Sống mãi với Thủ Đô

Chương 10

Mặc dầu tình thế rối ren, đám giỗ nhà Cự Lâm vẫn cứ tiến hành. Đó là ý muốn của ông Cự Lâm và cũng là ý muốn của bà giáo, bà cô toàn quyền của cái nhà này. Theo một thói quen đã hai mươi năm nay, nghĩa là từ khi nhà Cự Lâm hoạnh phát – trước đây họ cũng đã có, nhưng chỉ ở mức trung bình – ông Cự Lâm và bà giáo làm giỗ mẹ rất to. Cúng cáo, ngày kị chính thức, lễ hoá vàng, giỗ linh đình kéo dài ba ngày liền, có năm còn hơn nữa. Họ hàng ở Hà Nội kéo đến, bà con ở nhà quê đổ ra. Những bạn buôn chè của ông cũng tới. Những nhà buôn bán phố Đồng Xuân cũng nhớ ngày biện lễ vật sang ăn giỗ. Người ta vào lễ cụ, người ta ra chúc tụng ông bà giáo. Người ta khen cậu Phúc, cô Lan, cô Hương con nhà nền nếp, gia giáo. Người ta tấm tắc trước những đồ đạc lộng lẫy trong nhà, trước một đàn công quý nuôi trong vườn. Người ta xuýt xoa nhìn những mâm đồng, những đồ cổ ít người còn có, những bát vây, bát yến do chính bản tay kiểu cách của bà giáo trình bày. Những bà con nhà quê sau ngày giỗ còn nán lại, ông cho đi xem hát, hoặc đi xem nhà bà Bé Tý, cái thời những giống vật kỳ quái và cái điện sặc sỡ của bà chúa Hàng Bạc còn vang dội khắp kẻ chợ cùng quê.

Những ngày hiển hách ấy đã qua rồi. Ngay cái giỗ năm ngoái, sau ngày Cách mạng Tháng Tám, cũng đã kém phần trọng thể. Năm nay, ông Cự Lâm và bà giáo lại muốn làm to. Nhưng tình hình đi ngược lại ý muốn của họ. Trong lúc này, họ hàng ở Hà Nội đã tản cư gần hết. Những người còn lại ở Hà Nội thì lo chạy chẳng xong còn nói gì đến ăn giỗ. Bà con ở nhà quê thì không ai dám ra.

Ông Cự Lâm mặc áo đoạn dài, chít khăn tề chỉnh, cung kính nhìn lên bàn thờ mẹ, rực rỡ son vàng, do đèn điện và nến cùng chiếu sáng. Ngoài đường thì ầm ầm như sắp loạn đến nơi, nhưng ông muốn trong ngày giỗ mẹ, ông không bận tâm vì một việc gì cả. Ông đã nói dù có chết ngay đi nữa, ông cũng phải làm trọn phận sự của ông đối với ông cụ cố. Nhưng cái bề ngoài trịnh trọng ấy không giấu nổi cái bực dọc bên trong. Ông muốn nén nỗi giận nhưng lòng cứ nực ngạt. Ông dỏng tai nghe ngóng. Ông không nói nhưng mọi người trong nhà đều biết ông đang nóng ruột chờ Phúc. Nhưng hết đêm, rồi đến sáng, rồi đến bây giờ, đồng hồ đã điểm tám tiếng, Phúc vẫn chưa về. Đêm hôm qua, trong lúc ông đang nằm nghe bên ngoài người nhà làm cỗ, lòng ngổn ngang vì tình hình, não ruột vì khu phố thúc giục tản cư, thì một tin đưa tới làm cho ông rụng rời đổ đốt: Phúc đã tự tiện đến nhà Quảng Xương Long, bắt người gác phải mở cửa, và cùng một số đông tự vệ xông vào kho. Người gác giữ lại thì Phúc mắng chửi thậm tệ, đành phải báo bằng dây nói cho ông biết. Cự Lâm tung chăn, khoác vội chiếc ba-đờ-suy, nhảy lên xe nhà kéo thẳng đến nhà Quảng Xương Long. Cửa hiệu lúc ấy như đang bị bọn cướp đánh phá. Phúc ở ngoài vỉa hè hò hét giục mọi người. Cự Lâm nghe rõ tiếng Phúc oang oang: “Cần bao nhiêu cứ lấy. Càng nhiều càng tốt. Ông cụ đã muốn keo bẩn thì cho keo bẩn một thể”. Cự Lâm điên tiết, nhảy xuống xe bước lại. Người như kiến vỡ tổ đùn đùn ở trong kéo ra, mang theo các dụng cụ, gọi nhau inh ỏi. Phố Hàng Bồ, phố Hàng Đường, phố Hàng Ngang, phố Hàng Bạc, và nhiều phố gần đấy, thanh niên nam nữ chạy đến ầm ầm. Người lấy xẽng, người lấy cuốc, người lấy thuổng đem đi. Tiếng reo ầm ĩ: “Hoan hô ông Cự Lâm!” Thấy những người đổ tới sau, họ giục: “Mau lên! Vào mà lấy, còn vô số”. Trên hè dưới đường người đen đặc, nhốn nháo. Cự Lâm giữ lấy một thanh niên nện giày cồm cộp trên vỉa hè, vai vác ba cái xẻng. Ông thét: “Để xuống đấy. Ai cho anh lấy?” Người thanh niên cười gằn: “Xin lỗi ông nhé”. Anh ta hít một hơi thuốc lá, phả khói vào mặt Cự Lâm, ngả mũ chào một cách xỏ xiên rồi bước đi thẳng. Cự Lâm không nói gì, mặt hầm hầm, chân lạch bạch chạy đến chỗ Phúc đứng. Bên hè, hai xe bò chất đầy những dụng cụ mới lấy ở trong kho ra. Một đám đông đứng quanh giơ tay tua tủa, người xin cái xẻng, người xin cái cuốc. Phúc nói: “Trong nhà còn nhiều, vào mà lấy. Còn chỗ này để đem đi”. Cự Lâm đã tới gần, thét: “Phúc! Mày làm cái trò gì thế?” Phúc giật mình quay lại thì bố đã giơ ba toong quật ngang lưng anh. Phúc nhanh nhẹn tránh được, cuống quýt hô: “Đẩy xe đi! Đẩy xe đi!” Và Phúc chạy biến vào đám đông. Cự Lâm đuổi theo, giơ ba toong vụt lia lịa, miệng chửi: “Mẹ cha thằng vô phúc. Mày đánh bạn với những quân du thủ du thực à? Đứa nào xúi mày? Tao không bố con gì với mày nữa. Mày đứng lại không mày chết!” Một tốp thanh niên giữ rịt lấy Cự Lâm để cho anh em đẩy hai cái xe bò đi. Chỉ trong nháy mắt đám đông giải tán. Cự Lâm vào trong kho thấy ngoảng đi một mảng lớn. Sẵn cái ba toong trong tay, ông đánh người gác một trận thừa sống thiếu chết. Trở về nhà, Cự Lâm nằm vật xuống giường. Ông chết cay chết đắng vì đứa con trai bất mục. Nó lại nhè đúng vào ngày giỗ để bêu riếu gia đình. Đã hết đâu. Cự Lâm còn thêm một mối lo sâu sắc hơn: Ông nghĩ rằng, nếu có đánh nhau thì vài ba bữa Pháp sẽ trở về, và ông còn phải làm ăn với nó. Vì thế ông không muốn giây với tụi tự vệ. Đùng một cái xảy ra cái việc của thằng Phúc. Chuyện thành ra to. Bề ngoài nhìn vào, Pháp nó thấy đúng là nhà Quảng Xương Long đã ủng hộ dụng cụ cho Việt Minh để phá đường đắp ụ. Nó sẽ trù ông và ông sẽ chẳng còn làm gì được ở cái đất Hà Nội này nữa. Càng nghĩ ông càng lo, càng lo ông càng giận Phúc. Giận Phúc, ông giận lây cả sang Oanh, người vợ chưa cưới của Phúc. Chắc chắn là con bé ấy đã xui Phúc làm cái việc táo tợn kia, chứ những như thằng Phúc thì hồ dễ đã dám làm. Ông thở dài ầm ầm. Mãi đến khi được cúng, ông mới nguôi nguôi đôi chút.

Bà giáo cũng ra bẳn vào gắt, khiến cho mọi người trong nhà nem nép. Bà đi qua buồng chị dâu. Nghe thấy thằng nhỏ nhớn nhác nói với bà Cự Lâm – người ăn người làm có nói gì thì chỉ dám nói với bà này – rằng tự vệ đang đi giục mọi nhà tản cư, bà giáo đứng ở ngoài quát vào:

- Câm cái mồm! Đi gọi cậu Phúc, cô Lan, cô Hương về. Nhà có giỗ, chúng nó đi đâu?

Khi thằng nhỏ chạy đi rồi, bà giáo lẩm bẩm:

- Không đánh được thì thôi, còn giở trò làm gì cho khổ người ta!

Lời nói không nhẹ nhàng tương phản với cái vẻ lịch sự, đài các của bà giáo, một người có tuổi, tóc hoa râm, đôi mắt thâm quầng sau đôi kính trắng, thân hình có cái gầy khô và cứng của những người không đẻ đái. Bà càng đét lại trong bộ quần áo toàn màu đen.

Khi bà giáo đi rồi, bà Cự Lâm khóc. Bà này, khác với em chồng, trông bệ vệ nhưng đần độn. Bà chỉ là một cái máy đẻ. Việc kinh doanh của chồng thì bà chẳng biết gì, việc trông nom trong nhà, từ tiêu pha đến bếp nước giỗ chạp thì đều do bà giáo mà bà ta cũng rất sợ. Bà Cự Lâm đã giục ông tản cư từ lâu nhưng ông cứ lần chần. Sau vụ Yên Ninh hôm qua, ông mới quyết định ăn giỗ xong thì đi. Nỗi khổ tâm của bà là ba đứa con lớn là thằng Phúc và hai con Lan, Hương thì nằng nặc xin ở lại. Bà khóc ra làm rãy, nhưng chúng nó chẳng chuyển lòng. Phúc vào tự vệ, lại xuống cả Văn Điển để tập bắn súng. Việc ấy đã làm cho bà đứt ruột đi rồi, thì lại đến việc Lan xin đi học cứu thương, rồi Hương cũng đòi theo chị. Chúng nó trước đây đều là những đứa ngoan ngoãn, bảo sao nghe vậy, thế mà bây giờ đến bà giáo mắng, chúng nó cũng cứ nhơn nhơn. Buồn vì con, bà chúi vào trong buồng, ôm mấy đứa con nhỏ. Buồn cho bà hơn nữa là Phúc nghe anh em xui dại làm hại cửa hại nhà.

Tiếng rằng thời buổi loạn lạc đến nơi, nhưng khách cũng không đến nỗi vắng. Cự Lâm và bà giáo lấy làm đắc chí. Nhà Cự Lâm phải danh giá thế nào thì lúc này người ta mới còn đến chứ. Nhưng bữa tiệc không vui lắm. Những tiếng đục tường cứ rầm rầm chung quanh. Thỉnh thoảng lại có tiếng súng. Mọi người đều lo nơm nớp, muốn ăn cho xong để còn về. Chủ nhà cũng thấy rõ cái tình cảnh ấy. Cự Lâm gượng cười gượng nói, nhưng lòng ông vẫn sôi lên vì giận con. Bà giáo thì giận Lan không kém ông giận Phúc. Bà vẫn tự phụ là nhờ có bà rèn dạy nên con cái của ông anh mới vào nền ra nếp. Sau khi bà được triều đình Huế ban tặng bốn chữ “Tiết hạnh khả phong” mà cả họ được thơm lây, thì bà lại càng nghiêm khắc với các cháu, nhất là các cháu gái. Lan không được ra khỏi nhà, không được đọc sách báo, thấy đàn ông phải cúi mặt không được nhìn. Bà goá chồng từ năm mười tám và ở vậy giúp anh, nuôi cháu. Bà thường lấy cái gương trinh tiết của mình ra mà răn chúng nó. Trước đấy Lan vẫn sợ bà, đùng một cái, mới gần đây thôi, Lan có ý cưỡng lại lời bà. Bà lo cho Lan thì ít mà lo cho uy quyền của bà bị tổn thương thì nhiều.

Khách đã ra về hết, chỉ còn lại vợ chồng Bao và Trinh, và ông Phùng Gia Lộc, bố Oanh, vợ chưa cưới của Phúc, ông này không ăn giỗ nhưng mới đến chơi. Bao là cháu gọi Cự Lâm bằng bác ruột. Họ ngồi trên bộ xa lông kiểu tàu, nệm gấm. Bà giáo thì ngồi ghé một bên góc sập gụ têm trầu. Vừa uống nước, họ vừa nói chuyện. Bà giáo nói:

- Lo xong cái giỗ bây giờ mới được yên tâm. Cũng là nhờ bà cụ ngày trước ăn hiền ở lành. Cỗ bàn chẳng có gì, nhưng cũng là có cái giỗ, các cụ chứng giám cho. Lạy tổ, giời đất này, tôi cứ những sợ là không còn được kia đấy. Cái vụ ở Hàng Bún hôm qua đã mất hồn mất vía lên rồi, lại đến hôm nay, họ đình công không bán hàng cho Pháp. Giở giói mãi ra, Pháp chẳng thấy nó chết, chỉ thấy mình thiếu từ cái rau cái cỏ. Chả có bao giờ lại như thế này. Nhà mình nhờ tổ độ làm giỗ được vẫn còn là may. Ấy đàn bà chúng tôi cổ lỗ, có gì nói thế, chả biết có phải như thế không, cụ nhỉ?

Bà giáo cười khanh khách nhìn ông Phùng Gia Lộc, cái cười rất nhạt từ trong cổ đưa ra. Không đợi ông Lộc trả lời, bà quay sang vợ chồng Bao. Bà cất tiếng rất sang, có cái ngọt ngào kiểu cách không thật của người phụ nữ Hà Nội lịch thiệp:

- Con Diễm đâu? Con vú em nó làm thế nào mà để sớm nay em nó khóc thế? Nhà bác thì chả rộng được bằng nhà cháu trên Quan Thánh, nhưng cứ tạm ở đây chứ về trên ấy làm gì? Ấy cô thì thật thà, bác thì cháu cũng như con, cậu mợ cháu mất rồi, chi họ nhà ta còn hai bác cháu đây đùm bọc lẫn nhau. Thế đã cho xe ô-tô đi lấy đồ lấy đạc lại đây chưa? Ấy cô cứ cuống cuồng lên, những việc ấy cũng chẳng giúp cháu được. Thím thì hiền lành.

Ai cũng biết bà giáo nói mỉa mai chị dâu. Bà gằm gằm nhìn Trinh qua đôi kính hình bầu dục gọng trắng. Bà không ưa Trinh vì Trinh là con nhà nghèo. Hơn nữa, cũng như nhiều người đàn bà già, cô độc, không muốn người khác có hạnh phúc, bà ghen với Trinh vì chị trẻ, đẹp, có chồng. Nhưng bà vẫn ngọt sớt.

- Hôm qua mợ đốc cháu sợ quá, cứ lả đi. Tôi lo quá đi mất thôi. Nếu chúng tôi cũng phải tản cư thì một đằng con, một đằng cháu, chẳng biết thế nào. Bà Hai nhà tôi lại về quê. Các cụ gan thật, có hai mẹ con mà cũng về.

Trinh ngồi im lặng trong bộ áo nhung lam, trẻ như một thiếu nữ. Chị cúi xuống nhìn đôi dép da xanh nhạt, khẽ rê đi rê lại. Người ta chỉ trông thấy cái mũi dọc dừa và cái miệng nhỏ mà mặc dầu chị đang hoang mang lo sợ, vẫn in cái bóng bí hiểm của một nụ cười. Trinh rất xa lạ đối với cái nhà này. Qua lời bà giáo, Trinh cảm thấy rõ là cô chồng khinh mẹ mình. Chị biết nếu Bao không có địa vị và không có hàng chục ngôi nhà cho thuê ở Hà Nội thì ông bác, bà cô cũng chẳng niềm nở gì đâu. Thừa, đứa cháu gọi ông Cự Lâm là cậu ruột, cũng là cháu đấy. Nhưng hắn chỉ là một anh thợ cày ở quê ra ăn giỗ, nên bị khinh quá tội kẻ ăn người làm, phải ăn ở dưới xó bếp; xin ông cậu mấy đồng để đón con vợ về quê cũng không được. Trinh không ưa sự giả dối của bà giáo và cái nhẫn tâm của ông Cự Lâm. Giả dối và nhẫn tâm hơn cả là họ làm giỗ mẹ linh đình, nhưng ông bố già ngoài tám mươi thì nằm liệt một xó gác chẳng ai hỏi đến. Không nói ra, nhưng Trinh không bằng lòng chồng đưa mình đến ở đây. Trinh muốn về quê với mẹ, mà cùng lắm thì trở về nhà. Trinh ngước đôi mắt cũng êm sáng như chiếc áo nhung đang mặc, nhìn Bao, nhưng Bao không nói gì. Vì lịch sự, Bao còn ngồi, mới ăn xong lên gác ngay không tiện. Trinh càng sốt ruột.

Cự Lâm thì hết nhìn lên trần lại nhìn xuống tấm thảm, hết nhìn bàn ghế lại nhìn câu đối hoành phi, bồn hoa, chậu cảnh. Ông ngại cái việc di tản lủng củng lắm cái phiền. Cửa ngoài đóng kín, ông thẫn thờ nhìn ra, nghe ngóng. Ông khó chịu vì những tiếng đục tường và những tiếng đào hầm hố bên ngoài. Ông chợt quay vào trong nhà, hỏi:

- Phúc nó đã về chưa?

Tiếng thưa râm ran:

- Thưa ông, chưa ạ.

Ông Cự Lâm đã đứng dậy, vít lấy cái xe điếu cong dài màu ngà ngà vàng của cái điếu khảm xà cừ, lại buông ra, ngồi phịch xuống ghế:

- Tự vệ với…

Ông cười một tiếng khan:

- Cũng may mà các ông tướng còn để cho mình ăn xong cái giỗ, không đến nỗi…

Ông định nói hai tiếng quấy rầy. Nhưng trước mặt ông Lộc thấy không tiện, ông chuyển sang chuyện khác:

- Tình hình thế nào, cụ có biết rõ không? Có nên tản cư không cụ?

Ông Lộc nói:

- Cụ bảo làm sao mà không đánh nhau được. Cụ không thấy cái khẩu hiệu “Thanh niên sống chết với thủ đô” sao?

Bà giáo sắp đưa miếng trầu vào miệng, nói:

- Khiếp! Họ tợn quá!

Cự Lâm nói:

- Các ông ấy còn kể cái gì. Họ tợn nên mới xui thằng Phúc nhà này…

Bà giáo chêm:

- Con cái nhà này thì dại ạ.

Biết là ông Cự Lâm muốn nói cái việc Phúc lấy xẻng cuốc nhà Quảng Xương Long, ông Lộc cười xòa:

- Ai xui? Thế là nó biết nghĩ đến nước. Mừng cho nó mới phải.

Cự Lâm nói:

- Chúng nó xui thằng Phúc. Làm thế là làm láo. Tôi sẽ kiện tởi Uỷ ban. Ông cán bộ Quốc Vinh chả nói là Chính phủ tôn trọng tài sản nhân dân là gì. Cán bộ không thể để cho tự vệ làm loạn được. Vả lại ông cũng biết công ty Quảng Xương Long có phải là của riêng tôi đâu.

Cự Lâm trở đi trở lại cái luận điệu của ông ta. Khi anh em tự vệ đề nghị cho mượn xẻng cuốc, ông thoái thác, viện lí là một mình không quyết được, mặc dầu ai cũng biết ông gần như là chủ cái công ty Quảng Xương Long. Ông Lộc biết tính thông gia của mình. Ông Cự Lâm có thể bỏ hàng trăm hàng nghìn để làm một cái giỗ, nhưng ông ta chưa hề bỏ ra một đồng xu nhỏ để giúp ai. Ông Lộc nói:

- Của ai thì cũng thế thôi. Thằng Pháp nó trở lại thì mình giữ được à? Anh Phúc làm như thế là giữ cho ông đấy. Ông giữ mấy cái xẻng bây giờ là ông mất hết. Tôi là tôi cúng hết. Tổng hội Cứu tế của chúng tôi còn hai mươi tấn gạo. Để đấy, tình hình này, lỡ vào tay Pháp thì bằng cúng cho kẻ thù. Thế là tôi bàn với các cụ, giao cho sư cụ chùa Bà Đá hai tấn để phân phát cho các trẻ em mồ côi, còn bao nhiêu tôi bào anh em tự vệ đến xe đi. Giục mãi mà họ đã lấy đâu. Bây giờ tôi lại phải đi giục đây.

- Nếu tôi cũng được rỗi như cụ thì nói chuyện gì.

Ông Lộc vung cánh tay phải to lớn:

- Thì đã có con. Bây giờ không phải là lúc giữ con mình nữa.

Ông vừa nói vừa nhìn bà giáo với đôi mắt rất tinh, và quay sang gật đầu với Bao như để tỏ ý kiến. Ông Lộc là người già quắc thước, da mặt hồng hào, tóc thưa và bạc nhiều, ngực nở vai rộng, có cái vẻ nhanh nhẹn của một nhà thể thao. Cử chỉ ông thoải mái trong bộ đồ tây màu hạt dẻ dài rộng và mềm. Ông nói tiếp:

- Tôi thì tôi cho cha mẹ bây giờ cứ phải tuỳ con mới được. Giữ chúng nó không nổi, thêm bực vào mình mà chúng nó cũng khổ. Cứ như ý tôi, mình không làm việc được thì để chúng nó làm.

Bà giáo nói mát:

- Vâng, mình chẳng sống được mà lo cho chúng nó cả đời. Nhưng cái việc lo thì cứ phải lo ạ. Đằng cụ thì chỉ có hai ông con. Cụ vào được cả tự vệ thì còn gì quý hoá bằng. Các cháu con ông anh tôi thì dại lắm ạ, không được bằng cô Oanh nhà ta kia.

Bà giáo không ưa ông Lộc, vì ông ta không đĩnh đạc, nói lốp bốp, ăn ở theo lối mới. Lẩm cẩm hơn nữa là đã già rồi mà ông ta vẫn tập thể thao, cởi trần ra chạy nhảy với bọn thanh niên. Bà cũng không ưa Oanh, vì Oanh vào đoàn phụ nữ dễ hư hỏng con người. Tối hôm qua, bà lại biết là Oanh vào chợ Đồng Xuân họp với chị em bên chợ, bà không thích con gái tử tế xô bồ với đám đàn bà con gái có sừng có mỏ ấy. Chính vì Oanh mà thằng Phúc vào tự vệ, chính vì Oanh mà con Lan mới dám đòi đi cứu thương, dơ dáng mà không biết đời. Nhưng bà ghét Oanh nhất là vì Phúc và Oanh yêu nhau mà bà không biết trước. Sở dĩ bà không phản đối việc Phúc xin lấy Oanh, vì Oanh là con gái duy nhất của ông Lộc, mà ông Lộc là chủ một cái nhà in lớn ở phố Nhà Thờ.

Ông Lộc cất tiếng cười oang oang của một người có sức khoẻ, nói giọng dõng dạc của một người có của:

- Cứ tung chúng nó vào đời là dại đến đâu cũng khôn, bà giáo ạ. Như tôi, khổ từ thuở nhỏ, thế mà tự mình xoay xoả, tháo vát, bây giờ chẳng ai bắt nạt được tôi. Lúc này cứng cáp cần lắm. Nòi giống phải tốt. Người Việt Nam không thể bé bằng cái cẳng tay mãi được. Phải dạn dày mưa gió, phải tập thể dục thể thao. Chiến tranh đến nới rồi, phải biết múa gươm bắn súng, trai cũng như gái.

Bà giáo lấy cái ống nhổ bạc nhổ nước trầu, tay vuốt mép, miệng tủm tỉm cười. Bao đang suy nghĩ cũng phải mỉm cười, đưa mắt nhìn Trinh. Ông Lộc nhìn Bao hau háu, mong được sự hiều đồng tình của người kĩ sư điện trẻ tuổi đi du học về. Nhưng Bao ngồi làm thinh. Quan niệm của anh có nhiều điểm giống với bà cô ruột. Anh muốn người phụ nữ phải theo lối cổ, nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng, sống trong khuôn khổ gia đình không đảm đương một việc gì ngoài xã hội. Anh đã đem cái quan niệm đó áp dụng vào gia đình anh. Anh yêu Trinh, nhưng bắt Trinh phải quanh quẩn trong nhà, có đi đâu thì đi với anh, hoặc đi với mẹ vợ. Nghe ông Lộc nói, anh thấy tội nghiệp cho một ông già háo hức đời sống mới, có cái gì lố lăng buồn cười. Nhưng anh không muốn nói chuyện, vì đang mải lo cho vợ cho con. Ông Lộc nói:

- Thế nào, một nhà tây học như ông, chắc phải đồng ý với tôi chứ.

Bao khó chịu, nói nhát gừng:

- Cũng không nhất định ạ!

- Thế à? Lạ đấy!

Vốn người láu táu, ông Lộc hỏi:

- Sau đây, ông có cho bà tản cứ không?

- Chúng tôi chỉ có thể sống được ở Hà Nội, hay ở một nơi nào hơn Hà Nội.

- Ông nên cho bà tản cư, trừ phi bà ở lại có công tác gì.

Bao và Trình nhìn nhau cùng cười như khi ta nghe một người không một tí gì về mình. Bao hỏi:

- Cụ bảo sẽ đánh nhau ư?

- Đúng là thế. Có lẽ ông chưa đọc báo hôm nay. Thằng Đác-giăng-li-ơ đã sang và nó tuyên bố chủ trương dùng chính sách võ lực ở Đông Dương.

- Thế còn ta?

Mọi người đều chú ý nghe. Bao vừa hỏi vừa khe khẽ lắc đầu. Ông Lộc nói:

- Còn ta. Tự vệ đã trả lời bằng lời thề “Thanh niên sống chết với Thủ đô”. Đó là câu đầu lưỡi của thanh niên bây giờ. Không phải vì nó khủng bố ở Yên Ninh mà ta sợ. Trái lại, chỉ có từ hôm nay thôi, các phố dựng chướng ngại vật, một ngày bằng mười ngày.

Bà giáo nói:

- Chính mình vẽ ra cho nó sinh sự!

Bao vẫn lắc đầu:

- Cụ bảo đánh nhau? Tôi không tin. Tôi biết người Pháp lắm. Tôi biết chuyện rất rõ. Tụi lính Pháp gác ở Sở máy đèn Bờ Hồ có nói với anh em bộ đội ta rằng đánh nhau là việc của bọn chỉ huy, còn họ thì không đời nào muốn cả. Người Pháp là như thế.

Anh không đợi ông Lộc trả lời, đứng dậy:

- Chúng con xin phép bà và cô. Xin lỗi cụ.

Bà giáo thân mật và bề trên:

- Ừ, lên với cháu. Rồi cô lên.

Trinh đứng dậy, buông một tiếng thở dài. Bao đón lấy tay Trinh và nhường Trinh đi trước. Bà giáo làm ra bộ không nhìn họ, nhưng bà theo dõi không sót một cử chỉ của hai người. Cái lối vợ chồng cầm tay nhau tây tây tàu tàu trước mặt mọi người là một sự lố lăng bà không chịu được. Sự nũng nịu của Trinh cũng làm gai mắt bà. Việc hai vợ chồng Bao đến ở đây từ chiều hôm qua, bà sợ có ảnh hưởng xấu đến Lan, Hương. Trinh cũng cảm thấy rõ sự khắt khe của bà cô chồng. Chị rụt tay ra khỏi tay Bao. Nhưng Bao vẫn nắm tay vợ và ghé sát tai Trinh nói nhỏ:

- Em không lo gì cả. Anh đã quyết định rồi. Anh sẽ đưa em đến một chỗ ở đấy em sẽ sống an nhàn, không có ai phiền em cả.

Trinh bảo chồng đi trước, và cúi đầu ủ rũ, Trinh như nói một mình:

- Đi đâu, anh?

Ông Lộc cũng từ biệt mọi người. Ông ra tới cửa thì có tiếng chuông réo. Qua khung cửa mở, hiện lên trong cái âm u buổi sáng, mấy cái vòm thấp bè bè của chợ Đồng Xuân, bợt bạt và im lặng. Đột nhiên mất cái cảnh ồn ào, tấp nập, đầy màu sắc của nó hàng ngày, cái chợ nổi tiếng này trông ngơ ngác xác xơ như bị tàn phá. Một khẩu hiệu dài căng trước chợ: “Tẩy chay quân đội Pháp. Trả thù cho đồng bào bị tàn sát ở ngõ Yên Ninh”. Một tốp thanh niên, mặc đủ thứ các kiểu quần áo, người ra dáng thợ thuyền, người viên chức, người học sinh, nhốn nháo tiến vào phòng khách nhà Cự Lâm, dưới quyền chỉ huy của một thanh niên người thấp, mặt tròn và béo. Anh này đội mũ sắt Nhật quai buông dưới cằm; sơ-mi và quần đều may bằng một thứ ka-ki xa tanh màu xám nhạt còn giữ nếp là mới nguyên, thắt lưng Mỹ đeo ở bên hông trái một thanh kiếm Nhật. Ngực anh ta ưỡn ra một cách quan trọng. Tất cả bọn họ đều đính ở tay trái cái băng chữ đỏ nền trắng đề khẩu hiệu “Thanh niên sống chết với thủ đô”. Mọi người trong nhà đều đứng cả lên, giạt vào thành sập gụ. Anh mũ sắt nói một cách lạnh lùng:

- Thưa các cụ và các ông các bà, đây là lần cuối cùng chúng tôi được lệnh đến giục bà con đi tản cư ngay. Chúng tôi đã nói không biết bao nhiêu bận rồi.

Bà giáo nói:

- Xin mời các ông ngồi chơi xơi nước. Rồi chúng tôi xin thưa chuyện.

Anh mũ sắt giơ cả bàn tay lên trước mặt xua xua, mặt vẫn phớt lạnh như tiền:

- Thời bình sắp qua rồi, thời chiến sắp tới. Người nào có việc thì ở lại, người nào không có việc thì phải đi. Bây giờ không phải là lúc nói chuyện nữa, mà là thế này.

Anh ngoắt một cách hiên ngang, chỉ vào cái băng đeo tay và nói tiếp:

- Người già trẻ con phải đi hết. Chúng tôi sẽ bảo vệ tài sản cho tất cả những người tản cư. Đây là một đảm bảo.

Anh hất hàm ra hiệu cho một thanh niên. Người này rút trong túi ra một tờ giấy bản đánh máy, có chữ kí và dấu đỏ chìa cho mọi người xem một cách khiêu khích. Bọn Cự Lâm trố mắt chưa biết nội dung của tờ giấy là gì, thì anh thanh niên mũ sắt đã nói:

- Các cu, các ông, các bà không nên để chúng tôi phải trở lại một lần nữa.

Cự Lâm khúm núm:

- Chúng tôi không dám cưỡng lại lệnh của Chính phủ. Chúng tôi cũng đã được nghe ông Quốc Vinh nói là Chính phủ không bắt buộc, chỉ khuyên nhân dân tản cư thôi. Có phải không ạ?

- Sao cụ không thu xếp từ mấy hôm nọ? Cụ ở lại để làm gì? Đến hôm nay là Uỷ ban đã nể các cụ lắm rồi. Đúng. Uỷ ban không ra lệnh. Uỷ ban chỉ khuyên thôi. Nhưng khuyên thì dân phải vâng lời. Bây giờ là lúc chúng tôi phải cương quyết thì hành nhiệm vụ. Hạn một giờ nữa, nếu không đi, chúng tôi bắt buộc phải đốt cái nhà này.

Nói xong, anh dẫn bạn bước ra, trước sự kinh ngạc của mọi người. Cự Lâm ngồi phịch xuống ghế:

- Lưu manh chứ tự vệ cái gì. Ối ông Quốc Vinh là ông Quốc Vinh ơi! Ôi ông thợ sắp chữ ơi!

Ông thường gọi Quốc Vinh theo cái nghề của anh một cách khinh bỉ. Cự Lâm lại nói:

- Đi tìm thằng Phúc về đây cho tao. Đánh chết nó đi. Nó phản lại bố nó rồi! Nó đi đánh bạn với những thằng ăn cắp, thảo nào.

*

* *

Bao đã kéo được Trinh lên gác. Trinh chạy vào buồng. Vú em bế con Diễm đang thẩn thờ nhìn xuống đường.

Trinh không chú ý, gục đầu vào gối khóc. Bao đến ngồi bên quàng tay ôm lấy vai rung rung của vợ, nói:

- Trong nước chúng ta không ở đâu được nữa. Chúng ta sẽ đến một nơi ở đấy sẽ không có ai nói những chuyện sống chết, không có ai nói những lời thô tục, doạ dẫm như mấy người tự vệ lúc nãy. Anh đã quyết định rồi. Chúng ta sẽ sang Pháp.

Trinh vẫn khóc rưng tức. Vú em bỗng kêu hốt hoảng:

- Tây nó vào mợ ơi!

Tiếng động cơ ầm ầm dưới phố. Một chiếc xe gíp phóng vào, theo sau là một xe cam nhông chở đầy lính mũ đỏ, nòng súng tua tủa. Những người ở ngoài đường chạy nhốn nháo. Chỉ trong nháy mắt, phố đã vắng tanh. Hai chiếc xe đỗ trước chợ. Bọn linh nhảy xuống, một tốp phá cửa xông vào trong chợ. Trinh áp mặt vào ngực chồng, không dám nhìn nhưng mắt vẫn trông thấy hết. Vú em kêu cuống cuồng:

- Nó bắt mấy người trong chợ, mợ ạ. Nó bắt lên xe rồi mợ ơi!

Trinh rên rỉ:

- Cho em vào. Vú im đi!

Có những tiếng phụ nữ kêu thét lên. Người ta vây lấy cái xe gíp. Tụi lính Pháp đấm đá túi bụi, nhưng chị em vẫn cứ xông vào. Trong đám người hỗn độn, Trinh nhận ra Oanh, người bạn cùng học trường Đồng Khánh với mình trước, và là vợ chưa cưới của Phúc. Ông Lộc, bố Oanh, đang đẩy một thằng linh và giơ tay đón lấy những người phụ nữ bị giữ trên xe. Khu phố bỗng rung lên vì một tràng liên thanh bắn chỉ thiên. Trinh rú lên, ôm chặt lấy Bao. Hai chiếc xe bắt người đã quay đi. Cái khẩu hiệu trước cửa chợ bị giật xuống đất, cuốn theo gió. Trinh nghe rõ tiếng quen quen của Oanh:

- Chúng ta nhất định không bỏ chị em của chúng ta. Tôi đề nghị tất cả anh chị em ủng hộ cuộc bãi thị của chị em chợ Đồng Xuân, xông vào tận trong thành đòi nó thả chị em của chúng ta ra.

Một người con gái kháu khỉnh ăn mặc theo lối nửa quê nửa tỉnh giơ tay ra đằng trước và nói to, the thé:

- Xông cả vào thành. Muốn ra sao thì ra. Chết thì thôi!

Đoàn người ở trong chợ, phần lớn là phụ nữ, ùn ùn kéo ra, đi về phía Hàng Giấy. Bà con trong phố cũng chạy tới. Oanh dắt xe đạp đi trong đám đông, cái áo măng-tô tím xoè ra, quét xuống đường, búi tóc quả lắc đồng hồ lủng lẳng sau gáy. Thân hình cao lớn của ông Lộc cũng nổi lên, giữa những xe đạp, xích lô, xe bò lộn xộn. Trinh lẩm bẩm:

- Con Oanh nó ghê quá.

Trinh vẫn giận Oanh từ khi nghe Oanh mỉa mình là nô lệ chồng. Nhưng lúc này Trinh thấy đỡ giận bạn, kích thích bởi cái gì như người tê dại nắm vào trong vật nóng bỏng nó làm cho họ giật mình cùng một lúc làm cho họ thêm ngao ngán.