Chim không có cánh không thể bay cao, người không có bạn không thể tiến xa. Tôi luôn coi trọng xây dựng mối quan hệ rộng với mọi người.
Đặc biệt, trong kinh doanh bạn càng cần phải có nhiều bạn bè, những người quen biết và những người cùng hội cùng thuyền để nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi chỉ kết bạn với những người tốt, trung thực và công bằng.
Người đầu tiên giúp tôi nhận ra giá trị của việc có mối quan hệ rộng là ông Shau, Giám đốc Công ty RaCha- Churot. Lần đầu tôi biết ông Shau là khi tôi đến liên hệ với ông để bán dây mạ thép và máy tiện, lúc đó tôi đang là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Đài Loan, và tôi giữ quan hệ với ông từ đó. Ông Shau là người cùng lứa tuổi với bố tôi, vui tính và thường truyền cho tôi kinh nghiệm làm ăn của ông. Tôi thực sự cầu thị, chịu khó lắng nghe để tích lũy kinh nghiệm sống cho mình.
Một buổi chiều vào năm 1978, ông Shau mời tôi đến ăn cơm tại nhà riêng của ông ở Soi 31 Sukhumvit. Thế là tôi có dịp làm quen với anh George Lin, con trai ông chủ Công ty Racha- Churot tại Đài Loan. Anh George Lin hơn tôi 6 tuổi. Lúc đó anh mới thành lập Công ty Lin Bros để xuất hàng châu Á sang thị trường Mỹ và đang tìm kiếm các mặt hàng thực phẩm đóng hộp và một số hàng khác của Thái Lan.
Qua câu chuyện, George cho biết anh đang quan tâm tìm hiểu sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Lập tức tôi nghĩ đến cơ hội hợp tác với anh, mặc dù lúc đó tôi chưa hề biết mô tê gì về loại cá này, thậm chí còn nhầm nó với loại cá thu mà tôi thường ăn hàng ngày. Đây là điểm xuất phát của việc mở ra cơ hội kinh doanh thực sự mà sau đó đã dẫn đến những thành công trong lĩnh vực kinh doanh khác và làm cho tôi có thể hãnh diện với mọi người trong tương lai.
Sau buổi tối hôm đó, tôi bắt đầu sục sạo tìm kiếm tài liệu về cá ngừ và phát hiện ra rằng ở Vịnh Thái Lan, có loại cá ngừ có thể chế biến làm cá hộp nhưng chưa có ai xuất khẩu sang Mỹ cả. Tôi tranh thủ liên hệ với Công ty Kiet-pha, một công ty mới chuyển sang sản xuất cá mồi đóng hộp.
Ông Kieti Chaisathavornvong là một người Hoa, nói tiếng Thái còn chưa sõi, nhưng ông là một doanh nhân có tấm lòng rộng lượng, thương người, luôn giúp đỡ những người trẻ tuổi mới vào nghề như tôi. Sau khi tôi nói ý định xuất hàng sang Mỹ, ông ủng hộ ngay.
Sau đó, tôi bắt đầu hợp tác với anh George để xuất hàng sang thị trường Mỹ, nơi tôi chưa hề bước chân đến. Đồng thời tôi cũng bắt đầu học lại và nâng cao trình độ tiếng Anh vốn rất yếu của mình, nhất là viết lách để có thể trao đổi thư tín thương mại với anh George. Lúc đầu, tôi gặp khó khăn vì tôi chỉ hiểu được 70% nội dung trao đổi.
Sau một thời gian tôi tiến bộ và tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng nói khá chật vật vì tôi thường nghĩ bằng tiếng Thái trước rồi mới dịch trong đầu sang tiếng Anh. Nhưng tôi không ngại việc tự rèn luyện, không ngừng cải thiện khả năng giao dịch bằng tiếng Anh của mình. Một kết quả trông thấy là tôi đã tự liên hệ và xin được giấy phép nhập khẩu FCE của Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trong thời gian ba tháng, có thể nói đây là giấy phép đầu tiên cấp cho một nhà máy sản xuất cá ngừ đóng hộp của Thái Lan.
Sau đó lô hàng cá ngừ đầu tiên gồm 48 thùng chứa trong một con-ten-nơ do nhà máy Kiet-pha sản xuất đã được xuất sang Mỹ theo đơn đặt hàng của công ty Lin Bros. Đó là vào đầu năm 1979, thời kỳ mở đầu việc xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sang Mỹ. Nhờ có anh George giúp đỡ mọi mặt trong việc tiếp cận thị trường Mỹ nên tôi không phải mò mẫm từ số không. Điều đó chứng tỏ tôi đã đi đúng đường và hy vọng sẽ còn có cơ hội mở rộng kinh doanh sang thị trường Mỹ trong tương lai.
Tôi tiến hành song song việc xuất khẩu hai mặt hàng bột sắn và cá ngừ hộp cùng một lúc nên dần dần thấy dễ thở hơn sau một thời gian dài hụt hơi choáng váng như sắp té khỏi lưng ngựa. Tuy nhiên tôi vẫn không yên tâm.
Sau khi xuất được lô hàng 50 tấn bột sắn đầu tiên, tôi lại đi tìm nguồn ở Đài Loan xem còn khách hàng nào có nhu cầu nữa hay không. Trong khi tìm hiểu với công ty hàng hải Thái Lan, tôi biết rằng số lượng bột sắn Thái Lan xuất sang Đài Loan vẫn còn rất khiêm tốn, và chỉ mới bắt đầu gần đây.
Tôi tìm thấy tên ông Lin Nan Sun, chủ nhà máy BaeSe tại Đài Nam, là khách hàng nhập bột sắn của Thái Lan. Tôi gọi điện thoại cho ông Lin ngay lập tức. Ông Lin là người Đài Loan chính gốc nên nói tiếng Hoa phổ thông không được sõi, vì thế chúng tôi không hiểu nhau được nhiều qua điện thoại.
Tuy nhiên, tôi đánh liều mua vé máy bay sang Đài Loan để gặp trực tiếp ông ấy. Điều đó cũng hợp lẽ, vì theo truyền thống buôn bán của người Hoa, việc gặp mặt trực tiếp thay vì chỉ liên lạc qua điện thoại hay thư tín làm cho việc thiết lập quan hệ và mua bán trở nên dễ dàng hơn.
Nhà ông Lin nằm ngay mặt tiền một con phố. Phía sau nhà ông dùng làm văn phòng và nhà xưởng. Ông không ngờ tôi lại đột ngột đứng trước nhà ông gõ cửa. Là một doanh nhân hiền lành gốc nông dân nên ông rất cảm động khi tôi cất công bay từ Thái Lan sang và đã đón tiếp tôi rất niềm nở. Ông bà Lin còn mời tôi ở lại dùng cơm với gia đình. Cuộc gặp diễn ra suôn sẻ, báo hiệu cho một mối quan hệ mới tốt đẹp.
Trong khi ăn, tôi tranh thủ giới thiệu về bản thân và trình bày kỹ về sản phẩm bột sắn của mình. Kết quả là ông Lin đặt mua 100 tấn bột sắn. Đây là một tấm vé nữa để đi vào cuộc kinh doanh lớn của đời tôi, cả về số lượng lẫn giá trị. Có thể coi đó là một bước ngoặt dẫn tôi đến thành công sau này.
Tôi và ông Lin giữ quan hệ chặt chẽ với nhau. Tôi nhận được đơn đặt hàng của ông đều đặn, có chuyến 50 tấn, có chuyến 200 tấn. Qua đó lòng tin lẫn nhau ngày càng được củng cố vì tôi thường xuyên xuống nhà máy sản xuất để kiểm tra chất lượng, bảo đảm đúng yêu cầu của nhà máy sản xuất bên Đài Loan. Có lần tôi nhận được đơn đặt hàng 300 tấn, là một khối lượng khá lớn đến nỗi nhà máy do dự, hỏi lại có chắc là có đơn đặt hàng với số lượng lớn như vậy không.
Một buổi sáng, ông Chuan, chủ nhà máy bột sắn Khou-Xang-ya, đến gặp tôi tại nhà ở Soi 20 đường Sukhumvit và hỏi rằng bao giờ tôi nhận được L/C (Letter of Credit – Thư tín dụng), vì ông cần nắm chắc trước khi bắt tay vào sản xuất, nhưng tôi ngại rằng nếu chờ L/C thì có thể giao hàng không kịp theo thời hạn của khách hàng.
Ông Chuan yêu cầu tôi đặt cọc trước 500.000 bạt. Khi nghe số tiền này, tôi giật bắn lên. Chưa kịp trấn tĩnh, ông đã hỏi dồn tiếp nhà tôi đang ở có phải của tôi hay không. Khi nghe trả lời đây là nhà tôi thuê, ông lại hỏi tiếp về thân thế gia đình tôi. Tôi thấy khó chịu trước câu hỏi này.
Nhìn từ phía đối diện của chiếc bàn, tôi nhận thấy nét lo âu trên gương mặt ông Chuan. Vì sau khi đóng bột vào bao tải mang nhãn hiệu V&K, nếu sau đó tôi lại không mua nữa mà phải đem bán cho người khác, ông phải thay bao tải làm tăng chi phí sản xuất. Nhưng nếu tôi không trả lời, chắc ông sẽ không dám liều sống chết với tôi và tôi không thể nào chuyển hàng cho khách hàng ở Đài Loan đúng hạn.
Sau khi tôi nói về thân thế gia đình của mình, ông Chuan thuyết phục tôi dẫn ông đến gặp bố tôi tại tỉnh Kanchanaburi, mặc dù tôi tìm cách thoái thác vì thấy hậu quả tiêu cực nếu tôi quay lại gặp cha mình. Nhưng cuối cùng tôi đành phải nhận lời ông Chuan sau khi ông gợi ý rằng nếu tôi dẫn ông đến gặp bố tôi để ông yên tâm tiếp tục làm ăn với tôi, ông sẽ không đòi tôi đưa tiền đặt cọc nữa.
Tôi buộc lòng dẫn ông Chuan đi gặp bố. Tôi và ông Chuan đi bằng chiếc xe Mercedes cũ kỹ của ông do tôi lái. Đến nơi, ông hơi bất ngờ thấy ngôi nhà khang trang nằm bên đường cái quan, sân nhà lát gách hoa của Ý, mà thời đó ít nhà có được, nhất là ở vùng quê tỉnh lẻ. Bất ngờ hơn nữa là thái độ đón tiếp rất lạnh nhạt của bố tôi. Bố tôi nói ngay với ông Chuan trước mặt tôi: “Con cái khi đã lớn khôn rồi tốt nhất là sống tự lập, tự lo liệu lấy,không nên làm phiền cha mẹ!”
Tôi cảm thấy ê mặt, đứng ngồi không yên, tự nhủ mọi chuyện đi đến thất bại như suy đoán ban đầu, vì từ câu nói đến giọng điệu của bố tôi đều cho thấy ông không hề có chút thông cảm hay nhiệt tình giúp đỡ tôi.
Tôi muốn bỏ đi ngay lúc đó, nhưng ông Chuan vẫn tỏ ra vui vẻ, kiên trì. Ông lấy bao thuốc lá ra mời bố tôi và châm lửa hút, thả khói phì phèo. Ông nói chuyện với bố tôi như không có chuyện gì xảy ra. Ông dùng những lời lẽ ngọt ngào của một nhà kinh doanh lõi đời để ca tụng và thuyết phục bố tôi.
Chẳng mấy chốc, nét mặt cau có, bất cần của bố tôi bắt đầu dịu xuống. Ông tỏ ra quan tâm hơn đến ông khách mới đến và lắng nghe ông Chuan nói: “Ông thật có phúc khi có cậu con trai chịu khó làm ăn, vừa có học thức vừa giỏi kinh doanh, ông không ủng hộ con mình thì ủng hộ ai?”
Câu nói này làm bố tôi xiêu lòng, có thể vì thấy ông Chuan có lý. Lẽ ra bố tôi phải tự hào về tôi mới phải.
Cuối cùng bố tôi bị ông Chuan thuyết phục đồng ý tạm ứng tiền đặt cọc 500.000 bạt cho tôi. Nghĩ lại chuyện này, tôi thấy ông Chuan quả là một doanh nhân khó lường, vì lúc đầu ông nói rằng nếu tôi chịu dẫn ông đến cho biết cơ ngơi nhà bố tôi, ông sẽ không bắt tôi đặt tiền cọc nữa. Số tiền này cộng với lãi, tôi đã hoàn trả bố tôi sau khi bán được lô hàng sau đó một tháng. Đây là khoản tiền vay đầu tiên và cuối cùng mà tôi vay của bố trong việc kinh doanh của mình.
Một hệ quả tích cực của việc bán được lô hàng bột sắn lớn lần đó là tôi có dịp mở tín dụng với Chi nhánh Siam Square của Ngân hàng Bangkok. Tôi đã mở L/C ba, bốn lần với ngân hàng này để bán bột sắn. Khi tôi đến gặp bà Atcharya, Giám đốc chi nhánh, bà đã đồng ý cho cấp cho tôi khoản tín dụng 1,5 triệu bạt sau khi cho người đến công ty tôi để kiểm tra tình hình hoạt động. Khi đó tôi đã tuyển thêm hai nhân viên làm việc tại công ty.
Tôi nói chuyện với Suwan, người đại diện chi nhánh ngân hàng đến kiểm tra, về công việc xuất hàng nông sản của tôi sang Đài Loan và Hồng Kông và mối quan hệ của tôi với khách hàng tại Đài Loan kể từ thời tôi học đại học. Qua cuộc nói chuyện hôm đó, tôi nhận ra rằng Ngân hàng Bangkok đang có chủ trương thúc đẩy xuất khẩu nhằm thu hút ngoại tệ về Thái Lan, đặc biệt là đồng đô la Mỹ.
Theo đó, nhà xuất khẩu có thể vay tín dụng dựa vào L/C để bảo lãnh với lãi suất 7% theo quy định của Ngân hàng Trung ương Thái Lan mà không cần có người bảo lãnh hay tài sản nào khác làm vật thế chấp. Khi đó tôi chẳng có tài sản gì để thế chấp nếu ngân hàng yêu cầu.
Thông tin do anh Suwan cung cấp làm tôi mừng rỡ, vì nhìn thấy cơ hội mở rộng kinh doanh trong tương lai. Từ nay tôi có thể kinh doanh linh hoạt hơn bằng cách vay tiền ngân hàng mà không cần chạy vạy vay tiền của từng cá nhân nữa. Nhờ đó, cơ hội mở rộng làm ăn cũng sẽ đến.
Vay vốn ngân hàng chắc chắn tốt hơn vay tiền ngoài hệ thống tín dụng, vì họ hoạt động theo luật định, có chuẩn mực rõ ràng và bạn không phải áy náy với tâm trạng mang ơn của con nợ khi vay tiền của cá nhân. Chiều hôm đó tôi ngồi chơi trước sân nhà với chú nai con yêu thích của mình với tâm trạng phấn khích, tưởng tượng ra những cơ hội làm ăn lớn sắp đến, dù khi đó ngân hàng vẫn chưa phê duyệt khoản tín dụng của tôi. Biết làm thế nào được khi mà cái chất mơ mộng đã ăn sâu vào ADN của tôi mất rồi.
Tôi bắt tay ngay vào việc trang trí lại ngôi nhà vừa là văn phòng vừa là nhà ở của mình để đón nhận công việc kinh doanh sắp mở rộng. Tôi biến nhà bếp ở tầng dưới, rộng gần 10 mét vuông, thành phòng làm việc riêng và mua thêm bàn ghế cho bốn nhân viên , rồi bàn tiếp tân và ghế ngồi để tiếp cùng lúc ba người khách. Tôi cũng trang bị máy đánh chữ điện tử hiệu Olympia cho nhân viên để họ đánh văn bản cho đẹp hơn, riêng tôi vẫn dùng máy đánh chữ xách tay cũ mang theo người.
Trong khi chờ đợi Ngân hàng Bangkok phê duyệt tín dụng, tôi lập kế hoạch hợp tác đầu tư với nhà máy bột sắn Chayawat tại tỉnh Chonburi, có công suất gần 2.000 tấn. Tôi rất hợp tính với anh Chuchat, tức Prachan, chủ nhà máy. Anh Prachan rất quan tâm đến kế hoạch của tôi vì hai bên cùng có lợi.
Anh còn mời người anh rể tên là Tong, cũng có một nhà máy chế biến bột sắn tại tỉnh Rayong cùng tham gia. Ba người chúng tôi đồng ý chung vốn thành lập công ty xuất khẩu bột sắn với tên là Siam Tapioca để khi tôi có khách hàng, chúng tôi sẽ lấy sản phẩm từ hai nhà máy này mà không phải vướng chuyện tiền nong như khi mua từ các nhà máy khác trước đây.
Nhưng sau khi hoạt động một thời gian tôi nhận thấy việc để anh Tong tham gia góp vốn tỏ ra không ổn, có thể dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi về sau. Điều này có thể là dobản năng kinh doanh hình thành từ nhỏ mách bảo tôi rằng nên rút lui làm kinh doanh độc lập hơn là liên doanh với đối tác mà mình chưa đủ tin cậy và không dám chắc về thiện chí và sự sòng phẳng của họ. Bài học trong việc chọn đối tác làm ăn là không nên vội vàng hay bỏ qua một số cá tính của đối tác.
Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác hôm Ngân hàng Bangkok cấp cho tôi khoản tín dụng 1,5 triệu bạt, với điều kiện mỗi lần vay phải có L/C làm bảo lãnh, khoản vay không vượt quá 70% L/C và phải chịu lãi suất 7%. Khỏi phải nói tôi vui mừng đến mức nào. Từ nay tôi đã có nguồn vốn riêng, tôi được tiếp thêm tinh thần và nguồn lực để tiến về phía trước mà không còn phải băn khoăn lo lắng như trước. Tôi bắt đầu mơ tưởng đến việc đi học trở lại, là điều tôi vẫn hằng ấp ủ bấy lâu nay. Lúc đó tôi vẫn còn trẻ, mới chỉ 26 tuổi đời, vẫn chưa quá muộn để học tiếp.
Tối hôm đó tôi đưa Kelly, cô bạn gái người Đài Loan vừa từ Đài Loan sang thăm tôi, và Viboon, em trai tôi đến hiệu ăn Sifa, đối diện Soi 20 Sukhumvit. Đây là bữa ăn ngon nhất đối với tôi, cùng với những cốc bia mát dịu trong sự hân hoan mừng sự thành công của thương vụ đầu tiên trong cuộc đời tôi, sau một quá trình khởi nghiệp gian nan từ con số không.
Tôi thầm cám ơn cái chất kiên trì phấn đấu trong con người tôi, một tố chất quan trọng dẫn đến thành công hôm nay. Nhờ kiên trì mà tôi đã không chùn bước dù có gặp khó khăn gian khổ đến đâu. Tôi tin rằng rồi có ngày mây đen sẽ trôi qua và trời lại sáng. May mắn chỉ dành cho những ai có đủ kiên trì chờ đợi.
Điều quan trọng là suốt trong thời gian qua, dù có gặp khó khăn trở ngại đến đâu, tôi vẫn luôn tin tưởng vào sự chính trực, đạo đức và đạo lý. Tôi không bao giờ gian lận, ức hiếp hay làm điều xấu với ai. Tôi luôn tin rằng bất cứ ai có suy nghĩ đúng, làm điều tốt và quyết tâm cao, cuối cùng sẽ gặt hái được kết quả tốt, chỉ có điều là kết quả đó đến nhanh hay chậm mà thôi.
Đối với tôi, định nghĩa về “sự thành đạt” không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc có nhiều tiền, không nhất thiết cứ phải giàu có như các tỷ phú. Tôi chỉ cần không bị túng thiếu như thời gian vừa qua, có đủ thu nhập để duy trì hoạt động của công ty, có đủ tiền để đi học tiếp và có chút ít dự trữ phòng khi ốm đau hay gặp tai nạn. Như thế là đủ đối với tôi.
Thật tình tôi không phải là người tham lam, mà là người có lý trí. Ngoài ra, tôi là đứa biết sống tiết kiệm từ nhỏ. Tôi xem việc xây dựng một cuộc sống ốn định và vững chắc là niềm hạnh phúc trong đời. Điều đó tôi học được từ mẹ tôi, một người không bao giờ chi tiêu hoang phí. Nhờ tiết kiệm mà bà đủ sức nuôi nấng cả gia đình tôi. Đó là nền tảng mà tôi duy trì từ nhỏ cho đến tận bây giờ. Nó giúp tôi luôn có một cuộc sống ổn định, vững vàng.
Và đó là giai đoạn học hỏi và phấn đấu trong ba năm đầu tiên sau khi tôi rời trường đại học.