Sống mòn

Phần XVII

Oanh nói về những giấc mộng của y

- Tôi có một vài cái khiếu lạ, là có thể trông trước những việc sắp xảy ra. Đời tôi, vào những dịp quan trọng, tôi thường có những giấc chiêm bao, về sau nghiệm ra đúng lắm. Hồi tôi học hết ban tiểu học, tôi muốn học lên ban sư phạm lắm như ba tôi nhất định không cho học. Ba tôi không thích cho con gái học nhiều. Tôi thì lại quyết học cho bằng được. Tôi khóc lóc với má tôi. Má tôi cho vụng tôi tiền để tôi lấy các giấy tờ, gửi đơn thi. Rồi đến hôm thi, tôi phải đi thi vụng. Ngay hôm mới thi xong, còn phải chờ kết quả, tôi nằm mơ thấy tôi đã được vào học trường sư phạm, tôi thấy rõ rệt cả cái giường như thế nào, lớp học thế nào, bà giáo là người như thế nào... Về sau, đúng hết. Những cảnh trong mộng, cả đến hình dáng, nét mặt bà giáo, in như sự thật... Trước khi má tôi chết, tôi cũng chiêm bao thấy cảnh một nhà thương, má tôi nằm trên một cái giường sắt, tôi ngồi một bên, khóc lóc. Đến khi tôi ra Hà Nội, kiếm việc làm, tôi chiêm bao thấy trước sở tôi làm. Đêm hôm nọ, tôi nằm mơ thấy tôi về nhà Đích. Sáng hôm sau, tôi kể lại tất cả cho thằng Đại nghe, nhà Đích có mấy cái nhà, cái nào lợp ngói, cái nào lợp rạ, cái gạch như thế nào... tất tất!... Thằng Đại nhận là đúng cả. Thế có lạ không?

Thứ mỉm cười. Y chẳng tin một chút nào. Oanh muốn chiêm bao thì cứ việc chiêm bao! Nhưng chớ vội mừng! Thứ biết trước đến khi về nhà Đích, y sẽ được gặp nhiều điều khác xa với những cái y vẫn thường tưởng tượng. Trước hết là nhà Đích chỉ có cái mẽ bề ngoài, chứ thật ra cũng không giàu. Thế mà hai ông bà đặc nhà quê, quanh năm phải đầu đội vai mang, chân lấm tay bùn. Họ sẽ phải chướng mắt vì cô nàng dâu đặc tân thời, tóc búi, áo chùng lướt thướt, quần trắng buông kín gót chân, lúc nào cũng lẹp kẹp đôi giày đôi dép. Không hiểu lúc bấy giờ, Đích sẽ nghĩ như thế nào? Nhưng giá phải Thứ, thì Thứ sẽ ngượng lắm khi thấy vợ thì ruôn ruốt như một bà tham, ngồi tréo kheo trong nhà đọc nhật trình, trong khi bố hay mẹ, quần xắn đến hàng, trầy trầy ở ngoài vườn, bỏ phân cho mía hay tưới nước cho rau cải. Ở nhà quê, chỉ những cái không hợp cảnh, không xứng đáng như vậy, cũng đủ cho người ta lấy câu chuyện đem ra mà mai mỉa. Hồi mới về nhà chồng, Liên mới chỉ có hai cái áo trắng trúc bâu thôi, chứ có sang trọng gì đâu! Thế mà bà mẹ Thứ đã cho là ngoa ngoét rồi. Bà nói ra, nói vào, tìm những lời bóng gió xa xôi, cố cho Liên hiểu rằng nhà bà là nhà làm ăn, về nhà bà thì chỉ mộc mặc nâu sồng, chứ ăn trắng mặc trơn thì không được. Liên phải đem nhuộm nâu hai cái áo đi, bà mới thôi, không nói nữa. Như vậy đó! Oanh và Đích muốn lấy nhau thì cứ việc lấy nhau. Nhưng lấy nhau rồi, thì nên dắt díu nhau đi biệt một nơi, xa hẳn bố mẹ anh em mà sống với nhau. Đừng nghĩ đến nhà ngói, nhà gianh, sân gạch, tường hoa... nhà Đích làm gì, cho thêm rắc rối...

Cố nhiên là Thứ giữ kín những ý nghĩ ấy cho một mình y. Oanh cười và tiếp.

- Đêm hôm qua tôi lại chiêm bao... Tôi chắc rằng Đích sắp về. Chú sắp sửa soạn lại phải mừng đám cưới!

- Thế sao cô bảo cô đi, chứ không đợi Đích về?

- Tôi định như thế nhưng bây giờ tôi lại đợi. Không có họ hàng đôi bên, chẳng biết có làm hôn ước được không? Vả lại tôi cũng còn phải đợi Đích trả lời. Biết rằng tôi đi, có cách gì kiếm ăn thêm, để vợ chồng đủ sống không? Thư tôi gửi đi lâu lắm rồi mà vẫn chưa thấy thư về. Có cái gì như báo trước cho tôi biết rằng Đích sẽ về, để làm lễ cưới hẳn hoi. Có khi Đích im ỉm như thế, rồi đột nhiên về, để cho chúng mình sửng sốt.

Thứ sa sầm mặt. Thế nghĩa là thêm một lần nữa, Oanh đã đánh lừa y. Nếu y cứ nhất định đợi Đích và Oanh tự ý tăng lương hay nhả cái trường ra cho y, thì y còn phải đợi một nghìn năm, một vạn năm!... Vả lại cứ lần khan như vậy mãi, để làm gì? Người biết tự trọng đòi những cái gì là quyền hạn của mình, không bao giờ đợi sự thi ân. Xin là nhục. Trông mong sự tử tế của người ta là nhục. Phải biết giành giật lấy. Cái thái độ của y từ trước tới nay là cái thái độ của một kẻ có tinh thần tranh đấu. Chắc Oanh đã cười thầm y mãi!... Y nghĩ vậy. Trong người y, máu giận sôi lên sùng sục. Y từ biệt Oanh, đi thẳng về nhà. Trong lúc đi đường, những lời nói rắn rỏi của một bức thư, gần như cứ tự nhiên tuôn ra khỏi óc y. Chúng vang lên mạnh mẽ, hùng hồn. Chúng có hình, như những viên đạn, những mũi tên, mà một sức mạnh ngấm ngầm ở bên trong đang chực nhảy vọt ra. Mặt y gân guốc. Mắt y nảy lửa. Tay y nắm chặt, thỉnh thoảng lại khẽ vung một cái, nhịp theo ý nghĩ. Về đến nhà, y lấy giấy bút viết ngay. Y viết rất nhanh, ngoáy lia lịa, nét bút đưa mạnh và cứng cáp. Y viết một mạch hết bức thư. Viết xong, y bỏ phong bì, gửi đi ngay, sợ nửa giờ sau, y nghĩ lại, lại nể nang và không dám gửi cho Đích nữa.

Khi bức thư đã bỏ vào hộp rồi, quả nhiên y hối hận. Nghĩ đến lúc Đích đọc thư, y thấy nóng mặt lên. Đích sẽ nghĩ thế nào? Đã đành xưa nay, Đích chẳng tử tế gì. Nhưng có ai chịu nhận rằng mình không tử tế bao giờ? Chỉ biết rằng bề ngoài Đích vẫn tử tế với y. Đích lại thường tỏ ra thích săn sóc đến y. Anh em vẫn lấy tình nghĩa ăn ở với nhau. Thế mà đột nhiên y trở mặt, cư xử một cách ráo riết quá, chẳng còn kể gì tình nghĩa. Chắc Đích sẽ cho là y đểu lắm...

Nhưng dẫu sao thì sự cũng đã rồi. Cái thái độ của y bây giờ đã rõ ràng. Y tặc lưỡi và tự bảo:

- Ta chẳng cần ai bảo ta là người tử tế. Ta chỉ cần đừng ai nghĩ rằng ta là một thằng quá hiền lành, người ta muốn bắt nạt thế nào cũng được.

Y lại cho rằng y cũng cần phải tỏ rõ thái độ cho Oanh biết. Sáng hôm sau, gặp Oanh, y bảo:

- Nghỉ hè năm nay, tôi sẽ cho học trò lớp nhất nghỉ ngay từ đầu tháng sáu tây. Cho chúng nghỉ học trước mười ngày để rồi chúng đi thi. Học trò lớp nhì hoặc cùng nghỉ luôn, hoặc sẽ để cho cô hay anh San dạy. Tôi sẽ về nhà quê nghỉ từ đầu tháng.

Oanh liền giãy nẩy lên, nhất định không nghe. Y muốn rằng học trò lớp nhất phải học cho tận đến lúc đi thi để chúng khỏi quên. Thứ vẫn lạnh lùng:

- Quên hay không, mặc kệ chúng! Tôi chỉ biết tôi đã làm đủ bổn phận của tôi rồi. Tôi mệt mỏi lắm. Tôi cần phải nghỉ. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là về tháng Sáu tây, học nửa tháng, thu tiền nửa tháng, lương chúng tôi cũng chỉ có nửa tháng thôi. Mười đồng bạc ra gì! Tiêu vào nửa tháng ở lại đây, không chắc đủ. Thà về nằm khểnh ở nhà cho sướng cái thân một chút.

Oanh hơi gắt lên một chút:

- Đã đành như vậy. Tôi, tôi cũng chẳng ham gì nửa tháng lương. Tôi cũng đang muốn nghỉ đây! Nhưng ít cùng ra, mỗi người cũng phải làm xong bổn phận của mình đã chứ!

- Thế nào là bổn phận? Tôi chỉ có bổn phận dạy học, khi nào tôi lấy tiền của nhà trường, cũng như nhà trường chỉ phải trả tiền tôi, những tháng tôi dạy học. Nghỉ ngày nào, tôi mất lương ngày ấy. Vậy thì tôi muốn nghỉ bao nhiêu thì nghỉ, miễn là tôi không lấy lương của nhà trường. Cô cũng vậy. Anh San cũng thế. Nếu chúng mình cùng nghỉ cả, thì chỉ việc đóng cửa trường cả tháng Sáu tây.

- Nhưng việc tiền nhà tháng ấy, lấy vào đâu?

- À, đó là cái việc của ông Đích phải lo. Ông ấy ăn lãi quanh năm thì đến tháng lỗ, ông ấy chịu. Chúng mình không cần lo hộ.

Oanh cứng họng, không còn nói sao được nữa. Y hơi đỏ mặt. Chắc y cũng hiểu Thứ nói kháy y về cái chỗ y đổ tất cả trách nhiệm về cái trường này cho Đích. Thứ ương ngạnh tiếp:

- Chưa chắc tôi có dạy những tháng hè. Tôi tìm một chỗ dạy ở tỉnh nhà, để thỉnh thoảng về nhà chơi cho tiện. Trong kì nghỉ hè, ít học trò. Nhà trường cũng chẳng lợi gì mà cần cho tôi dạy!

Oanh cười nhạt. Y biết rằng Thứ cố ý moi móc y, làm khó dễ cho y. Nhưng y lại biết rằng lúc này không nhịn Thứ, không xong. Nếu Thứ chủ ý làm cho nhà trường lụn bại đi, thì cố nhiên là y có đủ cách mà làm được. Oanh đành nhịn. Càng thấy Oanh nhịn, Thứ càng nhận ra rằng Oanh còn thiết nhiều đến cái trường. Thật đã rõ ràng rằng xưa nay y chỉ đánh lừa. Oanh chỉ dử Thứ bằng hy vọng. Thứ hy vọng một ngày kia được cái trường, nên cố chịu thiệt mà dạy cho Oanh mãi. Cho rằng mình đã mắc mưu một kẻ đàn bà, đã ngoan ngoãn để cho người ta xoa đầu như một đứa trẻ con, Thứ rất bực mình. Y càng thấy giận Oanh. Lúc ăn cơm y bảo với San.

- Đầu tháng Sáu tây tôi nghỉ thật. Lớp nhất thì hoặc là nghỉ, hoặc là Oanh dạy. Còn lớp nhì anh sáp nhập vào lớp nhì năm thứ nhất của anh mà dạy. Anh sẽ được thêm cái chỗ lương ấy của tôi để mà trả tiền nhà với tiêu pha. Ăn thì bởi còn có một mình anh, cố nhiên là bà Hà không thể nhận rồi. Anh sẽ lên trường. Miễn cho xong nửa tháng ấy đi. Rồi chúng mình sẽ liệu. Chưa biết chừng, tôi sẽ tìm một cái trường khác cho anh và tôi dạy. Oanh muốn tìm đâu ra những người thay chúng ta thì tìm!

San tán thành ngay. Y lại bảo:

- Tôi cũng đã nghĩ mãi rồi. Một là chúng mình phải có một cái trường của chúng mình. Hai là chúng mình về quách nhà quê giữ con cho vợ chúng mình làm. Đi dạy học thế này, chẳng ra gì. Chúng mình khổ, vợ chúng mình khổ. Tỉnh không tỉnh hẳn, nhà quê không nhà quê hẳn. Suốt đời cứ dở dang mãi thế, chẳng có một cái gì vững chãi. Rồi có ngày chết đói!

Tiếng San nho nhỏ, buồn buồn. Mặt y tối sầm những lo âu. Y quả đã có vẻ chua chát ngẫm nghĩ nhiều về cái kiếp lỡ dở của y. Chắc cũng có nhiều lúc y ân hận vì mình đã ra đi. Làm đã chẳng có tiền, vợ ở nhà lại sinh điều tiếng nọ kia. Có hay không, thì hạnh phúc gia đình của y cũng đã bị mẻ một chỗ lớn rồi... Đến việc thi cử, bây giờ xét kỹ, y cũng hơi thấy chán. Đỗ đạt nào có dễ gì đâu! Mà mãi đến lúc y đỗ đạt, chưa chắc mảnh bằng có còn giá trị. Đến chợ hết quà là thường lắm! Y ngao ngán bảo:

- Ai biết sau cuộc chiến tranh này, số phận bọn đồ tây chúng mình sẽ ra sao? Tôi lo rồi lại đến như bọn đồ nho lớp trước...

Kể ra thì tin tức chiến tranh cũng chẳng có gì đáng lạc quan. Ông Paul Reynaud tuyên bố: "Chúng tôi chiến đấu đằng trước Paris, chúng tôi chiến đấu đằng sau Paris...". Lòng tin tưởng của những người vẫn một mực tin tưởng mãi từ trước đến nay, cũng đã bị lung lay. Không khí nặng nề. Dông tố sắp bùng ra. Trán tối sầm, mặt lo âu, mọi người lo lắng đợi...

San suy tính

- Càng những lúc này, chúng mình càng thấy rõ rằng chỉ học nghề là chắc chắn thôi. Một người có nghề ở trong tay, gặp thời nào, ở chỗ nào, cũng không sợ chết.

Thứ không đáp. Y ngẫm nghĩ. Mặt y hầm hầm và đôi môi y chụm lại. Rồi y hằn học bảo:

- Kiếp chúng mình, tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mỏi mòn tài năng, trí óc, giết chết những mong ước đẹp, những hy vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói. Lúc nào cũng làm thế nào cho không chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực?

Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp quá ư loài vật, chẳng biết việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì. Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm gì sát đất. Hỡi ôi! Người ta đã phí bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu công lao để giải thoát, từ bỏ tất cả những phú quý vinh hoa của đời mình. Vô ích cả, chừng nào nhân loại chưa thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét. Thứ thường có những lúc sực nhớ đến những cao vọng của mình xưa, ngán ngẩm buồn, tiếc cho mình. Y cứ đinh ninh rằng giá y không bị nghèo thì có lẽ y không đến nỗi đớn hèn thế này đâu. Có lẽ y sẽ làm được một cái gì. Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt!...

Y mỉm cười chua chát hỏi San:

- Nếu gia đình anh có cách sinh nhai chắc chắn rồi anh có thể chỉ nghĩ đến anh thôi, thì anh sẽ làm gì?

- Tôi học vẽ. Tôi thích vẽ ngay từ hồi mười ba, mười bốn tuổi. Ông giáo nào cũng phải để ý đến cái khiếu vẽ của tôi, và bắt tôi vẽ những bức tranh treo trong lớp. Giá tôi học được, chắc tôi cũng có thể thành họa sĩ.

- Tôi thích làm một việc có ảnh hưởng gì lớn đến xã hội ngay. Dân mình còn đói khổ, ngu dốt quá. Chúng ta phải chống lại nạn đói và nạn dốt.

- Nếu vậy thì anh còn phàn nàn gì nữa? Anh hiện đang thực hiện ý nguyện của anh: anh dạy học để chống lại cái đói cho anh và cho vợ con anh, và chống lại cái dốt cho học trò anh.

Thứ không để ý đến câu nói đùa của bạn. Y vẫn buồn rầu bảo

- Lắm lúc tôi muốn tàn nhẫn quá! Tôi muốn làm một thằng bạt tử, chẳng nghĩ gì đến bố mẹ, vợ con để khỏi cái gì vướng bận vương thân. Phải là những người như thế, họa chăng mới theo được cái chí của mình. Lắm lúc tôi cầu vợ tôi ghét tôi và làm cho tôi ghét...

San nhìn xuống, bảo:

- Khi ấy, anh vẫn còn con anh. Chẳng bao giờ chúng mình có thể liều được đâu!...

Oanh thật cũng là người biết dịu ngọt ăn tiền. Hôm sau, y đã làm như quên hẳn chuyện xô xát ngày hôm trước. Y bảo Thứ.

- Này chú ạ! Có lẽ chúng mình phải gào ông Đích tăng lương cho chúng mình, chứ không thì không sao đủ. Giá sinh hoạt tăng lên nhiều quá!

Y cũng làm như y cùng về một bè với Thứ. Cái lối mua chuộc lòng người ấy, khiến Thứ chỉ càng thêm ghét. Thứ nói bốp vào mặt cho y biết:

- Tôi không đợi cô phải bảo. Tôi viết thư cho ông Đích rồi.

- Chú viết thế nào?

- Đủ chuyện! Tôi tính rõ cho ông ấy biết số học trò từng lớp, tiền thu được bao nhiêu, tiền chi phí hết bằng nào...

Y vừa nói, vừa nhìn nét mặt Oanh. Y có ý ngờ Oanh vẫn tính gian với Đích, thu được bao nhiêu mà nói rằng có ít. Nói như vậy, y muốn thử xem có thật thế chăng. Y cũng muốn tỏ cho Oanh biết y hiểu rõ sự lỗ lãi của nhà trường lắm...

Oanh cười ngất. Y nhìn Thứ mà cười đến chảy cả nước mắt ra. Thứ chẳng hiểu ý nghĩa của tiếng cười ấy thế nào, nhưng thấy hình như Oanh chế nhạo mình. Y khó chịu.

- Cô cười gì?

- Trông chú buồn cười lắm. Tướng chú, chắc suốt đời vất vả. Chú không gặp may đâu. Nếu chú có thành tựu việc gì, là do cố gắng, chật vật mãi, chứ không phải do may mắn.

Câu nói đột ngột, chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện của hai người đang nói. Tại sao Oanh nói vậy? Dù sao đó cũng không phải là những lời khiến người ta mát lòng, mát ruột. Thứ tức lắm, và thấy cần phải tìm một câu gì, nói cho Oanh tức. Y cười nhạt bảo:

- Có lẽ cô xem tướng cũng không tài lắm. Tôi chẳng biết tôi có hay gặp may không. Chỉ biết tôi thi lần nào cũng đỗ đạt dễ như chơi.

Y có ý nhắc cho Oanh biết Oanh thi bằng tiểu học Pháp luôn mấy khóa không đỗ, về sau đành phải bỏ. Có lẽ Oanh cũng hiểu. Nụ cười trên mặt y nhạt hẳn. Nhưng y vẫn bảo

- Chú chỉ có thể gặp may những cái may nho nhỏ thế thôi. Chứ không thể phát to. Đấy, chú xem! Chú đỗ nhưng chú có làm được gì đâu?

Cũng đúng. Thứ không cãi được nên lại càng tức. Y thay chiến lược.

- Tôi không cần gặp may. Phải nhờ may mới thành công thì có vẻ vang gì? Thành công hoàn toàn nhờ ở tay mình, ở sự cố gắng của mình mới thích.

- Nhưng chú cũng không thành công to!

Thứ giận run người. Oanh thấy mình chẳng khó nhọc gì kiếm mỗi tháng bạc trăm về cái trường trong khi Thứ khó nhọc mà chẳng ăn gì, nên nói thế chăng? Có thật Oanh vừa được ăn vừa nhạo Thứ không? Thứ đột nhiên nảy ra cái ý muốn đạp đổ cái trường để cho Oanh biết thân mà hết còn lên mặt. Y nghĩ bụng: "Được rồi! Để xem Đích trả lời ra sao... Nếu Đích tỏ ý không cần gì ta!..."

Một buổi sáng, người phu trạm ghé vào trường đưa cho Thứ ba phong thư một lúc. Nhìn chữ đề ngoài, Thứ thấy cả ba đều của Đích gửi Oanh. Y hơi tái mặt đi. Sao Đích lại gửi luôn một lúc ba phong thư? Vì bức thư của Thứ chăng? Lòng Thứ rất xôn xao. Y như trông thấy vẻ mặt Đích biến đổi trong khi đọc thư y. Chắc là Đích đã phải sửng sốt, ngạc nhiên. Y không tin ở mắt y: "Thứ viết cho mình thật ư?". Y hỏi y như vậy. Rồi y đọc lại. Mặt y lần lượt tái mét, rồi đỏ bừng lên, rồi tím bầm bầm, rồi đem sạm như tro. Cổ y tắc nghẹn. Y vò nát bức thư rồi lại vuốt bức thư ra. Y khẽ đập xuống bàn. Y chép miệng lắc đầu. Y ngán ngẩm cho đời, ngán ngẩm cho người. Rồi đau đớn, nghẹn ngào, y cầm lấy bút, viết trả lời. Tay y cầm bút run run. Ngòi bút lúc thì chạy điên cuồng lúc lại tự nhiên dừng lại, uể oải, mệt mỏi, rã rời. Nét chữ trên phong bì, trông qua cũng có vẻ run run và xệch xạc, có nét đứt quãng như người viết vừa viết vừa ngủ gật. Não cân Đích chắc đã bị rung chuyển mạnh. Thứ không ngờ bức thư của y lại có một sự vang động ghê gớm thế. Y thật đã quá ư trắng trợn... Y hối hận. Không còn đủ can đảm tự mình cầm ba phong thư lên gác cho Oanh, y gọi một đứa học trò lên.

- Cầm những thư này lên cho cô giáo!

Y bảo vậy. Rồi y cố trấn tĩnh giảng bài. Nhưng y nhận thấy tiếng y đổi khác đi. Trí y vẫn luẩn quẩn nghĩ đến ba bức thư của Đích... Một lúc sau, những tiếng giầy của Oanh bước xuống thang gác, khiến lòng y lại rối loạn lên. Y giả vờ mải giảng bài, không biết rằng Oanh xuống lớp y. Oanh đứng lại bên ngoài cửa và gõ cửa, Thứ càng thấy rõ có chuyện gì quan trọng lắm. Mọi khi Oanh cứ vào thẳng lớp...

Thứ quay lại hỏi:

- Ai?

- Tôi đây... Chú làm ơn ra ngoài này tôi hỏi...

Tiếng Oanh mếu máo, Thứ ngạc nhiên. Ra khỏi cửa sau, y thấy Oanh tay cầm mấy lá thư, mắt đỏ hoe và giàn giụa nước mắt chảy trên má Oanh sườn sượt...

- Đích sắp chết rồi, chú ạ!...

Oanh nức nở, Thứ sửng sốt mở to đôi mắt:

- Vì sao vậy?

Oanh nói không ra tiếng. Thứ hỏi dồn.

- Bệnh gì mà đau thế?

- Ho lao

- Có đâu mà chóng chết thế? Mới phải à?

- Thứ nói là mới phải nhưng chắc không phải thế. Chắc Đích giấu, trước không chịu nói. Bây giờ bệnh đã nguy kịch lắm.

Oanh đưa những bức thư cho Thứ. Thứ thấy ghê ghê trong tay khi cầm lấy. Y đọc từng bức một.

Thư thứ nhất:

"Em Oanh,

Bức thư này có lẽ là bức thư cuối cùng anh viết cho em. Em hẳn không ngờ... chính anh cũng không ngờ... ấy thế mà anh thật đã đến sát cạnh cái chết rồi đấy, em Oanh ạ! Sao lại có thể vô lý như thế được? Cách đây ba hôm anh vẫn khỏe như thường. Tuy ít lâu nay phải làm đêm nhiều, anh có hơi mệt người hơn, nhưng tưởng mệt qua loa thế, có hề gì. Anh chưa phải bỏ cơm một ngày nào. Buổi chiều hôm thứ hai vừa rồi, anh chỉ hơi váng vất người. Anh gượng ngồi, không chịu đi nằm. Bỗng nhiên, anh thấy ngưa ngứa cổ, buồn ho. Anh chực ho thì tự nhiên máu đã ồng ộc trào ra. Anh tối tăm mặt mũi, ngất đi. Đến lúc tỉnh dậy anh đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Thì ra phổi anh đã bị vi trùng đục ruỗng ra từ bao giờ rồi vậy. Sao lại có thể vô lý như thế được?

Từ hôm vào bệnh viện, anh sốt liên miên. Mỗi ngày thổ huyết hai ba lần, mỗi lần hàng bát máu. Ghê gớm quá. Hôm nay hơi tỉnh, anh gượng viết cho em bức thư này. Người anh vẫn còn choáng váng, tay anh run rẩy. Anh mệt lắm. Anh nghĩ thật khó lòng mà sống được. Em Oanh, em Oanh rất yêu của đời anh! Anh sắp bỏ em đây! Em tha lỗi cho anh nhé. Anh ngừng viết vì mệt quá, nhưng vẫn nghĩ đến em. Anh sẽ nghĩ đến em cho đến lúc óc anh thôi nghĩ hẳn. Có kiếp sau không, em nhỉ?

Thôi, anh không còn sức viết, anh đã dặn một người bạn: khi nào anh chết, sẽ gửi tất cả quần áo, đồ đạc của anh về cho em. Khi nào em nhận được những thứ ấy, tức là anh đã chết. Em Oanh, em Oanh mà anh yêu bằng tất cả tấm lòng anh! Chẳng bao giờ chúng ta còn được thấy nhau! Em ở lại!...

ĐÍCH"


Thứ đọc luôn bức thứ hai

"Em Oanh,

Thư trước, anh viết xong, đã nhờ người bỏ nhà dây thép ngay. Nhưng từ đây, hai ngày mới có một chuyến thư đi. Từ đây về đến chỗ em, còn phải mất bốn ngày. Biết rằng lúc thư anh tới tay em thì anh còn sống hay đã chết rồi? Có lẽ anh cũng chẳng còn gì mong được trông thấy nét chữ của em trên tờ giấy một lần chót nhỉ?

Thầy thuốc vừa tiêm cho anh một mũi thuốc trợ lực xong. Anh tỉnh táo hơn. Anh lại gượng viết cho em. Anh định hơi lúc nào viết được là anh lại viết. Đó là cách độc nhất để anh được sống với em thêm phút nào hay phút ấy. Ôi chao! Em đối với anh lúc này sao mà quý thế!...

Chúng ta đã dại khờ em nhỉ? Sao chúng ta lại đi tìm hạnh phúc ở đâu đâu? Lúc này anh mới hiểu hạnh phúc của anh chỉ ở trong em, hạnh phúc của em chỉ ở trong anh. Anh tiếc rằng anh đã ra đi. Biết thế này thì anh cứ ở lại trường, chúng ta rau cháo với nhau, miễn là được gần gũi nhau luôn là đủ. Anh cũng tưởng là ra đi để sửa soạn tương lai của chúng ta, dành dụm ít tiền, về cưới em tử tế, cho đẹp mặt cả đôi bên rồi chúng mình sẽ cùng đi với nhau, sống với nhau. Đời sẽ đẹp biết bao! Nhưng có ngờ đâu!... Số tiền cưới em, anh gom góp đủ rồi. Vải may áo cưới cho em, anh đã mua rồi, anh chỉ còn đợi ngày về... Mới biết số kiếp anh chẳng ra gì. Anh chết giữa lúc chờ đón nỗi vui lớn nhất của đời anh... Chua chát quá! Nhưng dù sao thì em cũng đã cho anh chỉ thu hẹp lại trong mấy năm được gần em, được yêu em. Không có em, anh đã mất không cả một đời. Vậy trước khi rời cõi đời này, anh phải cám ơn em. Anh sẽ cám ơn em trong lòng anh cho đến tận lúc anh chết...

ĐÍCH"


Và đây là bức thứ ba

"Em Oanh,

Anh cầm được thổ huyết rồi. Thầy thuốc bảo có lẽ anh sẽ qua khỏi được. Có thật thế không? Anh còn hy vọng sống được ư!? Anh còn hy vọng lại được trông thấy em ư? Nếu vậy thì anh cảm ơn trời biết mấy!... Anh sẽ xin thôi việc. Anh sẽ về nhà thương Hà Nội chữa (ở đây không đủ thuốc). Miễn là sống được. Rồi sẽ liệu. Lúc này anh thấy mọi cái đều nhỏ cả, chỉ có sự sống là đáng quý. Phải không em? Ôi! Nếu anh sống được!... Nhưng mà anh chẳng sống được đâu! Thầy thuốc nói dối anh. Anh biết lắm. Người anh còn mệt lắm. Soi gương, anh thấy người anh sút hẳn đi, hai mắt lỗ hoắm vào, đôi má lõm, da đen sạm, môi sám ngoạch, chỉ còn những răng là răng. Mà thỉnh thoảng anh vẫn còn lên cơn sốt nặng. Ôi chao! Anh sống làm sao được?... Nhưng thôi, em cho anh ngừng viết để anh nằm nghỉ nhé! Thầy thuốc bảo anh cần nghỉ hẳn...

ĐÍCH"


Cùng với ba bức thư gửi cho Oanh, còn một mảnh giấy con con gửi cho Thứ và San. Chẳng hiểu gửi kèm với thư nào. Viết bằng chữ Pháp, có mấy dòng. Đại khái như thế này.

"Thứ và San rất mến yêu!

Vĩnh biệt!... Thứ và San ở lại. Tôi sắp đi đây! Hãy can đảm nhé! Tương lai còn dành cho các chú nhiều nỗi chua chát nữa! Cầu trời phù hộ cho các chú. Vĩnh biệt!..."

Thứ chẳng rỏ được một giọt nước mắt nào, tuy lòng y cũng bồi hồi. Nhưng y bồi hồi, chưa hẳn đã vì thương. Y với Đích thân nhau, nhưng có lẽ chưa bao giờ thật yêu nhau. Hồi còn nhỏ, hai người cùng trọ học một nhà. Đích hay bắt nạt y, Đích đã làm cho y phải khóc rất nhiều lần. Lớn lên, cố nhiên là họ chẳng còn nghĩ gì nhiều đến những trò trẻ con xưa, một đôi khi nhắc đến, cả hai cùng thẳng thắn cười. Nhưng không hiểu sao, lúc gần Đích, Thứ vẫn thấy một cái cảm giác khó chịu không cắt nghĩa nổi, mặc dầu cách Đích đối xử với y không có gì đáng trách. Hình như hai người không ghét nhau, nhưng vẫn có một cái gì phải giữ kẽ với nhau. Trong sự giao tình, họ không buông thả họ hoàn toàn...

Thứ gần như muốn chỗ nào có y thì đừng có Đích. Không, y không thấy thương Đích hẳn. Y bồi hồi, có lẽ chỉ vì cái tin đột ngột quá thôi. Đọc đi đọc lại những bức thư, y càng bình tĩnh lại hơn. Y có cảm tưởng như bệnh Đích không nguy kịch quá như Đích nói trong thư, và Đích không đến nỗi nào phải chết. Đột nhiên, những ý nghĩ băn khoăn lại nảy ra trong cái khối óc y. Đích có nhận được bức thư của y không? Đích có tức quá mà sinh ra thổ huyết không? Cố nhiên không phải vì bức thư ấy mà Đích mắc bệnh lao. Bệnh lao chẳng phải ngấm ngầm phá hoại cơ thể Đích từ lâu. Nhưng biết đâu không phải vì bức thư của y mà Đích bị xô gục xuống? Y lấy làm mừng vì Đích không đả động gì đến việc ấy trong thư. Lúc sắp chết, người ta thường dễ dãi với mọi người, dễ tha thứ những điều không phải của kẻ khác đối với mình. Nhưng nếu Đích về? Y còn mặt mũi nào trông thấy Đích? Cái hố vẫn chia rẽ hai người lại to ra, lại sâu thêm. Thêm vào đấy, còn một lẽ này mà y ngại thú với y: nếu Đích về, Đích rất có thể lại giữ chân hiệu trưởng nhà trường, và Thứ sẽ chẳng còn là một người cần, y rất có thể sẽ bị Đích và Oanh coi rẻ. Một ý nghĩ vụt hiện đến óc y và y vội vàng xóa đi ngay. Giả Đích chết ngay đi! Và đột nhiên y thấy buồn rầu. Lòng y đã cằn cỗi đến mức ấy rồi ư? Y đã ích kỷ, đã đồi bại, đã tàn nhẫn, đã khốn nạn đến thế ư? Trên mắt y, một chút nước mắt bỗng ứa ra. Trơ trơ trước cái chết của một người thân, y đã khóc cái chết của chính tâm hồn mình...