Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 47

Lúc bấy giờ ở Thăng Long có một người tên Đặng Trần Thường. Ngày ấy nghe hịch quân Tây Sơn truyền ra, Thường nhủ thầm rằng:

- Nếu có kế rước được vua về kinh sẽ được phong quan. Vậy ta phải hỏi kế Ngô Thì Nhậm mới được.

Nghĩ rồi bèn lên ngựa đến phủ Thái Bình gặp Ngô Thì Nhậm. Phân ngôi chủ khách xong, Thường nói:

- Ngô huynh trước làm quan cho Chúa Trịnh sau vì tội mà đến đây ở ẩn. Nay đã đến lúc ra làm quan trở lại sao còn ở mãi trong chòi tranh chật hẹp nơi núi rừng hoang vắng như thế này.

Ngô Thì Nhậm hỏi:

- Đặng huynh nói vậy là ý thế nào?

Thường đáp:

- Vừa rồi Nguyễn Huệ ra thông báo, ai có kế rước được vua về kinh trị vì trăm họ sẽ được phong quan. Ngô huynh là danh sĩ bậc nhất Bắc Hà lại không có kế gì sao?

Nghe Thường nói xong, Nhậm hỏi:

- Nếu rước được vua về rồi, Đặng huynh sẽ làm quan với vua Lê hay với nhà Tây Sơn?

Thường đáp:

- Nguyễn Huệ phò Lê xong ít lâu sau lại rút quân về thì ta vẫn làm quan với nhà Lê vậy.

Nhậm lại hỏi:

- Thế ngộ nhỡ lần này Nguyễn Huệ chiếm luôn Bắc Hà không rút quân về trả nước cho vua Lê thì làm thế nào.

Thường đáp:

- Nguyễn Huệ phò Lê nên mới rước vua về trị vì trăm họ, sao có việc chiếm đất Bắc Hà.

Nghe Thường nói xong, Nhậm ôm bụng cười to. Thấy Nhậm cười mãi, Thường phật ý nhưng nén lòng hỏi:

- Cớ gì Ngô huynh cười mãi thế?

Nhậm nín cười đáp:

- Tôi cười vì Đặng huynh xét việc nông cạn, đến nước này mà còn bảo Nguyễn Huệ phò Lê. Nguyễn Huệ truyền hịch tìm vua Lê tức là đuổi vua Lê đó.

Thường ngạc nhiên hỏi:

- Ngô huynh nói vậy là ý thế nào.

Nhậm hỏi lại Thường rằng:

- Đặng huynh không nghe việc Ngô Duy Án và Trần Công Xán đi sứ về bị chết chìm ngoài biển hay sao?

Thường đáp:

- Việc này tôi có nghe. Nhưng đó là Nguyễn Huệ thấy Trần Công Xán có tài nên mới giết đi, việc đó nào có liên quan gì đến việc phò Lê hay không phò Lê.

Ngô Thì Nhậm lắc đầu bảo:

- Nguyễn Huệ đang thu phục lòng nho sĩ đất Bắc cớ gì phải giết Trần Công Xán. Vả lại Trần Công Xán tài gì mà Nguyễn Huệ phải giết đi, chẳng qua Nguyễn Huệ dùng kế “Phạt thảo kinh xà” để đuổi vua Lê Chiêu Thống chạy khỏi nước mà thôi.

Thường ngạc nhiên hỏi:

- Ngô huynh nói gì tôi vẫn chưa hiểu. Kế thế nào là “Thảo phạt kinh xà”?

Nhậm đáp:

- Trần Công Xán và Lê Duy Án ngoài theo lệnh Hữu Chỉnh đi sứ vào đòi đất Nghệ An. Trong khi đó Lê Duy Án lại giấu mật chỉ của vua Lê Chiêu Thống viết vời Nguyễn Huệ về kinh cứu giá trừ Chỉnh. Có mật chỉ rồi Nguyễn Huệ lại giết Lê Duy Án là tay chân của vua Lê, khiến vua Lê hoảng sợ. Nên khi Vũ Văn Nhậm theo lệnh Nguyễn Huệ truyền hịch phò Lê ra đánh Chỉnh vua Lê phải bỏ Hoàng thành mà chạy trốn. Trần Công Xán cầm đầu sứ đoàn nên phải chết theo Lê Duy Án chứ Nguyễn Huệ nào cố ý giết Trần Công Xán. Ấy chính là kế “Phạt thảo kinh xà” của Nguyễn Huệ vậy.

Đặng Trần Thường cãi:

- Vô lý! Nếu muốn đuổi vua Lê thì Nguyễn Huệ cứ đem quân ra đánh không nêu nghĩa phò Lê, ắt vua Lê cũng phải bỏ kinh thành mà chạy, cần gì phải giết Lê Duy Án và Trần Công Xán.

Nhậm đáp:

- Lê Duy Án theo lệnh vua Lê đem mật chỉ cứu giá trao Nguyễn Huệ. Vậy nếu Huệ không giết Lê Duy Án làm sao gây nghi sợ trong lòng vua Lê được. Dùng kế này Nguyễn Huệ đã đuổi được vua Lê lại có chính nghĩa phò Lê lấy lòng trăm họ. Nay nghe Nguyễn Huệ thông báo tìm vua Lê, vua Lê lại càng hoảng sợ mà lo chạy cho xa. Còn những kẻ sĩ như Đặng huynh cũng phải tin Nguyễn Huệ phò Lê, kể gì đến kẻ dân thường ít học. Thật là một mũi tên mà trúng hai đích vậy.

Đặng Trần Thường trầm trồ khen:

- Ấy thật là độc kế! Theo ý Ngô huynh Nguyễn Huệ là người thế nào?

Nhậm đáp:

- Theo tôi Nguyễn Huệ là một bậc anh hùng kiệt hiệt, mưu trí hơn người, xuất thân là nông dân áo vải giúp nước cứu dân dựng nên nghiệp lớn xưa nay hiếm thấy. Xét việc trị tội Vũ Văn Nhậm thật là một đấng minh quân. Cơ trời sắp đổi, vận mệnh nhà Lê đã hết, tôi định ra phò minh Chúa góp công định quốc an dân, nhưng e người đời hiểu lầm rằng mình tham danh hám lợi nên chưa biết tính sao.

Đặng Trần Thường cáo từ nói:

- Ngô huynh là Hồng Hạc chờ người ta đến đón, còn tôi chim sẻ phải tự lo kiếm ăn. Cảm ơn Ngô huynh đã chỉ cho chỗ sáng. Xin tạm biệt Ngô huynh, tôi ra làm quan với nhà Tây Sơn đây.

Rời khỏi chòi tranh Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường rong ruổi đến kinh thành. Tới nơi nghe dân chúng bảo nhau rằng:

- Bắc Bình Vương đưa Hoàng thân Lê Duy Cận lên làm Giám Quốc. Hiện Bắc Bình Vương đang ở tại hoàng cung.

Đặng Trần Thường nghĩ thầm:

- Nguyễn Huệ đang ở tại Hoàng cung ắt phải về lại tư dinh. Vậy ta cứ phục trên đường về tất gặp được Nguyễn Huệ.

Nghĩ rồi bèn đến nằm dưới gốc cây bên vệ đường. Quả nhiên thoáng chốc đã thấy Nguyễn Huệ từ Hoàng cung đi về phía mình. Chờ Huệ đến gần, Đặng Trần Thường vừa nhịp chân vừa ca rằng:

Dân nhớ ơn vua Lê.

Người đuổi vua Lê.

Lại được lòng dân.

Đời thật oai oăm!.

Kế “Phạt thảo kinh xà”.

Quả là lợi hại.

Nguyễn Huệ nghe tiếng ca giật mình hỏi Trần Văn Kỷ:

- Người này là ai mà biết kế của ta?

Trần Văn Kỷ đáp:

- Bắc Hà đất rộng dân đông, danh sĩ hằng hà, kẻ hạ thần không biết được.

Nguyễn Huệ liền xuống ngựa đến gần Đặng Trần Thường thi lễ rồi hỏi:

- Cao nhân quý danh là gì. Biết rõ kế của Huệ ắt phải là nhân tài bậc nhất ở Bắc Hà?

Thường đứng dậy vái chào Nguyễn Huệ rồi đáp:

- Thần dân họ Đặng tên Trần Thường, chỉ là một kẻ hủ nho nơi đất Bắc. Kế của Chúa công ngoài thần dân ra còn có một người biết nữa là hai.

Nguyễn Huệ liền hỏi:

- Người ấy là ai?

Thường đáp:

- Đó là Ngô Thì Nhậm, người làng Thanh Oai trấn Nam Sơn, làm quan chức Đốc Đồng ở Hải Dương. Trịnh Sâm thường khen là tài học không dưới người khác. Sau vì loạn kiêu binh nên bỏ về ở ẩn. Ngô Thì Nhậm cũng biết Chúa công dùng kế “Phạt thảo kinh xà” truất bỏ nhà Lê. Nhậm định tìm gặp vua Lê Chiêu Thống khuyên vua quay về lại kinh thành ắt Chúa công vì lấy lòng dân xứ Bắc mà vẫn phải phò Lê. Nếu như thế e đại sự khó thành.

Nguyễn Huệ hỏi Đặng Trần Thường:

- Tiên sinh là người đa mưu trúc trí vậy có kế gì giúp ta chăng?

Thường đáp:

- Nay kẻ hạ thần quyết lòng bỏ chữ ngu trung ra giúp Chúa công định quốc an dân. Nếu Chúa công không chê hạ thần xin hiến một kế.

Nguyễn Huệ vui mừng nói:

- Huệ ta lúc nào cũng chiêu hiền đãi sĩ, ngưỡng mộ nhân tài. Được tiên sinh theo giúp còn hân hạnh gì hơn. Kế thế nào xin tiên sinh chỉ vẽ.

Đặng Trần Thường đáp:

- Trong lúc Ngô Thì Nhậm chưa đến tìm gặp vua Lê Chiêu Thống, ta ra tay trước là hơn.

Nguyễn Huệ kiên nhẫn hỏi:

- Thế nào là ra tay trước?

Thường đáp:

- Thần xin chỉ nơi ẩn náu của Ngô Thì Nhậm, Chúa công sai người đến giết Nhậm là xong.

Nguyễn Huệ nghe xong nói ngay:

- Xin mời tiên sinh về dinh cùng Huệ. Huệ tôi sắp xếp có chức gì phù hợp sẽ mời tiên sinh thọ chức.

Nói xong liền mời Đặng Trần Thường về cho nghỉ ngoài công quán. Đến tư dinh, Nguyễn Huệ hỏi Trần Văn Kỷ:

- Theo ý Trung thư, Đặng Trần Thường là người thế nào?

Trần Văn Kỷ đáp:

- Thần xem Đặng Trần Thường không phải là người ngay. Mới gặp Chúa công đã bày chuyện hại người. Người này chớ nên dùng.

Nguyễn Huệ gật đầu nói:

- Ta nghe Ngô Thì Nhậm là danh sĩ bậc nhất ở Bắc Hà, trong lòng ngưỡng mộ từ lâu. Nay Trung thư có thể đến thuyết Nhậm theo giúp Tây Sơn ta được chăng?

Trần Văn Kỷ đáp:

- Thần nghe Ngô Thì Nhậm tài hoa lỗi lạc, là kẻ thức thời, nay xin đến thuyết nhất định Nhậm sẽ theo về với Chúa công.

Hôm sau Ngô Thì Nhậm theo Trần Văn Kỷ đến yết kiến Nguyễn Huệ. Huệ mời ngồi hỏi:

- Ta nghe tiên sinh là bậc kỳ tài trong thiên hạ, vẫn hằng mong được nghiêng mình chào đón. Nay tiên sinh đến đây thật là hồng phúc của nước nhà. Tiên sinh là bề tôi cũ của nhà Lê, nay ta truất phế nhà Lê, tiên sinh có oán ta chăng.

Ngô Thì Nhậm đáp:

- Vua Lê vô tài kém đức, để nước nhà loạn lạc muôn dân đói khổ lầm than, Chúa công dùng kế “Phạt thảo kinh xà” truất nhà Lê cứu dân vực nước sao hạ thần lại dám oán Chúa công.

Nguyễn Huệ nói:

- Cảm ơn tiên sinh đã hiểu được Huệ ta. Nhưng có người bảo ta rằng tiên sinh định khuyên vua Lê Chiêu Thống quay lại Hoàng cung phá thế “Phạt thảo kinh xà” của ta. Chính vì lẽ ấy nên ta mới hỏi tiên sinh có vì nhà Lê mà oán ta chăng.

Ngô Thì Nhậm kinh ngạc hỏi:

- Ai bảo với Chúa công điều ấy?

Nguyễn Huệ đáp:

- Đó chính là Đặng Trần Thường!

Ngô Thì Nhậm lấy làm lạ hỏi:

- Đặng Trần Thường có đến hỏi thần về thế cuộc. Thần khuyên Thường ra giúp Chúa công, làm gì có việc thần định khuyên vua Chiêu Thống về lại kinh thành. Sao lại có sự lạ như thế?

Nguyễn Huệ trầm ngâm hỏi:

- Tiên sinh và Đặng Trần Thường có thù oán gì chăng?

Nhậm đáp:

- Mỗi khi gặp khó họ Đặng thường đến vấn kế của thần, làm gì có việc thù oán.

Nguyễn Huệ ngoảnh lại bảo quân:

- Mau đến công quán mời Đặng Trần Thường tới đây cho ta.

Quân đi rồi Nguyễn Huệ lại bảo Ngô Thì Nhậm:

- Tiên sinh cảm phiền nấp sau bức bình phong, ta có việc riêng cần hỏi Đặng Trần Thường ít câu.

Nhậm liền làm theo lời Huệ. Thường đến, Huệ hỏi:

- Đặng tiên sinh khuyên ta nên giết Ngô Thì Nhậm. Nay có người khuyên nên thuyết Nhậm bỏ Lê ra giúp ta. Vậy theo ý tiên sinh thì thế nào?

Đặng Trần Thường đáp:

- Làm gì có việc ấy. Chính hạ thần đã thuyết Nhậm ra phò Chúa công nhưng Nhậm không nghe kia mà!

Nguyễn Huệ cười bảo:

- Nhưng người này lại thuyết được Ngô Thì Nhậm chẳng phải là tài hơn Đặng tiên sinh sao. Để ta gọi người này ra cho Đặng tiên sinh gặp mặt.

Nói xong Huệ quay vào trong gọi:

- Ngô tiên sinh hãy ra di!

Ngô Thì Nhậm từ sau bức bình phong bước ra. Nhìn thẳng vào mặt Đặng Trần Thường, Nhậm hỏi:

- Tôi khuyên Đặng huynh ra giúp Tây Sơn. Sao Đặng huynh lập kế hãm hại tôi?

Đặng Trần Thường thất sắc chẳng biết đối đáp thế nào. Bỗng nghe Nguyễn Huệ vỗ án quát:

- Phường tiểu nhân đê tiện! Quân đâu, lôi Đặng Trần Thường ra ngoài chém chết cho ta.

Ngô Thì Nhậm vội can Nguyễn Huệ:

- Đại trượng phu là kẻ kính người quân tử, thương xót tiểu nhân. Xin Chúa công hãy thương xót mà tha cho họ Đặng một phen.

Nguyễn Huệ hầm hầm nói:

- Bình sinh ta rất ghét bọn người lấy oán trả ân. Nể lời Ngô Thì Nhậm tha chết cho ngươi, nhưng phải đánh hai mươi hèo làm gương cho kẻ khác.

Ngô Thì Nhậm lại can:

- Đặng Trần Thường là học trò sao chịu nổi hai mươi hèo. Xin Chúa công mở lượng hiếu sinh mà tha cho.

Nguyễn Huệ bảo Thường:

- Ngươi là học trò, vậy ta ra một vế đối. Nếu đối được thì tha, bằng không phải đánh hai mươi hèo.

Đặng Trần Thường thoát chết, hoàn hồn thưa:

- Xin Chúa công ra câu đối.

Nguyễn Huệ mỉm cười đọc rằng:

- Trần tục, tầm thường như Đặng Trần Thường, kẻ tiểu nhân làm gì nên đặng.

Đặng Trần Thường nhăn trán chau mày suy nghĩ sợ đà sởn gai ốc, đổ mồ hôi hột mà vẫn chưa tìm ra vế đối. Trong cơn nguy khốn chợt nghe Ngô Thì Nhậm nói:

- Người thượng quân từ sánh bằng cây trúc, người trung quân tử sánh với cây ngô đồng. Nhậm tôi thời đến được Chúa công trọng dụng cho nhậm chức, sự quân tử chỉ đáng sánh với cây ngô đồng mà thôi.

Thường nghe Nhậm nói xong mừng rỡ thưa cùng Nguyễn Huệ:

- Tiểu sinh xin đọc vế đối.

Huệ hất hàm bảo:

- Ngươi hãy đọc đi. Nếu đối được ta sẽ tha không đánh!

Đặng Trần Thường đối rằng:

- Thời đến, chức nhậm như Ngô Thì Nhậm, người quân tử đáng sánh cây ngô.

Nguyễn Huệ vỗ án quát:

- Câu đối của ngươi tuy chỉnh về văn nhưng không chỉnh về ý. Quân bay đè xuống đánh hai mươi hèo.

Thường thất kinh hỏi:

- Thưa Chúa công thế nào là không chỉnh ý?

Huệ đáp:

- Ngươi lấy oán trả ân toan hại Ngô Thì Nhậm. Nhậm không lấy đó làm hiềm, nhắc ý cho ngươi đối được câu đối của ta để cứu ngươi. Đó là thượng quân tử đáng sánh bằng cây trúc, sao bảo rằng chỉ sánh bằng cây ngô. Ấy là không chỉnh về ý. Quân bay đè xuống đánh ngay.

Đặng Trần Thường bị đánh hai mươi hèo lột da cháy máu đau đớn tủi hổ rời khỏi dinh. Thường nghĩ thầm:

- Nguyễn Huệ và Ngô Thì Nhậm hùa nhau làm nhục ta. Ta nghe Nguyễn Phúc Ánh đang khởi binh ở Gia Định chống nhau với Tây Sơn, vậy thì nên vào theo Chúa Nguyễn. Trước là lập công danh với đời, sau là báo tư thù mới hả dạ.

Nghĩ xong liền tìm thuyền vượt biển vào Gia Định.

Phần Nguyễn Huệ và Ngô Thì Nhậm, sau khi đuổi Đặng Trần Thường đi rồi, Nhậm hỏi:

- Lê Chiêu Thống bị Chúa công dùng kế “Phạt thảo kinh xà” đuổi khỏi kinh thành, thần e rằng vua Lê sẽ sang Tàu cầu cứu vua Càn Long nhà Thanh. Nếu quân Thanh mượn cớ phù Lê sang xâm lược nước ta thì nguy. Xin Chúa công liệu trước.

Nguyễn Huệ khen Nhậm:

- Tiên sinh mới ra khỏi chòi tranh mà biết trước thời cuộc thật tài năng hiếm có. Đây là phong thư ta viết sẵn xin tiên sinh cất giữ, khi nào quân Thanh sang xâm lược nước ta thì tiên sinh hãy mở ra xem. Trong đó đã có kế chống nhau với giặc.

Đoạn Huệ trao thư cho Nhậm. Nhậm quỳ nhận thư, Huệ lại dặn:

- Việc ta giao mật thư này cho khanh không được tiết lộ cho một ai biết, kể cả Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Nguyễn Văn Tuyết.

Ngô Thì Nhậm tò mò hỏi:

- Kế chống giặc thế nào mà hệ trọng thế?

Huệ cười đáp:

- Đợi quân Thanh sang khanh mới được giở ra, khi ấy khắc biết!

Dặn dò Ngô Thì Nhậm xong, Nguyễn Huệ hội các tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết đến nói:

- Nay ta phong Ngô Văn Sở đứng đầu quan võ, Ngô Thì Nhậm cai quản quan văn, giao mười một trấn ở Bắc Hà cho các khanh định đoạt. Đừng nên phân biệt kẻ văn người võ, kẻ mới người cũ mà khích bác lẫn nhau. Nếu không có việc hệ trọng thì không cần tâu bẩm làm chi. Các khanh nên gắng sức chớ phụ lòng mong đợi của ta.

Sắp đặt mọi việc xong, Nguyễn Huệ liền cùng Trần Văn Kỷ trở về Phú Xuân.

oOo