Tôi từng tự hỏi bản thân rằng, đến năm 48 tuổi tôi là ai, sinh ra để làm gì, sống vì cái gì, tôi muốn gì và sẽ đi về đâu? Cứ đến ngày sinh nhật là tôi “rà soát” lại cuộc sống đã qua và hướng đi sắp tới của mình mà không cần đi hỏi “ý kiến thần linh” hay thầy bói nào cả .
Khi tròn bốn giáp cũng là lúc tôi đặt ra kế hoạch từng bước rút lui dần khỏi “Amata”, mà tôi là người gây dựng nên từ đầu, và trao lại công việc cho các nhà quản lý khác, các cổ đông, nhân viên có liên quan, kể cả những người trong gia đình tôi, bằng cách đặt ra mục tiêu và xác định rõ ràng nhiệm vụ của tôi là người “tham mưu” về chiến lược và mục tiêu cho Amata mà thôi.
Nếu không làm vậy hóa ra là tôi không tin vào các đồng sự và nhân viên của mình, những người đã kề vai sát cánh với tôi ngay từ những ngày đầu và đã chứng tỏ họ là người tốt, có năng lực.
Nhờ chính sách từng bước trao quyền mà kết quả hoạt động của công ty tăng lên từng năm từ 10-30%, cao hơn cả thời kỳ mà tôi trực tiếp quản lý. Đôi lúc người ta tự lừa dối mình, cứ tưởng rằng mình giỏi hơn, thành thạo hơn những người khác chỉ vì mình là ông chủ sở hữu, hay là người đã gây dựng nên công ty. Việc nhân viên chờ lệnh của ông chủ mới làm việc càng làm cho ông chủ nghĩ rằng mình là người giỏi hơn tất cả, giống như người ta bị chính cái bóng của mình đánh lừa. Những suy nghĩ thiển cận đó, may ra chỉ áp dụng cho các cửa hàng bán hủ tiếu mì, nơi người ta nghĩ rằng chủ hiệu luôn là người nấu ngon hơn người giúp việc.
Nhưng đối với các tổ chức nói chung thì những người thuộc thế hệ sau luôn có năng lực cao hơn thế hệ trước, nếu chúng ta biết truyền lại cho họ cách tư duy và những kinh nghiệm cần thiết, đồng thời xác lập rõ các mục tiêu, chính sách rồi giữ vai trò cố vấn và theo dõi giúp đỡ họ khi cần thiết… Làm được như vậy, công việc sẽ có sự kết hợp đồng thời của hai thế hệ, người trẻ thì trực tiếp làm việc, người già thì đóng vai chiếc ống nhòm để nhìn xa, đứng sau chỉ đường. Nhờ đó mà Amata tiến bộ không ngừng và vững chắc.
Thời kỳ đầu, từ năm 2000, tôi tham gia họp hành với lãnh đạo công ty mỗi tuần một ngày. Đến năm 2006, tôi chuyển thành hai tuần một ngày. Tôi làm như vậy để thử xem Amata có thể trở thành công ty đại chúng mà không phụ thuộc vào cá nhân tôi hay không.
Nhờ chính sách trao quyền mà tôi thực hiện trong 5 năm qua, công ty đã không ngừng lớn mạnh, với kết quả kinh doanh năm sau lớn hơn năm trước và trở thành công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán như ngày nay. Tôi chỉ còn đóng vai người “kiểm tra và cố vấn”.
Như vậy, Amata đang tự phát triển bền vững mà không phụ thuộc vào một cá nhân nào. Đó là điều tôi đang tiếp tục thực hiện. Hơn nữa, hiện nay tôi vẫn còn sức làm việc ít ra là 10 năm nữa. Do đó, trong khi thực hiện mục tiêu này mà có chuyện không ổn xảy ra, tôi vẫn có thể quay lại trợ giúp tháo gỡ khó khăn. Nhưng nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp như 4-5 năm qua thì Amata không cần tôi quay lại ngồi trên đỉnh kim tự tháp như trước đây nữa.
Một trong những lý do tôi thành lập Quỹ Từ thiện Amata 14 năm về trước là để dùng quỹ này làm cầu nối chuyển tiếp công việc tôi làm tại công ty sang làm những việc mà tôi yêu thích và tự hào, những công việc mang nhiều ý nghĩa và đóng góp cho xã hội, bằng cách hiến tài sản của cá nhân tôi và gia đình cho quỹ này. Đồng thời, tôi có thể dùng thời gian còn lại của đời mình để tiếp tục làm việc từ thiện.
Tôi vốn yêu quý nghệ thuật và muốn giúp đỡ các nghệ sĩ, nhà văn bằng cách dùng Amata làm “sân khấu” để những người “có đức, có tài” có đất dụng võ mà không phải đợi đến khi tôi già hay sắp chết mới nghĩ mình sinh ra để làm gì, nên để lại gì cho đời sau, vì tới lúc đó thì tôi còn đâu sức lực nữa để làm điều mình thích.
Tôi mong điều tôi đã làm sẽ là tấm gương cho các doanh nhân khác, những người nhờ kinh doanh mà trở nên giàu có , nhưng chỉ để lại tất cả tài sản dư thừa của mình cho đám con cháu hư hỏng để chúng ăn chơi phung phí, ném tiền qua cửa sổ vì không biết giá trị của đồng tiền do mồ hôi nước mắt của ông bà, cha mẹ chúng đã làm ra. Tôi mong những người Thái giàu có nhờ làm ăn trên đất nước này hãy ngoảnh lại nhìn số đông những đồng bào của mình vẫn còn rất nghèo khổ, để tương trợ giúp đỡ họ. Tôi luôn cho rằng tiền có trong túi mà mình không dùng đến, thì đó không phải là tiền của mình.
Tôi vui mừng đã đi đúng hướng khi đặt kế hoạch rút lui không làm “ông chủ” nữa kể từ năm tôi 48 tuổi. Quyết định này làm cho cuộc đời tôi có ý nghĩa hơn xét về khía cạnh nhân văn, chí ít cũng giúp tôi nhận ra một điều, rằng cuộc đời còn nhiều phương diện khác cũng đẹp đẽ, có giá trị không kém…