Nhà Lí xây cất chùa tháp thật nhiều, ngay từ ông vua đầu, lúc mới lên nắm quyền bính, để cho các sử quan nho thần theo truyền thống Hàn Dũ phải lên tiếng khá gay gắt. Nhưng các ông sử thần này cũng thấy mà ghi lại nhiều cơ sở thờ cúng thần linh được dựng lên trong khuôn khổ chính quyền mới ở kinh đô Thăng Long từ khi Lí Thái Tổ dời về. Ta có thể liệt kê theo những năm tháng được ghi trong chính sử: đền thần Đồng Cổ (1028), đền thờ Phạm Cự Lượng (đầu 1038), đàn Xã Tắc (1048), đàn Vu phía nam kinh thành (nhắc đến các năm 1137, 1138) các đền Bố Cái, Tản Viên, Ông Nghiêm, Ông Mẫu (1145), đàn Viên Khâu (1154), các đền Hai Bà, Xuy Vưu (1160). Theo VĐULT, đền Hậu Thổ dựng sau chiến thắng Chiêm Thành 1069, còn đền Phù Đổng ở Cảo Hương bên hồ Tây thì không có thời điểm rõ rệt.
Các công trình trên cho thấy sự tập trung các thần linh theo quan niệm vương quyền phương Bắc, được tiến hành với những điều kiện địa phương. Chính vì sự thành lập thể chế thờ thần linh có đến hai yếu tố tác động như trên nên ta mới thấy một chừng mực ghi chép lệch lạc giữa chính sử và VĐULT mà ta sẽ cố gắng giải thích.
Chuyện thần Đồng Cổ (Trống Đồng) báo mộng cho Lí Thái Tông về loạn Tam Vương kể trong chính sử được VĐULT(1) thêm rằng Thần được rước từ Thanh Hoá về Thăng Long do đã giúp ông hoàng Phật Mã trong một chuyến nam chinh (có lẽ chỉ chuyến đầu 1021). Sự việc báo mộng dù là có thực do một linh cảm nào đó của con người nằm ngay trong biến cố, hay chỉ là cái cớ để lập hội thề sau biến loạn, thì việc chọn Thần làm chủ cũng chứng tỏ địa vị quan trọng của Thần, không những ngay trong gia đình họ Lí mà còn đối với các tập đoàn thứ cấp khác nữa. Toàn thư chỉ rõ miếu ở bên hữu thành Đại La, phía sau chùa Thánh Thọ, nhưng đó là miếu để hội thề cất sau biến cố 1028. VĐULT cho chi tiết đáng tin vì các sự kiện ràng buộc nhau, rằng miếu thần (sau 1021) ở bên trong Đại nội, chi tiết chứng tỏ trước hết Thần là kẻ bảo vệ riêng cho nhà họ Lí. Vị thần núi linh thiêng ở vùng Cửu Chân từ địa phương đã được “lên chức” để làm yên lòng phe phái phương Nam – Hoa Lư, khi kinh đô dời khỏi nơi đó, được trân trọng thờ trong khuôn viên gia đình chủ nước rồi lên đến tột đỉnh với địa vị kẻ chứng kiến sự thề bồi cả nước: Thiên hạ Minh chủ.
Phạm Cự Lượng(2) được phong là người xét xử ở cõi âm làm các nho sĩ đời sau vốn thông đạt các truyền thống phương Bắc, ngạc nhiên hỏi sao không phải là ông Cao Giao Trung Quốc được thờ mà thay vào đó lại là một người luồn lọt qua các triều Đinh, Lê chẳng “khác gì bọn tuỳ thời để lập công danh”? Nhưng nhìn ở quan điểm Sử kí Đỗ Thiện được viện dẫn thì đời Lí người ta không nghĩ như thế. Phạm Cự Lượng được coi là một người “tận trung báo quốc”, “ngay thẳng... trong trắng không có một lỗi nào”. Xác nhận đó được gán cho là từ cõi âm, nhưng việc kê khai gia thế có vẻ đúng với phổ hệ thực, và việc phong thần rõ ràng là có lí do mượn sự tích một người giúp Lê Hoàn lấy ngôi Đinh để biện minh cho việc Lí lấy ngôi Lê. Việc thờ cúng cũng đồng thời nằm trong ý định giữ gìn hương hoả cho một sứ quân: họ Phạm ở vùng Nam Sách. Một sứ quân khác ở Đằng Châu có thần là thổ địa, nhưng khi đất chuyển về thuộc quyền trung ương (đất của Lê Ngoạ Triều theo VĐULT hay của Lí Thái Tổ của LNCQ không quan trọng lắm), được nâng lên thành phủ (Thái Bình) thì thần cũng lên chức tương xứng.(3)
Các thần Tản Viên (đã được cúng tế năm 1073), Hai Bà Trưng, Phù Đổng vốn là của các vùng đất mặt Bắc kinh thành, đều lần lượt được đưa về kinh đô. Ngay cả một vị thần ở ngoại vi đất nước đương thời, qua những lần chiến thắng của nhà Lí cũng được đón rước: Thiên Y A Na với vật thờ là cả bộ linga-yoni. Ở đây ta chỉ nhìn thần Hậu Thổ Thăng Long theo khía cạnh tương quan của kẻ chiến thắng và người bại vong. VĐULT kể rằng(4) Thần xưng với Lí Thánh Tông, là “tinh của Đại địa Nam Quốc – không phải nước An Nam như các học giả ngày nay có thể tưởng lầm, mà là “nước lớn phía nam”: Chiêm Thành. Dấu vết thần “thác sinh trên cây” giống như truyền thuyết còn để lại ngày nay, là một bằng chứng thêm nữa về căn cước vị Nữ thần Xứ sở của Chiêm Thành. Đưa thần của đất chiến bại về thờ là người ta đã làm một công việc vỗ về kẻ chiến bại từ cõi linh thiêng.
Tất cả tổ chức tập trung thần linh như thế, như đã nói, phản ảnh quan niệm tổ chức vương quyền nhận được của phương Bắc: Mỗi địa phương trong nước đều có đại diện ở kinh đô; thần của địa phương – tất nhiên phải mang một mức độ uy tín nào đó, đều có một mảnh đất ở trung ương để ngự trị, như chứng tích không bao giờ bị xoá của lãnh địa nơi xa, dù rằng lãnh chúa trần thế nơi ấy đã bị đánh bại. Thời gian xa cách từ khi thể chế đó xuất hiện, sự cách biệt đối với vùng xuất phát quan niệm, thực tế địa phương, tất cả làm nên những lệch lạc đổi thay trong sự tiếp nhận văn hoá, nhưng những đường nét chính vẫn còn thể hiện rõ rệt. Khi hệ thống trung ương Lí được củng cố với đàn Xã Tắc, đàn Viên Khâu (thờ Trời mà chưa dám tế Trời) cho hợp với quyền uy của một vị hoàng đế Việt thì người ta cũng lập đền thờ thần Xuy Vưu, kẻ bại trận của vị Hoàng Đế Trung Quốc xa xưa đã truyền lại danh xưng chung cho tất cả những chúa tể muốn nối gót ông trên đường chinh phục, cai trị, trong đó có các ông vua họ Lí xưng Đế chứ không phải chỉ bằng lòng là Vương.
Khi bàn đến sự kiện tập trung thần tứ xứ, ta không nên quên các thần có sẵn ở kinh đô vẫn được tiếp tục thờ cúng dưới đời Lí và cũng lên cấp theo với uy danh triều đại: thần Tô Lịch , “thành hoàng của kinh đô”, thần Phùng Hưng, thần cửa Đông Đại La – mang tên thần Long Độ/Đỗ, hẳn nổi bật chỉ vì là nơi tập trung sinh hoạt thương mại, tạo sự bất an vượt ngoài sự kiểm soát của chính quyền mà dấu vết chuyển biến qua cõi thiêng thành mối đe doạ Cao Biền, người quản lí phủ Đô Hộ trước kia. Quan niệm nhân thần “phúc thần” mở cửa đền cho các nhân vật triều Lí vào ngự trị: Lí Hoảng, Lí Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu, Mục Thận...
Rồi với đất nước mở rộng, họ Lí vươn tầm hoạt động ra xa, các thần vô danh của dân chúng bắt đầu được triều đình biết đến, nhất là qua mối tương quan quyền lợi như trường hợp vị thần bảo trợ người mò ngọc trai.(5)
Chúng ta sẽ bàn đến khía cạnh khác của ông Hoả Long Tinh Quân này. Truyện tích không cho ta biết “vua” và “triều đình” được nói tới là của thời nào, nhưng Toàn thư có đoạn chép: Mùa thu, tháng 7, ngày 12 (1033), châu mục Vĩnh An (Hải Ninh ngày nay) là Sư Dụng Hoà tâu rằng xứ ấy có vực trân châu. Vua (Thái Tông) sai sứ đến tìm, quả nhiên thấy được. Sử đã ghi rõ cả ngày tháng năm, sự kiện hẳn không còn nghi ngờ gì cả. Truyện tích có ngầm ý bảo rằng đám thị thần không lấy được trân châu nhiều bằng hai anh em người địa phương. Hẳn là vì đám người sai phái không thiện nghệ bằng dân chuyên môn, nhưng người ta dễ tin ở một lí do khác: Đó là vì người địa phương có thờ thần bảo trợ. Vua ham châu báu thì không tiếc gì một cảnh rước xách có nghi vệ, âm nhạc và một tờ sắc phong. Thế là một thần biển có cơ hội được nâng cấp lên tầm mức quốc gia. Vua Lí “thực thà” gọi là Thần Châu Long Vương, vua Trần né tránh kín đáo nhưng vẫn không phủ nhận tính cách mang lại lợi lộc cho nhà nước: Lợi Tế Long Vương.
Nhà Trần có vẻ không mang gì mới vào trong hệ thống thần linh tập trung đó, trừ sự cố kết họ thêm qua những lần phong tặng (1285, 1288, 1313) mà chủ đích vẫn là báo cáo công thành, mời gọi ủng hộ hơn là tỏ rõ quyền uy. Các thần mới của họ chưa đủ thời gian để xuất hiện trên bề mặt quốc gia nhưng vẫn tiếp tục bù đắp cho sự chật hẹp của hệ thống có sẵn để mở đường cho hệ thống mới.