Tại Sao Mác Đúng?

Chương 2: Chủ Nghĩa Mác Là Độc Tài, Bạo Lực?

PHẢN BÁC:

Chủ nghĩa Mác có thể rất đúng đắn về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn thì kết quả lại là khủng bố, độc tài và giết người hàng loạt trên quy mô chưa từng có. Chủ nghĩa Mác có thể là một tư tưởng tốt đẹp đối với những học giả phương Tây giàu có – những người coi tự do và dân chủ là một lẽ đương nhiên. Nhưng đối với hàng triệu người bình thường, nó lại có nghĩa là đói nghèo, khổ sở, hành hạ, lao động cưỡng bức, một nền kinh tế đổ vỡ và một nhà nước áp bức nặng nề. Những người bất chấp tất cả vẫn tiếp tục ủng hộ học thuyết này là những người ngu dốt, đáng khinh hoặc tự lừa dối mình. Chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với thiếu tự do, nó còn đồng nghĩa với thiếu hàng hóa vật chất, bởi vì đây chắc chắn là hậu quả của việc xóa bỏ thị trường.

BIỆN GIẢI:

 

Rất nhiều người phương Tây ủng hộ nhiệt tình cho những tổ chức vô danh. Những người theo đạo Thiên Chúa chẳng hạn. Không có gì lạ khi những người tử tế giàu lòng trắc ẩn ủng hộ toàn bộ sự khai hóa văn minh ngập chìm trong máu. Những người tự do, những người bảo thủ cùng với rất nhiều người khác nữa cũng vậy. Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách đáng ghê tởm – hơn cả Trung Quốc thời kỳ của Mao hay Liên Xô thời kỳ của Stalin. Chủ nghĩa tư bản cũng được tôi luyện trong máu và nước mắt; chỉ có điều nó đã tồn tại đủ lâu để quên đi nỗi khủng khiếp ấy, thế nhưng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao lại không được như vậy. Nếu Các Mác được tha thứ cho sự lãng quên này, một phần là do ông đã sống ở thời những chế độ đó vẫn chưa được hình thành.

Mike Davis viết trong cuốn Sự tàn sát khủng khiếp cuối thời Victoria (Late Victorian Holocausts) về hàng chục triệu người Ấn Độ, châu Phi, Trung Quốc, Brazil, Triều Tiên, Nga và rất nhiều nước khác chết do nạn đói, hạn hán và dịch bệnh mà hoàn toàn có thể tránh được cuối thế kỷ XIX. Phần nhiều những thảm họa này là kết quả của tín điều thị trường tự do, ví dụ như giá ngũ cốc tăng vọt làm cho lương thực vượt ra ngoài khả năng của những người bình thường. Nhưng tất cả những điều cổ quái đó không phải cổ xưa như dưới thời Nữ hoàng Victoria. Trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX, số người trên thế giới sống dưới 2 đôla một ngày đã tăng lên đến gần một trăm triệu[1]. Ngày nay, cứ ba trẻ em ở Anh thì có một trẻ em sống dưới mức đủ ăn, trong khi những người quản lý ngân hàng lại ngúng nguẩy khi mức thưởng hàng năm của họ giảm xuống còn một triệu bảng.

Nói đúng ra thì chủ nghĩa tư bản cũng mang lại cho chúng ta những hàng hóa quý giá bên cạnh những thứ ghê tởm. Không kể tầng lớp trung lưu mà Các Mác ca ngợi hết lời, chúng ta có lẽ sẽ thiếu đi một di sản về tự do, dân chủ, quyền công dân, chủ nghĩa nam nữ bình quyền, nền cộng hòa, tiến bộ khoa học và nhiều thứ khác nữa, cũng như thiếu một lịch sử về đình trệ kinh tế, bóc lột sức lao động, chủ nghĩa phát xít, chiến tranh đế quốc và tài tử điện ảnh Mel Gibson. Nhưng cái được gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa cũng có những thành tựu của nó. Trung Quốc và Liên Xô đã đưa những công dân của mình ra khỏi lạc hậu kinh tế để đến với thế giới công nghiệp hiện đại, nhưng lại bằng cái giá khủng khiếp về con người; và cái giá lớn như vậy một phần là do thái độ thù địch của phương Tây tư bản chủ nghĩa. Thái độ thù địch đó cũng đã buộc Liên Xô phải chạy đua vũ trang, làm cho nền kinh tế ốm yếu của nước này lụn bại hơn, và cuối cùng sụp đổ.

Nhưng trong khi đó, cùng với các nước vệ tinh của mình, Liên Xô đã cố gắng đạt được nhà ở, nhiên liệu, giao thông và văn hóa giá rẻ, việc làm đầy đủ và những dịch vụ xã hội ấn tượng cho một nửa dân số châu Âu, cũng như một mức độ công bằng và đầy đủ về vật chất mà không một quốc gia nào trong số đó trước đây có thể sánh được. Nước Đông Đức cộng sản có thể kiêu hãnh về một trong những hệ thống chăm sóc trẻ em tốt nhất thế giới. Liên Xô giữ một vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa phát xít tàn bạo, đồng thời làm lung lay các cường quốc thực dân. Nó cũng tăng cường sự đoàn kết giữa các công dân của mình mà các quốc gia phương Tây dường như chỉ có thể giành được khi họ giết chóc người bản xứ ở những mảnh đất khác. Nói đúng ra thì tất cả những cái đó không thay thế được tự do, dân chủ và rau tươi trong cửa hàng, nhưng không thể bỏ qua những giá trị đó. Khi mà tự do và dân chủ cuối cùng là cứu cánh cho khối Xô viết, thì họ đã làm điều này dưới hình thức một liệu pháp sốc kinh tế, một dạng cướp ngày được gọi một cách mĩ miều là tư nhân hóa, khiến hàng chục triệu người thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng tăng nhanh một cách lạ lùng, dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí biến mất, phụ nữ bị mất quyền bình đẳng, mạng lưới phúc lợi xã hội sụp đổ, những thứ mà trước đây đã phục vụ rất tốt cho những đất nước này.

Mặc dù vậy, thành tựu của chủ nghĩa cộng sản không thể bù đắp được những mất mát. Có thể, một hình thức nhà nước độc tài nào đó là không thể tránh khỏi trong tình trạng tồi tệ ở Liên Xô thời kỳ đầu; nhưng điều này không nhất thiết phải có chủ nghĩa Stalin hay bất kỳ cái gì tương tự. Nói tóm lại, chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Stalin là những thể nghiệm chắp vá đau xót, khiến chính ý tưởng về chủ nghĩa xã hội trở nên xấu xa đối với tất cả những người hưởng lợi nhất từ chủ nghĩa xã hội trên khắp thế gian. Nhưng còn chủ nghĩa tư bản thì sao? Như tôi đã viết, tình trạng thất nghiệp ở phương Tây đã lên tới hàng triệu và đang tăng lên một cách nhanh chóng. Những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã không bị nổ tan tành chỉ nhờ chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đôla từ những người công dân đang gặp khốn khó của nó. Giới ngân hàng và tài chính, những người đã đưa hệ thống tài chính thế giới đến bên bờ vực thẳm không còn nghi ngờ gì nữa, đang xếp hàng để phẫu thuật thẩm mỹ bởi họ sợ rằng sẽ bị những người dân đang tức giận đi tìm và đánh cho bầm dập. 

Đúng là có những lúc chủ nghĩa tư bản rất hiệu quả, với cái nghĩa là nó đã đem lại thịnh vượng cho nhiều khu vực trên thế giới. Nhưng cũng giống như Mao và Stalin, nó làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó không chỉ là nạn diệt chủng, đói nghèo, chủ nghĩa đế quốc, và buôn bán nô lệ. Chế độ này cũng đã cho thấy rằng nó không có khả năng duy trì sự thịnh vượng mà không đi cùng với sự tước đoạt thậm tệ. Đúng là điều này có thể không ảnh hưởng nhiều về lâu dài, nhưng giờ đây con đường tư bản chủ nghĩa đang đe dọa phá hủy toàn bộ hành tinh này. Một học giả phương Tây xuất chúng đã mô tả sự biến đổi khí hậu như là “sự thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử của thị trường”[2].

Chính Các Mác cũng không bao giờ hình dung chủ nghĩa xã hội có thể hoàn thành trong tình trạng nghèo khổ cùng cực. Một công trình như vậy đòi hỏi sự diệu kỳ giống như phát minh ra Internet vào thời Trung cổ. Trước Stalin, không một người theo chủ nghĩa Mác nào có thể hình dung điều này là khả thi, kể cả Lê-nin, Trotsky và những người lãnh đạo Bôn-sê-vich khác. Bạn không thể phân chia lại của cải có lợi cho tất cả mọi người nếu gần như chẳng có gì đáng giá để phân chia lại cả. Bạn cũng không thể xóa bỏ các tầng lớp xã hội trong tình trạng khan hiếm, bởi vì những mâu thuẫn nảy sinh khi phần thặng dư vật chất quá ít ỏi không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người chắc chắn sẽ làm nảy sinh thêm mâu thuẫn. Như Các Mác đã bình luận trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, kết quả của một cuộc cách mạng trong điều kiện như thế sẽ dễ dàng lặp lại “một công việc bẩn thỉu cũ rích”. Tất cả những gì bạn nhận được là sự khan hiếm được xã hội hóa. Nếu bạn cần tích lũy vốn từ vạch xuất phát, thì tuy thô bạo, nhưng cách hiệu quả nhất để làm được là thông qua động cơ vì lợi nhuận. Sự ham muốn tư lợi sẽ có khả năng tích lũy tiền của với một tốc độ nhanh chóng, mặc dù nó đồng thời có xu hướng tích tụ nghèo đói.

Không một người theo chủ nghĩa Mác nào từng nghĩ đến khả năng hoàn thành chủ nghĩa xã hội chỉ trong một đất nước. Phong trào phải mang tính quốc tế hoặc không bao giờ có. Đây là một khẳng định duy vật thiết thực chứ không hề duy tâm. Nếu một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội không giành được sự ủng hộ của quốc tế trong một thế giới mà sản xuất được chuyên môn hóa và có sự phân công giữa các quốc gia khác nhau, thì nó không thể thu hút được nguồn tài nguyên trên toàn thế giới cần thiết để khắc phục sự khan hiếm. Lượng của cải sản xuất ra của một nước đơn lẻ là không đủ. Khái niệm lạ lùng về chủ nghĩa xã hội ở một nước được Stalin sáng tạo ra vào những năm 1920 gần như là sự hợp lý hóa đầy nhạo báng trước một thực tế rằng những quốc gia khác đã không thể giúp đỡ Liên Xô. Chính Các Mác cũng không hề biện hộ cho điều đó. Tất nhiên, những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa phải diễn ra ở đâu đó. Nhưng chúng không thể hoàn thành trong biên giới một quốc gia. Việc đánh giá chủ nghĩa xã hội bằng kết quả của nó trong một quốc gia tách biệt giống như kết luận về cả loài người từ một nghiên cứu bệnh nhân tầm thần ở Kalamazoo.

Xây dựng một nền kinh tế từ những mức rất thấp là một nhiệm vụ vô cùng vất vả và dễ nản lòng. Con người khó có thể tự nguyện cam chịu cực khổ. Vì vậy, nếu công trình này không được tiến hành từ từ dưới sự điều hành dân chủ và phù hợp với giá trị xã hội chủ nghĩa, thì một nhà nước độc tài sẽ xuất hiện cưỡng bức những công dân của mình phải làm những việc mà họ không tự nguyện thực hiện. Sự quân sự hóa lao động ở Nga Bôn-sê-vich chính là như vậy. Nên một cách hết sức châm biếm, kết quả sẽ làm suy yếu kiến trúc thượng tầng chính trị của chủ nghĩa xã hội (nền dân chủ phổ biến, chế độ tự trị thực sự) trong nỗ lực xây dựng nền móng kinh tế của nó. Điều đó giống như được mời đến một bữa tiệc chỉ để rồi phát hiện ra rằng bạn không chỉ phải nướng bánh và ủ bia mà còn phải đào móng xây nhà. Bạn sẽ chẳng còn thời gian cho vui thú nữa.

Một cách lý tưởng thì chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải có được những người dân có kỹ năng, được giáo dục tốt, hiểu biết về chính trị, những thể chế dân sự phát triển; những công nghệ hiện đại; những truyền thống tự do văn minh và sự thích nghi với nền dân chủ. Không cái nào trong số này có thể đạt được nếu bạn thậm chí không có khả năng sửa chữa đường giao thông của mình, hoặc bạn không có chính sách bảo hiểm để chống lại bệnh tật hay nạn đói ngoài duy nhất một con lợn nuôi nhốt trong chuồng. Những quốc gia có lịch sử là thuộc địa càng có khả năng bị mất những lợi ích mà tôi vừa liệt kê, vì những đế quốc thực dân không có thực tâm muốn truyền bá các quyền tự do cơ bản của công dân hay các thể chế dân chủ cho những nước thuộc địa của họ.

Như Các Mác đã tuyên bố, chủ nghĩa xã hội cũng đòi hỏi giảm ngày làm việc – một phần để cung cấp thời gian rảnh rỗi cho mọi người đáp ứng nhu cầu cá nhân, một phần nữa để tạo ra thời gian cho vấn đề tự quản chính trị và kinh tế. Bạn không thể làm điều này nếu người dân không có giầy đi, và việc phân chia giầy đi cho hàng triệu công dân chắc chắn đòi hỏi phải có một chính phủ quan liêu tập trung. Nếu quốc gia của bạn đang bị xâm lược bởi những cường quốc tư bản thù địch, như nước Nga trong cách mạng Bôn-sê-vích, một chính phủ chuyên quyền có vẻ là không tránh khỏi. Nước Anh trong Thế chiến thứ hai không phải là nước chuyên chế nhưng nó chẳng hề là một nước tự do, mà là một nước chẳng ai mong chờ. 

Vì vậy, để đi lên xã hội chủ nghĩa, bạn cần tương đối khá giả, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Không một người theo chủ nghĩa Mác nào từ Các Mác và Ph.Ănghen đến V.I.Lê-nin và Trotsky từng mơ về một thứ nào khác. Hoặc nếu bản thân bạn không sung túc, thì phải có một người hàng xóm đồng cảm sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên vật chất để giúp đỡ bạn. Trong trường hợp những người Bôn-sê-vích, điều này có nghĩa là những người hàng xóm (cụ thể là Đức) cũng có những cuộc cách mạng riêng. Nếu tầng lớp lao động của những nước này có thể lật đổ được những ông chủ tư bản của họ và giành lấy những năng lực sản xuất, thì họ có thể dùng những nguồn tài nguyên đó để cứu nhà nước công nhân đầu tiên khỏi bị chìm nghỉm. Đây không phải là một kiến nghị bất khả thi. Châu Âu lúc đó đang hừng hực hy vọng về một cuộc cách mạng, khi những hội đồng đại biểu cho công nhân và quân nhân (hay còn gọi là Xô viết) bất ngờ xuất hiện ở nhiều thành phố như Becslin, Vác-xa-va, Viên, Munich và Riga. Khi những cuộc nổi dậy này bị đàn áp, Lê-nin và Trotsky biết rằng cuộc cách mạng của họ đã rơi vào tình cảnh khó khăn khủng khiếp. 

Không phải là việc xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể bắt đầu trong những điều kiện khốn khó. Đúng hơn là khi không có những nguồn tài nguyên vật chất, nó sẽ biến thành một bức tranh biếm họa kỳ cục về chủ nghĩa xã hội được biết đến là chủ nghĩa Stalin. Cuộc cách mạng Bôn-sê-vích sớm nhận ra nó đã bị bao vây bởi quân đội của những đế chế phương Tây, đồng thời bị đe dọa bởi lực lượng phản cách mạng, đói nghèo thành thị và một cuộc nội chiến đẫm máu. Nó bị bỏ lại giữa một đại dương mênh mông những người nông dân thù địch, những người miễn cưỡng giao nộp số thặng dư khó khăn mới kiếm dược của mình cho những thị trấn đói kém dưới sự đe dọa của họng súng. Với một cơ sở tư bản chủ nghĩa eo hẹp, trình độ sản xuất vật chất thấp kém thảm hại, những dấu vết hiếm hoi của thể chế dân sự, tầng lớp lao động bị tàn sát và kiệt quệ, nông dân nổi dậy và bộ máy quan liêu hống hách sánh ngang với thời Nga hoàng, cuộc cách mạng gần như gặp rắc rối lớn ngay từ thuở ban đầu. Cuối cùng thì những người Bôn-sê-vích cũng dẫn dắt được những người dân đói khổ, chán nản, mệt mỏi vì chiến tranh của mình đến với hiện đại trước họng súng đe dọa. Nhiều người công nhân quốc phòng có đầu óc chính trị nhất đã hy sinh trong cuộc nội chiến do phương Tây hậu thuẫn, để lại cho Đảng Bôn-sê-vích một nền tảng xã hội thoái hóa. Đảng đó đã nhanh chóng chiếm đoạt Xô-viết của công nhân, cấm đoán hệ thống luật pháp và báo chí độc lập. Nó đàn áp những người bất đồng quan điểm chính trị và các đảng đối lập, bầu cử bị thao túng và lao động được quân sự hóa. Chương trình chống chủ nghĩa xã hội tàn nhẫn này đã dẫn đến nội chiến, làm lan rộng nạn đói và ngoại xâm. Nền kinh tế của Nga bị phá sản, cơ cấu xã hội của nước này bị tan rã. Trong sự trớ trêu đến bi thảm đánh dấu toàn bộ thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội đã chứng minh khả năng thực hiện thấp nhất ở nơi cần nó nhất.

Nhà sử học Issac Deutscher đã mô tả tình hình với tài hùng biện xuất sắc của mình. Tình hình nước Nga vào lúc đó “là nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội duy nhất cho đến nay được thực hiện trong những điều kiện tồi tệ nhất, không cần đến những lợi ích của sự tăng cường phân công lao động quốc tế, không cần đến cả những truyền thống văn hóa cổ xưa và phức tạp có tầm ảnh hưởng lớn, trong một môi trường nghèo nàn đáng kinh ngạc về vật chất và văn hóa, nguyên thủy và tàn nhẫn đến nỗi làm hỏng cả tinh thần đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội”[3]. Nó khiến một nhà phê bình chủ nghĩa Mác trơ trẽn nhất phải thừa nhận rằng chẳng có cái nào trong số trên là thích đáng vì bất luận thế nào thì chủ nghĩa Mác cũng chỉ là một tín điều độc đoán. Nếu mai này nó được thực hiện ở nước Anh, thì chẳng mấy chốc sẽ có nhan nhản những trại lao động ngay tại thị trấn lịch sử Dorking ở phía nam London.

Như chúng ta thấy, chính Các Mác là nhà phê bình những giáo điều cứng nhắc, khủng bố quân sự, đàn áp chính trị và quyền lực nhà nước độc tài. Ông cho rằng, những đại biểu chính trị cần có trách nhiệm với các cử tri của mình. Ông cũng phê phán quan điểm chính trị nhà nước tập trung của Đảng Dân chủ Xã hội Đức đương thời với ông. Ông yêu cầu tự do ngôn luận và tự do dân sự, ông ghê sợ sự hình thành giai cấp vô sản thành thị theo kiểu cưỡng bức (theo ông trường hợp này là Anh chứ không phải Nga), và cho rằng quyền sở hữu chung ở nông thôn nên là một quá trình tự nguyện hơn là ép buộc. Là một người nhận ra chủ nghĩa xã hội không thể phát triển trong những điều kiện nghèo khó xơ xác, chắc là ông có thể hiểu chính xác vì sao cách mạng Nga lại đi đến thất bại.

Trong thực tế, thật là nghịch lý khi mà chủ nghĩa Stalin lại cung cấp bằng chứng cho tính hợp lý của chủ nghĩa Mác chứ không phải bôi nhọ tác phẩm của Các Mác. Nếu bạn muốn có một lời giải thích thuyết phục về quá trình chủ nghĩa Stalin xuất hiện như thế nào, bạn phải tìm hiểu chủ nghĩa Mác. Chỉ lên án đạo đức của kẻ hung bạo là chưa đủ. Chúng ta cần biết nó nảy sinh ở những điều kiện cụ thể nào, hoạt động ra sao và sẽ thất bại như thế nào. Những luồng tư tưởng chính thống của chủ nghĩa Mác sẽ cho biết những kiến thức này. Những người Mác-xít như vậy, mà nhiều người trong số đó ủng hộ Leon Trotsky hay nhánh tự do của chủ nghĩa xã hội, khác với những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây ở một khía cạnh quan trọng: sự phê phán của họ đối với cái được gọi là xã hội cộng sản vững chắc hơn rất nhiều. Họ không tự hài lòng với những mong ước khẩn thiết của mình về nền dân chủ hay dân quyền nhiều hơn. Thay vào đó, họ kêu gọi đánh đổ toàn bộ chính quyền tàn bạo, đòi hỏi chính xác như những người xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, họ đã đưa ra những đòi hỏi như vậy gần như từ khi Stalin lên cầm quyền. Cùng lúc đó, họ cảnh báo rằng nếu chế độ cộng sản cần phải sụp đổ thì chủ nghĩa tư bản sẽ chầu chực để nhảy vào vồ lấy nó ngay giữa đống đổ nát đó. Leo Trotsky đã tiên đoán chính xác kết cục của Liên Xô và điều đó được chứng minh là đúng hai mươi năm trước. 

Tưởng tượng rằng bộ máy tư bản chủ nghĩa hơi ngông cuồng tìm cách biến những bộ lạc cận đại thành một nhóm doanh nhân không ngừng học hỏi, nắm vững công nghệ, thành thạo về quan hệ công chúng và kinh tế thị trường tự do, tất cả chỉ trong một thời gian ngắn. Liệu một thử nghiệm chắc chắn không thành công đó có phải là một lời buộc tội chính đáng đối với chủ nghĩa tư bản? Chắc chắn là không. Suy nghĩ như vậy cũng vô lý giống như tuyên bố rằng nên giải tán phong trào nữ hướng đạo sinh vì họ không thể giải quyết được một số vấn đề gian lận trong vật lí lượng tử. Những người theo chủ nghĩa Mác không tin rằng truyền thống tự do hùng mạnh từ Thomas Jefferson đến John Stuart Mill sẽ bị thủ tiêu bởi sự tồn tại những nhà tù bí mật của CIA dùng để tra tấn những người Hồi giáo, mặc dù những nhà tù như vậy là một phần trong những chính sách chính trị của xã hội tự do ngày nay. Thế nhưng, những nhà phê bình chủ nghĩa Mác không sẵn sàng thừa nhận rằng xét xử công khai và khủng bố dân thường không phải là sự bác bỏ chủ nghĩa tư bản.

Tuy nhiên, vẫn có lý do nữa khiến một số người nghĩa chủ nghĩa Mác không hiệu quả. Cứ cho rằng bạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thịnh vượng, làm sao bạn có thể điều hành một hệ thống kinh tế hiện đại phức tạp nếu không có thị trường? Câu trả lời của rất nhiều người Mác-xít là không cần phải lo. Thị trường theo quan điểm của họ, là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cái được gọi là chủ nghĩa xã hội thị trường dự đoán trước được tương lai mà ở đó các phương thức sản xuất được tập thể sở hữu, nhưng hợp tác xã tự quản sẽ cạnh tranh với nhau trên thị trường[4]. Theo cách này, một số điểm ưu việt của thị trường sẽ được giữ lại và những nhược điểm sẽ bị loại bỏ. Ở cấp độ từng doanh nghiệp, hợp tác sẽ đảm bảo sự gia tăng hiệu quả, vì có bằng chứng cho thấy rằng hiệu quả của hình thức kinh doanh này hầu như luôn bằng với kinh doanh tư bản chủ nghĩa và thậm chí còn hơn. Còn ở cấp độ nền kinh tế nói chung, cạnh tranh bảo đảm rằng những vấn đề thông tin, phân phối và động lực đi cùng với mô hình kế hoạch tập trung truyền thống của chủ nghĩa Stalin sẽ không nảy sinh. 

Một số người Mác-xít khẳng định chính Các Mác là một nhà xã hội chủ nghĩa thị trường, ít nhất với nghĩa là ông tin rằng thị trường sẽ còn rơi rớt lại trong thời kỳ quá độ sau cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng cho rằng thị trường vừa có tính giải phóng cũng vừa có tính bóc lột, giúp con người thoát khỏi sự phụ thuộc vào vua chúa và chủ đất. Thị trường làm sáng tỏ những bí ẩn của các quan hệ xã hội, bóc trần thực tế ảm đạm của những mối quan hệ đó. Các Mác đã thích thú quan điểm này nhiều đến nỗi mà triết gia Hannah Arendt từng mô tả chương mở đầu của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản là “sự tán dương hay nhất từng thấy về chủ nghĩa tư bản”[5]. Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội thị trường cũng chỉ ra rằng, thị trường không hề là của riêng chủ nghĩa tư bản. Trotsky cũng ủng hộ thị trường (một vài môn đệ của ông có thể bất ngờ khi nghe nói vậy), dù chỉ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và trong sự kết hợp với kế hoạch hóa kinh tế. Ông cho rằng, thị trường là cần thiết để kiểm tra tính thỏa đáng và tính thích hợp của kế hoạch hóa, bởi “hạch toán kinh tế là không thể thực hiện nếu thiếu quan hệ thị trường”[6]. Cùng với nhóm đối lập cánh tả Xô-viết, ông là một nhà phê bình mạnh mẽ cái được gọi là nền kinh tế chỉ huy.

Chủ nghĩa xã hội thị trường thủ tiêu sở hữu cá nhân, giai cấp xã hội và sự bóc lột. Nó cũng đặt quyền lực kinh tế vào tay những người sản xuất thực sự. Như vậy chủ nghĩa xã hội thị trường là sự tiến bộ đáng mừng so với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, đối với một số người theo chủ nghĩa Mác, nó vẫn còn tồn tại quá nhiều đặc điểm không thể chấp nhận được của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Dưới chế độ chủ nghĩa xã hội thị trường sẽ vẫn có sản xuất hàng hóa, bất bình đẳng, thất nghiệp và sự chao đảo của thị trường vượt quá tầm kiểm soát của con người. Làm thế nào để công nhân không bị dễ dàng biến thành nhà tư bản tập thể, luôn tối đa hóa lợi nhuận của họ, giảm bớt chất lượng, phớt lờ nhu cầu xã hội và cố gắng bảo vệ chủ nghĩa tiêu dùng để không ngừng tích lũy làm giàu? Làm sao người ta có thể tránh được chủ nghĩa ngắn hạn đã ăn sâu bén rễ của thị trường, luôn có thói quen phớt lờ tòan cảnh bức tranh xã hội và những tác động phản xã hội dài hạn bởi những quyết định manh mún của chính thị trường? Giáo dục và sự kiểm soát của nhà nước sẽ giảm bớt những mối nguy này, nhưng thay vào đó, một số người theo Chủ nghĩa Mác lại trông chờ vào một nền kinh tế không theo kế hoạch tập trung mà cũng không bị thị trường chi phối[7]. Theo mô hình này, tài nguyên sẽ được phân chia theo sự dàn xếp giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng, các nhà môi trường học và các bên liên quan khác, trong mạng lưới quan hệ gồm các cơ quan làm việc, khu dân cư sinh sống và hội đồng người tiêu dùng. Những vấn đề rộng lớn của nền kinh tế bao gồm những quyết định về phân phối tài nguyên nói chung, tỷ lệ đầu tư và phát triển, năng lượng, vận tải và những chính sách sinh thái học sẽ được giải quyết bởi những hội đồng đại biểu ở cấp địa phương, khu vực hay quốc gia. Những quyết định chung này, chẳng hạn như phân bổ nguồn lực, khi đó sẽ được chuyển giao xuống cấp vùng và địa phương, là nơi mà những kế hoạch chi tiết hơn sẽ tiếp tục được thực hiện. Ở mỗi giai đoạn, tranh cãi công khai về những kế hoạch kinh tế và chính sách thay thế là rất quan trọng. Theo cách này, chúng ta sản xuất cái gì và như thế nào cần được xác định rõ bởi nhu cầu xã hội hơn là lợi nhuận cá nhân. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, chúng ta bị tước quyền quyết định xem có nên xây thêm bệnh viện hay sản xuất thêm ngũ cốc cho bữa sáng. Còn dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền tự do này thường xuyên được sử dụng.

Quyền hành của những hội đồng này có thể được thông qua bởi bầu cử dân chủ từ dưới lên hơn là từ trên xuống. Những cơ quan được bầu cử một cách dân chủ này đại diện cho mỗi nhánh của thương mại hoặc sản xuất sẽ đàm phán với một hội đồng kinh tế quốc gia để đạt được thỏa thuận về những quyết định đầu tư. Giá cả không phải được được quyết định từ cấp trung ương mà bằng những đơn vị sản xuất dựa trên cơ sở của nguồn đầu vào từ người tiêu dùng, người sử dụng, nhóm lợi ích... Một số người ủng hộ cái được gọi là nền kinh tế đồng tham gia này chấp nhận một hình thức kinh tế xã hội chủ nghĩa kết hợp: những hàng hóa thiết yếu đối với cộng đồng (như lương thực, y tế, thuốc men, giáo dục, vận tải, nằng lượng, nhu yếu phẩm, thể chế tài chính, truyền thông và những thứ tương tự...) cần nằm trong sự kiểm soát dân chủ công khai, vì những người vận hành những hàng hóa này thường có hành vi phản xã hội nếu họ đánh hơi thấy cơ hội kiếm lợi từ việc này. Tuy nhiên, những mặt hàng ít thiết yếu hơn về mặt xã hội (những mặt hàng tiêu dùng, những sản phẩm xa xỉ) có thể để lại cho sự vận động của thị trường. Một số người theo chủ nghĩa xã hội thị trường cho rằng toàn bộ hệ thống này quá phức tạp khó có thể thực hiện được. Như Oscar Wilde đã từng đề cập, chủ nghĩa xã hội rắc rối ở chỗ nó chiếm mất quá nhiều buổi tối. Tuy nhiên, người ta ít ra cũng cần kể đến vai trò của công nghệ thông tin hiện đại trong việc tra dầu bánh xe cho một hệ thống như thế. Ngay cả cựu Phó chủ tịch Procter & Gamble cũng thừa nhận rằng nó khiến sự tự quản trong lao động trở thành khả thi[8]. Bên cạnh đó, Pat Devine nhắc chúng ta nhớ lại đã phải mất bao lâu để có được tổ chức và quản lý tư bản chủ nghĩa[9]. Không một lý do rõ ràng nào để nói xã hội chủ nghĩa sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

Một vài người ủng hộ mô hình đồng tham gia cho rằng mọi người cần được trả công như nhau với cùng một lượng công việc, bất kể sự khác biệt về tài năng, đào tạo và nghề nghiệp. Như Michael Albert nói: “Người bác sĩ làm việc trong một môi trường thuận lợi với những điều kiện thoải mái thì kiếm được nhiều hơn người công nhân làm việc trong môi trường ồn ào, thiếu an toàn, nhàm chán và vất vả, bất chấp mỗi người đã làm việc vất vả như thế nào trong bao lâu”[10]. Trong thực tế, có nhiều người ủng hộ việc trả lương những người làm công việc nhàm chán, nặng nhọc, dơ bẩn và nguy hiểm nhiều hơn những bác sĩ hoặc học giả... Rất nhiều công việc bẩn thỉu và nguy hiểm này có lẽ được thực hiện bởi những cựu thành viên của gia đình hoàng tộc. Chúng ta cần thay đổi lại các ưu tiên của chúng ta. 

Vì tôi vừa mới đề cập đến truyền thông như một sự chín muồi đối với quyền sở hữu công, chúng ta nên xem đây là trường hợp điển hình. Hơn nửa thế kỷ trước, trong một cuốn sách xuất sắc có nhan đề là Truyền thông[11], Raymond Williams đã vạch ra một kế hoạch xã hội chủ nghĩa cho giới nghệ thuật và truyền thông, một mặt phản đối sự kiểm soát về nội dung của chính phủ, mặt khác bác bỏ động cơ giành lợi nhuận độc quyền. Thay vào đó, những người cộng tác tích cực trong lĩnh vực này tự kiểm soát được cách thức biểu cảm và giao tiếp của mình. “Những nhà máy” thực sự của nghệ thuật và truyền thông – đài phát sóng, phòng hòa nhạc, mạng lưới thư viện, rạp hát, tòa soạn báo... sẽ thành sở hữu chung (dưới nhiều dạng thức), và ban quản lý sẽ trao lại quyền cho những đại biểu dân chủ. Họ bao gồm tất cả mọi người và những đại diện của giới truyền thông hoặc các nghệ sĩ.

Do vậy, những ủy ban hoàn toàn độc lập với chính phủ này sẽ có trách nhiệm trao nguồn tài nguyên công cộng và “cho thuê” những cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu của xã hội cho cá nhân các nhà hoạt động hay cho những công ty tự quản độc lập và dân chủ của diễn viên, nhà báo, nhạc sĩ... Những người này có thể tự do làm việc mà không phải chịu sự kiểm soát của nhà nước hay sức ép méo mó của thị trường. Chúng ta có thể không còn phải chứng kiến cảnh hàng đống kẻ hám danh hám lợi, thông qua những kênh thông tin riêng của họ, ra lệnh cho công chúng phải tin tưởng vào những ý kiến vụ lợi của bản thân họ và chính phủ mà họ ủng hộ, và còn nhiều thứ khác nữa. Chúng ta biết rõ rằng, chủ nghĩa xã hội đã thiết lập lại chính mình khi chúng ta có khả năng nhìn lại vào sự hoài nghi tuyệt đối vào ý kiến cho rằng một nhóm tên côn đồ thương mại được quyền tự do thay đổi sai lạc tư tưởng của dân chúng bằng những quan điểm chính trị của người Nêanđéctan (Neanderthal) chỉ phục vụ không phải cái gì khác ngoài số tiền trong ngân hàng của họ. 

Rất nhiều phương tiện truyền thông dưới chế độ tư bản chủ nghĩa lảng tránh những tác phẩm có tính đổi mới nhiều khó khăn hoặc gây tranh cãi bởi vì chúng không mang lại lợi nhuận. Thay vào đó, họ chuyên về những chủ đề nhạt nhẽo, giật gân và định kiến mạnh mẽ. Ngược lại, truyền thông xã hội chủ nghĩa sẽ không cấm điều gì ngoại trừ Schoenberg, Racine và vô số kịch bản tác phẩm Tư bản của Các Mác. Sẽ có rất nhiều những rạp hát, đài truyền hình, tờ báo phổ thông. “Phổ thông” ở đây hoàn toàn không có nghĩa là “tầm thường”. Ai cũng biết Nelson Mandela nhưng ông đâu có tầm thường. Rất nhiều người bình thường đọc những tập san chuyên môn đầy rẫy những biệt ngữ không thể hiểu nổi đối với người bên ngoài ngành. Chỉ vì những tập san này thường nói về việc câu ca, nông cụ hay sự sinh sản của chó hơn là về thẩm mỹ học hoặc khoa nội tiết. Sự phổ thông sẽ trở thành hào nhoáng tầm thường khi giới truyền thông cảm thấy cần phải nhanh chóng chiếm lấy thị trường. Nhu cầu này chủ yếu là do động cơ thương mại thúc đẩy. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, những người ủng hộ xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục tranh cãi về chi tiết của một nền kinh tế hậu tư bản chủ nghĩa. Hiện tại chưa ai đưa ra được một mô hình hoàn hảo. Người ta có thể đối chiếu sự thiếu hoàn chỉnh này với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, là cái đang hoạt động với một trật tự không chê vào đâu được và chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm về đói kém, lãng phí hay đình trệ dù là ở mức độ nhẹ nhất. Nền kinh tế này thừa nhận trách nhiệm với một số mức độ thất nghiệp quá cao, nhưng những quốc gia tư bản chủ nghĩa hàng đầu thế giới đã tìm ra được một giải pháp tài tình cho khiếm khuyết này. Ở nước Mỹ ngày nay, hơn một triệu người chắc đang đi tìm việc làm nếu họ không phải ngồi tù.

ĐINH XUÂN HÀ và PHƯƠNG SƠN dịch

 

[1] Xem Joseph Stiglitz: Toàn cầu hóa và những bất bình đối với toàn cầu hóa (Globalisation and Its Descontents), London, 2002, p.5.

[2] Slavoj Zizek: First as Tragedy, Then as Farce, London, 2009, p.91.

[3] Issac Deutscher: The Prophet Armed: Trotsky 1879–1921, London, 2003, p.373.

[4] Chẳng hạn xem, Alec Nove: The Economics of Feasible Socialism, London, 1983, David Schweickart, Against Capitalism, Cambridge, 1993, và Bertell Ollman (ed.), Market Socialism: The Debate Among Socialists(New York and London, 1998). Để thấy sự bảo vệ mang tính triết học hơn về chủ nghĩa xã hội thị trường, tham khảo thêm David Miller: Market, State and Community: The Theoretical Foundations of Market Socialism, Oxford, 1989.

[5] Melvin Hill (Chủ biên): Hannah Arendt: The Recovery of the Public World, New York, 1979, pp.334-335.

[6] Được Robin Blackburn trích dẫn trong Fin de Sìele: Socialism after the Crash, New Left Review, no.85 (January/February 1991), p.29.

[7] Xem Pat Devin: Democracy and Economic Planning, Cambridge, 1988; David Mc Nally: Against the Market, London, 1993, và Michael Albert: Parecon: Life After Capitalism, London, 2003. Tham khảo thêm tổng kết về vấn đề này trong Alex Callinicos: An Anti-Capitalist Manifesto, Cambridge, 2003, Ch.3.

[8] Tham khảo thêm Ernest Mandel: The Myth of Market Socialism, New Left Review, no.169 (May/June 1988), p.109.

[9] Devine: Democracy and Economic Planning, pp.253, 265-266.

[10] Albert, Parecon, p.59.

[11] Raymond Williams: Communication, Harmondsworth, 1962.