Sự Hiền Hòa Của Sói

Mất tích Chương 1

Lần cuối cùng tôi gặp Laurent Jammet là khi anh đứng trong cửa hàng của Ông Scott với xác một con chó sói vắt ngang vai. Tôi đang tìm mua ít kim may, còn anh ấy đến để thu tiền thưởng. Scott đòi phải có nguyên cái xác con thú, vì đã có lần bị một người Mỹ lừa bịp bằng cách mang đến cặp vành tai rồi nhận tiền thưởng, sau đấy mang đến bộ vuốt để nhận thêm một đô la, rồi cuối cùng là cái đuôi. Lúc ấy là vào mùa đông nên những phần cơ thể con thú còn tươi, nhưng nhiều người đã biết đến mánh khóe này, thế nên Scott tỏ ra ghét cay ghét đắng. Vì vậy khi tôi bước vào cửa hàng thì vật đầu tiên tôi thấy là cái đầu con chó sói. Lưỡi con thú thè ra, cửa miệng bị kéo lại trong bộ dạng như là nhăn nhó. Dù đã cố trấn tĩnh, tôi vẫn cảm thấy chùn bước. Scott lớn tiếng la lên, còn Jammet thì ríu rít xin lỗi. Khó mà giận dữ với Jammet, vốn là con người dễ mến lại thêm thương tật phải đi khập khiễng. Rồi cái xác con chó sói được đưa vào ở đâu đấy phía sau cửa hàng, và khi tôi đang nhìn quanh quất, họ bắt đầu tranh cãi về tấm da thú cũ rích treo phía trên khung cửa cái. Jammet đùa cợt đề nghị Scott nên thay bằng tấm da mới. Phía dưới tấm da là hàng chữ “Canis lupus[1] (đực), chó sói đầu tiên bắt được ở Thị trấn Caulfield, 11 tháng Hai, 1860”. Hàng chữ cho bạn biết đôi điều về John Scott, chỉ ra ông ta có thái độ khoe khoang như là người hiểu biết, cho mình là quan trọng, không tôn trọng sự thật. Chắc chắn đấy không phải là con chó sói đầu tiên người ta bắt được ở vùng này, và nói đúng hơn cũng không có thị trấn nào mang tên Caulfield, tuy rằng ông ta mong muốn có thị trấn như vậy, vì như thế sẽ có Hội đồng thị trấn còn ông có thể làm Thị trưởng.

“Dù sao chăng nữa, đấy là con sói cái. Con đực có lông quanh cổ đậm hơn, và thân hình to hơn. Con này là rất nhỏ.”

Jammet biết rõ về đề tài mình đang nói, vì anh đã bắt được nhiều chó sói hơn bất kỳ ai khác tôi đã từng quen biết. Anh mỉm cười cho thấy mình không có ý xúc phạm, nhưng Scott cảm thấy bị xúc phạm và cáu giận như thể câu nói ấy là không phải phép!

“Anh Jammet, anh nhớ rõ hơn tôi phải không?”

Jammet nhún vai. Vì vào năm 1860 anh không có mặt ở đây, và cũng vì là người Pháp, không giống như bọn chúng tôi, nên anh phải dè chừng.

Đến lúc ấy, tôi bước đến quầy phục vụ, nói: “Ông Scott ạ, tôi nghĩ đấy là con sói cái. Tôi còn nhớ rõ người mang xác nó vào nói đàn con của nó tru suốt đêm.”

Và tôi còn nhớ cách Scott nắm hai chân sau kéo lê cái xác ra bên ngoài cửa hàng cho mọi người cùng há hốc nhìn. Trước đấy tôi chưa từng trông thấy chó sói, và tôi lấy làm ngạc nhiên vì cái xác trông nhỏ bé. Con thú bị treo lên với đầu mũi chĩa xuống mặt đất, đôi mắt nhắm nghiền như là bị xấu hổ. Người lớn chế nhạo cái xác, trẻ em vui cười, đứa này thách đứa kia thò tay vào miệng cái xác. Chúng đứng gần cái xác rồi cười đùa với nhau.

Đôi mắt nhỏ, tròng màu xanh lam nhạt của Scott hướng đến tôi, không hiểu đấy là thái độ đương đầu vì tôi đã về hùa với một người nước ngoài, hoặc đơn giản chỉ là đương đầu.

Doc Wade, người đã mang cái xác con sói kia đến để lĩnh thưởng rồi chết đuối mùa xuân năm sau, nói như thể nghi ngờ suy xét của Scott: “Nhìn xem ông ấy kìa...”

Jammet nhún vai và nheo mắt với tôi: “À, thế đó...”

Theo cách nào đấy - mà tôi nghĩ Scott mào đầu - chúng tôi nói chuyện với nhau về các cô gái tội nghiệp ấy, như cách người ta vẫn làm thế khi nói về chó sói. Dù có nhiều phụ nữ gặp số phận không may ở đây (tôi biết qua một số), các “cô gái tội nghiệp” là để chỉ hai người - hai chị em nhà Seton, đã mất tích nhiều năm về trước. Chúng tôi có ít phút thoải mái, trò chuyện không đâu vào đâu, rồi thình lình chuông cửa reo vang và Bà Knox bước vào. Laurent Jammet nhận lấy đồng đô la tiền thưởng, cúi đầu chào tôi và Bà Knox, rồi rời đi. Chuông cửa vẫn còn reo một hồi dài sau khi anh bước ra ngoài.

Chỉ có thế, không có gì là quan trọng cả. Đấy là lần cuối cùng tôi gặp anh.

Laurent Jammet là người hàng xóm gần gũi với tôi nhất. Dù vậy, cuộc đời anh vẫn là bí ẩn đối với chúng tôi. Tôi thường thắc mắc làm thế nào anh đi săn chó sói với chân bước khập khiễng, và rồi có người nói cho tôi biết anh dùng thịt nai tẩm strychnine[2] để bẫy chó sói. Cần có kỹ năng lần theo vết chân con sói bị ngộ độc để đi tìm xác của nó. Nhưng tôi không hiểu rõ; theo những gì tôi được biết thì có vẻ như đấy không phải là môn săn thú. Tôi biết chó sói đã tiếp thu được bài học là cần ở ngoài tầm bắn của súng trường Winchester, thế nên chúng không phải hoàn toàn ngu dốt, nhưng chúng không tinh khôn đến mức từ chối món quà thực phẩm, và liệu có nên theo dõi dấu vết con vật vô phúc cho đến điểm cuối cùng hay không? Còn có những điểm bất thường về anh ấy: nhiều chuyến đi dài ngày vào những vùng đất xa lạ; gặp gỡ những kẻ xa lạ kín tiếng tìm đến anh; và những giây phút ngắn ngủi tỏ ra hào phóng, trái ngược hẳn với ngôi nhà gỗ xác xơ. Chúng tôi biết anh ấy quê ở Québec. Chúng tôi biết anh ấy theo Công giáo, mặc dù anh không đi lễ nhà thờ hoặc xưng tội thường xuyên (tuy anh có làm những việc này trong thời gian vắng mặt lâu ngày). Anh là người lễ phép và vui tính, cho dù anh không có bạn bè nào đặc biệt, và giữ khoảng cách với mọi người. Tôi dám nói anh là người đẹp trai, với mái tóc và đôi mắt hầu như đen tuyền, và cử chỉ trông như anh vừa nở nụ cười mỉm hoặc sắp cười mỉm. Anh không kết hôn và không cho thấy ý định kết hôn, nhưng tôi nhận xét là có một số đàn ông cảm thấy hạnh phúc hơn khi sống một mình, đặc biệt khi họ có những thói quen luộm thuộm và bất thường.

Một số người thu hút nỗi ghen tị vẩn vơ và hoàn toàn không có ác ý. Jammet là một người như thế, lười biếng và tốt bụng, người sống mà không phải tất bật hoặc nỗ lực. Tôi nghĩ anh được may mắn, bởi vì có vẻ như anh không lo lắng gì đến những chuyện khiến cho đám người còn lại bọn tôi phải bạc đầu. Anh không có tóc bạc, nhưng anh có một quá khứ mà anh giữ cho riêng mình. Tôi đoán anh hình dung mình có một tương lai, nhưng anh không thật sự hình dung như thế. Có lẽ anh khoảng bốn mươi tuổi. Đấy là tuổi mà anh có thể sống thọ được.

Đấy là một buổi sáng thứ Năm vào giữa tháng Mười một, khoảng hai tuần sau cuộc gặp gỡ ở cửa hàng. Tôi đi dọc con đường từ nhà trong tâm trạng chán ngấy, đang cẩn thận chuẩn bị cho bài giảng của mình. Thường thì tôi cất tiếng tập giảng bài - một trong những thói quen kỳ lạ thường diễn ra trên mấy khoảnh rừng hẻo lánh. Con đường - thật ra chỉ là một đường mòn do móng thú kéo và bánh xe tạo ra - đi theo con sông với một loạt những thác nước nhỏ. Trong các tán cây, từng mảng rong rêu lấp lánh dưới ánh mặt trời. Lá vàng phủ mặt đất, khô giòn vì sương giá trong đêm, vỡ vụn dưới chân tôi, tiếng xì xào báo hiệu mùa đông sắp về. Bầu trời xanh ngắt. Tôi bước vội trong nỗi bực dọc, ngẩng cao đầu. Có lẽ làm như thế tạo cho tôi bề ngoài tươi vui.

Ngôi nhà gỗ của Jammet nằm ngăn cách với bờ sông bởi một trảng cỏ dại mà người ta có thể xem đấy là thảm cỏ sân vườn. Tường của ngôi nhà được lắp ghép bằng gỗ súc còn nguyên cả vỏ cây, phai màu theo năm tháng cho đến lúc cả ngôi nhà trông trắng xám và lùi xùi, như là một vật thể sống chứ không phải là nơi cư ngụ. Nó là cái gì đấy còn sót lại từ thuở xa xưa: cánh cửa là tấm da nai được căng ra giữa một khung gỗ; các cửa sổ được lót bằng da cừu còn dính lớp mỡ. Anh hẳn phải rét run vào mùa đông. Đấy không phải là nơi chốn mà các phụ nữ vùng Sông Dove muốn đến thăm, còn riêng tôi đã nhiều tháng không đến đây, nhưng bây giờ tôi không biết đi đâu khác.

Không có dấu hiệu sự sống bên trong, nhưng cánh cửa khép hờ; tấm da nai lấm bẩn vì bàn tay người. Tôi cất tiếng gọi, rồi gỗ lên thành tường. Không có tiếng đáp trả, nên tôi hé nhìn vào trong, và khi đôi mắt đã làm quen với bóng tối, tôi nhận ra Jammet, thoải mái như khi ở nhà, và theo đúng cung cách, đang nằm ngủ trên giường vào giờ này buổi sáng. Tôi suýt bước ra ngoài lúc ấy vì nghĩ không ích gì phải đánh thức anh, nhưng vì chán nản mà tôi thêm quyết tâm. Tôi không muốn đi cả quãng đường đến đây mà không nên chuyện gì cả.

Tôi cất tiếng, mà đầu óc nghĩ đấy như là cách nói hoạt bát kèm nỗi bực dọc: “Anh Jammet, xin lỗi phải làm phiền anh, nhưng tôi phải hỏi...”

Laurent Jammet đang êm đềm nằm ngủ. Vòng quanh cổ anh là chiếc khăn quấn cổ màu đỏ mà anh vẫn thường dùng khi đi săn, với mục đích để các thợ săn khác không nhìn nhầm anh là một con gấu mà bắn anh. Một bàn chân anh thò ra khỏi cạnh giường, trong chiếc bít tất bẩn thỉu. Chiếc khăn quấn cổ màu đỏ nằm trên mặt bàn... Tôi đã nắm lấy cánh cửa. Thình lình, mọi thứ từ tình trạng bình thường thay đổi hoàn toàn: ruồi nhặng bay quanh bữa tiệc cuối thu; chiếc khăn quấn cổ màu đỏ không phải vòng quanh cổ anh, không thể được, bởi vì nó đang nằm trên mặt bàn, và điều này có nghĩa là...

Tôi kêu lên “Ôi! Không!”, và tiếng nói khiến cho tôi cảm thấy sốc trong ngôi nhà gỗ tĩnh lặng.

Tôi bám lấy cánh cửa, cố trấn tĩnh mà không bỏ chạy, mặc dù trong tích tắc kế tôi nhận ra mình không cử động được dù có muốn.

Màu đỏ quanh cổ Jammet đã thấm vào tấm nệm từ một vết cắt. Một vết cắt. Tôi thở dốc, như thể vừa chạy bộ. Khung cửa là vật quan trọng nhất trên đời bây giờ. Không có nó, tôi không biết phải làm gì.

Chiếc khăn quấn cổ màu đỏ đã không phục vụ mục đích. Nó đã không ngăn chặn được cái chết của anh.

Tôi không giả vờ làm người có can đảm, và thật ra từ lâu đã từ bỏ ý nghĩ cho rằng mình có phẩm chất đặc biệt, nhưng tôi thấy ngạc nhiên vì đã tỏ ra bình tĩnh mà nhìn quanh ngôi nhà. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là Jammet đã tự hủy hoại đời anh, nhưng hai tay anh không cầm vật gì cả, và không thấy món vũ khí nào chung quanh. Một bàn tay buông thõng khỏi mặt giường. Đầu óc tôi không có ý nghĩ nào khiến cho tôi sợ hãi. Tôi biết chắc rằng bất kỳ ai gây ra việc này đã đi xa - ngôi nhà trống trơn. Ngay cả thi hài nằm trên giường cũng trống trơn. Thi hài không còn có tính chất gì cả - vẻ tươi vui và luộm thuộm, tài bắn súng chính xác, tính hào phóng và chai lì - tất cả đã ra đi.

Có một điểm khác mà tôi không đặng đừng phải chú ý, vì khuôn mặt anh quay đi một ít khỏi tầm mắt tôi. Tôi không muốn nhìn khuôn mặt nhưng nó hiện diện ở đấy, và nó xác định rằng tôi đã miễn cưỡng chấp nhận - rằng số phận của Laurent Jammet là một trong số những chuyện trên đời mà người ta không hề biết rõ. Đây không phải là tai nạn, mà cũng không phải là vụ tự tử. Anh đã bị thanh toán.

Cuối cùng, dù có lẽ chỉ là vài giây đồng hồ sau đấy, tôi bước ra ngoài rồi đóng cánh cửa lại, và khi không còn nhìn thấy anh nữa thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Cả ngày hôm ấy và nhiều ngày sau, bàn tay phải của tôi bị tê nhức vì đã nắm chặt lấy khung cửa, như thể tôi đã cố bóp nát tấm gỗ giữa các ngón tay mình, như cách người ta nhồi bột.

༺༒༻

Chúng tôi sống ở vùng Sông Dove, bên bờ bắc của Vịnh Georgian. Hai vợ chồng tôi đã từ Scotland di cư đến đây khoảng mười năm trước, vì lý do giống như nhiều người khác. Một triệu rưỡi người đã đến Bắc Mỹ chỉ trong vài năm, nhưng tuy số người có cao, tuy họ chen chúc kín mít trên nhiều con tàu khiến cho bạn nghĩ Tân Thế giới không có đủ đất cho họ sống, nhưng khi đến Halifax và Montreal chúng tôi đã tản đi khắp hướng giống như những chi lưu của một con sông, rồi từng người mất hút trong vùng hoang dã. Miền đất này nuốt chửng lấy chúng tôi, mà vẫn còn như đói khát muốn nuốt thêm người. Chúng tôi khai phá rừng để canh tác, đặt địa danh theo những thứ gì chúng tôi đã trông thấy - một con chim, một con thú - hoặc tên của những thị trấn quê nhà chúng tôi; những gợi nhớ đầy tình cảm về mấy vùng đất không có tình cảm đối với chúng tôi. Bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi chứng tỏ rằng mình không thể bỏ lại thứ gì sau lưng. Bạn mang theo mình mọi thứ, dù muốn hay không.

Khoảng mười năm trước, vùng đất chỉ có cây cối chứ không có thứ gì khác, ở phía bắc là loại đất trung bình, không có đầm lầy và không có sỏi đá, nơi mà thậm chí liễu và thông cũng không mọc nổi. Nhưng ở vùng dọc con sông, đất mềm và sâu, cây rừng chung quanh xanh thẫm hầu như có màu đen, bầu không khí tĩnh lặng tạo cảm giác sâu thẳm và mênh mông như bầu trời. Khi nhìn thấy quang cảnh này lần đầu tiên, phản ứng đầu tiên của tôi là bật khóc, cỗ xe ngựa chở chúng tôi kêu lạch cạch, và tôi luôn vương vấn với ý nghĩ rằng dù cho mình có kêu to đến đâu thì chỉ có tiếng gió đáp lại. Tuy thế, nếu có mục đích là tìm kiếm sự bình an và tĩnh lặng, thì chúng tôi đã thành công. Chồng tôi chờ cho cơn kích động của tôi lắng xuống, rồi nói với nụ cười cứng cỏi: “Ở ngoài này không có gì lớn lao hơn Thượng đế.”

Nếu bạn tin như thế thì có vẻ đấy là điều chắc chắn.

Dần dà tôi cảm thấy quen thuộc với không gian tĩnh lặng và bầu không khí loãng làm cho mọi thứ có vẻ như sáng sủa và sắc nét hơn là ở quê nhà. Thậm chí tôi còn mến thích. Và tôi đặt tên cho vùng này, vì không ai biết nó có tên gì: Sông Dove.

Bản thân tôi vẫn còn tình cảm ủy mị.

Những người khác cũng đến định cư. Rồi John Scott xây nên một nhà máy xay xát gần cửa sông. Sau khi đã bỏ ra nhiều tiền cho nhà máy và thấy có khung cảnh đẹp, ông quyết định sống luôn ở đây. Bằng cách nào đấy, việc này khởi đầu cho sở thích sống gần bờ sông, mà chúng tôi không giải thích được vì đã định cư ở vùng thượng nguồn chính vì để né tránh các cơn giông tố gào thét khi vùng Vịnh có vẻ như biến thành một đại dương cuồng nộ chỉ chực cướp lại vùng đất mà chúng tôi đã tự tiện đến định cư. Nhưng Caulfield (lại chuyện tình cảm nữa; quê của Scott là ở Dumfriesshire) có đặc tính mà Sông Dove không bao giờ có được - bởi vì đất có nhiều tầng còn rừng thì thưa thớt, và bởi vì Scott đã mở một cửa hiệu tạp hóa khiến cho cuộc sống trong miền rừng vùng xa được thuận tiện hơn rất nhiều. Bây giờ có một cộng đồng gồm trên một trăm cư dân - một sự pha trộn lạ kỳ giữa người Scotland và người Bắc Mỹ. Và thêm Laurent Jammet. Anh này đã cư ngụ ở đây không lâu lắm, và hẳn đã không bao giờ dời đến đây nếu anh không chiếm được một khoảnh đất mà không ai khác muốn đụng đến.

Bốn năm trước, anh mua một nông trại ở đoạn hạ lưu con sông. Trong một thời gian, người chủ trước (một ông già Scotland) đã bỏ hoang nông trại này. Doc Wade đến miền Sông Dove để tìm mua đất giá rẻ, nơi mà ông không chịu ảnh hưởng bởi những người cứ muốn xét nét ông - em gái và em rể giàu có của ông sống ở Toronto. Người ta gọi ông là Doc[3], dù ông chẳng phải là bác sĩ gì cả, mà chỉ là một người có văn hóa vốn chưa tìm thấy nơi chốn ở Tân Thế giới đánh giá cao tài năng đa dạng nhưng mù mờ của ông. Điều không may là Sông Dove không thuộc hàng ngoại lệ mà ông đang tìm kiếm. Như nhiều người đã nhận ra, làm trang trại là cách chậm rãi nhưng chắc chắn để bạn bị phá sản, sức khỏe bị hao mòn, tinh thần đâm ra chán nản. Công việc quá nặng nhọc so với tuổi tác của ông, và ông không có hứng thú. Năng suất hoa màu của ông kém cỏi, đàn lợn của ông chạy lang thang trong rừng, mái ngôi nhà gỗ của ông bốc cháy. Một buổi chiều, ông leo lên tảng đá tạo nên cầu tàu thiên nhiên trước ngôi nhà, rồi sau đấy người ta tìm thấy ông nằm sâu dưới ghềnh dốc đứng mang tên Horsehead (do người Canada vì thiếu óc tưởng tượng nên cứ đặt địa danh đúng theo hình dạng của đỉnh dốc trông giống đầu ngựa). Một số người nói rằng sau những phiền muộn trong cuộc đời thì cái chết như thế giúp giải thoát cho ông. Những người khác gọi đó là một thảm kịch - một thứ thảm kịch nhỏ trong gia đình diễn ra đầy rẫy khắp vùng.

Tôi nghĩ mình đã tưởng tượng theo cách khác. Cũng như phần lớn đàn ông, Wade thích uống rượu. Một đêm nọ, khi không còn tiền và đã cạn whisky, khi không còn việc gì để làm trên trần thế này, ông đi xuống bờ sông, nhìn ngắm dòng nước lạnh và đen chảy xiết. Tôi tưởng tượng ông nhìn lên bầu trời lần cuối cùng, cảm nhận con sông đang cuồn cuộn lôi kéo mình, rồi buông mình vào lòng khoan dung vĩnh hằng của dòng nước.

Sau đấy, có lời đồn đại trong vùng rằng mảnh đất ấy mang đến vận xui xẻo, nhưng có giá hạ và Jammet không phải là người tin dị đoan, tuy rằng có lẽ anh nên tin. Lúc trước, anh phụ trách chuyên chở hàng hóa cho Công ty, và ngã xuống dưới một chiếc ca nô trong khi đang kéo nó qua một ghềnh thác. Tai nạn khiến cho anh phải đi khập khiễng, và họ trả một khoản đền bù cho anh. Có vẻ như anh cảm thấy biết ơn đối với tai nạn chứ không trách móc, vì nhờ nó mà anh có đủ tiền để mua đất. Anh thích nói mình là con người biếng nhác, và chắc chắn là anh không làm công việc của trang trại mà phần lớn đàn ông không thể tránh được. Anh bán đi phần lớn đất của Wade rồi sinh sống bằng cách săn chó sói để lĩnh thưởng và buôn bán lặt vặt. Mỗi mùa xuân đều có từng đoàn người đến từ miền tây-bắc xa xôi với thuyền ca nô và ba lô. Họ thấy anh là người buôn bán tâm đắc với họ.

Nửa tiếng đồng hồ sau, tôi đang gõ cửa một trong những ngôi nhà lớn nhất tại Caulfield. Tôi co dãn các ngón bàn tay phải trong khi chờ lời đáp trả - các ngón tay như thể gấp lại thành một thứ móng vuốt.

Ông Knox có nước da màu xám xấu xí khiến cho tôi nghĩ đến loại thuốc nước chữa chứng khó tiêu, có khổ người cao và gầy, khuôn mặt nhìn nghiêng hình lưỡi cày như thể sẵn sàng bổ xuống kẻ vô lại - là đặc tính hữu ích đối với một vị quan tòa. Thình lình tôi cảm thấy thân người mình rỗng không như thể cả tuần chưa ăn gì.

“À, Bà Ross... một niềm vui bất ngờ...”

Nói đúng ra, ông có vẻ hoảng hốt khi thấy tôi. Có lẽ đối với ai ông cũng nhìn như thế, nhưng tôi có cảm tưởng như ông biết về tôi nhiều hơn là tôi thích, và như thế ông biết tôi không phải là mẫu người mà ông muốn các con gái của mình giao du.

“Ông Knox... Tôi e đây không phải là chuyện vui. Có một... một tai nạn kinh khủng.”

Đoán ra có đề tài phong phú để buôn chuyện, một phút sau Bà Knox đi vào, và tôi kể cho hai người về sự kiện xảy ra trong ngôi nhà gỗ bên bờ sông. Bà Knox nắm chặt lấy cây thánh giá nhỏ ở cổ họng. Knox tiếp nhận tin với vẻ điềm tĩnh, nhưng có lúc quay mặt đi, rồi quay lại, mà tôi có cảm tưởng như ông đã sửa tư thái cho đúng mực - hung hãn, nghiêm nghị, quyết đoán, đại loại như thế.

Bà Knox ngồi kế bên tôi, bóp lấy bàn tay tôi trong khi tôi cố kiềm chế rút tay về: “Nghĩ mà xem, lần cuối tôi thấy anh ấy là ở cửa hiệu lúc đó. Anh ấy trông rất...”

Tôi gật đầu đồng ý, thầm nghĩ làm thế nào chúng tôi đã rơi vào sự im lặng với mặc cảm phạm tội. Sau nhiều câu bày tỏ lòng cảm thông bị sốc và lời khuyên đối với tinh thần bị khủng hoảng, bà chạy ra để báo tin cho hai cô con gái theo cách thức thích hợp (nói cách khác, có nhiều chi tiết hơn là nếu người cha cùng hiện diện). Ông Knox phái người đi Fort Edgar (Pháo đài Edgar) để gọi vài nhân viên Công ty đến. Ông quay đi để tôi ngắm nhìn quang cảnh, rồi trở lại nói mình đã cho đi gọi John Scott (người làm chủ cửa hiệu và nhà máy xay xát, cùng vài kho chứa hàng và nhiều đất đai) để cùng ông đi xem xét ngôi nhà và ngăn chặn việc “xâm nhập” cho đến khi đại diện của Công ty đến. Đấy là từ ngữ ông dùng, và tôi cảm nhận ý phê phán nào đấy. Không phải là ông phiền trách tôi đã khám phá ra thi hài, nhưng tôi chắc chắn ông lấy làm tiếc rằng người vợ một nông dân đã làm xáo trộn hiện trường trước khi ông có cơ hội hành xử tài năng vượt trội của ông. Nhưng tôi còn cảm nhận một vẻ gì khác trong con người của ông, ngoài ý chê bai - đấy là nỗi phấn khích, ông thấy mình có cơ hội để tỏa sáng trong một thảm kịch có tính cấp bách hơn là bất kỳ thảm kịch nào khác trong vùng rừng xa xôi: ông sẽ đứng ra điều tra. Tôi đoán ông kéo theo Scott để vụ việc mang tính chính thức và có nhân chứng xác nhận thiên tài của ông, và cũng vì tuổi tác cùng tài sản của Scott tạo cho ông một vị thế. Việc này không liên quan gì đến trí thông minh - Scott là bằng chứng sống cho thấy người giàu có không nhất thiết phải giỏi hơn hoặc nhanh trí hơn những người còn lại trong chúng tôi.

Chúng tôi ngược dòng sông để đi đến cái bẫy của Knox. Vì lẽ ngôi nhà gỗ của Jammet ở gần nhà tôi, họ không thể ngăn tôi đi theo họ, và vì lẽ chúng tôi đi đến ngôi nhà của anh ấy trước, tôi ngỏ ý cùng đi với họ.

Knox nhíu mày theo cách lo lắng của bậc cha chú: “Bà hẳn đã mệt nhọc sau cú sốc kinh khủng. Tôi nhất quyết khuyên bà trở về nhà nghỉ ngơi.”

Scott thêm: “Chúng tôi có thể nhận ra bất cứ cái gì bà đã nhìn thấy.” Và ông có ý nói họ còn nhận ra nhiều hơn thế nữa.

Tôi quay lưng về phía Scott - không ích gì mà tranh luận với một vài hạng người - để trao đổi với Knox. Tôi nhận ra rằng Knox cảm thấy bị sỉ nhục vì bản chất phụ nữ lại mang ý nghĩ đối mặt với cảnh kinh khủng ấy lần nữa. Nhưng lòng tôi đã nhất quyết chống lại ý tưởng của ông cho rằng chỉ có một mình ông là người rút ra được kết luận đúng đắn. Hoặc có lẽ vì tôi không thích người ta bảo ban tôi phải làm gì. Tôi bảo mình có thể nói với họ liệu có cái gì đã bị xáo trộn, mà họ không thể phủ nhận, và dù sao chăng nữa, họ không thể làm cách nào khác nếu không lôi kéo tôi về và nhốt tôi trong nhà mình.

Khí hậu mùa thu mát mẻ, nhưng có mùi ẩm mốc nhẹ khi Knox mở cánh cửa. Tôi đã không để ý đến mùi này. Knox bước vào, thở qua miệng và đặt các ngón tay lên bàn tay của Jammet rồi cho biết thi hài đã lạnh. Hai người nhỏ nhẹ trao đổi với nhau, hầu như là thì thầm. Tôi hiểu ra: nói lớn tiếng là tỏ ra thô lỗ. Scott rút ra một quyển sổ tay và ghi chép lời của Knox trong khi ông này quan sát vị trí của thi hài, nhiệt độ của bếp, cách bài trí vật dụng trong gian phòng. Rồi Knox đứng một lúc mà không làm gì cả, nhưng vẫn cố ra vẻ có chủ đích - một tai nạn của môn cơ thể học mà tôi chú tâm quan sát. Có vài dấu chân trên nền nhà phủ bụi, nhưng không có vật lạ, không có vũ khí loại nào. Đầu mối duy nhất là vết thương trông dễ sợ vòng quanh đầu của Jammet. Knox nghĩ hung thủ có thể là một người Da Đỏ sống ngoài vòng pháp luật. Scott đồng ý: không người da trắng nào có hành động dã man như thế. Tôi nhớ đến khuôn mặt của vợ ông mùa đông rồi, sưng vù và bầm tím mà bà nói mình đã ngã trên một phiến băng, nhưng ai cũng biết sự thật.

Hai người đàn ông đi lên lầu để vào phòng kia. Tôi có thể nhận ra họ đang đi đến đâu qua tiếng răng rắc khi bàn chân họ dẫm lên mặt sàn gỗ và qua màn bụi rơi xuống bắt lấy ánh sáng. Bụi rơi trên thi hài Jammet, phủ nhẹ một lớp trên gò má anh, giống như bông tuyết. Bụi rơi trên đôi mắt còn mở của anh và tôi không thể quay mặt đi. Tôi muốn ra về và dẹp bỏ mọi chuyện, bảo họ phải ngưng làm xáo trộn các thứ, nhưng tôi không làm được gì cả. Tôi không có can đảm chạm đến anh.

Khi họ quay xuống, dùng khăn tay phủi lớp bụi trên quần, Knox nói: “Trong nhiều ngày qua không có ai bước lên đó.” Ông đã mang một tấm vải sạch từ tầng trên, giũ ra, khiến cho nhiều hạt bụi bay quanh gian phòng như một đàn ong dưới ánh mặt trời.

Ông phủ tấm vải lên thi hài trên giường: “Này, làm thế để ngăn ruồi nhặng.” Ông nói với giọng điệu tự mãn, dù cho bất kỳ người dốt nát nào cũng có thể thấy việc này là không đúng.

Chúng tôi - hoặc hai người đàn ông thì đúng hơn - nghĩ rằng không thể làm gì thêm. Khi ra về, Knox khép lại cánh cửa rồi dùng một sợi kẽm và một viên sáp để giữ cánh cửa được đóng kín, đấy là một chi tiết gây ấn tượng, cho dù tôi không muốn nhìn nhận.

༺༒༻

Khi trời trở lạnh, Andrew Knox cảm nhận một cách đau khổ về tuổi tác của mình. Đã qua nhiều năm rồi, cứ vào độ thu là các khớp xương của ông bắt đầu đau nhức và tiếp tục hành hạ ông mặc cho bao lớp vải và len dầy quấn quanh người. Ông phải bước đi một cách rón rén để đối phó với cơn đau buốt ở mỗi bên bẹn. Vào mỗi mùa thu, cơn đau đều bắt đầu sớm hơn năm trước.

Nhưng hôm nay, sự mệt mỏi lan khắp tâm hồn ông. Ông tự nhủ đó là điều dễ hiểu - một biến cố như án mạng hẳn phải gây chấn động cho bất kỳ người nào. Nhưng còn hơn thế nữa. Trong suốt lịch sử của hai ngôi làng chưa từng có ai bị hạ sát. Ông nghĩ chúng tôi đã đến đây để thoát khỏi những chuyện như thế: chúng tôi hẳn đã bỏ lại đằng sau chuyện này khi xa rời các thành phố. Tuy thế, điều kỳ dị đã xảy ra... một vụ giết người dã man, giống như chuyện gì đấy xảy ra ở các Bang miền nam. Dĩ nhiên là trong mấy năm qua đã có vài người chết vì tuổi già, vì bị sốt hoặc tai nạn, chưa kể đến các cô gái tội nghiệp... Nhưng chưa có ai bị sát hại, không có ai chống cự với đôi chân chỉ mang bít tất. Ông cảm thấy khó chịu vì nạn nhân không mang giày.

Sau bữa ăn tối, ông đọc qua ghi chép của Scott, và cố giữ bình tĩnh. Bếp lò cao gần một mét và rộng nửa mét, khi sờ còn nhận ra hơi ấm. Ông nghĩ chi tiết này có thể giúp ích. Giả sử vào lúc án mạng xảy ra lửa trong lò còn cháy đỏ, thì có thể cần ba mươi sáu giờ lò mới lạnh. Vì vậy, án mạng xảy ra vào ngày trước. Trừ khi lửa đã bắt đầu tàn lụi khi Jammet thở hơi cuối cùng, trong trường hợp này án mạng xảy ra trong đêm. Nhưng cũng có thể xảy ra đêm trước nữa. Khi tìm kiếm thêm chi tiết, họ không nhận ra gì nhiều. Không có dấu vết rõ ràng cho thấy có vật lộn; không có vết máu nào khác ngoại trừ máu trên giường, hẳn là vị trí Jammet bị tấn công. Họ trao đổi với nhau việc liệu ngôi nhà đã bị lục lọi hay không, nhưng các vật dụng của anh nằm rải rác theo ngẫu nhiên - mà theo Bà Ross đó là tình trạng bình thường - nhưng không thể nào biết chắc. Scott lớn tiếng cho rằng hung thủ là người bản địa: không người da trắng nào lại hành động dã man đến thế. Knox không tỏ ra chắc chắn như vậy. Vài năm trước, Knox được mời đến một trang trại gần Coppermine[4], sau một sự cố đáng tiếc nào đấy. Trong một số cộng đồng, có cách hành xử để hạ nhục một chú rể vào ngày cưới. Người ta gọi việc này là “tiếng thét”, có nghĩa là thái độ phản kháng như khi một người đàn ông lớn tuổi cưới một cô gái nhỏ tuổi hơn nhiều. Trong trường hợp này, chú rể lớn tuổi bị phết hắc ín, cắm lông gà lên da rồi bị treo lên một cành cây trước nhà ông ta, trong khi bọn người trẻ tuổi mang mặt nạ đi vòng quanh, đập nồi chảo và huýt sáo.

Một trò đùa nghịch. Thái độ hung hăng của lớp người trẻ.

Nhưng không hiểu sao, người đàn ông qua đời. Knox biết ít nhất có một anh trai trẻ chắc chắn đã can dự, nhưng không ai muốn nói ra dù họ cảm thấy tiếc. Một trò đùa nghịch gây hậu quả khôn lường? Scott đã không nhìn thấy khuôn mặt bị phù nề của người đàn ông; các sợi dây kẽm cắt sâu vào hai gót chân sưng vù. Andrew Knox thấy khó mà loại bỏ cả một sắc tộc khỏi vòng nghi vấn với lý do là họ không có khả năng gây bạo lực.

Ông để ý đến những âm thanh bên ngoài khung cửa sổ. Ngoài kia có thể có sức mạnh của quỷ dữ. Có lẽ một hạng người xảo quyệt đã nghĩ đến việc lột da người để tạo nghi vấn cho người có màu da khác. Xin Chúa ban phước, đó không phải là người ở Caulfield. Và có thể có động lực gì cho cái chết này? Chắc chắn đó không phải là vì muốn cướp mấy vật dụng cũ kỹ vô ích của Jammet. Liệu anh ấy có cất giấu tài sản lớn không? Liệu anh ấy có kẻ thù trong số những người buôn bán với anh - có lẽ là một món nợ chưa trả?

Ông thở dài, bất mãn với những ý nghĩ của mình. Ông đã tự tin rằng một khi đã nhìn qua ngôi nhà mình có thể nhận ra manh mối nếu không phải là câu trả lời, nhưng giờ đây ông lại càng hoang mang hơn. Tính phù hoa bị tổn thương khi ông phải nhìn nhận rằng mình không nhận ra được các dấu hiệu, đặc biệt là trước mặt Bà Ross - người phụ nữ có tính khiêu khích vốn lúc nào cũng làm cho ông khó chịu. Ánh mắt của bà luôn tỏ vẻ khinh thường, ngay cả khi mô tả những gì kinh hoàng đã phát hiện, hoặc đối mặt ở lần thứ hai. Bà không được lòng người trong thị trấn vì tật hay chúi mũi vào chuyện của người khác, dù rằng theo mọi lời bàn (và ông đã nghe vài tiếng đồn dựng tóc gáy) bà không có gì để làm cao. Tuy nhiên, khi nhìn bà và khi nhớ lại một số mẩu chuyện ghê gớm thì mới thấy tất cả đều khó tin: bà thuộc dòng dõi hoàng tộc, có khuôn mặt phải công nhận là đẹp, dù cử chỉ hay cáu bẳn không phù hợp với vẻ đẹp thật sự. Ông đã để ý đến ánh mắt của bà nhìn mình khi ông bước đến thi hài để sờ tìm hơi ấm. Ông cố giữ cho bàn tay mình khỏi run rẩy - có vẻ như không có khoảng da nào không dính máu để ông chạm vào. Ông hít một hơi thở sâu (chỉ khiến cho ông buồn nôn) và đặt các ngón tay mình lên cổ tay của người chết.

Làn da lạnh, nhưng ông vẫn cảm nhận đó là da người, bình thường; giống như da của chính mình, ông cố không nhìn thẳng vào những vết thương gớm ghiếc, nhưng giống như ruồi nhặng, ông khó mà quay mặt đi. Đôi mắt của Jammet nhìn trừng trừng lên ông, và ông có ý nghĩ là mình đang đứng ở vị trí mà kẻ sát nhân hẳn đã đứng khi ra tay. Nạn nhân đã không ngủ, không ngủ lúc vụ việc diễn ra. Ông cảm thấy mình phải vuốt mắt cho anh nhưng biết mình không thể nào làm việc này. Ngay sau đó, ông tìm được một tấm vải trên lầu để phủ lấy thi hài. Máu đã khô cứng và sẽ không loang ra, ông nói vậy - như thể đó là điều quan trọng. Ông cố khỏa lấp cơn bối rối với lời nhận xét khác, tự thấy không thích ngữ âm nồng nàn của mình. Ít nhất là ngày mai, ông sẽ không phải là người duy nhất gánh lấy trách nhiệm - nhân viên của Công ty sẽ đến và có lẽ họ sẽ biết phải làm gì. Có lẽ điều gì đó sẽ trở thành hiển nhiên, sẽ có người thấy cái gì đó, và đến buổi chiều vụ việc sẽ được giải quyết.

Với tia hy vọng giả dối như thế, Knox xếp lại các giấy tờ cho ngăn nắp rồi thổi tắt ngọn đèn.

༺༒༻

Đã quá nửa đêm, nhưng tôi vẫn còn ngồi với ngọn đèn sáng và quyển sách mà mình không thể đọc được, mong chờ một bước chân, chờ cho cánh cửa mở ra và gió lạnh lùa vào lấp đầy gian bếp. Tôi lại nghĩ về các cô gái tội nghiệp. Mọi người ở Sông Dove và Caulfield đều biết về câu chuyện này và kể lại cho bất kỳ ai mới đến đây, hoặc vào những đêm đông trước lò sưởi kể đi kể lại với mấy chi tiết thay đổi. Cũng như tất cả câu chuyện hay ho nhất, đấy là một thảm kịch.

Nhà Seton là một gia đình danh giá có gốc gác ở St Pierre La Roche. Charles Seton là bác sĩ; bà vợ Maria là dân Scotland mới nhập cư. Họ có hai con gái vốn là niềm tự hào và cũng là nguồn vui (theo cách họ nói, tuy rằng đứa con nào mà chả vậy?). Vào một ngày tháng Chín, Amy lên mười lăm tuổi và Eve, mười ba, rủ đứa bạn là Cathy Sloan đi hái dâu và ăn picnic bên bờ hồ. Chúng biết lối đi; cả ba đứa trẻ đều lớn lên trong vùng rừng bụi, đều quen thuộc với những hiểm nguy và biết đề phòng: không bao giờ đi xa khỏi đường mòn, luôn về đến nhà trước khi trời tối. Cathy trông rất đẹp, nổi tiếng cả thị trấn vì vóc dáng của cô. Người ta luôn thêu dệt thêm chi tiết khiến cho câu chuyện càng bi thương hơn, tuy rằng bản thân tôi không thấy điều này là quan trọng.

Ba cô gái ra đi từ chín giờ sáng, mang theo các món ăn thức uống. Đến bốn giờ chiều, là thời điểm mà đáng lẽ họ phải trở về, vẫn không thấy bóng dáng các cô. Cha mẹ họ ngóng chờ thêm một giờ, rồi hai người cha lên đường đi tìm dấu vết con mình. Sau khi đã đi quanh quất, luôn miệng kêu gọi, họ đi đến bờ hồ rồi tiếp tục tìm kiếm, vẫn kêu gọi, cho đến trời tối, nhưng không thấy bóng dáng ba cô. Rồi họ quay về, nghĩ rằng ba cô hẳn đã trở về bằng đường khác và giờ này đã về đến nhà, nhưng không thấy chúng.

Cư dân tổ chức một cuộc truy tìm; mọi người đều tham gia trợ giúp. Bà Seton ngất lên ngất xuống. Vào buổi tối ngày kế, Cathy Sloan trở về St Pierre. Cô xuống sức, còn quần áo thì lấm lem. Cô đã mất áo vét và một chiếc giày, nhưng vẫn còn cầm trên tay cái giỏ đựng thức ăn cho ba người, mà theo lời kể có lẽ là không đúng, chỉ đựng đầy lá cây. Lại có thêm nỗ lực tìm kiếm hai cô bé kia, nhưng không ai tìm được gì cả. Họ không hề tìm thấy một chiếc giày hoặc một mảnh trang phục, thậm chí một dấu chân cũng không thấy. Đó như thể là đất nứt ra một lỗ hổng và nuốt chửng hai cô bé.

Cathy Sloan được đưa lên giường nằm nghỉ, tuy rằng liệu cô có thực sự ngã bệnh hay không là điều người ta còn tranh luận với nhau. Cô nói mình đã cãi vã với Eve ít lâu sau khi rời khỏi nhà, và đã lẽo đẽo theo sau hai cô kia cho đến khi không còn thấy bóng dáng họ. Cô đi đến bờ hồ và cất tiếng gọi, nghĩ rằng họ cố tình trốn lánh mình. Rồi cô bị mất phương hướng trong vùng rừng và không thể tìm lại con đường mòn. Cô không gặp lại hai chị em nhà Seton nữa.

Cư dân vẫn tiếp tục tìm kiếm, phái người đi đến các làng của thổ dân Da Đỏ, vì lẽ tự nhiên là họ nghi ngờ thổ dân có liên can, cũng tự nhiên như là mưa từ trên trời rơi xuống. Nhưng không chỉ thổ dân thề thốt trên quyển Kinh Thánh là họ vô tội, mà lại không hề có dấu hiệu gì cho thấy đó là vụ bắt cóc. Gia đình nhà Seton tìm kiếm càng ngày càng xa hơn trong các vùng rừng. Charles Seton thuê người đi tìm kiếm giúp ông, kể cả một người Da Đỏ giỏi việc theo dấu chân. Sau khi bà vợ qua đời hẳn là vì quá buồn khổ, ông lại thuê thêm một người Mỹ chuyên nghề truy tìm - có biệt hiệu là Người Dò tìm. Người này đi đến các bộ tộc Da Đỏ ở vùng Thượng Canada và xa hơn nữa, nhưng không tìm thấy gì.

Nhiều tháng rồi nhiều năm trôi qua. Ở vào tuổi 52, Charles Seton qua đời, kiệt lực, không đồng xu dính túi, và hoang mang. Cathy Sloan không còn có vẻ đẹp như xưa. Có vẻ như cô vô tri vô giác và đần độn - hoặc là lúc nào cô vẫn thế? Không ai còn nhớ được ra sao. Câu chuyện lan xa, càng được thêm thắt chi tiết, rồi biến thành một huyền thoại, lan truyền trong đám học sinh theo nhiều tình tiết mâu thuẫn nhau, do các bà mẹ mệt mỏi kể lại khi tỏ ý cấm con cái họ đi chơi lang thang. Càng ngày càng có nhiều giả thuyết bừa bãi để giải thích chuyện gì đã xảy ra cho hai cô bé; nhiều người phương xa gửi thư đến cho biết đã trông thấy hai cô, hoặc đã cưới hai cô, hoặc nhận mình là hai cô, nhưng không ai minh chứng được thông tin của mình là chính xác. Cuối cùng, không lời giải thích nào có thể trả lời cho nghi vấn trong việc Amy Seton và Eve Seton mất tích.

Tất cả vụ việc đã xảy ra mười lăm năm về trước, hay hơn nữa. Lúc này thì cả hai ông bà Seton đã qua đời; khởi đầu là người mẹ vì đau buồn, kế đến là người cha vì khánh tận và kiệt lực do nỗ lực tìm kiếm. Nhưng câu chuyện về hai cô bé vẫn còn có liên quan đến chúng tôi bởi vì em gái Bà Seton cưới Ông Knox, và vì thế chúng tôi đã rơi vào sự im lặng với mặc cảm phạm tội khi bà bước vào cửa hiệu ngày hôm ấy. Tôi không thân thiết lắm với bà, nhưng tôi biết rõ rằng bà không bao giờ muốn nói về câu chuyện ấy. Có lẽ là vào những buổi tối mùa đông, trước lò sưởi, bà nói về những chuyện nào khác.

Vẫn có chuyện người ta ở đâu đó bị mất tích. Tôi cố không nghĩ đến tình huống tồi tệ nhất, nhưng bây giờ tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện khủng khiếp về việc hai cô bé bị mất tích. Chồng tôi đã đi ngủ. Hoặc anh không lo lắng, hoặc anh tỏ ra dửng dưng - đã nhiều năm rồi tôi không thể hiểu trong đầu anh đang nghĩ gì. Tôi đoán bản chất của hôn nhân là thế, hoặc có lẽ bởi vì tôi nhận thức kém cỏi.

Chị hàng xóm Ann Pretty hẳn có ý nghĩ thiên về trường hợp thứ hai; chị có hàng nghìn cách thức để hàm ý rằng tôi khiếm khuyết trong bổn phận làm vợ - mà khi bạn nghĩ về điều này thì đấy là cả một kỳ công đáng ngạc nhiên đối với một phụ nữ không được đi học đến nơi đến chốn. Chị ấy cho rằng việc tôi không có con cái là dấu hiệu thất bại khi tôi làm nhiệm vụ di dân, tức là đáng lẽ tôi phải tạo nguồn nhân lực để làm việc cho trang trại mà không cần phải thuê người ngoài. Trong một xứ sở đất rộng người thưa thì đấy là lời phê phán phổ biến. Đôi lúc tôi nghĩ rằng các di dân sinh đẻ nhiều như là cách đáp ứng với miền đất bao la và hoang vắng, như thể họ hy vọng sẽ lấp đầy miền đất này với con cháu của họ. Hoặc có thể họ e rằng có thể dễ dàng mất một đứa con, nên phải lo sinh đẻ thêm. Có thể họ đã nghĩ đúng.

Chiều hôm ấy, khi tôi quay về nhà, Angus cũng trở về. Tôi kể cho anh nghe về cái chết của Jammet. Anh mân mê chiếc dọc tẩu một hồi lâu, theo thói quen khi chìm vào suy tư. Tôi gần như bật khóc, tuy tôi không quen biết Jammet nhiều. Angus chơi thân với anh ấy hơn; đôi lúc cùng đi săn với anh ấy. Nhưng tôi không thể đọc được ý nghĩ của chồng mình. Sau đấy, chúng tôi ngồi vào chỗ thường ngày trong gian bếp, dùng bữa trong im lặng. Giữa hai chúng tôi là một chiếc đĩa khác. Không ai trong chúng tôi nhắc đến chiếc đĩa này.

Nhiều năm trước, chồng tôi lên đường đi miền đông. Anh đi được ba tuần rồi gửi cho tôi một bức điện tín bảo rằng anh sẽ về ngày Chủ nhật. Trong bốn năm chúng tôi chưa từng sống xa nhau đêm nào, nên tôi thấp thỏm ngóng chờ ngày anh về. Khi nghe tiếng bánh xe lạo xạo trên con đường, tôi chạy ra đón, rồi kinh ngạc mà thấy có hai người ngồi trên cỗ xe. Khi cỗ xe chạy đến gần, tôi thấy đấy là một đứa trẻ khoảng năm tuổi, một bé gái. Angus ghì cương ngựa và tôi chạy đến bên cạnh, tim đập mạnh. Con bé đang ngủ, lông mi dài, hai gò má tái xám. Mái tóc đen. Lông mày đen. Những tĩnh mạch tím hiện qua mi mắt. Con bé trông xinh xắn. Và tôi không thốt được nên lời. Tôi chỉ chăm chăm nhìn.

“Các bà sơ người Pháp nuôi nấng chúng. Cha mẹ bọn chúng qua đời vì bệnh dịch hạch. Anh nghe nói về bọn chúng và tìm đến tu viện. Có nhiều đứa trẻ ở đấy. Anh cố tìm một trẻ có tuổi thích hợp, nhưng...” Anh bỏ lửng câu nói. Đứa con gái nhỏ của chúng tôi đã chết năm trước. “Nhưng con bé này là dễ thương nhất.” Anh hít một hơi thở sâu: “Chúng ta có thể gọi con bé là Olivia. Anh không rõ em có muốn nhận nuôi không, hoặc là...”

Tôi giăng hai cánh tay choàng qua cổ anh, và bỗng dưng thấy khuôn mặt mình ướt đẫm. Anh ôm chặt lấy tôi, và lúc ấy đứa trẻ mở mắt ra.

Con bé nói với ngữ âm Ireland: “Tên cháu là Frances.” Con bé có vẻ tinh anh khi mở tròn đôi mắt; cũng có vẻ lanh lợi.

Tôi nói một cách bồn chồn: “Chào Frances.” Liệu con bé không thích chúng tôi thì sao?

Con bé hỏi: “Bà sẽ là mẹ của con phải không?”

Tôi cảm thấy đôi má mình nóng bừng khi tôi gật đầu. Sau đấy, con bé giữ im lặng.

Chúng tôi dắt con bé vào nhà, rồi tôi chuẩn bị bữa ăn chiều ngon nhất mà tôi có khả năng làm được - cá, rau cải, trà pha nhiều đường, dù con bé ăn không nhiều, và nhìn chăm chăm món cá như thể không biết chắc đấy là món gì. Con bé không thốt nên lời nào, đôi mắt xanh lam đậm đảo qua đảo lại giữa hai chúng tôi. Con bé tỏ ra mỏi mệt. Tôi ôm lấy con bé và mang lên tầng trên. Cảm giác được ôm thân thể ấm áp, buông thõng làm cho tôi run rẩy vì cảm xúc. Tôi cảm nhận bộ xương con bé mảnh mai trong hai bàn tôi, và cơ thể nó có mùi như căn phòng thiếu thoáng khí. Vì con bé đã ngái ngủ, tôi chỉ cởi bộ áo ngoài, giày và bít tất của nó, rồi tấn một chiếc chăn quanh người nó. Tôi ngắm nhìn khi con bé co duỗi trong giấc ngủ.

Cha mẹ của Frances đã đi đến Đảo Belle trên chiếc tàu mang tên Sarah chứa đầy người Ireland ở Hạt Mayo, lúc ấy vẫn còn đang bị hoành hành vì nạn đói khoai tây. Họ bị nhiễm bệnh sốt phát ban trên tàu, tuy trận dịch đã qua đỉnh điểm tồi tệ nhất. Gần một trăm đàn ông, phụ nữ và trẻ em chết trên con tàu ấy, và con tàu bị chìm trên chuyến trở về cảng Liverpool ở Anh quốc. Một số trẻ em trở thành mồ côi và được đưa vào cô nhi viện cho đến khi có người nhận làm con nuôi.

Sáng hôm sau, tôi đi vào gian phòng nơi Frances vẫn còn say ngủ, nhưng khi đưa tay chạm nhẹ vai con bé, tôi có cảm tưởng nó giả vờ ngủ. Tôi nhận ra con bé đang sợ hãi; có lẽ nó đã nghe được mấy mẩu chuyện kinh hoàng về nông dân Canada và nghĩ chúng tôi sẽ đối xử với nó như là nô lệ. Mỉm cười với con bé, tôi cầm lấy bàn tay nó và dẫn nó bước xuống thang lầu, đến nơi tôi đã chuẩn bị một bồn tắm nước nóng đặt trước lò sưởi. Con bé cúi gằm mặt nhìn xuống sàn nhà khi giơ hai cánh tay lên cho tôi cởi chiếc áo choàng của nó.

Tôi chạy ra khỏi nhà, đi tìm Angus. Anh đang chẻ củi ở một góc nhà.

Tôi khẽ kêu: “Angus,” cảm thấy vừa tức giận vừa ngốc nghếch.

Anh quay lại, chiếc rìu trên tay, nhíu mày nhìn tôi, hoang mang: “Có chuyện gì thế? Con bé có sao không?”

Tôi lắc đầu để trả lời câu hỏi thứ nhất. Tôi đoán rằng anh đã biết, nhưng tôi loại bỏ ý nghĩ này. Anh quay lại khúc gỗ; chiếc rìu bổ xuống; hai khúc củi nằm gọn trong cái giỏ.

“Angus, anh mang về một bé trai.”

Anh đặt chiếc rìu xuống. Anh đã không biết. Chúng tôi trở vào, đi đến đứa trẻ đang đùa nghịch với viên xà phòng trong bồn tắm. Đôi mắt nó mở lớn và có vẻ cảnh giác. Nó không có vẻ ngạc nhiên khi thấy hai chúng tôi nhìn nó chăm chăm.

Anh hỏi: “Em muốn anh đi trở lại không?”

“Không, dĩ nhiên là không.” Tôi quỳ xuống kế bên đứa trẻ, cầm lấy viên xà phòng từ tay nó. Hai tấm xương bả vai nhô ra trông giống như gốc hai cánh trên cái lưng khẳng khiu.

“Để mẹ giúp cho.” Tôi cầm viên xà phòng và bắt đầu tắm rửa cho đứa trẻ, hy vọng hai bàn tay tôi tỏ lộ tình cảm với nó tốt hơn là ngôn từ.

Angus trở lại với đống củi, đóng mạnh cánh cửa sau lưng anh.

Có vẻ như Francis không bao giờ cảm thấy ngạc nhiên là nó được đưa đến nhà chúng tôi trong khi ăn mặc như con gái. Trong nhiều tiếng đồng hồ, hai vợ chồng chúng tôi suy nghĩ về động lực của các bà sơ người Pháp - họ đã nghĩ rằng trẻ gái dễ được chấp nhận làm con nuôi hơn là trẻ trai hay sao? Nhưng lại có nhiều đứa con trai trong số các trẻ mồ côi. Liệu họ chỉ phớt lờ, bị mờ mắt vì nét đẹp của gương mặt nó, và tròng cho nó bộ quần áo mà họ cho là thích hợp nhất? Bản thân Francis không có lời giải thích nào, hoặc tỏ ý xấu hổ, cũng không chống đối khi tôi may cho nó ít quần tây cùng áo sơ mi và cắt ngắn mái tóc dài của nó.

Cậu bé nghĩ chúng tôi không bao giờ tha thứ cho nó, nhưng đối với tôi thì không phải thế. Về phần chồng tôi thì tôi không chắc. Là dân gốc Cao nguyên Scotland[5], anh không thích bị người ta xem là dễ bị lừa phỉnh, và tôi không rõ liệu có lúc nào anh sẽ vượt qua được cú sốc hay không.

Khi Francis còn nhỏ thì mọi việc ổn thỏa. Có lúc nó trông buồn cười, thích làm trò hề, và khéo bắt chước. Nhưng chúng tôi đều già đi, nhiều sự việc thay đổi theo chiều hướng xấu hơn - lúc nào cũng thế. Khi Francis lớn lên, có vẻ như nó không hòa hợp tốt với những người khác. Tôi để ý thấy nó cố gắng để tỏ ra chịu đựng và rắn rỏi, để nuôi dưỡng lòng can đảm đến mức ngông cuồng, không màng gì đến mấy hiểm nguy vốn luôn rình rập trong vùng rừng xa xôi. Để trở thành đàn ông, người ta phải có dũng khí và chịu đựng giỏi, xem thường đau đớn và khổ nhọc. Không bao giờ than vãn. Không bao giờ chùn bước. Tôi thấy nó đã thất bại. Đáng lẽ chúng tôi phải cư ngụ ở Toronto hoặc New York, lúc ấy những tố chất kia có lẽ không quan trọng lắm. Cái mà người ta gọi là anh hùng tính trong một thế giới mềm mỏng hơn thì ở đây là chuyện thường ngày. Francis đã ngưng tỏ ra giống những người khác; nó trở nên lầm lầm lì lì, không còn đáp ứng lại niềm thương yêu, không còn muốn chạm đến tôi nữa.

Bây giờ, Francis lên mười bảy tuổi. Ngữ âm Ireland không còn nữa, nhưng theo cách khác nó vẫn giống như người xa lạ như tự bao giờ. Nó cứ giống như đứa trẻ thay thế[6]; họ bảo nó có dòng máu Tây Ban Nha pha trộn máu Ireland; và khi nhìn Francis bạn hẳn tin điều ấy - trong khi hai vợ chồng tôi có nước da trắng thì ngược lại nó có làn da ngăm đen. Có lúc dì Pretty nói đùa rằng nó đến từ một trận dịch tễ và trở thành cơn bệnh cho riêng hai vợ chồng tôi. Tôi tức giận với bà (và dĩ nhiên là bà chế giễu lại tôi), nhưng lời ấy ghim vào đầu óc tôi mỗi khi Francis đóng sầm cánh cửa chạy ra khỏi nhà, càu nhàu như là không thể thốt nên lời. Tôi phải tự nhắc nhở rằng nó là đứa con trẻ dại của mình, thế nên tôi phải kiềm chế trong lời ăn tiếng nói. Chồng tôi thì không được khoan dung như vậy. Hai người có thể sống bên nhau trong nhiều ngày mà không trao đổi với nhau lời nào.

Đấy là lý do tại sao tôi ngại nói cho Angus biết rằng từ ngày hôm trước tôi đã không thấy Francis. Tuy thế, tôi vẫn bất mãn vì anh đã không hỏi han gì. Chẳng bao lâu là trời sáng, và đứa con trai của chúng tôi đã đi khỏi nhà được bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Lúc trước, có lần nó đã làm thế - đi câu cá một mình cả hai hoặc ba ngày, rồi trở về mà không có con cá nào và cũng không nói nó đã làm gì. Tôi đoán nó không thích sát hại con vật nào; việc đi câu cá chỉ là cái cớ để nó muốn được một mình.

Hẳn tôi đã thiếp ngủ trên chiếc ghế, bởi vì khi tôi thức giấc thì trời đã gần sáng, khô và lạnh. Francis vẫn chưa trở về nhà. Dù đã cố nhủ thầm đây chỉ là sự trùng hợp, chỉ là thêm một chuyến đi câu mà không có cá, tôi vẫn khắc khoải với ý nghĩ rằng con trai tôi đã mất tích vào đúng ngày xảy ra vụ án mạng duy nhất từ trước đến giờ ở Sông Dove.

 

[1] Canis lupus: là tên khoa học của loài chó sói lông xám.

[2] Strychnine: một chất độc được trích từ cây mã tiền, thường được dùng làm bả chuột, dùng với liều lượng đúng mức trong y khoa là thuốc gây kích thích và thuốc bổ.

[3] Doc: tiếng thân mật để gọi bác sĩ, như cách người Việt gọi “đốc tờ”.

[4] Coppermine: tên thị trấn miền bắc Canada, bên bờ một vịnh chảy ra Bắc Băng Dương.

[5] Dân Cao nguyên Scotland: Ở miền bắc Scotland, khác biệt với người miền trung du Scotland qua văn hóa và ngôn ngữ, có đầu óc tự hào.

[6] Đứa trẻ thay thế: Trong thần thoại hay truyện cổ tích phương Tây, là đứa trẻ được thay thế cho đứa trẻ khác bị bà tiên mang đi.