Thần, Người Và Đất Việt

I. Thần Linh Việt Trong Sách Vở Và Archeo-Culture

Như nhiều người đã biết, tài liệu cổ về tập đoàn dân tộc sinh sống trên đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả ngày nay là của người Trung Quốc để lại. Nhưng vì tình trạng Việt cổ là một thuộc địa của Thiên triều, nên sử kí phần rất lớn chỉ ghi chuyện chinh phạt, chiếm đóng, tổ chức cai trị địa phương cùng các hành động quấy đảo tranh giành quyền lực, hoặc tự động bột phát bên trong, hoặc do tác động của những khuynh đảo từ chính quốc ảnh hưởng đến. Qua những tài liệu như thế, thật khó tìm xem dân bản xứ nghĩ gì, ứng xử như thế nào trong cuộc sống tâm linh tuy rằng với đà mở rộng kiến thức ngày nay, người nghiên cứu cũng hé mở thấy được chút ít bằng những suy luận gián tiếp qua phương cách đối chiếu.

Một tầng cấp hệ thống xã hội Hùng/Lạc của người Việt cổ được ghi lại ít ra là đến 5 thế kỉ sau khi bị chiếm đóng, cô đọng vài dòng trong vấn đề thể chế chính trị, khai thác đất đai đã gây ra nhiều tranh luận về việc giải thích chúng, chưa kể những cái đuôi chắp nối về sau. Sự xuất hiện trong chính sử Trung Quốc của các “nữ tặc” Trưng, Triệu làm nổi lên trên bình diện chính trị của Đế quốc vai trò người đàn bà trong xã hội bản xứ. Một An Dương Vương ghép với nhà Triệu là nhân vật đầu tiên được phác hoạ có dạng hình của thời sơ sử Việt cổ. Những nhân vật ấy, ở mức độ tài liệu này chưa cho ta thấy bên trong con người họ, nhưng cũng là những bằng cớ thân xác đủ cho ta tin để dò hỏi tâm hồn họ. Nhưng nguồn tin lại đến rất là muộn.

Từ thế kỉ X, nước Việt độc lập, các triều đại cần một tập họp dân chúng ủng hộ mình nên phải chú ý ít nhiều đến cuộc sống của họ, riêng biệt là cuộc sống tinh thần mà các nhà lãnh đạo cũng chia xẻ một phần tâm tư. Sự cảm thông này của hai lớp người ở hai đầu tầng cấp xã hội càng lúc càng phai lạt tuy không mất hẳn, dần dần chuyển sang sự tương thông thuần lí qua nghi lễ, chỉ vì nhu cầu muốn xây dựng một nhà nước vững chắc đòi hỏi người cầm đầu phải mượn mô hình duy lí của Khổng Giáo. Từ khi biết có bộ (Đại) Việt sử lược (VSL) xuất hiện năm 1377(1) trước bộ Đại Việt sử kí toàn thư (Toàn thư) liên tiếp bổ túc qua các triều đại với dạng hình hoàn chỉnh vào thế kỉ XVII,(2) người ta lại có dịp so sánh để thấy sự khác biệt tâm lí ý thức của thời đại đã ảnh hưởng đến các lớp người thực hiện hai bộ sử này. Riêng trong lĩnh vực ta đang bàn thì VSL đã chép rõ nhiều chi tiết ma thuật hơn Toàn thư, tuy sách này (phần của các tác giả thế kỉ XV) cũng không bỏ những tin tưởng thần bí xảy ra dưới triều Trần nối tiếp dòng tín ngưỡng của Lí, và lại còn thêm phần huyền thoại mới, lần này được bao bọc dưới lốt tinh thần trung quân ái quốc mở đường cho những tán tụng về sau.

Khi nhận ra dòng tin tưởng bình dân của thời đại Lí Trần vươn lên đến tầng cấp tột đỉnh của xã hội đương thời như thế, ta không lấy làm lạ khi thấy các ông vua lưu tâm đến các thần linh được thờ phụng trong nước và các nho sĩ thì lại thu nhặt các chuyện truyền kì để chép thành sách. Các vua cần đến một cõi thiêng liêng chưa được tập trung lắm vào tay một ông Thiên, cha của vua, nên phải cầu khấn các vị thần trong nước che chở mình chống người thù địch, chống kẻ xâm lăng. Các nho sĩ tuy có ngoi lên được một chút từ giữa triều Trần, nhưng vẫn còn ở địa vị thư lại, gia thần nên trừ một vài người gượng gạo, không ai dám thẳng thắn bênh vực “chính giáo”, vả lại còn thấy mình gần gũi các tin tưởng lưu hành nên chép các truyện tích được các thời đại quan tâm, được dân chúng truyền đạt cho nhau để nhân tiện kín đáo bày tỏ quan điểm của tập đoàn mình. Việt điện u linh tập (VĐULT) và Lĩnh Nam chích quái (LNCQ)(3) thành hình trong một khung cảnh thời đại và lòng người như thế, cho ta những chi tiết về cuộc sống tinh thần của người dân Đại Việt liên hệ đến thần linh tới thế kỉ XV.

Các sách xưa của ta lưu truyền lại phần lớn không mang tính cách văn bản thời đại dứt khoát, nhưng do các nghiên cứu ngày nay, về đại thể, người ta có thể phân biệt được các phần căn bản của VĐULT là vào năm 1329 và của LNCQ là vào cuối thế kỉ XIV. VĐULT là sách viết về tập họp thần linh được chính quyền công nhận, do đó, ta thấy có sự đồng lòng chấp nhận phụng thờ các thần linh ấy giữa chính quyền và địa phương có thần, mà phần chính quyền là đem lại tính cách định hình chính thức cho nội dung thần linh của dân chúng cung cấp. LNCQ vì là truyện dân gian, chỉ cần có các dấu vết niên đại đủ làm khung truyện, còn nội dung thì dàn trải ra trong sự phô diễn phần ý thức xã hội đến lúc định hình trong sách, trên một địa vực còn mơ hồ là của nhà Triệu, của bộ Giao Chỉ, nhưng thực ra chỉ là của Đại Việt Lí Trần thôi. Vì sách có khuynh hướng thu hẹp trong vùng đất độc lập nên từ vị trí đó sẽ có ảnh hưởng đến người đọc tiếp nối tác động vào việc sáng tạo những thần linh mới.

Rõ ràng ngay từ thời xuất hiện, các tập sách đã thấm một dạng văn hoá mới trên lớp sự kiện cũ để ta bắt gặp được những biến đổi trong cách nhìn về cõi thiêng qua thời gian, và do đó, những người-thần, những chuyện của thần linh sống, dàn trải trong một thế giới phi hiện thực, phi lịch sử lại trở nên có sử tính đáng lưu ý. Cho nên trong cùng tột ẩn kín của sự kiện được phô diễn qua những từ ngữ văn hoa, mang những biến dạng văn hoá, ta thấy ra một thời đại thật sâu vào trong quá khứ. Giá như sử dụng một máy quang tuyến thời gian để soi sự kiện, ta sẽ chỉ thấy lờ mờ dáng người anh hùng cứu quốc, dáng một bầy tôi trung tín, một ông vua uy vũ... mà nổi bật lên lại là một thần đá, một thần sông biển... Những “lớp đất” văn hoá trong các sách vở này, thay vì gặp rời rạc ở các công trình của những người thuộc các thời đại khác nhau – và điều này thì lại thuộc mô hình nghiên cứu khác – lại tập trung vào trong một quyển sách, cho thấy những tầng lớp thời gian cụ thể.

Các tác giả về sau ghi chép dồi dào hơn – nhất là từ thế kỉ XVIII – cũng cho ta thoáng thấy những tầng lớp văn hoá trong chính ý thức của tác giả biểu lộ, trong các chuyện kể ghi chép được, nhất là ở bộ phận địa chí, nơi tụ hội dấu vết tập thể nhiều nhất. Đồ sộ hơn hết là bộ Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) thành hình vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX trong khi người Pháp đã có mặt trên đất nước này, nhưng những người biên tập vẫn còn ở trong truyền thống cũ và cách bố trí xây dựng tác phẩm vẫn theo mô hình cũ. Đất nước không còn hẹp như ở thế kỉ X, nhưng dân tộc Việt đã đứng chân trên vùng đất Nam - Bắc trải dài đến “... mũi Cà Mau.” Truyện tích càng nhiều, người người phức tạp nhưng hệ thống văn hoá cũ đã tìm cách thích ứng được theo những biến động nội chuyển của đất nước, trong đó có sự gặp gỡ lại – một thứ trở-về-nguồn – với những dạng hình đồng điệu ở các khu vực chính trị khác phía Nam. Cho nên, qua những nghiên cứu của trường phái Tây Phương – của người Pháp – với những tài liệu thu thập dồi dào, quan sát tỉ mỉ, đối chiếu tinh tế, những yếu tố xưa đã nổi bật lên. Có thể lấy làm thí dụ trong hai thời điểm cách xa nhau: L. Cadière chú ý đến tục thờ cây đá cho đó là biểu hiệu của “tôn giáo Annam”, một thứ tôn giáo thờ Thần linh (religion des Esprits)(4); R. Stein gợi ra những tín ngưỡng bình dân từ phong tục chơi hòn non bộ vốn thường chỉ được coi là có ý nghĩa nghệ thuật, triết lí.(5)

Theo đường hướng khoa học, các nhà nghiên cứu Việt Nam ngày nay đã chặn ra được từ trong một thần tích, lễ tục hiện tại những dấu vết cổ sơ, không phải chỉ ẩn tàng trong ngữ nghĩa, trong lề lối diễn tả mà còn ngay ở các hiện vật. Ví dụ ông Trần Quốc Vượng đã thấy cái gọi là cọc buộc ngựa của Thánh Gióng trên núi Vũ Ninh là một tập họp linga-yoni mà trụ đá có ngẵng cao đến 4m, còn ngựa giặc Ân lại là của điêu khắc Chàm.(6)

Tất nhiên là những dấu vết tìm lại ấy không biểu hiện đúng và đầy đủ hiện trạng ý thức xã hội xa tít trong thời gian. Năm tháng đè nặng lên làm nó bị vùi dập, méo mó, lệch lạc, nghèo nàn đi, hay biến dạng – dù là chậm chạp – theo những yếu tố mới gây ảnh hưởng đến. Công việc gỡ những lớp thời gian như thế do đó có những khó khăn đáng kể, không những chỉ vì quá khứ xa xôi mà còn vì có tác động của các dạng hình văn hoá hiện diện theo những chênh mực thời gian trên từng khu vực khác nhau của đất nước.