Sòng Bạc

CHƯƠNG 8

Con bé nói:

— Cháu đói rồi! Có cái gì ăn trong cái lều này không?

Tôi đã thôi không múa tại chỗ nữa, và đã đứng ra xa hẳn tầm đá của những chiếc guốc phải và trái. Kéo ống quần lên, tôi nhìn xuống cẳng chân. Con bé nói:

— Bác xem, chưa thủng lỗ nữa kìa. Cháu đã làm hết sức mình rồi, chưa thủng lỗ là không phải lỗi của cháu.

Đằng sau tôi Marc Lavater vẫn tiếp tục cười một cách đần độn. Heidi nhìn anh ta bằng một cặp mắt to tướng màu hoa sim.

— Thế còn cái bác này, ai thế?

Tôi nắm ngay lấy cơ hội này: Marc không biết một tiếng Đức khỉ khô nào. Tôi nói con bé bằng tiếng Đức:

— Chính bác ấy đã khuyên bác làm sạt nghiệp các cháu đấy. Tất cả đều là lỗi của bác ấy. Mà bác ấy lại còn bắt bác phải làm nữa kia. Bác thì bác không muốn đâu.

Con bé gật đầu, dáng điệu rất nghiêm trang, vẫn nhìn chòng chọc vào Lavater với một nét mặt ngây thơ thật kỳ diệu. Thế rồi nó tiến lên, giơ tay ra phía trước, mồm nở một nụ cười rất rộng, kiểu một ông nghị của Đảng Xã Hội Cấp Tiến đang đi kiếm phiếu bầu. Marc rạng rỡ hẳn lên nói:

— Cậu thấy không? Chỉ cần có bộ mặt của một người lương thiện mà thôi! Trẻ con, nó không bao giờ lầm cái này đâu.

“Ba um!” Chỉ một giây đồng hồ sau, anh ta đã hét lên và bắt đầu khiêu vũ tại chỗ. Heidi hết sức vui thích nói:

— Đó là chuyên khoa của cháu mà.

— Thôi được. Nào bây giờ thử xem thực sự là chuyện gì nào? - Tôi hỏi. - Thế, bác đã làm sạt nghiệp cháu à?

— Vưng!

— Và sạt nghiệp ai nữa?

— Các chị của cháu.

— Cháu có bao nhiêu chị.

— Ba. Cháu đói rồi! Đói lắm rồi.

Tôi nhấc chiếc máy điện thoại treo ở tường sảnh.

— Thịt gà với dăm bông nhé, được không?

— Họ có món apfelstrudel không?

Tôi dịch câu ấy ra tiếng Anh cho người phục vụ ở tầng gác. Họ có, hay là cái gì gần giống như thế. Tôi nói với con bé.

— Họ có.

— Cháu không thích cái món ấy - Con bé nói - Cháu hỏi thế cho biết thôi.

— Thịt gà và dăm bông, với bánh ngọt - Tôi nói với người phục vụ. Tôi đặt máy xuống - Thế các chị cháu ấy, tên là gì?

— Anna, Chietel và Erika. Thịt gà thì được rồi. Nhưng cháu muốn có sữa và cả cà rem nữa. Và dồi nóng Mỹ nữa, và cả bỏng rang Mỹ nữa. Với lại cà rem Mỹ nữa. Nhiều nhiều vào.

Tôi truyền cái thực đơn ấy đi.

— Anna, Chistel và Erika. Nhưng thế nào kia?

— Bác tìm cách moi cho cháu nói phải không?

— Vưng.

— Thế thì bác không được đâu.

Nó tặng tôi một nụ cười châm chọc, rồi đi ra phía trước tôi. Tôi vội tránh ra xa bằng một bước nhảy có thể làm cho tôi trở thành một vận động viên Olympic được! Rồi nó bắt đầu đi thăm thú các căn phòng, phân phát công bằng cho mọi người những lời chào bằng tiếng Đức “Gut Morgen" rất thân ái và một số cú đá. Không phải đợi lâu la gì, một nửa số người ở đó bắt đầu khiêu vũ bằng một chân.

— Trời đất quỷ thần, Franz, con bé này ở đâu ra thế?

— Chịu, không biết. Tên nó là Heidi và nó có ba người chị. Và tôi đã làm sạt nghiệp cả bốn chị em. Thế thôi, tôi không biết gì thêm nữa.

Tôi giơ một tay lên để đón trước một nhận xét: Phải tôi biết, Marc, có thể đây là một trò đùa của một người nào đối với tôi đây, nhưng cũng có thể có chuyện gì được che dấu ở đằng sau.

Tôi lại nhấc máy điện thoại lên và hỏi phòng tiếp đón của khách sạn. Có, họ thực sự có thấy một bé gái vừa đi qua, ăn mặc rất kỳ cục, thậm chí còn cho người gác cửa, và một người phục vụ thang máy một cú đá quá trời.

— Còn chị chiêu đãi viên hàng không?

— Chị chiêu đãi viên hàng không nào?

— Cái chị dẫn cháu bé đến cửa khách sạn, đã hỏi thăm số buồng của tôi, cùng với cháu bé đi lên nói là muốn dành cho tôi một nỗi vui mừng bất ngờ.

— Chị ấy vừa đi rồi...

— Hãy chạy theo gọi chị ta lại ngay, nhanh lên.

Chậm quá mất rồi. Chị chiêu đãi viên vừa ra cửa lên ngay chiếc taxi đang chờ và đã đi biến mất rồi.

— Nhưng chị ta có để lại một bức thư gửi cho ông, thưa ông Cimballi.

Ba mươi giây đồng hồ sau, một người phục vụ đã mang lên cho tôi một cái phong bì bằng giấy dầy, không có tem, nghĩa là không phải gửi bằng đường bưu điện. Trên phong bì có đề: “Ông Cimballi, khách sạn Pierre, New York” và ở bên góc phải: “Tuyệt đối riêng”. Ở trong có hai phong bì nữa bé hơn cũng dán kín và cũng đề tên tôi. Tôi mở chiếc thứ nhất, thư viết tay bằng tiếng Đức: “Ông Franz Cimlballi, vì tại ông mà chúng tôi bị sạt nghiệp và bị đuổi ra khỏi nhà chúng tôi. Chúng tôi không biết đi vào đâu nữa. Thế mà, người ta nói với chúng tôi rằng ông là một người rất đáng yêu. Vậy thì xin ông hãy săn sóc cho Heidi. Heidi rất thông minh và cũng rất đáng yêu, chỉ phải cái là nó hay đá, nhưng không phải do độc ác đâu, chỉ cốt để cười thôi. Nó rất thông minh, đến mức ông không tin được đâu. Tái bút: Ông đừng cho nó mặc đồ len vào sát người, thế sẽ làm cho nó nổi mụn lên đấy”. Và ký tên: Anna Moser.

Tôi vừa đọc vừa dịch cho Marc nghe, và nếu cả hai chúng tôi đều tròn mắt lên giống nhau, thì chúng tôi thật giống hai thằng đại ngốc.

— Thế còn cái phong bì kia?

Trong có ba tờ giấy. Tôi thấy ngay cũng chỉ là một nội dung nhưng viết bằng ba thứ tiếng: Đức, Pháp và Anh.

“Tôi ký tên dưới đây là Anna Moser, với tư cách là người đỡ đầu của em gái tôi là Hildegarde - Heidi Moser, tôi cho phép ông Franz Cimballi ngụ ở khách sạn Pierre, New York, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, được giữ ở với ông người em gái tôi như tên nói trên. Làm tại Salzbourg, Áo. Ngày 9 tháng 9 năm 1976” chữ ký cũng như ở cái thư trên, nhưng lần này có kèm theo hai cái dấu, tất nhiên là không rõ, và hai chữ ký của những vĩ nhân vô danh.

... Một nữ sĩ quan cảnh sát cuối cùng cũng nhận sẽ đến. Và Heidi đã ranh mãnh chọn đúng lúc chị ta vừa tới thì nhảy đại vào lòng tôi và ôm chặt lấy cổ tôi, như tôi là mối tình duy nhất của nó trên trái đất này vậy.

— Thế mà ông khẳng định rằng ông không biết đứa trẻ này à, ông Cimballi.

— Chưa bao giờ tôi được thấy nó nhiều như bây giờ.

— Thế nó có đe dọa sự an toàn của ông không?

— Thì còn gì nữa?

— Thế ông có đe dọa sự an toàn của nó không?

— Chị xem tôi có cái đầu của một con quỷ dâm dục không?

— Những con quỷ dâm dục không có một cái đầu đặc biệt đâu, ông Franz Cimballi. Nói thế rồi, để hỏi ông rằng, chính ông có công nhận rằng mẹ ông là một người Áo không? Có thể cháu bé này là một ngưòi trong gia đình ông mà ông không biết. Bây giờ, nếu ông không muốn nhận cháu, thì tôi có thể giao nó cho một dịch vụ xã hội.

— Một thứ nhà trẻ mồ côi, có phải thế không?

Cô nữ sĩ quan cảnh sát nhún vai: Nếu tôi không muốn giữ con bé, thì không có giải pháp nào khác. Tôi nhớ là lúc đó tôi đang ngồi trên chiếc thảm dưới đất. Heidi càng ôm chặt lấy tôi hơn, và không biết có đóng kịch hay không, nhưng đôi mắt xanh âu yếm của nó lộ ra một vẻ sợ hãi và buồn rầu làm tim tôi thắt lại. Nó hỏi vào tai tôi.

— Cái người đàn bà này ở cảnh sát đấy phải không bác?

Tôi gật đầu. Ở quanh tôi, Marc Lavater, Rosen, Vandenberg, cô nữ cảnh sát, và mấy khán giả nữa đang đứng, và cao lêu nghêu so với chúng tôi, Còn tôi và Heidi, chúng tôi ở ngang tầm nhau, nghĩa là mũi chạm mũi, mắt nhìn mắt. Nó lại thì thào đôi môi sát vào tai tôi:

— Cháu muốn ở lại với bác, bác Cimballi.

Thế là tôi cũng lại thì thầm, trong khi tôi tự mắng mình là một thằng đần độn hết cỡ.

— Nhưng làm sao bác giữ cháu lại ở với bác được?

— Chị Anna nói rằng cháu sẽ ở với bác, chị nói là bác đáng yêu lắm.

— Nhưng chị ấy có biết bác đâu.

— Chị Anna thì không, nhưng anh Goni thì có.

— Thế Goni là ai?

— Là chồng chị Anna.

— Thế nghĩa là chị Anna lấy chồng rồi?

— Chưa.

— Nhưng chị ấy đã có chồng, cháu vừa mới nói với bác xong.

— Không phải là chồng thật.

— Một người chồng chưa cưới, phải không?

Heidi cười gằn:

— Dù sao họ cũng ngủ trong cùng một cái giường với nhau. Trần truồng. Và chị Anna nói: ừ, ừ, ừ...

— Thế chị ấy bao nhiêu tuổi, chị Anna ấy?

— Già rồi! Ít nhất là hai mươi.

— Thế cháu có yêu chị ấy không, chị Anna ấy?

— Cũng tùy từng hôm...

Tất cả những điều trên là nói thì thầm bằng tiếng Đức. Thỉnh thoảng tôi lại ngước lên nhìn mọi người một cách ngượng nghịu, trong khi mọi người nhìn chúng tôi một cách kinh ngạc. Tôi quỳ trên tấm thảm, mặt mũi có vẻ thông minh lắm! Tôi quay lại với Heidi.

— Cháu ở nước Áo à?

— Không.

— Ở nước Đức?

— Không.

— Thế thì, ở Thụy Sĩ?

— Không.

— Ở Liechtenstein?

Nét mặt con bé Tyrol này rất ngộ nghĩnh: Chưa bao giờ nó nghe thấy cái tên kỳ cục ấy. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, nó đang định lừa tôi:

— Heidi, cháu nói dối, cái mũi của cháu ngọ nguậy kia kìa.

Nó sờ lên mũi:

— Trước hết là không đúng rồi. Nó không ngọ nguậy.

— Cháu ở nước Áo đến, chị Anna ở nước Áo phải không?

— Vưng.

— Ở đâu tại nước Áo.

— Cháu không biết.

— Cháu rất biết, ở Salzbourg phải không?

— Không phải ở Salzbourg.

— Thế thì ở đâu?

— Chị Anna nói là không được nói với bác

— Thế tại sao chị lại nói thế?

Heidi lại cười gằn hơn nữa.

— Để cho bác không biết, dĩ nhiên rồi.

— Ông Cimballi.

Chị cảnh sát sốt ruột. Đến mức là chị ấy đi ngay, sau khi đã hội ý với Vandenberg và Rosen mà chị ấy có nghe tiếng. Jimmy nói với tôi:

— Tốt nhất là cậu nên thuê một chị bảo mẫu, một chị vú nuôi.

— Để đi kèm với con bé này?

Hắn mỉm cười.

— Tốt nhất là như thế.

Hắn gọi hai ba cú điện thoại:

— Cô ta sẽ tới đây, vào khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ nữa.

Rồi hắn cũng ra đi, cùng với những người khác, trừ Marc.

— Cháu còn đói nữa không, Heidi?

Con bé lắc đầu, và trong mắt đã có cái màn sương nhẹ báo hiệu giấc ngủ. Đúng là đối với nó, nếu tính theo giờ chênh lệch, thì bây giờ là hai hay ba giờ sáng rồi.

— Cháu muốn ngủ không?

Và cái việc ấy được làm một cách rất tự nhiên, như là giữa chúng tôi đã có một sự đồng tình cũ từ lâu rồi vậy. Nó nhẹ nhàng ngả vào trong tay tôi, và áp đầu nó vào ngực tôi. Tôi bế nó lên, mang nó vào trong phòng vẫn dành cho Marc Andréa ngủ - khi có một sự may mắn bất ngờ nào đó, con trai tôi lên với tôi ở New York - Nó đã nhắm mắt lại. Tôi chỉ dám đụng khẽ vào nó, cởi cho nó đôi guốc và đôi tất trắng. Không mở mắt ra, nó nói với tôi.

— Thế còn những bím tóc của cháu? Phải cởi ra cho cháu chứ?

Marc Lavater đã theo chúng tôi đến tận cửa căn phòng nhưng không đi xa hơn. Anh dang cả hai tay ra, ý định nói: “Ồ, không, tôi không làm đựợc đâu”. Cởi những bím tóc quỷ quái này, mất thì giờ như điên, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng trải được mớ tóc vàng lên gối. Nó để yên cho tôi làm, mắt vẫn nhắm, chỉ quay đầu hay nhấc đầu lên khi cần thiết thôi.

— Bác rất đáng yêu, bác Cimballi. Chị Anna nói đúng.

***

Ngày hôm sau ở điện thoại là Lý và Lưu, họ ở San Francisco, còn tôi ở trên giường vẫn như mọi khi, tôi không biết là đang nói với Lý hay với Lưu (hay là ngược lại). Mặc dù họ chỉ là anh em họ với nhau, và mặc dù tôi biết họ đã hàng mấy năm nay rồi, tôi vẫn không sao phân biệt được họ. Nhất lại là cách nhau hàng nghìn cây số. Lý hay Lưu nói với tôi:

— Anh nhắc lại xem?

— Năm mươi triệu dolars?

Lý (hay Lưu) phá lên cười.

— Cái nị Sempali tinh quái, cái nị tiên cái Tầu rồi!

Tôi đã cố gắng tiếp xúc với họ từ mấy hôm nay, nhưng họ lại về Tầu. Đối với Tầu thì đó là một điều lôgích. Tôi vừa mới giải thích cho họ là tôi rất muốn mời họ làm người hùn vốn với tôi trong cái vụ sòng bạc này. Rõ ràng là họ sẽ từ chối, và họ đã từ chối. Đây là một thất vọng rất lớn đối với tôi. Trước đây tôi cảm thấy gần như chắc chắn là có thể thuyết phục được họ. Nhất là họ lại có khả năng, họ có thể chi ra mấy lần cái số tiền ấy kia. Với lại, tôi trông vào chỗ họ sẽ thích thú với hai hay ba ý kiến độc đáo của tôi về việc mở một sòng bạc không giống những cái khác. Họ đã từ chối.

— Franz, câu trả lời là không. Chúng tôi cũng không cần phải nghĩ ngợi nữa. Cờ bạc không phải là công việc của chúng tôi. Chúng tôi muốn giữ cho mình được vui vẻ mãi. Bởi vì, Franz, một trái tim vui vẻ giết được nhiều vi trùng hơn là tất cả các thứ thuốc kháng sinh trên đời này.

Tôi không chèo kéo thêm nữa. Tôi đã biết họ quá để không còn ảo tưởng hy vọng thuyết phục được khi họ đã nói: Không. Chúng tôi nói chuyện với nhau thêm một lát nữa, rồi tôi cúp máy, và cũng không thể giận họ được. Nhưng tinh thần tôi đã bị một cú đánh nghiêm trọng. Ồ! Mẹ kiếp là mẹ kiếp!

— Ông Cimballi.

Tôi chỉ còn thiếu nước là nhảy vọt lên trần nhà. Tôi không nghe thấy tiếng cô ta đến, mà bởi lẽ: Cô ta đi chân đất, và chính cô ta cũng chẳng có quần áo gì trên người. Nhưng không phải Heidi, hay là nếu là nó, thì ban đêm nó đã lớn gấp đôi rồi. Tôi nhận ra đó là một thứ Nữ Thần Chiến Tranh mà Jimmy Rosen đã tìm cho tôi để làm cô bảo mẫu. Cô ta đổ bộ xuống đây vào lúc mười giờ đêm qua ngay trước khi Marc ra về, và vào đóng đô ngay trong phòng của Heidi. Lần đầu tiên tôi trông thấy cô ta trong khung cửa ra vào, tôi tưởng là có hai người, một người công kênh người kia. Nữ Thần Chiến Tranh này cao vào lối hai thước, đó là một nhà quán quân gần như Olympic về môn ném búa, và đã rời khỏi hàng ngũ ở Đông Đức. Cô ta đến nước Mỹ từ bốn tháng nay, và cuộc sống ở Mỹ này là tốt đối với cô: Cô ta phải cân nặng vào lối tám mươi ký lúc tập luyện, nhung chắc bây giờ phải hơn hai mươi hay ba mươi ký nữa là ít: Trông cô, người ta tưởng là một chiếc xe buýt nhìn đằng trước.

Cứ trần truồng thế, cô ta đứng khóc:

— Heidi đi rồi.

***

... Tôi xuyên qua tất cả bề rộng của Central Park. Quá đủ rồi. Lưỡi tôi chảy dài đến tận đất vì phải vừa chạy vừa nói. Tôi gọi một chiếc taxi ở góc phố Bảy Mươi Hai, tôi chất Nữ Thần Chiến Tranh lên đó và chúng tôi trở về khách sạn Pierre. Jo Lupino và Rosen cũng vừa đến vào lúc đó.

— Cái chuyện biến đi này không có gì thích thú rồi, Franz. Tôi muốn nói rằng, cái chuyện biến đi sau khi xuất hiện của một con bé Tyrol. Có cái gì mờ ám ấy.

Thế họ tưởng là tôi thích thú lắm hay sao? Rosen hỏi:

— Marc đâu?

— Đang bay trên Đại Tây Dương.

— Sang Áo?

— Dĩ nhiên.

Tâm trạng tôi lúc đó càng ngày càng bẳn gắt. Tôi quyết định báo cho cảnh sát biết. Và phải khó khăn lắm tôi mới kìm được mình không hét lên với người cảnh sát đang ghi lại lời khai của tôi qua điện thoại: Không, đứa nhỏ ấy không phải là con gái tôi, cũng không phải là cháu, là em họ, hay con của bạn hữu tôi. Không, tôi không biết đúng nó là ai nữa. Nó tên là Heidi, thậm chí có thể là Heidi Moser nữa, nhưng tôi chẳng biết gì hơn, biết đâu tên nó lại không phải là Roswitha Tartoufel hay Gudule Rabinowitch, và tôi chẳng có một ý kiến gì về việc nó đến New York làm gì, và hơn nữa nó đến chỗ tôi ở để làm gì. Không, tôi cũng chẳng biết nó có gia đình hay người quen biết nào không. Tôi tuyệt đối không biết một tý gì về nó, ngoài cái việc là tối qua chính tôi cho nó lên giường đi ngủ, rằng nó có đôi mắt màu hoa sim, và những bím tóc, à không, những cái bím ấy chính tôi đã gỡ ra, tức là một bộ tóc vàng, và mặc quần áo theo kiểu xứ Tyrol, và nó đã biến mất. Tôi dập máy.

Tôi đang cáu giận về sự mất tích của Heidi, về câu trả lời không của Lý và Lưu và nhất là về nhận xét của Marc và tôi, tối qua là chắc chắn phải có một sự liên quan nào đó giữa sự xuất hiện của Heidi Moser (Nếu đấy đúng là tên con bé) từ nước Áo đến (chuyện này thì đúng rồi) và về cái cơ sở khai thác rừng ở Áo, nằm trong phần gia tài của Baumer mà tôi đã mua lại cùng một lượt với cái khách sạn. Tất cả mọi cái đều khớp với nhau. Trước hết bởi vì chính bản thân của Baumer cũng là một người di cư từ nước Áo đến, sau nữa là bởi vì cái thư của Anna Moser ngày 9 tháng 9 và ngày đó chính là hôm sau cái ngày mà Cannat, một phụ tá của Lavater ở Paris đã thực hiện những chỉ thị của chúng tôi mà bán hết ở Áo đi, cả rừng lẫn trại, tất cả những gì của Baumer để lại.

Lại điện thoại, đó là bà thanh tra cảnh sát ngày hôm qua. Bà nói:

— Cần phải biết rằng ông muốn cái gì? Ngày hôm qua ông có thừa một con nhỏ Tyrol, ngày hôm nay ông than phiền về nỗi ông thiếu một con nhỏ đó.

Mặc dầu là bà ta đã có tiến hành một cuộc điều tra thứ nhất: Giả thuyết bắt cóc không đứng vững được theo bà ta, có thể đúng hơn cả là con bé đã bỏ trốn đi bụi đời.

— Có những nhân viên đã nhìn thấy nó đi chơi. Trước hết là ở trong nhà bếp, rồi ở trong buồng xem tivi. Ở đây nó đã đòi uống Coca và ăn bánh ngọt nhân táo, rồi lại đòi mở video cho nó xem phim.

— Thế nó đã nói tất cả những cái ấy bằng tiếng Đức à? Nó chỉ biết nói tiếng Đức thôi.

Bà thanh tra lại càng cười gằn dữ:

— Thế thì con bé ấy đã học tiếng Anh trong đêm hôm qua rồi. Bởi vì rằng nó đã đòi xem phim bằng một thứ tiếng Anh rất thạo. Nó còn muốn biết là Disney World ở cách đây bao nhiêu cây số. Và vì người ta giải thích cho nó rằng cái ấy là ở Florida kia, nó đã hỏi đường đi từ đây đến đó thế nào.

— Thế người ta đã để cho nó đi ra?

— Không ai trông thấy nó đi ra cả. Nhưng nó vẫn ra được. Một người đánh xe ngựa ở trước khách sạn Plaza đã sơi một cú đá bằng guốc vì từ chối không chở nó đi Florida. Người này đã thấy nó vào khách sạn Plaza.

— Nhưng, đừng có chạy đến đó vô ích. Nó đã đá gần què, với cái ”đôi guốc giết người" của nó, một trong những chị bán hàng ở sẮh, sau đó nó đã chuồn qua cửa ra phố Năm Mươi Tám. Tôi nghĩ rằng tôi sắp phải yêu cầu các cấp trên của tôi cho báo động Đỏ, trước khi con nhãi của ông làm cho tàn phế một nửa dân số của New York.

Đến đây, máy đổ chuông ở một đường giây khác. Tôi chuyển từ một ống nghe này sang ống nghe khác. Rosen đưa cho tôi ống nghe với một ánh kỳ lạ trong mắt,

— Cimballi đây.

— Bác Cimbalii hả? Cốt là để bác đừng có lo: Cháu đang ở nhà chọc trời Empire State Building đây. Tít trên cao ấy! Thật cực kỳ...