Sự Hiền Hòa Của Sói

Chương 9

Qua khung cửa sổ, Andrew Knox nhìn tuyết rơi với tâm trạng lẫn lộn. Một mặt, ông nhận ra có sự trêu đùa nào đó của cô chị rằng em gái Susannah quan hệ tình cảm với Donald, và vì thế ông có mối quan ngại của người cha về cái anh nhân viên trẻ của Công ty đang dấn thân vào chốn lùm bụi. Mặt khác, ông cảm thấy nhẹ nhõm khi nghĩ về dấu chân của người bị giam giữ bị lấp dưới lớp tuyết. Đó là tuyết khô, tuyết mùa đông thực sự, che phủ mặt đất cho đến mùa xuân năm sau. Dĩ nhiên là ông than thở về điều này với Mackinley và những người còn lại, và giúp tổ chức người tình nguyện thành những nhóm tìm kiếm để ít nhất xác nhận phương hướng của kẻ đào tẩu.

Sau khi họ ra đi, Knox mời Adam vào phòng đọc sách và giảng cho anh một bài học dài về mức độ nghiêm trọng trong sai sót của anh. Adam phản đối mạnh mẽ rằng anh nhớ rất rõ đã quàng dây xích và khóa cánh cửa, và Knox nhìn nhận có thể có cách giải thích khác cho vụ đào tẩu, nên vì lý do này Adam sẽ không bị mất việc. Lời lẽ của Adam là pha trộn giữa sự phản đối đúng lý và lòng biết ơn bực bội; cả hai người biết anh làm đúng, nhưng họ cũng biết có giới hạn trong việc người làm tranh luận với ông chủ. Cuộc đời không công bằng.

Như thể vụ việc này chưa đủ phức tạp, một tiếng đồng hồ trước có lời đồn đại khác thường từ Sông Dove rằng Bà Ross đã biến mất, và người ta râm ran buôn chuyện là bà đã bị kẻ đào tẩu bắt cóc. Knox kinh hoàng với sự cố này, bối rối về vai trò của mình trong đó. Có phải bằng cách nào đó ông đã gây ra chuyện này khi cho phép bà tiếp xúc với người đàn ông? Hoặc việc hai người biến mất đơn thuần là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Ông phải nhìn nhận rằng có lẽ không phải vậy. Suy đi tính lại, ông phải hy vọng là bà đã bị bắt cóc, bởi vì nếu tự đi một mình thì bà sẽ không có cơ may sống sót trong thời tiết như thế này.

Khi ông báo tin cho bà vợ và hai cô con gái, ông cẩn thận nhấn mạnh mình tin chắc rằng người bị giam giữ đang đi khỏi Caulfield càng xa càng tốt. Như ông đã đoán trước, vợ con ông tỏ ra kinh hoàng đối với tin Bà Ross mất tích. Đó là cơn ác mộng của bất kỳ phụ nữ da trắng nào sống trong vùng đất hung dữ này; cho dù ông trấn an họ rằng đây chỉ là tin đồn. Nhưng trong đầu óc mọi người, việc người bị giam giữ đào tẩu và người phụ nữ bị bắt cóc chứng tỏ Parker có tội.

Mackinley đón nhận tin tức với nét mặt nghiêm trọng trong sự thỏa mãn, dù cho ông mắng nhiếc sự ngu dốt của Adam và trách móc việc Caulfield thiếu cơ sở thích hợp để giam giữ phạm nhân. Bây giờ ông gia nhập một trong những nhóm tìm kiếm, lùng sục mọi dấu vết dọc bờ vịnh. Sau khi gặp Mackinley để cho biết về sự đào tẩu, Knox phải tự giam mình trong phòng đọc sách với một ly rượu cô-nhắc, rồi ông lên cơn run rẩy mãnh liệt. May mắn là triệu chứng qua đi trong chốc lát, nhưng ông vẫn không đủ can đảm để đi ra ngoài và đối mặt với mọi người.

“Pa-pa ổn chứ?” Maria đã không gọi ông “pa-pa” trong một thời gian dài mà ông còn nhớ được. Cô đi đến sau lưng ông và đặt hai bàn tay lên hai vai ông: “Quả là chuyện kinh khủng.”

“Có thể còn tồi tệ hơn nữa. Nó luôn tồi tệ hơn.”

Maria trông như vừa khóc - lại thêm một thói quen trẻ con mà ông nghĩ đứa con gái đã từ bỏ. Ông biết cô không lo lắng cho chính cô, mà cho tiếng tăm của ông.

“Con không chịu được người ta sẽ nói gì.”

“Con đừng kết luận vội. Tất cả chúng ta cho rằng mình biết những chuyện gì đã diễn ra, nhưng tất cả chỉ là ức đoán. Nếu con muốn biết cha nghĩ gì…” Ông tỏ ra thận trọng với chính mình: “Phần lớn người bị giam giữ trốn thoát không đi được xa. Có lẽ ông ta sẽ bị bắt lại trong vòng một hoặc hai ngày.”

“Con không chịu được khi nghĩ về người phụ nữ tội nghiệp đó.”

“Chưa ai nói chuyện với chồng bà. Cha sẽ đi trao đổi với ông ấy. Có lẽ rồi sẽ không có chuyện gì cả.”

“Mackinley tỏ vẻ tức giận đến nỗi con nghĩ ông ấy sắp đánh Adam.”

“Ông ta bị thất vọng, ông ta nghĩ việc kết tội sẽ giúp ông ta thăng chức.”

Maria đằng hắng với vẻ miệt thị: “Con không tin sau vụ việc này chúng ta sẽ trở về cuộc sống bình thường.”

“À… chỉ sau vài tháng chúng ta sẽ không còn nhớ gì nhiều.”

Ông liếc ra khung cửa sổ và băn khoăn liệu cô con gái có cảm thấy được thuyết phục hay không. Một lần nữa, đầu óc ông quay cuồng về điều khả dĩ của thảm họa sắp đến. Khi ông nhìn quanh (một vài giây sau? một phút? ông không chắc) thì Maria đã đi ra ngoài. Ông đã bị mê hoặc vì quang cảnh trắng xóa bên ngoài. Những bông tuyết rơi lả tả như lông vũ và bao bọc lấy một lớp không khí trên mặt đất, lọn này chỉ tiếp giáp một ít với lọn kia.

Lớp tuyết hoàn hảo để che lấp mọi dấu vết.

Susannah phản ứng với mọi tin tức căng thẳng trong ngày bằng cách mặc thử các chiếc áo trong phòng cô, gạt qua một bên những kiểu quá lỗi thời. Nghi thức này diễn ra hàng tháng, mỗi khi Susannah cảm thấy cái ách của xứ sở đè nặng quá khó chịu trên đôi vai cô. Maria đứng ngoài lối đi nhìn cô em kéo dải ruy băng của một chiếc áo màu lục với vẻ khinh bỉ. Cô cảm thương em gái vì đã lo lắng với những chuyện như vòng eo và khổ tay áo trong thời gian khủng hoảng.

“Susannah à, cái áo đó mặc rất vừa với em. Đừng xé.”

Susannah nhìn lên: “Em không thể ăn mặc với mấy thứ điên khùng này, trông quá lố bịch.” Cô thở dài và ném chiếc áo xuống. Dải ruy băng làm buồn lòng đã được chính tay Maria kết với những đường chỉ li ti, chắc chắn.

Maria nhặt chiếc áo lên: “Ta có thể thay tay áo mới, có lẽ với đăng ten, tháo phần này ra và thay đường viền cổ áo, thế là sẽ thành thời trang.”

“Em cũng nghĩ vậy. Còn ta sẽ làm gì với cái này?” Cô cầm lên một tấm vải sợi bông in hoa văn những cành cây nhỏ hai màu.

“Hừm... khăn lau đĩa.”

Susannah cười - tiếng cười ha hả trong chốn riêng tư ở nhà, trái ngược với tiếng ngoài công cộng mà mẹ cô nói giống phụ nữ quý phái hơn. “Trông chán quá, phải không? Em không biết mình đang nghĩ gì.”

“Matthew Fox, theo như chị còn nhớ.”

Susannah ném chiếc áo về phía chị: “Càng có thêm lý do để dùng làm khăn lau đĩa.”

Maria ngồi trên giường, chung quanh là mấy món bị phế thải. “Em viết thư cho Donald Moody chưa?”

Susannah tránh ánh mắt của chị: “Em viết thế nào được? Không có cách gì gửi thư cả.”

“Chị nghĩ em đã hứa?”

“À, anh ấy cũng hứa, nhưng em chưa nhận được gì, còn anh ấy biết em ở đâu.”

“À, sẽ sớm có tin tức nào đó. Chị nghĩ họ sẽ nghe tin về người bị giam giữ, và nhận ra họ đang truy lùng sai đối tượng.”

Maria ngả người nằm xuống giữa những chiếc áo: “Chị nghĩ em mến anh ấy.”

“Anh ấy trông được.” Đôi má Susannah ửng đỏ, khiến cho cô cảm thấy bực mình. Maria nhìn em gái mà cười.

“Thôi đi! Nhưng em phải làm gì?”

“À, chị nghĩ em có thể viết vài bức thư dài nồng nàn, cột một dải ruy băng màu hồng, rồi giữ bên cạnh quả tim.”

Maria vui vì thấy Susannah thẹn thùng. Cô đã thấy nhiều anh trai trẻ tỏ lộ yêu mến em gái một cách nồng nàn và nghĩ mình được đáp lại, nhưng chỉ sau khoảng một tuần Susannah đã không quan tâm đến nữa, đôi mắt hướng đến điều gì khác hấp dẫn hơn ở gần đâu đó. Ngăn kéo ở bàn trang điểm của cô em chứa đầy chứng tích tình yêu không được đáp ứng. Ngăn kéo của Maria không mang gánh nặng như thế, nhưng điều này không khiến cho chị ghen tị với em; không hề có. Cô biết em gái cảm thấy phiền hà đối với mọi mối quan tâm, vốn chỉ tạo thêm áp lực cho một người con gái trẻ phải cư xử như một quý cô. Tất cả thanh niên khi đã thấy khuôn mặt và dáng người của Susannah đều không nhận ra sự thật cơ bản về cô - rằng cô có tính thực dụng sâu sắc, thích đi bơi và câu cá hơn là tham gia những buổi tiệc trà thanh lịch. Cô chán ngán cách trò chuyện trừu tượng và bối rối khi nghe lời lẽ hoa mỹ.

Vì lẽ Maria biết được những điều này, cô không ghen tị khi em gái được nhiều thanh niên để ý đến. Và vì lẽ Maria đã biết, khi cô rất mến một anh trai trẻ dạy học ở trường năm rồi, Susannah đã thành thực mong anh sẽ mang lại hạnh phúc cho chị mình. Không phải do lỗi của Susannah khi Robert gặp cô em, nhưng tình cảm của anh ta bị đảo lộn rồi cuối cùng anh ta lắp bắp tỏ tình với cô em. Anh ta phải lẻn trở về Samia trên chuyến tàu sớm nhất do sợ hãi vì phản ứng khủng khiếp của Susannah. Cô không kể cho chị nghe, nhưng chẳng chóng thì chày tin đồn cũng râm ran đây đó, giống như mọi tin khác ở Caulfield. Sau một thời gian âm thầm đau khổ, Maria tạo ra một hình tượng bằng sáp của Robert Fisher rồi chầm chậm nướng trên một ngọn lửa trong phòng ngủ. Điều kỳ lạ là việc này giúp cho cô thoải mái hơn.

Từ lúc đó, Maria gần như có lời thề nguyện là sẽ không yêu đương nữa, vì cô không mường tượng được có người nào đạt đến lý tưởng của mình về người đàn ông - đấy là cha cô. Dù sao chăng nữa, cô không chắc hôn nhân và hạnh phúc gia đình là tất cả những gì đáng tán dương. Ở Caulfield và Sông Dove, phụ nữ phải làm lụng quần quật với tốc độ chóng mặt, đến nỗi khi các ông đạt đến thời kỳ mà bạn có thể gọi là đỉnh cao, thì các ông này trông như đã kết hôn với mẹ của các bà. Đấy là tình cảnh mà Maria không muốn hình dung ra cho mình.

Nhưng có vẻ như Donald là người đàn ông đàng hoàng và thông minh. Từ lâu Maria đã có thói quen là khi vừa gặp ai lần đầu, cô tỏ ra khiêu khích và dễ nổi cáu, nhằm đánh thức người quá nông cạn nên không nhìn rõ chiều sâu trong tâm hồn cô. Đó là một cách thức tự vệ, càng được củng cố là đúng sau mối tình không may. Donald vẫn chịu đựng, cho dù đó là vì Susannah, và cô tôn trọng Donald về điều này. Và rồi, khi hai người gặp nhau trên đường sau khi anh gặp Sturrock, cô có ấn tượng về lời lẽ của anh, thậm chí đến mức tự hỏi liệu những gì cô được nghe về Người Dò tìm là đúng sự thật hay không.

“Còn cái này thì sao?” Susannah đưa ra một chiếc áo bằng len có màu lam nhạt, mà ngày xưa cô yêu thích. “Em muốn mặc lại, nếu thay đổi tay áo theo cách nào đó.”

Có vẻ như cô đã gạt Donald ra ngoài mọi ý nghĩ của mình. Theo một khía cạnh, ngay khi rời Caulfield anh đã không còn hiện diện theo cách có ý nghĩa nào, và trở thành một thể trừu tượng, một tình trạng đình chỉ. Maria nghĩ có lẽ Susannah sẽ không bao giờ viết thư cho anh. Cô tự hỏi nếu Donald không để ý đến Susannah như lần đầu tiên hai người gặp nhau, thì cô có nên để ý đến anh không. Ý nghĩ này dĩ nhiên là điên rồ.

Knox lấy cái bẫy và tự lái xe đến Sông Dove để gặp Angus Ross. Ông đã không xác định được nguồn của lời đồn, và tự trách mình đã tin ngay vào lời đồn này. Kể từ khi lời đồn lan ra, ông đã nghe thêm những câu chuyện ly kỳ hơn: rằng nhà Maclaren đã bị giết trên giường của họ; rằng một đứa trẻ đã mất tích; thậm chí rằng người bị giam giữ đích thân trói Knox khi trốn thoát. Vì thế mà ông mong Bà Ross có mặt ở nhà.

Ông thấy Ross đang sửa hàng rào trên cánh đồng cách xa nhà. Ross vẫn tiếp tục làm việc khi ông đến gần, chỉ đứng thẳng dậy và ra dấu chào hỏi khi ông còn cách ít bước. Ai cũng biết Ross có tính ít nói, cũng như biết vợ ông này không màng đến đất lề quê thói, nhưng Ross vẫn chào hỏi ông một cách thân thiện.

“Angus.”

“Andrew, tôi mong anh vẫn khỏe.”

“Vẫn thường thôi.” Ross là một trong số ít người ở Sông Dove không lấy làm khó khăn mà kêu tên của Knox. “Tôi biết tại sao ông đến đây.”

Ross có đôi mắt và tóc màu nhạt, và tác phong lù đù. Ông khiến cho Knox liên tưởng đến đá hoa cương phong hóa: một người Pict đặc trưng, ông và bà vợ cùng có tính bướng bỉnh, dù bà là người khá thanh lịch và trông giống người Anh, tuy cứng cỏi như đá lửa. Đá hoa cương và đá lửa. Đấy là mẫu người mà thiên hạ không thể nào hình dung được trong những tình huống thân mật. (Knox xoay chuyển ý nghĩ khỏi việc này với sự run rẩy trong tinh thần và tự trách mình.) Và cả hai người đều rất khác biệt với Francis đến nỗi ai cũng biết anh không phải là con ruột của họ.

“Vâng, hôm nay chúng tôi nghe nhiều tin đồn huyễn hoặc. Mọi người đều dao động với việc người bị giam giữ đã trốn thoát. Đây là chuyện vô cùng không may.”

“À, đúng thế. Bà ấy đã đi, nhưng không phải đi vì bị cưỡng ép.”

Knox im lặng để chờ có thêm thông tin. Nhưng Ross không chịu nói thêm.

“Ông biết bà ấy đi đâu không?”

“Đi tìm Francis. Bà ấy nói sẽ đi tìm. Bà không chịu đựng được nỗi lo lắng.”

Knox kinh ngạc đối với vẻ trầm tĩnh của Ross.

“Tôi đoán họ sẽ gặp người của Công ty.”

“Bà ấy không đi một mình sao?”

Ross khẽ nhún vai, nhìn Knox: “Nếu ông hỏi người bị giam giữ có đi cùng bà ấy không, thì tôi không nói được. Tôi không thể tưởng tượng được tại sao ông ta muốn giúp bà ấy, còn ông nghĩ sao?”

“Ông có lo lắng không? Vợ ông, đi ra ngoài kia... vào mùa này trong năm?”

Ross nhặt lên cái rìu và cái cuốc chim rồi đi về phía ngôi nhà: “Vào đây uống trà.”

Knox nhận ra rằng mình không có chọn lựa khác.

Ross cho Knox thấy ông không cần lo lắng về an nguy nhất thời của vợ ông. Hiển nhiên là bà mang theo đủ thứ cần thiết. Ông đã đọc tờ ghi chú bà để lại, chuẩn xác nhưng diễn cảm. Câu “đừng để ý đến những gì anh sẽ nghe” có thể hàm ý việc người bị giam giữ đã trốn thoát, nhưng cũng có thể không đúng. Knox thắc mắc liệu Ross có ghen hay không, là mối quan tâm của một người chồng mà bà vợ có khả năng đi trốn với một người đàn ông khác, cho dù đấy là tình huống kỳ quặc ra sao. Ông không thể phát hiện tâm tư này.

Khi dùng trà, Knox ức đoán về tình trạng cuộc hôn nhân của Ross. Có lẽ trong mấy năm sau này, hai người không còn hòa hợp với nhau nữa. Có lẽ Ross vui vì bà vợ đã ra đi. Và vì đứa con trai đã ra đi.

“Vào lúc này, có lẽ tốt nhất nếu ông không nói gì về việc này với ai cả. Tôi sẽ nói rằng tôi đã trao đổi với ông và rằng không có chuyện gì phải lo. Chúng tôi không muốn có thêm nhiều sự... hoảng hốt.”

Ông dự trù sẽ có thêm nhiều người ra đi về hướng bắc, và cảm thấy một tiếng cười điên dại dâng lên cổ họng khi nghĩ đến điều này. Một phản ứng không thích hợp càng ngày càng diễn ra thường xuyên khi ông đang già đi. Có lẽ đó là do tình trạng lão suy. Ông nuốt tiếng cười - đây là công việc nghiêm túc. Nhưng có lẽ không cần thiết có thêm người, bởi vì hy vọng rằng Donald Moody và Jacob sẽ có mặt tại chỗ - cho dù chỗ đó ở đâu chăng nữa.

Ross gật đầu: “Nếu ông muốn vậy thì được.”

“Tôi có đúng không khi nghĩ rằng ông không có ý định đi theo vợ ông?”

Một khoảnh khắc im lặng. Đối với đa số đàn ông, câu hỏi đó bị xem là thái độ khinh thường.

“Tôi sẽ đi đâu? Trong thời tiết như thế này tôi không biết chắc bà ấy đi đâu. Như tôi đã nói, có phần chắc là bà ấy sẽ gặp người của Công ty.”

Có phải bây giờ ông đang tự minh chứng cho mình? Knox cảm thấy có ác cảm. Ông bắt đầu nhận thấy tính chịu đựng như thế là khó chịu, chưa nói đến đáng ghét.

Knox đứng lên: “Này... cảm ơn ông đã thẳng thắn với tôi. Tôi thành thực mong gia đình ông sẽ chóng ổn thỏa như xưa.”

Ross gật đầu, cảm ơn Knox đã đến thăm, và xem dường không bận tâm về nỗi quan ngại hoặc niềm phấn khởi.

Knox cảm thấy nhẹ nhõm khi từ giã Angus Ross. Ông đã kinh qua những cảm nghĩ tương tự qua cách đối xử với người bản địa - những người không bày tỏ cảm xúc nồng nàn như người da trắng - và quả là lao tâm khổ tứ khi mất nhiều thời gian với người mà một nụ cười bất chợt gây cảm tưởng như là sự yếu đuối của con trẻ.

༺༒༻

Mặc một chiếc áo choàng mùa đông được cho mượn, Sturrock lần mò đi qua lớp tuyết mới, xem xét mặt đất để tìm dấu vết của đường đào tẩu. Bên tay phải ông, một người đàn ông tên Edward Mackay cũng làm như thế. Bên tay trái ông, một anh trai trẻ dùng một cây gậy chọc xuống mặt đất chỗ này chỗ nọ. Sturrock nhận ra rằng đây là công việc vô vọng. Mọi việc đều được thực hiện sai ngay từ đầu. Khi người ta phát hiện người bị giam giữ đã tẩu thoát, tin tức rò rỉ nhanh chóng như vết dầu loang, cùng lúc trong mọi gia đình ở Caulfield, và cư dân đổ xô ra để săm soi và nêu giả thuyết, vì thế xóa đi mọi dấu chân lân cận. Dù sao chăng nữa, tuyết nhuyễn như bột đã bắt đầu rơi trong đêm, có lẽ che giấu tất cả dấu vết, nhưng có quá nhiều người can dự nên không thể thu thập thông tin từ hiện trường.

Khi Sturrock đi đến thì mặt đất chung quanh kho chứa hàng là một biển bùn và tuyết bẩn, và không ai biết cần tìm kiếm ở đâu. Vì thế, người khỏe mạnh được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm đi theo một hướng khác nhau, lùng sục mặt đất thành từng hàng mười người. Theo cách này, họ quét qua vùng đất chung quanh Caulfield, phá hủy tất cả thông tin mà mặt đất có thể cung cấp. Sturrock nhỏ nhẹ phản đối vì lý do này, nhưng ông là người ngoài đến đây nên chỉ được lắng nghe một cách lịch sự rồi bị phớt lờ. Đã có vài tin báo nhầm lẫn, khi nhóm người tìm kiếm hô hoán lên rằng họ đã thấy một vết chân hoặc dấu hiệu của một đường đi qua, cuối cùng đó chỉ là hiện tượng thiên nhiên hoặc dấu vết của thú rừng.

Tâm tư của Sturrock hướng về ngôi nhà của Scott, nơi ông cất giấu giấy tờ dưới tấm nệm giường (ông đã kiểm tra để biết chắc không có chuột bọ dùng giấy làm bữa ăn sáng), ông sẵn sàng lưu lại lâu nếu cần, tin rằng mình có thể xin Knox cho vay thêm tiền, trong khi chờ đợi anh con trai của Bà Ross và tấm thẻ xương xuất hiện trở lại. Ông tin chắc rằng không ai ở đây biết tấm thẻ đó là cái gì. Chính ông cũng không biết, và chỉ có một đầu óc hiếm hoi - như đầu óc của ông - mới biết cách nghĩ ra một câu chuyện gì đó thật ly kỳ.

Lần đầu tiên Sturrock gặp Laurent Jammet là năm rồi, vào một ngày u ám, lộng gió ở Toronto. Lúc nào vẫn vậy, Sturrock cứ ôm đồm làm việc này việc nọ mà không có đủ phương tiện, và luôn bị bà chủ nhà Pratt lên mặt dạy đời. Bà là một trong số những người - đáng buồn là có nhiều người - không nhận ra rằng Sturrock là người sinh ra để làm những việc tinh tế trong cuộc sống, và rằng ông giúp tăng giá trị ngôi nhà cho thuê ọp ẹp của bà. Để vực dậy từ những kinh nghiệm thương đau và nghĩ làm thế nào khắc phục tình thế, ông đi đến một trong những quán cà phê mà ông mong có thể xin vay chút tiền. Khi đang xoay tròn chiếc cốc cà phê trong tay, ông nghe lỏm cuộc trò chuyện từ bàn kế bên.

Một người, với âm giọng tiếng Pháp, nói mình đang làm ăn buôn bán với một ông ở Vịnh Thunder, và được ông này tặng một món vật kỳ lạ, có vẻ chẳng có giá trị gì cả nên mãi lúc gần đây anh mới để ý tới. Anh nói đó là một tấm thẻ bằng ngà với nhiều vết khắc trên đó, “giống như nét chữ gì đó của Ai Cập”.

Theo âm giọng, người kia dường như là một anh chàng người Mỹ vô tích sự đã lợi dụng đường biên giới dài để trốn lánh chiến tranh. Anh ta nói: “Đó không phải là chữ Ai Cập mà là những hình vẽ, như là chim chóc hoặc đại khái như vậy.” Hiển nhiên là họ đang chuyền cho nhau món vật quanh chiếc bàn để xem xét.

Người thứ ba nói: “Tôi không biết đó là gì. Có lẽ là chữ Hy Lạp.”

Người Pháp nói: “Thế thì có lẽ nó có giá.”

Đến lúc này, Sturrock đứng dậy tự giới thiệu mình với ba người. Ông có kỹ năng giỏi ám chỉ xa gần là đã làm việc với đủ lớp người từ công nhân hầm mỏ đến bá tước, và ông là một trong số ít người da trắng được những tù trưởng Da Đỏ hai bên đường biên giới tin cậy và yêu mến. Chính vì thế mà ông đã trở thành người tìm kiếm giỏi, và người Mỹ đã nghe danh Sturrock, nên cũng là yếu tố thuận lợi trong trường hợp này.

Ông bảo mình đã nghiên cứu về khảo cổ, và có thể hỗ trợ họ. Người Mỹ làm cho ông khoái chí với nhiều lời thỉnh cầu ông cung cấp thông tin cho họ, và ông thỏa mãn họ bằng cách nghiên cứu món vật trong tay ông. Ông làm ra vẻ xem nó là thứ không đáng màng tới, trong khi thực ra ông chẳng biết ất giáp gì cả. Từ một ít kiến thức về nền văn hóa Hy Lạp và Ai Cập - các nghiên cứu của ông được phóng đại chút ít - thì món vật kia chẳng thuộc nền văn hóa nào. Nhưng óc tò mò của ông bị kích thích bởi những hình thù nhỏ xíu chung quanh những dấu có góc cạnh trông tương tự như chữ viết. Chúng làm cho ông liên tưởng đến mẫu hình những nhân vật trong lịch sử người Da Đỏ mà ông đã trông thấy, được thêu trên dây thắt lưng. Cuối cùng ông trả lại mảnh ngà cho người Pháp có tên là Jammet, và nói mình không nắm rõ, nhưng biết nó không phải là Ai Cập, Latinh, hoặc Hy Lạp, và như thế không thuộc một trong những nền văn minh vĩ đại thời xa xưa.

Một người lấy làm thương hại cho Jammet, nói: “Thế thì có lẽ nó là Da Đỏ cổ đại, nên anh có may mắn đấy nhé!”

Họ cùng nhau cười lớn. Sau đó, họ chia tay nhau, và Sturrock lưu lại thêm một tiếng đồng hồ, nhâm nhi cà phê mà anh người Pháp đãi.

Trong những ngày kế tiếp, ông càng suy nghĩ thêm về chuyện này mà không bỏ qua được. Sturrock đi bộ dọc con đường (ông không có tiền để cưỡi ngựa) trong khi hình ảnh của tấm thẻ và những dấu kỳ lạ nhảy múa trước mắt ông. Dĩ nhiên là ai cũng biết người Da Đỏ không có chữ viết. Họ chưa bao giờ có.

Mặc dù vậy. Mặc dù vậy.

Sturrock trở lại quán cà phê và gặp lại anh người Pháp, như thể tình cờ, bên ngoài một nhà nghỉ - mà ông cẩn thận nhận xét là thuộc khu vực giàu có hơn là nơi ông ở. Họ trò chuyện một lúc, rồi Sturrock nói mình đã trao đổi với một người bạn, người biết nhiều về các chữ viết cổ xưa, và quan tâm muốn xem tấm thẻ. Nếu ông có thể mượn tấm thẻ một vài ngày để cho bạn mình xem, thì có lẽ ông sẽ định được giá của tấm thẻ. Jammet chứng tỏ mình là con buôn có bản lĩnh khi từ chối rời xa tấm thẻ nếu không được trả một khoản tiền lớn. Sturrock nghĩ mình đã cẩn thận che giấu mối quan tâm, và cảm thấy xúc phạm vì không được tin tưởng, nhưng Jammet cười và vỗ vai ông, nói mình sẽ giữ tấm thẻ cho ông cho đến khi ông có đủ tiền để mua. Sturrock giả vờ lãnh đạm, rồi ậm ừ yêu cầu chép lại các dấu hiệu, để chắc chắn là tấm thẻ đáng được quan tâm. Jammet lấy tấm thẻ ra, cảm thấy vui vui, rồi nguệch ngoạc viết lên một mảnh giấy.

Từ lúc đó, ông đã mang mảnh giấy đến các viện bảo tàng ở Toronto và Chicago, đến các giáo sư đại học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, và thấy không ai bác bỏ giả thuyết của mình. Ông không nói mình nghĩ nó có thể là gì, mà chỉ hỏi nó có thể thuộc chữ viết Ấn-Âu[33] hay không. Các học giả cho rằng không. Họ loại bỏ tất cả chữ viết của Cựu Thế giới. Nếu ông biết nguồn gốc của tấm thẻ thì thực là hay, nhưng ông ngại đánh động anh nhà buôn kia về mối quan tâm của ông. Trong những tháng kế tiếp, tấm thẻ không còn là mối quan tâm nữa. Nó đã trở thành nỗi ám ảnh.

Theo lời ông kể với Moody, ông lao vào cuộc nghiên cứu qua sự tình cờ. Sturrock đã là nhà báo nổi danh, sau khi thử làm việc trong các lĩnh vực luật, kịch nghệ và giáo hội. Nghề cuối cùng này được thành công nhất: ông lập nên một giáo xứ gồm vài trăm giáo dân vốn bị tài dí dỏm và hùng biện của ông lôi cuốn, nên ông phất lên - cho đến khi quan hệ tình cảm giữa ông và người vợ của một giáo dân hàng đầu bị phát hiện, và ông phải chạy thoát khỏi thị trấn. Nghề làm phóng viên thích hợp với những tố chất không theo quy tắc của ông. Đấy là nghề đa dạng, dễ hòa đồng, cho phép ông bày tỏ ý kiến bằng ngôn từ hoa mỹ. Nhưng hơn thế nữa, ông khám phá mình có tài năng giỏi vận động quần chúng. Khởi đầu lấy cảm hứng từ những ý tưởng lãng mạn về sự dã man của tầng lớp quý tộc, dần dà ông viết về các sự vụ người Da Đỏ. Dù bị lạm dụng do mấy chuyện huyễn ảo thơ mộng, ông vẫn cảm thấy khuấy động bởi thực tế mình nhận biết được. Đặc biệt là ông làm quen với một người đàn ông tên là Joseph Lock, ở tuổi bát tuần, sống trong cảnh nghèo túng gần Ottawa, kể cho ông nghe các câu chuyện về sắc tộc Pennacook của mình, và làm thế nào họ bị đuổi ra khỏi mảnh đất của họ ở Massachusetts. Joseph là một trong số ít người còn lại, nếu không phải là người cuối cùng, của sắc tộc mình. Sturrock xuất sắc viết lại câu chuyện - ông thường nghe kể, và tin là thực - về cảnh ngộ khốn khổ của Joseph, và sau đó thường được mời đến nhà nhiều nhân vật quan trọng ở Toronto và Ottawa. Ông nghĩ rằng mình đã tìm được chỗ đứng độc đáo mà không ai chen chân vào được.

Tuy nhiên, cũng như những nỗ lực khác, không có gì tồn tại mãi. Danh tiếng của ông dẫn dắt ông gặp gỡ thêm nhiều người Da Đỏ, trẻ tuổi hơn, giận dữ hơn là Joseph, và những bài viết của ông, thay vì mô tả sống động cảnh cơ hàn và than van những bất công trong quá khứ (có nhiều cách cho bạn mô tả), lại càng ngày càng khiêu khích như thể muốn mở trận bút chiến. Bỗng dưng Sturrock thấy các chủ bút ngại đăng bài viết của mình. Họ đưa ra nhiều lý do mơ hồ, hoặc đổ lỗi cho độc giả có mối quan tâm không kiên định, ông biện luận rằng công chúng cần được thông tin về tâm tư của người bản địa. Các chủ bút lầm bầm nói về những sự vụ bên Anh quốc quan trọng hơn, và nhún vai. Các cánh cửa đóng sập lại đối với ông. Những lời mời hợp tác càng ngày càng thưa thớt, ông cảm thấy sự bất công, và cảm thấy mình bị đối xử như người Da Đỏ đã từng bị đối xử.

Vào khoảng thời gian này, một gia đình người Mỹ có đứa con trai bị mất tích sau một vụ tấn công của người Da Đỏ. Mặc dù việc này xảy ra ở phía nam Ngũ Đại Hồ, ở Michigan, người cha đã nghe nói về Sturrock, và vì thông minh và không bấu víu được ai nên tin rằng Sturrock có thể giúp được. Bấy giờ Sturrock đã gần năm mươi tuổi, nhưng ông dấn thân vào công việc với óc tưởng tượng và tinh thần năng động. Có lẽ một phần vì ông là người ngoài nên người Da Đỏ đón tiếp ông, tin tưởng nơi ông. Sau vài tháng, ông tìm ra đứa con trai đang sống với sắc tộc Huron ở Wisconsin. Đứa con trai đồng ý quay về với gia đình.

Một lần nữa, Thomas Sturrock được trọng vọng. Sau kết quả tốt đẹp đầu tiên, ông nhận thêm vài công việc tìm kiếm trẻ em bị bắt cóc, và hai phần ba trong các vụ là thành công. Vấn đề khó khăn không phải là tìm ra các trẻ em này, mà là thuyết phục chúng trở về với cuộc sống trước kia. Ông có tài thuyết phục.

Thế rồi, sau vài ba năm, ông nhận được một lá thư của Charles Seton. Trường hợp nhà Seton là khó khăn nhất trong phần lớn vụ việc ông đã biết, vì năm năm đã trôi qua từ khi hai đứa trẻ mất tích, và không có chứng cứ nào để nói rằng chúng bị người Da Đỏ bắt cóc. Tuy thế, dựa vào những thành công trước kia mà ông tỏ ra tự tin. Ông không muốn từ chối công việc mà ông nghĩ có thể mang đến danh vọng cho sự nghiệp của mình. Ông đang kiếm sống, nhưng không ai làm giàu bằng cách đi tìm con cái của di dân nghèo.

Khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát thì ông không nhận ra. Sau năm năm, Charles Seton vẫn còn đau khổ cùng cực. Bà vợ ông này đã qua đời vì mất con, càng khiến cho ông thêm đau đớn. Ông không còn làm việc kiếm tiền, mà bỏ ra mọi khoản tiền để tìm kiếm hai đứa con gái. Việc tìm kiếm này đã trở thành nguồn sống duy nhất của ông. Đáng lẽ Sturrock phải nhận ra những dấu hiệu của một người mà không lời khuyên giải nào giúp nguôi ngoai được, không có gì bù lại cho sự mất mát. Hy vọng của Sturrock trong việc tìm ra hai đứa trẻ tàn lụi dần. Người ta tin rằng chúng đã chết tức thời, thi hài bị thú rừng tha đi. Sau một năm tìm kiếm, Sturrock bắt đầu nghiêng về giả thuyết này, nhưng Charles Seton không muốn nghe. Không thể nào trao đổi với ông về chuyện như thế.

Trong thời gian này, khi đang đi lại giữa Hồ Ontario và Vịnh Georgian, Sturrock gặp một anh trai trẻ người Da Đỏ tên Kahon’wes, một phóng viên có tính chiến đấu đang viết về những hoàn cảnh đau khổ của người Da Đỏ. Kahon’wes sốt sắng gặp Sturrock vì muốn có thêm nhiều nguồn tin. Dù Sturrock nghĩ anh này không thể giúp gì nhiều, họ vẫn trở thành đôi bạn.

Kahon’wes gọi ông là Sakota:tis, có nghĩa là Nhà Thuyết giáo, Sturrock cảm thấy tự mãn vì sự quan tâm, và vì anh trai trẻ đã lý tưởng hóa con người ông. Trong nhiều đêm, hai người trao đổi về các cuộc chiến ở Mỹ và về các chính trị gia ở Ottawa. Họ nói về văn hóa, về nhận định cho là người Da Đỏ thuộc Thời kỳ Đồ đá, và định kiến mà một nền văn hóa có chữ viết chê bai nền văn hóa chỉ có tiếng nói. Kahon’wes kể cho ông nghe về cuộc khai quật dọc Sông Ohio đã tìm ra những phế tích khổng lồ xây bằng đất nện và những hiện vật có niên đại từ trước Công Nguyên. Khi tìm ra những di chỉ này, các nhà khảo cổ học người da trắng không muốn tin rằng người Da Đỏ có thể giống như nền văn minh của các nhà xây dựng và chạm khắc (và do đó, người Da Đỏ có thể được người da trắng kế tục một cách tàn bạo, cũng như người Đa Đỏ, theo giả thuyết, đã kế tục những sắc tộc khác).

Chính những cuộc trò chuyện này, kéo dài cả thập kỷ, trở lại vương vấn Sturrock khi ông đi qua các đường phố Toronto để dọ hỏi về tấm thẻ bằng xương. Ông bắt đầu tưởng tượng ra bài viết của mình về đề tài này, và cơn chấn động sẽ quét qua Bắc Mỹ khi độc giả đón nhận bài viết. Việc cho đăng tải bài nghiên cứu như thế có thể cứu giúp rất nhiều cho những người bạn Da Đỏ của ông, và đồng thời cũng giúp ông được nổi tiếng. Nhưng ông thấy buồn vì không thể hỏi ý kiến Kahon’wes: anh chàng này đã sa vào tật nghiện rượu và đang sống cầu bơ cầu bất phía bên kia biên giới. Đấy là số phận bao trùm lên những người đã đi ra khỏi con đường trên đó họ đã sinh ra.

Thế là, trong khi Sturrock lê bước trên lớp tuyết, ông không để ý đến địa hình kỳ lạ, ảm đạm, và những người đi cùng (tất cả đều là nghiệp dư), ý nghĩ của ông quay về với Kahon’wes, và với tham vọng từ lâu đã chưa thực hiện được. Để có phần thưởng này thì bao nhiêu công sức chờ đợi và bao nhiêu khổ ải đều đáng giá.

༺༒༻

[33] Ấn-Âu: bao gồm các nhóm chủng tộc Albany, Armenia, Baltic, Celtic, Đức, Hy Lạp, Iran, Ý, và Slav (Nga, Belarus, Ukraina, Ba Lan, Séc, Slovak, Slovenská, Serb-Croatia, Macedonia, và Bulgaria).