Trong thời kỳ Thái Lan đang diễn ra tình trạng “nền kinh tế bong bóng”, phần lớn mọi người đều say sưa với việc kiếm tiền để thực hiện giấc mộng làm giàu nhanh chóng mà không hề bận tâm về một sự thật rằng mọi sự tăng trưởng không dựa trên cơ sở thực lực của nền kinh tế, mà dựa vào sự thổi phồng thì trước sau nó cũng bị tan vỡ như bong bóng xà phòng.
Vào tháng 2 năm 1991, tôi được mời đến nói chuyện tại một cuộc hội thảo do hiệp hội bất động sản tổ chức tại khách sạn Dusit về đề tài “Sự tăng trưởng kinh tế và tương lai của các khu công nghiệp”. Tôi đã nhắc nhở mọi người về nguy cơ kinh tế phát triển quá nóng, rằng chúng ta không nên biến mình thành những con thiêu thân, mà nên thận trọng trong việc đầu tư. Ý kiến của tôi đã làm không ít người phật lòng.
Lúc đó Thái Lan đang ngây ngất trước làn sóng người nước ngoài đổ xô vào mua bất động sản rầm rộ tạo ra nhu cầu giả tạo, nhiều nhà đầu cơ, cả cũ lẫn mới, trở thành triệu phú chỉ qua một đêm. Một số người đã giàu lại càng giàu thêm, một số mới vào nghề thì nay nở mày nở mặt, trong khi thực chất thị trường bất động sản lúc đó cung đã vượt cầu.
Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp và thị trường chứng khoán cũng có xu hướng tăng mạnh vì có nguồn vốn từ các nhà đầu tư Hồng Kông và Đài Loan, những người đầu cơ kiếm lời từ thị trường bất động sản mà không có mục đích đầu tư thực sự, lâu dài tại đây, kết hợp với việc Vương quốc Anh phải trao trả Hồng Kông về Trung Quốc vào năm 1997, làm cho nhiều người giàu có tại Hồng Kông không yên tâm về tương lai của mình nên đã tìm cách “di tản” trước bằng cách chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.
Do vậy, bất kể là người Úc, Canada, Mỹ hay Thái Lan đều được hưởng lợi từ sự kiện này. Ngoài ra, còn có thêm một nguồn bổ sung nữa, đó là những người giàu có tại Đài Loan, những người không yên tâm về tình hình an ninh tại xứ sở của mình do bị Trung Quốc lục địa không ngừng đe dọa, nên cũng chuyển vốn ra ngoài.
Ngay cả Mỹ cũng hồ hởi mở cửa chào đón những người Châu Á mang tiền của vào nước họ, bằng cách nới lỏng chính sách nhập cư, nếu ai có tiền gửi ngân hàng hay đầu tư vào Mỹ vài triệu đô la là cho nhập quốc tịch ngay. Qua đó, tại Châu Mỹ, cả Bắc Mỹ lẫn Nam Mỹ đâu đâu cũng thấy người da vàng tóc đen.
Thái Lan là xứ sở mà lâu nay người Hoa từ Hồng Kông và Đài Loan xem là một thiên đường, vì Thái Lan đất rộng người thưa, giàu tài nguyên, đất đai phì nhiêu màu mỡ, người Thái dễ tính, rộng lượng và mến khách. Các thế hệ trước của người Hoa đến Thái Lan sinh sống lập nghịệp đều có cuộc sống ổn định và thành đạt.
Do đó, có nhiều người Hoa đến đây tìm cách để nhập quốc tịch Thái,nhưng đây là việc không dễ làm vì quy định nhập tịch Thái rất nghiêm ngặt, lắm người mất nhiều tiền của để chạy chọt và phải chờ đợi có khi đến hàng chục năm mà vẫn không được nhập quốc tịch. Vì “hạn ngạch nhập tịch” hàng năm – do Bộ Nội vụ ban hành – rất hạn chế.
Tất nhiên, ở đâu có luật lệ “hạn chế”, “xin-cho” thì ở đó dễ sinh ra tệ tham nhũng, hối lộ của một số quan chức để kiếm chác bỏ túi riêng. Một số người nước ngoài chờ mãi không nhập được quốc tịch Thái nên đã sang nước khác.
Trong những năm 1988 -1991 đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp tăng rất nhanh, đặc biệt là đầu tư vào các khu công nghiệp. So sánh các số liệu về cấp phép đầu tư của Cục quản lý Khu Công nghiệp Thái Lan (IEAT) và của Ủy ban Khuyến khích Đầu tư Thái Lan (BOI), thì trong thời gian này số lượng giấy phép do IEAT cấp tăng gấp 7 lần so với số giấy phép do BOI cấp, mặc dù đồ thị tăng trưởng đầu tư nước ngoài không ngừng tăng lên. Nhìn vào tỷ lệ 7:1, có thể thấy sự mất cân đối giữa sản xuất công nghiệp và thị trường. Từ đó tôi cho rằng đầu tư nước ngoài có thể không tăng trưởng ổn định và dễ chịu tác động của những biến động khó lường trên thế giới.
Vì vậy, trong cuộc hội thảo lần đó tôi đã báo động rằng nếu cứ kéo dài tình hình mở rộng các khu công nghiệp một cách tràn lan như hiện nay, thì trong vòng 3 đến 5 năm nữa Thái Lan sẽ bị thua lỗ vì diện tích khu công nghiệp bị bỏ trống nhiều. Tất nhiên, có người cho rằng lời cảnh báo của tôi chỉ nhằm mưu lợi riêng mà thôi. Lúc đó, người ta đua nhau lập khu công nghiệp khắp nơi, từ các tỉnh xa như Kanchanaburi, Saraburi, Prachinburi, Ayudhaya đến Pichit hay Rachburi, kể cả tại vùng Đông Bắc, tính chung cả nước có đến gần 60 khu công nghiệp, vùng công nghiệp và cụm nhà máy xây dựng sẵn, của cả nhà nước lẫn tư nhân.
Lúc đó Amata đang có tiếng tăm lừng lẫy, có nhiều đoàn các nhà đầu tư khắp nơi, từ Kanchanaburi, Udorn Thani, Pichit, Chiêng Rai, Saraburi… lũ lượt kéo nhau đến tham quan để học tập kinh nghiệm xây dựng khu công nghiệp. Ai cũng hỏi tôi làm thế nào để xây dựng khu công nghiệp nhằm phát triển kinh tế tại địa phương…
Tôi trả lời họ muốn thành lập khu công nghiệp thì yếu tố đầu tiên là khu công nghiệp đó phải có vị trí tốt, giao thông thuận tiện, nằm gần cảng biển, sân bay, gần các thành phố lớn với đầy đủ các hệ thống hạ tầng công cộng, bảo đảm sinh hoạt và đời sống của dân cư, đặc biệt phải bảo đảm có đủ năng lượng… nếu không hoạt động của khu công nghiệp sẽ khó thành công, hoặc gặp rủi ro lớn.
Điều mà tôi muốn nhắn nhủ tất cả các nhà đầu tư đến tham quan là họ cần hết sức quan tâm đến vấn đề thị trường. Việc thành lập các khu công nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường, chứ không phải có đất trong tay là làm khu công nghiệp.
Nhưng hình như chẳng có ai nghe lời khuyên của tôi, vì tình hình kinh tế thế giới và môi trường đầu tư trong nước lúc đó đang rất sáng sủa. Hậu quả sau đó là gì, bạn biết không? Tất cả các nhà đầu tư đến Amata tham quan trong thời gian đó đều không thành công và bị thua lỗ nặng nề trong việc kinh doanh xây dựng khu công nghiệp do mắc phải sai lầm mà tôi đã cảnh báo.
Lời khuyên của tôi đối với họ là chân thành, hoàn toàn không phải vì ích kỷ hay vì động cơ muốn giành độc quyền kinh doanh. Tôi luôn quan niệm “cơ hội là do trời cho” ai cũng có quyền ngang nhau để giành lấy cơ hội và “tự mình” đem lại thành công. Không những đối với người lạ, mà đối với người quen biết, như các nhà đầu tư tại tỉnh Kanchanaburi quê hương, tôi cũng khuyên họ như vậy.
Sau khi họ mời tôi đi xem địa điểm sẽ xây dựng khu công nghiệp tại huyện Tha-muông, tỉnh Kanchanaburi tôi góp ý với họ rằng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp chủ yếu làm hàng xuất khẩu, do đó triển vọng thành công của khu công nghiệp ở đấy rất ít vì vị trí hẻo lánh, rất xa cảng biển, không có sân bay, giao thông bất tiện, trong khi chính sách ưu đãi đầu tư ở đây cũng chẳng khác gì so với các vùng ven biển, hay tại khu công nghiệp phía Đông nên khả năng thu hút đầu tư rất thấp.
Nhưng nhiều người không tin lời tôi vì địa phương của họ là nơi tập trung các nhà máy đường, chế biến bã mía, nhà máy chế biến bột sắn và nhà máy xay xát gạo, mặc dù tôi nói với họ rằng các ngành này không phải mục tiêu chính của các nhà đầu tư nước ngoài định hướng xuất khẩu, còn ai muốn làm khu công nghiệp thì hãy chờ khi nào cảng nước sâu Thavai bên phía Myanmar làm xong thì khi đó may ra Kanchanaburi mới trở thành địa điểm thích hợp cho xuất khẩu. Nói vậy chứ tôi thấy còn lâu người ta mới xây cảng Thavai, vì tình hình Myanmar bất ổn, nội chiến liên miên giữa người Miến với các dân tộc Karen và các dân tộc thiểu số khác.
Dù tôi can ngăn thế nào họ vẫn không nghe, thậm chí còn bảo tôi không nhiệt tình với quê nhà, buộc tôi cuối cùng phải im lặng. Còn họ vẫn cố lao vào đầu tư hàng trăm triệu bạt để xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và các công trình khác nhằm thu hút các nhà đầu tư. Đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua mà chẳng có nhà máy nào được xây dựng, khu công nghiệp biến thành bãi đất trống rất lãng phí, còn nhà đầu tư trở thành con nợ của ngân hàng với những khoản nợ hàng trăm triệu bạt, không kể số vốn họ bỏ ra.
Tình trạng trên không phải chỉ có ở Kanchanaburi mà còn ở nhiều địa phương khác như báo chí thường xuyên phản ảnh, kể cả tại vùng Đông Bắc Thái Lan. Có lần tôi được mời đến nói chuyện với hiệp hội công nghiệp tỉnh Udorn Thani về khả năng mở cửa với các nước Đông Dương mà mọi người cho rằng đây là thị trường lớn và có khả năng thông thương qua đường biển phía Việt Nam.
Chuyến đi đó giúp tôi hiểu rõ về vị trí và điều kiện của tỉnh UdornThani và giải thích cho họ về những yếu tố cơ bản cần có để xây dựng khu công nghiệp thành công. Nhưng rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi không can ngăn họ mà giữ phương châm “im lặng là vàng”.
Đến bây giờ, hơn 10 năm trôi qua mà mọi chuyện vẫn cứ dẫm chân tại chỗ. Khu công nghiệp ở đây trống vắng như một bãi tha ma. Điều đó cho thấy các doanh nhân Thái Lan tuy tiếp cận được các thông tin dữ liệu nhưng còn thiếu sự phân tích và hiểu cặn kẽ bức tranh của thế giới thực dẫn đến bị hoa mắt hay có mắt như mù… nghĩa là không ai can ngăn được, nhất là trong lúc thị trường đang lên, không khí lạc quan bao trùm.
Ngay cả khu công nghiệp Amata đang làm ăn tốt, thế mà đùng một cái cuộc chiến Iraq lần thứ nhất (1991) nổ ra khiến công việc kinh doanh bị đình trệ ngay lập tức, không khí trở nên im ắng vì chúng tôi chẳng bán được một lô đất nào. Để tránh rủi ro lớn, chúng tôi phải phân chia khu đất thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn chỉ làm một ít, khoảng trên 100 ha và việc mua thêm đất tiến hành từng bước một. Mặc dù thận trọng trong đầu tư và chi tiêu, nhưng chúng tôi vẫn không tránh khỏi tổn thất khi tình hình kinh tế đi xuống.
Cuộc sống hàng ngày của tôi chủ yếu dành để tháo gỡ, tháo gỡ và tháo gỡ những vấn đề phát sinh không ngừng trong công việc, nào là giá mua đất lên cao quá khiến việc kinh doanh không có lời, nào là chuyện tiền vốn, khách hàng, hết chuyện này đến chuyện khác luân phiên ập đến không lúc nào nguôi.
Qua hơn 10 năm làm khu công nghiệp, tôi nghiễm nhiên trở thành một chuyên gia “tháo gỡ”, phần lớn các vấn đề gặp phải tôi thường nghĩ ra ngay cách giải quyết chỉ trong vòng 10 phút, gặp trường hợp bí quá tôi xin khất đồng nghiệp cho thêm thời gian để suy nghĩ, sau đó quay trở lại giải quyết, không có chuyện bỏ dở hay “để lâu… hóa bùn”.
Tôi coi mọi vấn đề phải đương đầu như những cuộc thử sức xem mình có đủ bản lĩnh và năng lực để chiến thắng nó hay không, từ đó tôi cảm thấy vui sướng khi mình là người chiến thắng, đánh bại thách thức đó.
Bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm làm khu công nghiệp, cũng đồng thời là tích lũy “công nợ”, thời gian đó cá nhân tôi mang nợ gần 500 triệu bạt do tăng vốn của Amata, mua căn hộ tại khu nhà Prompong, xây dựng tòa nhà văn phòng Kromadit, nghĩa là tiền dùng chủ yếu để đầu tư kinh doanh, còn chi tiêu cho sinh hoạt, mua sắm thì không tốn bao nhiêu vì tôi vẫn giữ nếp sống tiết kiệm, không tiêu pha phung phí.
Nguyên nhân làm tôi luôn hăng hái lao vào kinh doanh mà không hề giảm tốc độ là vì các dự án triển khai rất thành công, trong công ty có nhiều cổ đông tiềm lực lớn tham gia như Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan và Cathay Trust khiến việc huy động vốn dễ dàng. Thời kỳ đó, Amata đang làm ăn phát đạt, muốn vay tiền ở đâu và bao nhiêu cũng được đáp ứng. Tuy vậy, chính sách tài chính của công ty rất thận trọng, vì bản thân tôi cũng như gia đình vốn sống rất đơn giản, tiết kiệm. Vậy mà khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế, chúng tôi cũng không khỏi lao đao.
Cơn bão tài chính “Tom Yam Kung” xảy ra vào năm 1997, chỉ sau một năm Amata đã mắc nợ hơn 4 tỷ bạt, nợ ngoại tệ 20 triệu USD, nhà máy điện Amata Power nợ 150 triệu USD và hơn 2 tỷ bạt, nợ của cá nhân tôi 500 triệu bạt, trong khi đó đất khu công nghiệp không ai mua, tình cảnh thật khốn đốn.
Tôi đã kiểm soát chặt chẽ mọi chi tiêu và đình chỉ mọi hạng mục công trình xây dựng trong khu công nghiệp, chỉ làm những cái thật cần thiết để duy trì hoạt động, như duy tu bảo dưỡng. Hàng tháng công ty chỉ chi ra mà không có thu vào, giống như máu chảy mà không cầm được. Lúc đó tôi đành phải tạm đình chỉ thanh toán tiền nợ các nhà thầu xây dựng, chỉ có lương nhân viên là vẫn bảo đảm trả đều hàng tháng.
Tiếp theo, chúng tôi phải hạ mức lương, bắt đầu mức cao nhất là tôi 30%, rồi giảm dần xuống mức thấp nhất là 5%, trừ những nhân viên có mức lương dưới 10.000 bạt không bị hạ lương. Ông Chavalit phải ký cả séc cá nhân rút tiền trả tiền lương cho nhân viên. Hai chúng tôi không nhận lương suốt 6 tháng. Trước tình cảnh đó, tôi vốn dĩ là người nhạy bén, phản ứng nhanh cũng trở nên chậm chạp, chưa biết phải xoay sở ra sao. Làm thế nào khác được trước tình cảnh cả nước (giống như một đại gia đình) đang bị lâm nguy, đứng trước nguy cơ phá sản, bốn phương tám hướng đều mù mịt.
Tôi gọi điện cho ông Nitporn, Công ty Italian-Thai, nói rằng khoản chi phí xây dựng gần 500 triệu bạt mà Amata còn nợ bên đó, có lẽ tôi không còn khả năng thanh toán nữa, họ có thể đến lấy đất trừ vào nợ, vì Amata sắp bị phá sản, nếu may mắn thì sau này hai bên tiếp tục làm ăn với nhau. Không chỉ riêng tôi, lúc đó hầu như ai cũng xuống tinh thần, mất ăn mất ngủ không còn tỉnh táo.
Cứ mỗi lần tôi tham dự buổi giao lưu tiệc tùng nào gặp bà Chada, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan, là bà đều nhắc tôi trả tiền lãi vay của ngân hàng.Nếu bà biết rằng tôi phải chạy vạy vay nóng với lãi suất 20% để thanh toán tiền lương cho nhân viên hàng tháng chắc bà sẽ thông cảm với tôi hơn.
Tôi nói với các chủ nợ ngân hàng rằng đừng lo lắng, đừng gọi điện thoại cho tôi, tôi sẽ dần dần trả nợ cả vốn lẫn lãi cho mọi người khi tình hình được cải thiện, tôi sẽ chẳng trốn đi đâu cả trừ phi tôi chết, vì Amata là ngôi nhà do tôi xây dựng nên.
Tôi là người luôn trung thực với bản thân, với công ty, với mọi đối tác, với khách hàng và tất cả những người có liên quan…nên khi nói tới mức đó thì không còn nhà ngân hàng nào nỡ lòng còn gọi điện thoại đòi nợ nữa.
Không chỉ có vậy… một số công ty tài chính bị phá sản đã kéo theo các chứng thư trước bạ đất đai của Amata. Khi đó chính phủ chủ trương bán nợ cho một số quỹ đầu tư để xử lý nợ nên tôi không biết tài sản của công ty nằm ở đâu, trong khi tiền mặt không có.
Tôi phải đem séc đổi lấy tiền mặt với một số bạn thân với lãi suất “hữu nghị” là 20% (lúc đó vay tiền ngân hàng rất khó, vì bản thân ngân hàng cũng đang lao đao, hàng loạt công ty tài chính bị phá sản với số lượng lớn chưa từng xảy ra trong lịch sử, chỉ trừ ngân hàng Nông nghiệp Thái vẫn trung thành, không bỏ chúng tôi trong lúc khó khăn mà vẫn cho tôi vay thêm 50 triệu bạt).
Tôi biết ơn ông Sombat Panicheva, trong lúc khó khăn đó đã cho tôi vay tiền của cá nhân ông 30 triệu bạt để đáo hạn nợ Amata tại ngân hàng SinAsia, mặc dù ông cũng đang rất chật vật. Nếu không được ông giúp đỡ thì cổ phần của tôi có lẽ đã bị tịch thu rồi.
Tôi phải cố gắng chịu đựng gian khổ thiếu thốn, chống chọi với những khó khăn trước mắt trong thời gian ba năm cho đến ngày trời quang mây tạnh trở lại.
Tin vui bắt đầu đến kể từ ngày hợp đồng với BMW được ký kết, đem về cho công ty một khoản tiền mặt, tuy không nhiều nhưng cũng làm cho Amata dễ thở hơn, tinh thần của nhân viên trong công ty được củng cố do bắt đầu có thu nhập trở lại. Tôi dùng số tiền này để chi cho những khoản thực sự cần thiết, số còn lại tôi đem trả dần cho các chủ nợ.
Tôi làm như vậy trong ba năm liền, cho đến khi các chủ nợ bảo không cần đem trả gấp như vậy nữa, cứ giữ lại để dùng vì bây giờ ngân hàng đã có dư tiền gửi rồi. Nhiều chủ nợ còn tỏ ý hài lòng vì họ đã có khách hàng đáng tin cậy như Amata, đã cho vay thì họ có thể yên tâm không sợ mất vốn.
Nhưng tôi lại thấy ái ngại, vì đằng nào cũng còn nghĩa vụ phải trả nợ cho tất cả chủ nợ. Tôi còn nhớ món nợ cuối cùng của Amata là của Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan, đã được trang trải vào ngày 23 tháng 12 năm 2005. Còn khoản nợ của riêng cá nhân tôi mới được trả hết vào tháng 8 năm 2006. Do đó tôi thấy chủ trương bảo đảm cho công ty luôn có khả năng chi trả nợ là rất cần thiết.
Các thử thách đó chứng tỏ tôi là người biết giữ chữ tín và có tinh thần trách nhiệm cao nên tất cả các ngân hàng đều thừa nhận Amata là một khách hàng uy tín, từ đó họ sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp mà không đòi hỏi tài sản thế chấp, vì họ tin tưởng vào người lãnh đạo công ty và một lý do nữa là Amata đã trở thành công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán. Việc vay tiền thông qua hối phiếu (B/E) với lãi suất 2% mà không cần thế chấp làm giảm chi phí quản lý rất đáng kể.
Sẽ không quá đáng nếu tôi nói rằng đây là kết quả sống theo triết lý “Trung thực ăn chẳng hết, gian lận sớm trắng tay”, hay “Ở hiền gặp lành” và những nguyên tắc đạo đức khác như sự lương thiện, chân thật, công bằng và lẽ phải. Đó là điều tôi luôn tuân theo suốt cuộc đời của mình, nhờ đó tôi đã sống sót qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế khu vực.
Bước sang năm 2009, cả thế giới đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế mới, mà đối với Amata, nó giống như một cơn sóng thần thứ hai bất ngờ ập tới, vì chúng tôi vừa mới mua thêm gần 2.000 ha đất để mở rộng khu công nghiệp.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay bắt nguồn từ sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng tại Mỹ. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, tất cả các nước quay sang phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ trong suốt thời gian 10-20 năm trở lại đây. Thế giới chứng kiến sự tăng trưởng trong mọi lĩnh vực, dẫn đến GDP toàn cầu tăng trung bình 4-5%, điều chưa từng có trong lịch sử.
Có thể nói trong thời gian qua cả thế giới đều giàu có lên, việc cho vay vốn ở khắp mọi nơi trở nên dễ dàng, đặc biệt tại Mỹ, nơi có 10 ngàn tỷ đô la đã được cho vay, gần bằng GDP của nước này. Do vậy, quả bong bóng Mỹ nổ tung đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn nhất kể từ khi xuất hiện quan hệ thương mại quốc tế cho đến nay.
Tôi, với tư cách là thuyền trưởng của Amata, đang phải chứng tỏ mình có đủ khả năng để lèo lái con thuyền vượt qua sóng gió lần này hay không. Tôi đã chuẩn bị một bước từ giữa năm 2008, vấn đề hiện nay là việc mua thêm đất gần 2.000 ha và vay nợ gần 10 tỷ bạt, cộng với dự án mở rộng nhà máy điện công suất 800 MW với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ bạt nữa. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2009, Amata hầu như không bán được lô đất nào, hàng ngày chỉ có chi ra một chiều, riêng lãi suất phải trả đã thấy đau đầu. Cho nên, tôi lại phải đội “nón bảo hiểm” để lao vào chiến trận mới của cuộc khủng hoảng trong khi đã bước sang tuổi 56, sức lực không còn cường tráng như trước.
Nhưng tôi tin rằng mình sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng lần này nhờ vào khả năng “miễn dịch” đã được tạo ra trong quá khứ. Vả lại, đồng đội của tôi tại Amata cũng đã trưởng thành, vững vàng hơn. Tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng này quá lớn nên hiện nay tôi chỉ có thể tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất để có thể sống sót chờ cho cơn bão đi qua.