Học thuyết tiến hóa của nhà bác học Charles Darwin nói rằng: “Kẻ sống sót là kẻ mạnh nhất”. Điều này có thể được thể hiện rõ trong môi trường kinh doanh, nơi “cá lớn nuốt cá bé”, và ngay cả trong môi trường sống của động vật nữa.
Ông Dhanin Chearavanond, Chủ tịch Tập đoàn CP, có lần kể với tôi rằng, tập tính của những con gà nuôi trong chuồng trại chủ yếu là tranh giành nhau.
Nếu có một “anh” gà trống làm đầu đàn thì sẽ có nhiều “nàng” gà mái đến “làm vợ”, và những “nàng” gà mái này sẽ tranh giành nhau để được “anh” gà trống đầu đàn “cưng nhất”. Trong khi đó, “anh” gà trống đầu đàn này cũng phải luôn xông vào đánh đuổi bất cứ con trống nào khác mon men đến gần các cô gà mái hay xâm phạm lãnh địa của nó.
Kỳ thực thì con người và các loại động vật trên thế giới này đều có những hành vi rất giống nhau, chỉ khác là bộ óc của con người phát triển phức tạp hơn, khôn ngoan hơn gấp nhiều lần, con người có thể suy nghĩ cả điều tốt lẫn điều xấu. Điều khác biệt giữa con người và các loài động vật khác có lẽ ở chỗ con người có “Hiri Ottappa” – nghĩa là có lương tâm và biết xấu hổ khi làm điều xấu, biết sợ khi gây tội ác.
Nếu con người không có lương tâm, và không biết sợ hay xấu hổ khi làm điều ác, thì con người cũng chẳng khác gì súc vật, khi đó họ làm bất cứ thứ gì mình muốn mà không cần biết đến đồng loại có bị nguy hại gì từ hành động của mình hay không.
Con người luôn phải rèn luyện cho tâm hồn mình trong sạch, nếu không kiểm soát được bản thân hay không biết suy nghĩ làm điều thiện thì cái ác sẽ xâm chiếm tâm hồn. Tâm hồn con người cũng giống như dòng nước luôn chảy về chỗ trũng. Bản thân tôi từng lớn lên trong môi trường bao quanh bởi không khí bạo lực, chém giết lẫn nhau, vì tỉnh Kanchanaburi, nơi tôi sinh ra và lớn lên, 50 năm về trước vẫn là một vùng đất rừng rú man rợ, nơi người ta thường dùng súng đạn để giải quyết mâu thuẫn và có thể giết nhau chỉ vì cơn giận tức thời hay một lời nói nghe không lọt tai.
Khi còn nhỏ tôi có nhiệm vụ trông coi vườn mía nên có dịp tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội, và thường nhìn thấy những việc tốt hoặc xấu, hành động cao thượng hay hèn kém diễn ra một cách rất tự nhiên. Có những đêm khuya tôi phải đi xe máy vào rừng theo lệnh của bố, hay lái máy cày cày đất trong khi trời nhá nhem tối, vừa sợ vừa run, khi tin tức liên tục thông báo về những vụ trộm cướp, giết người diễn ra hàng ngày. Tôi đã nhiều lần may mắn thoát khỏi tai họa trong đường tơ kẽ tóc. Nếu tin vào thần thánh như trước đây, tôi sẽ cho rằng mình may mắn thoát chết là nhờ phép thần của bùa hộ mệnh mà tôi đeo ở cổ lúc còn nhỏ.
Tôi biết dùng súng để tự vệ từ khi còn ở tuổi thiếu niên, đi đâu tôi cũng mang theo súng và lấy đó làm vật phòng thân cho đến khi trở thành thói quen đến tận ngày nay. Nó tạo cho tôi cảm giác yên tâm vì tôi không muốn mình ở thế bị động, hay chờ đến khi xảy ra tai họa mới báo cảnh sát thì đã quá muộn.
Kinh doanh khu công nghiệp tuy cũng có đối thủ cạnh tranh nhưng không nhiều lắm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này diễn ra quyết liệt vì lợi nhuận, một điều thông thường trong nền kinh tế tư bản. Tôi là người đầu tiên đứng ra tập hợp các nhà kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp lại với nhau để bàn bạc việc thành lập hiệp hội khu công nghiệp. Cuộc họp đầu tiên diễn ra vào tháng 2 năm 1991 tại khách sạn Ambassador, Sukhumvit.
Tôi nghĩ rằng nếu có điều gì có thể giúp đỡ người khác thì tôi luôn sẵn sàng, kể cả việc chia sẻ thông tin mà không e ngại rằng điều đó sẽ làm cho mình bị thiệt. Ngược lại, việc trở thành “người cho” luôn khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Trong năm đầu thành lập Hiệp hội Khu Công nghiệp, tôi đã đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Hiệp hội, bà Prapha Viraipraphaikit làm Chủ tịch Hiệp hội. Hoạt động của Hiệp hội đã góp phần thắt chặt quan hệ giữa các thành viên.
Thời đó, có ông chủ của một khu công nghiệp là người có tính hẹp hòi, hay ghen tỵ, và mạt sát người khác. Trong cuộc họp ông ta thường có những câu nói cay độc, châm chọc đồng nghiệp, khiến tôi nhiều lúc cảm thấy rất khó chịu. Một hôm không nhịn được, tôi nói thẳng vào mặt ông chủ này – người xấp xỉ tuổi tôi – rằng: “Hãy bỏ cái thói dây dưa, hẹp hòi, khó chịu ấy đi. Nếu không, đừng trách tôi vì anh thừa biết người Kanchanaburi chúng tôi như thế nào rồi đấy…” Từ đó ông ta không dám nói năng xúc phạm bừa bãi nữa.
Vào đầu năm 1987, khi bắt đầu thực hiện dự án khu công nghiệp Amata City tại tỉnh Rayong, tôi làm thủ tục xin giấy phép khuyến khích đầu tư của Ủy ban Khuyến khích Đầu tư Thái Lan (BOI). Nhưng chờ mãi không thấy động tĩnh gì, tôi quyết đi sâu tìm hiểu lý do tại sao.
Sau đó tôi mới biết sự thật là có một đối thủ cạnh tranh ở miền Đông Thái Lan đứng đằng sau chạy chọt hòng ngăn cản việc cấp giấy phép đầu tư cho tôi. Tôi phải nhờ một số người có vai vế can thiệp, cuối cùng mới được cấp giấy phép. Câu chuyện tưởng đến đó là kết thúc, nhưng không phải vậy vì sau đó lại gặp phải trở ngại khác: hai tỉnh Chonburi và Rayong lập quy hoạch mới chắn ngang khu đất mở rộng của khu công nghiệp Amata. Chúng tôi lại phải tìm cách tháo gỡ và cuối cùng mới giải quyết được.
Nếu sống có tình có lý, tôn trọng lẽ phải và sự công bằng, chúng ta sẽ làm cho những người liên quan hài lòng, vui sướng; nhưng nếu có ác tâm, muốn làm hại người khác, thì người phải chịu đau khổ chính là chúng ta.
Có một quân nhân cấp cao đến nhà tôi ăn cơm, sau khi biết ngày sinh, tháng đẻ của tôi, ông khuyên tôi không được có tà ý với ai, vì nó giống như sự nguyền rủa, sẽ mang lại tai họa cho người đó… Tôi nghe mà thấy rợn cả người… Chẳng lẽ mình có sức mạnh tinh thần lớn đến thế sao. Thật là chuyện vô lý, không thể tin được!
Nhưng nhớ lại chuyện đã qua, thì thấy một điều là những người từng ức hiếp làm hại Amata, từng làm tôi căm phẫn đến mức muốn thuê côn đồ trả thù (may mà chuyện này bất thành) thì hầu hết những người đó đều lần lượt gặp phải những kết cục bi thảm… Tôi nghĩ họ đã bị trời trừng phạt vì đã gây tội ác cho người khác.
Năm 2009, tôi bước sang tuổi 56, ngồi nghĩ lại chuyện cũ, tôi không khỏi cảm thấy buồn cười về sự ấu trĩ của mình. Khi tuổi càng lớn, tôi càng trở nên bình tâm hơn, suy nghĩ chín chắn, sâu sắc hơn. Tôi thích sự tĩnh lặng và thả tâm hồn vào chiều sâu thăm thẳm của lòng mình. Tôi không còn căm ghét, hận thù ai nữa và tránh xa mọi dục vọng để tìm đến sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn.
Tôi đã một lần đi tu để rửa tội và chưa muốn đi tu lần nữa