Tìm bạn thân trong hôn nhân
T rong giao tiếp xã hội, có những người do tình cờ mà quen biết và trở thành bạn thân của nhau. Trên đường đời cam go, có thể chúng ta chọn được vài người bạn lịch lãm mà sự khôn ngoan hoặc thông thái của họ có thể giúp ta vượt qua thử thách. Tuy nhiên, người bạn tri âm tri kỉ đúng nghĩa nhất thì dường như không dễ tìm thấy.
Người bạn quý ấy hiểu hết, biết hết các mặt mạnh, mặt yếu của bạn. Họ biết và giữ kín những gì gọi là riêng tư bí mật của bạn. Trong những lúc khủng hoảng tồi tệ nhất, người bạn ấy chắc chắn sẽ không bỏ rơi bạn một mình. Tình bằng hữu đạt đến mức độ này cần khá nhiều thời gian để hai người hoàn toàn đồng cảm với nhau.
Lạ thay, trong tình yêu lại cần cả tình bạn. Hôn nhân gắn kết người nam và người nữ đơn lẻ xa lạ trở thành bằng hữu tâm giao của nhau. Sự quyến rũ ban đầu có thể do ngẫu nhiên hoặc vì sức hấp dẫn tự nhiên của hai người khác phái, nhưng khi đã trở thành bạn đời với nhau thì chính tình bạn lại gia tăng hương vị cho tình vợ chồng. Nếu không có sức mạnh từ tình bạn chân thành thì cũng không còn niềm ân ái nồng nàn trong hôn nhân.
Có cách nào tìm bạn tâm giao tốt hơn cho bằng hôn nhân? Thời gian chung sống lâu dài bên nhau trở thành hoàn cảnh thuận lợi để thấu hiểu và chia sẻ. Khi gặp khó khăn, bạn thường giấu không muốn cho người bạn đời biết bằng thái độ giả vờ không sao, thay vì nhờ giúp đỡ để từng bước tháo gỡ những khúc mắc gay go. Càng mau chóng vượt qua được sự giả hình và sợ hãi, bạn càng mau chóng tìm được bạn tâm giao để tiếp tục đối phó với những khó khăn khác.
Sau một thời gian dài se tơ kết tóc, đôi bạn tâm giao đã có thể giúp nhau thi hành “bản án chung thân” một cách hạnh phúc, vì họ hoàn toàn thấu hiểu những suy nghĩ, niềm tin và ước muốn của nhau. Là những người bạn đời đáng tin cậy, họ chia sẻ với nhau tất cả tình cảm, ước mơ, mục đích, động cơ, nhu cầu, có cả thành công và những lần thất bại. Khi gặp khủng hoảng, mỗi chúng ta đều cần một người bạn giúp đỡ để đương đầu, nhưng có thể cũng chỉ cần người ấy lắng nghe và biết cảm thông. Người bạn đáng quý ấy sẽ là người hiểu rõ ta còn hơn chính ta tự hiểu về bản thân mình.
Nhưng nói cho cùng, bạn không thể tìm một người tâm giao nếu chính bạn không thể là tâm giao của ai cả, đúng không nào?
K hi phần chân thật nhất của một tâm hồn bắt gặp phần trống vắng sâu thẳm nơi tâm hồn người khác để rồi tìm thấy ở đó một điều gì đó thật quý giá... thì cứ thế, cuộc sống được truyền từ người nọ sang người kia.
Larry Crabb
T ình yêu dịu dàng, không một chút vị kỷ mà họ biết được qua cách nói của bà là phẩm chất hiếm có không hề mai một, còn những nếp nhăn già nua tuổi tác lại trở thành niềm tự hào, vì đó là biểu tượng của lòng chung thủy.
Người bạn đời - Người bạn thân yêu nhất
Bà luôn có mặt bên cạnh chồng suốt ba ngày nay. Mặc dù đã rất mệt mỏi nhưng không một sự hối thúc nào có thể khiến bà về nhà nghỉ ngơi. Thực tế thì sự có mặt của bà đã gây ra nhiều xáo trộn trong lịch làm việc của các bác sĩ và y tá ở bệnh viện này. Điều làm cho người ta ngạc nhiên nhất là các nhân viên của bệnh viện đều muốn làm thêm ca vào những ngày được nghỉ chỉ cốt được ở gần bà.
Tính dịu hiền và niềm tin mãnh liệt của bà đối với cuộc sống đã ảnh hưởng đến tất cả những người xung quanh, và điều đó phần nào đã thể hiện bản tính thánh thiện nơi người phụ nữ này. Bà trở thành đề tài trò chuyện quen thuộc ở phòng y tá và phòng nghỉ. Ai ai cũng tôn kính gọi bà là Bà Calabrese. Các y tá cũng như bác sĩ thay phiên nhau kiểm tra tim mạch ông Calabrese chỉ vì họ muốn trò chuyện với bà.
Tình yêu dịu dàng, không một chút vị kỷ mà họ biết được qua cách nói của bà là phẩm chất hiếm có không hề mai một, còn những nếp nhăn già nua tuổi tác lại trở thành niềm tự hào, vì đó là biểu tượng của lòng chung thủy. Bất kỳ ai đã gặp bà Calabrese cũng thấy rõ rằng, người bạn đời yêu quý nhất của bà chính là ông già đang nằm bất động mà bà luôn dịu dàng cầm lấy bàn tay. Những ai có dịp vào phòng đều được nghe bà kể những câu chuyện thú vị về ông. Bà đã dành trọn cuộc đời cho ông và họ đã trở thành đôi bạn tri kỉ ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Đối với vợ chồng bà, không có chuyện gì là quá khó khăn mà không thể cùng nhau giải quyết. Những bí mật để giữ hạnh phúc mà họ đã từng chia sẻ với nhau ắt hẳn phải mất nhiều năm người ngoài mới học hỏi hết.
Một lần nọ, bà hỏi vị bác sĩ đang kiểm tra biểu đồ cho ông Calabrese: “Bác sĩ có nghĩ rằng chúng tôi giống nhau không? Thật đấy bác sĩ ạ”.
Thật là một cuộc trị liệu đặc biệt với hy vọng tìm sự đồng cảm với thời khắc quan trọng trong cuộc đời của bà.
Ông Calabrese đã không thể cử động trong nhiều ngày qua. Sức khỏe của ông cứ ngày càng suy giảm, ông lúc mê lúc tỉnh. Các bác sĩ đã thử chuẩn bị để giúp ông Calabrese ra đi sớm sủa nhẹ nhàng nhưng bà không đồng ý. Cuộc đời của hai ông bà đã gắn bó với nhau hơn mười năm nay. Bà đã từng giúp ông vượt qua bao tình huống tưởng chừng như vô vọng và lần này bà cũng vững tâm quyết giúp ông.
Đôi bàn tay của bà thật huyền diệu, tuy gầy guộc và héo hon theo năm tháng, nhưng chỉ cần chạm nhẹ vào ai là cho họ một cảm giác an ủi và yên lành. Khi ngồi bên chồng, bà không bao giờ buông tay ông ra. Dường như đôi bàn tay của họ không thể rời nhau. Các bác sĩ nghĩ, biết đâu nhờ vậy mà ông Calabrese có thể bình phục để trở về nhà.
Nửa đêm hôm đó, trong lúc bà ngủ thiếp đi thì ông Calabrese đang hôn mê đột nhiên lại tỉnh dậy. Ông tưởng như đang cầm tay ông là cô dâu đang tuổi thanh xuân. Cái ý nghĩ phải từ biệt nàng, từ biệt người bạn đời yêu quý của ông, người phụ nữ đã hứa yêu thương ông cho đến ngày cả hai cùng trở về bên Thượng đế làm tim ông đau đớn vô cùng. Biết rằng Thần Chết đang đợi mình trước cửa, nhưng chừng bao lâu ông còn thở, ông vẫn để yên tay mình trong tay bà mà cảm nhận hơi ấm nhẹ nhàng quen thuộc đã bao năm nay. Bàn tay ông không thể thiếu vắng bàn tay dịu dàng chan chứa yêu thương của bà, bàn tay với nhiều vết chai sạn, trầy xước vì một đời đã làm lụng vất vả cùng ông. Trên con đường đời đầy sỏi đá chông gai này, nếu không có bà tiếp thêm sức mạnh, nâng đỡ, an ủi và động viên, làm sao ông đủ sức mà vượt qua.
Nhưng giờ đây ông không muốn bà bận lòng vì ông nữa. Ông không thể gắng sức đánh thức bà dậy chỉ để bà nhìn ông ra đi, vì vậy ông muốn viết ít dòng đủ để bày tỏ tình yêu của ông đối với người bạn đời chung thủy.
Vẫn để một bàn tay trong tay vợ, ông Calabrese dùng bàn tay kia cố gắng với lấy xấp giấy và cây bút trên bàn. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già nua mệt mỏi, dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn ngủ, ông viết những câu thơ từ biệt vợ (về sau trở thành lời cho một bản nhạc rất phổ biến vào thập niên 50 của thế kỷ 20):
Thật nhẹ nhàng, anh sẽ rời xa em.
Anh sợ tim mình sẽ vỡ ra nếu em thức giấc và nhìn thấy anh ra đi.
Thôi! Trong lặng lẽ anh từ biệt em, trước khi em mất anh, mãi mãi.
Trước khi bàn tay em muốn níu anh ở lại,
Thêm một giờ hay thêm một ngày
Sau tất cả bao nhiêu năm, anh không thể chịu đựng nổi những giọt nước mắt em lăn dài trên má.
Thôi em nhé! Anh xin lặng lẽ mà từ biệt...
Bà Calabrese giật mình thức giấc khi tiếng bíp phát ra từ thiết bị theo dõi tim, báo hiệu ông đã chết. Tay bà vẫn không rời tay người bạn đời yêu quý, trong khi ông đã trở về nhà Cha để chờ đợi bà. Nhìn thấy những câu thơ ông để lại, bà đọc và thầm thì với ông. Anh ạ! Anh mãi mãi là người bạn đời, người bạn thân em yêu quý nhất!
Suy ngẫm
Bạn và người bạn đời đã chia sẻ tình yêu như thế nào? Tình yêu đã làm thăng hoa cuộc sống hôn nhân của bạn ra sao?