Trên bình diện lịch sử văn hoá, có một thời người ta coi nước Việt chỉ là thành phần tỉnh lẻ của văn hoá Trung Hoa sâu sắc và lớn rộng, để rồi sau đó lại có phản ứng muốn chứng minh tính chất bản địa của văn hoá Việt với một số kết quả thành công nhưng cũng có khi không kém phần sơ hở.
Tài liệu của nhà nho để lại quả cũng dễ cho người ta khẳng định tính chất bộ phận văn hoá Trung Hoa của Việt Nam: sách vở viết bằng chữ Hán, trích dẫn Kinh Truyện, nói chuyện Phật (Trung Hoa), Lão... Tổ chức chính quyền cho thấy cứ một lần vùng lên lớn mạnh, cả với lần đánh bại quân phương Bắc, là một lần người ta mang mẫu hình Trung Quốc về áp dụng trong nước một cách khít khao hơn... Mà cho dù kết quả đã là như thế thì vấn đề Việt Nam thu nhận văn hoá Trung Quốc cũng phải được khảo sát một cách tinh tế hơn, bởi vì cuộc tiếp xúc văn hoá giữa hai khu vực nào cũng phải diễn ra dưới nhiều hình thái (thu nhận, phản ứng chống đối, hội nhập), phải tính bao gồm yếu tố thời gian, theo từng khu vực xâm nhập... Nghĩa là vấn đề không giản dị, đòi hỏi người nghiên cứu phải có khả năng thấu hiểu lịch sử của hai khu vực tương quan đồng thời với khả năng biện biệt sâu sắc.(7)
H. Maspéro nghiên cứu cuộc viễn chinh của Mã Viện đã nêu rõ tác động lớn lao của cuộc xâm lăng này trên xã hội Việt cổ và luận điểm này đã được nhiều người công nhận – công khai hoặc ngầm hiểu thì cũng như nhau. Nhưng có thể xét vấn đề uyển chuyển, chi li hơn, do đó làm sáng tỏ lịch sử hơn. Cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng gây ra phản ứng tức khắc của nhà Đông Hán lo sợ cho sự tồn vong của đế quốc mới lập lại của mình, không phải bỗng dưng mà có, không phải không chứng tỏ sức mạnh nội tại của thể chế xã hội bản xứ. Sự đột biến văn hoá do cuộc chiến thắng của Mã Viện trên đất Việt cổ cũng không xoá được tình trạng phổ biến của tục lévirat ở vùng Mê Linh, Cửu Chân mãi đến hai thế kỉ sau, theo lời báo cáo của Tiết Tổng. Cho nên lại cũng không phải ngẫu nhiên mà sau bà Trưng ở Mê Linh lại là bà Triệu ở Cửu Chân. Và các bằng cớ đó giúp ta không ngạc nhiên khi nhìn thấy dấu vết mẫu hệ từ thời độc lập sau chín thế kỉ chiến thắng của Mã Viện.
Ở khía cạnh nhìn mức độ xâm nhập của văn hoá Trung Quốc theo chiều hướng phân biệt địa vực, tài liệu VĐULT cho ta thấy trong khi Tống Bình – La Thành đã có các ông chủ đất trên cõi thiêng đúng theo quan niệm của chính quốc với cấp bực thổ địa – thành hoàng, thì xa hơn, trên phía Tây Bắc, ông thần đất bản xứ vẫn còn mạnh và truyện thần Bạch Hạc phản ảnh được một sự đối kháng văn hoá qua chuyện tranh tài của ông thần Đá địa phương và ông thần Đất Trung Quốc trên vùng Ngã Ba. Tuy có sự thắng thế của mẫu hình Trung Quốc qua giấc mơ của ông quan triều Đường – do tiềm thức tự cao thống trị nổi dậy, ông thần địa phương chỉ thua một bước vẫn còn đấy, chờ khi ngoại nhân ra đi lại lên làm chủ khu vực, chủ làng với danh nghĩa thành hoàng vay mượn, đến bây giờ đã hội nhập vào sinh hoạt bản xứ.
Như vậy trong thời Bắc thuộc, sự xâm nhập văn hoá Trung Quốc qua thời gian cũng phải tuỳ thuộc vào yếu tố địa vực mà triển khai tính chất, thu hoạch hiệu quả hay có biến tính đi. Trên danh nghĩa thì nhà Hán đã chiếm đất Việt cổ từ thế kỉ II tr.C.n., nhưng ảnh hưởng lan tới các vùng khác với khung cảnh quen thuộc của họ thì chậm hơn: Sự tương đối đồng nhất chỉ thấy được trên vùng đồng bằng, nơi đặt lị sở của quan lại cũng là nơi di trú của dân chúng họ, và tiếp tục là nơi phát triển toả rộng của các thời đại độc lập về sau.
Lại cũng nên nhìn yếu tố bản địa với tính cách động của nó. Một ông thần địa phương lớn dần lên theo với sự lớn mạnh của xứ sở, dù nhận những yếu tố mới đưa vào, vẫn mang tính địa phương trong giai đoạn mới. Sự thay đổi ngôn ngữ khiến đôi khi ta hiểu sai nội dung của chủ thể đang bàn: Khi ta dùng chữ Hán (Việt) thổ địa – “thổ lệnh trưởng” để chỉ ông thần Bạch Hạc thì hình ảnh ông thần Trung Hoa có thể chen vào lấn lướt, nhưng trước mắt dân chúng đương thời, thần nơi đó vẫn chỉ là một đống đá linh thiêng. Lực lượng thuỷ triều phối hợp với dòng chảy trên vùng hợp lưu sông Thái Bình làm người dân Việt cổ sợ hãi, tác động đến sự hình thành một bài thơ chữ Hán vạch ra một ranh giới thời đại chính trị, các thần nước đó vẫn được thờ cúng dù đã mang mũ mãng đai hia không có lúc trước, nghĩa là đã thành một ông thần – không mới hay cũ – ứng hợp với thời đại. Một thần linh có sống, có chết, có hưng vượng, có tàn tạ – hiểu theo mặt biểu hiện trước thế tục là sự thờ cúng. Hiểu theo nghĩa động như thế, tính chất bản địa không phải là cái gì khô cứng cần đến sự bảo vệ gượng gạo, bướng bỉnh của người sau; hiểu như thế, hình ảnh các thần linh sẽ được rõ nét qua thời gian, qua những quan niệm thờ cúng tác động đến cuộc sống tinh thần của người Việt từng giai đoạn khác nhau.
Vì cũng lưu ý đến tính chất bản địa, các học giả Pháp vào cuối thời kì chiếm đóng bắt đầu nói đến một nền văn hoá austroasiatique, tuy nhiên ảnh hưởng đậm nét Trung Quốc trên vùng căn bản của dân Việt làm người ta khó tìm ra chứng cớ, và để có chứng cớ, người ta lại vội vã ghép cái nhà sàn indonésien với nơi thờ ông thành hoàng làng, một lề lối làm việc hợp với các nghiên cứu của thời độc lập đậm nét tinh thần dân tộc chủ nghĩa mà chưa thoát khỏi thói quen theo đuôi của thời lệ thuộc, xưa cũng như nay.
Trên chiều dài lịch sử đất nước Việt Nam hiện tại, sự bảo lưu và phát triển tính chất bản địa trên trung châu Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn mang tác động của các tập đoàn dân cư vùng trung thượng du, của các tập đoàn phương Nam cả từ khi đất nước chưa mở rộng nhưng không phải đóng kín. Không nên quên sự lưu tâm của các nhà cầm quyền đến tín ngưỡng, tập tục, tâm lí của đám dân dưới quyền họ: Họ phải mượn một mẫu hình tổ chức từ bên ngoài cần cho sự thiết lập một chính quyền bao trùm cả lãnh thổ phức tạp, nhưng thực tế cai trị – nhìn thấy, học được hay mang tính cách khách quan bắt buộc – cũng khiến họ phải điều chỉnh vay mượn theo tình hình tác động của thực tế đó. Ta gặp các triều đại độc lập đầu tiên phong tặng các thần địa phương lẫn các thần xâm nhập (của phủ Đô hộ) để lôi cuốn dân chúng theo phe mình chống xâm lăng. Đền thờ kiểu táo quân Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng, Dương Hậu theo tập tục được chấp nhận lúc đó vẫn còn hiện diện có lẽ đến đầu thế kỉ XVI. Ta gặp hai triều Hậu Lê, Mạc dung chứa ít ra là 300 năm ngay tại kinh đô (không kể ở địa phương) một ngôi đền Bà Banh mà nghi lễ thờ cúng không có gì mâu thuẫn và đối chọi hơn với sự thanh khiết sĩ diện của hệ thống Nho Giáo mạnh mẽ đương thời.
Ảnh hưởng văn hoá Chàm ngay trung tâm Đại Việt đã quan trọng hơn người ta tưởng. Lớp tù binh Chàm xây tháp, dựng đền, làm tướng, làm mưu sĩ, vào hậu cung, phổ biến tiếng nói, đe doạ quyền bính triều đình, làm đa tạp hoá tình hình cư dân trung châu, ít nhiều gì cũng góp phần làm lệch đường hướng lịch sử vướng víu của thời Bắc thuộc và những tiếp nhận về sau. Trong vấn đề ta đang bàn, Thiên Y A Na, thần bảo trợ vương quốc Chàm, đã được Lí Thánh Tông đưa về làm một vị thần bảo trợ nước Việt. Thần Po Yan Dari làm Bà Banh hưởng cúng tế đến khoảng 1/4 đầu thế kỉ XIX mới bị nhà Nguyễn đuổi đi. Thiên Y A Na bị quên lãng ở đền Hậu Thổ lại khoác áo Chúa Tiên, Liễu Hạnh đi vào các điện phủ... Ta có cảm giác như đây là sự trả thù của dân bại trận, một sự thực mà Lí Thánh Tông lo sợ khi đem Thiên Y về thờ trong mục đích xoa dịu hận thù và lôi kéo phe cánh trên cõi thiêng liêng.
Đám lưu dân Việt đi về phương Nam phát hiện thêm một hệ thống thần biển với những liên hệ vốn chỉ có những đại diện mờ nhạt ở trung châu miền Bắc. Các tập địa chí ở miền Trung dù ghi chép muộn màng cũng cho ta thấy những vị thuỷ thần xuất thân theo một hệ thống gia đình khác kiểu với dân Việt, nên hiện ra những hình ảnh “dâm loạn” trong cách thai sinh, trong sự thờ cúng. Có thần còn giữ gần như nguyên vẹn hình ảnh cũ: thần Cá Voi. Có thần biến dạng thành Long Vương, nhập thành Tứ vị Thánh nương của Đại Việt, đồng dạng với bà Thiên Phi, Thiên Hậu của đám dân Trung Hoa hàng hải, lưu vong.
Trên đất liền, ngoài các vị thần rừng núi của các dân tộc phía tây, nổi bật hơn hết là thần Thiên Y, quyền uy lớn rộng – cả ngoài biển khơi – chứ không phải mờ nhạt như khi lạc loài ở Thăng Long. Ở đây, sự tan rã của tầng lớp cầm quyền Champa làm biến mất hệ thống thần Ấn vay mượn, chỉ còn lại các thần địa phương của dân chúng hay của tầng lớp trên tạo dựng riêng. Cho nên các ông chúa Việt thì lấy ý niệm deva-rajah để tự gọi hay chấp nhận sự tôn xưng, còn dân chúng thì gặp lại các ông thần đá như một sự thân quen xưa cũ đã bị các ý thức hệ cao cấp xua đuổi, bôi xoá. Ông thổ thần ở đây đã bớt uy vũ vốn có trong các đình làng miền Bắc, dù các vua Nguyễn có ủng hộ các ông trong một chừng mực. Chủ thiêng liêng của ruộng đất không phải chỉ có ông thổ thần của vua phong mà còn có thần của dân bại trận nữa.
Sự hiện diện của người Pháp trên đất Việt là biến cố chính trị văn hoá to lớn làm đảo lộn xã hội, đẩy Việt Nam vào trong quỹ đạo của sinh hoạt thế giới. Với lần tiếp xúc này trong thời đại khoa học đang đà phát triển, các tài liệu ghi nhận đã nhiều hơn khiến ta nhận được nhiều chi tiết về xã hội truyền thống tuy ở giai đoạn cuối nhưng cũng giúp ta đi sâu vào thời gian xa hơn. Truyền thống một mặt co lại trong triều đình vật vờ, ốm yếu ở Huế, trong các khu vực làng xóm – tuy cũng không tránh khỏi khủng hoảng – mặt khác, cố vươn lên trong những con người, tập đoàn chống đối mang những mức độ khác nhau về sự tin tưởng ở giá trị của những truyền thống ấy.
Cũng có những cố gắng tự đổi thay vươn lên trong hệ thống ngoại trị, và ở vấn đề ta đang bàn, là sự điều chỉnh các dòng tiên tri mang đậm màu sắc Nam Bộ khi tiếp xúc với xứ sở của dân Khmer chứa nhiều yếu tố khích động, để tập họp thành những tôn giáo mới với hàng triệu tín đồ đi tìm thần linh trong giai đoạn bên thềm thế giới. Chính vì điểm xuất phát mang tính địa phương và quần chúng thuộc tầng lớp bậc trung trở xuống mà các hệ thống này có sự vinh quang và nỗi cay đắng riêng của họ. Và cũng vì sự mới mẻ còn đầy tính cách thời sự của chúng mà các nhận xét nhắm vào không khỏi đầy tính cách giận dữ thù ghét, hoặc yêu chuộng ưa thích mang tính cách phe phía, trong đó có cả sự dè dặt xuê xoa của những người đang sống trong biến cố. Nhưng dù sao thì đó cũng là điều tất nhiên.