Tôi thường xuyên tự nhắc nhở mình rằng cuộc đời của mỗi con người đều có một trình tự, vì thế, không thể đốt cháy giai đoạn. Mỗi bước đi có thể chậm, nhưng phải chắc chắn.
Điều quan trọng là cần tránh “mở nhiều mặt trận cùng một lúc”, hay “bắt cá hai tay” mà nên tập trung vào công việc mình thành thạo nhất, lần lượt từng việc một. Tuy nhiên, cũng có lúc tôi cảm thấy hung hăng như “ngựa non háu đá”, “coi trời bằng vung” và nghĩ rằng trong cuộc đời tôi có những lúc cần phải “thử nghiệm” việc gì đó .
Sau khi thành lập Khu Công nghiệp Bang Pakong I và Khu Công nghiệp Amata Nakorn được 5-6 năm, công việc kinh doanh phát triển rất tốt nhờ làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Thái Lan ngày càng tăng lên, tôi bắt đầu tìm cơ hội mở rộng kinh doanh sang các nước trong lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp mà tôi đã thành thạo.
Điều này được thực hiện một phần vì hàng năm cứ vào dịp Giáng sinh cho đến năm mới, kéo dài gần hai tuần, tôi thường đi du lịch các nước để mở rộng tầm mắt và tìm kiếm cơ hội, vạch ra kế hoạch phát triển trong tương lai cho công ty. Thêm lý do khác là sau một thời gian phát triển, giá thành sản xuất tại một nước đã phát triển tăng lên, buộc nhà đầu tư có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác, nơi có chi phí nhân công thấp hơn, để đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Kể từ năm 1987 trở về sau, Thái Lan trở thành một địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực, vì các lý do như Thái Lan có nhiều tài nguyên, vị trí địa lý thuận lợi để xuất khẩu ra khu vực và thế giới, người Thái Lan hiền lành, rộng lượng, mềm dẻo, và giá lao động không cao.
Mặc dù vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng của Thái Lan không hoàn chỉnh, do thiếu quy hoạch lâu dài và tầm nhìn của chính phủ còn hạn chế. Ngoài ra, Thái Lan còn phải nhập khẩu hàng năm 80% nhu cầu dầu thô, những hạn chế này gây ra nhiều vấn đề đau đầu cho các nhà đầu tư và những người xây dựng khu công nghiệp như chúng tôi.
Trong khi Thái Lan đang gắng sức thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, thì nước láng giềng Trung Quốc trở thành điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế nhờ chính sách mở cửa toàn diện thực hiện từ 20 năm về trước. Trung Quốc ưu tiên tối đa cho đầu tư nước ngoài, và một thế mạnh khác: Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai trên thế giới. Mọi người đều đổ xô vào Trung Quốc nhằm chiếm chỗ trước vì sợ bị “nhỡ chuyến tàu”, và tôi cũng không phải là một ngoại lệ.
Từ tháng 5 năm 1991, tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Tôi gặp ông Tanaka, Tổng giám đốc của Itochu tại Việt Nam, tại Bangkok. Cuộc gặp đó tạo cho tôi nguồn cảm hứng đi thăm các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Vì vậy, tôi theo đoàn ông Tanaka đến thăm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng để tham quan phong cảnh đất nước, con người, tìm hiểu tình hình kinh tế, văn hóa và đời sống của Việt Nam. Lúc đó tôi đã nhìn thấy Việt Nam là nước rất ổn định về chính trị, và dự đoán trong vòng 10-15 năm nữa chắc chắn Việt Nam sẽ là nước cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài với Thái Lan.
Trong chuyến đi khảo sát lần đó, tôi bắt đầu nói chuyện với các nhà lãnh đạo Việt Nam về khả năng Công ty Amata sang thành lập khu công nghiệp tại Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam tỏ ý ủng hộ và khuyến khích Amata đầu tư tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đi đến đâu tôi cũng được đón tiếp rất nhiệt tình, ấm cúng và được cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan.
Tôi phải mất bốn năm để khảo sát, thu thập dữ liệu, nghiên cứu tính khả thi của dự án. Đến khi tin chắc rằng có đủ cơ sở để thành lập khu công nghiệp tại Việt Nam thì cùng lúc đó Chính phủ Mỹ chuẩn bị bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam và tôi tìm được một địa điểm trước kia là một căn cứ lớn của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, rất thích hợp để xây dựng khu công nghiệp.
Khu đó có nền đất cứng, nằm ở độ cao 40-50 mét so với mặt nước biển, cạnh Quốc lộ 1, đường giao thông xương sống của Việt Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh, sân bay quốc tế và cảng biển khoảng 33 km, lại gần hồ Trị An với trữ lượng nước ngọt trên 3 tỷ m3. Khu đất nằm sát thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, một thành phố 600.000 dân. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hết lòng giúp đỡ và ủng hộ chúng tôi thực hiện dự án này.
Đến tháng 12 năm 1995, chúng tôi khánh thành Khu Công nghiệp Amata (Việt Nam) tại Thành phố Biên Hòa trên diện tích hơn 500 ha chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn từ 100-120 ha, với vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD, vốn điều lệ 17 triệu USD. Lúc đó tôi chuyển tiền mặt sang đầu tư 12 triệu USD (hai năm trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực).
Tính đến 2010, Khu Công nghiệp Amata – Việt Nam đã có hơn 100 nhà máy đến từ các nước trên thế giới. Theo suy nghĩ của tôi, tuy khu công nghiệp này chưa thành công như mong muốn, nhưng đây là một khu công nghiệp chất lượng cao, có tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai.
Tôi dám nói vậy là vì có hệ thống cơ sở hạ tầng rất tốt, được bao quanh bởi môi trường tự nhiên trong lành và có điều kiện đất đai để mở rộng.
Hiện nay, Công ty Amata đang có kế hoạch đầu tư thêm một dự án khu công nghiệp nữa nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 17 km, diện tích hơn 1.000 ha, nằm bên bờ sông Đồng Nai, cách cửa biển khoảng 60 km và chỉ cách địa điểm xây dựng sân bay quốc tế mới (Sân bay Quốc tế Long Thành) 7 km. Đây có thể xem là địa điểm tốt nhất tại khu vực phía Nam của Việt Nam.
Vào tháng 7 năm 1993, tôi có dịp tháp tùng đoàn Thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai thăm Trung Quốc. Đoàn đến thăm thành phố Thượng Hải, ngay từ lúc đó với những trải nghiệm của mình về sự phát triển kinh tế của Đài Loan, tôi đã nghĩ trong bụng Thượng Hải sẽ nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế lớn trong thời gian rất ngắn. Cũng trong thời gian đó, Tập đoàn CP, người đi tiên phong trong việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại nước này.
Ông Dhanin Chearavanont, Chủ tịch tập đoàn CP, rủ tôi đầu tư xây dựng khu công nghiệp tại Thượng Hải, vì ông đang có kế hoạch tập trung các dự án về một mối để tiện quản lý. Nhiệm vụ của tôi là đi nghiên cứu tìm địa điểm đặt khu công nghiệp gần Thượng Hải.
Tôi nhận lời và kéo đối tác Nhật là Itochu cùng đi. Sau khi khảo sát nghiên cứu 3-4 tháng, chúng tôi đi đến kết luận, thị trấn Chiêng Ting, cách Thượng Hải 25 km, là địa điểm thích hợp để xây dựng khu công nghiệp, vì có hệ thống giao thông thuận lợi, nối liền với đường cao tốc, có nguồn cung cấp nước từ một con sông lớn, và có dân số hơn 500.000 người. Tôi còn nhớ, ông chủ tịch thị trấn, tên là Chin, hứa sẽ cấp một khu đất rộng gần 3.000 ha, với giá 10 USD/m2.
Sau đó tôi mời Chủ tịch Chin sang thăm Khu công nghiệp Amata Nakorn và hai bên ký bản ghi nhớ MOU về hợp tác đầu tư. Sau khi bàn bạc nhất trí với đại diện của CP là ông Thanakorn và Công ty Nippon Koei của Nhật, làm xong quy hoạch và tính toán chi phí cho biết dự án khả thi nhưng lãi không nhiều, tôi thông báo với các cổ đông CP và phía Trung Quốc để chuẩn bị ký kết hợp đồng thực hiện dự án.
Thế nhưng sau đó xảy ra một sự cố không dự tính trước, đó là việc thay thế nhân sự lãnh đạo thị trấn Chiêng Ting, nay ông Hoang thay thế ông Chin làm chủ tịch thị trấn.
Ông Hoang nói với tôi rằng giá đất bây giờ đổi lại thành 20 USD/m2 thay vì 10 USD/m2. Tôi bất ngờ đến mức không thốt nên lời. Sau đó, tôi cố đàm phán lại dựa vào những điểm đã thỏa thuận trong bản MOU, tìm cách nói chuyện với cấp trên có liên quan, gồm Sở Đất đai của Thành phố Thượng Hải, kể cả báo cáo với ông Krasae Chanavông, Ngoại trưởng Thái Lan đang thăm Trung Quốc vào thời gian đó.
Tôi xin tháp tùng Đoàn Ngoại trưởng Thái Lan nên có dịp gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Qian Shi Shen để nói về việc giá đất tăng lên. Ngài Phó Thủ tướng trả lời rằng việc định giá hay thay đổi giá đất thuộc thẩm quyền trực tiếp của chính quyền Thành phố Thượng Hải, chính quyền trung ương không can thiệp. Tôi lặng người một lúc lâu.
Sau đó tôi và ông Thanin cùng đến gặp Thị trưởng thành phố Thượng Hải, nhưng ông này lại chỉ tôi đến gặp Giám đốc Sở Địa chính, người phụ trách toàn bộ vấn đề đất đai của thành phố. Kết quả chúng tôi được trả lời là giá đất ghi trong thỏa thuận MOU là quá thấp, vì giá đất tại Thượng Hải đã tăng rất nhanh trong vòng một năm qua.
Tôi sững sờ khi nghe họ giải thích như vậy. Vì lý do đó, tôi và bên CP bàn bạc lại và thấy rằng nếu tình hình đã thay đổi như vậy thì dự án này rất khó thực hiện được.
Vì vậy, tôi đành phải ngưng dự án, mặc dù đã bỏ phí gần một năm ròng, cũng như các chi phí khảo sát, thiết kế lập quy hoạch, nghiên cứu khả thi… cộng lại hơn nửa triệu USD mà tôi và CP mỗi bên gánh một nửa. Dù sao vẫn còn hơn cứ đầu tư và thất bại. Tôi coi đây là cái giá phải trả để có được kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc.
Trong thời kỳ này, tôi không ngừng tìm kiếm các cơ hội mở rộng đầu tư xây dựng khu công nghiệp sang các nước. Vào kỳ nghỉ lễ cuối năm 1995, tôi đi Ấn Độ, đến các thành phố ven biển và miền trung như Bangalore, tổng cộng tôi đi thăm gần 10 thành phố.
Qua chuyến đi này, tôi nhận thấy trong tương lai 5-10 năm sau, Ấn Độ cũng sẽ trở thành một nước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Các ngành có triển vọng phát triển nhất của Ấn Độ là công nghiệp dầu khí, hóa dầu… Vì vậy tôi đã đến thành phố Orisa, bên bờ vịnh Bengal, nơi có cảng Saradip được xây dựng từ thời thống trị của người Anh. Cạnh cảng này là một khu đất lớn và một nhà máy hóa chất.
Tôi nghĩ phải tranh thủ thời gian đừng để mất cơ hội (mặc dù vẫn còn ấm ức sau cú đầu tư không thành tại Trung Quốc, vả lại Ấn độ cũng nổi tiếng chẳng khác Trung Quốc về việc hay thay đổi chính sách) nên đã thuê Công ty Four Daniel, một công ty tư vấn kỹ thuật của Mỹ, để làm luận chứng kinh tế kỹ thuật dự án xây dựng khu công nghiệp hóa dầu tại thành phố Orisa. Lúc đó ông Sandhu, Giám đốc dự án, cho biết triển vọng dự án rất tốt vì có công ty dầu khí của Ấn độ quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu và nhiều dự án sản xuất thép khác.
Do đó, tôi đề xuất kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp trên diện tích khoảng 1.000 ha. Trong giai đoạn đầu, để thu hút các nhà máy lọc dầu và các nhà máy sản xuất thép, tôi đến nói chuyện với các khách hàng tiềm năng, họ đều tỏ ý muốn đầu tư vào khu công nghiệp này, tính sơ bộ cho thấy 50 % diện tích khu công nghiệp sẽ được lấp đầy trong giai đoạn đầu. Như vậy tính khả thi của dự án rất cao.
Tôi về nước rủ ông Premchai Kanasut, ông trùm của tập đoàn Italian-Thai, bay từ sân bay Don Muong đến sân bay Orisa bằng máy bay phản lực riêng của ông để cùng tôi đi khảo sát địa điểm. Ông Premchai và tôi nhất trí với nhau về tính khả thi của dự án xây dựng khu công nghiệp phức hợp hóa dầu tại đây. Mặc dù dự án đầu tiên dành cho nhà máy lọc dầu Ấn Độ sẽ có lãi không nhiều, nhưng về sau, chúng tôi sẽ có lãi hơn nhờ các dự án khác vào tiếp theo, một công thức đầu tư nhìn về lâu dài mà tôi rút ra từ Trung Quốc.
Chính quyền thành phố Orisa rất ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có chúng tôi. Họ nói chỉ cần cho biết chúng tôi cần bao nhiêu diện tích là họ sẽ giải quyết ngay.
Tôi và đối tác liên doanh hăng hái cùng nhau làm việc, lập quy hoạch, thiết kế, tính toán chi phí. Công ty Italian-Yhai lo toàn bộ việc xây dựng, còn tôi lo việc kinh doanh bán đất trong khu công nghiệp. Lúc đó khả năng công ty dầu khí Ấn Độ sẽ vào lập nhà máy trong khu công nghiệp là rất lớn, công ty đã cử đoàn sang Thái Lan để tham quan và hai bên đã bàn bạc chuẩn bị về vốn liếng…
Nhưng cuối cùng dự án phải tạm gác lại giữa chừng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, người Thái gọi là cuộc khủng hoảng “Tom Yam Kung”(“Lẩu tôm Thái”). Chúng tôi hy vọng chờ thêm một thời gian cho đến khi tình hình khá hơn sẽ làm tiếp. Thế rồi một sự kiện không ngờ khác lại xảy ra. Một cơn sóng thần khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử, hình thành từ Ấn Độ Dương, ập vào Thành phố Orisa với những cơn sóng hung hãn cao đến 6 mét, tàn phá khu vực dự kiến xây dựng khu công nghiệp, cướp đi nhiều sinh mạng và gây tổn thất vật chất nặng nề.
Trước đó, khi đi khảo sát thực địa, chúng tôi đã lập kế hoạch xây dựng đê ngăn sóng cao 3 mét, cách bờ biển 2 km, và sẽ tiến hành trồng cây thông suốt dọc chiều dài 2 km vì khi đó qua nghiên cứu số liệu thống kê, chúng tôi thấy trong lịch sử, sóng cao nhất không quá 2 mét. Thế mà khi gặp phải cơn sóng thần khổng lồ này, mọi dự tính đều bị đảo lộn. Sức tàn phá của nó thật khủng khiếp, tất cả mọi thứ bị nó san phẳng.
Tôi rùng mình khi thử hình dung thảm họa nếu khu công nghiệp này đã xây dựng xong, thì hậu quả do cơn sóng thần này gây ra sẽ còn khủng khiếp đến đâu. Tôi nghĩ trời vẫn còn thương mình, vì nếu đã trót đầu tư vào đây thì bây giờ chắc chắn đã bị trắng tay. Cuối cùng, tôi đành phải gói ghém tất cả quay về nước. Vụ này tiêu tốn của tôi hơn 10 triệu bạt. Lại phải trả giá thêm cho bài học làm ăn ở Ấn Độ, lần này nguyên nhân không phải do con người, mà do cơn khủng hoảng kinh tế khu vực và do “ông trời”.
Nhìn lại, tôi thấy mình là một người thích “thử nghiệm” điều mới mẻ, . Việc bỏ tiền ra để nghiên cứu khả thi một dự án sẽ giúp tránh được sai lầm khi thực hiện trong thực tế, giảm thiểu rủi ro có thể gặp phải trong công việc kinh doanh. Mặc dù vậy, tôi vẫn không tránh được những tổn thất do cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực gây ra.
Việc mở rộng đầu tư sang Việt Nam và xây dựng khu công nghiệp Amata tại tỉnh Rayong, hay xây dựng hai nhà máy điện đã ngốn gần chục tỷ bạt, chưa kể các chi phí làm dự án dở dang tại Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hết hăng hái và tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác tại Campuchia và Myanmar.
Tôi thấy Myanmar là nước láng giềng chung biên giới với Thái Lan và nằm bên bờ Ấn Độ Dương, có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, nhất là dầu khí, năng lượng. Tôi đã đến thăm Thủ đô Yangoon nhiều lần và đã từng khảo sát một địa điểm có tên là “Siriêm” nằm ở cửa sông Salavin có nét giống với khu vực Samutprakarn tại cửa sông Chaopraya của Thái Lan, là nơi có vị trí thuận lợi để xây dựng cảng. Nhưng do vướng vấn đề chính trị, chính phủ Myanmar không được quốc tế công nhận, nên tôi đành phải từ bỏ ý định đầu tư.
Về Campuchia, cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Tôi được một số công ty nước ngoài như Siemens của Đức, hay Mitsui, Unical và Ecco Power mời tham gia đầu tư vào Campuchia để xây dựng khu công nghiệp cho các nhà máy lọc khí và nhà máy điện tại cảng Sihanouk để cung cấp điện cho Thủ đô Phnôm Pênh. Đây là cảng duy nhất của Campuchia, nơi sẽ có đường ống dẫn khí đốt từ Vịnh Thái Lan sang. Việc tham gia vào dự án tầm cỡ cùng với một số tập đoàn lớn là dịp không thể bỏ qua, nên tôi vội thu xếp hành lý để cùng tham gia đoàn khảo sát.
Nhưng sau khi đi nghiên cứu 4-5 tháng, chúng tôi thấy cơ hội thất bại nhiều hơn thành công, vì nhiều lý do như tình hình chính trị bất ổn, thiếu an ninh, hơn nữa chính phủ Campuchia còn đề nghị chuyển địa điểm từ Cảng Sihanouk sang một địa điểm khác gần biên giới Việt Nam, trong khi mọi vấn đề đã được thỏa thuận xong trước đó. Nhận thấy phía Campuchia thay đổi cam kết giữa chừng, nên tôi thấy đây là cơ hội tốt để rút lui trước khi dính vào quá sâu. Có thể nói dự án này không gây tốn kém gì, ngoài chi phí đi lại. Như vậy, tôi chỉ có được một nửa bài học làm ăn với Campuchia.
Vẫn chưa hết, trong tay tôi còn có dự án xây dựng vườn quốc gia tại Vân Nam, Trung Quốc. Dự án này bắt nguồn từ lòng yêu thiên nhiên và xuất phát từ những chuyến đi thăm các vườn quốc gia tại Mỹ của tôi. Tôi rất thích phương pháp điều hành quản lý các vườn quốc gia của Mỹ. Theo số liệu thống kê, thu nhập từ các vườn quốc gia Mỹ hàng năm lên đến 30 tỷ USD, hơn một nửa lượng khách đến tham quan là người nước ngoài, trong đó phần lớn là người Châu Á.
Tôi mời Tổ chức bảo tồn thiên nhiên của Mỹ (TNC), là tổ chức quản lý hầu hết các vườn quốc gia ở cả châu Mỹ cùng tôi đi tham quan dự án khu rừng nguyên thủy tại thượng nguồn chung nhau của bốn con sông Iravadi, Salavin, Giang Tây và sông Mê
Kông, là nơi có tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, nơi trú ngụ của 10% các loài chim của cả thế giới, và là nơi xuất xứ của 60% các loại thảo dược của Trung Quốc.
Tôi đã đưa dự án này trình Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ để được giúp đỡ, vì đây là dự án có tầm quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên của Trung Quốc. Dự án này đã thành công bước đầu, vì khu vườn đã được công bố là khu bảo tồn quốc gia trên diện tích hơn 60.000 km2, được Chính phủ Trung Quốc cấp kinh phí 3 triệu USD. Cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun cũng viết thư xin viện trợ của AIG được thêm 1 triệu USD, ngoài ra TNC còn quyên góp được 1 triệu USD từ các nhà hảo tâm. Riêng Công ty Amata chúng tôi đóng góp hơn 10 triệu bạt chi phí nghiên cứu khả thi cho dự án này. Nhưng do gặp phải cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á 1997, tôi lại đành phải rút lui giữa chừng dự án này.
Tóm lại, đôi khi tôi chạy quá nhanh, mặc dù đều hướng về tương lai lâu dài, nhưng khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế bất ngờ làm cho mọi chuyện bị đảo ngược, bản thân Amata suýt bị cuộc khủng hoảng chôn vùi. Hiện tại, chúng tôi chỉ còn các khu công nghiệp Amata Nakhorn và Amata City tại Thái Lan cùng dự án Amata tại Việt Nam là đang tiếp tục hoạt động mà thôi. Từ nay trở đi, có lẽ tôi sẽ tập trung làm cho các dự án này thành công mỹ mãn, xứng đáng là sản phẩm của “nghệ thuật xây dựng thành phố công nghiệp trong tương lai” và lấy đó làm “di sản của cuộc đời”.