Mai Châu, một vùng du lịch của tỉnh Hoà Bình. Ở huyện Mai Châu sinh sống các dân tộc Mường, Thái, Kinh, Dao, Mông. Đông nhất là Thái và Mường, chỉ có hai xã Mông Ơ, Mộc Hạ di cư xuống đã lâu đời.
Trên bốn mươi năm trước, lần đầu tôi đưa các bạn nhà văn Ấn Độ thăm các làng Thái, làng Dao ở Mai Châu. Rồi các nhà văn Nga, Pháp, Trung Quốc...
Hôm nay mới có dịp trở lại. Huyện đã có quy định ba thôn được đón và tiếp khách du lịch. Khách trong nước và nước ngoài đến Mai Châu, tha hồ đi khắp nơi nhưng khi ở lại hay nghỉ ngơi thì trở về ba thôn: các làng Bản Lác, Bản Văn và Phong Chóng.
Vào trong xóm, những tấm thổ cẩm màu lam màu điều dịu mắt vắt từng lớp trên dây, căng trên bờ rào, quanh gốc cây. Có thể mua làm quà lưu niệm - những chiếc mũ lưỡi trai hoa văn đương là cái đội thời thượng của thành phố. Hay là ta hãy vào dưới sàn xem những cô gái dệt thổ cẩm, cánh tay trần dịu dàng đưa thoi, so le mảnh áo ngắn ngang lưng, rồi hãy ra chọn hàng.
Vào trong thôn, khách có thể ở bất cứ nhà nào, nhưng có đủ tiện nghi thì mỗi thôn chỉ có một hai nhà. Những nhà này là những ngôi nhà sàn lớn, có nhà vệ sinh, vòi nước tắm và điện thoại. Trên sàn, góc ngủ xếp đệm hoa và chăn gối mời khách qua đêm như phong tục cũ ở những nhà khá giả. Sàn nhà rộng thênh thang ta ngồi chè chén rồi cùng nhau xoè múa và thi hút rượu cần. Tôi vào Bản Lác đến nhà cụ Hà Công Nhấm - nhà cụ Nhấm bây giờ cũng là ngôi nhà to, cột gỗ nghiến sáu cạnh. Năm xưa, tôi đã có dịp đưa khách đến nhà cụ. Khi đó, nhà chỉ có ba gian, lợp tranh, nhưng cũng thật nền nếp. Giữa nhà, trên bếp đặt cái ninh sôi đêm ngày không bao giờ tắt lửa. Khách nằm chơi ở gian ngoài, gối đầu lên thành cửa sổ trông ra chân cột sàn và ao cá nước chảy trước mặt. Trên mặt nước, những khóm lúa nếp cao cao. Mời cơm khách, ông chủ chỉ việc đem cái vợt ra chao xuống là được con trắm, con chuối, nhanh hơn bắt thịt con gà. Đã thành tục ngữ Mường, lâu đời câu “cơm trên, cá dưới" trên cây lúa dưới con cá miêu tả cái phong lưu cơm sôi và cá nướng của người phong lưu thích vui là như vậy. Cụ Nhấm đã yếu, lại đau dạ dầy phải ăn kiêng và bỏ rượu rồi. Cụ Nhấm vẫn nấu rượu, nhưng chỉ để mời khách rồi xem khách uống và hỏi chúng tôi cái rượu của cụ có được không. Tôi muốn ở lại trò chuyện với cụ về những Mai Châu Đà Bắc ngày xưa. Nhưng hôm ấy Bản Lác đã đủ khách, không thể ở thêm. Trông sang cửa sổ nhà bên, những Tây đầm tóc vàng, tóc bạch kim và đầu trọc ngồi lố nhố. Dưới sàn, Tây ba lô dắt xe đạp khăn gói con cóc đeo lưng, đi nghênh ngáo. Còn nghe kể chẳng mấy khi ở đây vắng Tây ba lô và sinh viên ta lũ lượt cưỡi xe đạp xe máy ở Hà Nội lên. Cụ Nhấm hẹn tôi dịp khác.
Chúng tôi trở lại bản Phong Chóng, đã được đặt chỗ nghỉ dưới ấy. Ngôi nhà sàn ở đây cũng thênh thang chẳng khác nhà cụ Nhấm. Chặp tối, cơm rượu đã dọn ra, mỗi mâm cũng thịt luộc, cá không thui, mà cá rán xào cà chua chẳng khác đám nhậu ngoài phố. Nhưng gói xôi nếp bọc lá chuối, người ta vê bốc từng nắm và uống cái rượu gạo men lá nặng giọng còn hơi hướng biên giới miền tây.
Rồi các cô trong bản đến hát múa. Thấy bảo chị em hàng ngày làm đồng dệt cửi và đi rừng kiếm củi, tối có khách gọi thì đến “giao lưu” được trả công. Chỉ tiếc các cô Thái hát tiếng Kinh. Dẫu tôi không biết tiếng Thái, tiếng Mường nhưng chắc là nghe những giọng lạ tai ríu rít, líu lo lên, hẳn là được mơ màng hơn. Và cũng chiêng cũng phách đệm lại thêm đàn măng đô lin và ắc coóc, nghe trống xuôi kèn ngược những cái bà con tự biên tự diễn này. Lại nực cười, có cái khèn Mông rởm không có lỗ thổi chỉ cần trang trí, một anh chàng Mường nhảy lò cò.
Ở đất du lịch còn hoang sơ này cũng giống ở bản Thanh Lương trên Điện Biên, trong làng có ông già Thái ngày trước lái bè vốn tháo vát cũng cất cái nhà sàn to đón khách. Điện Biên đặc biệt có nhiều khách Pháp. Những ông tù binh thủa nào vẫn hay đem vợ con đến thăm lại nỗi khủng khiếp buồn. Huyện cũng chẳng có hoạt động du lịch, nhà ông lái bè được tiếp Tây, cho Tây ngủ đêm. Thanh Lương cách cửa khẩu Tây Trang sang nước Lào có mươi bước đường, tôi hỏi Tây lên đây có đòi hút hít không, chủ nhà lắc đầu, cười nhăn nhó, khó hiểu.
Đêm gió man mác dưới khe sàn lọt lên lạnh một bên má, tiếng gà gáy xa xa eo óc, trong cái ao trát xi măng, chốc chốc con cá chuối quẫy đuôi đen đét và tiếng sàn cọt kẹt dưới lưng mới nhớ được đương trong đêm làng rừng. Buổi sáng Mai Châu vào thu bâng khuâng. Làn sương mờ ảo bảng lảng qua triền núi thấp thoáng xanh đậm xanh mờ, mà ban ngày đi trên Thung Khe nhìn xuống nhìn rõ từng ô ruộng ô nhà thị trấn Phố Vãng giữa vệt đường sang Quan Hoá bên rừng Thượng Thanh.
Vào quán uống tách cà phê vị mặn - chứ không phải cái đắng quen thuộc. Có phải vị cà phê nông trường Cao Phong như thế hay là cà phê bã của đêm qua, cũng ở quán này có karaôkê hát hét tưng bừng, phố huyện núi cũng mới thêm trò này. Khách trong ngoài nước biết Mai Châu đã trên bốn mươi năm nay. Ấy là chưa kể xưa kia, trai gái tết đi chơi các hang đẹp, các quan Tây quan binh, quan phìa, quan lang đạo, lang cun đã biết chơi hang, tắm suối dưới chân thác. Thế mà đến bây giờ du lịch Mai Châu vẫn chỉ tự phát, được sao hay vậy. Cảnh và người thì nõn nà, tổ chức thì sài đẹn, những cái xộc xệch chàng đáng có mà chẳng cấp nào để mắt đến.
Nghe nói đầu năm vừa rồi tỉnh Hoà Bình đã ra quyết định đưa đất trời Mai Châu vào ngành công nghệ không khói hái ra tiền. Người yêu Mai Châu mong tin ấy chóng chóng từ công văn sang công việc. Đã ngót nửa thế kỷ qua rồi.