Tập truyện ngắn Tô Hoài

Loăng quăng

Tôi đã viết đại khái: mỗi năm mình một già không phải soi gương hay đôi khi gặp người ta than hộ mấy câu mất vui “dạo này sao xuống thế", mà chỉ cần lặng lẽ đi ra ngoài phố. Phố xá người qua lại nhiều, mấy năm trước đôi khi còn có người chào hỏi, bây giờ thì đi cả hàng phố, cả mấy phố, cả buổi cũng chẳng gặp ai ới ơi, chẳng có người nào bắt tay, ngả mũ gì cả. Biết rằng ta đã vào cái lớp người sắp xuống đất với giun, tụ dưng xa lạ với xung quanh. Thế là tự dưng đổi tâm đôi tính cứ mỗi ngày một đâm ngại, chẳng muốn ra đến cửa nữa.

Thôi chuyện loăng quăng cho đỡ buồn nào, đôi khi sau tiếng thở dài lại sinh ra cái cười cũng nên. Hôm mới rồi tôi đi qua hồ Thiền Quang. Buổi sáng, sắp đến giờ làm việc, lòng đường vỉa hè tấp nập người. Tôi lừng khừng đi. Có một cô đẫy đà, đứng tuổi quần phăng áo vét xanh nhạt, cái mũ vải mềm như mũ đương mốt, chiếc xe đạp Trung Quốc mới cứng, cái làn mắt cáo trước ghi đông trong để cái túi. Không đoán được người ngành nghề nào, nhưng chắc là người cơ quan đi làm. Cô ấy dắt xe lên vỉa hè lại tôi. Thoạt tiên, tôi ngỡ người sắp hỏi đường. Nhưng nhìn lại cách ăn mặc của người quen thuộc đường phố thì chắc không phải.

Cô ả hỏi tự nhiên:

- Anh đi đâu đấy? Anh có đi không?

Tôi biết ả hỏi việc gì và gạ đi đâu rồi. Tôi yên lặng, không nhìn và vẫn lững thững đi. Dáng chừng ả đã nhìn lại lão già, ả đẩy cái xe đạp xuống đường rồi lại điềm nhiên đạp đi giữa những làn xe cộ tấp nập. Câu hỏi thật dễ dàng như nhỡ thiếu tiền thì hỏi mượn mấy đồng mua rau, mà mới sáng ngày ra.

Đến chỗ họp, tôi kể với Vũ Cao cái chuyện gặp xúi quẩy Vũ Cao hỏi tôi:

- Năm nay ông bao nhiêu tuổi?

- Tám mươi mốt.

- Mình cũng hơn bảy mươi. Vẫn đạp xe từ nhà đến đây, đi ngang thành phố mà chưa lần nào được có đứa hỏi như thế.

Ồi, ông mặc áo bốn túi lại người to xương hóc thế kia thì nó hỏi ông để làm cái gì, con điếm hay đứa có tính điếm thì nó xá gì tuổi tác. Nhưng thôi để yên cho nhà thơ băn khoăn và bâng khuâng, còn tôi thì buồn, buồn đời.

Chắc rằng cái chuyện thảm ấy cũng hiếm, có phải không? Tôi xin kể những mắt thấy tai nghe vui vui vậy. Ngoài đường bây giờ chỗ nào cũng nhốn nháo, chỉ chốc lát có ngồi trên bờ trông ra hồ, mặt nước hồ Thiền Quang hay bồ Tây cũng được, thì tai mắt và trong bụng có lẽ mới có thể vên yên được. Bởi vì chỉ có mặt nước, mặt nước sáng trong, mặt nước xa xa gần gần mới thấy như muôn thủa. Nếu ai còn nhớ, hãy nhớ ngày trước hay trông thấy con chim bói cá, đốm trắng đốm đen, chim đương bay trên thinh không bỗng rơi tõm mình xuống mặt nước, quắp lên con cá mương trắng loáng. Vâng, ở nơi trống không nay mới được mơ màng với tưởng tượng.

Cứ nhìn ra mặt hồ kia, chứ ngoảnh lại đằng sau lưng thì bên phải bên trái phía nào cũng ngổn ngang, rầm rập những xe đạp, xe máy rối mắt, các kiểu ôtô không lúc nào dứt. Cái hè, con đường không còn dành cho chân người nữa. Vía hè cũng không yên, người đi mua bán, đi ăn uống vào cửa hiệu hàng hàng xe chất đống như đắp đê cao cao. Người đi bộ hoá con kiến, nhưng phải là con kiến gió thoăn thoắt nhanh chân lúc chui lúc tránh, nếu không thì xe quệt, không thì đâm vào xe. Có một cụ chỉ đụng nào cái ghi đông xe để trên bờ hè, cũng quỵ xuống, gấy xương ống chân. Có một lão đầu hói sáng sớm đi tập dưỡng sinh ở công viên Pát-tơ, quả bóng trẻ con đá rơi xuống đỉnh đầu, cụ ngã, cụ chết.

Bất giác, tôi nhớ lạc hậu ví những xe cộ bây giờ lềnh kềnh như đám củi rều trôi ngoài sông Cái mùa nước lên. Nhưng nước lũ to đến đâu cũng không có củi rều trôi ngược. Chỉ có cái gậy thần của Từ Đạo Hạnh đi đánh sư Đại Điên thì mới dựng đứng lên trôi ngược sông Tô Lịch, mà cũng chỉ trôi từ Láng lên Cống Vị thôi. Bây giờ những cái xe lúc nào cũng phát cuồng chạy loạn xạ khắp nơi.

Người nước ngoài thường khen Hà Nội xanh và êm đềm. Hãy nghĩ thêm về những lời nói khen, câu viết khen. Ông ấy chưa đến Hà Nội, thấy cái thành phố này mới vào công nghiệp và thị trường hiện đại chưa rối rít bằng cái thành phố quê ông ấy, hoặc chỉ là câu khen đãi bôi "dạo này trông ông khoẻ quá" và "phở Hà Nội ngon hơn phở gia truyền Nam Định” chứ người châu Âu nếu phải ăn “súp” phở điểm tâm sáng sớm thì còn lâu họ mới quen được. Cũng như khách nước ngoài trước kia ngày Tết cổ truyền của ta họ đều ngán tiếng pháo vì tiếng pháo chẳng khác tiếng súng, nhưng có hỏi cảm tưởng thì các bạn chỉ mỉm cười.

Chao ôi, thương nhớ những cây bằng lăng mùa hạ nở hoa tím thẫm và những rặng liễu thướt tha ven hồ. Bây giờ đương vào mùa hạ, hoa bằng lăng tím ngan ngát thế kia, những cành liễu rủ mơ màng quanh ta, có dở hơi mà đi thương với nhớ, nhưng mà như những người già đi đường mới có thể cảm được nông nỗi, còn sức đâu mà nhìn mà ngắm được nữa, đấy chỉ là tơ tưởng cái đã qua. Chợt nghe chim chích choè vi vút khoan thai từng tiếng đâu đây. Ô hay chim chích choè về giữa thành phố con chim vốn hay nhảy dưới bờ ao buổi chiều. Bỗng dưng nó lạc loài vào nơi đô hội thế này. Trông lên dưới cái mái tôn đầu hè mới biết. Không, đấy là những con chim chích choè mắc bẫy về phải tù trong những chiếc lồng người ta treo bán dưới mái hiên. Con chim chích choè, con cà cuống con khướu mun, khướu bạc má... không biết chúng hót vui hay hót buồn, ai có nghe được tiếng chim thì mới hiểu ra đấy là con chim đương than khóc hay là đương chửi rửa người nhốt nó. Ngồi nhà mà viết loăng quăng như thế này, chứ ra đường thì còn bụng dạ đâu mà để mắt đến cái cây và con chim. Chỉ lo bước nhanh bước chậm và đứng dừng tránh xe đã hết hơi rồi. Lão hoạ sĩ Mai Văn Hiến có một cách vượt qua ngã tư rất đúng luật đi đường. Cụ đứng nghiêm trên bờ hè, hai bàn tay chắp lại rồi giơ thẳng ra trước mặt như sắp nhảy "pờ lông dông" xuống hồ. Nhưng không, cụ cứ giơ hai tay như thế và từ từ qua đường mặt chăm chắm không cần nhìn hai bên. Đứa nào dám đâm vào cụ Cụ đi sang đường khí thế lắm. Nhưng bây giờ cụ Hiến đã bệnh, chỉ lết được trong nhà, không chắc khi nào còn cần phải bơi cạn sang ngang nữa rồi. Nhà thơ Trần Lê Văn đồng tuế với tôi thì đi đường, sang đường còn khoa học hơn nữa. Anh dắt xe đạp ra phố. Đương nhiên có xe đạp thì đi xe đạp nhưng anh chỉ đạp xe quãng đường nào vắng. Còn chiếc xe đạp kềnh càng, để dùng làm cái lá chắn. Cái xe đạp làm hiệu cho người ta biết có xe có người đương dắt đây, thằng xe máy, thằng ôtô, chúng mày phải lùi lại, hãy tránh ra cho ông đi, mà ông chỉ đi từ từ thôi, chúng mày la hét thế nào mặc kệ, rõ ràng có cái xe đạp, dắt đi cũng qua có vững tâm hơn.

Còn tôi, tôi hèn hơn hai ông có mẹo sáng tạo ra luật đi đường. Có khi tôi đứng cơ hồ cả nửa tiếng mới sang được ngã tư, mà vẫn phải nhớn nhác mắt trước mắt sau. Từ khi các ngã ba ngã năm có đèn xanh đèn đỏ thì ai nấy cũng cảm thấy người đi đường được thành phố tôn trọng và thương người ta hơn trước. Nhưng đôi khi vẫn thót rốn. Ấy là có lúc cả trên hai bên cột đã bật đèn xanh có hình thằng người chạy qua hẳn hoi, thế mà có đứa mất dạy vẫn lao xe chui qua mép đường. Chẳng lẽ cái luật đi đường lại còn có khe hở định giết tôi à? Dù sao, chặp tối hôm ấy chúng tôi lóp ngóp qua giữa các thứ xe rồi chúng tôi cũng đến được cái quán ăn quen. Một ông Trần Lê Văn bữa nay không dắt xe đạp. Một ông Thợ Rèn Phạm Lê Văn, người dẹp đét như con rệp đói, đi ra đường cứ nem nép tựa con cò gặp bão. Vào được đây cả, ngồi ghế có bàn, có chai rượu, thơ văn lại cong cớn lên ria rồi.

Tôi cất tiếng mừng công trước:

- Ấy này các ông ạ, nhiều bài thơ của Nguyễn Bính ngày trước hay ghi nơi viết ở "gác Sơn Nam". Có cái gác Trần Huyền Trân trọ trong ngõ Sơn Nam thật. Nhưng không phải Nguyễn Bính đã hoài cổ cái trấn Sơn Nam của hai ông quê Nam Định đâu. Cái phố hẻm Sơn Nam cạnh Cống Trắng ở Khâm Thiên ấy, cả dãy nhà là của triệu phú Bạch Sơn Nam, lão lấy tên lão đặt cho tên ngõ. Như ngõ Tân Hưng là ngõ toàn nhà của cụ Chấn Hưng hàng Bạc đấy.

Biết cả rồi.

Đã nhạt hết những cái hú vía đi đường, câu chuyện miên man sang thơ.

- Này có ông nào nhớ bài thơ "Nhạc xuân" của Nguyễn Bính khai bút năm Canh Thìn 1940, trong bài có bốn câu kết, mà bây giờ in lại, báo sách nào cũng in sai.

Sai thế nào?

- Huyền Trân ơi! Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi. Giờ đây chín vạn... Không phải thế. Tết năm ấy, Nguyễn Bính có viết bài thơ chữ như rồng bay phượng múa vào một tờ giấy lệnh treo trên tường nhà tôi ở Nghĩa Đô. Những câu kết bài thơ ấy như sau:

Huyền Trân

Huyền Trân

Huyền Trân ơi!

Mùa xuân

Mùa xuân

Mùa xuân rồi.

Mùa xuân chín vạn bông trời nở.

Riêng có tình ta khép lại thôi.

Ông Thợ Rèn tán:

- Tôi cho là ông nhớ đúng. Bài thơ này dài, mạch câu đều bảy chữ. Cả bài câu bảy chữ mà một câu ba chữ mở đầu thì khập khiễng. Thơ Nguyễn Bính cũng đá Nho, không bao giờ chịu hẫng thế, lại còn cái tình nữa, đến đoạn cuối tác giả xuống thang lên thang thảm thiết gào lên nhưng cũng vẫn chỉ trong vòng bảy chữ.

Ông Trần Lê Văn cũng gật gù. Câu chuyện thơ càng làm chúng tôi tạm khuây cái lo đường xá phố phường. Nhưng đôi lúc cứ phảng phất lúc ra về, không biết đương còn vui hay lại nhớn nhác, lo ngay ngáy.