Việc thường xuyên chu du khắp nơi trong hơn 30 năm qua, kể từ khi rời trường đại học cho đến khi trở thành một doanh nhân thực thụ như ngày nay, đã giúp tôi rất nhiều trong việc không ngừng phát triển kinh doanh.
Từ mảnh đất chưa đầy 50 ha vào năm 1988 của khu công nghiệp Bang Pakong I, đến năm 2009, sau đúng 20 năm, tôi đã phát triển được hơn 5.000 ha diện tích khu công nghiệp, không kể khu đất dự trữ hơn 1.600 ha nữa đang được triển khai, nghĩa là tăng hơn 130 lần so với miếng đất đầu tiên, tạo việc làm cho gần 200.000 người, bảo vệ tốt môi trường, không gây ô nhiễm cho các khu dân cư xung quanh. Đó là điều khiến tôi rất tự hào, và tôi cũng muốn mọi nhân viên trong Amata có cùng suy nghĩ như thế.
Có lần trong cuộc họp giao ban hàng tuần của công ty, tôi có nói với ông Chavalit và các nhà quản lý công ty rằng họ đáng được thưởng huân chương vì những đóng góp cho xã hội như tạo việc làm và bảo vệ môi trường. Mọi người tươi cười tỏ ý hài lòng. Tôi nói điều này không phải vì muốn khoe khoang thành tích, mà muốn họ cảm thấy tự hào thực sự vì đã sánh vai cùng tôi phấn đấu không mệt mỏi trong suốt nhiều năm qua.
Hai tuần một lần vào thứ Tư, tôi họp với các lãnh đạo và nhân viên có liên quan để lên kế hoạch làm việc và xử lý các vấn đề tồn tại. Đây là diễn đàn để mọi người nêu ý kiến đánh giá kết quả công việc trong từng bộ phận và trao đổi kinh nghiệm để công việc ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.
Công ty đạt mức tăng trưởng rất tốt, từ 10-30%/năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997, riêng năm 2008 mức tăng trưởng là 50% so với 2007. Do đó, nhiệm vụ của tôi là xác định mục tiêu và trao lại nhiệm vụ cho người khác đảm nhiệm, chỉ những trường hợp họ không tự giải quyết được hay không dám quyết định, tôi mới hỗ trợ.
Trong giai đoạn 2001-2005, mỗi lần họp công ty đều có nhiều vấn đề phải tranh cãi. Đó là những vấn đề mà Amata thường gặp, như không có đủ diện tích đất theo yêu cầu của khách hàng, xây dựng không kịp tiến độ, và chuyện thanh toán tiền bạc. Ba vấn đề này giống như ba căn bệnh bẩm sinh mà “cậu bé Amata” (khi tôi mới 30 tuổi) thường xuyên mắc phải. Khi đó, vốn liếng trong tay tôi chỉ có 25 triệu bạt, nhưng tôi phải đầu tư mua khu đất gần 50 ha, với giá mỗi ha là 1,5 triệu bạt, không kể chi phí xây dựng hơn 100 triệu bạt nữa.
Đến nay, sau gần 20 năm (năm 2005, tôi 53 tuổi) Amata vẫn phải chữa trị ba căn bệnh này. Nếu xét thực tế là nền tảng của công ty bắt đầu từ con số không thì đây là điều dễ hiểu vì việc đầu tư vào các dự án lớn và chưa có kinh nghiệm là việc không dễ dàng, nếu không có sự hỗ trợ của các cổ đông, ngân hàng và những người có liên quan.
Nhân đây, với tâm niệm “uống nước nhớ nguồn”, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan, một cổ đông sáng lập, đã cùng chúng tôi khai phá mở đường thực hiện dự án này ngay từ đầu năm 1988. Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan cũng là ngân hàng đầu tiên mở chi nhánh trong Khu Công nghiệp Amata Nakorn.
Tôi đã hứa danh dự với ông Narong Srisaan, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan rằng trong vòng 10 năm đầu sẽ không có ngân hàng nào khác đặt chi nhánh trong Khu Công nghiệp Amata Nakorn, và tôi đã thực hiện đúng lời hứa mặc dù sau đó Ngân hàng Bangkok, một đối tác lớn và rất quan trọng của Amata cũng yêu cầu mở chi nhánh trong Khu Công nghiệp Amata Nakorn, nhưng tôi đành phải từ chối.
Lòng tốt, sự ủng hộ nhiệt tình trước sau như một của Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan đối với Amata còn thể hiện trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1997. Họ đã cho Amata vay 60 triệu bạt làm vốn lưu động để đứng vững trong khi bản thân Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan cũng đang khốn đốn, suýt phải đóng cửa giống như nhiều ngân hàng khác tại Thái Lan lúc bấy giờ.
Đóng vai trò trọng tâm trong hoạt động kinh doanh khu công nghiệp là vấn đề “đất đai”, mà theo nguyên tắc mua-bán thì người mua bao giờ cũng muốn giá thấp còn người bán bao giờ cũng đưa giá cao. Ngoài ra, việc mua bán đất đai thường phải qua trung gian môi giới, những nhà đầu cơ kiếm lời, vì thế việc tìm mua đất để xây dựng khu công nghiệp càng khó khăn phức tạp hơn. Đặc biệt, khi nhà đầu tư khu công nghiệp ít vốn hay không có vốn dự trữ thì khó khăn tăng lên gấp bội.
Khi bạn bắt đầu xây dựng nhà máy, hoặc khi các nhà máy trong khu công nghiệp đi vào hoạt động thì “ánh sáng mạnh” từ công trường hoặc tiếng máy móc ầm ĩ thay thế cho “màn đêm tăm tối” trước kia của khu vực nằm quanh khu công nghiệp làm giá đất tăng lên vùn vụt. Nhiều miếng đất cần mua để liên thông nhưng không thể mua nổi đành tạo ra những chiếc “lô cốt” trong khu công nghiệp, cản trở việc quy hoạch và mở rộng khu công nghiệp. Xử lý các “lô cốt” này như thế nào? Có những chủ đất đòi bán với giá cắt cổ, cao hơn 200 – 400% giá bình thường, chúng tôi cũng phải cắn răng mua.
Đây là vấn đề khó khăn của Amata vì chúng tôi không có nhiều vốn để mua một lúc cả khu đất lớn ngay từ đầu để phát triển, mà phải làm từng bước sau khi vốn liếng tích lũy từ lãi tăng lên. Trong khi đó, các khu đất bao quanh Khu Công nghiệp Amata Nakorn có rất nhiều nhà đầu cơ và những người trung gian môi giới lao vào mua bán kiếm lời, làm cho giá đất tăng vọt khiến việc đầu tư không còn khả thi. Nhiều khu công nghiệp không thể mua đất để mở rộng, đành phải đóng cửa.
Do đó, việc mua bán đất đai là cả một nghệ thuật, mà tôi và các chuyên gia như anh Piếc, anh Chairath đáng được nhận bằng “tiến sĩ”. Tôi phải ngả mũ kính phục hai anh này, vì ai cũng biết việc đi mua đất đai phải có hai thứ đi liền nhau đó là “tiền” và “sự kiên nhẫn”. Đây quả thật không phải là một công việc dễ dàng, đôi lúc còn nguy hiểm đến tính mạng, vì có thể bị ám sát nữa. Vì vậy, có thời gian tôi phải thu xếp để tăng cường lực lượng bảo vệ cho anh Piếc, đề phòng trường hợp vì đồng tiền người ta sẵn sàng hại người.
Có thể nói, việc mua thêm đất đai để mở rộng sau khi khu công nghiệp đã xây dựng xong và có nhiều nhà máy thành lập là công việc cực kỳ khó khăn gian khổ. Tôi phải tìm mọi cách để mua được các khu đất liền nhau, bất kể đó là Khu Công nghiệp Amata Nakorn hay Amata City, nếu không thì việc mở rộng sẽ gặp khó khăn.
Từ trải nghiệm trực tiếp trong việc mua bán đất đai, tôi chứng kiến nhiều người đột nhiên trở thành triệu phú chỉ qua một đêm. Ngược lại, có nhiều triệu phú trở thành ăn mày cũng chỉ trong chớp mắt. Đất đai làm cho nhiều người bị phá sản vì “lòng tham không đáy”. Tôi nghĩ mà thấy buồn lòng.
Việc mua đất đai và vấn đề tiền vốn luôn luôn là bài toán hóc búa nhất, đau đầu nhất trong lĩnh vực xây dựng và phát triển các khu công nghiệp. Đó là một công việc khó khăn nặng nhọc và đôi khi rất nguy hiểm. Nghĩ lại, tôi cảm thấy tự hào và hài lòng vì sau 20 năm lăn lộn, chúng tôi đã thành công trong việc biến khu công nghiệp đầu tiên với diện tích chưa đầy 50 ha thành khu công nghiệp lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với diện tích trên 6.000 ha.