận trực tiếp của cái chết của ông là do “bệnh tim bột phát”.

Bà mẹ Kôbayasi nhận được tin dữ, đau đớn chỉ muốn chết. Bà đến sở cảnh sát nhận thi thể của Takiji về đã phát hiện ra dưới da khắp người ông đều xuất huyết, răng rụng hết, ngón tay trỏ của bàn tay phải bị gãy rời, cánh tay, chân và cổ đều dính đầy vết máu do giây trói chặt, mang tai trái một vết thương sưng to bằng trái đào, hai bắp chân có mấy lỗ sâu hoắm do đinh đóng. Thầy thuốc đã kiểm tra và kết luận Takiji đã bị đánh đến chết.

- Bệnh tim cái gì? Từ bé Kôbayasi Takiji làm gì có bệnh tim!

Bà mẹ khóc thảm thiết, vuốt vào hai má Takiji, xới mớ tóc của ông và lại gào lên.

- Con không thể đứng lên một lần nữa hay sao? Không thể đứng lên một lần nữa vì mọi người hay sao?

Bà áp má mình lên khuôn mặt của Takiji, nức nở và thổn thức.

Từ thiếu thời, Takiji chưa bao giờ rời mẹ. Thuở nhỏ, anh là một đứa trẻ thật thà, rụt rè và ít nói. Anh đã được học từ tiểu học đến trung học cao đẳng, rồi làm công nhân bánh mì, nhân viên ngân hàng, ngày nào cũng sớm đi tối về, luôn luônbên mẹ. Sau đó anh tham gia phong trào công nhân và bắt đầu viết văn. Năm 1931 anh vào Đảng cộng sản Nhật Bản, phụ trách công tác tổ chức của giới văn hóa của giai cấp vô sản. Do mưu mô ám hại của kẻ thù, anh cùng nhiều đảng viên cộng sản khác rút vào hoạt động bí mật và anh vẫn là đối tượng mà kẻ thù truy bắt. Từ đó bà mẹ rất ít gặp Takiji, suốt ngày bà lo lắng cho tính mạng của anh.

Thời gian này Kôbayasi Takiji đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Người đảng viên bí mật” miêu tả đời sống đấu tranh bí mật của mình. Nhân vật chính “Tôi” trong cuốn tiểu thuyết chính là bản thân tác giả. “Mẹ” chính là bà mẹ của tác giả tên là Kôbayashi. Tác phẩm có một tình tiết như sau. Trong một nhà hàng bán thịt, người mẹ đã già bí mật gặp đứa con mình đang hoạt động bí mật cùng với bà. Đứa con bà do đang bị bọn phản động tìm cách hãm hại nên cũng buộc phải chuyển vào bí mật, bà mong được gặp con bà biết bao, dù là một tiếng đồng hồ, hay mười phút, thậm chí một phút thôi, cũng được. Người mẹ ấy đau khổ vì lâu lắm không gặp con, bà vui sướng biết bao khi gặp lại đứa con yêu quý của mình! Nhưng sự an toàn của đứa con khiến bà từng giờ từng phút lo sợ. Chẳng may cảnh sát phát hiện thì biết làm thế nào? Bị bắt thì bà sẽ không bao giờ thấy mặt con nữa. Còn con bà, nghĩ tới mẹ già đã 60 tuổi, lỡ ra phút lâm chung không gặp được con mình, mẹ sẽ đau khổ biết bao. Tình tiết cảm động đó đã làm thổn thức trái tim của những độc giả yêu chính nghĩa.

Điều thật không ngờ chưa đầy một năm sau khi bản thảo đó ra đời, tác giả đã bị kẻ thù bắt giam và sát hại giống như nhân vật chính trong truyện vậy. Và bà mẹ cũng giống như nhân vật bà mẹ trong truyện đã phải chịu đựng nỗi đau nặng nề!

Cái chết của Kôbayasi Takiji đã gây sự căm phẫn tột độ trong các giới nhân sĩ ở Nhật Bản. Ngày 15 tháng 3 Liên minh văn hóa vô sản Nhật cùng nhiều đoàn thể tiến bộ đã cử hành trọng thể nhất “Ngày lễ tang của công nông toàn quốc”. Đó là vinh dự cao nhất dành cho những người hy sinh trong phong trào giải phóng Nhật Bản. Ban tổ chức “Ngày lễ tang của công nông toàn quốc” đã trịnh trọng ra một Bản tuyên bố đặc biệt trong buổi lễ:

- “Hỡi công nhân, nông dân và binh sĩ cả nước! Chính quyền quân chủ Thiên hoàng đại diện cho giai cấp tư sản và địa chủ, cách đây không lâu đã thảm sát ủy viên trung ương Đảng cộng sản Nhật Tamura Sigheru và các đồng chí khác, nay lại giết hại một nhân vật quan trọng của Đảng, nhà lãnh đạo kiệt xuất phong trào văn hóa vô sản, nhà văn cách mạng nổi tiếng thế giới - đồng chí Kôbayasi Takiji. Nhưng dù xiềng xích trói xương, dù đánh đập đến bất tỉnh nhân sự, mặc áo “bó giò”, bẻ gãy ngón tay cũng như những tội ác tàn ác vô nhân đạo khác đều không moi được một lời khai nào của Kôbayasi về bí mật của tổ chức. Kôbayasi đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng vì danh dự của người đảng viên cộng sản . . .”

Bản tuyên bố còn dẫn ra rất nhiều tác phẩm của nhà văn cách mạng Kôbayasi Takiji như “Kanikusen” “Người đảng viên bí mật” “Ngày 15 tháng 3 năm 1928” “Địa chủ tại ngoại” “Thôn Chiều Vĩ” v.v. . . là những tác phẩm có ảnh hưởng to lớn trong việc vạch trần sự bóc lột tàn khốc của chủ nghĩa tư bản, động viên quần chúng đấu tranh cách mạng. Tác phẩm của ông còn có ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn học cách mạng Nhật Bản.

Cuối cùng, Bản tuyên bố kêu gọi công nhân nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác trong cả nước Nhật Bản hãy ghi sâu món nợ máu và đấu tranh để đập tan mọi sự khủng bố trắng.

Ngày cử hành lễ tang là một ngày âm u nhưng ấm áp. Những tốp cảnh sát nhan nhản ở Tôkiô đã được tổng động viên, chúng bố trí dọc đường cứ 5 mét một trạm gác. Hội trường cử hành, lễ tang được bố trí tại một rạp hát nhỏ trong khu đang xây dựng. 3 giờ chiều, hành trăm quần chúng tiến vào hội trường. Nhưng bọn cảnh sát đã tấn công một số quần chúng bị bắt. 7 giờ tối lại có một nhóm do 6 chị em phụ nữ dẫn đầu, phá vỡ hàng rào cảnh giới của cảnh sát xông vào hội trường nhưng tất cả đều bị cảnh sát bắt, dồn lên xe đưa đi.

Ngày lễ tang của công nông Tôkiô đã bị đàn áp và bị phá hoại. Nhưng trong ngày hôm ấy, các nơi khác trong nước Nhật đã dùng mọi hình thức để đấu tranh cho ngày lễ tang của công nông, có nơi rải truyền đơn và biểu ngữ, có nơi tổ chức Lễ truy điệu hoặc tổ chức mít tinh phản kháng.

Nước ngoài cũng gửi đến nhiều thư chia buồn và thư kháng nghị - Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Úc Đạt Phu, Điền Hán thay mặt Liên minh nhà văn cánh tả Trung Quốc phát động uyên góp cứu trợ cho gia đình. Trong thư chia buồn do Lỗ Tấn tự tay viết có đoạn:

“Nhân dân hai nước Trung Quốc và Nhật Bản thân như anh em, giai cấp tư sản đã lừa nhân dân, dùng máu để tạo thành hố sâu ngăn cách giữa chúng ta và chúng vẫn đang đào sâu tiếp. Nhưng giai cấp vô sản và đội tiên phong của nó đang dùng máu của mình để xóa bỏ cái hố sâu đó. Cái chết của Kôbayasi Takiji là một bằng chứng. Tất cả những cái đó chúng tôi đều biết, chúng tôi không bao giờ quên. Chúng tôi đang nắm tay nhau kiên cường bước tiếp trên con đường máu của đồng chí Kôbayasi Takiji”. 

“TIÊU DIỆT LŨ ÔN DỊCH ÁO NÂU”

Trên đường phố Beclin, một nhóm đảng viên Đức quốc xã nhặt được một tập truyền đơn, trên đó viết “Tiêu diệt bọn ôn dịch áo nâu” bọn chúng tức tối đến điên cuồng. Thì ra vì bọn Đức quốc xã quy định đảng viên của chúng phải mặc áo màu nâu, nên mọi người đã gọi chúng là “bọn ôn dịch áo nâu”. Chúng xem kỹ, tên tờ truyền đơn còn ký tên - Rômanh Rôlăng.

- Cái thằng Rômanh Rôlăng này là ai?

Một tên trong bọn chúng hỏi một câu ngớ ngẩn.

Lại một tên khác không biết gì nói:

Xem ra thì Rômanh Rôlăng là bí danh của một phần tử cộng sản.

Một người qua đường nói cho chúng biết:

- Không phải đâu. Cái ông Rômanh Rôlăng này là một người Pháp, đó là tên thật.

Lúc ấy những người nào đã ngồi trên ghế nhà trường đều biết Rômanh Rôlăng là một nhà văn nổi tiếng người Pháp. Ông cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng đã từng giảng dạy môn lịch sử âm nhạc tại trường đại học Pari, Từ năm 1904 ông đã bỏ ra gần 10 năm để viết cuốn tiểu thuyết dài “Giăng Crixtốp”, miêu tả bi kịch của một nhạc sĩ đã đấu tranh chống lại xã hội của giai cấp tư sản. Do ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm nổi tiếng đó cùng với một số tác phẩm khác, năm 1915, ông đã được giải thưởng Nôben. Sau khi cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, ông ngụ cư ở Thụy Sĩ. Thời gian này ông viết nhiều bài vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn đế quốc. Sau khi Hitle lên cầm quyền, bóng đen ngày càng bao phủ bầu trời châu Âu, chiến tranh ngày càng uy hiếp nặng nề, Rômanh Rôlăng càng hăng hái lao vào cuộc đấu tranh chống bọn Đức quốc Xã. Tháng 8 năm 1932; ông dự Đại hội chống phát xít có tiếng vang lớn họp tại Hà Lan. Tại Đại hội ông được cử làm chủ tịch đại hội.

“Phát xít chính là chiến tranh”, ông đã đọc bài phát biểu của mình tại Đại hội, kêu gọi nhân dân toàn thế giới đoàn kết lại chống sự xâm lược của bọn phát xít. Ông nhiều lần nhấn mạnh, chống phát xít là phải bảo vệ Liên Xô. Bởi vì “Bản thân sự tồn tại của Liên Xô chính là sự tuyên chiến với cái thế giới cũ của những kẻ bóc lột!” Sau Đại hội, với danh nghĩa là “ủy ban giúp đỡ cuộc đấu tranh chống phát xít Hítle” tung ra hàng triệu truyền đơn. Những tờ truyền đơn “Tiêu diệt bọn ôn dịch áo nâu” là một chủ đề trong số truyền đơn do ông dự thảo và ký tên.

Bọn quốc xã đưa truyền đơn về Tổng bộ Đức quốc xã tại Beclin. Những tên cầm đầu Đảng quốc xã cảm thấy đau đầu khi nhìn thấy những tờ truyền đơn của Rômanh Rôlăng. Với uy tín và tiếng tăm của Rômanh Rôlăng trong giới trí thức ở phương Tây, chúng không dám công khai chỉ trích ông, cũng không dám giở những thủ đoạn hèn hạ độc ác. Chúng đã thi hành một biện pháp xảo quyệt.

Một hôm, lãnh sự Đức tại Giơnevơ cùng với hai tên tùy viên đã đến nhà Rômanh Rôlăng.

Lãnh sự Đức cố ý khiêm nhường nói:

- Kính chào ngài Rômanh Rôlăng, Tổng thống nước tôi, ngài Hinđenbớc ủy thác cho tôi đến tặng ngài Huân chương Gớt, để biểu dương những thành tích của ngài về mặt văn học và khoa học. . .

Vừa nghe câu nói, Rômanh Rôlăng đã biết đó là âm mưu của bọn Quốc xã muốn lôi kéo ông nhằm lợi dụng ảnh hưởng của ông để mở rộng tuyên truyền phản động của bọn phát xít.

- Tôi không thể nhận “vinh dự” đó - Rômanh Rôlăng nói; Ngày nay tất cả những gì đang xẩy ra ở Đức, như tự do bị vứt bỏ, chống Đảng bị giết hại, đàn áp thô bạo và hèn hạ đối với người Do Thái, tất cả những cái đó đang làm cho toàn thế giới công phẫn, cũng làm cho tôi phẫn nộ. Chính sách ấy là tội phạm đối với nhân loại!

Bọn tay chân của Hitle đã húc đầu vào tường, chúng căm giận Rômanh Rôlăng, nhưng chúng không dám làm gì ngay lúc đó. Năm 1933, bọn Đức quốc xã gây ra vụ cháy nhà Quốc hội. Rômanh Rôlăng không nề hà nguy hiểm đến tính mạng đã lao vào cuộc đấu tranh cứu đồng chí Đimitrốp đang bị hãm hại. Ông đã viết thư cho đại sứ Đức tại Pari, vạch mặt chỉ tên, lên án Gơrinh và bọn đầu sỏ Đức quốc xã và thế là bọn Đức tự xé bỏ cái mặt nạ tươi cười giả đối của chúng.

Báo chí của bọn Quốc xã ra sức công kích Rômanh Rôlăng, chúng nói ông là “kẻ thù của nước Đức”.

Tiếp đó chính phủ Đức quốc xã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ bản dịch tiếng Đức, tác phẩm của Rômanh Rôlăng “Tinh thần tự do” vừa in xong. Mấy tháng sau, một nhà xuất bản khác đã từ chối, không xuất bản tác phẩm của ông “Mẹ và con” đã dịch ra tiếng Đức; thậm chí còn đe dọa cảnh cáo ông, cấm ông in tác phẩm đó bằng tiếng Đức ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Sau đó không lâu, một người bạn ông trốn khỏi nước Đức đã cho Rômanh Rôlăng biết rằng trong một trại tập trung của Đức quốc xã trên lãnh thổ Đức bọn chúng đã tổ chức một “Triển lãm sách tội ác” để “giáo dục” chính trị phạm, cuộc triển lãm đã bầy “sách tội ác” mà chúng tuyên bố phải đốt, trong đó có trước tác của Mác, Ăngghen, có các tác phẩm của những người cộng sản Đức, Nga và một số nước cá biệt khác. Tác phẩm “Giăng Crixtốp” của Rômanh Rôlăng cũng được trưng bày tại đó. Nghe bạn nói xong Rômanh Rôlăng rất vui, vì ông cho rằng đó lại chính là sự đánh giá cao nhất đối với tác phẩm của ông. Ông nói:

- Kẻ thù nhìn vấn đề bao giờ cũng sâu sắc hơn bạn bè. . . Trước chủ nghĩa Hitle và trước những tên bạo chúa chà đạp nhân loại áp bức nhân loại, Giăng Crixtốp sẽ mãi mãi giơ cao nắm đấm chống lại chúng.

Tháng 9 năm 1939 quân xâm lược Đức ào ạt tiến công nước Pháp. Lúc này Rômanh Rôlăng đã từ Thụy Sĩ trở về Pháp, cư trú tại một thị trấn nhỏ ở miền Trung nước Pháp, cách quê chính của ông không xa lắm. Sau đó không lâu, thị trấn nhỏ kia đã ba quân Đức chiếm đóng, “bọn ôn dịch áo nâu” xuất hiện trước cửa căn nhà ông ở, vô hình trung, căn nhà của ông đã bị theo dõi và bị bao vây. Qua cửa sổ ông đã nhìn thấy rất rõ “bọn ôn dịch áo nâu” lố nhố trong vườn hoa, đi đi lại lại trong rừng cây, cười cười nói nói, rõ ràng nhằm uy hiếp đe đọa ông.

Từ đó bọn phát xít đã tiến thêm một bước để hãm hại Rômanh Rôlăng đã già nua và bệnh tật. Tập văn chính luận của ông “Mười lăm năm chiến đấu” bị đốt trụi, tiếp đó chính phủ bù nhìn Pháp ra lệnh cấm các trường của Pháp từ tiểu học đến đại học sử dụng tác phẩm của Rômanh Rôlăng làm tài liệu giảng dạy hoặc đọc thêm.

Rômanh Rôlăng biết rằng ông đang nằm trong tay bọn ôn thần. Nhưng ông không hề cúi đầu sợ sệt. Một mặt ông chờ tình huống xấu nhất sẽ xẩy ra, một mặt tuy bệnh tật ông vẫn sáng tác. Ông đã sống như vậy trong 4 năm kẻ thù chiếm đóng nước Pháp. Ông đã viết hồi ký “Hành trình nội tâm” và các tác phẩm truyện nhân vật như “Truyện Bêghi” và “Bêtôven vĩ đại”. Bêghi là một người yêu nước, năm 1914 đã ngã xuống trên chiến trường chống xâm lược Đức. Rômanh Rôlăng đã nồng nhiệt ngợi ca người chiến sĩ yêu nước đó. Ông đã hô to lên ở đoạn cuối của truyện:

- Chân lý, vinh quang, hy vọng và tự do, đó là ánh sáng vĩ đại đang tràn ngập trong lòng Bêghi. Nhưng trên bầu trời nước Pháp, Bêghi hôm nay vẫn tiếp tục thắp lên ánh sáng đó.

Ngày 30 tháng 12 năm 1944 nhà văn vĩ đại nổi tiếng thế giới, người chiến sĩ đứng ở hàng đầu trên mặt trận chống phát xít đã từ giã cuộc đời. Hai tháng trước khi ông mất đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, ông đã không nề hà bệnh tật, nhờ người khác dìu, ông lên tàu đi Pari, đích thân đến đại sứ quán Liên Xô tại Pari để chúc mừng Cách mạng tháng Mười, chúc mừng chiến thắng vĩ đại chống phát xít.

Để đeo đuổi chân lý, tìm ánh sáng, suốt đời Rômanh Rôlăng đã miệt mài tìm tòi, miệt mài sáng tác và đã để lại cho nhân loại một tài sản quý giá. Đúng như ông đã viết trong “Giã từ quá khứ”:

- Khi tôi đến điểm tận cùng của cuộc sống, tôi sẽ nói: “Chúc phúc nhé! Yên tĩnh nghỉ ngơi thôi! Ngủ yên nhé, bộ óc của tôi! Ngủ yên nhé! Đôi chân của tôi. Các bạn đều vất vả. Con đường đã đi qua thật gian khổ và gập ghềnh. Nhưng dù sao đó cũng là một con đường đẹp đẽ, trên con đường đó, mỗi bước chân đều có vết máu cũng là đáng giá vậy!”.

“ANHXTANH CỦA GIỚI MỸ THUẬT”

Năm 1949, các nhân sĩ tiến bộ trên thế giới đã đến Pari, thủ đô nước Pháp tham dự một hội nghị quốc tế nổi tiếng - Đại hội bảo vệ hòa bình thế giới. Để chúc mừng Đại hội, một nghệ sĩ đã tặng Đại hội một bức họa trên đá. Bức họa đó minh họa cho bài thơ “Con người hòa bình” Bức vẽ minh họa đầu một cô thiếu nữ xinh đẹp, phía trên là hình ảnh một con chim bồ câu đang giang cánh muốn bay. Bức tranh thật giản dị, tươi sáng thể hiện nguyện vọng thiết tha yêu hòa bình của nhân loại. Nhất là chú chim bồ câu đáng yêu kia lập tức đã trở thành biểu tượng của hòa bình, và phiên bản của nó đã nhanh chóng xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới. Mọi người đều gọi nó là “chim hòa bình”.

Họa sĩ đó là Picatxô, bậc thầy về hội họa, được mọi người tôn vinh ông là Anhxtanh của giới nghệ thuật.

Picatxô không phải chỉ vì bức tranh chim hòa bình mà nổi tiếng. Ông là họa sĩ có danh vọng cao nhất trong phong trào mỹ thuật hiện đại phương Tây. Picatxô không những là bậc thầy lớn về hội họa, ông còn là một nhà cách mạng, một chiến sĩ xuất sắc của phong trào bảo vệ hòa bình thế giới. Khi nói về tác phẩm của mình, ông đã có những lời thâm thúy:

- Tất cả những bức tranh này không phải là tác phẩm của tôi, mà là sinh mệnh của tôi. Hội họa không nên chỉ là đồ trang sức trong phòng khách mà phải là vũ khí để tiến công kẻ thù.

Việc làm trong suốt cuộc đời của nghệ sĩ bậc thầy đó đã chứng minh cho lời nói của mình.

Picatxô (Pablo Picasso) sinh năm 1881 tại Malaga miền Nam Tây Ban Nha. Thân phụ của ông là giáo sư hội họa của Trường mỹ thuật công nghệ tạo hình Bacxêlôna, ông đã dạy vẽ cho Picatxô từ lúc bé. Người con của ông đã tỏ ra có một khả năng phi thường trong tiếp thu mỹ thuật. Giảng đến đâu Picatxô hiểu đến đó thậm chí còn có thể lẳng lặng vừa quan sát tỉ mỉ cảnh vật vừa vẽ. . . Sau này có lần ông nói:

- Tôi biết vẽ còn sớm hơn biết nói, tôi đã dùng hội họa để diễn đạt tất cả. Đến tuổi đi học, thân phụ ông gửi vào trường. Cậu bé Picatxô rất mê hội họa, nhưng với các môn văn hóa khác thì cậu không hề cảm thấy hứng thú, giờ toán giờ viết tập cậu đều học hành không ra sao và kết quả rất kém. Quyển vở bài tập nào của cậu cũng vẽ đầy các nhân vật.

Picatxô đã 14 tuổi. Thân phụ của anh cảm thấy không thể để anh tiếp tục học văn hóa, ông đã nhờ bạn bè đưa Picatxô chưa đủ tuổi quy định, thi vào trường nghệ thuật Bacxêlôna. Việc thi cử vào trường này rất nghiêm ngặt, các thí sinh thường phải mất một tháng mới hoàn thành được những môn sát hạch quy định. Nhưng Picatxô chỉ mất một ngày đã qua được tất cả các môn sát hạch.

Sau khi vào trường, nhờ sự chỉ dẫn của thầy giáo và sự tôi luyện của môi trường, chẳng bao lâu Picatxô đã sáng tác bức họa “Khoa học và lòng nhân ái”. Bức tranh đã vẽ một người thầy thuốc đang bắt mạch cho, một bệnh nhân nữ, cạnh giường bệnh là một nữ tu sĩ, một tay ôm đứa con của người bệnh, tay kia bưng bát thuốc cho bệnh nhân uống. Qua hình tượng thầy thuốc và nữ tu sĩ cùng chăm sóc bệnh nhân đã diễn tả tinh thần nhân đạo và tình cảm cao thượng của tác giả. Cậu thiếu niên 15 tuổi quả là có bàn tay tài hoa. Chính vì vậy sau cuộc triển lãm ở Malaga lập tức họa sĩ đã được mọi người nhất trí khen ngợi, Picatxô còn được thưởng huy chương vàng. Tiếp đó trong cuộc triển lãm toàn quốc ông còn được nhận giải thưởng danh dự của Ban giám khảo.

Năm 16 tuổi, Picatxô vào học tại Học viện hoàng gia Xanh Phecnanđô, Tây Ban Nha. Nhưng ít lâu sau một trận ốm nặng đã buộc anh phải rời bỏ ngôi trường nổi tiếng đó trở về quê hương điều dưỡng. Cuộc sống bi thảm của người nông dân và sự đồng cảm mãnh liệt đã khiến ông sáng tác rất nhiều bức tranh, miêu tả một cách chân thực cuộc sống của họ, phản ánh những tai họa và bất hạnh của họ.

Năm 1899 Pictaxô sáng tác bức tranh “Phong tục người Aragan” và ông lại giành được một huy chương vàng nữa tại Malaga. Năm đó ông đi Pari học tập các tác phẩm nổi tiếng. Tháng 8 năm sau, ông lại đến Pari. Trong vòng 4 năm sau đó, chủ đề các tác phẩm của ông về cơ bản là sự thương cảm, đối tượng phần lớn là những người cô độc bị xã hội tư bản bỏ rơi. Trong cái xã hội người nuốt người họ không được sự quan tâm và thông cảm của mọi người, cái họ nhận được chỉ là sự chế diễu và phỉ nhổ. Những tác phẩm của Picatxô đã phản ánh sự đồng tình sâu sắc của ông đối với cảnh ngộ bất hạnh của quần chúng lao khổ sống ở dưới đáy của xã hội. Những tác phẩm tiêu biểu của loại tranh này có “Đời người”, “Người uống rượu ngải”, “Hai chị em” v.v. . . Để bày tỏ cảm tình sâu sắc của mình, về màu sắc, trong các bức tranh, ông đã nhấn đậm màu xanh thẫm, cho nên sau này mọi người gọi thời kỳ sáng tác của ông là “thời kỳ màu xanh”.

Mùa xuân năm 1904, Picatxô quyết định định cư lâu dài ở Pari. Ông thuê một căn nhà cũ nát tại khu công nhân Môngmactơrơ làm nơi ở và sáng tác. Ba năm tiếp theo phần lớn tác phẩm của Picatxô đều lấy mầu hồng nhạt mềm mại làm nền, vì vậy những lớp người sau đều gọi thời kỳ sáng tác này của ông là “thời kỳ mầu hoa hồng”.

Năm 1906 Picatxô làm quen với cô Xtan, một sinh viên học y khoa ở trường đại học Havớt. Chỉ ít lâu sau, cô sinh viên người Mỹ đã bỏ nghề y để học văn học và đến Pari. Picatxô nhận thấy dáng người cô rất có đặc trưng bèn xin vẽ cô. Cô Xtan vui vẻ nhận lời, hầu như ngày nào cũng đến xưởng vẽ của ông để làm người mẫu. Picatxô có những yêu cầu rất cao đối với người mẫu ngồi trước mặt, hễ chỉ một chút không vừa ý là ông xóa đi để vẽ lại, đến nỗi cô Xtan đến xưởng vẽ của ông mấy tháng trời mà ông vẽ vẫn chưa xong.

Sau đó ít lâu, Picatxô lại đến một nơi khác để vẽ tranh sơn dầu và chính thời gian đó ông nảy sinh ra ý nghĩ: Nghệ thuật hội họa không nên câu nệ vào những thủ pháp biểu hiện truyền thống, mà phải không ngừng đổi mới, mọi loại nghệ thuật đều liên quan đến nhau cần học tập cái hay của nhau. Bình thường ông thích thưởng thức nghệ thuật điêu khắc châu Phi, đặc biệt tính lập thể rõ ràng của nó đã để lại cho ông những ấn tượng rất sâu sắc. Ông cảm thấy rằng có thể dung hòa những đặc điểm của tính lập thể ấy vào nghệ thuật hội họa đặng có thể làm cho các tác phẩm hội họa, có được sự đổi mới. Từ đó ông bắt đầu thử nghiệm những sáng tác mà người sau gọi là chủ nghĩa lập thể (còn gọi ông là người cha của chủ nghĩa lập thể).

Mọi người đều biết rằng, một tác phẩm hội họa nói chung chỉ có thể diễn tả mặt chính, mặt bên, mặt trên và mặt dưới của đối tượng cần miêu tả, không thể diễn tả mặt sau của nó. Picatxô cho rằng sự phản ánh đó là chưa toàn diện, bởi lẽ sự vật không những có nhiều mặt mà quan sát mặt trước mặt sau, mặt trái mặt phải, mặt trên mặt dưới của chúng, cũng có những hình thái khác nhau, vì vậy cần phải phá vỡ khái niệm về không gian và thời gian, phải thể hiện được trên bức họa chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chiều sâu của vật thể để nó hiện rõ lên cơ cấu nội tại của vật thể mà mắt thường không nhìn thấy được.

Thế nhưng bức họa lại là một mặt phẳng, làm thế nào để thể hiện được nhiều mặt trên đây của sự vật? Picatxô đã mày mò tìm ra một giải pháp: trước hết phải xóa đi những hình tượng của vật thể, sau đó tổ hợp lại theo ý chủ quan của mình. Không những phân hình dáng của tự nhiên thành các mặt cắt hình học lại còn phải lập lại nhiều lần giữa các mặt cắt đó, rồi phát triển thành nhiều mặt khác nhau thể hiện sự vật trên cùng một bức họa, ví như cùng đồng thời thể hiện mặt chính mặt bên của hình người v.v. . . hoặc dùng những mẩu giấy hoặc nguyên liệu khác dán thành một bức họa có tính chất tủn mủn, hoàn toàn hủy hoại những hình tượng khách quan. Đương nhiên ý nghĩ đó của Picatxô được thực hiện dần từng bước trong sáng tác nghệ thuật.

Với suy nghĩ ấy, sau khi trở về Pari, Picatxô lại một lần nữa vẽ lại chân dung cô Xtan. Nhưng lần này ông không mời cô đến làm mẫu mà sáng tác theo ký ức của mình. Sau khi hoàn thành tác phẩm ông đã tặng bức họa cho cô Xtan. Xem bức họa Xtan hết sức sửng sốt, bởi vì cô không nhận ra được người trong tranh lại là chính mình. Nhưng Picatxô rất vui nói với cô “Sẽ có một ngày cô giống hệt người trong tranh đấy!”.

Năm 1907, 26 tuổi, Picatxô đã hoàn thành tác phẩm tiêu biểu của ông theo chủ nghĩa lập thể “Những cô gái ở Avinhông”.

“Những cô gái ở Avihông là một tác phẩm làm đảo lộn toàn bộ kỹ xảo của hội họa truyền thống. Những hình thái tự nhiên của 5 cô gái trên bức họa đều không còn: thân hình các cô gái mầu hồng nhạt không có một sự tô điểm nào, ba cô gái bên trái đeo mặt nạ, một trong ba cô được phác thảo một con mắt to hầu như choán hết khuôn mặt. Hai cái mũi khác thì nhọn hoắt, thân hình thì phần lớn được kết cấu trên một mặt phẳng gồm những đường thẳng và góc cạnh. Hai cô phía bên phải, một khuôn mặt đang nhìn sang bên phải. Một khuôn mặt khác của một cô đang đứng thì nổi lên trên khuôn mặt một cái mũi kỳ dị. Phía dưới năm cô thiếu nữ là một đường chéo từ trái sang phải từ thấp lên cao, và đều được tô màu xanh để làm bối cảnh.

Sau khi hoàn thành bức tranh, Picatxô không cho triển lãm ngay. Những người xem bức tranh thì đa số không hiểu được hàm ý của bức tranh và đều cảm thấy kinh ngạc trước thủ pháp thể hiện hoàn toàn mới mẻ đó. Nhưng nó lại là một trường phái trong nghệ thuật hội họa hiện đại Pháp thể hiện sự tìm tòi và sáng tạo của Picatxô đưa cấu trúc lập thể vào mặt phẳng, ông đã sắp xếp các mặt khác nhau của một vật thể, những thứ mà mắt thường không nhìn thấy nhưng linh hồn lại có thể kết hợp được, kết hợp chúng lại và thể hiện chúng trên một bức họa. Bức họa đó mãi tới năm 1937 mới được trưng bày và đến lúc này chủ nghĩa lập thể của Picatxô đã được một số họa sĩ tiếp nhận và sau triển lãm, tiếng tăm của Picatxô càng rộng mở.

Từ tháng 2 năm 1936, Tây Ban Nha đã thành lập chính phủ mới của nước cộng hòa do người của Đảng cộng hòa tiến bộ đứng đầu. Nhưng đến tháng 11 năm đó, được sự ủng hộ của phát xít Đức - Italia, tên sĩ quan phản động Phơrăngcô đã áp sát thủ đô Mađơrit. Mùa xuân năm sau, cuộc nội chiến Tây Ban Nha lan rộng, máy bay của Đức ngang nhiên ném bom thành phố Ghecnica của Tây Ban Nha, cướp đi hơn 1600 sinh mạng của những người dân vô tội.

Picatxô vô cùng căm phẫn trước hành động dã man này của kẻ thù, Ông đã dùng hình ảnh độc đáo của vùng Địa Trung Hải, cuộc đấu giữa con ngựa và con bò để tượng trưng cho cuộc đọ sức giữa sức mạnh của nhân dân Tây Ban Nha với phát xít Đức Trên bức tranh còn có rất nhiều nhân vật, họ đang gào thét, đang giãy dụa, đang tố cáo, trong đó có bốn phụ nữ được ông miêu tả rất có cá tính: một người ngã dưới đất đang gào khóc, một người ôm một đứa trẻ đã chết, một người ngửa mặt lên trời trút niềm căm phẫn của mình, một người đang kêu gọi mọi người chiến đấu. Cách thể hiện của ông, gần chiến tranh, khủng bố với cuộc đấu chọi giữa hai con vật, phụ nữ trở thành hiện thân của sự hy sinh đã làm nổi bật sự tố cáo những hành động bạo ngược của bọn phát xít và sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình, nó đã có sức truyền cảm nghệ thuật mạnh mẽ, cổ vũ, động viên chí khí chiến đấu của nhân dân Tây Ban Nha chống lại kẻ thù.

Trong một tình thế địch mạnh ta yếu, nhân dân Tây Ban Nha đã anh dũng chống chọi với kẻ thù hơn hai năm. Nhưng do bọn gian tế đã chui vào hàng ngũ cách mạng tiến hành phá hoại lật đổ từ bên trong, tháng 3 năm 1939, Mađơrit đã thất thủ, chính phủ cộng hòa bị lật đổ, Tây Ban Nha rơi vào sự thống trị phản động của Phơrăngcô.

Picatxô biết rằng bọn Phơrăngcô rất căm thù bức tranh Ghiecnica. Để bảo tồn tác phẩm đó, ông đã tặng bức họa cho Bảo tàng nghệ thuật hiện đại NiuOóc. Bức tranh được bảo quản ở Mỹ 42 năm, mãi đến năm 1981 mới được đưa về Tây Ban Nha với sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát quân sự.

Tháng 9 năm 1944, Pari lại trở về tay nhân dân Pháp, đúng năm ấy Picatxô gia nhập Đảng cộng sản Pháp. Ông tâm sự:

- Vào Đảng cộng sản là kết quả tất yếu của toàn bộ cuộc đời và toàn bộ công việc của tôi. Điều mà tôi tự hào là tôi chưa bao giờ coi nghệ thuật là việc giải trí đơn thuần hoặc là để trốn tránh hiện thực. Tôi ước mong qua những đường nét và mầu sắc (vì đó là vũ khí của tôi) để có thể nhận thức được sâu sắc hơn về thế giới và nhân loại.

Tác phẩm mà Picatxô để lại có tới 1800 bức tranh sơn dầu, 3 vạn bản tranh khắc, 7000 bức ký họa phác thảo, có thể nói ông là bậc thầy lớn về hội họa có số lượng tác phẩm rất cao. Tuy có một số tác phẩm khó hiểu, nhưng cuộc đời của ông dám tìm tòi, dám sáng tạo, tinh thần hiến thân cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại thật đáng để người đời sau học tập. Mọi người tôn vinh ông là “Anhxtanh của giới mỹ thuật” hoàn toàn là tự tấm lòng yêu mến chân thành đối với ông.

DANH CA NGƯỜI DA ĐEN RÔBƠXƠN

“Bất kỳ ở đâu, chỉ cần nhân dân vui lòng nghe tôi hát, tôi sẽ hát vì hòa bình, hát vì cuộc sống”. Đó là lời của Pôn Rôbơxơn, một danh ca người da đen nổi tiếng của nước Mỹ.

Rôbơxơn (Paul Robeson 1898 - 1976) cao 1m90, vai rộng, thân thể cường tráng, cơ bắp nổi cuồn cuộn, da đen nhánh, hai mắt sáng quắc khiến những ai gặp anh đều có một ấn tượng tốt đẹp. Giọng ca nam trầm vừa tròn vừa mượt mà của anh có sức hấp dẫn lạ thường, khiến người nghe say sưa và nhớ mãi không quên. Nhưng anh không những chỉ là một danh ca được mọi người tán thưởng, anh còn là một nhà hoạt động xã hội được mọi người tôn kính. Suốt đời anh đã dành cho cuộc đấu tranh chống đế quốc, thực dân và sự áp bức chủng tộc, suốt đời phấn đấu vì tự do và nhân quyền của người da đen. Với phẩm chất cao thượng và bằng giọng hát ngọt ngào anh đã có những cống hiến vĩ đại cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại.

Thân phụ của Rôbơxơn xuất thân là một mục sư người da đen làm nô lệ trong một đồn điền. Đó là một nghề rất cao quý trong những người da đen ở nước Mỹ thời bấy giờ. Rôbơxơn lên 6 tuổi đã mồ côi mẹ, từ đó anh lớn lên với sự nuôi dạy của bố. Bố anh rất yêu anh nhưng ông cũng rất nghiêm khắc. Từ khi anh vào bậc tiểu học, ngày nào ông cũng bắt anh báo cáo về tình hình học tập. Ông biết tiếng la tinh và môn đại số nên Rôbơxơn không thể nói dối ông được.

Có một học kỳ Rôbơxơn đạt điểm ưu 6 môn và 1 điểm khá. Xem xong bảng điểm, bố anh không vui, ông hỏi con:

- Một môn khá là thế nào đây!

Rôbơxơn vội vàng giải thích:

- Thưa cha, kết quả học tập của con khá hơn các bạn cùng lớp. Thầy giáo khen con học giỏi đấy chứ.

Bố anh tiếp tục cằn nhằn:

- Nhưng cái điểm khá này. . . chúng ta phải biến nó thành điểm ưu mới phải chứ.

Cho đến khi Rôbơxơn vào đại học, ông vẫn nghiêm khắc với con như thế. Một lần ông nhìn thấy một môn học của con dưới 95 điểm ông đã hỏi con về nguyên nhân.

Rôbơxơn ngượng nghịu trả lời:

- Thưa cha, môn này con cũng đạt 90 điểm, như vậy có thể coi là tốt rồi, bởi vì không ai đạt được 100 điểm.

Bố anh điềm tĩnh và hơi châm biếm nói:

- Đúng đấy! Nếu không có ai đạt 100 điểm, vậy đặt điểm 100 để làm gì?

Rôbơxơn yên lặng một lúc, anh cảm thấy lời của bố là đúng, anh nghĩ nếu chưa đạt được điểm 100, chắc bố anh chưa hết cằn nhằn. Vì thế anh đã ghi sâu lời dạy của bố, dù thầy giáo và bạn bè ca ngợi, anh không bao giờ dương dương tự đắc; thành tích học tập của anh luôn là số một trong lớp.

Khi Rôbơxơn học luật ở trường đại học Côlômbia, không những anh học giỏi, anh còn là một danh thủ thể thao: đội trưởng đội bóng đá, trung phong đội bóng rổ, đánh bóng chầy rất linh hoạt thành tích ném đĩa được mọi người khâm phục. Anh có chân trong đội tuyển của 13 trường đại học về 4 môn thể thao trên. Anh còn có sở trường về ca hát và diễn kịch nhưng cơ hội để anh trổ tài về mặt này còn ít. Giờ rảnh rỗi của anh phần lớn ở trên sân vận động.

Rôbơxơn đá bóng rất giỏi. Anh là cầu thủ chuyên nghiệp của Liên đoàn bóng đá quốc gia. Cứ cuối tuần lại thấy anh xuất hiện trên sân bóng. Với cơ thể nặng gần một tạ, anh luôn cơ động trên sân cỏ, đủ để ngăn chặn những đợt tấn công của đối phương, tên tuổi của anh đã hấp dẫn những người mê bóng đá. Môn quyền Anh, Rôbơxơn cũng rất cừ. Có người đề nghị anh nhận làm tuyển thủ quyền Anh chuyên nghiệp và bảo đảm rằng anh sẽ nhiều tiền, nhưng anh từ chối bởi vì bố anh luôn răn dạy anh không nên theo đuổi nghề nguy hiểm. Năm 1923, Rôbơxơn 25 tuổi đã tốt nghiệp khoa luật trường đại học Côlômbia. Anh hoàn toàn có thể làm một vận động viên chuyên nghiệp và có thể kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng anh không theo con đường đó. Anh quyết định làm nghề luật sư để bảo vệ quyền lợi cho người da đen. Mấy tháng sau anh về làm việc cho một sở pháp luật.

Một cơ hội ngẫu nhiên đã làm cho Rôbơxơn gần gũi với kịch và âm nhạc. Có một lần một ca sĩ trong tốp ca 4 bè bị ốm, Rôbơxơn đã phải biểu diễn thay. Mặc dầu anh chưa trải qua huấn luyện chuyên nghiệp về ca hát, nhưng anh đã phối hợp rất thành công, được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Sau đó anh lại thành công trong một số buổi diễn kịch nghiệp dư.

Một buổi tối tháng 5 năm 1924, Rôbơxơn chính thức tham gia biểu diễn tại nhà hát Prôenxtan ở Niu Oóc, anh đã đóng vai một sinh viên trẻ học luật trong vở kịch “Tất cả những đứa con của Thượng đế đều có cánh”. Trước khi mở màn, khán giả bàn tán xôn xao về người vận động viên bóng đá mà họ rất quen thuộc:

- Tôi đã xem Rôbơxơn đá bóng, tài nghệ bóng đá của anh khỏi phải bàn. Nhưng liệu anh có diễn kịch được không?

- Anh là một nhà diễn thuyết thiên tài, nhưng diễn kịch và diễn thuyết khác nhau, e khó mà thao thao bất tuyệt!

Buổi diễn bắt đầu, và điều bất ngờ là Rôbơxơn diễn rất thành công. Sự diễn xuất tài nghệ của anh đã làm rung động trái tim người xem. Mọi người vỗ tay như điên cuồng, các nhà bình luận kịch cũng nhanh chóng viết bài ca ngợi “anh đã bộc lộ tài hoa của mình trong một vở kịch vĩ đại”, “ngoài cái dáng vẻ đặc biệt, hiếm thấy có một sức thuyết phục phong phú và rõ nét”, “giọng của anh thật là hiếm thấy”.

Nhưng sở trường nhất của Rôbơxơn là ca hát. Tài năng của anh về mặt này rất nhanh chóng được mọi người phát hiện, đến nỗi tháng 4 năm 1925, khi đưa tin anh sẽ biểu diễn trong một đêm nhạc đơn ca tại Nhà hát Gơrinuyt thì vé đã được tranh nhau mua hết sạch.

Buổi biểu diễn hôm đó nhà hát Gơrinuyt diễn ra một cảnh tượng chưa từng có, rất nhiều người đứng chen chúc trước cửa, chỉ mong mua được một tấm vé đứng. Bài hát đầu tiên mà anh biểu diễn là bài “Đi nhé, Môise” Môise là một lãnh tụ xa xưa của người Do Thái trong “Kinh thánh” đạo Do Thái và đạo Cơ đốc. Ông đã dẫn những người Do Thái đang làm nô lệ ở Ai Cập, trở về quê hương của họ. Với giọng nam trầm sâu lắng và thoải mái, Rôbơxơn hát:

Đi nhé, Môise,

Trên mảnh đất Ai Cập,

Nói với các Pharaôn già nua:

Hãy để cho - nhân dân - của tôi - tự do!

Tiếng hát ngọt bùi đã dứt, nhưng khán giả vẫn chìm đắm trong âm nhạc, mấy giây sau mới nổi lên những tràng vỗ tay rầm rộ.

Hát xong bài đã định, đáp lại lời yêu cầu rất nhiệt tình của khán giả, Rôbơxơn lại hát tiếp hết bài này đến bài khác, hát mãi cho đến khi anh mệt chỉ còn có thể cúi gập người chào khán giả. Mọi người tấm tắc khen, mỉm cười với nhau, có người quên cả lau nước mắt.

Buổi biểu diễn thành công rất lớn đã khiến cho Rôbơxơn chỉ một bước trở thành một ngôi sao mới trong ca đàn nước Mỹ. Một tờ báo có ảnh hưởng sâu rộng là “Thời báo Niu Ooc” đã bình luận:

- Rôbơxơn là một ca sĩ thiên tài. Giọng của anh mềm mại và hấp dẫn, âm vực sâu và rộng. Song điều cuốn hút lòng người vẫn là những tình cảm chân thành mà anh đã diễn đạt được. Lời kêu gọi, từ trong tim phổi của anh, thực sự đã khuấy động trái tim của mọi người. Tiếng hát đã diễn đạt sự đau thương và niềm hy vọng của cả một chủng tộc.

Từ đó ca hát chính thức trở thành nghề nghiệp của anh. Anh sang châu Âu tổ chức buổi biểu diễn âm nhạc, cũng được mọi người nhiệt liệt tán thưởng. Đặc biệt năm 1928 biểu diễn vở kịch “Du thuyền” tại nhà hát hoàng gia Luân Đôn càng làm cho anh trở thành ngôi sao ca nhạc Âu Mỹ nổi tiếng.

“Du thuyền” là một vở ca kịch vui. Trong vở kịch Rôbơxơn đóng vai một người tên là Jiu. Jiu là một người đàn ông trung niên tóc bạc, da đen và lưng còng, ông ta làm nghề khuân vác những bị bông từ cầu tàu lên tàu. Trong việc bốc vác như khổ sai không bao giờ kết thúc ấy, ông ta đã căm phẫn hát lên bài ca “820 sông người già”, bài ca nói lên những đau khổ buồn phiền của người da đen, ca ngợi con sông Mitxixipi đang tự do tuôn chảy.

Chúng ta đau khổ mệt nhọc biết bao,

Vừa sợ phải chết vừa không muốn sống.

Nhưng con sông người già ơi,

Vẫn mãi mãi tuôn chảy

Bài hát đã rung động sâu xa trái tim của khán giả. Tiếng hát vừa dứt cả rạp hát đã vang lên tiếng vỗ tay như sấm dậy mà từ trước tới nay chưa bao giờ có. Tờ “Tin nhanh hàng ngày” nổi tiếng ở Luân Đôn viết: “Rôbơxơn là một thiên tài người da đen” “Ông không những là một diễn viên lớn, một ca sĩ lớn. Ông còn là một vĩ nhân, ông đã sáng tạo ra một linh hồn dân tộc đang bị cầm cố và nói với chúng ta rằng: Cái linh hồn đó có quan hệ huyết thống thật sự với những linh hồn đang bị trói buộc của nhân loại. Chúng ta chỉ là những đứa bé bái phục trước thiên tài siêu nhân của ông”.

Để giúp nhiều người hiểu được người da đen, hiểu được tiếng nói của người da đen trong bài hát của anh, Rôbơxơn đã học thêm tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức. Trong va li của anh luôn có mấy cuốn sách giáo khoa của Học viện ngôn ngữ phương Đông Luân Đôn. Thậm chí anh còn thử phát hiện 2 ngôn ngữ cổ đại châu Phi có những điểm dị đồng với tiếng Nga và tiếng Trung Quốc. Vì vậy trong quá trình anh đi diễn lưu động mỗi khi anh hát bằng ngôn ngữ quen thuộc với người địa phương thì mọi người hò hét nhảy múa thật nồng nhiệt.

Tuy Rôbơxơn nổi danh Âu Mỹ nhưng ông vẫn không thoát khỏi số phận của sự phân biệt chủng tộc. Trong các đêm biểu diễn ca nhạc, ông ra vào ở những phòng ca nhạc lộng lẫy nhất, nhưng những lúc xuất hiện đó đây với tư cách là một người da đen thì cần một cốc nước ông cũng bị từ chối, thậm chí không được tự do ăn ở những quán cơm dành cho người da trắng.

Một hôm ông đang đi trên đường phố Philađenphia nước Mỹ, đột nhiên có một người da trắng hỏi ông với giọng nhút nhát:

- Thưa ngài, ngài có thể cho tôi một hào được không?

Rôbơxơn nhìn người xin tiền. Ông ta không già, không bẩn thỉu, chỉ có khuôn mặt hiện lên sự đói khát, đôi môi tím ngắt vì lạnh, quần áo rất mỏng manh. Thấy Rôbơxơn chưa kịp trả lời, người đó nói tiếp:

- Thưa ngài, chỉ một hào thôi!

Rôbơxơn thầm nghĩ, một hào sao đủ ăn một bữa cơm? Ông liền mỉm cười nói:

- Nè! Tôi cũng đi ăn trưa đây, ông đồng ý cùng đi với tôi chứ!

Nét mặt người ấy lộ ra nụ cười sung sướng, Rôbơxơn nhìn quanh và tìm thấy gần đấy có một quán cơm nhỏ yên tĩnh, ông cảm thấy vào đấy thì đối phương sẽ không cảm thấy gò bó, bèn chỉ vào quán nói:

- Chúng ta đến quán kia nhé!

Vào quán, Rôbơxơn tìm một góc ít người chú ý đến để tiện trò chuyện với người ấy. Đầu óc ông đang tập trung suy nghĩ nên nói những chuyện gì nên không hề chú ý đến vẻ mặt của người tiếp viên vừa đón từ cửa dẫn vào. Sau khi ngồi vào bàn ông mới phát hiện người tiếp viên đã đứng bên cạnh, liền nói:

- Đem cho tôi…

- Không, ở đây chúng tôi không phục vụ người da đen!

Thì ra người tiếp viên đến với mục đích đẩy ông ra cửa.

Nghe câu nói đó, mắt Rôbơxơn đỏ ngầu như lửa. Trông vẻ ông như muốn giang tay tát cho người tiếp viên, vặn nát cái cổ khẳng khiu của y. Thân hình to lớn của Rôbơxơn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Nhưng ông đã kịp trấn tĩnh lại đẩy ghế vào bàn, đứng lên, rút ví tiền ra, nhìn người tiếp viên nói:

- Tôi không cần anh phục vụ, còn người này thì ở lại ăn cơm.

Nói xong ông đặt một xấp tiền lên bàn rồi rảo bước ra khỏi quán cơm.

Người da trắng xin tiền ông đứng trước cảnh khó chịu ấy cũng nhanh chóng cầm lấy tiền, đứng dậy đi theo Rôbơxơn. Ra đến cửa, ông dừng lại vươn người hét to lên với mọi người có mặt trong quán ăn:

- Tôi ở lại ăn thì sẽ chết vì nghẹn!

Nhưng ra khỏi cửa ông ta không tìm thấy Rôbơxơn nữa.

Sự việc chính ông nếm trải trên đây như chích sâu vào trái tim Rôbơxơn khiến ông nghi ngờ nền văn minh phương Tây. Từ đó ông nẩy ra ý nghĩ: phải đi thăm Liên Xô xã hội chủ nghĩa để xem những người dân bình thường ở đó sống như thế nào, có nạn phân biệt chủng tộc hay không.

Cuối năm 1934 Rôbơxơn đã thực hiện nguyện vọng thăm đất nước Xô viết. Ông phát hiện ra rằng ông đi trên phố Matxcơva không hề gặp những ánh mắt khinh rẻ lạnh lùng, không hề gặp một cử chỉ nào khiếm nhã với ông.

Sau khi thăm Liên Xô trở về, suy nghĩ của ông có nhiều thay đổi. Ông thường xuyên đến với quần chúng lao khổ để hát, để diễn những vở kịch thể hiện nguyện vọng của nhân dân lao động, quay những cuốn phim phản ánh đời sống của người đa đen. Ông dã đem lại câu trả lời chiến đấu cho “Con sông người già”, câu hát trong bài “Chúng ta đau khổ mệt nhọc biết bao, vừa sợ chết, vừa không muốn sống” được ông sửa lại “Nhưng, tôi vẫn lạc quan, tiếp tục chiến đấu, cho đến khi từ giã cõi đời”. Với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc, nhân dân Tây Ban Nha và nhân dân châu Phi, ông đều bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ. Cuối những năm 40 vì ông không chịu hợp tác với ủy ban công tác đặc biệt của Quốc hội Mỹ và vì bài diễn văn tiến bộ của ông tại Đại hội hòa bình thế giới họp tại Pari ông đã bị Chính phủ Mỹ hãm hại.

ĐẠI DANH HÀI SAPLIN

Nhắc đến Saplin, mọi người liền nghĩ tới hình ảnh một kẻ lang thang vừa đáng yêu, vừa buồn cười do ông diễn: hắn mặc một bộ quần áo nhầu nát, đi một đôi giày rất to, tay chống gậy, đầu đội mũ phớt tròn, mấy chòm ria mép dưới mũi ông. Mỗi cử chỉ của “y” đều đem lại tiếng cười cho khán giả, nhưng cảnh ngộ của “y” luôn đem lại sự đồng tình và nước mắt của khán giả.

Sáng tạo ra hình tượng “tiểu nhân vật” đó, Saplin không dựa vào sự không tưởng mà đó chính là xuất thân, cuộc đời và cảnh ngộ đích thực của ông.

SáclI Saplin ra đời trong một gia đình diễn viên hài kịch tại Luân Đôn (nước Anh). Do chịu ảnh hưởng của cha mẹ, từ bé Saplin đã yêu nghệ thuật, anh ước ao sau này sẽ trở thành diễn viên. Không may bố anh mất sớm, mẹ anh mắc bệnh tâm thần, Saplin còn thơ ấu đã phải gửi vào Trường trẻ mồ côi cho dân nghèo. Ở đó ăn không no, mặc không ấm, quanh năm đói rét. Năm lên 7, anh rời Trường trẻ mồ côi, trở thành kẻ lang thang. Anh lang thang trên đường phố xin ăn, có thể ngủ ở bất cứ chỗ nào, sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn là khỏi đói. Anh đã đi bán báo, phục dịch ở các hiệu tạp hóa, bán đồ chơi, giúp việc cho thầy thuốc, thợ “nhí” thổi thủy tinh, quét nhà cho các nhà hàng giải trí.

Dù cuộc sống khó khăn và gian khổ, anh vẫn không từ bỏ ý muốn làm diễn viên. Một tối nọ, anh đang quét nhà trong một cửa hàng giải trí thì ông chủ hoảng hốt chạy tới, nói với anh rằng có một việc không vui đã xẩy ra: một diễn viên hài chủ chốt bị ốm rất cần người thay thế. Ông chủ bảo Saplin thử xem để cứu nguy, Saplin vui vẻ nhận lời. Nhưng diễn viên hài kia thì thân hình to lớn. Chiếc áo khoác ngoài của anh ta Saplin mặc vào vừa dài vừa rộng, chiếc quần thì không khác gì chiếc bao tải, mặc vào lùng thà lùng thùng, hai chiếc giầy to kéo lê trên mặt đất, còn cái mũ thì chóp quá bé. Vừa xuất hiện trên sân khấu, khán giả đã nhìn thấy một người lùn thấp, lại mặc quần của các hảo hán trông hệt như một chú bé lang thang, cả rạp cười rộ lên. và cứ thế ông đã diễn mấy đêm liền. Cũng do từ bé trải qua cuộc sống lang thang nên dần dần Saplin đóng vai chú bé lang thang ngày càng sống động.

Năm 1907, Saplin 17 tuổi, do sự tiến cử của chủ Đoàn kịch hề cười Luân Đôn, ông tham gia diễn vở Đấu bóng và thành công, cuối cùng ông chính thức trở thành diễn viên của Đoàn hài kịch.

Ba năm sau, Saplin cùng với Đoàn kịch sang Mỹ biểu diễn. Do tài nghệ diễn xuất cao ông đã “lọt vào mắt xanh” của Công ty điện ảnh khôi hài Mỹ, họ đã mời ông ký hợp đồng đóng 3 bộ phim. Từ đó ông đi vào con đường của một diễn viên điện ảnh. Ông vừa đóng phim vừa khổ luyện về kỹ xảo điện ảnh và phương pháp biểu diễn. Ông đã coi những người có kinh nghiệm là thầy của ông, trong đó có những người thợ may, công nhân cuốn thuốc lá, chiêu đãi viên và những kẻ lang thang… Ông đã học ở họ rất nhiều lời ăn tiếng nói sinh động và lý thú, tích lũy cho mình những tư liệu sống quý báu. Mặc dầu ông chỉ học qua 2 năm tiểu học nhưng do ông chịu khó tự học, đọc nhiều tác phẩm văn học, triết học và nghệ thuật nên không ngừng bổ sung kiến thức nghệ thuật cho mình. Nhiều bộ phim do ông tự biên, tự đạo diễn và tự diễn sau khi ra mắt khán giả, như “Tìm con gặp tiên” “Tìm vàng” “Ánh sáng đô thành” “Thời đại mô-đéc” đã từng bước đưa ông trở thành ngôi sao màn bạc được quần chúng hoan nghênh nồng nhiệt.

Saplin bước vào hoạt động sân khấu đúng vào thời điểm manh nha của Đại chiến thế giới lần thứ hai. Một hôm ông đọc trên báo hay tin Hitle cấm chiếu trên nước Đức những bộ phim của Saplin bởi lẽ hình ảnh của Saplin quá giống Hitle - Ông cảm thấy buồn cười khi đọc tin ấy. Đúng như vậy, với bộ quần áo của chú bé lang thang, thêm bộ râu con kiến trông hơi ngô nghê ông giống hệt Hitle. Thêm vào đó, không những Saplin giống Hítle vẻ bên ngoài mà còn sinh cùng năm, cùng tháng chỉ cách nhau 4 ngày, nhưng số phận của họ thì xa nhau một trời một vực. Một tên thì đem lại đau khổ và tai họa cho hàng trăm triệu người, một người thì đem lại niềm vui và tiếng cười cho hàng trăm triệu người. So sánh với Hitle, bỗng nhiên Saplin nảy ra một ý nghĩ: “Hitle là một thằng điên, tôi là một diễn viên, nhưng phải chăng có thể đảo ngược lại…” ông đã chuẩn bị quay một bộ phim để chế diễu châm biếm con quỷ độc ác châu Âu. Ông đặt tên cho cuốn phim là “Tên đại độc tài”. Và thế là ông tạm ngưng những bộ phim đang chuẩn bị quay để biên soạn kịch bản cho bộ phim mới. Ông đã tận dụng mọi khả năng thu thập các đoạn phim thời sự về Hitle thời lượng tới mấy tiếng đồng hồ. Ông đã bắt chước mọi cử chỉ, động tác của Hitle cho đến khi diễn xuất giống hệt y ông mới cho quay.

Trong bộ phim “Tên đại độc tài”, Saplin đã đóng hai vai: vai Hitle và vai ông thợ cắt tóc người Do Thái. Ông còn mời một diễn viên người Airơlen đóng vai Mutxôlini. Trong vai người thợ cắt tóc, Saplin vẫn mặc một chiếc quần lùng thùng, đi đôi giày to quá cỡ, đi lạch bạch như một con vịt. Ông không muốn từ bỏ hình ảnh chú bé lang thang. Với vai diễn đó, cuộc đời của ông đã có được hạnh phúc và vinh dự, khiến cho bản thân ông cũng như hàng triệu hàng triệu người trên trái đất sống những giờ phút vui vẻ nhất.

Saplin đã dành trọn vẹn hai năm để quay bộ phim châm biếm bọn Nazy ấy, tiêu tốn hai triệu đô la. Bộ phim quay xong thì Đại chiến thế giới lần thứ hai đã bùng nổ. Một số phần tử phát xít viết thư cho Saplin đe đọa ông. Bộ phim chiếu ở bất cứ ở rạp nào đều bị bọn phát xít ném lựu đạn xông mùi hôi thối hoặc bắn thủng màn ảnh. Saplin không có cách nào khác, phải mời công nhân bến tàu đến rạp để duy trì trật tự.

Cuối cùng thì “Tên đại độc tài” đã được chính thức chiếu tại hai rạp hát ở Niu Oóc. Quần chúng đến xem như điên loạn. Mọi người đều không nhịn được cười khi thấy hình ảnh tên đại độc tài Hitle. Hai rạp trên đã chiếu bộ phim trong 15 tuần liền, buổi chiếu nào cũng chật ních người. Bộ phim đã thôi thúc một số nhà điện ảnh và cả bọn Nazy lên tiếng công kích: Họ đưa lên báo chí những lời lẽ cay độc đối với Saplin. Nhưng dù họ tuyên truyền ác ý đến đâu, bộ phim “Tên đại độc tài” vẫn tiếp tục được chiếu ở hai nước Anh và Mỹ, hơn thế còn vượt kỷ lục về lượng vé.

Một buổi tối nọ, Saplin được mời đến vũ trường “Cô gái cách mạng” tại Oasinhtơn để diễn lại đoạn kết thúc bộ phim tên đại độc tài”. Đó là buổi phát thanh toàn quốc. Lúc ấy nước Mỹ chưa tham gia vào chiến tranh nên tối hôm ấy vũ trường có rất nhiều phần tử Nazy. Khi Saplin cất giọng, chúng cố tình ho ầm ĩ. Saplin bất chấp sự đe dọa và náo động của chúng, vẫn đọc hùng hồn hiên ngang và khảng khái đoạn kết của bộ phim:

- Tôi phải nói với những người đang lắng nghe tiếng của tôi rằng không nên tuyệt vọng. Sự cực khổ của chúng ta ngày nay chẳng qua chỉ là thuốc độc trút lên đầu chúng ta bởi những kẻ run sợ trước sự tiến bộ của nhân loại và chúng sắp đến ngày tận thế, chúng muốn thỏa mãn lòng tham của chúng: Kẻ độc tài sẽ bị diệt vong, nỗi hận thù sắp tiêu tan. Chúng ta đang đi vào một thế giới mới - một thế giới đáng yêu hơn!...

Cả cuộc đời mình, Saplin đã quay và đóng vai chính hơn 80 bộ phim. Những bộ phim đó đã dùng thủ pháp hài kịch, lấy tiếng cười hòa với nước mắt của quần chúng để nói lên nỗi bất hạnh và khổ cực của những người dân ở dưới đáy của của xã hội tư bản. Thành tựu nghệ thuật và tiết tháo cao thượng của ông mãi mãi in sâu vào ký ức của nhân loại.