- Tại núi Thiên Mã, có một người tráng sĩ, tu hành nhưng võ nghệ siêu quần, đánh chúng tôi chạy tán loạn.
Trương Hoa nghe nói nghĩ thầm:
- Nếu có người như vậy thì phải sai quân đòi về đây để sử dụng.
Nói rồi lập tức sai một viên quan lãnh mệnh đến am Trang, ra mắt am chủ mà nói rõ việc ấy.
Am chủ gọi Con Muội đến nói:
- Nay U Châu có thừa tướng sai người đến rước ngươi, ngươi có đi chăng?
Cửu Muội nói:
- Người ta đã mời lẽ nào lại từ chối.
Am chủ sửng sốt liền kêu Cửu Muội ra phía sau, nói nhỏ:
- Tiểu thơ là đàn bà con gái, nếu nó biết được thì tánh mạng chẳng còn, tại sao tiểu thơ lại chịu đi?
Cửu Muội nói:
- Tôi mang ơn am chủ hậu đãi, thì đủ thấy lòng tốt của am chủ rồi. Vả lại tôi đến đó sẽ lập mưu cứu anh tôi, đó cũng là cơ hội tốt.
Am chủ nói:
- Tuy vậy tiểu thơ phải cẩn thận, vì đem thân nạp vào miệng cọp, không phải dễ.
Cửu Muội liền từ biệt am chủ, theo quân Phiên về U Châu, vào ra mắt Thừa tướng.
Trương Hoa nói:
- Tráng sĩ là người ở xứ nào, tên họ là chi, hãy nói cho ta biết đặng ta thu dụng.
Cửu Muội đáp:
- Tôi quê quán ở Thái Nguyên, họ Hồ tên Nguyên, lúc nhỏ có học tập võ nghệ, đã đi thi mấy khoa mà không đậu nên bỏ vào núi tu hành, nay mang ơn ngài chiếu cố đến, nên tôi phải đến hầu.
Trương Hoa thấy Cửu Muội ăn nói thanh nhã, tướng mạo khác thường, bèn khiến quân dọn dẹp một chỗ tịnh phòng để Hồ Nguyên an nghỉ.
Khi Hồ Nguyên từ tạ về phòng, thì Trương Hoa vào hậu đường nói với phu nhân muốn gả Nguyệt Anh tiểu thơ cho Hồ Nguyên. Phu nhân cũng đẹp ý.
Hôm sau, Trương Hoa cho người nói với Hồ Nguyên biết.
Hồ Nguyên nói:
- Ấy là việc tốt tôi mang ơn Thừa tướng rất hậu tình, nhưng lúc này binh Tống còn xâm lăng, ý tôi muốn ra sức đánh dẹp để lập công, rồi sẽ tính.
Phiên quan làm việc ấy nói lại với Trương Hoa. Trương Hoa khen phải, và nói:
- Vậy thì để ta xem võ nghệ hắn thế nào rồi sẽ liệu.
Nói rồi vào triều tâu với Tiêu Hậu:
- Tôi mới chiêu mộ được một tráng sĩ, đáng mặt anh hùng, lại muốn lập công để đền ơn, xin Bệ hạ gia phong quan chức để sai người ấy đi phá Tống.
Tiêu Hậu nhận lợi, phong cho Hồ Nguyên là U Châu Đoàn luyện sứ, dẫn năm ngàn quân giúp nguyên soái Tiêu Thiên Hữu.
Hồ Nguyên tạ ơn, dẫn binh thẳng đến Đàn Châu, hiệp với binh Tiêu Thiên Hữu đóng tại Tây dinh.
Vừa lúc ấy có binh Ngũ Lang đến khiêu chiến. Hồ Nguyên hẹn mang giáp lên ngựa, xông ra trước trận kêu lớn:
- Tống tướng hãy lui binh cho mau, kẻo ta chém đầu
Ngũ Lang nhìn thấy biết Cửu Muội thì nghĩ thầm:
- Em ta sao lại giả trai đem quân đến đánh với ta.
Cửu Muội mỉm cười, ra ám hiệu:
- Ngũ ca nên giả thua bỏ chạy, em sẽ có kế hay.
Ngũ Lang biết ý, liền xốc ngựa tới đánh vài hiệp rồi giả thua bỏ chạy, Cửu Muội đuổi theo vài dặm, rồi thâu binh trở lại.
Quân thám mã về báo với Tiêu Thiên Hữu:
- Người tướng mới thu dụng đã đánh thắng binh tống một trận.
Tiêu Thiên Hữu cả mừng, bèn thỉnh Cửu Muội vào lập kế phá Tống. Chẳng ngờ Cửu Muội là con gái, nên tiếng nói mỗi lúc một trong trẻo, làm cho Tiêu Thiên Hữu nghi ngờ, nghĩ thầm:
- Người này diện mạo giống Lục Lang, chúng ta phải coi chừng cho lắm.
Nói rồi sai quân bắt trói Cửu Muội, nói:
- Người là tướng của họ Dương ở bên Tống, dám đến đây mà gạt ta sao.
Dứt lời, liền sai quân bỏ vào tù xa, giải về U Châu cho Tiêu Hậu xét xử.
Tiêu Hậu khiến giam Cửu Muội vào ngục.
Tin này truyền đến Tam Quan, Dương Ngũ Lang biết em mình mắc nạn, liền bàn với các tướng:
- Nay Cửu Muội bị giam vào trong ngục hình, ta phải lo cứu em ta trước mới được.
Trần Lâm nói:
- Tướng quân có kế chi hay không?
Ngũ Lang nói:
- U Châu phía hữu gần đất Tây Phiên, ta giả binh mã của Tây Phiên qua giúp Tiêu Hậu, rồi lợi dụng tình thế mà cứu em ta.
Trần Lâm nói:
- Kế ấy rất hay vậy tướng quân đi trước, còn tôi sẽ đem binh ứng.
Ngũ Lang liền sắp đặt chỉnh tề, kéo cờ Tây Phiên thẳng tới U Châu, sai người báo với Tiêu Hậu hay.
Tiêu Hậu khiến triều thần ra rước vào.
Dương Ngũ Lang vào đến nơi ra mắt. Tiêu Hậu nói:
- Tướng quân đường sá xa xôi, đến đây giúp ta rất là ơn đức.
Ngũ Lang nói:
- Nước Tây Phiên thấy Bệ hạ đánh với Tống chưa rõ hơn thua, nên sai tôi đến đây phá Tống cho rồi.
Tiêu Hậu bèn truyền dọn tiệc thết đãi rất trọng hậu. Ăn uống xong, Ngũ Lang tâu:
- Việc binh rất gấp, ngày mai tôi phải ra quân.
Tiêu Hậu nói:
- Ở nơi xa đến, binh mã còn mệt mỏi, vậy phải nghỉ ngơi vài hôm, rồi sẽ ra trận.
Ngũ Lang vâng lời đóng quân ở phía Nam, rồi nhóm chư tướng truyền lệnh:
- Ta phải thừa lúc binh Phiên không đề phòng, đêm nay đánh rốc vào hoàng thành, thì việc lớn ắt xong.
Chư tướng vâng lệnh, sẵn sàng chờ đến ban đêm sẽ hành sự.
Lúc này Cửu Muội bị giam trong ngục, may nhờ có Ngục quan là Chương Nô biết người tốt, nên hậu đãi lắm. Đã nhiều lần muốn thả nhưng chưa có dịp.
Hôm ấy Cửu Muội nói với Chương Nô:
- Tôi mang ơn ông rất hậu, nếu có dịp ông hãy theo tôi về Tống để được báo đền.
Chương Nô nói:
- Tôi có ý ấy đã lâu, ngặt không có người dìu dắt, nếu tướng quân muốn đem tôi đi, thì đêm nay vượt ngục ra khỏi chốn này.
Trời vừa chạng vạng, bỗng nghe tiếng quân la ó, Dương Ngũ Lang dẫn bảy trăm quân đánh rốc vào hoàng thành. Quan cận thần vào báo:
- Quân Tây Phiên làm phản.
Tiêu Hậu thất kinh liền truyền lệnh phong bố nội thành.
Dương Ngũ Lang xông thẳng vào ngục, vừa gặp Cửu Muội và Chương Nô đang đánh ra, quân Phiên hoảng chạy chẳng dám cản đường.
Ngũ Lang và Cửu Muội đánh phá U Châu một hồi, rồi nổi lửa đốt cửa thành phía Nam kéo binh đánh rốc qua Đàn Châu.
Tiêu Thiên Hữu không biết do đâu mà binh biến, còn Gia Luật Đệ vừa giục ngựa đuổi theo thì gặp Ngũ Lang, hai bên giao chiến chưa được vài hiệp thì bị Ngũ Lang cho một búa bể óc. Trần Lâm và Sài Cảm dẫn binh đến nhưng chẳng dám chống cự, bèn bỏ binh mà chạy.
Dương Ngũ Lang nghĩ thầm:
- Thầy ta có nói Thiên tướng là Tiêu Thiên Hữu nửa mình đồng xương sắt, nếu muốn chém nó phải dùng búa Dáng Lâm, vậy ta thử xem?
Nghĩ rồi, xông vào nội thành gặp Tiêu Thiên Hữu phóng ngựa chạy ra, Ngũ Lang kêu lớn:
- Tiêu Thiên Hữu, ngươi đã đến số rồi.
Nói rồi niệm chú Dáng Lâm chém Tiêu Thiên Hữu một búa mình sa xuống ngựa.
Bấy giờ trời vừa rạng sáng, Ngũ Lang dẫn binh đánh phá dinh Phiên, thẳng vào Song Long Cốc. Mạnh Lương lúc ấy dẫn binh đánh nhồi ra gặp tướng Phiên là Huỳnh Oai Hiền, Mạnh Lương chém một búa té nhào.
Dương Diên Chiêu bấy giờ cũng thừa thế xông ra, hiệp binh với Dương Ngũ Lang đánh giết binh Phiên thây nằm chật đất, phá tan trùng vây rồi thu quân về trại.
Sáng hôm sau, chư tướng vào ra mắt Dương Diên Chiêu.
Dương Diên Chiêu nói:
- Nếu không nhờ Ngũ Ca ta ra sức cứu viện, thì ta đã khốn đốn rồi.
Dương Ngũ Lang kể lại chuyện Cửu Muội bị quân Phiên bắt cầm ngục, nếu chẳng gặp cơ hội này thì tánh mạng nó cũng không còn.
Cửu Muội nói:
- Em nhờ có ngục quan Chương Nô cứu giúp, nếu không thì đã bị binh Phiên sát hại rồi. Ơn ấy khó mà trả được.
Dương Ngũ Lang nói:
- Trong chốn thâm sơn U Cốc mà cũng có người tốt như vậy thật đáng kính.
Nói rồi, lấy bạc vàng gấm vóc tạ ơn Chương Nô.
Ngũ Lang nói với Cửu Muội:
- Hiền muội hãy trở về phụng dưỡng mẫu thân, anh cũng sẽ dẫn chúng tướng về Ngũ Đài sơn, còn Lục Đệ thì phải ở lại đây gìn giữ Tam Quan, để nối chí cha ngày trước.
Sau đó anh em từ giã mỗi người đi làm một trách nhiệm.
Dương Diên Chiêu về trại, sai người đem con Vạn Lý Vân về Biện Kinh trả lại cho Bát Vương.
Bát Vương được ngựa mừng rỡ nói:
- Lúc trước ta không cho mượn ngựa, chỉ vì muốn thử tài Mạnh Lương để thôi. Nay đã đem ngựa trả lại thì Mạnh Lương và Dương Diên Chiêu quả là người trọng nghĩa.
Nói rồi tâu vua truyền chỉ cho Dương Diên Chiêu trấn thủ Tam Quan, chiêu mộ anh hùng, phòng ngày sau đem binh phạt Bắc.
Vua Chơn Tôn nói:
- Dương Lục sứ vừa lập công lớn, nên trọng thưởng thế nào?
Bát Vương nói:
- Nên lấy lễ mà đãi cho trọng hậu để họ Dương hết lòng giúp nước.
Vua Chơn Tôn y lời sai người đem gấm vóc lụa là và vàng bạc đến nơi trọng thưởng.
Lúc ấy Vương Xu trở về mật phủ, nghĩ thầm:
- Nếu họ Dương mà anh hùng như vậy thì làm sao ta địch nổi?
Nghĩ rồi liền thỉnh Tạ Kim Ngô đến nói:
- Ta có việc cơ mật, muốn cùng ngươi bàn tính một việc.
Tạ Kim Ngô hỏi:
- Chẳng hay đại nhân có việc chi quan trọng chăng?
Vương Khâm nói:
- Ta lâu nay nhờ ơn thánh thượng trọng dụng, song Bát Vương có ý bất bình. Hôm trước nhân có việc ta đi qua Vô Nịnh phủ quên xuống ngựa, bị họ Dương làm nhục một phen, nên vào tâu với chúa thượng, bị Bát Vương đả kích. Nay ta nghĩ lại muốn từ quan thì mới tránh khỏi sự phiền não như vậy.
Tạ Kim Ngô nói:
- Đại quan sao lại quá nhẫn nhịn như vậy. Trong lúc có mấy vị đại thần nay đã tiêu tan gần hết rồi, duy còn có mấy người của chúng ta mà thôi. Các Điện hạ quyền thế tuy cao mà không có thủ hạ. Còn cha con họ Dương đã thành quỉ không đầu. Lúc Tiên đế còn sống vì tưởng cái ơn nên lập Thiên Ba lầu là Vô Nịnh phủ, để dụ dỗ bọn chúng. Nay Chúa thượng không còn nghĩ đến chuyện đó nữa. Vậy để tôi đi qua đó một phen, nếu chúng nó quen thói khinh người thì tôi sai bộ hạ phá hết hai phủ ấy xem chúng nó làm chi cho biết.
Vương Khâm thấy Tạ Kim Ngô trúng kế mình, liền nói khích:
- Tạ Phó Sứ chớ nên nóng nảy, nếu phá Thiên Ba lầu thì không dễ với Dương Lệnh bà, còn nếu phá Vô Nịnh phủ thì bọn ta không thể yên tâm mà bị nhục nhã.
Nói rồi mời Kim Ngô ở lại uống rượu, chuyện trò đến tối mới cho từ giã ra về.
Lời Bàn
Trí và tín là hai điều cơ bản để xây dựng danh giá con người. Thiếu một điều thì làm người không thể trọn vẹn.
Dương Diên Chiêu và Mạnh Lương là hai kẻ biết vận dụng trí và tín.
Trong lúc tình hình nguy hiểm, cần một con ngựa hay, để phá giặc Phiên, Mạnh Lương đã dùng hết mưu trí của mình đã bắt được con Vạn Lý Vân của Bát Vương. Đó là trí.
Lúc dẹp xong giặc Phiên, Dương Diên Chiêu sai người trả ngựa lại cho Bát Vương, thì đó là giữ điều tín nghĩa.
Trong cuộc sống con người, nếu chỉ dùng trí mà mưu đoạt lợi với kẻ khác, không có tín nghĩa, thì người đó trở thành kẻ gian manh, xảo trá.
Còn nếu chỉ dùng tín nghĩa, không đủ mưu trí để ứng biến tùng quyền, cứu nguy cho hoàn cảnh, thì kẻ đó là bất lực không đủ khả năng mưu đồ việc lớn.
Bởi vậy, làm người phải có trí và tín. Trí để mưu đồ thành công việc lớn, tín để giữ cách đạo nghĩa làm người.
Hai điều đó có trong một đức tánh con người, thì người đó là anh hùng, là kẻ siêu nhân.