Sau hơn 30 năm hoạt động kinh doanh, tôi đã gặt hái được nhiều thành công, có thể nói là tột đỉnh xét về mặt vật chất, khi trong các năm 2006-2008 tạp chí Forbes đã xếp tôi vào danh sách 40 tỷ phú giàu nhất Thái Lan.
Tạp chí Tiền tệ và Ngân hàng xếp tôi đứng thứ 10 trong danh sách những người sở hữu cổ phiếu có giá trị cao nhất của Thị trường Chứng khoán Thái Lan. Tạp chí Forbes năm 2008 còn xếp tôi trong danh sách 48 tỷ phú hảo tâm của Châu Á, và tạp chí Financial Times của Anh từng tặng tôi danh hiệu “Nhân vật của Châu Á” (Man of Asia).
Về phần cá nhân, có thể nói tôi đã có tất cả mọi thứ mình muốn. Tuy nhiên, tôi không phải hạng người tham lam vô độ, tôi không tiêu xài hoang phí vào những thứ xa hoa không cần thiết, chẳng hạn mua sắm quần áo hàng hiệu đắt tiền hay mua những đồ dùng quá xa xỉ, cốt để khoe khoang sự giàu có hay chứng tỏ mình thuộc giới thượng lưu.
Lý do có thể là vì tôi xuất thân từ một gia đình chẳng giàu có gì, và sống giản dị trong môi trường gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, có một thứ mà tôi không tiếc tiền khi cần mua sắm, đó là phương tiện đi lại.
Phải thú thực là tôi đã bỏ ra khá nhiều tiền để mua sắm các loại xe hơi thể thao tốc độ cao, kèm theo đó là sự không an toàn. Tôi biết đây là sự phung phí và việc lái xe tốc độ cao dễ gây ra tai nạn, nhưng tôi không thể nào làm khác được vì từ nhỏ tôi rất ham mê tốc độ. Lúc hơn 10 tuổi, tôi đã lấy trộm xe máy Honda của bố, đèo Viboon, em trai tôi, đến nhà tròn “môtô bay” để lái xe leo quanh tường nhà, kết quả tôi bị ngã dập mặt phải khâu nhiều mũi.
Nhiều năm trước, tôi đã từng bị tai nạn xe hơi hai, ba lần suýt chết, nhưng sau khi lành vết thương không lâu, máu ham mê tốc độ lại quay trở về. Bây giờ, tôi phải đặt giới hạn chỉ mua những chiếc xe không quá 100 triệu bạt, dù đây vẫn là số tiền quá lớn cho một thú tiêu khiển.
Kế hoạch mở rộng khu công nghiệp tại Thái Lan từ năm 2006-2008 dẫn đến Amata có khu đất dự trữ hơn 10.000 rai (khoảng 1.600 ha) cần số vốn đầu tư rất lớn. Đây là sự đầu tư mạo hiểm có nhiều rủi ro nhất trong lịch sử của Amata, đòi hỏi chúng tôi phải tính toán rất kỹ kế hoạch, trong khi tôi không muốn mất thời gian và đau đầu vì những trường hợp không có đất đáp ứng yêu cầu của khách hàng như trong quá khứ, trước tình hình kinh tế và đầu tư tại Thái Lan đang tiến triển tốt.
Thời gian vừa qua, thị phần của Amata chiếm 40% toàn bộ thị trường khu công nghiệp. Hơn nữa, sân bay mới Suvanabhuma, khánh thành vào năm 2006, đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng không cho các khu công nghiệp nằm về phía Đông Thái Lan. Do đó, tôi quyết định tung ra số vốn khổng lồ đầu tư vào dự án lâu dài, tức là “Thành phố Hoàn hảo” trong tương lai, bao gồm cả công viên khoa học, khu công nghệ cao, khu thương mại, sân vận động, khu giải trí, thảm thực vật, khu công nghiệp và khu dân cư với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 100 nhà máy.
Nếu dự án đầu tư này là sai lầm, thì việc tôi phải vào bệnh viện để được cấp cứu, hay “vào chùa húp cháo” là điều khó tránh khỏi. Nếu đúng như vậy thì tất cả những thành quả tích lũy trong mấy chục năm qua sẽ tan thành mây khói và tôi sẽ quay trở về số không như cũ, cùng với những khoản nợ ngập đầu nữa.
Vì vậy, cho đến tháng 5 năm 2006 tôi mới đi đến quyết định và hy vọng đây sẽ là quyết định đúng đắn, không thể mắc sai lầm để đến lúc về già phải làm còng lưng để trả nợ, như đã từng xảy đối với tôi qua trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997.
Tôi nhìn chiến lược phát triển kinh doanh của Amata là theo hướng tương lai lâu dài, chứ không dừng lại ở kết quả hiện tại. Tôi luôn tự hỏi trong tương lai Amata sẽ phải lớn mạnh đến mức nào mới có thể coi là vững bền, và thực sự là trường tồn như tên gọi “Amata”. Mặc dù tính đến đầu năm 2009, các Khu Công nghiệp Amata tại Thái Lan và Việt Nam đã thu hút hơn 800 nhà máy.
Ngoài ra, diện tích đất chưa triển khai tại Thái Lan là 1.600 ha, và tại Việt Nam cũng trên 1.600 ha, đồng thời giá cổ phiếu Amata trên thị trường chứng khoán cũng cao hơn giá cổ phiếu của các công ty phát triển khu công nghiệp khác. Nếu nhìn qua số liệu đó thì có thể cho rằng tương lai của Amata như vậy là tốt, là vững mạnh rồi. Nhưng tôi không nghĩ vậy, vì đối với tôi “ngày mai phải tốt hơn hôm nay”, có như thế mới có thể bảo đảm cho Amata luôn bền vững trước những biến động của kinh tế thế giới và trong nước.
Hiện nay, Amata đã trở thành một công ty đại chúng, việc làm và các quyết định của tôi với tư cách là người đứng đầu công ty có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, tôi cần phải hết sức thận trọng và kỹ lưỡng, không để xảy ra sai sót, vì tôi là người phải chịu trách nhiệm về quyết định này. Tôi đã đi đầu thực hiện kế hoạch trên, nhằm dẫn dắt Amata hướng đến tương lai, trước hết là làm cho các khu công nghiệp Amata tại Thái Lan, là Amata Nakorn và Amata City, tăng lên tổng diện tích khoảng 6.400 ha. Nếu cộng cả dự án sẽ mở rộng tại Việt Nam, khoảng 1.600 ha nữa, thì tổng diện tích đất của Amata sẽ gần 100 km2.
Nhờ đó, các khu công nghiệp của chúng tôi có cơ hội tạo ra tổng giá trị sản phẩm từ các nhà máy của các nhà đầu cả trong và ngoài nước đạt khoảng 1.000 tỷ bạt, chiếm 10% GDP của cả nước như mục tiêu đã đề ra. Không những thế, chúng tôi còn tạo ra khoảng 300.000 việc làm trong các khu công nghiệp Amata, không kể hàng trăm ngàn người khác sống ngoài hàng rào khu công nghiệp có công ăn việc làm nhờ các công việc gián tiếp như vận chuyển, đóng gói, xây dựng các dịch vụ ăn uống, lưu trú…
Tôi cho rằng quyết định này là xác đáng. Tôi đã đi được nửa đường nên phải tiếp tục cuộc hành trình cho đến đích cuối cùng của cuộc đời tôi. Thời gian còn lại không còn nhiều, nếu tôi chần chừ thêm 3-5 năm nữa, không chắc lúc đó tôi còn đủ nhiệt huyết để đưa ra những quyết định táo bạo như lúc này hay không. Vì vậy, tôi phải hành động trước khi ngọn lửa đó tắt đi để không phải hối tiếc khi về già.
Một dự án nữa mà tôi hằng ước ao là “Lâu đài Amata” do kiến trúc sư Thao Thevakul và Công ty Nanthavan (thuộc Tập đoàn Obayashi – Nhật Bản) thiết kế từ năm 2003, đã được khởi công xây dựng từ ngày 5 tháng 12 năm 2005, dự kiến phải mất 10 năm mới xây xong. Như đã nói, đây sẽ trở thành bảo tàng nghệ thuật, lưu giữ tất cả tác phẩm nghệ thuật và là sân khấu cho các nghệ sĩ toàn Thái Lan đến đây giao lưu, biểu diễn.
Tôi lấy ngày 5 tháng 12 năm 2005 làm ngày khởi công công trình này vì đây là “Ngày của Cha”, cũng là ngày kỷ niệm 60 năm trị vì của Nhà vua Thái Lan, để tỏ lòng biết ơn cha tôi đã sinh tôi ra và nuôi dạy tôi từ nhỏ, đồng thời xin lỗi cha tôi vì có lúc tôi đã xúc phạm, đối xử không phải với ông.
Tôi phải mất ba năm để hoàn thành giai đoạn một của công trình này để kịp cho cuộc thi giành Giải thưởng Nghệ thuật Amata (Amata Art Award) vào năm 2008.
Việc xây dựng Lâu đài Amata, dự kiến cần vốn đầu tư khoảng 2 tỷ bạt (50 triệu USD), không kể tôi phải dành ra 100 triệu bạt nữa để làm các giải thưởng. Ngoài ra, tôi còn phải dành tiền cho việc xuất bản sách, mua sắm xe và làm nhà trên núi tại Khao Yai. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, tôi còn muốn bộ phim “Hãy làm người tốt” được Hollywood sản xuất, và đó sẽ là dự án cuối cùng của đời tôi.
Đó là tất cả những công trình mà tôi đã lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí. Tôi dự định sẽ hiến toàn bộ tài sản của mình cho Quỹ Từ thiện Amata để thực hiện các mục tiêu mà tôi đã vạch ra mà không giữ thứ gì cho riêng mình trước khi từ giã cõi đời.
Năm nay, 2009, tôi đã bước sang tuổi 56, thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ! Nhìn xung quanh thấy một số bạn bè cùng lứa tuổi đã lần lượt ra đi mãi mãi, tôi không khỏi nghĩ đến mình sẽ còn sống được bao lâu nữa để thực hiện tất cả những điều mình mơ ước từ thuở nhỏ. Thời gian còn lại, tôi sẽ dành thực hiện ước mơ của mình. Tôi sẽ tập hợp tất cả những điều tôi hằng ước mơ đó vào trong một cuốn sách nhan đề “Người theo đuổi ước mơ” mà tôi sẽ hạ bút viết vào giữa năm 2010 để nói lên con đường phía trước mà tôi sẽ đi tiếp cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời tôi.