Kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ khi làm nhà máy chế biến thức ăn gia súc và chế biến cá hộp, trong đó có khâu quan hệ buôn bán với nước ngoài đã giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp.
Tôi đã hiểu rõ khái niệm “đạt tiêu chuẩn quốc tế” không phải là chuyện mình muốn làm thế nào cũng được, hay viện cớ này khác để bào chữa. Những trải nghiệm này đã luyện cho tôi cách vận dụng kinh nghiệm đó vào việc vạch kế hoạch, chính sách và xây dựng tầm nhìn cho bản thân và công ty, mặc dù tôi chưa trải qua trường đào tạo nào về vấn đế này. Đó là nền tảng để tôi làm việc vì sự phát triển lâu dài của công ty.
Sau 3 năm tập trung hết thời gian và sức lực cho công việc xây dựng khu công nghiệp, tôi bắt đầu nhận ra con người mình rất phù hợp với công việc này, cả về tính cách và năng lực chuyên môn. Tôi không bao giờ cảm thấy chán nản hay muốn lảng tránh những thách thức gặp phải, mà luôn đương đầu với chúng bằng tất cả sự thích thú và say mê.
Trong công việc, không phải lúc nào cũng có người tán thành mọi chuyện mà chúng ta muốn làm, đặc biệt đối với công việc có ảnh hưởng đến nhiều người, như vấn đề môi trường, quy hoạch khu công nghiệp, hay cung cấp nguồn lực… Bạn cần tìm ra được điểm dung hòa, cân bằng các lợi ích, nếu không muốn bị biến thành công cụ cho một số người đứng sau để trục lợi, hoặc bị lên án bởi những nhóm người nhân danh lòng yêu nước, hay những tổ chức độc lập thích đối đầu mà không cần biết thực hư ra sao.
Đôi khi việc bày tỏ lòng yêu nước, yêu văn hóa Thái Lan, muốn bảo vệ môi trường một cách cực đoan… đã đẩy nhiều người nghiễm nhiên đứng về phía đối lập với những nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Thái Lan đầu tư chính đáng. Những thái độ cực đoan như vậy chẳng có lợi gì, ngoài việc làm cho đất nước bị mất cơ hội hòa nhập với thế giới. Đôi khi đó còn là hành động lợi bất cập hại, khiến các nhà đầu tư chuyển sang nước khác. Tôi cho rằng việc phân biệt đối xử dựa vào màu da hay chủng tộc là những tư tưởng hẹp hòi và nông cạn, cản trở sự phát triển của một quốc gia.
Trong các khu công nghiệp Amata tại Thái Lan, đã có hàng ngàn con người thuộc hơn 30 quốc tịch khác nhau cùng chung sống và làm việc, cùng nhau xây dựng một xã hội có kỷ luật, biết tư duy… đến mức họ trở thành “công dân Amata”, nghĩa là “người Thái Lan mới” mang tính cách riêng về tính kỷ luật và ý thức bảo vệ môi trường.
Nhìn sang nước Mỹ mà xem, mặc dù dân số nước Mỹ chỉ chiếm chưa đến 5% dân số thế giới, nhưng họ kiểm soát đến 25 % sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu, trở thành cường quốc số một thế giới về nhiều mặt như kinh tế, tài chính và quân sự.
Vì sao người Mỹ làm được như vậy? Câu trả lời là, ngay từ đầu, tức 200 năm về trước, người Mỹ đã mời các nhà đầu tư châu Âu vào nước họ. Ngoài ra, các nguồn vốn và chất xám từ khắp nơi trên thế giới thi nhau đổ vào nước Mỹ làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển nhanh chóng, mức sống của dân Mỹ không ngừng tăng lên, chất lượng cuộc sống, chất lượng giáo dục được nâng cao, lao động đạt hiệu suất tốt.
Xã hội Mỹ rộng mở, coi trọng và khuyến khích người giỏi bất kể trong lĩnh vực nào, chẳng hạn như khoa học, thể thao, nghệ thuật… Họ chấp nhận cả sự khác biệt về văn hóa và tư tưởng. Điều cần rút ra từ đây là lợi ích của việc “đồng hóa” rất nhiều dân tộc trên thế giới trong hơn 200 năm qua của nước Mỹ để tạo nên một xã hội mới đồng nhất, bao dung, chấp nhận sự khác biệt nhưng có cùng mục tiêu chung sống hòa bình để xây dựng nên một quốc gia đa chủng tộc lớn nhất thế giới, có tên gọi là Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.
Nếu Thái Lan cũng biết sử dụng tài nguyên con người từ khắp nơi trên thế giới một cách hiệu quả như nước Mỹ, thì tôi tin rằng Thái Lan sẽ trở thành một quốc gia vững mạnh hơn về mặt kinh tế và xã hội.
Tôi muốn những ai xem mình là “người Thái Lan” và là chủ nhân của Thái Lan hiện nay cần nhận thức rõ một điều là 50-60 năm về trước, hay chính xác là 700 năm về trước, tất cả chúng ta cũng đều là những người di cư từ nơi khác đến mảnh đất hình “búa vàng” này (nước Thái Lan có hình dạng như chiếc búa nên người Thái gọi đất nước mình là “búa vàng” – ND). Do đó, sẽ là điều không thật hợp lý nếu chúng ta ngăn cản những người tốt vào Thái Lan để cùng nhau xây dựng một xã hội không ngừng phát triểnvà ngày một tốt đẹp hơn, không còn sự độc quyền trong bất cứ lĩnh vực nào, vốn chỉ tập trung vào một nhóm thiểu số mà thôi.
Tôi thường tự hỏi vì sao nền kinh tế và chính trị của Thái Lan chỉ nằm trong tay không quá 500 dòng họ, tất nhiên trong đó có cả dòng họ Kromadit, dù dân số Thái Lan gần 70 triệu người?
Tôi có ước mơ sự giàu có và phồn vinh đó sẽ lan tỏa đến toàn dân Thái Lan ở mọi tầng lớp, để ai cũng có cơ hội như nhau. Việc mở cửa tự do và tạo cơ hội cho người nước ngoài đến từ bất cứ đâu là điều mà nhiều nước ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á hay Nam Mỹ đã làm thành công. Đối với Thái Lan, dù còn hạn chế về trình độ kỹ thuật, quản lý và tiếp thị quốc tế, nhưng người Thái Lan nói chung là những đối tác tốt, như thực tế đã chứng minh.
Khi còn là sinh viên tại Đài Loan, thậm chí tôi còn không muốn trở về Thái Lan mà chỉ muốn đi học tiếp ở nước ngoài và định cư luôn ở đó, vì chán cảnh gia đình, thời tiết nóng bức, quản lý nhà nước yếu kém, tệ tham nhũng, và đặc biệt nản vì xã hội Thái Lan ít tạo cơ hội và khuyến khích nhân tài, trong khi đầy rẫy những người “yêu nước bằng nước bọt”….
Nhưng khi số phận đưa đẩy tôi trở về nước, tôi lại thấy quyết định của mình là đúng trong việc góp sức xây dựng đất nước. Trong lòng tôi cảm thấy tự hào khi công việc mình làm là ích nước lợi dân về nhiều mặt như bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ giáo dục… Tôi làm những việc đó không phải vì ham muốn danh vọng, bổng lộc hay tiếng tăm mà chỉ vì tôi thích và muốn đạt được những lợi ích một cách chính đáng. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội, nơi đã sinh ra và nuôi nấng tôi thành đạt như hôm nay.
Vào năm 2006, giá cổ phiếu của Amata trên thị trường chứng khoán thuộc hàng cao nhất trong nhóm cổ phiếu bất động sản, tôi đã trang trải hết các món nợ tích lũy trong hơn 30 năm qua. Năm 2008, Amata có lợi nhuận 1.192 tỷ bạt (cao hơn vốn điều lệ công ty là 1.076 tỷ bạt). Tất nhiên, những cổ đông chiếm cổ phần lớn như tôi và dòng họ Kromadit cảm thấy rất vui mừng với mức cổ tức thu được ngày càng tăng lên. Hiện nay, tôi và gia đình thu được lợi tức hàng năm khoảng 200 triệu bạt, và nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì lợi tức thu được sẽ còn lớn hơn nữa.
Nhưng tôi còn có nghĩa vụ với Quỹ từ thiện Amata (Amata Foundation). Tôi cần có nhiều tiền hơn nữa để giúp đỡ những người xứng đáng được xã hội quan tâm, chăm sóc về giáo dục, văn hóa, nghệ thuật và bảo vệ môi trường. Ngày 26 tháng 12 năm 2008, tại Khu công nghiệp Amata Nakorn, tôi đã tuyên bố trước toàn thể các nhà quản lý Tập đoàn Amata và những người thân trong gia đình Kromadit rằng, toàn bộ tài sản mà tôi có sẽ được hiến tặng cho Quỹ Từ thiện Amata khi tôi về già, không còn sức để làm việc nữa, để Quỹ có điều kiện tiếp tục thực hiện những sự nghiệp mà tôi hằng mơ ước.
Năm 2009, tại các khu công nghiệp Amata, đã có những con người thuộc 30 quốc tịch khác nhau trên thế giới đến đây để cùng nhau sinh sống và làm việc trong gần 700 nhà máy trên tổng diện tích gần 5.000 ha. Họ cùng nhau sản xuất ra hầu hết các sản phẩm, trang thiết bị, hàng tiêu dùng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày với giá trị gần 700 tỷ bạt/ năm. Hiện nay, tại Amata hàng ngày có gần 200.000 người đến làm việc, cả toàn thời gian và bán thời gian.
Nếu so sánh với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả Thái Lan năm 2007 là 8.200 tỷ bạt thì Amata với dân số chỉ bằng 0,3% dân số cả nước đã tạo ra 7% GDP. Đây là con số nói lên tính hiệu quả rất cao của Amata.
5 năm nữa, nếu mỗi năm có thêm ít nhất 100 nhà máy được thành lập tại Amata, như năm 2008, chúng tôi sẽ có tổng cộng 1.000 nhà máy, đến lúc đó dân số của Amata sẽ là 300.000 người và tôi ước mơ khi đó tổng GDP của Amata sẽ là 1.000 tỷ bạt, chiếm 10% GDP của cả Thái Lan.
Bạn có nghĩ giấc mơ của tôi quá xa vời hay không?