Ngày nay, qua công trình của các học giả, nhiều người cùng biết danh xưng Hùng Vương xuất hiện sớm nhất trong thư tịch là vào thế kỉ V (Nam Việt chí). Thư tịch Việt nhắc đến Hùng Vương sớm nhất là VĐULT (1329) trong truyện Tản Viên. Truyện này tuy dẫn Giao Chỉ kí của Tăng Cổn (thế kỉ IX) nhưng dấu vết huyền hoặc, tượng trưng không làm thoả mãn người đời nay bằng đoạn văn ngắn ở VSL (1377) có tính hữu lí ở chỗ trình bày được sự tập trung quyền lực siêu nhiên của người đứng đầu ”đất nước” Việt cổ. Nhưng chúng ta cũng lưu ý rằng, ngay trong truyện thần Tản Viên của VĐULT, Hùng Vương, nhân vật được đặt ở địa vị tối cao vào thời sau, trong truyện cũng là ông vua có “đất rộng, dân đông”, vậy mà chỉ là cái bóng làm nổi bật thần thông của ông thần núi. Trong lần phong thần năm 1285 – kể lần đầu để ghi nhận dấu vết xưa nhất – họ Trần chỉ phong cho Sĩ Nhiếp, Phùng Hưng, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Hậu Lí Nam Đế, Sơn Tinh (Tản Viên) mà không đả động gì đến Hùng Vương. Lê Tắc nhắc tới Lạc Vương(9) vì dựa vào Giao Châu ngoại vực kí, nhưng với kinh nghiệm hiểu biết ở nước nhà trước năm 1285 (năm ông hàng Nguyên) – nhắc lại, cũng là năm Trần phong thần toàn bộ – thì cũng không thấy nói đến Hùng Vương kể cả khi ông nhắc đến Tản Viên, Phù Đổng.
Điều đó cho thấy rằng đến gần cuối thế kỉ XIII, truyện tích Hùng Vương chưa nảy nở, hay ít ra, chưa phát triển trên đất Đại Việt.
Thần được quốc tế, được xếp vào tự điển để nhà nước chính thức thờ cúng thì khó có kẻ lạ bước vào mà không thuận lí một chừng mực nào đó, không cần đến một thời gian thử thách để hội nhập an toàn. Ở VĐULT không có một ông Hùng Vương nào được thờ cúng, không có ông Hùng Vương III (hay VI) nào chen vào chuyện ông Phù Đổng, nghĩa là đến quá phần tư đầu thế kỉ XIV, chuyện Hùng Vương, nếu có thành hình đến mức có người nghe thấy được, thì vẫn còn nằm ngoài dân gian. Và ông cũng đã được thờ cúng cẩn thận. ANC nói đến một “nền cũ cung vua Lạc” còn ở châu Tam Đái, tức là xác nhận trước khi người Minh qua (1407) đã có dấu vết đền Hùng ở địa điểm ngày nay.(10) Rồi vài mươi năm sau VĐULT, khuôn mặt Hùng Vương thành hình, có đầu có đuôi, có dây mơ rễ má chằng chịt với các nhân vật khác thành một hệ thống khá hoàn chỉnh, đủ cơ sở để đưa vào truyện tích và sử kí (dã sử). Như thế là đã có sự tích tụ ngầm hàng trăm năm để đến nửa sau thế kỉ XIV thì các truyện tích Hùng Vương bộc phát lan tràn và hội tụ lại trong sách vở: Các nhà nho thêm thắt đã tìm thấy những sự kiện biện minh và giải quyết vấn đề quốc tổ, một điểm còn thiếu trong lí thuyết vương quyền vay mượn. Và cũng bởi gắn bó với các sự kiện ấy mà từ ngữ Hùng Vương đậm nét địa phương và vẫn còn tính hiện đại (đối với đương thời) đã được sử dụng lấn át từ Lạc Vương lúc này đã trở thành “cổ hủ”, chỉ vì những người thống trị cũ đã phải rời bỏ thuộc địa từ nhiều thế kỉ rồi.
Bởi vì đúng đã có một truyền thống địa phương lâu dài về chữ hùng được sử dụng. Dựa vào tin tưởng đó, sử gia Trần Quốc Vượng đã đề nghị giải thích rằng “hùng” là phiên âm của một từ Việt cổ chỉ một chức vụ thủ lĩnh, có hướng bà con với các danh xưng tương tự: cun, khun, khunzt cùng chỉ người cầm đầu tộc đoàn của những người Mường, Thái, Munda. Sự giải thích đó bị ông Huệ Thiên bài bác trên phương diện ngữ học(11) nhưng chỉ chứng tỏ sự thất bại của một đề nghị chứ không thể phủ nhận sự kiện chữ hùng, đã hiện diện lâu dài đến mức thành một truyền thống. Vấn đề ở đây không chỉ là ngữ nghĩa, từ nguyên mà còn là truyền thống nữa. Nếu chữ hùng xuất hiện ở Nam Việt chí có thời điểm ghi nhận gần gũi (so với các tài liệu về sau) với chữ lạc ở Giao Châu ngoại vực kí, cả hai làm ta phân vân lựa chọn thì chữ hùng của Tăng Cổn, viên quan đô hộ cùng hành quân với Cao Biền, là bằng cớ địa phương rõ rệt nhất về việc có một danh xưng chỉ người cầm đầu một tập đoàn dân bản xứ trên đất Giao Chỉ / Giao Châu / An Nam. VSL, như đã nói, tuy càng muộn hơn, nhưng bằng chứng mang lại còn có thêm nội dung dân tộc học dễ thuyết phục người ngày nay: Hùng Vương của thế kỉ VII tr.C.n. là một pháp sư, tóm thâu được thần quyền và thế quyền vào trong tay. VSL tất đã lấy nguồn tin địa phương, độc lập với các nguồn tin Bắc sử nhìn người cầm đầu ở đây theo tên của tộc đoàn: Lạc (Việt).
Như thế kí ức tập thể của dân chúng đã lưu giữ hình ảnh về những người cầm đầu một vùng đất nước trước thời ngoại thuộc (trong một hình thức tập họp chính trị nào đó) mà những dạng hình tương tự – có co rút, có biến đổi một chừng mực – vẫn còn lưu giữ trong suốt thời Bắc thuộc và về sau, khiến cho kí ức thêm củng cố, bền vững. “Cố chỉ” của “cung Lạc Vương” còn cho người Minh thấy hẳn là của dân chúng lập nên để thờ ông Hùng Vương của họ trước khi nhà nho và triều đình vua chúa biết đến. Thực ra vua chúa lúc này (Lí, Trần) cũng không cần biết đến, không thể chấp nhận sự hiện diện của một tù trưởng địa phương xa xôi, xa xưa, vì điều đó có hại cho uy quyền của họ, những người xuất thân ở một khu vực “văn minh” hơn. Chỉ đến khi sau này, một nhóm lang đạo khác lên nắm chính quyền mới thấy sự tương đồng gốc gác đó là thuận chiều với tình thế mà họ phải đối phó, và có thể lợi dụng được.
Những truyện tích về ông vua tổ thời xa xưa đó tập họp trong LNCQ tạo thành một bộ mặt mới cho nhân vật Hùng Vương, nhưng cũng thật khó biết rạch ròi bộ phận nào là của truyền thuyết, phần nào là sáng tác, thêm bớt, phối hợp của Trần Thế Pháp, Kiều Phú, chưa kể Vũ Quỳnh đã soạn hẳn thành bản mới.(12)
Dù sao ta vẫn thấy ra trong LNCQ, nhóm truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ là một và Hùng Vương lại là một nhóm khác, được dễ dàng nối kết nhau bằng chuyện đẻ trứng, chia con. Chính nhờ sự nối kết này mà đất nước Hùng Vương lên đến hồ Động Đình của Lạc Long Quân khiến ông H. Maspéro phải cất công tìm ra một nước Dạ Lang gần đấy để giải thích chữ Văn Lang. Truyện Hồng Bàng nằm tách biệt trong LNCQ vì riêng biệt trong vị trí xuất hiện của nó, tuy được ngày nay giải thích như chứng tích của văn minh Đông Nam Á (sự đối kháng của yếu tố trên cạn, dưới nước...) – hay là của “văn minh Man” theo E. Porée-Maspéro – nhưng rõ ràng là nó đã mang đậm màu sắc, quan niệm ngũ hành Trung Hoa đặt con rồng cầm tinh phương đông, con chim Hồng phía nam và có cả chứng tích tràn lấn xuống Nam của tập đoàn Hán tộc. Tuy nhiên truyện Hồng Bàng đặt đầu sách cho ta thấy nổi bật ý thức muốn giải thích nguồn gốc dân tộc của người tập họp truyện, đã sử dụng truyện tích như chiếc cầu nối hư ảo với thực tế, dẫn từ huyền thoại đến lịch sử Việt cổ.
Hùng Vương (và do đó, Lạc Long Quân – Âu Cơ) được ghép vào các truyện về phong tục với các mối tin tưởng, sinh hoạt của dân chúng vùng Việt cổ. Việc ghép này thấy rõ trong truyện cống bạch trĩ – có thêm ông Hùng Vương vào gốc sách Bắc sử. Danh hiệu Hùng Vương chung chung được nhắc tới trong truyện Trầu cau, Dưa hấu, Bạch trĩ. Hùng Vương cuối cùng (suy đoán theo hiểu biết bây giờ) là trong truyện Lí Ông Trọng, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Kim Quy vì có nhắc tới An Dương Vương / Thục Vương Phán. Hùng Vương III là ở truyện đầm Nhất Dạ (Chử Đồng Tử – Tiên Dung), ở Đổng Thiên Vương, Bánh chưng, Việt tỉnh (có nguồn gốc thư tịch Tống, Nguyên). Không biết từ đâu có sự xác định thời đại (Hùng Vương III) như vậy. Trừ truyện đầm Nhất Dạ có chi tiết “vua cháu 3 đời”, còn các truyện khác thì xoay quanh truyện Đổng Thiên Vương mượn các chi tiết “vua Ân” (Việt tỉnh), phá giặc Ân xong liền tính chuyện truyền ngôi (Bánh chưng).
Chúng ta lưu ý rằng ông Đống chính hiệu (Xung Thiên Thần Vương) ở làng Phù Đổng trong VĐULT, phần trước năm 1329, chỉ là một ông thổ địa Phật tử làm chức hộ pháp cho chùa Kiến Sơ đối với chính quyền, là một ông thần của dân chúng được thờ trong dâm từ. Điều này làm ngạc nhiên người tiếm bình của thế kỉ XVIII, khi truyền thuyết về sau đã được lập thành. Trong lúc đó, ông Sóc Thiên Vương (cũng của VĐULT) phần của Nguyễn Văn Hiền/Chất (1422 - ?, tiến sĩ 1449, đi sứ Minh 1480) mới là người cứu nước, đã có thần tích đầy đủ với đứa bé lớn lên, có ngựa cùng công tích, điều mà vào hậu bán thế kỉ XIII, Lê Tắc ghi nhận được về người anh hùng dẹp loạn giúp vua, “sau không biết đi đâu mất”. Hai thế kỉ đã trôi qua từ Lê Tắc mà Nguyễn Văn Hiền/Chất cũng không tìm được một thời đại hẹp cho truyện tích ông ghi nhận “theo cố lão tương truyền”. Như thế có thể cho thời đại Hùng Vương III là khởi đầu từ chính LNCQ, một sự xác định dễ hiểu lí do, từ nhiều quan niệm, thói quen suy nghĩ dính líu đến con số 3: cháu 3 đời Thần Nông, ý niệm tam vị, tam tài, cách suy nghĩ về thế hệ 3 đời từ ông đến cháu... Rồi khi sách vở đã ghi nhận thì dễ cho chuyện con số 3 trượt sang con số 6 theo cách viết chữ Hán ( và ) khiến cho ông Đổng Thiên Vương sau LNCQ giúp Hùng Vương VI.
Và Thục An Dương Vương thần thoại cũng được nhắc tới vì mối liên hệ kế tục đã được ghi trong sách xưa. Nhưng cái đinh trong câu chuyện của thư tịch Trung Quốc là mối tình Trọng Thuỷ – Mị Châu và người thần Cao Thông có nỏ quý, chuyển sang LNCQ thành báu vật của thần Kim Quy với chuyện xây thành Cổ Loa, đó là phần thần thuyết của địa phương trùm lên truyền thuyết ngoại, xưa cũ. Mối tương quan Hùng – Thục ở truyện Kim Quy được kể “thực thà” hơn là ở các truyền thuyết về sau: Tuy không có chuyện An Dương Vương cướp đất Hùng Vương, nhưng ở đây, ông không xây được thành vì “tinh khí núi sông này có con vua trước nhập vào để báo thù”.
Trong khi ở các truyện khác, tên Hùng Vương được xen vào một cách không cần nguyên cớ gốc gác thì ở truyện Kim Quy, mối liên hệ với nhân vật lịch sử Triệu Đà khiến An Dương Vương bắt cầu cho Hùng Vương để nhân vật này thoát cái vỏ thần thoại của truyện Hồng Bàng, trở thành có cội rễ bám vững chắc trong trí người đọc, củng cố cái chân lí tràn ngập tình cảm của truyền thuyết bằng chân lí của lí trí, hiển hiện qua bằng cớ sách vở mới. Tập họp truyện tích LNCQ do đó đã mang lại hiệu quả là khiến cho những nhân vật lịch sử còn mờ nhạt trở thành linh động, chủ động, giữ địa vị trung tâm của cả một sinh hoạt tinh thần mới hướng về tính cách duy lí và dân tộc, phổ biến hơn trước. Chính là do được tập họp trong ý thức vương quyền duy lí đó mà các vua Hùng không còn mang hình bóng thần thoại, lại ngự trị trên cả một không khí thần thoại – tuy chưa thoát khỏi bầu khí đó – để giữ vững địa vị cao tột trong lịch sử đất nước. Rồi theo với thời gian, họ lôi được cả một hệ thống thần linh chuyển hoá từ sự bạc đãi hay thờ ơ của chính quyền, lấy cơ sở ở các xóm làng, núi đồng, liên kết với những thần linh hữu danh thành một hệ thống chuẩn xuyên suốt trên dưới tuy không thu hút, bao gồm cùng khắp nhưng cũng là điểm hướng tới đầy vinh dự càng ngày càng cao giá.