Sòng Bạc

CHƯƠNG 3

Ông ta là bạn của bố tôi, trước khi là bạn của tôi. Hassan Fezzali, dưới cái mã được ngụy trang một cách hết sức cẩn thận như một ông già bán thảm len, thực ra, trước khi ông bị mất tích, là người quản lý cái gia sản phi thường của một ông hoàng người xứ Saoudie, tỷ phú về dolars dầu mỏ. Đến nay đã một năm rưỡi, ông ta bị mất tích - Hết sức đột ngột - Hôm đó, ông ta rời khỏi phòng làm việc ở Caire ra phi trường đáp một chuyến máy bay. Ông ta không đến phi trường, và từ đó đến nay không ai thấy mặt ông ta nữa. Tôi tưởng ông đã chết.

Marc Lavater nói trong điện thoại từ Paris.

— Ông ta còn sống, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi có bằng chứng.

Và, ngoài tình bạn và sự tò mò muốn biết việc gì đã xảy ra cho ông ấy, tôi còn một lý do nữa để đón nhận với một niềm vui sướng lớn cái tin trở về của ông ta: Trước khi ông bị mất tích không lâu, chúng tôi cùng Hassan có chung vốn với nhau trong một vụ đầu cơ về dầu mỏ. Những chi tiết về vụ này không quan trọng, cái điều cần biết là chúng tôi đã có góp vào: Fezzali, mười chín triệu dolars, tôi mười, Lavater một, để trong một trương mục của ngân hàng ở Liechtenstein. Có một điều khoản đặc biệt quy định trước là không một đồng dolars nào của số tiền này có thể đem ra sử dụng nếu không được sự đồng ý của cả ba người hoặc của những đại diện được ủy quyền trong trường hợp có người đã chết. Hassan không thể được coi như chính thức đã chết, nên số vốn này bị phong tỏa lại. Tìm lại được cái ông Ả Rập du cư của lòng tôi này, có nghĩa là tôi lại sắp có thể sử dụng được mười triệu dolars của tôi - để nằm im vô ích từ mười tám tháng nay.

Thế thì cũng đáng để làm một cuộc du hành New York - Paris lắm chứ. Và tôi đã làm cuộc du hành đó. Tôi kêu điện thoại cho Lupino để hoãn việc đi thăm Atlantic City lại, mặc cho anh ta cự nự. Và tôi nhảy lên chiếc máy bay đầu tiên.

— Cái thư đã đến Vaduz hai ngày trước đây. Bản photocopy đây.

Tôi cầm lấy tờ giấy Marc Lavater trao cho tôi. Nội dung trong tờ giấy ngắn thôi, vài dòng viết tay, viết bằng tiếng Anh: “Please transfer spot value on next 29th June 61.551,86 US to account 1543 ZSM Weiner Bank Zurich attention Mr. Gunthardt”. Nghĩa là: Xin chuyển bằng tiền mặt ngày 29 tháng sáu sắp tới, giá trị 61.551 dolars US và 86 xu vào trương mục 1543 SM ở Weiner Bank Zurich cho ông Gunthardt. Không có gì khác nữa ngoài mã số tiếp xúc bí mật (ngoài chủ ngân hàng chỉ có Hassan, Marc và tôi biết) và chữ ký. Tóm lại chỉ là một lệnh chuyển tiền bình thường gửi cho những chủ ngân hàng ở Liechtenstein mà thôi.

Lavater nói với tôi.

— Franz, cậu cũng biết rõ như tôi rằng cái ngân hàng ở Vaduz không thể thực hiện được lệnh này vì cái điều khoản bắt buộc phải có sự đồng ý thống nhất của ba cổ đông của hội: Hassan, cậu và tôi. Điều này, Hassan cũng biết.

Vậy thì Fezzali đã gửi cái thư này với mục đích duy nhất là để đánh động cho chúng tôi biết.

— Đó là cách giải thích duy nhất. Ông ta chắc chắn là người chủ ngân hàng ở Vaduz phải báo cho chúng ta biết ngay. Và quả nhiên, người này đã làm thế thật.

Tôi ngắm bản photocopy: Chữ viết có hơi run thật, nhưng rõ ràng là rất quen thuộc với tôi.

— Anh đã cho giám định chưa? Đúng là của Hassan chứ?

— Không còn nghi ngờ gì nữa. Vả lại, đừng quên là có cả mã số tiếp xúc bí mật nữa.

— Thế tại sao lại có cái số tiền tức cười ấy: Sáu mươi mốt ngàn, năm trăm năm mươi mốt dolars và tám mươi sáu xu?

— Chịu! Không biết.

Tại sao Hassan không gửi số tròn, 62 ngàn dolars chẳng hạn. Tôi biết ông ta rất ky bo nhưng mà đâu có đến nỗi thế.

— Marc, Hassan muốn nói với chúng ta một cái gì đấy. Có chặt tay mình đi mình vẫn tin chắc như vậy.

Nhưng cái gì nào? Tôi điên người lên vì không hiểu được. Không còn nghi ngờ gì nữa cái việc chuyển tiền này là một lời kêu cứu đây. Và không thể nào không đáp lại lời kêu cứu đó. Vả lại, trước khi tới Paris, tôi đã cho khởi động một biện pháp rồi: Không thể để cơ quan của nhà nước chính thức can thiệp vào việc này, tôi đã báo cho một hãng thám tử tư tôi đã có dịp sử dụng nhiều lần trước đây. Đứng đầu hãng này là một người tôi vẫn gọi bằng bí danh Người Anglais. Anh ta lúc nào cũng tóc vàng, cũng phớt tỉnh, và ăn mặc rất chững chạc. Anh ta nói với tôi: “Tất cả mọi cái đều đã được bố trí. Tôi đã làm mọi chuyện cần thiết ngay sau khi ông gọi điện cho tôi từ phi trường Kennedy. Tôi có một êkíp ở Vaduz, một êkíp ở Zurich, quanh ngân hàng Weiner. Một êkíp thứ ba sẵn sàng để ứng phó với mọi sự cố. Hễ khi nào việc chuyển tiền được thực hiện xong giữa Liechtenstein và Thụy Sĩ, chúng tôi sẽ theo dõi ngay. Tất nhiên với điều kiện là các ông bạn Thụy Sĩ của chúng ta đồng ý. Họ có những ý kiến rất khó lay chuyển về vấn đề bí mật ngân hàng."

Và anh ta nhìn tôi một cách tỉnh bơ như là vừa tiết lộ với tôi một việc trọng đại lắm.

***

Chắc mọi người còn nhớ: Muốn cho việc chuyển tiền có thể thực hiện được, nhất thiết phải có sự đồng ý của hai cổ đông kia, nghĩa là của Marc và của tôi. Chúng tôi tiếp ký ngay vào bản photocopy. Và để cho chắc ăn hơn, tôi tức khắc đi Vaduz. Cái thư của Hassan đến vào ngày 25, tôi thì đổ bộ xuống Paris vào buổi trưa ngày 27, và vào buổi tối cùng ngày tôi đã ở Liechtenstein. Tôi phải làm thế nào để cho việc chuyển tiền được thực hiện vào ngày 29.

Và trong thời gian đó, tôi miệt mài suy nghĩ về bài toán hóc búa 61.551,86. Tôi đã thử hết mọi cách ghép các chữ số với nhau. Cũng có thể là một số điện thoại cũng nên, tuy rằng như thế thì thô kệch quá, nhưng biết đâu đấy. Dù sao đi nữa, đẩy dấu chấm và dấu phẩy đi sẽ có: 615.51.86. Ở Paris với những phí tổn đắt như vàng, Lavater cũng đã cho nhân viên của anh lên đường đi tìm và lại thuê thêm một hãng điều tra tư nhân nữa. Kết quả không phải chờ đợi lâu. Các bạn có biết trên thế giới này có bao nhiêu số điện thoại bẩy số không? Nhân dịp này mà tôi được biết: Một triệu sáu trăm hai mươi tám ngàn, không kể những cái lẻ đấy. Nhưng những thám tử đại tài của chúng tôi cũng đã tìm ra rằng tính tất tần tật cả cũng chỉ có bốn mươi chín người có thuê bao con số 615.51.86 mà thôi. Người thứ nhất của tôi là một bà già tàn tật ở California, người thứ hai là một nhà giặt ủi ở Rio, người thứ ba ở Châu Úc... Và tất cả đều lãng xẹt như thế.

Tôi bỏ rơi các số điện thoại. Tôi lại thử các mã số bưu điện. Xin không đi vào chi tiết, vì sẽ điên người lên mất. Nếu muốn đi vào kiểm tra các số này thì phải mất hàng tháng là ít. Tôi cũng lại bỏ luôn. Marc gọi điện gợi ý cho tôi: “Có thể đây là tiền thanh toán một cái gì chăng? Chắc chắn Hassan là tù nhân của một người nào đó, và người này buộc ông ta phải trả tiền... cái gì đó, tôi không biết nữa... Trả tiền điện, nước chăng?".

Tôi cười gằn, nhưng cười gằn một cách vàng vọt. Tôi nổi sùng lên trước cái bí mật mà tôi không sao khám phá ra được. Nhưng dù sao có hai điểm mà tôi tin chắc: Lệnh chuyển tiền này có chứa đựng một thông điệp, và thông điệp này là gửi cho đích thân tôi. Thế mà tôi lại không hiểu thông điệp nói gì!

Thời gian gấp lắm rồi. Nếu tôi không làm gì trước khi tiền chuyển đến Zurich, thì cái số sáu mươi mốt ngàn hơn dolars này sẽ mất hút vào trong các chu trình ngân hàng và cũng mất tiêu luôn cả các dấu vết điều tra nữa. Sáng ngày 28, tôi ở Zurich, và phải gần như phá cửa của cái ông Gunthardt mà tên có ghi trên lệnh chuyển tiền. Đó là một ông chủ ngân hàng rất tầm thường, và với một thái độ hết sức lễ phép. Ông ta làm ra bộ hoàn toàn ngớ ngẩn:

— Thưa ngài nói tên gì kia ạ?

— Fezzali, Hassan Fezzali.

Tôi lao vào một cuộc giải thích: Sự mất tích đột ngột của Hassan, việc thành lập một cái hội của chúng tôi ở Liechtenstein, chuyện các trương mục của chúng tôi bị phong tỏa, bức thông điệp v.v..

Gunthardt nhìn chằm chằm vào tôi, nét mặt rất khó hiểu.

— Ông Cimballi, ông chắc phải biết những luật pháp chi phối sự bí mật ngân hàng ở nước tôi?

— Nhưng đây là vấn đề tính mạng của một con người!

Một bức tường. Tôi không thể moi được gì của hắn. Cái thằng quỷ này sẵn sàng chịu chết tại chỗ chứ nhất định không hé môi. Tôi đi ra gặp Người Anglais. Anh ta đã theo tôi sang Thụy Sĩ và đang ngồi đợi tôi ở Paradeplatz. Anh nói:

— Chỉ có cảnh sát Thụy Sĩ là có thể làm được cái gì thôi.

Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi cũng biết trước câu trả lời của chính quyền Thụy Sĩ: Tôi có chứng cớ gì không? Không, chỉ có mội giải pháp. Giải pháp duy nhất. Ba giờ tiếp theo sau đó, tưởng phát điên lên được. Tôi đã dùng ba giờ đó để đi tìm một chiếc máy bay có thể cất cánh ngay tức khắc và vượt một hơi bốn nghìn cây số, bởi vì nếu đi trên những chuyến bay bình thường thì mất nhiều thời gian quá.

Cuối cùng, vào quãng sau ba giờ chiều một chút ngày 28, giờ Zurich, tôi rời đường băng. Và khi hạ cánh ở Riad, tại xứ Ả Rập Saudi thì trời hãy còn sáng. Tôi cũng không có thời giờ để cảm thấy cái nóng nữa, vì người ta đã đưa tôi vào ngồi trong một chiếc Rolls có điều hòa nhiệt độ.

— Ông đến nước chúng tôi lần đầu tiên ạ?

Tôi nói phải. Tôi hơi mệt. Chiếc Rolls bóp còi inh ỏi để lấy đường đi.

— Hoàng thân Aziz đang chờ ông, thưa ông Cimballi. Ngài rất yêu mến Ngài Hassan Fezzali.

— Tôi cũng vậy.

Hoàng thân Aziz cùng tuổi với tôi. Tôi chỉ mới gặp ông ta có một lần, cách đây bao nhiêu năm rồi. Bây giờ ông ta ngồi nghe tôi kể tất cả câu chuyện của chúng tôi. Tôi kết luận:

— Tôi chắc chắn là ông Hassan hãy còn sống. Hay là ít ra cũng còn sống cách đây ba, bốn ngày.

Im lặng. Bỗng nhiên tôi có cái cảm giác rất khó chịu là người đối thoại với tôi, chẳng những đã biết trước những gì tôi vừa nói, mà lại còn biết nhiều hơn tôi nữa kia. Vả lại, ông ta nói:

— Tôi cứ nghĩ là ông đã biết, ông Hassan đã mất tích từ tháng Giêng năm ngoái. Bắt đầu từ tháng hai sau đó, cứ mỗi ba mươi ngày, tôi lại phải đóng số tiền là hai trăm ngàn dolars để giữ cho ông ta còn sống.

Ông hoàng ra một dấu hiệu. Người ta bèn mang đến những bức ảnh, đằng sau có ghi từng tháng một từ tháng hai năm 75 đến tháng sáu năm 76. Ảnh nào cũng giống nhau, trừ một vài chi tiết. Tất cả đều có hình Fezzali ngồi hay đứng, giơ lên một tờ báo mà những tiêu đề cho thấy thời điểm của ngày hôm chụp hình. Tôi hỏi:

— Ông ta bị giữ ở đâu?

— Tất nhiên là chúng tôi không biết.

Phông cảnh đằng sau lưng Hassan trong những bức ảnh không cung cấp được một chỉ dẫn nào. Đó là một tấm vải trắng, có lẽ căng lên một bức tường. Còn về những tờ báo, thì đủ mọi loại báo trên thế giới.

— Ai giam giữ ông ta?

— Chúng tôi cũng không biết nốt.

Tôi nhìn sâu vào đôi mắt đen của ông hoàng Saudi. Tôi không hiểu được. Với những phương tiện khổng lồ mà ông ta có, sao ông ta không thể làm gì à? Tôi cũng không cần phải đặt ra câu hỏi nữa, ông ta đã đoán được nó, và giải thích như thế này:

— Số tiền chuộc phải đóng mỗi đầu tháng vào một trương mục có số ở Thụy Sĩ. Lần đầu tiên chúng tôi đã thử theo dõi dấu vết của số tiền này...

Ông ta ngừng lại, và chỉ cho tôi tập ảnh:

— Ông hãy nhìn kỹ tấm hình đằng sau lưng có ghi “tháng tư”...

Tôi làm theo. Lúc đầu tôi chẳng nhận thấy gì cả. Ông Aziz nói:

— Bàn tay trái...

Tôi giật thót mình: Hassan chỉ còn có bốn ngón ở bàn tay trái.

Aziz nói tiếp:

— Hai tháng sau, chứng tôi lại thử một lần nữa, lần này hết sức cẩn thận. Ông hãy xem bức ảnh số sáu, có ghi “tháng bảy”...

Lần này thì tôi phát run lên vì kinh hãi: Sau ngón tay út, người ta đã chặt thêm hai đốt đầu của ngón đeo nhẫn và ngón giữa,

— Và người ta đã báo cho chúng tôi biết rằng, lần sau thì sẽ không còn cả bàn tay...

Ông ta mỉm cười, không có một tý gì là vui vẻ:

— Ông Cimballi, đối với Hassan tôi có một tình bạn và cả một sự quý mến đặc biệt. Tôi không muốn người ta cắt ông ta ra từng mảnh một như vậy. Tôi đã đề nghị một số tiền rất lớn để xin trả tự do cho ông ta. Người ta cũng không thèm trả lời tôi nữa. Tôi không biết ai giam giữ ông ta, tôi không biết vì sao, tôi không biết trong bao nhiêu lâu nữa. Nhưng tôi thiết tha muốn giữ được mạng sống của ông ta. Và tôi báo trước cho ông biết: Nếu ông làm một cái gì, bất cứ một cái gì, mà làm nguy đến tính mạng của ông ta, thì mối cảm tình của tôi đối với ông không còn lý do tồn tại nữa.

Ông ta nhìn tôi chòng chọc, và tôi chợt nhớ rằng tôi hiện đang ở trong một kinh đô nằm biệt lập ở tận cùng sa mạc và ở đó công lý được thực hiện một cách dễ dàng bằng những nhát búa tầm sét.

Tuy vậy tôi cũng cố gắng một lần cuối cùng nữa. Tôi chắc chắn một điều: Tôi chắc chắn là bằng cách này hay cách khác, Hassan đã muốn dùng cái thư gửi đến Vaduz này để báo tin cho chúng tôi một hướng điều tra mới, khác với hướng của Aziz. Rõ ràng là cái số sáu mươi mốt ngàn dolars kia không có dính dáng gì đến cái số hai trăm ngàn dolars tiền chuộc đóng mỗi tháng. Đó là hai việc khác hẳn nhau.

— Hassan đã cài được một cái bẫy cho những kẻ bắt cóc ông ta. Chúng ta đều biết ông ấy ranh mãnh như thế nào. Nếu không đáp lại lời kêu gọi của ông ta, thì có nghĩa là chúng ta sẽ vĩnh viễn mất ông ấy. Và một mình, thì tôi không thể nào mở được cái chốt của Thụy Sĩ. Nhưng nếu ngài, một hoàng thân Saudi, có khả năng yêu cầu chính phủ ở Riad can thiệp với chính quyền Thụy Sĩ, bằng con đường ngoại giao, thì lúc đó người Thụy Sĩ...

— Vô ích. - Aziz đứng lên. - Ông mất thì giờ của ông, ông Cimballi.

Tôi đánh lá bài cuối cùng:

— Thế nếu tôi giải mã được bức thông điệp của Hassan? Nếu tôi hiểu được ông ta muốn nói gì với chúng ta?

— Tôi đã đọc cái thư mà ông đưa tôi xem. Tôi không tin là nó chứa đựng một cái gì ngoài một cái lệnh chuyển tiền.

***

Tôi đã có thể rời khỏi Riad ngay. Nhưng tôi vẫn bám lấy nơi này, không chấp nhận một sự thất bại. Những thư ký của hoàng thân đã tìm cho tôi một dãy buồng ở khách sạn Riad Intercontinental. Tôi gọi điện cho Marc ở Pari.

Trong suốt thời gian tôi gọi điện thoại, từ cú điện cho Marc đến cú điện này, bản photocopy của lệnh chuyển tiền vẫn ở trước mặt tôi. Thế rồi bỗng nhiên, một chữ, một chữ thôi như nhẩy lên đập vào mắt tôi, sáng chói như mặt trời. Ôi! Trời đất quỷ thần!

— Jo, cậu lao vào việc đi. Ngày mai mình sẽ gọi lại.

Tôi đặt máy xuống ngay, không để cho cậu ta có thì giờ cự nự thêm nữa. Trong những phút sau đó - phòng tiếp nhận của khách sạn Intercontinental đã chuyển lên cho tôi những bản thông tin mà tôi yêu cầu. Làm vài con tính trên cái máy tính bỏ túi của tôi thế là xong, và tôi lại chạy ào ra máy điện thoại.Tôi bị kích thích như một con rận vậy, tôi không đứng yên tại chỗ được nữa. Lại cả mười lăm phút nữa tranh cãi, van vỉ, thậm chí hù dọa: “Không, Hoàng thân không có nhà. Hoàng thân đang dự một buổi tiếp tân ở cung điện Al Ma’ather, và Hoàng thân đang..."

Rồi nghe tiếng của Aziz.

— Ông Cimballi, tôi hy vọng rằng ông không quấy rầy tôi để...

Tôi ngắt lời ông ta một cách hết sức vô lễ.

— Tôi tìm thấy rồi - Tôi biết ông Hasan hiện đang ở đâu...

***

Spot! Chữ này có nghĩa là “trả tiền mặt” thế thôi không có gì khác. Nhưng cũng không phải đơn giản thế đâu. Bởi vì một ông chủ ngân hàng hay một nhà tài chính bình thường, như ông hay tôi, khi viết một lệnh chuyển tiền, trong thực tế không dùng đến chữ này bao giờ. Người ta sẽ viết, hoặc đánh telex bằng tiếng Anh “Pleasa transfer" (hay forward immediately). Hay là cùng lắm, nếu là một người quá ưa sự chính xác, thì người đó sẽ dùng chữ Cash, cũng có nghĩa là trả tiền mặt.

Spot là danh từ thường dùng của những người buôn bán ngoại tệ, những chuyên gia mà năm này tháng khác nhận được những lệnh chuyển từ một thứ tiền tệ này sang một thứ khác, từ đồng dolars sang đồng francs Thụy Sĩ, từ đồng florin Hà Lan sang đồng tugrik Mông Cổ (hiếm đấy!). Tôi cũng đã có làm cái loại dịch vụ này, nhưng không thể so sánh với Hassan Fezzali được, vì ông ta là một “tay tổ” trong nghề đổi tiền. Aziz nhìn chòng chọc vào mặt tôi.

— Ông đã làm tôi phải bỏ buổi tiếp tân để mách cho tôi điều ấy à?

Tôi đưa cho ông ta xem một bản thông tin mà phòng tiếp nhận của khách sạn Intercontinental đã chuyển cho tôi. Ở đó có tất cả các loại tiền tệ hiện đang lưu hành trên thế giới, xếp theo thứ tự abc của những nước phát hành. Tôi giải thích.

— Ông Hassan đã viết chữ Spot trong lệnh chuyển của ông, mà lẽ ra ông không cần hoặc có thể dùng một chữ khác. Thế là rõ: Ông ta muốn chúng ta phải nghĩ đến một dịch vụ đổi tiền. Bây giờ, Ngài hãy xem con số 61.551.86. Không phải là một số tròn, điều ấy thì ai cũng thấy rồi. Tôi đã lấy cái bản thông tin này và tìm xem: Đồng tiền nào trên thế giới, duy nhất, mà vào ngày 29 tháng 6 khi mở cửa phòng chứng khoán, thì 61.551 dolars và 86 xu, sau khi đổi sẽ thành một số tròn. Tôi đã làm các phép tính. Chỉ có một loại tiền thôi. Thưa Hoàng Thân, chỉ có một loại tiền thôi: Đồng riyal hay Yri của Cộng Hòa Ả Rập Yémen. Ông Hassan đang bị cầm tù đâu đó ở Bắc Yémen.

Thế là vào ngày 29 tháng sáu, khoảng hai giờ trưa, nghĩa là vào giữa trưa ở Thụy Sĩ, Người Anglais gọi điện cho tôi từ Zurich và tỉnh bơ, báo cho tôi biết rằng:

— Có hướng điều tra rồi. Nghĩa là bắt đầu của hướng đó. Người mở trương mục có số ở Zurich tên là Belkacem. Hắn có cho một địa chỉ ở Luân Đôn. Chúng tôi đã kiểm tra: Địa chỉ dỏm.

— Thế có thế biết được cái số sáu mươi mốt ngàn dolars ấy sẽ đi đâu không.

— Ngay hôm nay nó sẽ được chuyển đi Luxemboung, cảnh sát Thụy Sĩ đã được ủy thác, chúng ta có thể theo dõi được bất cứ số tiền này chuyển đi đâu.

— Chúng ta sẽ xét sau.

Và cũng vào cùng ngày 29 tháng 6 này, Người Anglais bằng những lời lẽ rất kín đáo đã cho tôi biết anh ta đang ở đâu.

— Số tiền không ở Luxemboung đến quá một tiếng đồng hồ. Một lệnh chuyển ngân vừa đưa nó sang La Mã rồi…

... Vào một ngân hàng mà Người Anglais đã tức khắc cho theo dõi ngay cùng với sự cộng tác của đội cảnh sát tài chính Ý.

Cuối cùng vào ngày 2 tháng 7, đã thấy có chuyển động ở La Mã. Người Anglais báo tin:

— Có lệnh chuyển ngân mới vừa gửi đến. Địa chỉ mới: Beyrouth.

— Lệnh từ đâu tới.

— Một ngân hàng ở Luân Đôn, nhưng nó chỉ là trạm trung chuyển thôi. Nguồn gốc thực sự là Le Caire. Một êkíp của tôi vừa đi đến đấy.

Và không trệch được: Ngày 3 tháng 7, quả nhiên ngân hàng ở Beyrouth, mở một trương mục cho ngân hàng Maha và Moore của Le Caire. Trái với những gì anh ta đã làm trước đây ở Vaduz, Zurich, Luxemboung, Rome và Beyrouth, Người Anglais không tiếp xúc với ban giám đốc của ngân hàng, và cũng chẳng tiếp xúc với cảnh sát ở Le Caire. Anh ta nói rằng, sẽ dựa vào linh tính của mình và muốn từ nay trở đi chỉ làm việc một mình cùng với những người riêng của anh ta, không nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền nữa. Anh ta đi Le Caire và vào sáng ngày mùng 4, từ đó gọi điện cho tôi:

— Người mà chúng ta đang tìm hiện ở đây.

***

Ba tiếng đồng hồ sau, sau một cuộc tranh cãi khá gay gắt với Aziz trách tôi sao quá kín đáo đối với ông, ông đồng ý để cho tôi rời khỏi Ả Rập Saudi, mà không cắt tôi ra thành từng lát mỏng, và tôi lên một chiếc phi cơ để bay đến thủ đô của Ai Cập.

— Hắn đấy.

Qua tấm kính hậu của xe hơi, tôi nhìn thấy một người trẻ tuổi, cỡ hăm nhăm trở lại, mặc âu phục. Anh ta thấp người, da ngăm ngăm đen, và có một bộ ria mép ngắn. Trông rõ ràng không phải là một thiên tài về trí thông minh.

— Tại sao là hắn? Tại sao đặc biệt là hắn?

— Trước hết bởi vì hắn làm việc ở ngân hàng Maha và Moore - làm văn thư. Sau nữa bởi vì chúng tôi căn cứ vào giả thuyết khởi đầu của ông: Bức thông điệp bí mật được biến thành một dịch vụ đổi tiền. Anh đã đoán trúng một trăm phần trăm: Hắn người xứ Yémen. Hắn sinh ở một vùng hẻo lánh trong cái xứ bây giờ gọi là Bắc Yémen. Cách nay năm tuần lễ hắn đã nghỉ phép hàng năm, và làm một tua về nhà thăm gia đình. Chuyện bình thường. Nhưng cái điều ít bình thường hơn, là hắn chỉ có mặt ở trong làng có sáu ngày thôi và trở về Le Caire ngay. Cái ông tướng đã cho cái số sáu mươi ngàn dolars đi ngao du, chính là hắn đó.

— Thế tên hắn là gì.

Người Anglais chịu cất điếu thuốc Craven A ở trên môi xuống một lát.

— Yousouf con khỉ, con tườu gì đó.

— Thế hắn có dính dáng gì vào vụ bắt cóc Fezzali không?

— Không. - Người Anglais có một cái thuyết cũng khá gần thuyết của tôi - Yousouf, về làng nghênh ngáo không biết bằng cách nào đó biết được sự giam cầm Fezzalivà đã lừa ông này để lấy sáu mươi ngàn dolars. Có lẽ đã hứa với ông ta là sẽ chuyển một lời kêu cứu của ông ta. Và Hassan lại còn ranh mãnh hơn hắn nữa. Nhưng như thế có nghĩa là ông ta đang ở gần cái làng nói trên.

— Đúng thế.

— Hãy đến đó mà dòm ngó một chút để cố gắng tìm ra Hassan. Có lẽ nói thì dễ hơn làm đấy. Những gì tôi biết về xứ Yémen có lẽ chỉ đủ để viết trên một cái tem thư được thôi, nhưng tôi không tin là người ta có thể đi sang đó, như sang Thụy Sĩ được. Vắng vẻ và hoang vu lắm, chắc thế! - Người Anglais nói.

— Còn tồi tệ hơn thế nữa kia. Cái vùng ấy gọi là Rub al Khali. Chính quyền của Sana - thủ đô của nó - chỉ có quyền hành tượng trưng ở đó thôi: Những vị thổ dân vẫn mang võ khí từ đầu xuống đến chân, còn chúng ta mà đến đó thì cũng vô hình như một ông chủ ngân hàng Luân Đôn mặc quần có kẻ sọc lạc vào trong một câu lạc bộ những người khỏa thân vậy.

Anh ta mỉm cười với tôi, rất thích thú với câu pha trò ấy.

Còn việc tính đến chuyện mộ một bọn biệt kích đánh thuê, lựa trong số những tay thiện xạ như kiểu Hollywood - dù Aziz hay tôi có đài thọ tiền phí tổn đi nữa - thì tốt hơn hết là không nên nghĩ đến. Cả Người Anglais và tôi đều nhất trí vậy, tuy rằng cái ý này cũng vẫn làm tôi thích thú trong mấy tiếng đồng hồ. Nhưng, ngoài cái việc là tôi không có một mảy may kinh nghiệm nào trong lĩnh vực này, tôi còn sợ nếu dùng vũ lực để giải thoát cho Fezzali thì sẽ làm nguy ngay đến tính mạng của ông ta. Sự mạo hiểm này tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được. Với lại, làm sao việc đi mộ một bọn biệt kích như vậy mà lại không làm tung tóe cả tin tức ra ngoài. Cái ngày hôm mồng 4 tháng bẩy ấy, tôi chưa nói gì với Aziz cả, và ông ta hoàn toàn không biết một tý gì về những phát hiện của chúng tôi. Bởi vì, khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy có một vài điều nghi ngờ: Tôi thấy rất có thể ngay trong đám thân cận trực tiếp với hoàng thân, có ai hay những ai đó sẽ rất thoải mái dễ chịu về sự vắng mặt của Fezzali, và lại càng thoải mái dễ chịu hơn nữa, nếu ông này vĩnh viễn biến đi, để lại một chỗ trống. Có trời mà biết được. Không, suy tính cho kỹ, tôi sẽ hành động một mình thôi.

Nhất là tôi lại tin rằng tôi có trong tay hai con chủ bài cho phép tôi hành động theo cách của tôi, không dùng đến vũ lực. Trước hết, Người Anglais đã tìm thấy một người có biết một người, người này lại có biết một người có biết rất rõ sa mạc Rab al khali, và cả hai xứ Yémen, Nam và Bắc.

Sau nữa, tôi có một ý kiến. Một ý kiến kỳ cục, ngông cuồng, thậm chí mê sảng nữa, ai muốn cho là thế nào cũng được, nhưng một ý kiến mà tôi thích thú vô cùng.