Lần thứ hai, Thứ định viết thư cho Đích nói dứt khoát về việc nhà trường. Lần này, y quả quyết hơn. Y đã viết được mấy dòng rồi. Bức thư bắt đầu thế này:
"Ông Đích!
Thư này tôi viết cho ông Đích, người xuất vốn cho trường chứ không phải viết cho anh Đích, người anh họ. Chúng ta cần biết phân biệt thế, để dễ đối xử với nhau. Anh là anh họ của tôi. Cô Oanh cũng như một người chị, còn anh Cảnh thì là bạn. Dù thế mặc lòng, chúng ta vẫn có chỗ cần phải gạt tất cả tình nghĩa ra ngoài, ấy là việc nhà trường. Tôi sẽ không úp mở gì. Thực tế thì hai anh với cô Oanh chính là những kẻ thuê người làm, mà tôi thì là người làm thuê. Cứ nói toạc móng heo thế là hơn. Tình nghĩa là tình nghĩa. Công việc là công việc. Hai đằng riêng hẳn.
Bây giờ anh hãy đứng địa vị kẻ thay mặt cho những người xuất vốn mở trường của chúng ta, mà trả lời tôi...".
Thế rồi y mới đem những điều yêu sách của y ra. Một là phải tăng lương cho y theo với số học trò. Hai là trao hẳn cái trường cho y, họ chỉ việc ngồi không, hưởng mỗi tháng một số tiền là bao nhiêu đấy. Muốn đằng nào thì muốn... Nhưng y sẽ để cho Đích ngồi không, ăn mỗi tháng bao nhiêu? Đó vẫn là điều y cần phải tính lại kĩ càng. Bởi vậy lá thư bỏ dở. Đang như vậy thì bỗng nhiên trưa hôm ấy, Oanh hỏi ý kiến y về việc hôn nhân của Oanh và Đích:
- Này chú ạ! Nếu Đích không về được, thì tôi có thể đến chỗ Đích làm, rồi chỉ hai chúng tôi thôi, chúng tôi sẽ làm hôn ước ngay tại đấy, được không?
- Nhưng tại sao anh ấy không về?
- Đang thời kì chiến tranh, xin nghỉ khó. Đích bảo: đã xin hai lần rồi, cũng không được.
Cuối cùng, Oanh bảo.
- Có lẽ thì tháng sau tôi thu xếp đi với Đích. Tôi muốn làm cho xong chuyện. Để lúng nhúng mãi, đến bao giờ? Tôi còn bà ngoại tôi, coi bộ đã leo heo lắm rồi. Nhỡ ra một tí vướng luôn hai, ba cái tang thì già quách còn gì? Vả lại tôi cũng muốn xong việc cưới cheo đi, để vợ chồng cùng đi với nhau. Đích đi làm, tôi buôn bán, may ra có gây được một chút vốn liếng làm ăn để sau này có con cái đỡ lo. Cứ thế này mãi rồi thì biết liệu thế nào? Còn chú, chúng tôi định để cho chú cái trường này, để chú kiếm thêm một chút.
Ấy thế là Thứ lại xé lá thư viết dở đi. Y lại đợi. Trong khi đợi y chỉ còn mỗi một cái thú, là đọc sách rất nhiều. Hình như ít lâu nay, y có vẻ chán người. Chán hay không thì cũng thế thôi: họ chẳng được gì, chẳng mất gì. Nhưng y mất cái thú sống chăm chỉ, luôn luôn bận đầu óc đến người này, người khác. Bây giờ y làm như ngoảnh mặt đi, không thèm nhìn họ nữa. Y chán họ.
Oanh để cho y nhìn rõ đến tận đáy lòng. Y biết đã từ lâu rồi Oanh chẳng tốt gì. Nhưng y vẫn tưởng ít cùng ra, Oanh còn có thể tốt với tình nhân. Chỉ khi yêu là người ta dễ dám hy sinh, nhưng Oanh, y vẫn tính toán như thường! Y phàn nàn rằng đằng nhà Đích không biết điều tí nào, họ không chịu hỏi y, xêu tết hẳn hoi. Oanh phải nuôi các em cho Đích, nhưng họ cũng chẳng kể thế vào đâu. Họ đã không trả tiền, mà lại không có lời nói với y, họ không muốn bỏ ra dăm, ba trăm bạc để cho Đích cưới... "Cái gì cũng bắt tôi chịu cả, thì tôi chịu làm sao nổi?". Oanh bảo thế. Nghĩa là Oanh sợ thiệt vào mình vậy...
Cộng đã bỏ Dung. Nghe đâu vì cũng mong manh biết chuyện Dung đã dan díu với San. San biết tin ấy, có ý hả hê. Thứ tưởng rằng bà béo sẽ oán San suốt đời. Nhưng không. Bà thật là một kẻ biết tùy thời. Mất đám kia rồi, bà lại trở mặt, tử tế với San. Một hôm, San vào mua hàng, bà mời ngồi chơi, uống nước hẳn hoi. Bà than thở rằng bước sang năm nay chỉ những ốm cùng đau, để cho San hỏi thăm bà. Bà than thở về chiến tranh, sinh ra khó làm ăn. Bà hỏi San ít lâu nay ít đến chơi. Và bà dặn San, thỉnh thoảng đi qua, cứ tạt vào chơi xơi nước... Ấy thế là cuộc giao thiệp giữa San và Dung lại nối. Thứ có ý hơi khó chịu.
Thứ nghĩ đến Tư. Tư hơi béo ra một chút, hơi xấu hơn, xộ xệ hơn. Như vậy, nghĩa là Tư gần Thứ hơn một chút. Đã một đôi lúc, Thứ nảy ra cái ý đánh liều ngỏ ý với Tư. Y nghiệm ra rằng ít lâu nay Tư rất hay đi qua cái lối đi ở sau nhà. Không nói điều ấy với San, y hay ngồi trên giường, trông ra bên ngoài cái cửa sổ căng lưới thép, như một con thỏ trong cái chuồng của nó. Cái cửa sổ ngang tầm với cái cằm y. So với người đi bên ngoài, nó cao quá đầu người. Người đi qua muốn nhìn nó, phải đứng hẳn lên, nghển người lên, vì cái lối đi hẹp quá, không có chỗ lùi để dễ nhìn. Do lẽ đó, những người qua lại ít người nhìn thấy nó, ít người để ý chỗ nào có một cái cửa sổ mở ra đường, và đằng sau cánh cửa sổ ấy có thể có những con mắt tò mò nhìn ra. Cũng vì thế mà một buổi trưa nắng chang chang một cặp tình nhân đi đến chỗ ấy, đã đứng lại, ôm nhau. Họ giật mình, cái hôn đang chực sa xuống, ngừng sững lại, bị đeo lơ lửng ở trên không. Thứ đã để thoát ra một cử chỉ không giữ lại kịp. Bởi vì người suýt được hôn là Tư. Cả đôi trơ tráo cái mặt ra, rồi vội vã bước đi. Người đàn ông cao lớn ngang với Thứ, mặt trông cũng già bằng. Giá Thứ đã bạo dạn hơn một chút thì biết đâu?... Y tiếc ngẩn ngơ. Nhưng cố nhiên là từ ấy y thấy Tư không đáng cho y ao ước như trước nữa. Mười lăm, mười sáu tuổi, một người con gái đã có thể có nhân tình rồi ư? Mà lại nhân tình hẳn với những thằng lớn cộ, tuổi gấp hai.
Cụ Hải Nam vừa được thưởng bội tinh, tiệc tùng mấy ngày đêm. Chung quanh nức tiếng đồn. Người ta nói ăn uống đến mấy vạn đồng, khách đến toàn bằng xe hơi, xác pháo ngập kín sân, cô đầu tất cả bốn mươi cô, và chủ nhân đã cho xây hẳn một cái nhà nho nhỏ, kiểu mẫu riêng, để mấy vị khách to nhất nằm hút thuốc phiện và nghe hát, để thêm trịnh trọng và tỏ lòng quý khách. Người ta lại còn bàn tới đám cưới cô con gái út, tiệc tùng chắc cũng linh đình chẳng kém gì. Cô con gái út ấy vẫn kén chồng và con một quan tuần phủ hỏi, cô vẫn chưa chịu lấy. Mấy cô cháu cũng toàn tri huyện, đốc tờ hỏi cả. Rồi người ta nói đến chuyện được mồ được mả, chuyện phúc đức lưu cữu những từ đời ông tứ đại, ngũ đại nào truyền lại.
Con bé Lân thì chẳng biết có được mồ, được mả gì không, nhưng cũng vênh váo ra tuồng! Nó lấy được một anh thợ may, diện sang hơn cả Thứ và San, và thỉnh thoảng lại khoác tay nhau đi qua trường, nói nói, cười cười, làm ra vẻ ta đây nhí nhảnh, như để hếu mắt Mô!
Mô hóp người đi, vợ nó đã đẻ một đứa con, phải nghỉ làm. Ông bố trẻ toái người! Tự nhiên, nó sinh ra đổi tính ngay. Nó trở nên ít nói, ít cười, mặt suốt ngày tối sầm sầm, nói thì hoặc nói nhỏ quá, hoặc to quá, như tức người quá, đến nỗi Thứ phải ngượng. Thứ thấy ngài ngại, khi cần sai đến nó. Nó không làm cho y mau mắn như xưa. Có khi Thứ bảo nó điều gì, nó chỉ im ỉm, không thèm đáp lại, hay có đáp cũng chỉ hơi nhúc nhích môi, như không còn muốn nói. Hình như vợ chồng nhà nó cãi nhau luôn. Điều chắc chắn là hai mẹ con bà Hà cãi nhau luôn. Có lần chính Mô vặc nhau với bà mẹ vợ.
Bà cụ Hà cứ vài ngày một lần, hỏi Thứ rằng đã sắp đến nghỉ hè chưa. Bà làm như bà sốt ruột lắm rồi. Gạo, củi, thức ăn... mỗi ngày một đắt hơn. Thổi cơm cho Thứ và San, mới đầu bà còn lãi ít nhiều, rồi chẳng lãi tí nào, rồi lỗ. Nếu mọi thứ còn đắt mãi lên, thì bà còn lỗ mãi, lỗ tăng mãi lên. Bà chỉ có thể chịu đựng cho đến ngày San và Thứ nghỉ. Trong khi đợi, Thứ và San phải nói với bà để giảm các thức ăn đi, vì họ không thể trả hơn được nữa... Chiến tranh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của Thứ và San rồi vậy! Thứ chua chát nhớ lại cảm giác mừng rỡ của y khi cuộc chiến tranh thế giới mới bùng ra. Y khổ sở mãi rồi và coi chiến tranh như dấu hiệu của một sự đổi thay. Chiến tranh lại dai dẳng, kéo dài ra, kéo dài ra như đến mười năm, hai mươi năm nữa cũng không cùng, và y vẫn khổ, lại còn khổ hơn lúc trước. Bao giờ cho nó hết?...
Ông Học cũng kêu ca vì mọi thứ đắt lên mà hàng thì lại ế. Nhưng ông được mảnh đất và cái nhà kéo lại: "ngày xưa, chỗ này chưa đến năm hào một thước vuông. Bây giờ lại không năm đồng à? Cả nhà, cả đất, bỏ rẻ cũng năm nghìn đồng...". Ông bảo vậy. Ông lại luôn luôn nhắc cho Thứ và San biết rằng họ thuê được ở chỗ này là may: người Tầu họ chạy loạn sang đây, thuê hết cả nhà khiến giá nhà tự nhiên cao vọt lên, nhiều người không tìm nổi một căn nhà ở ngoại ô mà ở, chứ đừng nói gì nhà ở thành phố. Thứ lấy làm khó chịu. Nhất là mùa bức đến, y đã bắt đầu nhận thấy căn phòng chẳng tốt đẹp gì. Không những bức, mùi phân và mồ hôi ngựa đưa sang, rất là khó ngửi. Và Thứ chợt hiểu ra vẻ ngần ngại của ông Học, những lời rào trước đón sau của bà ta, khi Thứ và San ngỏ ý muốn ở lại căn phòng ấy. Sao họ không nói phắt ngay rằng ở căn phòng ấy, người ta sẽ khổ mũi vì những thức ở bên trong chuồng ngựa?
Một hôm, ông hỏi về số tiền học ở lớp vỡ lòng ở trên trường. Thứ trả lời:
- Có năm hào. Nhưng nếu ông muốn cho thằng cháu lên học thì cứ việc cho lên. Tôi nhận cho. Chẳng phải tiền nong gì cả.
Thứ nói vậy, rất thật lòng. Oanh có đến cả đống người nhà học không phải trả tiền. Y có xin tiền học cho một đứa, Oanh cũng chẳng nói vào đâu được. Ông Học bằng lòng ra mặt. Ông cười híp mắt lại mà bảo Thứ:
- Vâng, thế để nay mai tôi kiếm giấy bút cho cháu, rồi nhờ hai ông. Dẫu có mất tiền cũng được. Miễn là hai ông trông coi cháu giúp. Thế nào cũng còn hơn nơi khác.
Chẳng hiểu hai vợ chồng ông ta bàn đi, bàn lại thế nào mà rồi thằng Học vẫn ở nhà. Thứ giục thì ông bảo để sau nghỉ hè mới cho nó đi, không muốn dở dang. Thứ tin ngay. Nhưng bà Hà bảo nhỏ với y:
- Ông ấy sợ mất những năm hào. Ở dưới kia, có người lấy có ba hào.
Thứ ngạc nhiên
- Nhưng nếu học trường chúng cháu thì chẳng mất đồng nào. Cháu đã bảo thế kia mà!
- Vâng, nhưng bà ấy lại bảo rằng: chẳng lẽ ông bà ấy lấy tiền nhà của hai cậu thì được, mà đến lúc cho con lên học, thì lại không đưa tiền học, coi không tiện, mà đưa thì phải đưa những năm hào, đắt quá...
Quả nhiên, mấy hôm sau, thằng Học ngày ngày cắp sách đi. Nhưng nó đi xuống dưới, chứ không lên trường...
Anh xe trả cái nhà lá được mấy hôm thì lại có người khác đến kế chân ngay. Lần này là một bà đã sồ sề, tuổi độ băm tư, băm lăm, có hai đứa con gái, một đứa lên chín lên mười, một đứa lên năm lên sáu. Hai đứa bé trông xinh, tuy quần áo bằng vải nâu, rách vá tứ tung. Chúng để tóc chấm đến vai. Con bé em có một cái vòng cổ bạc. Chúng nheo nhéo hát suốt ngày. Tiếng chúng trong trẻo, giọng khá cao, và nhiều khi Thứ ngừng đọc sách để mỉm cười nghe chúng hát. Thứ thấy có cảm tình với chúng nhưng cũng chẳng tìm cách làm quen. Một đôi khi, đang hát chợt trông thấy Thứ, chúng xấu hổ ngừng bặt lại những câu, và bíu lấy nhau, giấu mặt đi, cười hi hí. Rồi chúng nhìn trộm Thứ. Thứ vuốt ve chúng bằng mắt và hơi mỉm cười...
Bà mẹ cũng làm ở hãng rượu bia. Bà nói với con rất nhẹ nhàng, dịu dàng. Bao giờ cũng thế, chứ không phải chỉ có từng lúc thôi đâu. Đó là một điều ít thấy ở những người đàn bà lao động, lam lũ và cực khổ. Ấy thế mà cứ nhìn người, cũng như nhìn cách sống của bà, cũng đủ biết bà không phải là một người phong lưu, sung sướng. Bà ta khổ người thô. Cách đi đứng hay mải mốt, vội vàng. Chỉ hôm nào nghỉ ở nhà, bà mới đi guốc thôi. Đôi guốc rất to. Bà đi trông chưa được gọn. Bàn chân ấy, chắc vốn đi đất từ thủa bé, chỉ mới làm quen với guốc. Từ hôm bà đến, chưa một lần nào người ta thấy bà mặc áo chùng. Ngày nào cũng như ngày nào, bà chỉ mặc cái quần tréo go đã bạc, ống thì cộc, đũng thì chùng, với một cái áo cánh nâu ngắn cũn cỡn, mồ hôi muối ra cái lưng áo trắng ra từng ngấn. Bà đi làm vắng suốt ngày. Con bé lớn quán xuyến tất cả việc cửa nhà. Cũng chẳng có gì, buổi sáng bà đi làm rồi, nó quét tước cửa nhà. Rồi nó quanh quẩn với em. Gần trưa, nó cầm rá gạo mẹ đã lấy sẵn, để ở nhà cho, ra lấy nước, xóc, thổi cơm. Nếu mẹ có gửi tiền, bà Hà có mua rau cho, thì nó luộc rau. Rồi lấy mâm bát sẵn sàng. Trưa đứng bóng, bà mẹ mới về, mặt đỏ gay, mồ hôi rỏ ở cằm, mồ hôi ướt đẫm lưng. Đứa con bé reo lên, chạy ra nắm lấy tay bà, chạy trước bà, vào. Bà ngồi nghỉ một lúc, quạt cho bà, quạt cho con. Rồi ba mẹ con ăn. Tới tầm bà lại đi làm. Hai đứa trẻ lại lẩn thẩn chơi với nhau, hát với nhau. Có khi con chị quạt cho con em ngủ. Bữa chiều, nó lại liệu thổi cơm sẵn, đợi mẹ về. Ăn cơm chiều xong, bà mẹ đi gánh vài gánh nước. Rồi ba mẹ con sửa soạn đi nằm, hai con bé rí ráu nói chuyện với mẹ hay đọc những bà hát và hỏi mẹ những đoạn chúng chưa thuộc.
Ông chồng thỉnh thoảng mới về. Ông trông quá cách biệt vợ con. Ông không có vẻ thợ thuyền. Ông có vẻ là một dân làm bàn giấy một sở tư nào đó. Quần áo tây, tuy chẳng sang gì, nhưng toàn màu trắng, chứ không màu vàng hoặc màu xanh. Bao giờ cũng đủ quần với áo, có khi lại cả ca vát nữa. Ông về bằng xe đạp và hay về tối lắm. Sáng cũng hay đi sớm. Hình như ông có ý thẹn vì vợ vì con. Thứ chưa bao giờ thấy ông có một cử chỉ hoặc một lời nói nào thân mật với vợ, với con. Ông làm như không buồn nhìn đến vợ, con. Ông khinh khỉnh, lạnh lùng, thường có vẻ mặt và bộ điệu của một ông phán nói với dân quê. Những tối có ông ở nhà, hai đứa trẻ con không hát.
Trông thấy vợ chồng ông, Thứ không thể không nghĩ đến vợ chồng mình. Giá y đứng với Liên thì người ngoài trông cũng na ná thế thôi. Cũng chồng diện tây, vợ đặc nhà quê. Người lạ có thể bảo là ông chủ với con sen, chị vú... Tuy vậy, Thứ ghét ông. Ghét nhất là cái thói khệnh khạng, không phải lối của ông. Ông coi vợ chẳng khác gì con hầu, đày tớ. Hôm nào về đến cổng mà thấy cổng đóng rồi, ông bóp chuông xe để gọi vợ ra. Bà vợ dạ rồi mới mải mốt chạy ra. Bà mở cổng xong đỡ lấy cái xe đạp cho chồng. Ông chồng ung dung hai tay không, đi trước vào nhà. Bà vợ tựa cái xe đạp vào tường, cài cổng, rồi mới nâng niu dắt xe đạp vào sau. Bà vác cái xe đạp lên, cất cẩn thận vào nhà. Bà mượn cái chậu thau nhà ông Học, lấy nước cho chồng rửa mặt mũi, chân tay. Sáng sớm hôm sau, bà lại vác cái xe đạp ra sân, lấy giẻ, chậu thau nước, để trước cửa, đợi chồng. Ông chồng rửa mặt, mặc quần áo xong, chỉ việc cất lấy cái xe đạp ở tay vợ, ra đi. Có hôm cổng chưa kịp mở, bà còn phải dắt cái xe đạp ra tận cổng để mở cổng cho chồng nữa. Trông thấy người chồng chẳng què, chẳng cụt gì, mà cứ để cho vợ làm như thế, Thứ cho là chướng lắm. Chướng nhất là một hôm Thứ lại nghe thấy ông gọi vợ là "mày" và sai:
- Đem đánh đôi giày đi cho tao!
Bà vợ đem đôi giày khổ ra hè, lau lau, chùi chùi mãi, rồi bôi kem, rồi cọ, rồi ngắm nghía, quý hóa, trân trọng lắm. Đời lại có những cái tức như thế được. Thứ muốn giật xoẹt lấy đôi giầy, quẳng ra đường hay sang chuồng ngựa. Y muốn chửi vào mặt người đàn ông hay gây sự, đánh cho anh ta một trận. Y muốn gào cả vào tai người vợ:
- Nhịn nhục quá là đê tiện. Người đàn bà sinh ra không phải để làm nô lệ!...
Thứ trọng người, trọng phẩm giá của con người. Y không thích sai ai dù là một đứa trẻ con. Theo y, đày tớ là những người giúp việc, không phải là những kẻ để sai, những việc gì chính mình có thể làm được, có thì giờ để làm, thì không nên bắt chúng làm. Dù bức đến đâu, y cũng không thể nào ngồi ăn mà bắt một thằng nhỏ đứng quạt hầu. Vợ, đối với y, phải là một kẻ ngang hàng, không phải là một người dưới quyền chồng. Ở nhà quê, người ta đánh vợ, chửi vợ như chửi chó, chửi mèo. Y cho là những quân cục súc, vũ phu, quen bắt nạt xó nhà. Còn y, y đã bảo thẳng với Liên: "Tôi không có quyền được đánh mình, nếu tôi tát mình một cái, ấy là tôi coi mình không còn phải là người ngang hàng tôi nữa: mình đã là người tôi khinh, tôi ghét, nghĩa là chúng mình sẽ bỏ nhau tức khắc!". Y những tưởng tất cả những người có học một chút, đều nghĩ như y vậy. Y không hiểu người chồng có vẻ con người có học mà lại bắt vợ vác xe đạp và gọi vợ bằng "mày" kia...
Y lại còn không hiểu tại sao ông ta không ăn cơm nhà với vợ, con? Ông ăn cơm ở sở chăng? Có sở nào thổi cơm luôn cho các nhân viên! Hay là sở xa quá, không tiện để ông về? Thì ít ra ông cũng phải ăn bữa cơm chiều chứ! Thứ đoán rằng ông thích ăn cơm trọ một mình để được ăn ngon, sợ ăn với vợ con thì phải ăn kham khổ quá. Y lấy làm lạ rằng có người lại có thể sung sướng một mình như thế được. Nhưng lại ngẫm nghĩ đến y. Thì chính y cũng chẳng sung sướng một mình đó ư?
Một hôm, nhờ bà cụ Hà rí rỏn hỏi bà kia, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng ông ta có vợ hai. Người vợ hai có vốn liếng, có cửa hàng, đã bỏ tiền ra chạy cho ông một việc làm. Bởi thế ông nể vợ hai hơn, ăn với vợ hai, để người vợ hai có quyền hơn. Còn người vợ cả bởi không có tiền, mang tiếng là vụng dại, nên đành chịu lép... Bà Học làm như người ghen hộ:
- Chịu lép là chịu lép thế nào? Tôi mà thế thì nhất định là không ức được tôi. Có lắm tiền, có giỏi giang mấy đi nữa, thì cũng là lấy chồng tôi. Lấy chồng tôi thì phải chịu quyền tôi. Chực lấn át tôi là không thể được! Sao như vậy mà bà chịu được.
Bà hỏi bà kia như vậy. Bà kia chép miệng
- Không chịu thì biết làm sao được? Mắc cái tại chồng mình. Chồng mình có mê nó thì nó mới bắt nạt được mình.
- Bắt nạt là bắt nạt thế nào? Tôi thì tôi xé xác nó ra!
- Xé xác nó ra cũng chẳng được gì? Chỉ tổ người đàn ông ghét. Thà chịu ngay nước lép đi thì người ta còn thỉnh thoảng đi lại với mình. Làm mất mặn, mất nhạt thì người ta mặc kệ, bất lai đoái hoài, đã làm gì được người ta? Thôi! Tôi thì anh chê là ngu, là dại tôi đành chịu, nhưng tôi chỉ chịu nước lép ngay đi cho rồi!
Bà nói xong thở dài. Mặt bà buồn rười rượi. Bà Học chỉ tức lây, mà cũng tức thật lâu. Bà lảm nhảm, nghiến ngấu mãi không thôi. Bà Hà nhìn ông Học cười: Hé! Hé... U em có vẻ mừng. Nhân một lúc bà kia có một mình, u em ẵm em lại gần bà...
- Thế ra ông ấy nhà bà cũng có vợ hai đó ư, bà?
- Có vợ hai!
Bà kia vừa chép miệng đáp, vừa nhìn đi, như chẳng muốn người ta bàn tán lôi thôi gì nữa. U em hấp tấp bảo ngay:
- Thế thì cảnh bà cũng rứa cảnh tôi!
Thị nói ra như thể reo lên. Mặt thị có một vẻ gì như vừa mừng rỡ, vừa tự đắc. Thị kể láu ta láu táu.
- Chồng tôi cũng vậy. Chồng tôi cũng mê con đĩ. Con đĩ thì cũng chẳng dám làm gì tôi, nhưng tôi chỉ tức cái nó có tiền, nó mở cửa hàng buôn bán với nhau. Nó chẳng làm gì, chỉ ăn trắng mặc trơn, ngồi phền phễn suốt ngày trông hàng. Tôi phải mở cửa, đóng cửa, thổi cơm, nấu nước, như con ở. Tôi không chịu được. Tôi tức mình đi ở như thế này. Mình làm lấy, mình ăn. Hầu hạ thì chẳng thà hầu hạ người ngoài, tội gì mà hầu hạ con đĩ, nó bám hơi chồng mình mà lại đòi sai bảo mình!
- U em chưa có con thì mới làm thế được. Tôi mà cũng nghĩ liều thế thì con tôi khổ!
- Tôi cũng có con đấy chứ! Tôi được một đứa con trai lên năm với một đứa nữa mới được hai năm.
- Thế chúng nó đâu rồi?
- Ấy, thằng lớn thì bố nó nuôi. Còn thằng bé, bố nó đòi nuôi mãi, nhưng tôi tức con đĩ, tôi không cho nuôi. Tôi bảo: "Mỗi người nuôi một đứa". Tôi gửi bà cháu ở nhà quê, rồi tháng tháng gửi tiền về nuôi.
- Con tôi nó không chịu thế. Chẳng đứa nào chịu đi với bố. Đứa nào cũng chỉ bám lấy mẹ thôi.
- Thế bà lấy gì mà nuôi chúng nó được? Bà làm thì khéo lắm chỉ đủ bà ăn. Mỗi tháng ông ấy có cho bà đồng nào không?
Bà ngập ngừng một chút rồi bảo:
- Cũng có. Không thì tôi nuôi chúng nó làm sao được? Mỗi tháng, bố chúng nó cho ba đồng...
Thế mà bà ta chiều chuộng chồng như vậy!... Nó với chồng bà vâng, dạ hẳn hoi. Thứ ngẫm nghĩ ra rằng đàn bà tốt hơn đàn ông, nhẫn nại hơn, nhiều đức hi sinh hơn. Số đàn bà bị tình phụ cũng nhiều hơn số đàn ông. Y nghĩ đến bà ngoại y, bà bị chồng bỏ đi từ năm mới hăm hai. Y nghĩ đến bà ngoại Oanh chồng chết từ năm mới hai mươi tuổi, mà cũng đành ở vậy nuôi con. Y nghĩ đến bao nhiêu những người đàn bà bị chồng vì mê vợ lẽ mà ruồng bỏ, sống âm thầm và cam chịu, không liều lĩnh, không phẫn uất. Có bao nhiêu người đàn ông đã im lặng mà chịu đựng được như thế ấy?... Y nghĩ đến Liên và thấy thương Liên một cách thấm thía vô cùng. Y sực nhớ ra rằng Liên đang bị ốm nặng, theo lời Đại nói hôm nào. Ho ra máu... đó không phải là một bệnh thường đâu. Người ta chết vì bệnh ấy là thường. Nếu Liên chết bây giờ chẳng hóa ra cả một đời lấy chồng của Liên khổ lắm ư? Liên khổ vì y nhiều rồi. Liên khổ vì gia đình cũng đã nhiều rồi. Liên chưa có lúc được đền bù. Gia đình Liên cũng sẽ rất thương Liên, ái ngại cho Liên vì vẫn tưởng Liên bị chồng giận và ghẻ lạnh. Có lẽ chính Liên cũng đã có lúc ngờ như thế... Thứ nghĩ ra, nghĩ gần như vậy. Y tưởng tượng ra lúc hấp hối của Liên, bàn tay giá lạnh của Liên trong bàn tay y như oán trách. Và đôi mắt đau đớn của mẹ Liên. Và những câu hờ não ruột của bà, vừa thương con, vừa chì chiết rể. Và y, thất vọng và khổ sở trước sự chẳng còn sửa chữa làm sao được nữa! Có biết bao nhiêu người đã phải chịu sự ân hận ấy rồi? Tận đến lúc người yêu chết, họ mới chợt nhận ra rằng mình đã quá ơ hờ, mình đã làm khổ người yêu, hay rất có thể làm cho người yêu sung sướng mà chẳng khó khăn gì, nhưng đã chẳng làm. Trước cái chết của một người yêu, có biết bao nhiêu người đã phải tiếc rằng mình đã không tử tế!...
Ngay tối hôm ấy, khi San đi học rồi, Thứ đóng cửa buồng, nằm viết cho Liên một bức thư lời lẽ rất yêu đương. Y bỏ hẳn cái giọng lạnh lùng, mọi khi vẫn dùng để viết cho Liên, sợ thư có thể lọt vào tay bà hay bố mẹ y. Lần này, y nghĩ rằng, chẳng làm gì phải quá giữ gìn. Yêu thương vợ con có phải là một cái tội đâu? Vậy y cứ thật thà hỏi thăm Liên về bệnh trạng của Liên. Y nói tất cả nỗi lo lắng của y ra. Y bảo Liên nên cẩn thận giữ mình đừng lo buồn, phiền não quá đến nỗi sinh bệnh hoạn, Liên nên uống thuốc đi, và nếu bệnh không giảm thì phải cho y biết ngay, để y về nhà chạy thầy chạy thuốc. Y tỏ ra săn sóc đến sức khỏe của Liên nhiều lắm...
Muốn cẩn thận, y gửi bức thư ấy cho người em ruột Liên, nhờ đưa tận tay Liên, để bức thư khỏi có thể lọt vào tay người nhà y.