Thế giới 5000 năm

 Người Đi Tiên Phong Vào Vũ Trụ

 NGƯỜI ĐI TIÊN PHONG VÀO VŨ TRỤ

“Trái đất là cái nôi của nhân loại, nhưng con người không thể sống mãi trong nôi. Họ phải không ngừng chinh phục thế giới và không gian sinh tồn, thoạt đầu hết sức thận trọng xuyên qua tầng khí quyển, sau chinh phục cả thái dương hệ”.

Đoạn danh ngôn này là của nhà khoa học Nga. Ông chính là Xiôncôpxki Người đi tiên phong vào vu trụ. Cha của Xiôncôpxki là một người trông coi rừng. Bảy tuổi, Xiôncôpxki cắp sách đến trường, học hành không chăm chỉ lắm. Hết năm học kết quả thi của cậu không tốt, cố mãi mới được lên lớp.

Nhưng cậu bé này lại sớm có óc tưởng tượng phi thường. Một lần, mẹ cậu cho cậu một quả bóng hơi. Thứ đồ chơi có thể bay lên không trung này làm cho cậu rất thích thú. Cậu thường mải mê ngắm nhìn nó, trong bụng nghĩ nếu được ngồi lên để bay lên bầu trời đầy sao, nơi chưa ai đến bao giờ thì hay biết bao nhiêu!

Năm 1867, Xiôncôpxki 10 tuổi, mắc bệnh tinh hồng nhiệt, di chứng để lại sau khi khỏi bệnh thật khủng khiếp. Hai tai hầu như không nghe thấy gì. Từ đó, cậu thành người nửa điếc, không thể đi học được nữa, đành phải ở nhà. Việc giáo dục của nhà trường đối với nhà khoa học vũ trụ tương lai này chấm dứt ở đây.

Thật hoạ vô đơn chí. Sau đó hai năm, người mẹ luôn luôn tận tình chăm sóc cậu không may đã qua đời. Xiôncôpxki chìm trong đau khổ, thường một mình đến khóc bên mộ mẹ trong rừng bạch dương. Được cha khuyên bảo nhiều lần, cậu mới dần dần nguôi ngoai.

Mặc dù vậy, cậu vẫn cảm thấy cô đơn. Một buổi tối, trăng sáng vằng vặc, cậu từ cửa sổ gác xép tầng trên cùng chui ra, ngồi trên mái nhà ngẩng nhìn bầu trời. Trời đêm mênh mông, trăng sáng trong, khi ẩn khi hiện giữa đám mây, muôn triệu vì sao nhấp nháy như đang vời gọi cậu lên chơi.

Ơi Bầu trời! Ơi những vì sao! Các bạn sao giống ta thế nhỉ, chẳng nghe thấy âm thanh gì có lẽ chúng ta đều là những kẻ điếc? Có lẽ các bạn cũng cảm thấy buồn tẻ như ta. Thôi được, để ta cưỡi một con chim lớn bay lên chỗ các bạn cùng nô đùa.

Sáng hôm sau, Xiôncôpxki lúi húi đi tìm các thanh gỗ, các mảnh bìa cứng. Hì hục mấy ngày, Xiôncôpxki làm được một con chim thật to, nhưng nó làm sao bay lên được? Điều này khiến cho cậu buồn rầu.

Năm 14 tuổi, Xiôncôpxki tìm được trong số sách cũ của cha mấy quyển về khoa học tự nhiên. Tò mò cậu đem ra đọc, càng đọc càng thấy say mê. Những trang sách mở ra trước mắt cậu một vũ trụ thu nhỏ mà trước nay cậu chưa hề biết tới.

Hừ, té ra muốn bay lên trời phải có thật nhiều kiến thức khoa học!

Từ đó, Xiôncôpxki cứ theo những điều trong sách dạy, mày mò làm đủ các thứ mô hình nào là ô tô chạy bằng hơi nước, những quả bóng hơi bằng giấy, cối xay gió v. v. Trong quá trình đó, cậu cũng dần dần học được nghề xây, nghề nguội và kỹ năng sử dụng các công cụ.

Một lần, đọc xong một quyển sách về trắc lượng học, cậu đã phỏng theo hình vẽ trong sách làm ra một chiếc máy đo đạc. Chiếc máy này có thể đo đạc được không nhỉ? Độ chính xác của nó thế nào? Nghĩ vậy, cậu quyết định mang đi thử. Cậu đem cái máy ra đo cự ly từ nhà đến một đài quan sát ở phía trước, sau đó dùng chân đo lại từng mét, từng mét. Trẻ con trên đường phố thấy cậu làm như vậy lẽo đẽo đi theo sau, vừa nhảy vừa cười, cậu cũng không mảy may để ý. Khi cự ly thực tế đo được và cự ly đo bằng máy giống nhau, cậu phấn khởi nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy một cậu bé rồi kêu lên:

- Cái máy này rất tốt, bạn phải tin nó! Con người, cái gì cũng phát minh ra được, bạn có biết không?

Thấm thoắt Xiôncôpxki đã 16 tuổi. Cha cậu thấy phải bàn với cậu chuyện tương lai.

- Con ơi, rồi đây con định làm gì?

- Thế mà bố phải hỏi. Con muốn làm nhà khoa học, con muốn phát minh sáng tạo!

Cha cậu mỉm cười:

- Con ảo tưởng quá. Muốn làm nhà khoa học, muốn phát minh, sáng tạo thì phải học Đại học. Bố lấy đâu tiền để cho con đi học Đại học? Vả lại, dù có tiền đi nữa, con chưa học Trung học, tai còn có bệnh, trường Đại học nào chịu nhận con? Bố nghĩ con nên học lấy một nghề, rồi ra làm một công việc gì đó.

- Không, con không làm công việc gì khác! - Xiôncôpxki khăng khăng nói:

- Bố, bố cho con đi Matxcơva đi, ở đó có nhiều học giả và giáo sư, họ sẽ giúp con. Nếu không thì con đi thư viện, ở đó con tự học. Con tin tưởng sẽ thành công.

Không còn cách nào khác, người cha đành gật đầu đồng ý. Nhưng ông cho con biết mỗi tháng chỉ có thể cung cấp sinh hoạt phí từ 10 đến 15 rúp.

Đến Matxcơva, chàng thanh niên Xiôncôpxki tứ cố vô thân, đến ở nhờ nhà một người đàn bà nghèo làm nghề giặt quần áo. Sáng sớm hôm sau, cậu đã tìm tới Thư viện Sentốp. Sách ở đây quá nhiều, cậu vừa ngạc nhiên vừa phấn khởi. Cậu tần ngần không biết nên đọc quyển nào trước.

Phêđôrốp, người quản lý Thư viện là một người tri thức rất phong phú, đối xử với người khác cũng rất trung hậu, nhiệt tình. Chí lớn của chàng thanh niên đứng trước mặt ông làm cho ông cảm động, ông khuyên Xiôncôpxki định ra trước một kế hoạch đọc sách. Từ đó, những sách về toán học, vật lý học, cơ giới học, hoá học, thiên văn học v.v. theo cùng Xiôncôpxki hết ngày nọ đến đêm kia.

Xiôncôpxki trung học cũng chưa qua, nay lại tự học những giáo trình lý thuyết cao sâu như thế này thì rõ ràng là vất vả vô cùng. Nhưng cậu vững tin: Người khác có thể viết ra những quyển sách như thế này, chắc chắn mình cũng có thể đọc và hiểu được nó. Được sự hướng dẫn tận tình của Phêđôlốp, cứ như thế, từ chỗ không hiểu đến chỗ hiểu, Xiôncôpxki dần dần nắm được những lý thuyết cao sâu này.

Để tiết kiệm chi tiêu và thời gian, cứ ba ngày Xiôncôpxki đến hiệu bánh mì mua bánh mì một lần. Tiền còn thừa, phần lớn dùng mua sách và đồ dùng thực nghiệm. Vì ăn kém ngủ ít, anh bị yếu đi rất nhiều.

Ba năm đã trôi qua. Biết tình hình của con ở Matxcơva, người cha rất đau lòng. Ông viết thư cho con bắt con phải về. Xiôncốpxki không làm thay đổi được ý định của cha, đành phải quay về quê.

Về nhà chưa được hai năm, qua các kỳ sát hạch, Xiôncốpxki được nhận làm giáo viên. Mùa đông năm 1879, anh đến Caluga dạy số học, đại số và vật lý ở một trường sơ cấp kỹ thuật.

Ngoài giờ dạy học, Xiôncốpxki dốc sức nghiên cứu các thứ lý thuyết về vũ trụ.

Năm 1881, sau khi nghiên cứu lý thuyết vận động của thể khí, Xiôncốpxki 24 tuổi đã viết bản luận văn khoa học đầu tiên và gửi đến Hiệp hội vật lý hóa học, Pêtécbua: Ít lâu sau, anh nhận được ý kiến đánh giá của Hiệp hội về bản luận văn: “Luận văn không có nội dung gì mới, kết luận cũng chưa hoàn toàn chính xác. Nhưng qua luận văn, thể hiện rõ tác giả có năng lực tương đối khá và tinh thần hăng say lao động. Vì vậy, mong tác giả tiếp tục tự bồi dưỡng”.

Hóa ra vấn đề Xiôncốpxki nghiên cứu, từ lâu người ta đã giải quyết rồi. Anh không nắm được những thông tin khoa học nên đã lặp lại công việc người khác đã làm. Nhưng anh không nản lòng. Ít lâu sau, Xiôncốpxki viết bản luận văn thứ hai “Lực học cơ thể sinh vật”. Bản luận văn được một nhà sinh vật học nổi tiếng đánh giá tốt, do đó anh cũng được bầu làm hội viên của Hiệp hội Vật lý - Hóa học.

Được sự cổ vũ của thành công đầu tiên, năm 1883 Xiôncốpxki viết tiếp luận văn “Không gian tự do”, lần đầu tiên nêu ra nguyên lý tàu vũ trụ phải lợi dụng phản lực và vẽ bản phác thảo sơ đồ đầu tiên của con tàu vũ trụ. Trong luận văn này, lần đầu tiên Xiôncốpxki còn nói đến vệ tinh nhân tạo của trái đất: giống như mặt trăng, nó ngoài tầng khí quyền, nhưng lại rất gần trái đất; nó có thể thành “trạm khởi hành” và “trạm tiếp nhiên liệu” của con tàu vũ trụ tương lai, cũng có nghĩa đó là một sân bay vũ trụ. Có nó, con người có thể tiến thêm một bước trong việc chinh phục không gian vũ trụ.

Sau đó ít lâu, Xiôncốpxki tập trung chú ý vào việc thiết kế phi thuyền, viết công trình “Lý thuyết khí cầu và thực nghiệm”- Ông đã gửi sơ đồ thiết kế và mô hình phi thuyền mà ông đã dày công sáng tạo cho nhà hóa học kiệt xuất Menđêlêép. Sau khi nghiên cứu kỹ, Menđêlêép giới thiệu nó với ngành hàng không. Nhưng các viên chức của ngành hàng không đã coi thường, đem nó xếp xó.

Không được Chính phủ ủng hộ, kế hoạch chế tạo phi thuyền giữa chừng thất bại. Xiôncốpxki lại chuyển sang nghiên cứu máy bay. Năm 1894, ông công bố công trình nghiên cứu “Máy bay và máy phi hành hàng không” và thiết kế một loại “máy bay hình chim”. Hình dáng bên ngoài của loại máy bay này hoàn toàn phù hợp với những nguyên lý của động lực học hiện đại; thân máy bay dáng thuôn, đuôi cánh máy bay hình cong, phần đuôi có bộ phận điều khiển lên xuống. Đáng tiếc là thiết kế của ông vẫn không được các ngành liên quan coi trọng.

Khó khăn và trắc trở không làm cho Xiôncốpxki từ bỏ hoài bão của mình. Với nghị lực phi thường, ông kiên trì công tác nghiên cứu. Nam 1903, công trình nghiên cứu “Sử dụng (công cụ phản lực nghiên cứu không gian vũ trụ” đã góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu lý thuyết về vũ trụ bước vào một giai đoạn phát triển mới.

“Công cụ phản lực” của Xiôncốpxki thực ra chính là tên lửa. Trong công trình nghiên cứu này, trước tiên ông trình bày rõ lý thuyết về tên lửa, phân tích khả năng có thể dùng tên lửa vào việc liên lạc giữa các vì sao. Ông chỉ ra rằng, trong khoảng không vũ trụ không có không khí, khí cầu và máy bay đều không thể vượt ra ngoài tầng khí quyển trái đất, cho nên cũng không thể dùng chúng để đưa người và dụng cụ nghiên cứu khoa học ra ngoài phạm vi tầng khí quyền. Liệu có thể dùng đại bác bắn đạn bay vào vũ trụ được không? Cũng không được. Vì gia tốc khi đạn bắn ra sẽ gây tử vong cho người du hành, làm hỏng dụng cụ thí nghiệm khoa học. Cho nên biện pháp duy nhất là sử dụng tên lửa.

Theo Xiôncốpxki, tốc độ tên lửa khi rời mặt đất không nhanh bằng đạn đại bác, song trong quá trình bay nó dần dần gia tốc, cuối cùng có thể đạt đến tốc độ vượt ra khỏi tầng khí quyển của trái đất. Như vậy là sự an toàn của người và dụng cụ thí nghiệm đều được bảo đảm.

Vậy loại tên lửa này nên sử dụng nhiên liệu gì? Ông cho rằng phải sử dụng nhiên liệu thể lỏng. Lượng phát nhiệt của nhiên liệu thể lỏng lớn hơn lượng phát nhiệt của thuốc súng là nhiên liệu thể rắn, tốc độ khí lưu của phản lực cũng lớn hơn ở thể rắn. Ông tưởng tượng trong loại tên lửa này có hai hòm tách rời nhau, một hòm thì chứa Hyđrô hóa lỏng, một hòm thì chứa ôxi hóa lỏng, sau khi hai chất đó hỗn hợp lại thì lập tức sẽ cháy. Hơi đốt theo ống dẫn phụt ra với tốc độ cao đẩy tên lửa phóng lên.

12 năm sau, trong luận văn “Đi vào vũ trụ” Xiôncốpxki nêu ra sự tưởng tượng khoa học làm thế nào để tên lửa quay về trái đất. Khi quay trở về trái đất, tốc độ tên lửa cực nhanh, sự ma sát giữa nó và tầng khí quyển chung quanh sinh ra nhiệt độ cao sẽ đốt cháy tên lửa. Để tránh xảy ra hiện tượng này, Xiôncốpxki đề ra phương pháp sử dụng ôxi hóa lỏng để làm lạnh vỏ ngoài tên lửa. Điều này làm cho tên lửa có khả năng quay về trái đất an toàn.

Trong điều kiện lúc bấy giờ, những thành quả nghiên cứu này của Xiôncốpxki tất nhiên chưa thể ứng dụng vào thực tế, chỉ có thể là một sự nghiên cứu về lý thuyết.

Sau khi Cách mạng tháng Mười thắng lợi, công tác nghiên cứu của Xiôncốpxki được Chính phủ Xô Viết rất coi trọng. Năm 1918, các công trình khoa học của ông được tái bản. Năm sau, ông được bầu làm thành viên Viện nghiên cứu chủ nghĩa xã hội (trực thuộc Viện khoa học Liên Xô). Năm 1921, Chính phủ Liên Xô tôn vinh ông là chuyên gia hàng không và nhà khoa học, cấp cho ông tiền trợ cấp suốt đời.

Tuy đã là ông già 60 tuổi, Xiôncốpxki vẫn tiếp tục nghiên cứu về vũ trụ. Năm 1926, ông công bố luận văn “Đoàn tàu tên lửa”, nêu ra lần đầu tiên ý tưởng về tên lửa nhiều tầng, và kiến nghị dùng loại tên lửa này để khắc phục sức hút của quả đất, đạt được tốc độ cần thiết để đi vào khoảng không vũ trụ.

Tháng 9 năm 1935, Xiôncốpxki ngừng thở. 22 năm sau khi ông qua đời, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử vũ trụ phóng thành công. Ngày nay, hàng không vũ trụ đã thành hiện thực, và người ta mãi mãi sẽ không bao giờ quên những cống hiến kiệt xuất của Xiôncôpxki, người đi tiên phong vào vũ trụ.

MẸ CỦA RAĐI

Rađi là một nguyên tố hiếm. Nó không cần nhờ vào vật nào bên ngoài mới có thể phát quang, phát nhiệt, nó có năng lượng rất lớn. Sự phát hiện Rađi mở ra một lĩnh vực mới cho thế giới khoa học, từ đó ra đời môn phóng xạ học, thúc đẩy khoa học nguyên tử phát triển. Về sau, Rađi được dùng trong y học, đem lại hạnh phúc lớn cho nhân loại.

Câu chuyện về phát hiện ra Rađi đã bắt đầu như thế nào?

Mùa đông năm 1891, một nữ thanh niên Ba Lan gầy yếu một mình đến Pari.

Cô đi xe hạng tư đến Pari. Hành lý của cô là một chiếc hòm gỗ to màu nâu, trên viết hai chữ Ma. S viết tắt tên của Mari Scôlốpxca.

Ra khỏi ga, cô bước lên một chiếc xe ngựa công cộng hai tầng và leo lên tầng trên, không mái che nắng gió. Ngồi ở tầng này, chẳng những giá vé rẻ mà còn có thể ngắm nhìn thỏa thuê quang cảnh đường phố Pari.

Trong lúc xe ngựa chạy, cô rướn cổ ra tham lam quan sát mọi thứ chung quanh. Khi xe đến gần trường Đại học Pari, cô xuống xe vội vội vàng vàng chạy về phía “hoàng cung tri thức”.

“Trời! Ngày 3 tháng 11 khai giảng!” - Cô đọc tờ thông cáo dán trên tường gần trường Đại học, lòng tràn đầy vui sướng.

Năm nay Mari 24 tuổi. 16 tuổi, cô tốt nghiệp trường Trung học nữ sinh Vácxava với thành tích xuất sắc, được thưởng huy chương vàng. Lúc ấy, Ba lan đã bị 3 nước Nga, Phổ, Áo, chia cắt, phụ nữ ở Ba Lan không có quyền học Đại học. Gia cảnh túng bấn, không có điều kiện ra nước ngoài học lên, Mari về nông thôn làm gia sư 5 năm, dành dụm được ít tiền chuẩn bị đi Pari học Đại học. Bây giờ nguyện vọng của cô sắp được thực hiện.

Mari được vào học ở khoa Vật lý Trường Đại học Pari. Trường Đại học Pari là trường nổi tiếng ở châu Âu, ở đó có rất nhiều nhà khoa học và giáo sư nổi tiếng. Cô gái Ba Lan nghèo khổ này bao giờ cũng tới lớp rất sớm, luôn luôn ngồi ở hàng đầu, hết sức chăm chú lắng nghe giáo sư giảng giải. Tan lớp, cô không làm thực nghiệm thì đi thư viện đọc sách hoặc học tiếng Pháp. Cô nhanh chóng trở thành sinh viên ưu tú nhất của lớp.

Mari sống rất vất vả. Cô thuê một gác xép vừa nhỏ vừa thấp, mùa hè oi bức, mùa đông lạnh lẽo. Để dồn thời gian học tập, cô thường mấy ngày không làm thức ăn, chỉ ăn một ít bánh mì phết bơ. Buổi tối, để tiết kiệm dầu đèn, cô đến thư viện gần đó đọc sách; thư viện đóng cửa, cô về nhà thắp chiếc đèn đầu con, học mãi đến 2, 3 giờ sáng mới đi ngủ.

Vì thiếu dinh dưỡng lâu ngày, cô bị chứng thiếu máu. Một hôm, Mari bỗng nhiên choáng váng ngã xuống trước mặt một người bạn. Bạn cô sợ cuốn lên, vội vàng đi gọi người anh rể cô đến cứu chữa.

Anh rể Mari là thầy thuốc. Khi ông đến, Mari đã tỉnh lại và đang chuẩn bị bài ngày hôm sau. Ông kiểm tra sức khoe Mari, quan sát thấy bát đĩa trong phòng sạch sẽ, xoong nồi trống rỗng.

Ông đã hiểu tất cả.

- Hôm nay, em đã ăn những gì?

- Hôm nay? . . . Em không biết. . . Hình như em vừa ăn trưa. . .

Người anh rể truy hỏi ráo riết:

- Rốt cuộc là em đã ăn những gì?

- Một ít anh đào và . . . và vài thứ. . .

Mari đành nói thật: Từ tối hôm kia đến giờ, cô chỉ ăn một mớ củ cải nhỏ, nửa cân anh đào ngủ được 4 tiếng.

Cô nữ sinh viên Ba Lan nghèo khổ này đã chịu khó chịu khổ như vậy khi học ở trường Đại học Pari. Mùa hè năm 1893, cô đỗ đầu khoa Vật lý, được cấp bằng Thạc sĩ vật lý. Mùa hè năm sau, cô lại đỗ thứ hai khoa toán, lại được cấp bằng Thạc sĩ toán học.

Sau khi tốt nghiệp, cô muốn về Ba Lan phục vụ Tổ quốc, nhưng vì đã kết bạn với nhà vật lý Pháp cùng chung chí hướng Pie Quyri nên quyết định ở lại Pháp làm việc. Năm 1895, hai người kết hôn. Cô Mari đã trở thành bà Quyri.

Chính vào năm họ lấy nhau, nhà khoa học Đức Rơnghen phát hiện ra tia X quang có thể xuyên qua vật chất thể rắn. Năm sau, nhà vật lý học Pháp Beccơren lại phát hiện quặng Urani có thể phóng ra một loại tia kỳ diệu tương tự tia X quang.

Tại sao quặng Urani có thể phóng ra loại tia này? Đối với vấn đề này, Mari nẩy sinh một sự hứng thú mãnh liệt. Bà quyết định chọn vấn đề này làm đề tài của luận văn Tiến sĩ. Một cuộc tìm tòi vĩ đại trong lịch sử khoa học bắt đầu.

Mari tiến hành thực nghiện bằng những thiết bị thô sơ. Qua thực nghiệm, bà phát hiện thấy phàm khoáng vật có chứa Uraní và Thôri đều có tính phóng xạ, nhưng tính phóng xạ của quạng Urani lớn hơn. Bà mạnh dạn đưa ra giả thiết có thể trong những quặng này có một loại nguyên tố chưa biết!

Vấn đề này rất quan trọng, Pie Quyri quyết định gác việc nghiên cứu khoa học của mình lại, chung sức hợp tác với vợ.

Họ dùng phương pháp hóa học, từ quặng Urani tinh luyện ra loại nguyên tố mới này. Qua hai năm gắng sức, cuối cùng hai người đã tìm ra loại nguyên tố có tính phóng xạ, mạnh hơn Urani thuần chất 900 lần. Cuối năm 1898, hai vợ chồng tuyên bố đã phát hiện ra loại nguyên tố mới này và gọi nó là Rađi. Khi đó, Mari mới 31 tuổi.

Nhưng phát hiện sự tồn tại của một loại nguyên tố mới thì đồng thời phải đo được nguyên tử lượng của nó. Điều này khó hơn việc phát hiện ra sự tồn tại của nó. Vợ chồng Quyri quyết định từ trong rất nhiều quặng Urani tinh luyện ra Rađi.

Quặng Urani rất đắt, họ không mua nổi, làm thế nào đây? Họ liền mua quặng phế thải cửa nó. Tinh luyện Rađi cần có một phòng thực nghiệm với những thiết bị nhất định, nhưng Trường Đại học Pari từ chối những yêu cầu của họ. Tính sao đây? Cuối cùng, họ mượn một cái lều gỗ ọp ẹp của một trường học làm phòng thực nghiện luyện Rađi.

Qua 45 tháng cần cù làm việc, cuối cùng năm 1902, vợ chồng Quyri đã luyện ra được 1/10 gam Rađi và bước đầu đo được nguyên tử lượng của nó. Họ đã xác định được tính phóng xạ của nó mạnh hơn Urani không phải là 900 lần mà là 2 triệu lần.

Phát hiện và luyện Rađi thành công làm xôn xao dư luận thế giới. Tháng 6 năm sau, bà Quyri giành được học vị Tiến sĩ vật lý. Tháng 22 năm ấy, vợ chồng Quyri được thưởng huy chương Đêvít - phần thưởng cao nhất của Hội học thuật hoàng gia Luân Đôn. Sau đó một tháng, họ lại được nhận giải thưởng Nôben về vật lý.

Một hôm, bạn gái của Mari đến chơi nhà bà, thấy đứa con gái nhỏ của bà đang nghịch tấm huy chương Đêvít bằng vàng, bất giác giật mình:

- Trời! Chị Quyri! Tấm huy chương vinh dự như vậy mà chị lại để cho trẻ con chơi thế à?

Mari cười:

- Tôi muốn để trẻ con chúng nó từ bé đã biết vinh dự giống như một thứ đồ chơi, chỉ để chơi mà thôi, tuyệt nhiên không thể cứ giữ nó mãi mãi, nếu không thì việc gì cũng chẳng thành.

Ít lâu sau, người ta công nhận Rađi có giá trị quan trọng trong y học. Có mấy nước đang định luyện Rađi, nhưng các kỹ sư của họ đều không biết phương pháp luyện nó. Một hôm, có một bức thư từ Mỹ gửi đến, Quyri đọc xong nói với vợ:

- Kỹ sư Mỹ yêu cầu chúng ta cung cấp cho họ phương pháp luyện Rađi.

- Anh xem nên trả lời như thế nào?

- Có hai sự lựa chọn: Một là kể hết, không gửi lại gì cả, nói cho họ biết về kết quả nghiên cứu của chúng ta, kể cả phương pháp luyện. . .

Mari ra hiệu bằng tay tỏ ý tán thành:

- Vâng, đương nhiên là nên như vậy.

Quyri nói tiếp:

- Hai là, chúng ta xin giấy chứng nhận bản quyền loại kỹ thuật này để khẳng định quyền lợi của chúng ta khi các nơi trên thế giới làm ra Rađi.

Sau mấy giây suy nghĩ Mari nói một cách nghiêm chỉnh:

- Không nên, điều này trái với tinh thần khoa học.

Quyri cố ý nói:

- Em biết không? Bản quyền sẽ đem lại rất nhiều tiền, hơn nữa có thể giúp chúng ta có được một phòng thí nghiệm tử tế.

Mari từ chối ngay:

- Nhà vật lý học luôn luôn công bố toàn bộ thành quả nghiên cứu của mình. Phát hiện của chúng ta chẳng qua tình cờ mà có triển vọng trong việc mua bán thôi. Chúng ta không thể dùng nó để kiếm tiền. Vả lại, Rađi có ích cho việc chữa bệnh, chúng ta càng không thể dựa vào đó để kiếm tiền.

Quyri gật gật đầu:

- Đúng, chúng ta không thể làm như vậy, vì điều này đi ngược lại với tinh thần khoa học. Anh sẽ viết thư ngay cho các kỹ sư Mỹ, nói rõ với họ những điều mà họ cần.

Vợ chồng Quyri có cùng một ý nguyện vĩ đại là hiến mình cho khoa học. Nhưng thật không may, vào một ngày tháng 4 năm 1906, khi đi ngang qua đường Quyri bị một chiếc xe ngựa chở hàng quệt ngã, chết ngay tại chỗ.

Sau đó một tháng, Mari nén đau buồn nhận lời mời của Trường Đại học Pari làm quyền giáo sư, tiếp tục công việc giảng dạy của chồng. Hai năm sau, bà trở thành vị nữ giáo sư thực thụ đầu tiên của trường Đại học Pari giảng dạy phóng xạ học, môn khoa học mới nhất trên thế giới thời bấy giờ. Bà vẫn tiếp tục nghiên cứu những nguyên tố có tính phóng xạ. Năm 1907, bà luyện được Rađi nguyên chất, đo được chuẩn xác nguyên tử lượng của nó. Năm 1910, bà tiến tới phân tích được nguyên tố Rađi nguyên chất, xác định được các tính chất của nguyên tố này.

Tháng 5 năm 1920, một nữ ký giả Mỹ phỏng vấn Mari. Khi nói đến nước Mỹ, Mari cho biết hết sức rõ ràng nơi nào ở Mỹ cất giữ bao nhiêu gam Rađi.

Nữ ký giả hỏi:

- Thế nước Pháp có bao nhiêu?

- Phòng thí nghiệm của tôi chỉ có 1 gam Rađi.

- Bà chỉ có 1 gam?

- Tôi ư? Không, đó không phải là của tôi, một tí tôi cũng không có. Một gam đó là của phòng thí nghiệm.

- Nếu bà đăng ký bản quyền, bà lập tức có thể trở thành một người vô cùng giàu có, đương nhiên là bà cũng sẽ có Rađi.

- Không Rađi là một loại nguyên tố, nó thuộc về toàn thế giới!

- Nếu đem tất cả mọi thứ trên thế giới cho bà chọn, bà cần nhất thứ gì?

- Tôi cần nhất 1 gam rađi để tiếp tục nghiên cứu. Nhưng giá của nó quá cao, tôi mua không nổi.

Thời bấy giờ, giá thị trường 1 gam Rađi là 10 vạn đôla Mỹ, một số tiền quá lớn. Người nữ ký giả rất cảm động, quyết định tổ chức quyên góp khoản tiền này để mua một gam Rađi tặng Mari. Sau một năm mới quyên góp đủ số tiền, nữ ký giả đã mua 1 gam Rađi và Tổng thống Mỹ là người đích thân chuyển giao cho Mari.

Đêm trước ngày cử hành nghi thức rađi, khi xem giấy chứng nhận. Mari nói ngay tại chỗ:

- Phải sửa lại cho đúng. Gam Rađi này nước Mỹ tặng cho tôi mãi mãi phải thuộc về khoa học. Nếu theo cách viết trong giấy này thì sau khi tôi chết, nó thành ra tài sản của cá nhân, cũng tức là của các con cái tôi. Điều này tuyệt đối không được.

Bà khăng khăng giữ ý kiến của mình, nên tối hôm đó đã phải tìm luật sư đến sửa lại giấy chứng nhận.

Mari là nữ Viện sĩ đầu tiên của Viện Khoa học Pháp. Những cống hiến to lớn về phát hiện Rađi và về nghiên cứu phóng xạ học khiến bà trở thành nhà khoa học có danh tiếng trên thế giới. Bà đã hai lần được giải thưởng Nôben, 24 lần nhận giải thưởng và huy chương của 7 nước, nhận bằng danh dự của 2 nước, được mọi người ca tụng là “Mẹ của Rađi”. Tiếp xúc lâu ngày với tia Rađi, sức khỏe bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tháng 7 năm 1934, nhà nữ khoa học phát hiện ra Rađi này vĩnh biệt thế gian.

PHÁT MINH RA MÁY BAY

10 giờ sáng ngày 17 tháng 12 năm 1903, trên một bãi cát miền duyên hải Bắc Carôlina miền Đông nước Mỹ, có 12 người đang vây quanh một quái vật khổng lồ. Quái vật này có 2 tầng, chiều ngang dài 12 mét, mặt trước có lắp cánh quạt, trong bụng đặt một mô tơ xăng toàn thân sơn màu trắng, giống hệt một con chim khổng lồ nhưng không có “chân”, phía dưới là hai cột trơn chống song song đặt trên hai thanh ray dài. Nó chính là chiếc máy bay mà anh em nhà Wraitơ mất không biết bao nhiêu tâm huyết làm ra.

Ngoài hai anh em Wraitơ ra, trong số người khác có mặt thì 5 người là nhân viên cấp cứu, 5 người là nông dân được mời đến để xem máy bay bay, họ đồng thời là người làm chứng. Hôm nay, từ sáng sớm trời đã đầy mây, gió buốt thấu xương. Những người có mặt đều run lên vì rét, năm lần bảy lượt giục anh em nhà Wraitơ bắt đầu nhanh lên.

Oócvin Wraitơ, người em 32 tuổi nói:

- Thôi anh ơi, xem chừng gió có lẽ không ngừng đâu. Chúng mình cứ bắt đầu đi.

- Nào, ta bắt đầu. Cầu chúa phù hộ! - Người anh 36 tuổi, Winbơ Wraitơ nói- Anh giúp chú lên.

Oócvin leo lên máy bay, nằm sấp trên vị trí người lái. Một chốc sau, động cơ bắt đầu nổ ran, cánh máy bay dài rung lên.

Tiếng động cơ càng vang to, bỗng nhiên máy bay trượt theo đường ray vút lên cao đến 3 mét, sau đó bay là là về phía trước.

- Lên rồi! Lên rồi! . . . Những người có mặt mừng rỡ reo lên và chạy theo sau máy bay.

Máy bay bay được 30 mét thì hạ cánh xuống đất an toàn. Winbơ lao đến trước máy bay, nhảy bổ vào người em vừa mới trong máy bay chui ra, xúc động kêu lên:

- Thành công rồi! Thành công rồi! Bay được 12 giây!

Oócvin vui mừng không kém:

Ôi! 12 giây! Em thật không ngờ có thể bay được lâu đến thế!

Xin chớ coi thường 12 giây! 12 giây, khoảng thời gian đánh dấu thành công đầu tiên của con người lái được chiếc máy bay có động cơ chạy bằng xăng.

Anh em nhà Wraitơ đã mong đợi biết bao nhiêu lâu giờ phút này! Từ ngày bắt tay nghiên cứu cho đến hôm nay, họ đã tốn mất thời gian 7 năm. Giờ đây, những cố gắng đó đã có được những kết quả to lớn. Thực ra, đối với anh em Wraitơ, việc phát minh ra máy bay không phải việc ngẫu nhiên, ý tưởng đó có từ thời niên thiếu, khi đó họ đã rất ham thích làm các thứ đồ chơi.

Anh em nhà sinh ra trong gia đình một mục sư ở Mỹ. Người cha thường phải xa nhà đi truyền giáo, hai anh em lớn lên chủ yếu nhờ sự chăm sóc của mẹ.

Ông nội của hai cậu là một người thợ làm bánh xe, trong nhà có đủ thứ dụng cụ. Hai anh em Wraitơ thích nhất là được đến xem ông nội làm việc. Có một lần, ông nội cho hai anh em một số mảnh gỗ, hai anh em mừng lắm, mang cắt ra làm đồ chơi xếp hình. Thấy các con sáng ý, bà mẹ còn bày cho cách xếp những hình đẹp hơn.

Năm 1877 , làng quê anh em Wraitơ bị một trận tuyết lớn hiếm thấy. Bọn trẻ con kéo nhau đến chỗ đồi trắng xóa mênh mông ở ngoại thành ngồi xe trượt tuyết trượt xuống. Nhưng nhà anh em Wraitơ không có xe trượt tuyết, đành đứng giương mắt ra nhìn các bạn đùa nghịch.

Về nhà, hai anh em dẩu môi nói với mẹ:

- Cha người ta đều làm xe trượt tuyết cho con chơi. Cha chúng con cứ đi biền biệt, chúng con chả được chơi.

Mẹ ôn tồn bảo:

- Mẹ con mình tự làm lấy một chiếc được không?

- Hay quá, mẹ con mình làm đi, mau đi kiếm ván!

Mẹ ngăn lại:

- Không được, phải có bản vẽ trước rồi hãy làm.

Bà đo kích thước hai anh em rồi vẽ bản vẽ. Điều lạ lùng là xe trượt bà vẽ thấp hơn xe người khác. Hai anh em không hiểu, hỏi bà tại sao như vậy.

Bà mẹ bèn giảng giải cho con:

- Muốn cho xe trượt nhanh, thì phải làm nó thấp thấp đi. Như vậy sẽ ít bị sức gió cản, tốc độ sẽ nhanh hơn.

Ngày thứ ba, xe trượt tuyết làm xong. Hai anh em khiêng nó lên một đồi nhỏ, bọn trẻ con cười giễu hình dáng nó kỳ quái. Nhưng khi thi, chiếc xe trượt tuyết của anh em Wraitơ lại chạy nhanh nhất.

Trước lễ giáng sinh, cha về. Quà ông tặng cho các con là một cái chong chóng bay. Soắn chặt sợi dây chun ở phía trên rồi buông tay ra, chiếc chong chóng phát ra tiếng kêu vù vù, bay vút lên cao.

Hai anh em cứ tưởng chỉ có chim, có bướm mới bay được trong không trung, giờ lại thấy cái thứ do con người làm ra cũng bay được thì lạ lắm; suốt ngày mang ra nghịch. Tò mò hai cậu tháo nó ra xem bên trong có gì bí ẩn, đã đánh hỏng mất đồ chơi.

Cha không mắng mó gì, chỉ nói:

- Thế nào rồi cũng phải hỏng, các con thử tự mình làm lấy một chiếc mà chơi.

Thời thanh thiếu niên của anh em Wraitơ, khoa học kỹ thuật châu Âu đã phát triển rất nhanh. Người ta đã bắt đầu dùng pin và động cơ điện, mô tô, ô tô, tàu lượn cũng đã bắt đầu được sử dụng. Năm 1896, anh em Wraitơ đọc được một tin trên báo: Lixentác, người Đức, đã thiệt mạng về lái tàu lượn. Sự kiện này gây chấn động lớn đối với hai anh em nhà Wraitơ. Hai người nhớ lại cảnh thời ấu thơ chơi chong chóng bay, quyết định nghiên cứu việc bay lên không.

Lúc ấy, hai anh em Wraitơ đang mở một cửa hàng bán xe đạp. Vì Oócvin bị ốm thương hàn, không thể nói là làm ngay nên đã tranh thủ nghiên cứu trước các tài liệu có liên quan đến vấn đề trên. Tài liệu có rất ít, nhưng bọn họ cũng sưu tập được một số, song phần lớn đều viết bằng tiếng Đức hoặc tiếng Pháp. Thêm vào đó, những kiến thức cao xa ấy khi mới tiếp xúc rất khó hiểu. Nhưng hai anh em không nản lòng, kiên trì dùng từ điển để tra cứu, học hỏi.

Sau 3 năm, hai người nắm được rất nhiều tri thức liên quan đến hàng không, quyết định phỏng chế một chiếc tàu lượn. Theo Lixentác sở dĩ thiệt mạng là vì chưa thật nắm vững cách lái tàu lượn, thêm vào đó, việc thiết kế tàu cũng còn có chỗ thiếu sót, cho nên không chịu nổi sức va đập của gió mà xẩy ra tai nạn. Oócvin đề nghị phải quan sát nghiên cứu thật kỹ các động tác của con diều hâu trong không trung. Người anh rất đồng ý với ý kiến này. Hai người quan sát trong thời gian rất dài, vẽ hết bản này đến bản khác, sau đó mới bắt tay vào thiết kế tàu lượn. Nhớ lại hồi còn nhỏ, khi làm xe trượt tuyết, hai anh em đã từng biết làm thế nào để giảm bớt sức cản của gió. Lần này, họ cũng suy nghĩ cân nhắc đến việc này.

Cuối cùng, tàu lượn đã làm xong. Nhưng cần phải có gió to, cần nơi ít nhà cửa, cây cối mới có thể bay thử được. Họ viết thư hỏi Cục khí tượng. Cục Khí tượng bảo cho họ biết vùng Kiti Hốc ở Bắc bang Carôlina là nơi rất tốt để bay thử tàu lượn.

Tháng 10 năm 1900, anh em nhà Wraitơ mang lều vải, thực phẩm và chiếc tàu lượn đã được tháo ra, đến bờ biển cách Kiti Hốc cách Đaitơn 1600 cây số. Ở đây rất vắng vẻ, chung quanh không có cây cối và nhà dân, cũng không có trạm cấp cứu, trạm khí tượng và bưu điện, có thể ung dung thả cho tàu lượn bay.

Hai anh em để một tuần lễ lắp lại chiếc tàu lượn. Thoạt đầu họ dùng dây thừng buộc rồi thả như thả diều, kết quả thành công. Sau nhiều lần làm như vậy, Winbơ thử ngồi lên, nhưng nó bay rất thấp, cao không đến một mét.

Năm sau, hai anh em Wraitơ theo mẫu thiết kế của Lixentác làm một chiếc tàu lượn mang đến đây thí nghiệm. Kết quả thất bại vì cánh tàu cong quá mức. Mùa thu năm 1902, họ mang theo một chiếc tàu lượn đã được cải tiến đến đây, độ bay cao đạt 180 mét so với mặt đất.

Tiến bộ rất rõ ràng, nhưng anh em Wraitơ không thỏa mãn. Vì không có gió thì tàu lượn không bay lên được, cho nên tính hạn chế của nó rất lớn. Lúc bấy giờ ô tô đã xuất hiện rất nhiều, họ nghĩ đến việc lấy động cơ dùng ở xe ô tô lắp vào máy bay, sau đó lại lắp cánh quạt để đẩy nó bay lên.

Hai anh em lập tức bắt tay vào nghiên cứu động cơ để lắp vào tàu lượn. Thí nghiệm đi thí nghiệm lại, họ xác định được sức chở lớn nhất của loại tàu lượn của họ là 90 kg, vì vậy động cơ lắp vào không thể vượt quá trọng lượng này.

Họ đặt nhà máy làm cho họ một động cơ không quá 90 kg, nhưng bị từ chối vì động cơ nhẹ nhất thời bấy giờ là 190 kg. Về sau, với sự giúp đỡ của một công nhân cơ khí, qua chế thử trong một thời gian rất dài, họ mới làm ra được một động cơ chạy bằng xăng, 12 mã lực, nặng 70 kg.

Cuối tháng 9 năm 1903, anh em Wraitơ lại một lần nữa đến Kiti Hốc bay thử. Hai người dùng chiếc tàu lượn năm trước đã thử ở đây ra luyện bay trong mấy ngày, sau đó lắp ráp chiếc máy bay mới có động cơ và cho thí nghiệm vận hành.

Không may là khi thí nghiệm động cơ thì trục giữa của cánh quạt gãy. Kiểm tra lại phát hiện thấy độ cứng của nó không đủ. Thế là Oócvin lại về quê, làm lại chiếc khác mang đến.

Hai anh em tưởng lần này đã chắc ăn, nhưng lại vẫn cứ xẩy ra trục trặc. Thế là Oócvin lại phải về quê lần nữa.

Trên đường quay trở lại, Oócvin đọc được một tin trên báo: một nhà phát minh tên là Lanrê được Chính phủ giao làm một chiếc máy bay có động cơ chạy bằng xăng. Trong lần bay thử đầu tiên, máy bay đã rơi xuống biển. Hiện ông đang rút bài học thất bại chuẩn bị làm chiếc thứ hai.

Từ bài học của Lanrê, anh em Wraitơ kiểm tra kỹ từng chi tiết của máy bay. Mãi đến chiều ngày 14 tháng 12, hai người mới bay thử lần thứ nhất.

Mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, chỉ còn việc lên máy bay bay thử. Ai bay trước đây? Hai người tranh nhau mãi. Cuối cùng phải dùng cách tung đồng xu để quyết định. Winbơ bay trước.

Dưới máy bay là hai thanh ray được kê trên gỗ. Thanh ray dài 18 mét, đặt hơi nghiêng để máy bay trượt cho dễ. Chui vào máy bay, Winbơ như mọi lần, nằm sấp chính giữa máy bay. Một lát sau, tiếng động cơ nổ ran.

Oócvin căng thẳng gào lên:

- Anh Winbơ, phải cẩn thận nhé!

Winbơ không nghe thấy tiếng kêu dặn dò của người em tiếp tục nhấn ga. Máy bay trượt được 3 mét trên sườn nghiêng thì dứt đứt sợi dây thép buộc phía sau rồi bay lên.

Oócvin phấn khởi kêu lên:

- Bay được rồi! Bay được rồi!

Tiếng kêu vừa dứt, máy bay bỗng giảm tốc độ rồi rơi xuống đất. Toàn bộ thời gian bay không đến 4 giây.

Hai anh em hình dung lại diễn biến vừa qua, cho rằng động cơ không có vấn đề, cánh quạt chuyển động rất tốt, thao tác kỹ thuật cũng hoàn toàn chính xác, vấn đề có thể là ở chỗ máy bay rời mặt đất quá sớm.

Oócvin nói:

- Chúng mình lợi dụng sườn nghiêng để trượt, trượt chỉ có 3 mét là máy bay cất cánh. Lúc đó chuyển động của cánh quạt chưa đạt đến tốc độ cao, cho nên chỉ mấy giây đã rơi xuống.

Winbơ gật gật đầu:

- Đúng, chúng mình không thể lợi dụng sườn nghiêng trượt để bay lên, mà phải dựa vào sức mạnh của cánh quạt. Thế này đi, đem thanh ray đặt ở chỗ đất bằng phẳng thí nghiệm lại xem.

- Nhất trí với nhau như vậy, hai anh em bắt tay ngay vào việc sửa chữa những chỗ máy bay bị hỏng. Công việc này làm mất 3 ngày. Mãi đến 10 giờ 35 phút sáng ngày 17 tháng 12, cuối cùng họ đã thành công, bay được 12 giây, cự ly 30mét.

Sau đó 45 phút, Winbơ lại bay một lần nữa. Lần này bay xa được 52 mét, độ cao như lần đầu. 20 phút sau, đến lượt Oócvin bay, độ cao tăng lên 4 mét, cự ly giống như lần thứ hai. Đúng 12 giờ, Winbơ bay lần thứ tư. Lần này bay được 59 giây, cự ly bay tăng lên đến 255 mét.

Anh em Wraitơ báo ngay cho các tòa báo lớn ở Mỹ biết về thành công của lần bay này. Nhưng đại đa số các tòa báo đều không tin rằng họ có thể sáng tạo ra một kỷ lục như vậy, chỉ có ba tờ báo đưa tin này.

Anh em Wraitơ không quan tâm đến điều đó. Họ tiếp tục cải tiến thân và động cơ máy bay để đạt được kỷ lục cao hơn. Ít lâu sau, hai anh em làm ra được động cơ thích hợp hơn, thay đổi cách nằm sấp điều khiển thành cách ngồi điều khiển và có thể cùng lúc ngồi hai người.

Sau khi tin này được truyền đi, Chính phủ Mỹ mời anh em Wraitơ bay biểu diễn. Vừa đúng lúc Winbớc đi Pháp biểu diễn, thế là Oócvin phải thay anh.

Ngày 10 tháng 9 năm 1908, trước đông đảo người xem, Oócvin bay đạt độ cao 36 mét với thời gian 1 giờ 5 phút. Hôm sau, anh lại bay ở độ cao 76 mét, thời gian l giờ 14 phút và chở thêm một người. Sau đó 3 tháng tại Pháp, Winbơ bay liên tục 2 giờ 20 phút, khoảng cách đạt 125 km. Đó đều là những kỷ lục thế giới lúc bấy giờ. Năm sau, họ chu du thế giới, trình diễn trước quốc vương Pháp, Tây Ban Nha, Italia. Thế là anh em Wraitơ trở thành danh nhân của toàn thế giới.

Trở về Mỹ, anh em nhà Wraitơ sáng lập ra công ty máy bay ở Đaitơn và thành lập ra ở Pháp một trường học dạy lái máy bay. Do phát minh của họ, các nước trên thế giới dấy lên một phong trào sôi nổi chế tạo máy bay.

RÔBE BARANY

Năm 1916, Đại chiến thế giới lần thứ 1 đang diễn ra quyết liệt. Vì lửa chiến tranh bùng cháy khắp nơi, nên năm đó không xét giải thưởng Nôben, Nhưng khoảng tháng 9, Viện Y học Carôlin Thụy Điển lại tổ chức lễ mừng ở Stốckhôm trao giải thưởng Nôben về sinh lý học và y học của năm 1914 cho Barany, một thầy thuốc Áo, được mọi người ca ngợi là bậc thần y về tai.

Barany được nhận giải Nôben vì ông đã có cống hiến xuất sắc về nghiên cứu sinh lý và bệnh lý học tiền đình tai trong (bộ phận chủ yếu của tai trong có tác dụng gây cảm giác thăng bằng). Ông là người được hưởng vinh dự này năm 1914. Nhưng vì sao mãi đến năm 1916 mới trao giai cho ông?

Hóa ra sau khi Viện Y học Carôlin thông qua Hội Quỹ Nôben ra thông cáo báo chí thì xẩy ra một tình hình bất ngờ: Tăm tích của Barany, người được giải ở đâu không rõ, nên không có cách gì gửi giấy báo cho ông được.

Các tờ báo lớn và đài phát thanh đều đưa tin giật gân này, nhưng vẫn không biết rốt cuộc Barany đang ở đâu, đến nỗi không có cách gì tổ chức lễ trao giải thưởng.

Không ai ngờ vị thần y về tai này lúc bấy giờ lại đang bị giam giữ tại một trại tù binh ở Xibêri.

Sự việc là như thế này: Sau khi Đại chiến bùng nổ, Barany cho rằng người thầy thuốc phải coi việc cứu kẻ sắp chết, giúp người bị thương là trách nhiệm của mình, vì vậy tình nguyện xin làm thầy thuốc quân y đi ra tiền tuyến.

Chiến tranh thật tàn nhẫn. Chính trong lúc Barany xông pha lửa đạn cứu giúp cho binh lính khỏi nỗi khổ đau thì đơn vị ông bị đánh tan, ông cũng bị bắt làm tù binh. Từ đó, ông âm thầm sống cuộc đời lặng lẽ của một tù binh chiến tranh ở Xibêri xa xôi.

Mãi đến năm 1916, nhờ sự can thiệp tích cực của Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển, Barany mới được phóng thích. Cũng vì tình hình đặc biệt kê trên, Viện y học Carôlin phá lệ, tổ chức bổ sung lễ trao giải thưởng Nôben cho vị thần y này.

Barany từng nói một câu nói nổi tiếng: “Niềm vui của một người có tài năng và học thức thật sự là được lo cho thiên hạ” và suốt cả đời mình, Barany đã sống vì tín điều đó.

Tuổi ấu thơ của Barany trôi qua trong cảnh sống nghèo túng. Từ nhỏ Barany đã bị lao xương, do trình độ chữa bệnh và thuốc men thời bấy giờ hạn chế, thêm vào đó lại không được kịp thời chữa trị nên khớp đầu gối một chân bị cứng đờ đi lại rất khó khăn.

Barany oán hận mình mắc phải bệnh này. Một hôm, cậu nghiêm chỉnh hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, cái chân của con còn có thể nắn lại được không?

Mẹ cũng chẳng giấu cậu:

- Con ạ, mẹ nói thật với con, chân của con không thể nắn lại được nữa.

Nghe mẹ nói, Barany buồn đến chảy nước mắt, giọng thút thít:

- Thế thì sau này con làm sao có thể trở thành người có ích đây?

- Con ạ, điều này không cản trở con thành người có ích đâu. Quan trọng là con phải có nghị lực, chịu khó học hành để có nhiều tri thức, không nên bỏ dở giữa chừng.

- Vâng, thưa mẹ, con nhất định sẽ làm theo lời mẹ dặn, lớn lên làm thầy thuốc, có thể chữa loại bệnh này!

Ở cạnh nhà Barany là một nữ nhạc sĩ vĩ cầm, mấy con em nhà giầu đến nhà cô học đàn. Barany bị tiếng đàn vĩ cầm rung động lòng người hấp dẫn, thường đứng ngoài cửa sổ lắng nghe. Thính giác cậu đặc biệt tốt, giúp cậu nhớ như in tiếng đàn kỳ diệu này. Tình cờ cậu nhặt được một chiếc vĩ cầm vỡ từ một cái hố, cậu đem về tự sửa chữa và bắt đầu học kéo đàn.

Một buổi tối, cô giáo vĩ cầm đang dạy mọi người tập đàn thì bỗng nhiên nghe ngoài cửa sổ có tiếng đàn vĩ cầm vang lên réo rắt. Ra xem thấy đó là một cậu thiếu niên, thì ra chính là Barany. Đợi cậu kéo hết bài, cô bước tới trước mặt cậu hỏi:

- Bé này, em đàn hay đấy, rất có triển vọng. Cô muốn dạy em miễn phí, đồng ý không?

- Thưa bà, không ạ, cháu xin cảm ơn bà. Chả phải từ lâu bà đã dạy cháu miễn phí rồi là gì? Cứ để cháu được tiếp tục học ở ngoài cửa sổ ạ. Cháu còn phải giúp việc nhà, không có nhiều thời gian để học đàn, vả lại- Barany chần chừ một lát - Cháu cũng không xứng học cùng với những bạn nhà giầu ạ.

Barany không phát triển tài năng của cậu về âm nhạc. Ít lâu sau, cậu được đưa đến phòng khám chữa bệnh của ông Pôlitz để giúp việc vặt.

Ông là người phụ trách phòng nghiên cứu nhĩ khoa của trường Đại học Viên, chuyên gia nổi tiếng về các bệnh tai ở châu Âu lúc bấy giờ. Ông sáng tạo ra phương pháp mới chữa trị niêm mạc tai trong mà trong y khoa gọi là “phép trị liệu Pôlitz”. Barany đến làm các công việc vặt tại phòng khám tư của ông.

Ông Pôlitz nhanh chóng nhận ra Barany là một thanh niên cần cù ham học. Có chút thì giờ rỗi nào cậu lại tranh thủ quan sát các ca mổ tai và tỏ ra rất tháo vát và có trí nhớ phi thường. Vị giáo sư già nhận định chàng thanh niên này rất có triển vọng, liền nhận anh ta làm học trò và truyền cho anh ta các kiến thức về tai.

Pôlitz có một phòng sách riêng, trong đó có rất nhiều sách viết về tai. Đó là những cuốn sách có tiếng trong giới y học châu Âu bây giờ. Trời giúp Barany, anh được phép đọc những cuốn sách này. Hễ phòng khám không có bệnh nhân là anh lại vùi đầu đọc sách và làm thực nghiệm trong gian buồng nhỏ vừa là phòng ngủ vừa là “phòng thí nghiệm” của mình. Trong vòng mấy năm, anh đã đọc hết các sách của Pôlítz. Đồng thời cũng trở thành người trợ thủ đắc lực của giáo sư.

Làm việc ở phòng khám đến năm thứ 7, mùa đông năm ấy lạnh ghê gớm, Pôlitz tuổi cao bỗng nhiên ngả bệnh. Cũng vào dịp ấy, cuộc hội thảo về viêm tai do ông chủ trì tổ chức tại trường Đại học Viên bắt đầu. Làm thế nào đây? Pôlitz ốm không dậy được, trong lòng hết sức sốt ruột. Sau khi suy đi nghĩ lại, ông quyết định để Barany thay ông.

Barany lúc này tuy đã nắm được những tri thức phong phú về tai và đã có rất nhiều kinh nghiệm thực nghiệm, nhưng chủ trì một cuộc hội thảo khoa học của trường đại học, anh thấy rất lo lắng nên đã đề nghị Pôlitz thận trọng cân nhắc lại.

Vị giáo sư già nghiêm túc nói:

- Tôi đã suy nghĩ thận trọng rồi. Anh hoàn toàn có năng lực chủ trì cuộc hội thảo này.

Kết quả không ngoài dự đoán của Pôlitz, Barany rất thành công trong công việc được giao. Tài năng đáng kinh ngạc của Barany khiến các giáo sư đại học cũng phải kính phục. Qua bình xét, nhà trường phá lệ quyết định mời Barany - một người không có quá trình đào tạo chính quy, làm giảng viên.

Bây giờ, Barany đã là một thầy thuốc chính trong phòng khám tai của Pôlitz. Khi chẩn trị cho người bệnh, ông chú ý đến một hiện tượng thường xảy ra: Khi dùng nước rửa tai bị nung mủ, người bệnh cảm thấy chóng mặt và nhãn cầu rung rung.

Đây là một hiện tượng thường thấy, chẳng lạ gì. Thầy thuốc khác không để ý tới nhưng Barany lại muốn tìm hiểu tận ngọn nguồn. Ông tìm đọc các tài liệu lịch sử y học, thấy không ghi chép về điều này. Ông hỏi Pôlitz. Vị giáo sư già cũng không cắt nghĩa được vì sao, nhưng lại khen Barany rất nghiêm túc đối với khoa học y học, biết nghiên cứu những vấn đề người khác không chú ý, động viên Barany cố gắng đi sâu nghiên cứu, tìm lời giải đáp. . .

Barany cảm thấy giữa chóng mặt, nhãn cầu động đậy và rửa tai nhất định phải có mối liên hệ tất yếu nào đó. Căn cứ vào tri thức và sự quan sát lâm sàng của mình, Barany đưa ra giả thiết: Khi cho nước vào tai để rửa, ống bán quy gần tiền đình tai trong bị kích thích, nó gây nên chóng mặt và nhãn cầu động đậy có thể còn ảnh hưởng đến sự cân bằng của thân thể. Tất nhiên giả thiết này còn phải được chứng minh bằng thực tiễn.

Một hôm, Barany rửa tai cho một người bệnh. Giống như mọi lần, ông hết sức cẩn thận làm việc này, và quan sát kỹ càng phản ứng của người bệnh.

Người bệnh bỗng nhiên nói:

- Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy hơi chóng mặt.

Barany ngừng rửa, hỏi người bệnh về diễn biến và mức độ chóng mặt, đồng thời phát hiện nhãn cầu của người này hơi động đậy.

Sau khi trả lời về cảm giác của mình, người bệnh lại nói:

- Hình như vì nhiệt độ nước bác sĩ dùng thấp quá.

Barany bất giác hỏi:

- Sao ông biết tình trạng này là đo nhiệt độ nước quá thấp gây nên?

- Ở nhà mỗi khi rửa tai, tôi dùng nước nóng hơn ở đây một chút. Có thể do nhiệt độ nước thấp mà sinh ra chóng mặt.

Barany vụt vỡ lẽ, xúc động nắm lấy tay người bệnh:

- Thưa ông, tôi xin cảm ơn ông, cảm ơn ông vô cùng. - Nói xong, Barany gọi y tá mang nước nóng đến.

Barany dùng nước đó rửa lại tai đồng thời quan sát kỹ phản ứng của người bệnh.

- Bác sĩ, nước nóng quá, tôi lại cảm thấy chóng mặt.

Barany vội vàng chăm chú theo dõi tròng mắt của bệnh nhân phát hiện thấy nó lại động đậy, có điều lần này nó động đậy theo hướng ngược lại.

Barany lại dùng nước có độ nóng bằng thân nhiệt để rửa, kết quả người bệnh không có phản ứng gì.

Công việc xong xuôi, Barany nắm lấy tay người bệnh:

- Thưa ông, xin cho phép tôi được cảm ơn ông một lần nữa. Chính sự thể nghiệm của ông đã giúp tôi hiểu ra một điều rất quan trọng.

Sau đó, Barany tiến hành rửa tai cho những người không có bệnh về tai. Kết quả chứng minh, dù là người tai bình thường, nếu dùng nước có nhiệt độ thấp hơn hay cao hơn nhiệt độ cơ thể đều sẽ sinh ra hiện tượng chóng mặt, đồng thời nhãn cầu của người đó cũng sẽ động đậy theo phương hướng khác nhau.

Có một lần, Barany thí nghiệm rửa tai cho một người tai trong bị mưng mủ nặng, thấy xuất hiện một tình hình bất ngờ: Dù ông dùng nước nóng hơn hay lạnh hơn nhiệt độ cơ thể người bệnh, ở người bệnh đều không thấy có hiện tượng chóng mặt và nhãn cầu động đậy. Chuyện gì thế này? Barany lại miệt mài nghiên cứu, suy nghĩ. Về sau, khi mổ để chữa cho bệnh nhân này, Barany phát hiện bộ phận tiền đình của người này đã xảy ra biến đổi bệnh lý trầm trọng, cơ năng mất, do đó đối với nước có nhiệt độ khác nhau đều không có phản ứng nữa. Điều này càng chứng minh: Nước ở nhiệt độ khác nhau tác động đến bộ phận tiền đình gây ra những phản xạ khác nhau cho sự chóng mặt và sự chuyển động của nhãn cầu.

Năm 1909, Barany đem những quan sát lâm sàng và thực nghiệm khoa học của mình viết thành luận văn, đồng thời nêu ra cách kiểm nghiệm bằng nhiệt độ đơn giản, dễ làm, để kiểm tra mối liên hệ nội tại qua lại lẫn nhau giữa 3 bộ phận: khí quan tiền đình tai trong, não bộ và tuỷ sống, kết quả rất đáng tin cậy. Cách kiểm nghiệm bằng nhiệt độ sau này được gọi là “Kiểm nghiệm Barany”. Đến nay về lâm sàng, nó vẫn có giá trị nhất định.

Nhưng nước nóng, lạnh đã kích thích bộ phận tiền đình tai trong như thế nào? Barany tiếp tục đi sâu tìm tòi nghiên cứu thêm về vấn đề khoa học này.

Có một lần, ông đun nước tắm. Đun được một chốc, ông thò tay vào trong thùng xem thử nhiệt độ nước, phát hiện thấy nước ở trên đã nóng rát tay, nhưng nước ở phần dưới thùng nhiệt độ tương đối thấp. Hiện tượng nước sau khi nóng tỷ trọng nhỏ lại và nổi lên trên làm cho ông suy nghĩ mãi. Ông mạnh dạn suy luận: Dùng nước nóng rửa tai sẽ làm cho lim - phô trong ống bán quy bị nóng, tỷ trọng nó giảm, nó nổi lên trên kích thích nhĩ oa (ống hình xoắn ốc trong tai trong) làm cho nhãn cầu động đậy về phía bị kích thích; còn dùng nước lạnh rửa thì gây tác dụng ngược lại.

Qua nhiều lần thực nghiệm, quan sát, cuối cùng Barany đã chứng minh được rằng tác dụng kích thích của lim phô trong đối với nhĩ oa trái ngược lại với tác dụng kích thích của nhĩ oa. Thế là điều bí ẩn về nguyên lý kiểm nghiệm bằng nhiệt độ đã được ông vạch ra.

Từ năm 1910 đến 1912, Barany lần lượt công bố các chuyên khảo “Smh lý học và bệnh lý học của trung quy quản”. “Thí nghiệm cơ năng bộ phận tiền đình”. Sau này, những chuyên khảo đó trở thành trước tác kinh điển về sinh lý học và bệnh lý học nhĩ oa, nhờ đó ông đã giành được giải Nôben. Sau lễ trao giải thưởng, trường Đại học Upsala nổi tiếng của Thuỵ Điển mời Barany phụ trách phòng nghiên cứu Tai Mũi Họng kiêm giáo sư của trường này- Barany có đôi chút do dự, vì ông không muốn xa Pulitz, người thầy đã có công dìu dắt ông thành tài. Nhưng Pulitz bảo với ông:

- Tôi già rồi, cũng không có gì để chỉ bảo anh nữa. Nhanh lên, đừng có đắn đo nữa mà lỡ mất tương lai của anh!

Bấy giờ anh mới lưu luyến chia tay với vị ân sư để đi Thuỵ Điển nhậm chức. Barany, con người chỉ vui vì được lo cho thiên hạ, công tác ở trường Đại học Upsala 20 năm, đã đào tạo cho các nước hàng loạt nhân tài về nhĩ khoa.

NIUTƠN CỦA THẾ KỶ XX

Năm 1911, một học giả mới 32 tuổi được mời làm giáo sư ở trường Đại học Praha nổi tiếng. Vị học giả này tên là Anhxtanh.

Theo quy định, trước khi mời cần phải có thư tiến cử người được mời. Người tiến cử Anhxtanh là Plăngcơ, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng nhất của Đức lúc bấy giờ. Trong thư tiến cử, Plăngcơ viết:

“Nếu muốn đánh giá đúng lý thuyết của Anhxtanh, thì có thể coi ông như là Côpécních của thế kỷ 20. Đây cũng là sự đánh giá mà tôi kỳ vọng”

Đánh giá như vậy có phải là quá cao không? Không, không cao một tý nào cả. Thực ra, năm 1905, Anhxtanh đã có những đột phá quan trọng về vật lý, trong đó nổi bật nhất là việc sáng lập “thuyết tương đối hẹp”. Lúc bấy giờ, Anhxtanh mới 26 tuổi!

Từ sau khi Niutơn phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn, thuyết “mặt trời trung tâm” của Côpécních được xây dựng trên cơ sở khoa học càng vững chắc hơn.

Nhưng quan niệm về không gian, thời gian trong lực học của Niutơn là tĩnh tại, tuyệt đối; không gian, thời gian, vật thể và sự vận động của vật thể, bốn thứ này độc lập đối với nhau, không có mối liên hệ nội tại. Còn thuyết tương đối hẹp của Anhxtanh, về bản chất đã thay đổi quan niệm về thời gian, không gian của lực học Niutơn, nói rõ bốn cái đó liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời được.

Không gian và thời gian là hình thức tồn tại của sự vận động vật chất thống nhất, biến hoá theo sự vận động của vật chất. Chất lượng của vật thể cũng không cố định, tốc độ vận động tăng thì chất lượng cũng tăng theo, từ đó vạch ra được bí mật của thuyết nguyên tử. Lý thuyết này của Anhxtanh làm chấn động giới vật lý, đưa lại cho ông danh tiếng rất lớn, thảo nào trường Đại học Praha muốn mời ông làm giáo sư.

Thuyết tương đối quá trừu tượng, đến sinh viên đại học cũng không hiểu lắm. Có một lần, một tốp sinh viên đến cạnh Anhxtanh, nhờ ông giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu thế nào là thuyết tương đối.

Anhxtanh vừa nhìn đám nam nữ thanh niên vừa mỉm cười nói:

- Anh ngồi bên cạnh một cô gái xinh đẹp hai tiếng đồng hồ mà cứ tưởng mới chỉ có một phút; nhưng nếu anh ngồi cạnh lò than mới chỉ có một phút anh đã cảm thấy như phải chịu đựng cả hai tiếng đồng hồ. Đó là thuyết tương đối đấy!

Lý thuyết vĩ đại này, Anhxtanh đã sáng lập ra nó như thế nào?

Anhxtanh sinh năm 1879 trong một gia đình Do Thái ở Đức. 16 tuổi, chán ghét với lối giáo dục quân phiệt trong trường học Đức, Anhxtanh tuyên bố bỏ quốc tịch Đức, đi ra nước ngoài. Ông sang Thuỷ Sĩ, vào học vật lý ở một trường Cao đẳng công nghiệp. Năm 1900, sau khi tốt nghiệp Đại học, ông bị thất nghiệp một thời gian. Hai năm sau, ông được Cục bản quyền sáng chế phát minh thuê làm nhân viên thẩm định, ít lâu sau được vào quốc tịch Thuỵ Sỹ.

Qua 3 năm dùi mài nghiên cứu, Anhxtanh thu được một loạt thành quả nghiên cứu khoa học nổi bật, trong đó có việc sáng lập ra thuyết tương đối hẹp. Còn có một thành quả khác nữa mà sau đó, năm 1921, ông được giải thưởng Nôben về vật lý.

Đến làm việc ở Trường Đại học Praha được hai năm, ông lại được một vinh dự mới: Ngày 10 tháng 7 năm 1913, ông được bầu làm Viện sĩ chính thức Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Phổ.

Trước khi bầu, người đề cử là Plăngcơ đọc thư đề cử của một nhóm nhà khoa học nổi tiếng do ông đứng đầu:

“Những người ký tên hiểu rất rõ họ đề nghị một học giả trẻ tuổi như thế này giữ chức vụ Viện sĩ chính thức Viện Khoa học là một việc khác thường. Nhưng họ cho rằng, những thành tựu phi thường của học giả đó hoàn toàn có thể chứng minh rằng ông phù hợp với những điều kiện của một Viện sĩ. Xuất phát từ lợi ích của bản thân viện Khoa học, cần hết sức tạo cơ hội cho một người đặc biệt như thế được ứng tuyển. Đây là một việc làm hết sức có lợi đối với Viện Khoa học.”

Kết quả là Anhxtanh trúng cử với số phiếu 44/46.

Vinh dự này thật quá lớn. Nên nhớ rằng bấy giờ Anhxtanh mới 34 tuổi! Vậy mà trong Anhxtanh lại diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt. Tiếp nhận việc đắc cử thì tất nhiên phải quay về Béclin công tác, cũng tức là quay về làm việc ở thủ đô của chủ nghĩa quân phiệt Đức, như vậy có nghĩa là làm ngược lại với niềm tin chính trị trước kia của mình. Nhưng điều kiện làm việc ở Viện Khoa học lại thu hút ông mãnh liệt. Với tư cách là Viện sĩ chính thức của Viện Khoa học, ông có thể hưởng mọi quyền lợi của giáo sư Đại học Béclin, có thể không nhất thiết phải giảng bài, căn bản là không phải chạy vạy vì nghề nghiệp nữa. Ở lục địa châu Âu lúc bấy giờ, đây là một chức vị học thuật rất được trọng vọng, ông có thể dốc toàn bộ sức lực vào việc nghiên cứu vật lý lý thuyết.

Suy đi nghĩ lại nhiều lần, ông quyết định tiếp nhận việc đắc cử và tháng 4 năm sau đến ở Béclin, làm giám đốc cơ quan Nghiên cứu vật lý Đại đế Vinhem kiêm giáo sư trường Đại học Béclin.

Dưới sự kích động mù quáng của “chủ nghĩa yêu nước” và sự hận thù dân tộc của giai cấp đại tư sản, 93 nhà khoa học nổi tiếng của Đức ra tuyên bố giải thích cho hành vi xâm lược của quân Đức, tâng bốc Đức hoàng - kẻ tay vung dao đồ tể miệng nhận làm “người vệ sĩ của hoà bình thế giới”.

Anhxtanh không ký tên vào bản tuyên bố này. Ông từ nhỏ đã căm ghét chiến tranh, thời thanh niên đã phải rời khỏi nước Đức vì chống lại nền giáo dục quân phiệt. Bây giờ phải làm thế nào đây? Ông cùng với một vị triết gia thảo “Thư gửi nhân dân châu Âu”, kêu gọi các nhà khoa học châu Âu nên chung sức nhanh chóng chấm dứt trận đại tàn sát nhân loại này. Nhưng không có một nhân sĩ nổi tiếng nào ký tên vào thư kêu gọi này.

Trong những năm tháng chiến tranh, Anhxtanh vẫn hết lòng lo lắng, nhưng về học thuật lại có nhiều thành tựu khác thường. Cuối năm 1915, Anhxtanh sáng lập ra “thuyết tương đối rộng”. Đây là lý thuyết về không gian, thời gian và vạn vật hấp dẫn.

Căn cứ vào thuyết lực hấp dẫn và phương trình vận động của “thuyết tương đối rộng”, Anhxtanh suy đoán tia sáng truyền đi trong trường hấp dẫn sẽ bị cong, và ông đề nghị trong lần nhật thực toàn phần sau, thông qua sự quan sát và đo đạc thiên văn để kiểm chứng dự kiến lý thuyết này.

Tháng 5 năm 1919, một nhà vật lý thiên thể Anh, dẫn đầu 2 đội khảo sát thiên văn, dự định khi có nhật thực toàn phần, sẽ phân nhau chụp ảnh ở Braxin và Tây Phi để kiểm tra, xác minh kết luận quan trọng suy ra từ “thuyết tương đối rộng”. Tháng 11 năm ấy, Hội nghị liên tịch của Hội Khoa học và Hội Thiên văn học Hoàng gia Anh chính thức công bố kết quả quan sát và đo đạc. Độ lệch tia sáng đo được rất đúng với sự tính toán của Anhxtanh. Điều này làm cho thuyết lực hấp dẫn của Niutơn, mất đi ý nghĩa phổ biến.

Sau khi tin tức này được công bố, toàn thế giới bị chấn động, tiếng tăm của Anhxtanh lên đến cực điểm. Trước đó, các nhà khoa học công nhận Anhxtanh là một trong những nhà vật lý học vĩ đại nhất kể từ Galilê, Côpécních đến nay, còn bây giờ thanh danh ông được lưu truyền rộng rãi trong xã hội, hầu như ai cũng biết đến. Ảnh ông đăng trên bìa các họa báo, tên ông xuất hiện trên những hàng tít lớn của các báo chí. Người ta ca ngợi ông là “Niutơn của thế kỷ 20”.

Hôm sinh nhật lần thứ 50 của ông, Anhxtanh nhận được bao nhiêu là thư, điện chúc mừng và quà tặng từ các nơi trên thế giới gửi đến. Trong các tặng phẩm, có thuyền du lịch, thảm trải nền, bộ đồ ăn bằng bạc v.v. của các quốc vương, tổng thống. . . Đối với những vật phẩm quý báu này, ông không quan tâm lắm. Bỗng nhiên, ông phát hiện ở góc nhà có một cái túi đựng thuốc lá. Ông cầm lên xem, chiếc túi khâu bằng tay bên trong có một phong thư. Anhxtanh đọc thư mới rõ, thì ra đây là quà của một công nhân già thất nghiệp đã dùng mấy đồng tiền tiết kiệm được mua thuốc lá bỏ vào chiếc túi gửi đến. Anhxtanh xem thư vô cùng cảm động. Gác việc đáp tạ các quốc vương, tổng thống sang một bên, lá thư tạ ơn đầu tiên Anhxtanh viết gửi cho ông công nhân già thất nghiệp này.

Năm 1935, tên trùm phát xít Hítle lên cầm quyền, tăng cường hãm hại người Do thái. Anhxtanh buộc phải di cư sang Mỹ, làm giáo sư Viện Nghiên cứu học thuật cao cấp Prinetơn. Năm 1940, ông gia nhập quốc tịch Mỹ. Tuy được mọi người ca tụng là “Niutơn của thế kỷ 20”, nhưng Anhxtanh luôn luôn khâm phục Niutơn, cho rằng nếu không có lực học cổ điển của Niutơn thì sẽ không có thuyết tương đối, một lý thuyết chính xác vĩnh viễn tồn tại: Cho đến lúc cuối đời, Anhxtanh vẫn nói:

- Ôi Niutơn, con đường Người phát hiện, vào thời đại của Người bà con đường duy nhất.

Tháng 4 năm 1955, Anhxtanh qua đời ở Prinetơn. Lúc còn sống, nhà khoa học nổi tiếng toàn thế giới đã lập di chúc, yêu cầu sau khi ông qua đời, không cáo phó, không xây mộ, không dựng bia kỷ niệm, không tổ chức tang lễ lính đình, dặn đem tro xương mình rải ở nơi không ai biết đến.

Chỉ có họ hàng thân thích và một số ít bạn thân của ông có mặt khi hỏa táng. Kết thúc nghi thức, người chấp hành di chúc của ông đã đọc bài thơ của nhà thơ vĩ đại Gớt thương tiếc Sile, người bạn quá cố của mình.