Nhắc lại Nguyễn Vương Phúc Ánh ở Tiêm La quốc chờ Bá Đa Lộc cầu viện nước Pháp Lang Sa đem binh thuyền đến giúp. Chờ mãi không thấy tăm hơi đâu cả, Ánh liền sai sứ tìm đường sang Pháp quốc dò la tin tức Bá Đa Lộc. Một ngày kia sứ giả về báo rằng:
- Tâu Thượng vương, nước Pháp Lang Sa có loạn nên vua Pháp không bằng lòng đem quân sang giúp. Bá Đa Lộc nói sẽ tự mình bỏ tiền mua súng đóng thuyền tuyển mộ binh lính rồi sẽ đến giúp Thượng vương.
Nguyễn Phúc Ánh buồn rầu nói:
- Ta không thể nào chờ Bá Đa Lộc được nữa, phải tự mình lo lấy mà thôi. Nhưng bây giờ trong tay chỉ có một ngàn quân sao về nước đánh Tây Sơn được. Các tướng ai có kế gì chăng.
Nguyễn Huỳnh Đức bước ra nói:
- Hiện nay Nguyễn Huệ cai trị từ ải Hải Vân trở ra Bắc. Anh em Nhạc - Huệ bất hòa đánh giết lẫn nhau. Đất Gia Định do Nguyễn Lữ trấn thủ. Nguyễn Lữ thật thà, bất tài, nhu nhược, Đặng Văn Long lại bỏ Nguyễn Lữ ra Phú Xuân theo Nguyễn Huệ. Ấy thật là trời giúp Thượng vương nên mới dành đất Gia Định cho Thượng vương đó. Đánh lấy Gia Định đất rộng dân đông là nương theo thiên thời mà giành địa lợi.
Nguyễn Vương chặn Đức lại hỏi:
- Nhưng quân ta chỉ có một ngàn, sao chiếm nổi Gia Định?
Đức đáp:
- Muốn giành địa lợi thì phải được nhân hòa.
Nguyễn Vương hỏi:
- Thế nào là nhân hòa?
Đức đáp:
- Nay ở Gia Định có một người nắm trong tay hàng vạn quân lập căn cứ trong rừng đang đánh nhau với quân Tây Sơn. Thượng vương thuyết người này về giúp lo gì không lấy được Gia Định.
Nguyễn Vương hỏi:
- Người ấy là ai. Lập căn cứ tại đâu?
Nguyễn Huỳnh Đức đáp:
- Người này nổi danh là đệ nhất hùng trong Gia Định tam hùng. Đang lập căn cứ tại rừng Tam Phụ.
Nguyễn Vương lắc đầu nói:
- Ta trước giết Võ Nhân là anh ruột Võ Tánh, nên năm xưa ta sai Ngô Tùng Châu đến thuyết mà Võ Tánh không theo. Nay nói cách gì cho Võ Tánh giúp ta được?
Ngô Tùng Châu xen vào thưa:
- Võ Tánh là người trung quân ái quốc, nhưng e Thượng vương ngờ Võ Tánh còn nhớ thù nhà nên chưa đến giúp Thượng vương được đó thôi.
Nguyễn Vương hỏi:
- Ta thì ngại Võ Tánh còn nhớ thù anh. Võ Tánh thì sợ ta vì điều ấy mà không tin Tánh thực lòng theo giúp. Vậy phải làm sao hóa giải được nỗi hiềm nghi này.
Ngô Tùng Châu cười đáp:
- Trước Thượng vương cắt đứt ruột thịt người ta, nay Thượng vương nên đem ruột thịt của mình nhà thưởng cho họ, ắt Võ Tánh sẽ hết nghi ngờ.
Nguyễn Vương ngạc nhiên hỏi:
- Ngô tham mưu nói vậy là ý thế nào. Ta vẫn chưa hiểu?
Ngô Tùng Châu kề tai Phúc Ánh nói nhỏ một hồi. Nghe xong Nguyễn Vương mừng rỡ khen:
- Ngô tiên sinh thật là cao kiến. Vậy phiền tiên sinh tìm về cố quốc đến rừng Tam Phụ gặp Võ Tánh lần nữa.
Ngô Tùng Châu vâng lệnh đi ngay. Gặp nhau, Tánh hỏi Châu:
- Năm xưa tôi hẹn với Ngô huynh chờ mãn hạn tang anh sẽ đem quân theo giúp Chúa. Không ngờ Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định đuổi Chúa chạy sang Tiêm La quốc. Nay tôi muốn theo Chúa vậy phải tìm ở đâu?
Ngô Tùng Châu mừng rỡ đáp:
- Chẳng giấu gì Võ đệ, tôi vâng lệnh Chúa đến trao cho Võ đệ một vật để chứng tỏ rằng Chúa không hề nghi ngờ gì Võ đệ cả.
Võ Tánh hỏi:
- Ấy là vật gì?
Ngô Tùng Châu liền đưa cho Võ Tánh xem một bức tranh vẽ hình một người con gái dung nhan diễm lệ. Xem xong Tánh ngạc nhiên hỏi:
- Bức chân dung này của ai. Cho tôi xem có dụng ý gì.
Ngô Tùng Châu cười đáp:
- Đây là chân dung của quận chúa Ngọc Du là em ruột của Chúa. Nay Chúa muốn gả quận chúa Ngọc Du cho Võ đệ, ấy là muốn lấy tình thật mà đãi ngộ Võ đệ đó!
Võ Tánh xua tay nói:
- Tôi nay ra giúp Chúa vì đã mãn hạn tang anh không còn sợ mang tiếng là người bất hiếu. Nếu chờ Chúa gả em gái mới ra giúp sao bảo là trung được. Ngô huynh hãy về tâu với Chúa rằng khi nào Chúa về nước, Tánh tôi sẽ thân hành đem quân đến đón. Còn việc gả Quận chúa, Tánh tôi là kẻ vũ phu thật tình không dám nhận.
Tùng Châu hỏi:
- Chúa ta trong tay chỉ có năm ngàn quân sao dám đường đột về nước. Theo tôi Võ đệ hãy ra quân đánh lấy Trường Đồn, Hà Tiên. Chúa sẽ theo đường bể về Hà Tiên. Như vậy mới tiện.
Võ Tánh cười đáp:
- Một ngàn quân cũng đã chiếm được Hà Tiên. Nguyễn Lữ nghe Chúa ta ít quân tất đem quân tiến xuống Trường Đồn đánh Hà Tiên. Khi ấy tôi ở rừng Tam Phụ sẽ bất ngờ đánh chiếm Sài Côn, Nguyễn Lữ ở Trường Đồn sẽ lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch. Ấy là kế điệu hổ ly sơn đó.
Ngô Tùng Châu mừng rỡ khen:
- Ấy thật là diệu kế. Phen này phải bắt sống Nguyễn Lữ.
Nói xong Châu liền từ biệt Võ Tánh sang Tiêm La quốc thuật lại kế Võ Tánh cho Nguyễn Vương nghe.
Nguyễn Vương cảm khái nói:
- Võ Tánh thật là người trung hiếu vẹn toàn xưa nay hiếm thấy. Nghĩa thật là đáng kính, tài thật là đáng phục.
Đoạn Nguyễn Vương liền đem quân theo đường bể tiến đánh Hà Tiên.
*
* *
Bấy giờ Đông Định Vương Nguyễn Lữ ngày ấy ở trong thành Sài Côn nghe quân thám mã về báo rằng:
- Thưa Đông Định Vương, Nguyễn Phúc Ánh từ Tiêm La quốc đem quân về đánh chiếm Hà Tiên. Xin Đông Định Vương định liệu.
Nguyễn Lữ giật mình nói:
- Hai anh ta bất hòa khiến lòng người ly tán. Dân Gia Định chỉ một lòng về với Phúc Ánh. Vả lại Phúc Ánh ở Tiêm La về chiếm Hà Tiên chắc là có quân Tiêm La theo giúp. Chi bằng ta bỏ Gia Định về Quy Nhơn với Hoàng huynh là hơn.
Nguyễn Lữ vừa dứt lời bỗng nghe tiếng nói lớn:
- Xin Đông Định Vương chớ bỏ Gia Định.
Mọi người giật mình nhìn lại, thì ra người vừa nói là quan Thái bảo Phạm Văn Tham. Nguyễn Lữ hỏi:
- Văn Tham cho rằng ta có thể địch nổi với quân Tiêm La hay sao mà bảo đừng bỏ đất Gia Định.
Phạm Văn Tham đáp:
- Năm trước quân Tiêm La bi tiêu diệt ở Rạch Gầm, Trường Đồn, năm vạn quân còn lại mấy trăm ôm đầu chạy về nước. Từ ấy đến nay chúng nghe tiếng Tây Sơn ta đã kinh tâm tán đởm làm gì mà dám sang lần nữa. Xin Đông Định Vương chớ vội bỏ đất Gia Định.
Nguyễn Lữ chau mày nói:
- Dù quân Tiêm không sang thật, nhưng lòng dân Gia Định chỉ theo về Phúc Ánh, thành Sài Côn lại chẳng có núi non che chở e không chổng nổi với giặc. Ý ta đã quyết, Văn Tham đừng nói nữa.
Tham quỳ dưới án một mực cầu xin:
- Bệ hạ giao cho bọn ta trấn thủ Gia Định, giặc đến chưa đánh đã chạy sao đáng mặt làm tướng. Nếu Đông Định Vương muốn lui xin hãy tạm về đóng ở Trấn Biên cho an lòng quân sĩ. Tôi xin ở lại Sài Côn đánh Phúc Ánh. Nếu chẳng may Văn Tham tôi bỏ mạng thì Đông Định Vương từ Trấn Biên chạy về Quy Nhơn cũng chẳng muộn gì.
Nguyễn Lữ nghe vậy an tâm liền đem năm ngàn quân lui về giữ Trấn Biên.
Lúc bấy giờ ở trong quân Tây Sơn có một viên tiểu tướng tên là Nguyễn Văn Trương hay việc ấy bèn bảo bọn thủ hạ rằng:
- Đông Định Vương Nguyễn Lữ là người bất tài, sớm muộn gì đất Gia Định không mất về tay Chúa Nguyễn. Bọn ta đều là người Gia Định sao không theo về với Chúa Nguyễn lập công danh với đời.
Nói xong Trương đem ba trăm thủ hạ về Hà Tiên quy hàng Nguyễn Vương. Nguyễn Vương hỏi:
- Ngươi bỏ Tây Sơn theo ta lấy gì tin là thực.
Nguyễn Văn Trương đáp:
- Hạ thần xin hiến một kế khiến Nguyễn Lữ phải bỏ Trấn Biên mà chạy về Quy Nhơn, Phạm Văn Tham tất bị cô lập ở Sài Côn. Khi ấy Thượng vương lấy đất Gia Định như trở bàn tay, rồi tin thực hay không tùy Thượng vương phán quyết.
Nguyễn Vương hỏi:
- Kế thế nào?
Trương đáp:
- Thượng vương cứ làm như vầy... như vầy. Ấy là ly gián kế.
Nguyễn Vương nghi ngờ hỏi:
- Kế mọn này có thể lừa được Nguyễn Lữ sao.
Trương đáp:
- Phạm Văn Tham biết Nguyễn Lữ là người bất nhất, tất cả hai sẽ trúng kế. Thần xin đem đầu ra bảo đảm, xin Thượng vương chớ lo.
Nguyễn Vương nghe Văn Trương cả quyết thế liền theo kế thi hành.
Nhắc lại Phạm Văn Tham trấn thủ Sài Côn nghe quân vào báo:
- Thưa tướng quân, vua Thái Đức sai ngươi đi đường biển vào trao thư cho Đông Vương.
Phạm Văn Tham nói:
- Đông Vương không có ở đây, vậy ta phải mở thư ra xem vua dặn dò đánh giặc thế nào?
Tham mở thư ra đọc. Thư rằng:
Em quyết lòng rút binh mà Phạm Văn Tham nhất định xin ở lại trấn Sài Côn là có ý ở biên cương để dễ hàng gịăc. Đã biết ý của Tham như thế sao không giết đi còn tâu bẩm làm gì!
Phạm văn Tham xem thư xong thất kinh than:
- Ta một lòng vì nước sao Đông Vương nỡ ngờ ta như thế. Ta phải về Trấn Biên minh oan cùng Đông Vương mới đuợc.
Nói rồi Phạm Văn Tham chỉ đem vài trăm quân ra cửa Bắc thành Sài Côn, nhắm Trấn Biên trực chỉ. Nguyễn Lữ ở trong thành Trấn Biên nghe quân vào báo:
- Thưa Đông Vương, dân ở thành Trấn Biên xầm xì bàn tán rằng: Phạm Văn Tham đã dâng thành Sài Côn đầu hàng Nguyễn Phúc Ánh.
Nguyễn Lữ gạt đi bảo:
- Phạm Văn Tham là người trung nghĩa làm gì có việc phản ta.
Vừa dứt lời quân tín cẩn vào báo:
- Khắp trong thành ngoài nội đều đồn rằng Phạm Văn Tham sắp dẫn quân Nguyễn Phúc Ánh đến đánh ta.
Nguyễn Lữ liền đứng lên đi đi lại lại nghĩ thầm:
- Lẽ đâu Phạm Văn Tham muốn hàng nên mới một mực xin ta cho ở lại trấn thủ Sài Côn.
Lữ còn đang hoài nghi bỗng quân do thám hớt hải chạy vào báo rằng:
- Thưa Đông Vương, Phạm Văn Tham đang dẫn quân tiến về thành Trấn Biên. Chẳng hiểu là có ý gì?
Nguyễn Lữ giật mình kinh hãi nói:
- Phạm Văn Tham đã phản ta rồi dẫn quân Nguyễn Phúc Ánh đến đánh ta đó. Mau rút binh về Quy Nhơn.
Than rồi Lữ liền dần quân ra cửa Bắc thành mà chạy. Hay tin ấy Phạm Văn Tham than:
- Nếu vậy ta chỉ còn một cách là đánh thắng Phúc Ánh mới minh oan với vua Thái Đức và Đông Vương Nguyễn Lữ được mà thôi.
Đoạn Phạm Văn Tham lại dẫn quân quay về thành Sài Côn. Đến nơi Tham gọi tên thuộc tướng là Phạm Hổ tới bảo:
- Ta đã viết sẵn một phong thư, ngươi hãy gấp ra Phú Xuân báo cáo tình hình cùng Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Chỉ Bắc Bình Vương mới cứu ta được mà thôi.
Phạm Hổ vâng lời liền lên thuyền đi đường biển ra Phú Xuân. Hổ đi rồi, Tham bảo quân:
- Mau truyền lệnh ta đem toàn quân vào Trường Đồn đánh Nguyễn Phúc Ánh.
Nguyễn Vương hay tin ấy bảo các tướng:
- Nguyễn Lữ và Phạm Văn Tham trúng kế ly gián của Nguyễn Văn Trương. Phạm Văn Tham kéo quân đến Trường Đồn ắt Sài Côn bỏ trống đúng như Võ Tánh dự đoán. Vậy ta phải mật sai Võ Tánh từ rừng Tam Phụ đánh chiếm Sài Côn. Khi ấy Phạm Văn Tham không còn đường rút tất phải đầu hàng.
Phạm Văn Tham ở Trường Đồn nghe quân vào báo:
- Võ Tánh ở rừng Tam Phụ đã đem quân đánh chiếm Sài Côn.
Tham thất kinh nói:
- Ta đã lầm mưu Nguyễn Phúc Ánh. Thành Sài Côn mất, ta ở Trường Đồn ba mặt đều thọ địch, nếu không sớm theo sông Tiền Giang ra cửa Hàm Luông theo đường biển rút quân về Bắc, ngộ nhỡ địch đem thủy binh chặn mất đường ấy thì làm thế nào.
Tham vừa dứt lời quân thám mã lại vào báo:
- Thưa tướng quân, thủy binh quân Nguyễn đã đóng thủy trại kín cả một dải Tiền Giang.
Phạm Văn Tham buồn rầu hạ lệnh:
- Ba quân canh phòng cẩn mật liều chết thủ thành chờ Bắc Bình Vương đem quân đến cứu.
Phạm Văn Tham lo lắng lên mặt thành Trường Đồn nhìn xuống sông Tiền Giang, chiến thuyền của quân Nguyễn giăng lớp lớp. Lại trông về phương Bắc tin quân cứu viện của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ còn trong làn sương khói xa mờ. Phạm Văn Tham thở dài than:
- Vái trời cho Phạm Hổ đến được Phú Xuân cầu cứu Bắc Bình Vương.
oOo