Sự Hiền Hòa Của Sói

Tác giả và tác phẩm

Stef Penney sinh năm 1969 tại Edinburgh, thủ đô nước Scotland, và cũng lớn lên ở thành phố này. Sau khi nhận văn bằng Triết học và Thần học tại Đại học Bristol, miền nam nước Anh, tác giả kinh qua nhiều công việc khác nhau ở Anh quốc và nước ngoài. Tác giả đã thực hiện ba phim ngắn trước khi theo học ngành Điện ảnh và Truyền hình tại Trường nghệ thuật Boumemouth. Tác giả được mời vào làm việc tại Đài truyền hình Carlton ngay sau khi tốt nghiệp. Tại đây, tác giả viết kịch bản và làm đạo diễn cho hai phim ngắn.

Khi viết quyển Sự Hiền Hòa Của Sói, tác giả chưa từng đi Canada, mà chỉ tìm tòi tư liệu ở thư viện. Đã có ý kiến của chính người Canada cho rằng tác giả đã trình bày khá trung thực về bối cảnh địa lý cũng như lịch sử-văn hóa. Vì thế, để thưởng thức được trọn vẹn tác phẩm, thiết tưởng cần biết qua bối cảnh địa lý và lịch sử-văn hóa của câu chuyện.

Bối cảnh địa lý

Câu chuyện xảy ra vào năm 1867, trong một vùng sâu vùng xa của miền bắc Canada. Tác giả cho biết đại khái địa điểm chính, Caulfield, nằm bên bờ bắc của Vịnh Georgian. Vịnh này là nhánh lớn nhất của Hồ Huron (một trong năm hồ lớn, còn được gọi là Ngũ Đại Hồ, giữa biên giới Canada và Hoa Kỳ) ở miền đông-nam Tỉnh Ontario, Canada, phía bắc Thành phố Toronto. Các diễn biến của câu chuyện lan đến Sault St Marie, thành phố ở miền nam Tỉnh Ontario của Canada, và thành phố cùng tên ở miền bắc Bang Michigan của Hoa Kỳ. Hai thành phố đối diện nhau qua một con sông được quy định là biên giới của hai nước. Con sông này nối Hồ Huron ở phía nam với Hồ Superior ở phía bắc. Có thể ước tính, theo đường chim bay, Caulfield cách Toronto về hướng đông-nam và Sault St Marie về hướng tây cùng khoảng cách trên dưới 250 kilômét.

Nhiều địa danh là do di dân đi khai phá những vùng đất hoang dã xa xôi theo tên chim thú: Dove River (Sông Bồ câu), Swallow Lake (Hồ Chim sẻ); hoặc ý niệm: Himmelvanger (Cánh đồng của Thiên đường); hoặc hình dạng: Bluff Horsehead (Ghềnh Đầu ngựa), Elbow Ridge (Chỏm Khuỷu tay); hoặc đặc tính: Clear Lake (Hồ Nước trong)...

Về địa chất, vùng đất diễn ra câu chuyện nằm trên Nền đá Canada (Anh ngữ: Canadian Shield), là một vùng rộng có lớp đá kết tinh và cứng, chủ yếu gồm đá hoa cương, nằm dưới một lớp đất mỏng có nguồn gốc từ thời cổ đại bị tác động của băng hà. Vùng này có hình móng ngựa chạy vòng quanh Vịnh Hudson, trải rộng ra miền trung tâm và miền đông Canada, chiếm gần phân nửa diện tích cả nước này hiện nay. Nền đá Canada có rất ít đất thích hợp cho nông nghiệp; tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là rừng, khoáng sản và nước mặt.

Mùa đông nơi diễn ra câu chuyện kéo dài 6 tháng: từ tháng Mười một đến hết tháng Tư, và tuyết thường rơi 4 tháng: từ tháng Mười Hai đến hết tháng Ba. Lúc bầu trời sẫm màu, người ta thường thấy hiện tượng cực quang. Đó là những vầng mây thường tỏa lượn với ánh sáng nhiều màu thay đổi liên tục trên hai vùng Bắc Cực và Nam Cực. Cực quang hình thành khi vật chất và năng lượng từ Mặt Trời phóng tới, phản ứng với bầu khí quyển Trái Đất, và thường xảy ra ở hai Cực vì các phần tử vật chất tạo nên cực quang do lực từ trường hút vào hai Cực của Trái Đất.

Thời tiết khắc nghiệt nên thực vật và động vật không phong phú về chủng loài như vùng nhiệt đới. Các loài cây phổ biến là vân sam, cây gỗ lớn thuộc họ cây thông, lá kim, thường xanh, mọc nhiều trong vùng ôn đới ở Bắc bán cầu; và tuyết tùng, cũng thuộc họ cây thông, có lá gồm bốn cạnh, mọc ở vùng không quá lạnh. Đặc biệt là có địa y, tức là thể cộng sinh giữa một loài nấm và một loài tảo, tạo thành những mảng nhìn chung hình tròn hoặc hình lá cây, nhìn kỹ hơn thì trông như một mạng những sợi nhỏ đan kết nhau. Địa y thường hiện diện trên mặt tảng đá, mặt đất hoặc vỏ cây. Thời tiết cũng tạo hiện tượng độc đáo, như nhựa cây đóng băng: khi nhiệt độ xuống thật thấp, nhựa cây bị đóng thành băng, thể tích nở ra ép vào lớp vỏ cây, đến một lúc lớp vỏ cây bị bung ra tạo thành một tiếng nổ thường có cường độ âm thanh khá lớn. Trong vùng rừng tĩnh lặng tiếng nổ này có thể nghe vang dội như là tiếng súng.

Những người mới đến lập nghiệp trải qua một thời gian đầu gian khổ khi khai phá đất hoang, thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. Họ phải học cách chống chọi với cái lạnh, như sử dụng đá nóng, tức là đá đã được nung cho nóng, giữ được nhiệt độ lâu, để đặt dưới giường ngủ, ghế ngồi... cho mục đích sưởi ấm. Họ cũng phải sử dụng nhiều loại sản phẩm địa phương xa lạ đối với cuộc sống trước của họ ở quê quán, chẳng hạn bít tết thịt nai sừng tấm (loài nai có cơ thể lớn nhất trong họ nai, cao đến 2 mét, có bộ sừng rộng và dài, sống ở vùng hàn đới Bắc Mỹ); hoặc đường phong (đường được nấu ra từ nhựa cây phong - còn được gọi là cây tích thụ - ở Canada phổ biến hơn là mía hoặc củ cải đường).

Các cộng đồng ở cách xa nhau nên khó hỗ trợ đùm bọc cho nhau. Thay vào đó, mỗi cộng đồng sống như là một đơn vị kinh tế và hành chính khá khép kín. Giao thông chủ yếu bằng ngựa và xe trượt tuyết; một số cộng đồng được nối kết với các thành phố qua các tuyến tàu hơi nước. Cuộc sống trong các cộng đồng tuy đúng là “vùng sâu vùng xa” nhưng không đến nỗi vô vị lắm: cư dân có thể mua sắm hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu (Công ty Vịnh Hudson bán nhiều mặt hàng họ mang từ Anh quốc qua); hoặc như cô Maria có thể đặt mua Edinburgh Review, là tạp chí phê bình văn học và chính trị có tiếng tăm, được xuất bản ở Scotland trong thời gian 1802-1929; hoặc gia đình cô đi Sault St Marie để xem Hôn lễ của Figaro, là vở nhạc kịch có tựa đề gốc theo tiếng Ý là Le nozze di Figaro, do nhà soạn nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) soạn ra năm 1786.

Bối cảnh lịch sử - văn hóa

Câu chuyện xảy ra trong buổi giao thời giữa hai thể chế thuộc địa và tự trị của Canada. Trước 1867, Canada là đất thuộc địa của Đế quốc Anh và được chia thành những khu vực hành chính gọi là “thuộc địa”. Bối cảnh của câu chuyện chủ yếu ở Thuộc địa Canada Thượng (Anh ngữ: Upper Canada), là vùng nằm dọc phía bắc Ngũ Đại Hồ, dân cư đa số nói tiếng Anh, là phần phía nam Tỉnh Ontario bây giờ. Cần phân biệt với Thuộc địa Canada Hạ (Anh ngữ: Lower Canada), nằm về phía đông-bắc của Canada Thượng, dân cư đa số nói tiếng Pháp, là phần phía đông Tỉnh Québec bây giờ. Năm 1867, vì e ngại sự bành trướng của người Mỹ, bốn thuộc địa được thống nhất thành Lãnh thổ Tự trị Canada (Anh ngữ: Dominion of Canada), trong đó có Ontario và Québec liên quan đến địa lý của câu chuyện. Riêng “Đất của Rupert” vẫn do Công ty Vịnh Hudson quản lý (xem dưới đây), tức là vẫn thuộc trực tiếp Đế quốc Anh. Những thay đổi chính trị sâu xa dẫn đến một nước Canada độc lập tiên khởi năm 1867 - cũng là năm xảy ra án mạng trong câu chuyện - đã được một số cư dân Caulfield nắm bắt, chẳng hạn ông Knox và con gái Maria hay bàn cãi về các nhân vật chính trị đương thời của Canada.

Trong thời gian này, Canada đang tiếp nhận nhiều làn sóng di dân. Sau chiến tranh Cách mạng Mỹ (1775-1783) dẫn đến việc thành lập nước Hoa Kỳ, một số lớn cư dân trung thành với Anh quốc chạy sang định cư ở Canada, dẫn đến việc thành lập một số thuộc địa mới, như Ontario. Khoảng một triệu người Ireland di cư đến Bắc Mỹ để trốn tránh nạn đói khoai tây xảy ra trong giai đoạn 1845-1850, khi Ireland bị mất mùa khoai tây khiến cho gần một triệu người chết vì thiếu ăn. Một số người khác là phạm nhân, được Anh điều đi Canada để cung ứng nguồn lao động. Nhiều người từ các nước châu Âu khác nhau cũng đổ xô đến. Di dân có nguồn gốc khác nhau mang theo tôn giáo của họ. Như người Anh thì chủ yếu là tín đồ Cơ đốc, còn nhiều người Bắc Âu là tín đồ Lutheran. Đây là một chủ thuyết thần học phát sinh từ Martin Luther (1483-1546), nhà thần học người Đức. Chủ thuyết Lutheran, dần dà phát triển thành giáo hội, đả kích sự suy đồi của Thiên chúa giáo thời Trung cổ. Ví dụ, Luther cho rằng Thượng đế, chứ không phải giáo hội, có thể tha thứ cho tội lỗi của con người. Chủ thuyết Lutheran làm lung lay sự thống trị của Thiên chúa giáo ở Châu Âu và mở đường cho sự phát triển của giáo hội Tin Lành.

Sự di dân từ châu Âu nói chung và việc thành lập thuộc địa của Anh và Pháp không khỏi gây ra chiến tranh. Trong giai đoạn 1689-1763 có nhiều cuộc chiến tranh ở Bắc Mỹ. Trong thế kỷ mười bảy, người da trắng đi định cư gây chiến tranh khi xâm lấn vào đất đai của các sắc tộc bản địa. Trong thế kỷ mười tám chiến tranh là giữa các thuộc địa của Anh chống lại các đế quốc Pháp và Tây Ban Nha. Trong giai đoạn 1812-1815 là chiến tranh giữa Hoa Kỳ (đã giành độc lập) và Đế quốc Anh.

Trong bối cảnh lịch sử ở đây, tác giả nhắc đến Chủ nghĩa Bành trướng. Cụm từ này không chỉ rõ cụ thể chủ nghĩa của ai hoặc nước nào, diễn ra trong thời kỳ nào. Riêng người Mỹ đang tìm cách bành trướng lên Canada trong cuộc chiến với Anh quốc (1812-1815), và sau đó cũng muốn bành trướng xuống Mexico, kết quả là người Mỹ thu được nhiều đất đai hiện giờ là các bang California, Nevada, Utah, Arizona, Texas, và New Mexico.

Số dân Canada thời này chỉ khoảng hơn 1,5 triệu, trong đó số dân bản địa khoảng 300.000 người. Dân bản địa gồm có nhiều các sắc tộc đã sinh sống lâu đời ở Canada và Mỹ trước khi người da trắng từ Châu Âu di cư đến, và họ thường được gọi theo từ ngữ thông dụng là “người Da Đỏ”. Những sắc tộc bản địa được nhắc đến trong sách này gồm có:

* Chippewa: thuộc ngữ hệ Algonquin, sống quanh miền đông Ngũ Đại Hồ đến miền nam Canada, trong thời kỳ thuộc địa là một trong những sắc tộc đông dân và hùng mạnh nhất Bắc Mỹ, hiện nay số dân chỉ còn không đến 200.000 kể cả người mang một phần dòng máu da trắng.

* Cree: một sắc tộc bản địa Bắc Mỹ, thuộc ngữ hệ Algonquin, sống chủ yếu ở Canada, hiện có số dân khoảng 80.000 người.

* Huron: thuộc nhóm Iroquois, khởi đầu sống quanh các hồ Huron, Erie, và Ontario thuộc Ngũ Đại Hồ, vào thời cực thịnh trong thế kỷ 17 có số dân lên đến khoảng 30.000 người, sau đó giảm sút nhiều do dịch bệnh, hiện nay chỉ còn lại vài trăm người chủ yếu sống ở hai tỉnh Québec và Ontario của Canada, và bang Oklahoma của Mỹ.

* Iroquois: một nhóm những sắc tộc bản địa Bắc Mỹ thuộc ngữ hệ Iroquois, vào thế kỷ 16 tạo nên Liên minh Năm Dân tộc được gọi tắt là “Năm Dân tộc” (Anh ngữ: Five Nations); hiện nay có số dân tổng cộng trên 100.000 người kể cả người mang một phần dòng máu da trắng; sắc tộc Mohawk nằm trong nhóm này. “Iroquois” có nghĩa là rắn chuông; và rắn chuông gồm khoảng 30 loài rắn khá phổ biến ở Mỹ, nọc rất độc, có thân màu nâu nhạt cùng những đốm nâu sậm, đuôi có những khoanh sừng khi bị đe dọa thì tạo thành tiếng sột soạt (không phải như tiếng chuông) nhằm xua đuổi kẻ thù mà không phải uổng phí nọc độc.

* Mohawk: một sắc tộc bản địa Bắc Mỹ thuộc ngữ hệ Iroquois, về phe với Anh trong cuộc Cách mạng Mỹ (1775-1783), sau khi Mỹ thắng Anh thì nhiều người bỏ trốn sang Canada, hiện có số dân ở Mỹ và Canada tổng cộng trên 30.000 người kể cả người mang một phần dòng máu da trắng.

* Pennacook: thuộc ngữ hệ Algonquin, vào đầu thế kỷ 17 sống ở vùng đông-bắc nước Mỹ. Trong các cuộc chiến giữa Anh quốc và Pháp ở Mỹ, ban đầu họ theo phe Anh rồi sau đó ngã sang Pháp. Sau khi số dân bị suy giảm vì chiến tranh và bệnh đậu mùa, họ di cư đến Canada và miền Viễn Tây nước Mỹ,

* Pict: sắc tộc thiểu số sống ở miền trung và nam Scotland và vùng bắc Ireland, có vóc người thấp, nước da ngăm đen.

Trong giai đoạn này, hai bên di dân da trắng và cư dân bản địa còn xa lạ nhau, lại thêm khác biệt lớn về tập tục, tư tưởng, ngôn ngữ... Chẳng hạn, quyển sách nói đến một tình tiết thú vị: thói quen của người phương Tây là, sau một đêm, hỏi thăm nhau ngủ ngon không. Trong cảm nghĩ của người bản địa thì câu hỏi này xem ra ngớ ngẩn: ngủ thì đã ngủ rồi, có đáng gì mà phải nói thêm? Ngoài nhiều sự khác biệt, ý thức về bình đẳng chủng tộc chưa cao nên không tránh khỏi những mâu thuẫn giữa người da trắng và người bản địa. Có một hiện tượng lạ lùng trong thời kỳ này: người bản địa hay bắt cóc con của người da trắng về nuôi, mà lại nuôi nấng tử tế! Trước đó, truyện ngắn của nhà văn O. Henry (1862-1910) cũng đề cập đến hiện tượng này. Nhưng ở đây, quyển sách kể ra một khía cạnh mới: một em bé gái da trắng đi lạc, được người bản địa mang về nuôi nấng, lớn lên, lấy chồng là người bản địa, khi người cha đến tìm thì từ chối theo cha trở về xã hội người da trắng.

Theo một mặt tích cực khác, người da trắng học hỏi được nhiều từ người bản địa. Ví dụ nổi bật là giày da đanh (Anh ngữ: moccasin), tức loại giày làm bằng da thú, cả đế giày và hai thành bên liền lạc nhau bằng một miếng da duy nhất, được may nối lại ở phần trên. Đế giày mềm và dẻo, dễ thích ứng với địa hình miền rừng núi. Khởi thủy đây là loại giày của dân bản địa Bắc Mỹ, về sau nhiều người da trắng làm nghề đặt bẫy, săn bắn, vận chuyển hàng hóa... cũng thích sử dụng. Di dân cũng phải biết làm giày đi trên tuyết, gồm những cành cây nhỏ hoặc sợi vỏ cây bện lại rồi đan nhau thành đế giày rộng trông giống như mặt chiếc vợt để chơi quần vợt, nhằm giúp bàn chân không lún xuống lớp tuyết. Hoặc, để chống chọi với cái lạnh, ngay cả anh Donald đến từ Scotland cũng phải học từ người bản địa cách cứu chữa hai bàn tay bầm tím vì lạnh nghe có vẻ nghịch lý: chà xát hai bàn tay trong một thau đựng tuyết. Chi tiết này làm ta nhớ lại rằng khi Vua Karl XII (1682-1718) của Thụy Điển dẫn quân đi đánh Nga, người thuộc sắc tộc địa phương Cossack chỉ cho ông cách chống chọi với cái lạnh của mùa đông nước Nga bằng cách chà tuyết lên mặt.

Phụ nữ bản địa đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cư dân bản địa và người nhập cư. Phụ nữ bản địa là công nhân khuân vác đắc lực trong vùng hoang dã, nhất là vào mùa đông. Họ may vá quần áo và chế tạo giày da đanh từ da thú cũng giỏi hơn người da trắng, giúp di dân mới dễ thích ứng với khí hậu địa phương và không phải mua quần áo hoặc giày nhập từ châu Âu. Nhờ những đóng góp lao động và kỹ năng như thế, phụ nữ bản địa tạo nhiều thuận lợi và thu nhập cho người da trắng khi khai phá, trao đổi và buôn bán trong vùng đất mới. Khi phụ nữ bản địa kết hôn với đàn ông da trắng, họ giúp giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp giữa hai sắc dân.

Công ty Vịnh Hudson

Quyển Sự Hiền Hòa Của Sói đề cập nhiều đến Công ty Vịnh Hudson. Đó là Công ty do Charles II (1630-1685), Vua nước Anh, Scotland và Ireland, ra quyết định cho phép thành lập vào năm 1670, trao độc quyền khai thác và buôn bán tài nguyên thiên nhiên trên một miền đất, còn được gọi là “Đất của Rupert”, theo tên Hoàng tử Rupert (1619-1682), một trong những sáng lập viên của Công ty. Miền đất này rộng khoảng 3,9 triệu km2 (hơn một phần ba diện tích cả nước Canada bây giờ), là lưu vực của các con sông chảy vào Vịnh Hudson - một vịnh lớn ở phía bắc Tỉnh Ontario. Điều này cho thấy vị thế của Công ty rộng lớn đến thế nào về các mặt kinh tế và xã hội.

Triều đình Anh không thể cử đủ nhân lực để quản lý một vùng đất bao la. Vì thế, Anh quốc cũng trao cho Công ty Vịnh Hudson quyền thiết lập và hành xử luật lệ, xây pháo đài, duy trì tàu chiến, thậm chí in giấy bạc riêng và có quyền tuyên chiến hoặc dàn hòa với dân bản địa. Tóm lại, Công ty có nhiều quyền hành cai trị thay mặt cho triều đình Anh. Chính vì thế mà trong truyện này, khi có một vụ án mạng xảy ra thì Công ty cử nhân viên (thậm chí một kế toán viên!) đến điều tra, và có lời đồn rằng Công ty cũng có sát thủ để thi hành án, tức là giết kẻ sát nhân, khi cần thiết! Trong lĩnh vực tư pháp, Công ty có quyền bắt giam và thẩm vấn nghi can, thường với sự hỗ trợ của quan tòa. Đây là những người am hiểu pháp luật, phụ trách những công tác tư pháp ở cấp thấp như cho phép khám xét nhà, ra lệnh tạm giam, chủ trì các phiên điều trần giữa các bên tranh chấp để quyết định có cần đưa lên tòa án cấp cao hơn xét xử hay không, ra bản án phạt tiền hoặc tù giam đối với tội nhỏ, thường có vai trò hòa giải các bên trước khi đi đến kiện tụng, (cần phân biệt với thẩm phán, là người xét xử các vụ trọng án.)

Công ty Vịnh Hudson, Công ty chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực hàng hải, thu mua da và lông thú để xuất đi châu Âu (mang về doanh thu quan trọng cho Công ty), khai thác quặng mỏ, nhập khẩu các mặt hàng của Anh vào Canada rồi bán lại... Công ty xây dựng các thương điếm, tức chi nhánh mậu dịch, được gọi giản dị là “Nhà” (Anh ngữ: “House”), như là Nhà Sydney, Nhà Hanover... Thương điếm lớn có cộng đồng dân cư, nhà nghỉ cho khách vãng lai, cầu cảng cho thương thuyền, hàng quán, bến bãi... Thương điếm nhỏ thì chỉ gồm pháo đài được bao bọc bởi bức tường thành, bên trong đặt văn phòng, chỗ ở nhân viên, nhà khách... tất cả tập trung vào một khu vực. Ngoài ra, Công ty còn thiết lập nhiều trạm tiền tiêu, đặt rải rác trong vùng hoang dã xa xôi để nhân viên Công ty thu mua lông thú, nghỉ chân, chứa hàng hậu cần… Vào thời này, một số pháo đài được Công ty xây và trang bị đại bác, để bảo vệ những địa điểm trọng yếu, thường kết hợp với thị trấn chung quanh và thương điếm. Hiện nay, pháo đài không có vai trò quân sự như trước, mà thường được bảo tồn làm di tích lịch sử, điểm tham quan...

Công ty Vịnh Hudson được điều hành trực tiếp từ Anh quốc, nên những người sinh trưởng hoặc định cư lâu năm ở Canada xem Công ty thể hiện quyền lực của “nước ngoài”, tức là phần nào có ác cảm. Lại thêm tình trạng độc quyền khiến cho một số cá nhân hành nghề tự do trong việc đặt bẫy thú rừng và buôn bán lông thú bất mãn, nên họ lập công ty để cạnh tranh. Lẽ tự nhiên là Công ty Vịnh Hudson phản ứng lại: họ không muốn chia sẻ lợi nhuận, viện dẫn pháp luật qua việc triều đình Anh quốc đã trao cho họ độc quyền. Vì nhiều người chống đối Công ty thuộc nhóm nói tiếng Pháp, vô hình trung cuộc tranh chấp giữa Công ty và người hành nghề tự do biến thành cuộc tranh chấp giữa người nói tiếng Anh và người nói tiếng Pháp. Vì thế mà khi anh người Pháp Laurent Jammet bị giết, đã có một nghi vấn cho rằng Công ty giết anh.

Một vấn đề khác là Công ty Vịnh Hudson bị phê phán vì đã mang đạn dược và rượu cung cấp cho người bản địa, cuối cùng người bản địa phải chịu lệ thuộc vào Công ty: phải làm việc hoặc bán sản phẩm theo tiền lương và giá cả do Công ty áp đặt, và khó ra yêu sách khi quyền lợi của họ bị thiệt thòi. Ngược lại, Công ty cho rằng họ làm thế để đảm bảo người bản địa tỏ ra thân thiện mà không gây hấn phương hại đến các hoạt động của Công ty, và cũng tạo công ăn việc làm sòng phẳng cho người bản địa chứ không áp bức họ.

Tóm lại, vị thế quan trọng và bao quát của Công ty Vịnh Hudson cùng những mâu thuẫn giữa Công ty và người ngoài Công ty tạo nên một phần bối cảnh cho câu chuyện.

Tác phẩm

Quyển Sự Hiền Hòa Của Sói nằm trong danh sách đề cử Giải Orange cho tiểu thuyết hay nhất. Đây là một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất nước Anh, hàng năm được trao tặng cho tiểu thuyết của tác giả nữ của bất kỳ quốc tịch nào, được viết bằng Anh văn và được xuất bản ở Anh quốc.

Quyển Sự Hiền Hòa Của Sói đoạt giải Theakston’s Crime Awards 2008 cho thể loại Tiểu thuyết của năm. Đây là giải thưởng của văn học Anh dành cho sách hình sự.

Quan trọng nhất, quyển Sự Hiền Hòa Của Sói đoạt Giải Costa năm 2006 (được công bố năm 2007) cho Tiểu thuyết đầu tay và Sách trong năm. Giải thưởng (trước năm 2006 có tên là Giải Whitbread) được trao tặng cho tác phẩm của những tác giả cư ngụ ở Anh hoặc Ireland, gồm có năm thể loại: Tiểu thuyết đầu tay, Tiểu thuyết, Tiểu sử, Sách cho trẻ em, và Thơ. Một trong các tác phẩm đoạt 5 giải này được chọn để nhận giải Sách trong năm. Giải thường được trao dựa theo tiêu chí có giá trị văn học cũng như tính hấp dẫn đối với độc giả, nhằm truyền bá thú vui đọc sách đến với quần chúng. Vì thế, Giải Costa có tính gần gũi với công chúng hơn là Giải Booker.

Cuốn sách được Ban giám khảo Giải Costa đánh giá là “những trang viết rất chân thực”, dù nhà văn chưa từng đặt chân đến Canada. Giám khảo thể loại Tiểu thuyết đầu tay phát biểu: “Quyển Sự Hiền Hòa Của Sói nổi bật trong số các sách rất hay được đề cử. Chúng tôi bị tràn ngập bởi quang cảnh phủ tuyết và bị cuốn hút với văn phong hoa mỹ và cách kể chuyện tự nhiên chứ không cần nỗ lực. Đấy là một câu chuyện về tình yêu, sự hồi hộp và tính chất đẹp đẽ.” Tại lễ trao giải, Trưởng ban giám khảo Armando Iannucci cho biết: “Chỉ trong 50 trang sách đầu tiên, tôi đã hoàn toàn yêu thích tác phẩm. Đây không chỉ là tác phẩm đầu tay xuất sắc mà còn là một quyển truyện phi thường.”

Người dịch trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc “quyển truyện phi thường” này.

Người dịch

Mùa mưa 2009

Docsach24.com