- Hài cốt Dương Nghiệp trước chôn ở đây sao nay lại tìm không thấy?
Tên quân Phiên già đáp:
- Cách đây mấy tháng, Tiêu Hậu đã sai người đào lên đem về chôn ở Hồng Dương Động rồi.
Mạnh Lương nghe nói nghĩ thầm:
- Ta đến đây chỉ có việc ấy, nếu về không thì rất uổng công, chi bằng thẳng đến U Châu mà tìm cách khác.
Nghĩ rồi thay đổi y phục, giả dạng một tên quân Phiên thẳng qua U Châu.
Đến nơi gặp một ông chài đang xách một giỏ cá đi tới. Mạnh Lương hỏi:
- Ngươi đi đâu vậy?
Ông chài đáp:
- Ngày mai là ngày chúc thọ của Tiêu Hậu, theo lệ phải đem cá tươi chúc mừng.
Mạnh Lương nghĩ thầm:
- Như vậy thì ta theo lão chài này vào thành xem sao.
Nghĩ rồi bèn nói với lão chài:
- Tôi cũng muốn vào thành, vậy chúng ta cùng nhau đi cho có bạn.
Lão chài đi trước, Mạnh Lương nối gót theo sau. Đi được một lúc đến chỗ vắng vẻ, Mạnh Lương rút dao chém lão chài chết tốt rồi lột hết y phục mặc vào, y tấm nha bài cầm nơi tay, đeo giỏ cá vào lưng.
Quân giữ thành thấy Mạnh Lương thì đón lại. Mạnh Lương xưng mình là người đến dâng cá để chúc thọ nhà vua, nên quân giữ cửa thả cho đi. Lúc ấy Tiêu Hậu ngự ra triều, văn võ bá quan chầu đủ mặt. Có quan Huỳnh Môn vào tâu:
- Nay có ông chài ở sông Huỳnh Hà đến dâng cá tươi mừng thọ.
Tiêu Hậu truyền chỉ cho vào.
Mạnh Lương bước vào, Tiêu Hậu hỏi:
- Có phải là người dâng cá năm ngoái không?
Mạnh Lương tâu:
- Đúng là hạ thần, nhưng năm nay cá không lớn bằng năm ngoái, nhưng rất thơm ngon, xin Bệ hạ dùng thử rồi sẽ biết.
Tiêu Hậu truyền các quan thu lễ vật rồi dọn tiệc thết đãi quần thần. Lúc ấy có quan vào báo:
- Bên nước Tây Lương có đem một con ngựa tốt tên Túc Sương dâng cho nước Tống, khi đi ngang qua U Châu bị tướng Liêu bắt được, nên đem về nạp cho Bệ hạ.
Tiêu Hậu nghe báo truyền dắt ngựa vào, quả nhiên thấy đó là một con tuấn mã lông màu xanh, cặp mắt long lanh, bốn chân cao hơn sáu thước, Tiêu Hậu khen:
- Ngựa này rất quí.
Bèn truyền lệnh cho quan Hữu Tư nuôi dưỡng tử tế.
Quan Hữu Tư vâng lệnh dắt ngựa về nhất trong chuồng phía sau dinh.
Mạnh Lương nghe được việc ấy, liền lén đến xem rồi nghĩ thầm:
- Ta phải lấy hài cốt trước, rồi dùng kế bắt con ngựa này làm chân trở về thì tiện lắm.
Nghĩ rồi, liền đi thẳng đến Hồng Dương động, nơi có chỗ đất bằng, thấy có một gò cao, có tấm biển đề chữ: Dương Nghiệp chi mộ. Mạnh Lương chờ trời tối lén đào lấy hài cốt chạy về chỗ trú ngụ giấu một nơi, rồi lén đem thuốc độc đến bên chuồng ngựa ném vào máng cỏ, làm cho con ngựa bị chất độc không ăn được.
Quan Hữu Tư thấy vậy vào báo với Tiêu Hậu, Tiêu Hậu nói:
- Con ngựa đó là con ngựa quí, nếu không ăn thì chắc có bệnh. Vậy phải tìm thầy thuốc chữa trị.
Nói rồi, hạ chỉ treo bảng chọn thầy thuốc ngựa.
Mạnh Lương hay tin vội ra giật bảng, nói với quân sĩ:
- Ta là thầy thuốc chữa bệnh ngựa.
Quân sĩ dẫn Mạnh Lương vào cung. Tiêu Hậu nói:
- Nếu ngươi chữa cho ngựa lành bệnh thì ta phong chức cho ngươi.
Mạnh Lương vâng chỉ lui ra, đến chuồng ngựa đem thuốc giải độc, làm cho con ngựa trở lại ăn cỏ như thường.
Quan Hữu Tư mừng rỡ vào triều tâu với Tiêu Thái Hậu.
Tiêu Thái Hậu nói với Mạnh Lương:
- Con ngựa ấy đã mạnh, ấy cũng nhờ công của khanh, nay tại Yên Châu có khuyết một viên Tổng quản, vậy trẫm phong cho khanh chức ấy mà đến nơi trấn nhậm.
Mạnh Lương tạ ơn lui ra nghĩ thầm:
- Ta muốn bắt con ngựa, đâu phải ham chức Tổng quản.
Nghĩ rồi liền vào tâu với Tiêu Thái Hậu:
- Mang ơn Bệ hạ phong quan chức, song con ngựa ấy mới mạnh còn phải tiếp tục chăm sóc, xin cho tôi lãnh về Yên Châu mà chăm sóc nó ít hôm, thì con ngựa đó mới an toàn.
Tiêu Hậu nói:
- Lời khanh tâu rất phải.
Liền giao con ngựa cho Mạnh Lương đem về Yên Châu nuôi dưỡng.
Mạnh Lương lui ra lén về nhà trọ đem hài cốt cột vào lưng, rồi thoát lên yên rời khỏi U Châu chạy miết về Giải sơn trại.
Quân sĩ trông thấy, biết là Mạnh Lương bèn chạy vào báo cho Dương Chiêu hay.
Dương Diên Chiêu sai Nhạc Thắng và Tiêu Táng ra đón tiếp.
Mạnh Lương vào đến nơi thì kêu lớn nói:
- Thượng quan! Mạnh Lương đã trở về đây.
Dương Diên Chiêu thấy Mạnh Lương trở về mừng rỡ hỏi:
- Có Việc Chi mà mừng vui như vậy?
Mạnh Lương thuật hết đầu đuôi công chuyện, và nói:
- Nay tôi đã đem được hài cốt của Lệnh công về đây, bây giờ phải tìm nơi an táng, còn con ngựa này là ngựa quí, phải đem về dâng cho chúa thượng mà lập công.
Diên Chiêu liền đem con ngựa Túc Sương về triều hiến nạp.
Vua Chân Tôn xem thấy con ngựa rất mừng, nói với quần thần:
- Diên Chiêu mới trấn thủ Tam Quan mà đã thâu đặng ba viên tướng giỏi, lại đoạt được ngựa quí đem dâng cho ta thì công ấy chẳng nhỏ.
Bát Vương tâu:
- Dương Diên Chiêu hết lòng trung vì nước, Bệ hạ mà trọng thưởng là đúng lắm.
Vua Chơn Tôn liền sai sứ đem thịt rượu đến thưởng cho Dương Diên Chiêu và các tướng.
Bỗng có quan cận thần bước ra tâu:
- Nay có binh Phiên đánh phá Đàng Châu, xin Bệ hạ liệu định.
Vua Chơn Tôn liền hỏi quần thần:
- Nay Phiên binh xâm phạm bờ cõi, nên sai ai đi đánh dẹp.
Bát Vương tâu:
- Đàng Châu với Tam Quân gần gũi nhau, xin Bệ hạ giáng chỉ sai Dương Diên Chiêu đi đánh dẹp thì rất tiện.
Vua Chơn Tôn nhận lời, liền hạ chỉ sai Dương Diên Chiêu đem quân bình Phiên.
Vương sứ lãnh chỉ đem đến Giải Sơn trại, Dương Diên Chiêu vâng chỉ, nhóm các tướng mà thương nghị:
- Nay binh Phiên phá rối Đàng Châu, triều đình sai bọn ta đánh dẹp, vậy các ngươi phải ra sức lập công.
Mạnh Lương nói:
- Bắc Phiên dấy loạn, ấy cũng tại tôi chọc nó, vậy thì cho tôi dẫn binh ra trước mà ngăn chống.
Dương Diên Chiêu nói:
- Tiêu Thiên hữu là danh tướng của Bắc Phiên, ngươi dẫn binh đi trước, ta sẽ xuất binh tiếp ứng.
Mạnh Lương hớn hở ra đi. Dương Diên Chiêu lại kêu Nhạc Thắng bảo:
- Ngươi hãy dẫn binh mã ra đóng nơi phía tả, chờ ta đến thì hai bên giáp chiến phủ vây quân địch
Nhạc Thắng vâng lệnh dẫn quân đi, còn Dương Diên Chiêu dẫn hai ngàn quân theo sau cứu ứng.
Quân Phiên hay được chạy về phi báo.
Tiêu Thiên hữu nói với Gia Luật Đệ:
- Thái Hậu hạ chỉ sai ta dẫn quân trị thằng ăn trộm ngựa là Mạnh Lương, nay nó lại đến đây đánh với ta, như vậy phải làm sao bắt nó, để đòi con ngựa lại đem về dâng chúa thượng.
Gia Luật Đệ nói:
- Nguyên soái chớ lo, thằng ăn trộm ngựa đó mà tài cán gì, chỉ cần một trận đánh ắt thành công.
Khi Tiêu Thiên Hữu dẫn binh ra thì Mạnh Lương đã phất cờ gióng trống, vung búa lướt tới, hét lớn:
- Phiên tặc! Hãy trở về cho mau kẻo mất mạng.
Tiêu Thiên Hữu nổi giận mắng:
- Thằng ăn trộm ngựa còn dám ra đây múa mỏ sao?
Hai bên đánh nhau hơn mười hiệp, chưa rõ hơn thua, Gia Luật Đệ xông vào trợ chiến. Bỗng nghe phía sau núi có tiếng quân la hét, rồi Nhạc Thắng xông tới chận Gia Luật Đệ lại. Bốn tướng cùng hỗn chiến một lúc. Nhạc Thắng thấy quân mình bị yếu thế, chẳng dám đánh nữa, bèn hiệp binh với Mạnh Lương kéo chạy về ải.
Tiêu Thiên Hữu biết phía trước có phục binh, liền thâu quân trở lại.
Mạnh Lương về trại ra mắt Dương Diên Chiêu và thuật lại thế trận.
Còn Tiêu Thiên Hữu cũng thâu binh về bàn luận với các tướng:
- Mạnh Lương và Nhạc Thắng là hai dũng tướng, nếu cứ đấu chiến mãi cũng chẳng ích gì. Cách đây chừng ba mươi dặm có một chỗ là Song Long Cốc, chỗ ấy rất hiểm trở, có một con đường nhỏ thông qua Nhạn Lãnh Sơn, phía ấy thuộc về đất U Châu, nếu có một người dẫn binh mai phục trước, rồi dụ giặc vào đó mà vây, thì chúng nó phải chết đói.
Gia Luật Đệ lãnh kế kéo quân đi.
Tiêu Thiên Hữu lại sai Quỳnh Oai Hiểu dẫn một ngàn quân ra nơi Nhạn Lãnh Sơn chờ quân giặc đến thì xông ra chận đường.
Huỳnh Oai Hiển lãnh kế ra đi.
Lời bàn.
Kẻ tâm phúc không phải là kẻ vì quyền lợi, mà vì lương tri.
Trong xã hội, nhiều người kết thân với nhau, tôn thờ kẻ khác thường hay nghĩ đến quyền lợi và danh vọng.
Những người vì quyền lợi và danh vọng thì hay dua nịnh, dùng lời nói ấy cho tình cảm, mà hành động thì ngược lại.
Kẻ có kiến thức, khi chọn một người tâm phúc phải xét về ẩn tình hơn là quyền lợi, thì mới khỏi lầm lẫn.
Mạnh Lương là tên trộm ngựa, thế mà quyền lợi không ham, được Dương Diên Chiêu kết thân thì chịu khổ cực đi lấy hài cốt của cha Dương Diên Chiêu đem về để đền đáp tình sâu nghĩa trọng, dù phải cực khổ đến đâu cũng cố gắng.
Cho nên, lòng người khi thân nhau, tình thương xuất phát từ đạo nghĩa, chứ không phải bằng quyền lợi vật chất, kẻ trọng lễ vật chất hơn tình nghĩa thì không thể nào giữ trọn được lòng trung hậu.