Đại văn hào Shakespeare từng ví xã hội loài người giống như một sân khấu rộng lớn,
trong đó mỗi người là một diễn viên đóng các vai khác nhau, vui buồn có, yêu ghét có, hạnh phúc đau khổ có, tốt xấu có… luân phiên nhau tùy theo kịch bản.
Điều đó giúp chúng ta nhận ra thế giới thực với những đổi thay không bao giờ chấm dứt mà không bám riết vào một hoàn cảnh hay một vai trò nhất định nào. Mặt khác, nó còn giúp chúng ta biết sống có suy nghĩ, không say sưa mù quáng với những vinh hoa phú quý nhất thời.
Thời gian sau này tôi có dịp ở một mình trong khung cảnh yên tĩnh nhiều hơn, có nhiều thì giờ hơn cho việc suy ngẫm, trầm tư mặc tưởng về nhân tình thế thái và mở rộng tầm hiểu biết qua những trang sách ngày càng phong phú. Việc tự suy ngẫm giúp tôi nhìn rõ bản thân mình hơn, và đặc biệt nhìn ra những kết cục, sai lầm và thiếu sót của bản thân cũng như của những người khác, từ trong quá khứ cho đến hiện tại.
Tôi nghiệm ra rằng điều luôn tồn tại song song với xã hội loài người trong mọi thời đại là “cái tốt – cái xấu”, một bên bắt nguồn từ dục vọng và bản năng chưa được rèn giũa và một bên là khả năng nhận thức điều nên làm và có “Hiri Ottappa”(có lương tâm, biết xấu hổ khi làm điều xấu). Con người khác với súc vật ở chỗ biết tự rèn luyện, do đó, tốt – xấu là do con người tự lựa chọn. Cái tốt lẫn cái xấu là điều có thực, và là điều có thể chứng minh theo thời gian. Nó không tự biến mất, bất kể người đã gây ra nó đã giã từ thế gian này bao lâu.
Bởi vậy, điều quan trọng là chúng ta chọn cái nào: được thế hệ sau “tưởng nhớ” hay “nguyền rủa”? Ai cũng biết câu trả lời là gì rồi, nhưng nhiều người chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến đâu là lẽ phải. Họ tham lam chạy theo lợi ích cá nhân hay phe nhóm mà không hề nghĩ những hành động của mình gây tổn hại cho người khác và làm hại xã hội thế nào. Tôi có một số người bạn sống theo cách đó, nhất là trong giới chính trị gia. Vì vậy, tôi không muốn dính vào các trò chơi chính trị có thể làm vẩn đục tâm hồn mình.
Nhìn lại lịch sử hơn một trăm năm qua, chúng ta thấy phần lớn con người đã sống như nô lệ cho “chủ nghĩa vật chất”, hoặc “chủ nghĩa cá nhân” thái quá, không cần biết đến đạo lý hay lẽ phải.
Tôi cũng là một doanh nhân nhiều tham vọng, muốn trở nên giàu có, nhưng có một điều tôi luôn gìn giữ, đó là những cái mà mình có được phải bằng sự trung thực và lẽ phải, không phải do ức hiếp hay làm hại người khác. Chỉ như thế chúng ta mới có quyền tự hào và ngẩng cao đầu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Khi đã có được điều mình muốn do mồ hôi nước mắt bỏ ra, tôi có quyền sử dụng nó một cách đàng hoàng, thoải mái và có lợi nhất cho bản thân. Kỳ thực, nếu chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân, tôi sử dụng không quá 10% số tiền và tài sản đã kiếm được.
Tôi quan niệm rằng, của cải tiền bạc do tôi làm ra nếu không phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của tôi thì những tài sản đó không còn là của tôi nữa. Và, nó sẽ trở nên vô ích khi tôi chết đi, nhưng lại rất có ích cho những người cần đến nó cho tương lai của họ. Đó là lý do tôi lập ra Quỹ Từ thiện Amata.
Khi đọc thấy những tin tức nói về các doanh nhân chỉ biết vơ vét làm giàu cho bản thân mà không quan tâm đến đạo đức hay lẽ phải, tôi cảm thấy buồn khôn tả, đặc biệt đối với các trường hợp gian lận trong thị trường chứng khoán, hay một số người lừa đảo “phá sản giả tạo”, hay còn gọi là “ngã xuống đệm mút”, hoặc bỏ trốn để chờ cho vụ kiện đòi nợ quá hạn hết hiệu lực mới quay trở lại.
Ngày nay, người ta thấy nhan nhản trong giới chính trị, kinh doanh, hay các tầng lớp trên, (“giới thượng lưu” tự phong), nhiều người vẫn tỉnh bơ ăn chơi hưởng lạc mà không thấy ngượng ngùng rằng chính sự tham lam và ích kỷ của họ đã gây ra thảm họa cho nhiều người dân thấp cổ bé họng. Pháp luật Thái Lan vẫn chưa có điều khoản nào xử lý hay trừng phạt những kẻ gian lận trong thị trường chứng khoán và những khoản nợ xấu (NPL) như Hàn Quốc hay Singapore, nơi các vi phạm đó bị kết tội hình sự và bị trừng trị thẳng tay.
Tôi muốn gọi những kẻ đó là những “tên cướp mặc com-lê”, mà những tội ác do họ gây ra còn xấu xa hơn cả bọn trộm cướp thông thường hàng chục lần. Nhưng buồn thay, con người ta thường chỉ nhìn vào cái vỏ bên ngoài mà đánh giá, chứ ít khi nhìn sâu vào bên trong. Tệ hơn nữa là những “kẻ cướp ngày”, đó là một số doanh nhân, viên chức nhà nước, các nhà chính trị… câu kết nhau để tham nhũng, đục khoét của công một cách trắng trợn. Điều đáng nói là, họ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, dương dương tự đắc mà không cảm thấy xấu hổ chút nào.
Tôi tin rằng trước tình hình tiêu cực tràn lan như trên, thì mọi người không thể không lo lắng cho tương lai của Thái Lan, đặc biệt khi những người có học, có cơ hội, và có quyền lực đáng lẽ phải là người dẫn dắt uốn nắn xã hội trở lại con đường đúng đắn, thì lại có những hành động tiêu cực đó. Đây là nguyên nhân cơ bản vì sao Thái Lan, một nước có diện tích và dân số ngang bằng nước Pháp mà không thể nào trở thành một cường quốc như họ. Không những thế, Thái Lan còn tụt hậu và trở thành một nước đầy rẫy những tin tức về các vụ tham nhũng, đến nỗi năm 2009, Thái Lan được xếp hạng là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới, chỉ đứng sau Indonesia.
Tôi mong tất cả người Thái làm theo tấm gương của Nhà Vua, làm những việc tốt, thực hành tiết kiệm và biết hy sinh cái riêng vì cái chung để đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước, và đặc biệt cần thấm nhuần phương châm “tri túc bất nhục”- phải biết thế nào là đủ, đừng quá tham lam để tránh tủi nhục về sau.
Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc và sự bình yên cho chính bản thân mình, cho người xung quanh và cho cả xã hội nói chung. Đó cũng là con đường dẫn đến phát triển và thịnh vượng.
Hết