Như đã thấy, chúng ta không biết nhiều về diện mạo của đình tư nhân qua các tài liệu ít oi của cuối thế kỉ XV, không biết rõ về số lượng tương đối đình tư nhân trên đất Việt, số lượng trong một làng xã nào đó. Nhưng điều rõ rệt là khi làng lãnh việc quản trị đình tư, thì không những họ thừa hưởng một (hay nhiều) công trình xây cất hẳn phải to rộng để cân xứng với một nơi thờ cúng, mà còn thu được vào trong tay cả cơ ngơi ruộng đất sử dụng cho việc cúng tế nữa. Do đó, có thể nói, từ lệnh 1496, làng đã có công điền (làng xã) thực thụ để thu tô như ông chủ ruộng chứ không phải chỉ là người quản lí ruộng đất của một nhà nước trung ương, một thành phần thu tô ăn tiền đầu như ta có thể suy từ lệnh của Lí Thái Tông năm 1042.(7)
Các thần địa phương ngay cả khi gia nhập vào hệ thống Hùng Vương vẫn chứng tỏ một sức thu hút riêng, phản ảnh – và nuôi dưỡng – một tinh thần sứ quân tiềm tàng trong xã hội Đại Việt. Ông hộ pháp chùa Kiến Sơ bám trần thế trở thành người anh hùng giúp dân dựng nước mơ hồ ở thế kỉ XIII, đến thế kỉ XV đã vươn lên miền trung du phối hợp với thần núi Vệ Linh thành một thần nhân giúp vua Hùng III (hay VI). Người thần được hoàng đế cho tế lễ đó, nhờ địa vị có quốc tế mà thu nhận vào truyện tích của mình các yếu tố cấu thành của người khổng lồ trong hình ảnh của đứa bé khởi phát thật nhỏ nhoi về thân xác, vụt cao lớn lên làm nên vĩ tích để đời. Rải rác về sau, những ông Đống khác tiềm tàng mang truyện tích người khổng lồ, không được may mắn có vua biết đến, hay được cấu thành muộn hơn, thì đành trở thành người phụ giúp ông Đống Phù Đổng, qua đó giúp ông Hùng Vương để có chỗ nằm trong hệ thống thần linh mới.
Chúng ta không quên các đình thờ Phật (chắc đã là “chùa” trong các tài liệu 1474, 1496 kể trên) cũng có ruộng đất sử dụng vào việc thờ cúng (hậu Phật) nên chắc sau năm 1496 đã trở thành chùa làng. Cho đến ngày nay, ruộng hậu chùa làng vẫn phải chịu một phần ràng buộc của làng xã, tuy rằng hệ thống tăng sĩ (nếu có để thay thế ông từ) có thể làm nới bớt một phần sự lệ thuộc ấy. Thế mà không xa sau quyết định 1496, chúng ta gặp Trần Cảo thao túng tài sản chùa (làng) Dưỡng Chân để đủ sức nổi dậy (1516), còn Cồ Khắc Xương thì đặt tên chùa làng là Phù Kinh làm trụ sở chữa bệnh bằng cơm cháy (1517). Như thế, suy ra với một phần quyền hạn khá lớn trên đất chùa làng và trọn vẹn trên đất đình làng, chính quyền địa phương ở cấp thấp nhất trong xã hội Đại Việt đã có trong tay một quyền lợi cụ thể dẫn tới quyền lực.
Làng có một ông thần bảo trợ, một nơi hội họp bàn định việc làng để thần chứng kiến, và một cơ sở điều hành, từ đó có thêm một mức độ độc lập đối với trung ương, hơn cả các cấp phủ huyện bên trên, tuy vẫn phải chịu cái thế chèn ép của một đơn vị hành chính thấp nhất. Tầng lớp trí thức địa phương mang lại lí thuyết cho sự thành lập cả một hệ thống quan viên làng xã, tranh giành ngôi thứ và tranh chiếm ruộng đất, cả hai khía cạnh quyền và danh đi đôi với nhau, không ngượng ngùng trước những tiêu chuẩn mà Nho Giáo đòi hỏi.
Sự tan rã của chính quyền trung ương từ thế kỉ XVI qua các cuộc tranh chấp, chiến tranh bên trong triều Lê, giữa Lê Mạc, Trịnh Nguyễn làm cho ý thức địa phương của làng xã thêm củng cố với thực tế phải lo tự bảo toàn trong biến động. Các đình làng còn lại trên miền Bắc phản ảnh đúng thực tế đó của giai đoạn củng cố làng xã theo với sự xây cất ngôi nhà thờ ông thành hoàng: Đình sớm nhất là của thế kỉ XVI thật ít oi, nhưng lại nở rộ trong các thế kỉ XVII, XVIII cùng với các chứng tích thành văn khác. Tập họp quan viên làng xã mang mớ kiến thức kinh bang tế thế không thành đạt của mình áp dụng vào việc quản trị quê hương: Các hương ước ra đời cũng rõ rệt là của thế kỉ XVII trở đi.(8) Lệ làng hẳn trước đó đã có, theo nguyên tắc của một tập họp xã hội tồn tại lâu dài, đến lúc này được xác nhận bằng văn bản, trở thành luật pháp khu vực, mang tầm mức quyền uy níu thêm uy tín cho những lệ làng chưa thành văn.
Chính quyền Lê Trịnh quản trị tập họp làng xã đó của thế kỉ XVII, XVIII như phải chẳng đặng đừng mà sử dụng một con dao hai lưỡi. Buông cho đám cường hào làng xã quản trị địa phương theo cách có lợi cho hàng ngũ ăn trên ngồi trốc đó với những chi tiết luật lệ riêng biệt có khi được che giấu hoặc biện minh bằng phép nước, bằng đạo lí Nho Giáo, thì Thăng Long sẽ an tâm thu được thuế, bắt được lính, dồn sức giải quyết những tranh chấp với chúa Bầu, với Mạc, với chúa Nguyễn. Nhưng trong khi hệ thống thần linh và thế tục phối hợp nhau điều kiện hoá ý thức của người dân làng xã theo cách có lợi cho trung ương, thì đồng thời nó cũng tạo ra một tâm trạng sứ quân tiềm tàng bên trong luỹ tre xanh.
Những mong ước thật nhỏ bé đối với tầm mức đất nước trở thành to lớn, đáng hãnh diện, khoe khoang đối với xóm làng, mang lại ý nghĩa sống cho những người bình thường chịu an phận, và là niềm an ủi cho những người phải gặp thất bại trong ý định vươn cao. Sự co rút đó tạo nơi những người lãnh đạo làng xã một tầm nhìn hẹp với tính ích kỉ, cầu an, đầy tranh chấp nhỏ nhen, phản ảnh vào thế giới thần linh – hay biểu lộ trong quan niệm về thế giới thần linh. Có câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh cách tân, mang tính thời đại phân tranh biến thành chuyện thần thuồng luồng ở Nam Đàn (Nghệ An) đi đánh thần Tản Viên, bị giết chết. Người ta gán vào một viên quan đời Mạc câu chuyện ông đi qua đền làng bị thành hoàng rượt, chạy qua làng bên kêu cứu, không thấy ai (thần) lên tiếng, qua làng khác gặp thần nể tình ra bảo: “Hãy qua bên làng kia, chứ ở đây cùng huyện không tiện giúp.”(9)
Thành hoàng không ra gì, chỉ là “xã lệnh” (trên cõi thiêng) lo việc bắt lính cho thần linh trung ương, nhưng dù sao cũng là có chức phận – còn hơn không có gì – nên ông Tả Ao đi “du học” thành tài, nổi danh để-mả cho nhiều người trở thành sang quý mà rốt cục biết mình không có phận, cũng cố tìm một huyệt trên đường khiêng đi chôn, mong hưởng chút huyết thực của làng.(10) Chức không ra gì nhưng thói hống hách ở khu vực cũng đủ cho thần trách cả Tham tụng Nguyễn Khản, người đứng đầu triều của Lê Trịnh khi đi qua đất Thanh Trì, không xuống ngựa: ‘Tôi dù nhỏ cũng trấn một phương này...”(11)
Những người – hay tập họp bá chủ làng xã – khi gặp được một điều kiện phỉnh phờ hay thúc bách nào đó, vụt thấy tham vọng địa phương có cơ thực hiện được thì nổi dậy gây sự để gặp phản ứng tại chỗ – hay ở trung ương nếu mở được tầm mức lớn rộng. Những cuộc nổi dậy trên đất Lê Trịnh thay nhau liên tục ở thế kỉ XVIII được ngày nay gọi là “những cuộc khởi nghĩa nông dân” thực ra đã được khởi xướng bởi đám cường hào, quan viên làng xã hay nhóm làng xã trong tình hình mất sự quân bình của tương quan trung ương địa phương đã tạo nên chính sự tồn tại của cơ cấu xã hội Đại Việt thời ấy. Tình trạng trước và sau “khởi nghĩa” ở làng xã giống như của câu chuyện ông Cường Bạo Đại Vương, phúc thần làng Bối Cẩm, ghi nhận trong thế kỉ XVIII: Một tên ngỗ nghịch liên kết với ông Táo biết việc thiên đình nên tránh được nạn thiên lôi, rồi tăng tiến khả năng, dần dà đe doạ cả thiên đình; vì nội bộ liên minh mâu thuẫn, hắn bị Trời đánh, đành trở về phá phách xóm làng, an phận làm thần một phương, cũng được người sợ như ai mà không thấy Ngọc Hoàng quở trách đâu cả.(12)