Tay Cự Phách

Chương 27

Hãng quảng cáo Berkley and Matthews là chiếc vương miện trên bảng xếp hạng các hãng trên đường Madison Avenue. Số quảng cáo hàng năm của hãng ấy vượt quá số quảng cáo gộp lại của hai hãng cạnh tranh gần nhất, nhất là nhờ có tài khoản lớn lao của Kruger-Brent và hàng chục các chi nhánh của nó trên khắp thế giới. Trên bảy mươi lăm nhân viên kế toán, người viết bài quảng cáo, giám đốc sáng tác, thợ ảnh, thợ khắc, nghệ sĩ, chuyên viên truyền tin đã được thu dụng nhờ có tài khoản của riêng công ty Kruger-Brent mà thôi. Vì vậy, khi bà Kate Blackwell điện thoại cho Aaron Berkley để yêu cầu ông ta tìm một chỗ cho Alexandra thì chỗ làm ấy được tìm ra ngay lập tức. Nếu bà Kate Blackwell muốn thì họ có lẽ cũng sẵn sàng nhường chức chủ tịch cho Alexandra nữa.

“Tôi tin rằng cháu gái Alexandra của tôi thích làm một người viết bài quảng cáo,” Bà Kate nói cho Aaron Berkley biết.

Berkley nói với bà Kate rằng tình cờ vừa mới có khuyết một chân viết bài quảng cáo nên cô Alexandra có thể bắt đầu công việc khi nào cô ấy muốn.

Alexandra bắt đầu đi làm việc vào ngày thứ hai.

Ít có hãng quảng cáo nào đặt trụ sở trên đường Madison Avenue, nhưng Berkley and Matthews là một ngoại lệ. Hãng có một toà nhà lớn, tối tân, ở góc đường Madison và đường số 57. Hãng chiếm tám tầng lầu và cho thuê các tầng lầu khác. Để đỡ phải thêm một sổ lương mới, Aaron Berkley và người hợp tác, Matthews, quyết định rằng Alexandra sẽ thay thế một nhân viên viết bài mới tuyển dụng trước đó sáu tháng. Tin này loan ra rất nhanh chóng. Khi nhân viên biết rằng cô gái bị đuổi sẽ được thay thế bởi con gái của vị thân chủ lớn nhất của hãng thì toàn thể mọi người đều bất mãn. Mặc dầu chưa hề gặp mặt Alexandra, họ đều đồng thanh cho rằng nàng là một mụ đàn bà xấu xa, đanh ác, có lẽ đã được gửi đến làm việc ở đó để do thám họ.

Khi Alexandra đến làm việc, nàng được hộ tống đến văn phòng đồ sộ, hiện đại của Aaron Berkley, ở đó cả hai, Berkley và Matthews đều có mặt để chào đón nàng. Cả hai người hợp tác kinh doanh này trông chẳng có gì giồng nhau cả. Berkley thì cao, gầy, tóc bạc trắng xoá, còn Matthews thì lùn tịt, to béo và hoàn toàn sói. Thế nhưng họ có hai điểm chung: cả hai đều là những nhà quảng cáo xuất sắc nhất trong thập niên qua, và cả hai đều là những tên độc tài tuyệt đối. Họ đối xử với nhân viên như những tên nô lệ, và sở dĩ các nhân viên chịu đựng lối đối xử như vậy, ấy là vì bất cứ ai đã làm việc cho hãng Berkley and Matthews này cũng có thể làm việc ở bất cứ hãng quảng cáo nào trên thế giới. Đó là nơi huấn luyện nghề nghiệp.

Lúc Alexandra đến làm việc, còn có một người khác nữa cũng hiện diện trong văn phòng. Đó là Lucas Pinkerton, phó chủ tịch của hãng, một con người lúc nào cũng tươi cười, có cử chỉ khúm núm và đôi mắt lạnh lùng. Pinkerton trẻ hơn là hai người kia, nhưng nếu ông ta thua kém về tuổi tác, bù vào đó, ông ta tỏ ra không thua kém về thái độ thù hằn đối với đàn ông và đàn bà làm việc dưới quyền ông.

Aaron Berkley dẫn Alexandra đến một chiếc ghế bành rất êm ái. “Cô muốn tôi mời cô thứ gì nào, thưa cô Blackwell? Cà phê hay trà?”

“Không, tôi không uống gì cả. Xin cảm ơn ông.”

“Vậy thì cô sẽ làm việc ở đây với chúng tôi với tư cách là một nhân viên viết bài.”

“Tôi rất cảm ơn quý ông đã tạo cho tôi cơ hội này. Tôi biết rằng tôi còn phải học hỏi nhiều lắm, nhưng tôi sẽ rán sức làm việc.”

“Điều đó thì không cần,” Norman Matthews vội vã nói. Nhưng tiếp đó ông sửa chữa lại. “Ý tôi muốn nói là cô không thể gấp rút học tập kinh nghiệm loại này được.”

“Tôi tin chắc rằng cô sẽ rất sung sướng làm việc với những người ở đây,” Aaron Berkley nói thêm. “Cô sẽ làm việc với những người giỏi nhất trong nghề.”

Một giờ sau, Alexandra ngồi suy nghĩ. Họ có thể là những người giỏi nhất, nhưng không hẳn là những người thân thiện nhất. Lucas Pinkerton đã đưa Alexandra đi mọi nơi để giới thiệu nàng với nhân viên, nhưng ở nới nào cũng vậy, sự tiếp đón khá nhạt nhẽo. Họ chấp nhận sự hiện diện của nàng, rồi sau đó họ nhanh chóng làm những công việc khác. Alexandra đã cảm thấy thái độ thiếu thiện cảm của họ, nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao. Pinkerton dẫn nàng đến một phòng họp đầy khói thuốc lá. Giáp với tường là một chiếc tủ trưng bày các phần thưởng của Clios và các giám đốc nghệ thuật. Ngồi xung quanh một chiếc bàn là một người đàn bà và hai người đàn ông, tất cả đều hút thuốc lá, hết điếu này đến điếu khác. Người đàn bà lùn, thân hình chắc, mập, tóc màu sắt rỉ. Hai người đàn ông tuổi chừng ba mươi bốn ba mươi lăm, nét mặt tái mét, trông có vẻ ưu tư.

Pinkerton nói, “Đây là nhóm sáng tạo. Cô sẽ làm việc với nhóm này. Họ là Alice Koppel, Vince Barnes và Marty Bergheimer. Đây là cô Alexandra Blackwell.”

Cả ba người trố mắt nhìn Alexandra.

“Thôi, tôi để các người làm quen với nhau”. Pinkerton nói. Ông quay về phía Vince Barnes. “Tôi muốn có tờ quảng cáo thứ nước hoa mới trên bàn viết của tôi vào sáng mai. Anh hãy lo liệu sao cho cô Blackwell có được mọi thứ cô cần.”

“Cô cần thứ gì vậy.” Vince Barnes hỏi.

Alexandra bỡ ngỡ trước câu hỏi bất thình lình. “Tôi... tôi chỉ cần học công việc quảng cáo thôi.”

Alice Koppel nói một cách dịu dàng, “Cô đã đến đúng chỗ đó, cô Blackwell ạ. Chúng tôi đang muốn làm thầy giáo đến chết đi được.”

“Xéo đi chỗ khác,” Marty Bergheimer nói với Alexandra.

Alexandra bối rối. “Không biết tôi có làm điều gì mất lòng vị nào ở đây không?”

Marty Bergheimer đáp, “Không đâu, cô Blackwell ạ. Chúng tôi đang phải làm việc khẩn trương đây, về một chiến dịch quảng cáo nước hoa. Các ông Pinkerton và Matthews chưa hài lòng với những gì chúng tôi đã đưa ra.”

“Tôi sẽ cố không quấy rầy các anh chị.”

“Như vậy thì rất tốt,” Alice Koppel nói.

Những giờ còn lại của ngày hôm ấy cũng chẳng có gì khá hơn. Không ai nở một nụ cười ở nơi này. Một trong các đồng nghiệp của họ đã bị đuổi vì cô gái giàu có xấu xa này, vì vậy họ bắt cô ta phải trả giá đắt.

Vào cuối ngày đầu tiên của Alexandra, Berkley và Matthews đến văn phòng làm việc bé nhỏ họ đã dành cho Alexandra để xem cô có được thoải mái hay không. Cử chỉ này không qua mắt được các đồng nghiệp của nàng.

Tất cả mọi người trong hãng đều gọi nhau bằng tên riêng thân mật, riêng họ gọi Alexandra bằng tên họ của nàng là Blackwell.

“Gọi tôi là Alexandra,” nàng nói.

“Được.”

Nhưng đến lần sau, họ lại gọi nàng là “cô Blackwell.”

Alexandra học hỏi một cách nghiêm chỉnh và nóng lòng được đóng góp vào công việc. Nàng tham dự vào các phiên họp, trong đó các chuyên viên viết quảng cáo tha hồ đưa ra các sáng kiến của mình. Nàng nghe ông Lucas Pinkerton bác bỏ không tiếc lời bài viết quảng cáo được đệ trình cho ông duyệt. Ông ta là một con người xấu xa ti tiện. Alexandra cảm thấy thương hại cho những người làm việc dưới quyền ông ta. Nàng đi đi lại lại từ lầu này đến lầu kia để tham dự các cuộc họp của các vị giám đốc, các cuộc họp với khách hàng, những buổi chụp ảnh, các phiên họp bàn cãi chiến lược quảng cáo. Nàng ngồi yên lặng, lằng nghe để học hỏi. Vào cuối tuần lễ thứ nhất, nàng cảm thấy thời gian lâu như cả một tháng. Nàng trở về nhà mệt mỏi, không phải vì công việc mà vì sự căng thẳng do sự hiện diện của nàng gây ra ở sở làm.

Khi bà Kate hỏi nàng công việc tiến triển như thế nào. Alexandra đáp, “Cũng tốt, bà nội ạ. Rất hay.”

“Bà chắc chắn rằng cháu sẽ làm việc rất tốt. Nếu có gì khó khăn, cháu cứ gặp ông Berkley hay ông Matthews.”

Nhưng đó là một điều mà Alexandra không bao giờ muốn làm.

Ngày thứ hai kế tiếp, Alexandra đến sở làm với ý định phải tìm cho ra một cách náo đó giải quyết vấn đề này. Có những giờ nghỉ giải lao vào buổi sáng và buổi trưa để mọi người uống cà phê, và đó là cơ hội thuận tiện để mọi người nói chuyện với nhau một cách tự nhiên, thỏi mái.

Alexandra bước vào, cuộc nói chuyện ngưng bặt lại.

“Để tôi đem cà phê đến cho cô nhé, thưa cô Blackwell”.

“Cảm ơn, tôi có thể tự đi lấy được.”

Mọi người im lặng trong khi Alexandra bỏ một đồng tiền vào máy cà phê tự động. Khi nàng bỏ đi cuộc nói chuyện lai bắt đầu trở lại.

“Các bạn có nghe vụ quảng cáo Xà phòng tinh khiết bị hớ to vừa rồi không? Cái cô người mẫu đẹp như tiên được dùng để quảng cáo ấy hoá ra là một minh tinh của loại ảnh khiêu dâm...”

Vào lúc giữa trưa. Alexandra nói với Alice Koppel, “ Nếu các anh chị rảnh có thể ăn cơm trưa với tôi, chúng ta có thể...”

“Xin lỗi, tôi có một cuộc hẹn.”

Alexandra đưa mắt sang Vince Barnes. “Tôi cũng thế,” anh nói.

Nàng nhìn về phía Marty Bergheimer. “Thời gian biểu của tôi cũng đã đầy ắp cả rồi.”

Alexandra cảm thấy quá thất vọng, không còn muốn ăn uống gì nữa. Họ đã khiến nàng có cảm tưởng như mình là một kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội, và nàng cảm thấy giận dữ. Nhưng nàng nhất định không bỏ cuộc. Nàng sẽ tìm ra một cách nào đó để đi đến với họ, để cho họ biết rằng ở sâu dưới cái tên Blackwell, nàng vẫn là một người trong bọn họ. Nàng ngồi dự các phiên họp, lắng nghe Berkley, Matthews và Pinkerton mắng chửi các nhà sáng tạo quảng cáo trong khi những người này chỉ cố gắng hết sức mình để làm công việc cho tốt. Alexandra thương hại cho họ, nhưng họ không cần sự thương hại ấy của nàng. Họ cũng chẳng cần có nàng nữa.

Alexandra chờ đợi thêm ba ngày, rồi lại cố gắng một lần nữa. Nàng nói với Alice Koppel, “Tôi nghe nói có một tiệm ăn Ý.”

“Tôi không ăn các thức ăn Ý.”

Nàng quay nhìn về phía Vince Barnes. “Tôi ăn kiêng.”

Alexandra lại nhìn Marty Bergheimer. “Tôi sẽ đi ăn cơm Tàu.”

Mặt Alexandra đỏ bừng lên. Họ không muốn người ta thấy họ đi chung với nàng. Thôi được, mặc kệ họ. Đối với nàng như thế là quá đủ rồi. Nàng đã vượt qua thông lệ để cố làm thân với họ, và mỗi lần như vậy nàng lại bị đánh gục. Làm việc ở đây thật là một sai lầm lớn. Nàng cần phải tìm việc làm với một công ty nào đó không liên hệ gì đến bà nội nàng cả. Nàng sẽ rời nơi này vào cuối tuần. Nhưng nàng tự nhủ, “Mình phải làm cho tất cả mọi người nhớ rằng mình đã từng ở nơi này.”

Lúc một giờ trưa, tất cả mọi người, trừ nhân viên ở tổng đài diện thoại, đều đi ăn trưa. Alexandra ở lại văn phòng. Nàng nhận ra rằng tại các phòng giấy của lãnh đạo đều có máy điện đàm nội bộ nối liền với các phòng sở, để khi nào một cấp lãnh đạo muốn nói chuyện với một thuộc hạ, ông ta chỉ việc ấn nút trên hộp máy, ở đó có ghi tên mỗi nhân viên trên một tấm phiếu. Alexandra lẻn vào trong các văn phòng vắng người của Berkley, Matthews và Pinkerton rồi đổi các phiếu tên lẫn lộn. Vì vậy, vào lúc đầu giờ trưa hôm ấy, Pinkerton ấn nút máy liên lạc, nối liền ông ta với một chuyên viên viêt bài, và nói trong máy, “Vác cái đít của mày lên đây. Ngay bây giờ!”

Một giây phút yên lặng, có vẻ như choáng váng, tiếp theo đó, rồi có tiếng Matthews gầm lên, “Anh nói cái gì?”

Pinkerton nhìn trừng trừng vào máy sững sờ, “Ông Matthews à? Ông ở đó sao?”

“Mày nói đúng rồi đấy. Vác cái đít của mày lên đây ngay!”

Một phút sau, một chuyên viên viết quảng cáo ấn trên máy liên lạc đặt trên bàn làm việc và nói, “Tôi có ít bài vừa viết xong để anh đem gấp xuống nhà dưới cho tôi.”

Giọng của Berkley gầm lên ở đầu dây bên kia đáp lại. “Anh anh cái gì?”

Thế là sự hỗn loạn bắt đầu. Phải bốn giờ đồng hồ sau sự lộn xộn do Alexandra tạo ra mới được chỉnh đốn lại, và đó cũng là bốn giờ vui nhộn nhất cho các nhân viên của Berkley và Matthews. Mỗi lần một sự kiện mới xảy ra họ lại reo lên vui thích. Các cấp lãnh đạo bị gọi trên máy để được sai làm việc lặt vặt, đi mua thuốc lá hay sửa lại một chậu rửa trong phòng vệ sinh bị vỡ. Berkley, Matthews và Pinkerton dò hỏi khắp nơi để tìm ra thủ phạm, nhưng không một ai biết.

Người duy nhất đã trông thấy Alexandra đi vào các phòng làm việc là Fran, một nữ nhân viên ở tổng đài điện thoại, nhưng cô ta rất ghét các ông chủ hơn là ghét Alexandra nên cô ta chỉ nói, “Tôi không thấy một mạng nào cả.”

Đêm hôm ấy, khi Fran nằm ngủ trên giường với Vince Barnes cô kể lai câu chuyện xảy ra.

Vince Barnes ngồi hẳn dậy trên giường. “Cái cô gái Blackwell làm chuyện ấy à? Mình thật ngốc quá!”

Sáng sớm hôm sau, khi Alexandra bước vào văn phòng, Barnes, Koppel và Bergheimer đang ngồi ở đấy chờ đợi. Họ nhìn nàng chằm chằm trong yên lặng. “Có chuyện gì không hay chăng?” Nàng hỏi.

“Chẳng có chuyện gì Alex ạ,” Alice Koppel nói. “Các anh ấy và tôi muốn mời chị cùng đi ăn cơm trưa với chúng tôi. Chúng tôi biết cái tiệm ăn Ý nhỏ nổi tiếng ở gần nơi này...”