Việc Ngân hàng Bangkok cho tôi vay vốn giúp giảm gánh nặng về lãi suất và giúp hoạt động kinh doanh của tôi linh hoạt hơn, vì tôi có thể dùng số vốn vay này để đặt mua hàng hay dùng để trang trải các khoản chi trong hoạt động của công ty mà không còn giật gấu vá vai như trước đây.
Đúng như câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Buồm căng theo gió”. Mặt khác, nhờ có năng khiếu của một “salesman” (người bán hàng) nên công việc kinh doanh của tôi phát triển rất nhanh chóng.
Tôi có một vài tài lẻ, đó là mỗi khi tôi bắt đầu làm quen với khách hàng mới nào, tôi thường bắt đầu bằng những câu chuyện thân mật, giản dị, không mang tính chèo kéo, thúc ép như kiểu các nhà buôn thường làm. Sau khi xây dựng được mối quan hệ hữu nghị, thân tình, tôi mới dần dần chuyển sang nói chuyện về kinh doanh một cách nhẹ nhàng. Đây là cách tôi tự rèn luyện và đã trở thành thói quen.
Tôi thường không đề cập đến vấn đề “lỗ lãi” một cách lộ liễu hay lúc nào cũng tính toán hơn thiệt bằng con số cụ thể, vì chỉ riêng chuyện có thêm một người bạn mới đã là phần lãi của cuộc đời rồi. Do đó, phút đầu gặp gỡ nên dành cho việc “kết bạn”, vì con người khi đã trở nên thân mật với nhau thì dù vấn đề gặp phải có khó khăn đến đâu cũng sẽ trở nên dễ giải quyết hơn, và họ sẽ cùng nhau tháo gỡ trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, cùng nhau đạt mục tiêu đề ra trong kinh doanh.
Càng kiếm được nhiều tiền, tôi càng quý từng đồng xu do mình làm ra. Từ nhỏ tôi đã tiết kiệm được một một vạn bạt, nhưng tôi không tiêu pha phung phí. Do đó bây giờ khi phải quản lý số tiền lớn do vay được, tôi không thấy có khó khăn gì trong việc luôn nhắc nhở mình luôn phải biết quý đồng tiền, và tôi không bao giờ vung tay quá trán để phải trở thành con nợ một cách vô lý.
Một hôm, tôi nhận được giấy mời tham dự lễ khánh thành tòa nhà trụ sở chính của Ngân hàng Bangkok với tư cách một khách hàng. Tôi cảm thấy rất vui mừng và vinh dự được mời tham dự. Tôi chọn một trong hai bộ com-lê tôi có từ thời sinh viên ở Đài Loan mặc đi dự lễ một cách long trọng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến dự lễ tại một ngân hàng có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.
Khi đến nơi, tôi tranh thủ thời gian đi xem các phòng họp, phòng làm việc của ngân hàng với cảm giác sửng sốt trước quy mô to lớn, lộng lẫy và hiện đại của tòa nhà. Mỗi phòng đều được sắp xếp rất quy củ, ngăn nắp, lịch sự trông rất đáng kính nể, tương xứng với danh tiếng của một ngân hàng lớn.
Khi bước vào đại sảnh nơi tổ chức nghi lễ, tôi nhìn thấy những nhân vật nổi tiếng của giới ngân hàng và giới kinh doanh Thái Lan như các ông Bunchu Rojanasathien, ông Chin Sophonpanich và ông Chatri Sophonpanich cùng nhiều vị khách trong và ngoài nước khác, trong dó có một số người tôi chỉ biết qua báo chí và TV chứ chưa từng tận mắt nhìn thấy bao giờ. Lần đầu tiên trong đời được tham dự một buổi lễ long trọng tầm cỡ quốc gia như vậy, tôi rất hồi hộp và phấn chấn.
Tôi rất sửng sốt trước những thành công vĩ đại và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Ngân hàng Bangkok, và đặc biệt thán phục tài năng của ông Chin Sophonpanich. Khi ông di cư từ Trung Quốc đến đất Thái Lan, ông chỉ có hai bàn tay trắng và một cái đầu, cùng với manh chiếu và chiếc gối nhỏ, còn tất cả những thứ khác ông phó mặc cho tương lai.
Ông là người đã thành lập Ngân hàng Bangkok khi còn rất trẻ và không ngừng phát triển, mở rộng các hoạt động của nó để trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á. Hãnh diện thay những người trong gia đình ông! Tôi lưu giữ lại trong lòng tất cả những cảm xúc và những điều mới mẻ khác trong buổi lễ tối hôm đó mà tôi chưa từng gặp trong đời.
Tôi thầm nghĩ rằng, phần lớn những người tôi nhìn thấy vào buổi tối hôm đó đều là những người thành đạt, được giới kinh doanh và cả xã hội nể trọng. Có thể nói rằng họ là tinh hoa của xã hội Thái Lan, bất kể họ thuộc lĩnh vực nào, kinh doanh hay làm chính trị, công chức nhà nước.
Những vị khách đến tham dự vừa đi đi lại lại vừa nói chuyện với nhau, phần lớn họ là người đã có tuổi, nắm các vị trí lãnh đạo trong các công ty, các hãng và các tổ chức khác. Còn những khuôn mặt còn trẻ như tôi thì rất ít. Mọi người tay bắt mặt mừng, nói chuyện rôm rả với nhau trong bầu không khí vui vẻ thân mật như trong một gia đình, chỉ có một mình tôi đứng lạc lõng như một kẻ ngoại đạo, chẳng quen biết ai cả.
Mặc dù vậy, tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để mình quan sát xem người ta tham dự các nghi lễ lớn như thế nào, họ thể hiện vai trò, thái độ và cử chỉ, nói năng giao tiếp ra sao, từ đó tôi học hỏi nghệ thuật giao tiếp hiệu quả nhằm giúp bản thân bước qua chiếc cầu ngăn cách dẫn tới các mối quan hệ kinh doanh trong tương lai.
Do vậy, tôi đã nhân cơ hội tham dự buổi lễ tranh thủ làm quen với nhiều người, trong đó có một vài doanh nhân tầm cỡ quốc gia, mặc dù lúc mới đến tôi chẳng quen ai cả. Tôi không cảm thấy e thẹn, ngại ngừng trong giao tiếp, ngược lại tôi luôn chủ động, tươi cuời chào hỏi mọi người mà tôi gặp tại buổi lễ.
Tôi làm được như vậy, có lẽ cũng nhờ một phần vào nét mặt luôn tươi cười của mình (đến nỗi có người gọi tôi với biệt danh là “di lặc”), một thói quen mà tôi giữ cho đến tận bây giờ, vì tôi nghĩ nở nụ cười thì chẳng mất gì, ngược lại nó chỉ có lợi là đem đến cho chúng ta sự đáp lễ bằng nụ cười và sự thân thiện của người khác mà thôi. Tôi chờ cho đến khi kết thúc buổi lễ mới ra về, lòng tràn đầy sự hưng phấn vì có dịp làm quen với nhiều người mà mình chưa bao giờ gặp, thật là đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Tôi nghĩ rằng những người Châu Âu thường xây dựng quan hệ thông qua việc giao tiếp, tìm hiểu những người mới gặp tại các buổi lễ, giao lưu, tiệc tùng… Họ thường chủ động tự giới thiệu bản thân trước, tươi cười chào hỏi khách một cách tự nhiên, sau đó họ nói chuyện với khách như đã từng quen biết nhau từ lâu.
Còn việc cuộc nói chuyện kéo dài đến đâu hay nó có dẫn đến tình bạn hay mối quan hệ thân mật hơn hay không còn tùy thuộc vào tính cách của mỗi người. Có vài lần tôi kết thân được với một vài người thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu như vậy. Tóm lại, việc quen biết nhiều người chẳng mất mát gì, vấn đề là ở chỗ chúng ta có biết cách chọn lọc những người đáng để làm quen hay không.