Thần, Người Và Đất Việt

IV. Hùng Vương Vào Chính Sử Và Quy Tụ Thần Linh

Nhưng trong ràng buộc của LNCQ, ý niệm “quái” khiến các ông Hùng Vương, tuy được dân chúng sùng kính, vẫn như bèo bèo bọt nước bám quanh các nhân vật mang tính cách tập thể của một tình trạng phát triển (nhân vật Chử Đồng Tử khai thác đầm lầy, An Tiêm khai thác hải đảo, làm thương nghiệp, ông hoàng làm bánh dầy...) hay quanh các nhân vật “có thực” đang được nhà cầm quyền cúng tế, phong chức. Họ chưa được một bộ phận trí thức đang lên đương thời – các nho sĩ – chấp nhận, tuy bản thân những người này cũng không thoát ám ảnh của những chuyện quái,(13) như trong tập họp của Trần Thế Pháp ghi lại. Tuy nhiên cũng nhờ bước chấp nhận khởi đầu đó mà nếu có nho sĩ nào tiến thêm một bước, tìm được một luận cứ đủ cho hệ thống tư tưởng mình chấp nhận thì các chuyện quái của dân chúng sẽ có thể đi vào chính quyền. Đây là một trường hợp cải tạo dâm từ, có khác biệt với các trường hợp đã nói là không diễn tiến bằng đàn áp, khuynh đảo mà bằng sự tiến cử có lí luận của tầng lớp trí thức. Và Hồ Tông Thốc/Xác (hiện diện năm 1372 với chức Hàn làm viện học sĩ) là người đã có công nâng cấp Hùng Vương, đưa vào chính sử các ông Hùng Vương – vừa như một nhân vật lịch sử bị lãng quên, vừa như một thần linh dân tộc được nhắc nhở lại trong ý hướng để cho con cháu, hậu nhân chu toàn quan niệm trung hiếu (của Nho Giáo) với những người mở nước, dựng nhà.

Để trả lời câu trách móc (kiểu chê “khuynh hữu”) là tại sao ông không theo “thánh hiền... bài trừ điều quái dị”, Hồ Tông Thốc/Xác viện dẫn rằng Trung Hoa cổ xưa hơn nước Việt mà vẫn còn có những “thuyết mơ hồ như chuyện (bà Nữ Oa) vá trời” đi vào sử sách. Huống chi, theo điều ông thấy, một nền lịch sử thành văn thường có gốc gác từ lịch sử của truyện kể: “từ xưa tới nay, tất cả những sự tích được ghi chép đều do lời các bậc kì lão lưu truyền”, nên ông không ngần ngại thu thập “những tài liệu cố lão di truyền” vào sách Việt nam thế chí của ông.

Sách không còn nữa, nhưng tựa đề sách cho thấy ông muốn tác phẩm mang tính chất nghiêm túc: “Ghi chép về những đời (vua) của vùng đất phía nam nước Việt” (của Triệu Đà), thật không còn gì rõ hơn. Cho nên ta nghĩ rằng Phan Huy Chú có thể bất công khi đặt nó vào một chỗ với VĐULT, LNCQ, chưa cho nó tách rời chuyện “quái”. (14) Cũng theo Phan Huy Chú thì sách này có quyển I chép thế phổ 18 đời Hùng Vương, quyển II mới chép về nhà Triệu. Việc ghép Hùng Vương vào chung sách với nhà Triệu lịch sử, việc xếp Hùng Vương có trước nhà Triệu (ta phỏng đoán, theo thứ tự xếp đặt sách), việc đưa ra con số 18 đời rành rẽ (không thấy trong LNCQ) chứng tỏ một công trình muốn đòi hỏi sự nghiêm túc.

Trái lại, Phan Huy Chú đặt quyển Việt sử cương mục, cũng của Hồ Tông Thốc, vào loại lịch sử “đứng đắn”. Sách này cũng không còn, nhưng dựa theo ý định của Hồ Tông Thốc đã bàn ở sách trên thì có hi vọng truyện Hồng Bàng và 18 đời Hùng Vương đã có chỗ đứng trong quyển sách sau của ông.

Bước xếp đặt mạnh dạn của Hồ Tông Thốc là của riêng ông, của con người giữ một loại chức vụ “thư kí” cho Trần Nghệ Tông (Hàn lâm học sĩ phụng chỉ – 1386), con người có tài làm 100 bài thơ trong một bữa tiệc làm “tiếng dậy kinh sư”, nhưng hành động đó cũng là nương theo thời thế đã có sự chấp nhận một quan điểm như thế, không còn gây bàn cãi nữa. Trần Minh Tông (giữ ngôi 1314 – 1329) bác bỏ lời xin “thay đổi chế độ” của Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh, nhưng Trần Dụ Tông ngập ngừng trong giai đoạn đầu (Thiệu Phong 1341 – 1357) lại nghe theo lời “kẻ học trò mặt trắng” đổi thay “theo tục phương Bắc... không kể xiết” trong niên hiệu sau (Đại Trị 1358 – 1369). Và Nghệ Tông tuy lập lại “lệ cũ đời Khai Thái” (1324 – 1329), nhưng vẫn quý trọng Hồ Tông Thốc, tha tội hối lộ cho ông và đưa các nho thần Chu An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình vào Văn miếu cận kề với các đệ tử Trung Hoa của ông Khổng.

Đàn Viên Khâu có ý nghĩa tế Trời trong hình dạng tròn mang theo danh xưng của kiến trúc này, đã được dựng lên từ 1154, nhưng chủ đàn lại là một bà “phu nhân” (Hậu Thổ Nguyên Quân / Bà Chúa Xứ), không chịu nhường chỗ cho một ông Trời chứng giám. Nghi lễ tiến hành ở đấy là cầu đảo với một dạng đồng cốt nào đó. Lí do không hẳn vì tập truyền cũ còn mạnh mà còn vì sự khiếm khuyết trong khâu nối kết thần thánh cha-con làm cơ sở cho ông vua đủ tự tín đứng ra hành lễ. Các cải cách “không kể xiết” trong đó có cải cách “Nhạc chương” của thời Đại Trị hẳn đã đưa vào nhạc tế lễ mới, có tác dụng kéo bà Hậu Thổ xuống và đẩy ông Thiên, ông Đế lên Đàn. Nhưng ông Trời lại cũng phải đợi triều đại sau thay thế mới được tế. Và sự kiện trọng đại đầu tiên này (1402) làm run sợ người Con tế Cha: Hồ Hán Thương sẩy tay đổ rượu trước mặt các bà được dắt theo vào cuộc tế mang tính cách phụ hệ này, như một níu kéo của quá khứ làm mất thêm tự tín của vị chủ tể.

Thời Minh thuộc (1407 – 1427 ) như một sự xâm lăng văn hoá thành công hơn là một cuộc xâm lăng quân sự vì lệnh tận thu, tận diệt sách vở, công trình văn hoá theo lệnh Minh Thành Tổ làm đám dân chúng tiếp theo sau thời độc lập thấy mình như cắt đứt với quá khứ trong khi những đổi thay của người Minh đem lại thật nhiều, thật ồ ạt so với thời gian hiện diện ngắn ngủi của họ. Nhóm lang đạo binh tướng chiến thắng từ rừng núi Lam Sơn kéo xuống lúng túng trong sự phân chia quyền hành, ổn định chính trị theo phương thế quyền lực, rốt cục hướng về Nho Giáo như một cách thức giải quyết (có đà sẵn) độc nhất. Họ ngoan ngoãn phục tùng một ông vua có học thức hơn bậc cha ông, nắm được thứ vũ khí tư tưởng hợp thời, thích đáng để nâng cao đến tột đỉnh sự chuyên chế có sức kiến hiệu hơn sức mạnh của giáo gươm. Sử sách ghi thật nhiều những lời của Lê Thánh Tông (giữ ngôi 1460 – 1497) mắng mỏ, “chửi bới” bầy tôi thật nặng nề, chứng tỏ nhà vua đã biết sử dụng kiến thức thâu thái từ kinh sách để củng cố ngôi chí tôn của mình qua hai niên hiệu, niên hiệu sau (Hồng Đức 1470 – 1497) như một giai đoạn phát triển đầy đủ của năng lực chuẩn bị tích trữ trong niên hiệu Hồng Thuận trước đó.

Trong lúc Ngô Sĩ Liên còn tự ti, nghĩ rằng Đại Việt chỉ là “hàng phiên thần đời xưa”, không thể tế Giao thì Lê Thánh Tông ngay lúc lên ngôi, đã chỉ cho viên ngự sử thấy rằng quyền lực nằm trong tay ông để xác nhận ông có quyền tế Giao như vua Trung Quốc. Rõ ràng trong sự nắm bắt kiến thức của Nho Giáo, ông đã có tự tín, đã đem sự hiểu biết rộng rãi chứng minh tính căn bản của quyền lực là có trong người ông, và nói chung, chỉ rõ tính văn hoá là phổ biến chứ không phải đặc quyền của khu vực, dù là khu vực khởi thuỷ xuất hiện của văn hoá ông thụ nhận.

Trong tế Giao nhằm có sự tương thông với thần linh, vị chủ nhân đã thực thi đạo hiếu với người Cha thiêng liêng, nghĩa là mở rộng quan hệ tông tộc ra ngoài phạm vi gia đình dòng dõi của mình. Vị nhân chủ tuân thủ đạo Hiếu, có nghĩa là những nguyên tắc căn bản khác của Nho Giáo cũng phải được coi trọng. Đất nước là của vua thì ông vua mở nước – đến lúc này người ta đã có ý niệm vững chắc về sự tồn tại của ông vua Hùng đó – tất cũng phải được tôn trọng, Cho nên năm 1470, Lê Thánh Tông cho quan chức lập ngọc phả của Hùng Vương, vị “thánh vương ngàn đời” của “cổ Việt”,(15) và thế là ông đã có tông phả ở thế gian để làm điều kiện tế Trời ba năm sau (1473). Vào năm 1428, Nguyễn Trãi chỉ bằng vào uy danh của chiến thắng để củng cố triều đại, trong khi nói đến quốc thống (“Triệu, Đinh, Lê, Lí, Trần”), vẫn chưa biết đến Hùng Vương (Bình Ngô đại cáo), nay thì thời thế đã đổi khác, nên Hùng Vương là yếu tố cần thiết, làm căn bản cho quyền uy chuyên chế trên đất Việt, để xây dựng đất nước. Với hoà bình trở lại, Nguyễn Trãi biên soạn Dư địa chí (1435) đã phải nhắc đến Hùng Vương diễn giải từ các nhà nho cuối Trần, lúc này đã trở thành một tín điều không thể bài bác được. Như thế trong lời tựa năm 1479 tường trình công việc soạn Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã có đủ yếu tố thuận lợi để đưa họ Hồng Bàng vào chính sử, vượt được sự tự ti trước kia, từ một quan niệm chia xẻ văn hoá có thứ bậc đến sự chấp nhận văn hoá ngang hàng mà vị hoàng đế phải dùng lời lẽ nặng nề với viên sử thần mới thay đổi được.

Ông đã đi nốt chặng đường mà Hồ Tông Thốc mở ra. Hùng Vương nhờ địa vị sử quan của ông mà đi vào sử nhà nước, chính sử, thành một phần của sử Việt, phần Ngoại kỉ. Nhưng có vẻ đó cũng là ý của Hồ Tông Thốc. Họ Ngô đã khen: “Hồ Tông Thốc làm sách Việt sử cương mục chép việc cẩn thận mà có phương pháp, bàn việc đích đáng mà không rườm rà.”(16) Sách đó không còn sau cơn binh hoả 1/4 đầu thế kỉ XV như Phan Huy Chú xác nhận, nhưng ta có thể tự hỏi VSCM sao không lặp lại quan điểm của Việt nam thế chí với mức độ sắp xếp chặt chẽ hơn theo yêu cầu của nhan đề sách “cương mục”? Có điều Ngô Sĩ Liên đã không thể sử dụng VSCM làm tài liệu chính thì nhắc đến họ Hồng Bàng hẳn ông phải lấy ở LNCQ – hay từ lời ghi nhận của dân chúng, có lẽ còn “quái” hơn. Cái cầu nho sĩ làm họ Hồng Bàng bớt tính chất quái trong các trang sử, nhưng nguồn gốc dân gian của nó không phải đã mất đi dù truyện tích và thần đã được nâng cấp.

Dù đã được gọi là Thánh tổ và có ảnh hưởng nhờ sự công nhận của chính quyền trung ương, nhưng tính chất địa phương của Hùng Vương còn thấy rõ trong một câu chuyện của hai thế kỉ sau. Lê Quý Đôn ghi (1777) rằng vào đầu niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705), dân thôn Cổ Tích phục vụ đền Hùng lo liệu đi mua bè gỗ để sửa lại đền, thì xảy ra chuyện bè gỗ bị đắm trước đền Ngọc Tháp vì ông “đại vương” ở đó muốn đoạt, nhưng khi thấy được tờ sắc của hoàng đế liền buông ra. Ông đại vương này ở gần đền Hùng, theo truyền thuyết lại có vợ xa tận miền xuôi, trên quê hương của họ Trần, chứng tỏ tác động của ông đến dân chúng cũng thật là lớn.(17) Câu chuyện hình như cũng cho ta thấy sự xung đột dai dẳng của hai họ Trần-Lê.

Dù sao thì chính quyền tập trung Lê sơ cũng tạo ra một hình ảnh mới về nhân vật Hùng Vương nhìn qua lăng kính Nho Giáo để làm đà cho người sau chồng chất thêm truyền thuyết. Bản ngọc phả ở đền Hùng nói trên đã xoá bỏ hết những xung đột Hùng – Thục thấy ở VĐULT, LNCQ. Không có chuyện thành Loa không xây được vì “con vua trước” phá, không có chuyện sử dụng thần Tản Viên chống Thục, mà chỉ có chuyện Thục Phán được vua Hùng XVIII nhường ngôi nhờ thần Tản Viên giảng hoà, và sau đó Thục lập đền thờ Hùng. Cả một khuôn mẫu tranh giành chính quyền đáng làm gương cho những người muốn dùng bạo lực! Thêm vào sự kiện của LNCQ, ngọc phả còn nói đến chuyện vua Hùng VI xây đền thánh Gióng trên núi Nghĩa Lĩnh,(18) mở ra một hướng thu hút, quy tụ thần nơi khác.

Về Trưng Vương thì sự gia nhập tập họp có muộn màng hơn, tuy không có dấu hiệu Thần bị bạc đãi. Có vẻ tính chất Vua Bà không thích hợp với một chính quyền mang quan niệm phụ hệ bắt đầu gay gắt. Sự thờ cúng vẫn tiếp tục theo truyền thống, chờ thời gian mang lại yếu tố thúc đẩy thuận lợi hơn.

Chú thích

 
  1. VĐULT, tr. 71.

  2. Theo hồi kí của Hồ Nguyên Trừng trong Nam Ông mộng lục, bản dịch Thơ văn Lí Trần, t. III (Hà Nội 1978), tr. 711.

  3. VĐULT, ttr. 131 – 132.

  4. VĐULT, ttr. 90 – 91.

  5. Vũ Phương Đề, Công dư tiệp kí, q. III (bản dịch Sài Gòn 1962), ttr. 87 – 89.

  6. Bia An Sinh Vương, theo ĐNNTC, tỉnh Hải Dương (bản dịch Sài Gòn 1969), tr. 77.

  7. Toàn thư, t. II (bản dịch Hà Nội 1967), tr. 82: “Sau khi (Trần Quốc Tuấn) chết, các châu huyện ở Lạng Giang bị bệnh chẩn đậu, nhiều người kêu cầu.”

  8. Nguyên văn : Đàng hèm: đàng hai mí hòm thùng ghép lại mà còn hở phải dùng đồ trét mà trét dài theo.” Các từ điển Génibrel, G. Hue, Gouin đều giải chữ “đàng hèm” là fente, có vẻ lấy từ P. Của tuy không hết ý. Việt Nam tự điển của hội Khai trí tiến đức (Hà Nội 1931) định nghĩa hèm: “1.Vì sự kị huý mà kiêng tên; 2.Lễ phẩm để cúng riêng theo sở thích của một vị thần nào”. Không thấy có từ “đàng hèm”.

  9. Lê Tắc, sđd, tr. 39, 41.

  10. Ngan Nan tche yuan, tr. 136; H. Maspéro (“Etudes d’histoire d’Annam – Le royaume de Văn Lang”, BEFEO XVIII(1918), in lại trong Dân Việt Nam số 1, 1948), cũng nhắc ANC ghi chuyện đền Hùng vào đầu thế kỉ XV và cho rằng do Trần lập ra ở đấy vì dựa theo các tác giả đời Đường thì đó là vùng nước Văn Lang. Chúng tôi nghĩ rằng nhà nước Trần không thờ cúng Hùng Vương, vì nếu có thì hẳn đã phong tước. Chữ “cố chỉ” (nền xưa) chứng tỏ đền thuộc truyền thống địa phương.

 

(11) Trần Quốc Vượng, “Về danh hiệu Hùng Vương”, Hùng Vương dựng nước, t. III (Hà Nội 1973), ttr. 353 – 355; Huệ Thiên, “Hùng Vương hay Lạc Vương?” Kiến thức ngày nay, 1-4-1992, ttr. 3 – 9.

(12) Khác với chứng tích từ trước, gần đây người ta đã biết rằng Trần Thế Pháp không phải là tác giả LNCQ mà chỉ là người đề tựa đầu tiên (1492) cho tập sách cũ đời Trần ông có được, và ông là người đồng thời với Kiều Phú, Vũ Quỳnh (Vũ Quỳnh- Tân đính LNCQ, Bùi Văn Nguyện dịch thuật, chú giải, dẫn nhập, Hà Nội 1993).

Lấy ví dụ gần đây nhất về sự chuyển đổi nội dung ý nghĩa truyện tích do sự thúc đẩy của định kiến đã đưa những sự phối hợp, giảng giải đi xa gốc gác như thế nào. Trong truyện Ngư tinh, ông Lê Hữu Mục đã cho nhân vật cứu dân cái tên là Đào Kim Long và còn chú thêm “hay Lạc Long Quân.” Thực ra đó là do lối chấm câu chữ Hán khác với câu đúng ra phải là: Kim hô vi Phật Đào Kinh; Long quân mẫn dân bị hại...” và dịch giả chuyển chữ Long quân thành Lạc Long Quân, khai thác theo ý tưởng “vĩ tích của Lạc Long Quân”. Long quân (hay vương) không phải là Lạc Long Quân nhưng cũng có mức độ về âm vận và truyền thuyết (truyện Hồng Bàng) để người ta ghép ông vua rồng dưới biển thành nhân vật cho là tổ tiên dân Việt. Một bằng chứng khác kể thêm, để chứng tỏ ý thức thời đại có thể vượt được tất cả những gay gắt của chế độ xã hội, phe phía, tuy không ai chịu thừa nhận ai: Xem Cao Huy Đỉnh, “Góp phần phê phán các tài liệu thành văn thời phong kiến nói về cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống giặc Ân xâm lược ở thời kì Hùng Vương”, Hùng Vương dựng nước, t. II, (Hà Nội 1972), tr. 116, biểu đồ. Ở đây có vẻ ông Cao Huy Đỉnh đã sử dụng bài Hậu tự của Kiều Phú (1446 - ?) để theo chi tiết “Long quân hoá vi Đổng Thiên Vương...” là một trong ba điểm mà ông này đã sửa đổi bản cổ. (Chỉ dẫn của Thơ văn Lí Trần, t. I, Hà Nội, 1977, ttr. 90 – 93.) Bản của ông Lê Hữu Mục ngày nay giữ được hai điểm mà Kiều Phú đã sửa: Tản Viên là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ; Lí Ông Trọng giả bị đi tả để khỏi bị nạp cho Tần – duy chỉ có truyện Việt tỉnh thì lại là : Hùng Vương tìm được Đổng Thiên Vương theo lời dạy của Long quân bảo đi cầu hiền.

(13) Hãy xem lời bào chữa thái độ này của một nho sĩ thời thịnh đạt của ý thức hệ nho: Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, t.II (bản dịch Đàm Duy Tạo, Sài Gòn, 1965), tr. 323:”Thần quái là việc thánh nhân không bàn tới, thế mà trong sách Tả truyện có chép nhiều chuyện quái...”

(14) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, t. IX, Văn tịch chí, q. 42 – 45 (Nguyễn Thọ Dực dịch, Sài Gòn 1974), ttr. 208 – 210.

(15) Lê Tượng – Vũ Kim Biên, Lịch sử Vĩnh Phú (Ti Văn hoá và thông tin Vĩnh Phú 1980) bản ảnh sau trang 24 có đề: “Cổ Việt Hùng thị thiên thế thánh vương ngọc phả cổ truyện.” Mức độ chính xác đối với nguyên bản được sao lại mà tác giả nói là của năm 1470, ra sao chúng tôi không được biết, chỉ thấy phần cuối tờ ngọc phả này (in mờ) có tên người “sửa lại” (trùng đính).

(16) Phan Huy Chú, Văn tịch chí đã dẫn, tr. 22.

(17) Lê Quý Đôn, sđd, ttr. 329 – 330.

(18) Lê Tượng..., sđd, tr. 34, 37.