Sòng Bạc

CHƯƠNG 7

Lịch sử của khách sạn mà tôi sắp mua, do Rosen kể lại cũng không có gì đặc biệt. Để không đi ngược lên quá xa, chỉ cần biết là từ 1964, nó là của một người tên là Marc Atcer, tay này bị lỗ mất khá nhiều tiền nên vào năm 64 đã bán lại cho một tay khác tên là Raumer, làm nghề buôn bán xúc xích ở New York. Lão này thạo về nghề khách sạn có lẽ cũng gần bằng tôi thạo về tuồng cổ Nhật Bản, nhưng lão là một gã hâm hâm hiền lành, không chạy theo lỗ lãi, chỉ thích có một việc là thỉnh thoảng lại tổ chức ở khách sạn những cuộc liên hoan để khoản đãi những bồ bịch già của lão từ Manhattan tới uống bia. Lão cầm cự như thế được vài năm. Cố gắng thăng bằng thu chi, lấy số tiền lãi ở các quán bia nhỏ của lão ở New York để bù vào số lỗ ở Atlantic City. Thế rồi lão bỗng bị quỷ ám, xà ngay vào tay một con yêu tinh có vẻ âu yếm lắm thu hút hết hồn vía: Lão tung hê tất cả mọi chuyện và đi theo nó ra nghỉ mát tắm nắng ở Vịnh Con Heo, quên luôn cả nộp trả góp cho ngân hàng số tiền lão vay để mua khách sạn. Lão bị ngân hàng nhắc nhở mấy lần, nhưng rồi đến tháng Giêng năm 75 thì lão im re luôn không trả lời. Lý do: Lão đã chết. Thế là nhóm Schimmel - Caltani mua lại tất cả vào mùa xuân năm 1975, tức là một năm trước khi có việc bỏ phiếu cho phép tổ chức cờ bạc ở New Jersey.

— Franz, rõ ràng là bọn Caltani đã mua cái khách sạn đó, bởi vì biết là sớm hay muộn gì thì rồi cờ bạc cũng sẽ được chấp nhận ở đây. Cũng không thể trách họ được, và anh chắc cũng sẽ làm như họ nếu anh có thể làm được. Tất nhiên là khá bực mình khi nghĩ rằng bọn này sắp bán cho chúng ta ba mươi triệu dolars một cái mà mới cách đây có mười bốn tháng họ chỉ phải trả chừng sáu đến tám trăm ngàn dolars là hết mức. Nhưng đó là luật chơi.

Lúc đó là vào năm giờ rưỡi chiều ngày 21 tháng 7. Schimmel ngồi trước mặt tôi. Tất nhiên là tôi đã có quyết định, nghĩa là tôi sẵn sàng xác nhận việc tôi muốn mua cái khách sạn đó. Nhưng tôi yêu cầu gia hạn thêm một thời gian nữa, lần này là một tháng, dù có phải cược thêm hai trăm năm mươi hay ba trăm ngàn dolars nữa. Lý do mà tôi nại ra là: Những người bán cho tôi lại ở ngay sát cạnh tôi, vậy sẽ là những người cạnh tranh với tôi.

Nhưng qua những phút đầu trao đổi, thì lại chính là phía bên kia đã cung cấp cho tôi lý do để làm chậm việc mua bán lại: Schimmel vừa đề ra hai điều kiện:

— Chúng tôi muốn ông chấp nhận cho chúng tôi một hợp đồng thuê lâu dài trong thời gian chín mươi chín năm dải đất hẹp...

Chúng tôi cùng cúi xuống tấm bản đồ. Dải đất đó nằm ở ngay biên giới giữa hai sòng bạc tương lai. Được quyền sử dụng dải đất này sẽ cho phép Schimmel, nghĩa là bọn Caltani (nhưng cái tên này không bao giờ được nêu trong suốt cuộc trao đổi), thỏa mãn được những tiêu chuẩn về an toàn do thành phố Atlantic City đề ra, nhất là việc để cho lính cứu hỏa có thể vào được dễ dàng khi xẩy ra cháy.

— Việc ấy phải thương lượng, tôi nói.

Theo nguyên tắc, thì tôi phải bàn bạc chủ yếu là với Schimmel. Thế nhưng hắn ngồi im re, và cuộc mặc cả là do một luật sư tiến hành. Gã này có đôi mắt rất trong, và theo cái thói quen rất ít tính chất Mỹ của tôi, tôi đã quên khuấy mất tên ngay sau lúc người ta giới thiệu. Gã mỉm cười với tôi:

— Chúng tôi sẽ thương lượng. Nhưng đây chỉ là một dải đất có sáu thước bề rộng và hai mươi thước bề dài.

— Việc ấy phải thương lượng.

Điều kiện thứ hai do những người đối thoại của tôi đề ra: Trả tiền, một phần chính thức ở Mỹ, một phần nữa kín đáo hơn - trả vào trương mục của một hội vô danh ở Curacao.

— Ông sẽ không có gì phải lo ngại, ông Cimballi, vì không phải là công dân Mỹ, không có gì ngăn cản ông chuyền tiền vào một trương mục như vậy.

— Tôi sẽ suy nghĩ về tất cả các điều này.

Người ta nói rõ các con số: Mười triệu trả vào trương mục của một hội có trụ sở ở Trenton bang New Jersey, và mười lăm triệu kia trả ở Curacao. Thế là tôi đã lợi dụng tình hình làm giảm giá bán được năm triệu, và tôi chỉ còn phải mất có hai mươi lăm triệu để tậu “Con Voi Trắng”. Nhưng tôi nói “tậu Con Voi Trắng” là không đúng, vì theo sự trao đổi, thì không phải tôi chỉ có mua một khách sạn và những nhà phụ của nó. Thực ra, tôi đã mua cả một cái hội, mà vốn cơ bản là cái khách sạn ở Atlantic City, nhưng cũng gồm thêm cả một cái quán bán dồi nóng ở Greenwich Village tại Manhattan, một căn nhà nhỏ có đồ đạc ở phố số 8 phía Tây Manhattan, và cái này mới thú vị: Hai hay ba chiếc ôtô chở khách đã lão hóa, cái mới nhất, compteur cũng đã chỉ một cách kiêu hãnh một trăm ngàn dặm, thêm nữa một cánh rừng nhỏ để khai thác gỗ ở nước Áo có kèm theo một cái trại. Gã luật sư cười mỉm, nói như để thanh minh xin lỗi:

— Đó là gia tài của một cái hội mà ông Baumer đã quá cố, chủ nhân của khách sạn đã bán lại cho những thân chủ của tôi.

Được thôi, đến lúc nào đó, tôi sẽ nhờ Marc hay Rosen bán lại tất cả cái mớ lộn xộn ấy. Dù sao tôi cũng sẽ kiếm được một ít đủ để trả tiền đi uống nước của tôi ở các quán rượu. Chúng tôi bắt đầu cuộc trao đổi vào lúc năm giờ đúng trong một buồng của khách sạn Dennis. Chín giờ rưỡi mới xong việc. Nhờ những điều kiện mà chính người bán đề ra như đã nói ở trên, tôi lại hoãn được việc mua lại một tháng nữa với số tiền cược là ba trăm ngàn dolars. Tôi có đủ các lý do để thấy thỏa mãn.

Gã luật sư có đôi mắt sáng rõ ràng là đang tìm cách đến bên cạnh tôi, khi chúng tôi cùng đi ra khỏi buồng khách của khách sạn.

— Ông Jo Lupino mới cho tôi biết là ông vừa đi thẳng từ Yémen về đây có phải không?

— Vâng, tôi đi giao một ít kem mứt. Rất tiếc là tôi không nắm rõ được tên ông.

— Olliphan, James Montague Olliphan.

Gã cười với tôi một cách không phải là không có duyên.

— Liệu tôi có thể hy vọng là sẽ được mời ông dùng một bữa tối, vào một ngày nào đó, ngay sau khi việc này kết thúc xong.

— Tại sao không?

Xin ghi nhận là thực sự hôm đó là lần đầu tiên tôi gặp Olliphan, một người sẽ giữ một vai trò cơ bản trong tất cả cái vụ Con Voi Trắng này. Lúc đó là vào tháng bảy.

Cả cái tháng sau buổi trao đổi - từ ngày 21 tháng 7 là ngày là đầu tiên tôi nhìn thấy cái khách sạn đến ngày 21 tháng 8 là ngày quyết định việc ký các giấy tờ mua bán - Cả cái tháng đó là một sự chạy chọt đôn đáo dữ dội. Chúng tôi không nghỉ một lúc nào. Chúng tôi đây là cả ba êkíp Mỹ của tôi, thêm Marc Lavater mà tất nhiên là tôi đã yêu cầu sang tiếp tay cho tôi. Tất cả những gì có thể làm được để chuẩn bị cho việc mua bán một khách sạn lớn rồi biến nó ngay thành một Sòng Bạc - Khách Sạn, và cố gắng ước lượng lãi suất tương lai của nó, chúng tôi đều đã làm.

Về mặt những nghiên cứu tài chính, thì một phần công việc đã được làm rồi, vì Rosen, Lupino và Vandenberg hoạt động riêng rẽ mỗi người một phía, đã khai phá được kha khá vấn đề và gửi cho tôi những tập hồ sơ mà tôi đã nhận được trong khi tôi đang lêu lổng trên bán đảo Ả Rập, chơi trò “thả dù kem mứt". Chúng tôi làm lại từ đầu với sự tham gia của Lavater là người rất đắc lực trong những vụ việc này, nhất là vì bản tính anh ta lúc nào cũng chìm đắm trong một niềm bi quan thật đen tối: Đối với anh ta, thì theo lý thuyết, tất cả những kinh doanh nào mới là cũng lẽ không tránh khỏi thất bại.

Việc nghiên cứu về mặt tài chính này còn kèm theo những mặt khác nữa. Mua Con Voi Trắng là một chuyện, nhưng biến nó thành một sòng bạc lại là một chuyện khác. Sẽ tốn kém bao nhiêu? Ngay buổi sáng ngày 22 tháng bảy, tức là ngày hôm sau buổi họp ở khách sạn Dennis, tôi đã khởi động bốn êkíp kiến trúc sư, trong số này có hai êkíp đã được thử thách trong việc tân trang sửa chữa để xây dựng những sòng bạc tại Vegas. Tôi cho họ đến ngày 15 tháng 8 phải trình bày cho tôi những bản đồ án có thể đứng vững được - Họ đã giữ đúng cam kết chỉ chênh lệch nhau có 24 giờ đồng hồ.

Cũng trong thời gian này, tôi cho tiến hành đồng thời mấy cuộc điều tra. Về Schimmel, tất nhiên rồi - và cả bọn Caltani nữa - về hoàn cảnh tài chính của bọn họ liên can đến việc họ dự định làm một sòng bạc bên cạnh cái của tôi. Về những lý do thăm kín nào đó nếu có, khi họ yêu cầu ký một hợp đồng lâu dài về giải đất nhỏ ở giữa hai miếng đất. Về việc họ bắt buộc phải trả tiền theo hai giai đoạn khác nhau, và những nguy hiểm tôi có thể gặp phải vì việc này.

Nhưng cũng điều tra cả về Olliphan nữa. Vì lý do là con người này làm tôi ngạc nhiên, một phần vì vẻ hào hoa phong nhã của hắn không phù hợp lắm với vai trò làm cố vấn cho một Gia Đình Mafia, và một phần vì sự chú ý của hắn đối với tôi lộ liễu tới mức là mời tôi tới nhà ăn tối.

Theo thói quen của tôi, tôi ngăn cách những việc này ra một cách rất cẩn thận không cho dính líu đến nhau. Tôi áp dụng nguyên tắc những vách ngăn không rò rỉ mà lính thủy và những tay gián điệp rất coi trọng. Rosen không biết Vandenberg làm gì, và anh này cũng không biết tôi giao cho Lupino nhiệm vụ gì. Cả ba người đều không biết tính chất của những việc mà họ không trực tiếp chịu trách nhiệm. Và ngay cả cuộc điều tra về Olliphan là ít quan trọng nhất, mà tôi cũng nhân đôi những giây chằng lên bằng cách mướn hai êkíp thám tử khác nhau, hoạt động riêng rẽ với nhau. Ngoài tôi ra, chỉ có một người là có một cái nhìn toàn diện về tất cả cuộc chuẩn bị này, và tất nhiên người đó là Marc Lavater. Nếu tôi không thể tin được vào anh ta - sau sáu năm cộng tác - thì có nghĩa là lòng tin không có trên cõi đời này. Nhưng tôi phải nói ngay: Tôi không bao giờ phải hối tiếc vì đã đặt lòng tin vào anh ta.

21 tháng 7 đến 21 tháng 8: Những kết quả mà tôi đang chờ đợi đã lần lượt đến tay tôi. Và cả cái công việc khổ sai đó đã có những thành quả. Chỉ trước vài ngày cuộc gặp mặt thứ hai của tôi với Schimmel và Olliphan, tôi đã có thể nhận định được rõ ràng tình hình:

Bốn bản đồ án mà các kiến trúc sư trao cho tôi sẽ kéo theo một sự đầu tư (kể cả tiền mua đất), tùy theo sự lựa chọn, giao động từ bốn trăm năm mươi đến sáu trăm triệu dolars. Riêng phần tôi, tôi ưng nhất là đề án của phòng kiến trúc sư ở California, xoay quanh một cái vốn đầu tư khoảng năm trăm triệu. Mồ hôi lạnh vã ra ở lưng tôi, còn Marc thì xuýt ngất xỉu.

Nhưng tất cả những công trình nghiên cứu tinh vi nhất về mặt tài chính cho phép chờ đợi với một cơ sở vào cái cỡ mà tôi dự định, một lãi suất đồng niên từ tám mươi đến một trăm triệu dolars. Tất nhiên là sau khi trả hết tiền cho ngân hàng vì nhất thiết thế nào cũng phải vay vốn rồi.

Về tên Schimmel: Đó chỉ là một hình nộm bằng rơm, không có một ý nghĩa gì. Những người bán cho tôi đúng là tên Caltani chính cống. Và các vị đáng kính này là hai anh em ruột: Jos và Larry. Họ là đại diện của thế hệ thứ ba của Gia Đình. Thế hệ thứ nhất là ông nội đã bắt đầu lập nghiệp ở New York vào những năm 30 bên cạnh những nhân vật đáng quý như Longy Zwillman, Dutch Schulz, Albert Anastasia, và một loạt các Luciano khác nữa. Toàn là những nhân vật khét tiếng cả. Về mặt chính thức, thì hai ngài Jos và Larry có một tư cách hoàn toàn đáng kính. Họ hiếm có khi phải dính líu đến cảnh sát Quốc Gia hay Liên Bang, và mỗi lần đều thoát ra được một cách dễ dàng. Về mặt tài chính họ hoàn toàn thoải mái và ngự trị trên một vương quốc nhỏ bao gồm một chuỗi cửa hàng ăn và quán nhậu, cộng với - theo lời đồn - những cổ phần trong một sòng bạc ở Vegas cùng chung với một Gia Đình ở Chicago. Họ cũng có góp vốn trong một vài dịch vụ xuất nhập khẩu, nhất là về dầu ôliu. Ở Atlantic City họ sắp đầu tư tám mươi lăm triệu dolars vào sòng bạc của họ, cùng với một khoản ba trăm hai mươi triệu nữa mà họ vay của ngân hàng một cách hoàn toàn hợp pháp.

Không có điều gì nghi ngờ trong việc hỏi thuê lâu dài dải đất: Đúng là bọn Caltani có khó khăn trong việc đi vào sòng bạc của họ do yêu cầu của chính quyền thành phố rất cảnh giác đối với vấn đề an toàn khi có cháy.

Tôi sẽ không bị nguy hiểm gì khi đồng ý trả tiền làm hai giai đoạn.

Sự gần nhau giữa hai sòng bạc tương lai, cái của bọn Caltani và cái của tôi, không có gì là đặc biệt cả. Tất cả những sòng bạc đã xây dựng, đang xây dựng hay sẽ xây dựng ở Atlantic City đều trong trường hợp tương tự như thế cả. Ở đây không phải như ở Vegas, mà các sòng thường ở cách xa nhau.

Cuối cùng về Olliphan: Sự tinh thông về nghiệp vụ của gã là không có gì phải nghi ngờ. Gã đã học hành rất xuất sắc ở Harvard. Lẽ ra gã có thể lựa chọn việc xây dựng được một sự nghiệp trong ngành âm nhạc, vì gã là một nhạc sĩ vĩ cầm đại tài. Người ta đánh giá gã là một người có trình độ văn hóa rất cao và rất tế nhị nữa. Nói thế và để nói rằng không còn nghi ngờ gì nữa gã là một cố vấn chính cống về luật pháp của bọn Caltani, và là số một của bọn họ trong lĩnh vực này. Bọn Caltani không làm bất cứ một cái gì mà không hỏi ý kiến gã. Gã đại diện cho bọn họ trong tất cả mọi chuyện. Mà điều này không phải là vô cớ: Từ hai mươi hai năm nay, gã đã lấy Angelina Caltani. Cô em gái duy nhất của Jos và Larry, vì thế gã là em rể của hai vị này.

***

21 tháng tám, hồi 10 giờ sáng. Trong buồng làm việc của Jimmy Rosen, Olliphan cười với tôi một cách có cảm tình.

— Ông sẵn sàng để ký lần này chứ?

— Hoàn toàn sẵn sàng.

Cũng sẵn sàng như những giấy tờ mà trong mấy ngày vừa qua tôi và những cố vấn của tôi đã lấy kính hiển vi ra soi từng dấu phẩy một. Đến trưa, thì mọi việc xong hết. Olliphan lại trở lại tấn công tôi về cái bữa ăn tối mà gã muốn mời tôi.

— Ngày nào tiện cho ông thì cũng là ngày của tôi, thưa ông Cimballi.

— Xin ông cho tôi một hay hai tuần lễ nữa và tôi sẽ gọi điện thoại lại cho ông.

Với sự pha trộn kỳ lạ vừa buồn rầu vừa mỉa mai ngạo nghễ, đặc trưng của gã, gã trả lời tôi:

— Xin vâng, như thế là tôi đã nhận cho ông một thời gian lựa chọn thứ ba nữa đấy: Về cái bữa ăn tối.

Ngay chiều hôm đó, tôi rời khỏi New York. Ngoài hai ngày nghỉ cuối tuần thảm hại mà tôi đã cướp được của chương trình làm việc cực kỳ nặng nề trong mấy tuần lễ vừa qua, tôi hầu như không gặp mặt con trai tôi và Sarah từ khi khởi động chiến dịch Fezzali. Đối với Marc Andréa (đứa con trai tôi mang tên tục của cha tôi và tên tục của Marc Lavater, là cha đỡ đầu của nó) tôi có một cái gì còn hơn là tình yêu nữa. Tôi mê say nó. Tôi phải kìm mình lại, để khỏi đưa nó đến New York, và dám là tôi sẽ giữ nó ở lại đó. Sở dĩ tôi không đưa nó đi theo tôi chỉ vì cái lý do duy nhất là như thế sẽ bắt buộc nó phải sống trong một phòng khách sạn và thậm chí nhảy từ một chiếc máy bay này sang chiếc khác. Thế mà chính cái cuộc sống điên khùng của tôi hiện nay, tôi đã có một ý định cương quyết là sẽ từ bỏ nó, ý tôi muốn nói là sẽ thay đổi nó một cách hoàn toàn.

— Sarah, anh rất nghiêm trang. Anh cho lên đường cái sòng bạc này xong rồi anh sẽ dừng lại. Tất cả những gì chúng ta phải làm trong tương lai chỉ là mỗi tháng đi Atlantic City một lần với một cái valy thật bự để hốt tiền lãi về. Mỗi tháng anh sẽ cấp cho em năm dolars để đi đánh bạc trên những bàn bạc của anh, và dù em có được bạc đến mức làm vỡ cả sòng, trong khi anh đang bận bàn luận với những người kế toán thì chúng ta cũng vẫn rời khỏi Atlantic City ngay trong ngày hôm đó. Xin thề.

Bất cứ ai ở vào địa vị của Sarah Kyle khi nghe tôi nói thế thì cũng sẽ tỏ ra hoài nghi, nói một câu gì nữa mỉa mai hoặc làm bất cứ một cái gì ngông cuồng như òa lên khóc chẳng hạn hay nốc rượu champagne để ăn mừng cái tin ấy. Nhưng Sarah Kyle thì không. Cô gái Ireland cưng của tôi chỉ nhìn chăm chú vào mặt tôi với cái cách rất độc đáo riêng biệt của cô bằng một cặp mắt xanh thẳm trong vắt, đầu hơi ngửa ra đằng sau, không có một lời bình luận nào. Cô ta có một nghệ thuật không thể so sánh được mà cũng không thể giải thích là luôn luôn giữ được mức độ đúng đắn cho mọi sự việc. Cô ta làm cho tôi dịu đi. Tôi thật chịu không thể nào định nghĩa được tính chất của những tình cảm giữa hai chúng tôi, từ những giây phút đầu, sáu năm trước đây, khi chúng tôi gặp nhau ở Kenya, rồi sau đó, khi chúng tôi tìm lại nhau ở Hong Kong và ở Jamaique. Đó là một tình cảm đã sống qua cả cuộc hôn nhân và cuộc ly dị của tôi. Ít nhất thì cũng là một thứ đồng tình, thầm lặng, bằng một khóe mắt. Có lúc tôi có cảm giác là đầu óc tôi trong suốt đối với cô ta, và chắc chắn, cô ta là người duy nhất ở trên đời này mà tôi cảm thấy - có trời biết tại sao - bắt buộc phải báo cáo về mọi hành vi của tôi. Tôi hỏi:

— Em không nói với anh là em chống lại cái ý kiến mở sòng bạc của anh à?

— Anh biết rất rõ em nghĩ gì về chuyện ấy rồi, anh ngốc ạ.

— Ít nhất thì em cũng nên đến xem nó một lần.

Hứa sẽ đến. Khi nào mà ba hay bốn cái khách sạn cô ta đang quản lý để cho cô ta có chút thời giờ. Và cũng nhân dịp đó, cô ta sẽ đem cả Marc Andréa lên cho tôi.

Tôi ở lại Montego Bay khoảng 12 ngày, quá số ngày, tôi dự định, vì mỗi lần rời con trai tôi, tôi lại càng thấy khó khăn hơn. Mãi đến ngày mồng 3 tháng 9 tôi mới rứt ra đi được. Hướng về phía Jersey là nơi Hassan Fezzalli vẫn ở nghỉ ngơi. Đứa Con Của Sa Mạc này đã thấy đã có da có thịt hơn, ông ta cảm thấy khỏe mạnh rồi, ngoài cái chuyện thỉnh thoảng lại bị một cơn loạn nhịp tim. Nằm trong chiếc ghế dài, ông ta cười gằn:

— Bây giờ người ta lại đi săn voi nữa cơ đấy?

Như thế có nghĩa là, không rời khỏi khách sạn Longueville Manor mà ông ta cũng đã biết hết những dự định của tôi ở Atlantic City rồi. Và vì chắc chắn là không phải Marc đã báo tin cho ông, thì nguồn tin này chỉ có thể là từ Aziz đến thôi. Từ đó tôi suy ra rằng, Hoàng Thân đã có đến Saint Hélier... và vài cái đầu chẳc đang run sợ ở phía Riad hay Le Caire gì đấy, khi người ta bắt đâu săn sóc đến việc tìm xem ai là những người phải chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc Hassan.

— Thế các ông đã nói với nhau những chuyện gì, Hoàng Thân và Ông?

— Nói về một cái tên Cimballi nào đó. Một cái loại nhà tài chính quốc tế khố rách áo ôm, thỉnh thoảng lại có những ý nghĩ thật ngông cuồng. Ấy thế mà chỉ Đức Allah biết tại sao Hoàng Thân lại nghĩ tốt về cái tên ấy kia chứ!

Cũng nhân đó, Hassan hỏi tôi một bản kê khai thật đầy đủ về tất cả những phí tổn của tôi trong cái vụ kem mứt ấy.

— Một đồng xu nhỏ cũng phải khai ra nhé, cậu thanh niên Franz ạ. Cậu không được tốn một đồng nào của cậu đấy. Hãy vui lòng gửi hóa đơn đến cho tôi.

— Vâng, tôi sẽ gửi.

— Chúng tôi sẽ giận lắm nếu cậu không gửi đấy.

Hôm ấy ở Jersey, thật đẹp trời. Những ông Anglais đi diễu nghễu nghện ngoài phố cái mặt đỏ hồng vì phơi nắng. Một chuyến tầu nhỏ chở khách của hãng Sealink vừa đi vào trong vịnh Saint Aubin và che khuất mất lâu đài Elizabeth trong suốt cuộc Thế Chiến Thứ Hai, hai mươi ngàn lính Đức đã chiếm các hòn đảo Anh - Normand và chỉ có một người chết trong suốt giai đoạn chiếm đóng đó: Đó là một gã người Pháp vừa trốn khỏi nước Pháp và tưởng đổ bộ lên một đất Anh tự do. Hassan và tôi ngồi im lặng. Tôi có một vài điều muốn hỏi: Ông ta đã bị bắt cóc thế nào? Ai bắt? Tại sao bắt? Người ta đã phát hiện ra những kẻ chủ mưu chưa? Giả thuyết của tôi về những kẻ này ở ngay chung quanh Aziz có căn cứ không? Vai trò chính xác của Martin Yahl trong vụ này là thế nào? Và những kẻ tội phạm bây giờ ra sao rồi?

Nhiều câu hỏi quá. Mà tôi biết rõ cái ông già Bédouin này của tôi lắm: Nếu ông ta muốn cho tôi được biết những câu trả lời, thì tự mồm ông ta sẽ nói ra thôi.

Ông đưa mấy ngón tay ra, sờ vào cánh tay tôi:

— Cảm ơn Franz. Cảm ơn về tất cả. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ chết trong những ngày sắp tới đâu. Và nếu một ngày nào đó...

Tôi đứng dậy. Tôi phải trở về New York, ở đó đang có hàng mớ công việc chờ tôi.

— Lạy đức Allah, Hassan. Hay là chào “Mektoub” như ông ưng thế.

Bàn tay to tướng xương xẩu của ông bóp gần nát bàn tay mũm mĩm trẻ thơ của tôi. Tôi ra đi. Tôi về đến New York vào ngày 6 tháng 9, trong mật khí hậu nóng bức ẩm ướt - đặc sản của cái thành phố này - rất khó chịu, mặc dầu là tôi vẫn thích những khí hậu 35 độ trong râm. Những ngày sau đó như một cơn sốt. Bởi vì vấn đề mua tuy đã được giải quyết xong, nhưng nhiều vấn đề khác lại hiện ra.

Vấn đề vốn đầu tư chẳng hạn.

Vấn đề này rất đơn giản. Đặt ra thì thế, nhưng giải quyết nó mới là việc trần ai. Giữa bốn đề án, tôi đã chọn cái của êkíp kiến trúc sư ở California, nghĩa là tôi đã chọn một tổng đầu tư là năm trăm triệu. Sau khi Vandenbergh làm việc xong, một ngân hàng ở Philadelphie đã tuyên bố sẵn sàng vào ngày 14 tháng 9, sẽ chấp thuận cho tôi vay bốn trăm triệu. Với hai điều kiện: Một là tôi phải mang lại chứng cứ không thể phản bác được là tôi có trong tay cái số mà người ta gọi là vốn riêng, phải là phần tài sản của cá nhân tôi, tức là một trăm triệu. Và hai là, phải xác định được rõ ràng là một hoặc nhiều người hùn vốn với tôi, nếu tôi có, thì những người này phải không được có một sự liên hệ nào xa hay gần với những người, mà các ông chủ ngân hàng của tôi gọi một cách kín đáo là những “nhân vật khả nghi”.

Tôi đã bỏ ra hai mươi nhăm triệu. Tôi tính chi ra bằng ngần ấy nữa. Nhưng không một đồng xu nào thêm. Đem đặt cọc tới năm mươi triệu trên số tiền chín mươi triệu mà tôi có, tôi thấy là quá đáng rồi.

Chưa bao giờ trong đời tôi, tôi lại đánh bạc to đến thế. Sẽ không có vấn đề là đi xa hơn nữa. Vì vậy, tôi phải tìm cho ra một hay hai người hùn hạp. Các quý nhân mà tôi chưa biết tên tuổi đó phải có một số đặc điểm như sau: Họ phải tin là sòng bạc có lãi. Họ không có một sự ác cảm không thể nén được đối với cờ bạc nói chung. Không sợ, chẳng hạn những người kế thừa của Bố Già và nhất là chính họ không phải là những Bố Già, các con của Bố Già, cháu chắt hay anh em họ của Bố Già dù là họ hàng rất xa. Ngoài những chuyện ấy ra, họ còn phải có trong mình năm mươi triệu dolars để nộp ngay tức khắc.

Có lẽ người ta khó lòng mà tin tôi được khi tôi nói rằng những vị quý nhân như nói trên không phải cứ ra đường là bắt gặp được ngay đâu. Tôi còn đang ở trong giai đoạn suy nghĩ đen tối này, thì ngày 15 tháng 9, Olliphan xuất hiện ở điện thoại. Tôi cũng đã định tiếp xúc với gã ta ngay từ khi tôi ở Jersey về, nhưng văn phòng của gã cho biết là gã đang đi nghỉ và vắng mặt ở New York. Gã nói với tôi:

— Lời mời của tôi hôm trước vẫn còn có giá trị.

Chúng tôi thỏa thuận với nhau là vào tối hôm 18 tháng 9. Và thế là cái vòng được khép kín lại.

Vì quả có thế, tối ngày 18, tôi đến ăn ở nhà gã. Sau khi thang máy riêng đưa tôi lên lầu, tôi thấy gã vừa đặt chiếc đàn vĩ cầm xuống. Tôi ăn tối với gã dưới con mắt lờ đờ khủng khiếp của một bà Olliphan, nhũ danh Caltani, một con quỷ tôi chưa từng được thấy bao giờ đã làm tôi muốn ói mửa. Tôi lại muốn ói mửa nữa khi nhảy lò cò một cách hoảng sợ trên cái sân thượng điên khùng của gã. Và tôi đã từ biệt hắn mà không đánh tan được một chút xíu nào sự bí mật bao quanh con người gã, một con người mà không cần gì nhiều lắm cũng có thể làm cho tôi có cảm tình, thậm chí cả tình bạn nữa.

Ngày hôm sau tất nhiên là ngày 19 tháng 9. Từ chín giờ sáng, căn phòng của tôi ở khách sạn Pierre bị xâm nhập bởi cái đám những kiến trúc sư, trang trí nội thất và thầu khoán đủ cỡ đủ loại mà tôi đã triệu tập đến. Cả ba luật sư cố vấn của tôi cũng mò đến: Marc Lavater, Jimmy Rosen và Philip Vandenbergh.

Tôi kể lại cho Marc nghe cái bữa ăn tối với Olliphan ngày hôm qua. Anh ta nhún vai:

— Thì tại cậu cứ thích mua một cái sòng bạc kia mà. Ai bảo?

— Thôi xin ông, đừng có lại bắt đầu cãi vã nhau mãi về chuyện ấy.

Chúng tôi đã làm cái việc cãi vã ấy khá nhiều rồi. Đối với Lavater, tất cả mọi cái đều đơn giản thôi: Khi người ta có chín mươi triệu dolars thì người ta ngồi yên một chỗ, chứ không chạy đi phiêu lưu mạo hiểm như vậy. Thực ra mỗi lần tôi báo cho anh ta biết về một dự định của tôi, thì bao giờ anh ta cũng bắt đầu bằng việc giơ cả hai tay lên trời để giải thích cho tôi hiểu rằng tôi là thằng khùng. Anh nói thêm.

— Đồng ý là ta đã có về cái gã Olliphan này những tài liệu mà cậu muốn có. Gã là một thằng độc đáo kỳ quặc, điều ấy không có gì đáng ngờ nữa. Cái gác thượng của hắn có nhiều người biết. Nhưng về mặt nghề nghiệp thì không thể chê gã vào chỗ nào được. Gã không giống như những thân chủ của gã đâu.

Về chuyện này cũng vậy, chúng tôi cũng đã bàn luận với nhau không phải ít. Không phải chỉ có Marc với tôi, mà cả Vandenbergh và Rosen nữa trong những tuần lễ trước khi ký kết việc mua Con Voi Trắng. Mỗi người đều có ý kiến riêng của mình, nhưng đều cùng nghĩ rằng cái bọn bán cho tôi không phải là những người bình thường. Thực chất, nấp đằng sau cái bình phong của những tội thuộc loại thông thường, đây là một Gia Đình ở New York - Nói gọn hơn, đây là Mafia - Mà như ai cũng biết, làm gì có Mafia! Tôi đã trả lời: “Ờ, thế thì sao? Muốn mua thì phải có người bán chứ? Các cậu có biết một người bán nào khác không? Và việc mua bán có đúng luật lệ không nào?”

— Marc, đừng lại bắt đầu cãi vã nhau nữa.

Anh ta lại giơ cả hai tay lên trời, nhưng lần này là để làm dấu hiệu đầu hàng: “Đồng ý thôi” xếp việc lại. Tôi làm việc với những kiến trúc sư và những nhà trang trí nội thất. Tôi dự định sẽ làm việc với họ suốt cả ngày hôm nay. Họ đã mang đến đủ loại bản đồ, bản vẽ, thậm chí cả những market nữa. Đủ để đùa dỡn như những thằng điên trong hàng tiếng đồng hồ. Và quả nhiên là mất hàng tiếng đồng hồ thật, vừa bàn cãi vừa ngốn những thức ăn nhẹ mà tôi cho gọi mang lên.

Đến cuối buối chiều thì xảy ra sự kiện thứ hai. Chính sự kiện này đối với tôi mới là mở đầu lịch sử của Con Voi Trắng. Người ta đã gõ ở cửa cầu thang nhưng tôi chẳng nghe thấy gì cả vì đang bận trình bày một ý kiến, mà với sự khiêm tốn cố hữu của tôi, tôi cho rằng chỉ có thể là một ý kiến thiên tài mà thôi. Marc ra mở cửa, khi anh ta trở vào, thì trong mắt anh ta có một cái ánh rất kỳ quặc.

— Người ta hỏi cậu đấy, Franz.

— Không có thì giờ. Mặc xác ai hỏi, cứ viết cho họ một ngân phiếu.

Thực ra lúc đó tôi đang vui vẻ phấn chấn lắm. Cái chuyện Olliphan đã xa rồi, và cuộc bàn cãi của tôi với những kiến trúc sư hết sức thú vị. Marc lắc đầu.

— Phải chính cậu ra kia.

Không có gì là thảm kịch trong giọng nói của anh ta. Có lẽ như anh ta đang nghĩ rằng cái gì đang xảy ra đó là ngộ nghĩnh lắm. Tôi bỏ những ông kiến trúc sư, trang trí nội thất, thầu khoán lại đó với những giấy tờ mà họ trải ra kín khắp cả giường nằm của tôi. Tôi đi ngang qua phòng tiếp khách lớn của tôi, là nơi mà Jimmy Rosen đang kiểm tra lại một số giấy tờ. Bên ngoài là một cái sảnh ra vào.

Ở đó có một em bé gái đang đứng đợi. Lối chín hay mười tuổi, tóc vàng với những bím dài vàng dượi, một đôi mắt xanh mênh mông, mình bận một bộ quần áo mà tôi nghĩ là của vùng Tyrol. Xinh xẻo không có lời nào tả được. Trên ngực áo em đeo một cái biển bằng nhựa trắng, dành cho những trẻ em đi máy bay một mình. Tôi chưa thấy em bao giờ.

— Gì thế cháu?

Không có trả lời. Con bé thản nhiên nhìn tôi chòng chọc.

— Cháu đi một mình à?

Lại càng im re.

— Cháu muốn gặp tôi à?

Cô bé chỉ một ngón tay hách dịch vào tấm biển. Tôi đọc bằng tiếng Anh thấy: “Nhờ đưa đến ông Franz Cimballi, khách sạn Pierre, New York City, New York, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”, không có thêm một một lời nào nữa. Tôi cảm thấy đằng sau tôi có người: Có nhiều người. Họ đến hơn một chục đang đứng ngắm cái quanh cảnh này. Trong đó có Marc, Anh ta thấy buồn cười thực sự. Anh nói:

— Thế đấy! Người ta chơi cái trò Sở Khanh, giải con ra khắp nơi, rồi vào một ngày tốt đẹp nào đó, prứp! Đứa bé đổ bộ vào đời anh.

— Ngộ nhỉ.

Tôi nhún vai. Nếu ở trên đời này có một điều mà tôi chắc chắn, thì đó là cái sinh vật tóc vàng nhỏ bé này dứt khoát không phải của tôi. Nhất định thế. Tôi quay lại đối mặt với con bé.

— Thế tên cháu là gì?

Im lặng. Và đôi mắt xanh to tướng kia vẫn như đóng đinh vào đôi mắt tôi.

Sau tiếng Anh, tôi thử dùng tiếng Đức, vì trông bộ quần áo xứ Tyrol kia, trúng phóc. Cô bé nói và trả lời:

— Heidi.

— Heidi gì kia?

Cô bé cau mày, nghiêng đầu xinh như mộng và đến lượt cô hỏi:

— Bác có đúng là ông Franz Cimballi không?

— Ya ohl (đúng) - Chính tôi đây.

”Ba um"! Tôi không kịp làm một cử chỉ nào để đề phòng. Cô bé mang một đôi guốc rất đẹp, không còn nghi ngờ gì nữa, một đôi guốc với đầy những cái hoa nhỏ mầu hồng và xanh chạm vào gỗ, nhưng mà nhọn và cứng quá sức tưởng tượng. Và cái mũi nhọn của chiếc guốc phải đã đập vào xương chầy ống chân trái của tôi với một sức mạnh quá trời. Tôi bắt đầu khiêu vũ trên một chân. Bằng một bước nhảy của con Kangaroo, tôi tránh được chiếc guốc trái nhằm vào ống chân phải của tôi.

Cái lão Marc đần độn cười đến chảy nước mắt ra. Đứng ra xa khỏi địa bàn nguy hiểm, tôi hỏi Heidi:

— Trời đất quỷ thần! Tại sao cháu lại đá tôi.

— Bởi vì đấy là chuyên khoa của cháu - Cô bé trả lời với sự vui thích của một người đã hoàn thành nhiệm vụ của mình - Và cũng bởi vì cả bốn chị em cháu đã bị sạt nghiệp vì bác, thằng ăn cắp!