Sòng Bạc

CHƯƠNG 2

Tôi cũng đến thăm Rosen và Lupino như tôi đã thăm Vandenberg và cũng nói cho hai người biết dự định của tôi - Cả hai đều có một phản ứng giống nhau với mức độ khác nhau, họ đều cho tôi là hâm hâm. Jimmy Rosen xé một tờ giấy ở lịch bàn ra và làm vài con tính.

— Franz, chuyện ấy ít ra đi nữa cũng phải đầu tư từ bốn đến sáu trăm triệu dolars.

— Mình có thể giải quyết được với ít hơn thế.

— Mình sẽ hết sức ngạc nhiên.

Cậu ta có vẻ hơi cau có, vì rất ghét cái việc người ta nghi ngờ những tính toán của cậu.

— Jimmy, chúng mình cứ thử xem sao.

— Cậu thường hay có những ý kiến kỳ quặc, những ý kiến này thì tồi tệ hơn xa những cái khác.

Nhưng vì tôi cứ giữ cái ý ấy, thì đồng ý thôi, cậu ta sẽ đi tìm.

Y chang với Lupino. Có cái khác là mới nghe tôi nói mấy câu đầu cậu ta đã ôm bụng cười ngặt nghẹo.

— Và thế là lại bắt đầu đấy hả? Mình cũng vậy, lấy làm lạ là thấy cậu ngủ trưa ngoài nắng suốt từng ấy tháng trời. Cậu muốn nó bự bằng bao nhiêu, cái sòng bạc của cậu ấy? Và ở đâu?

Kỳ lạ nhất là tôi cũng chẳng có một ý kiến nào về cái ấy nữa. Tám hay mười ngày trôi qua đi. Những êkíp của ba luật sư cố vấn của tôi bắt tay vào việc, bổ đi tìm một cái gì có thể mua lại hoặc xây dựng lại mà hội tụ được ba điều kiện do Vandenberg đề ra - Cả ba điều kiện này, tôi thấy đều thực sự là cần thiết và đầy đủ. Mà điều kiện nào cũng khó thực hiện kinh khủng. Tôi còn nhớ rất rõ trạng thái tinh thần của tôi vào cái tháng 6 năm 76 ấy, khi mà nước Mỹ đang kỷ niệm lần thứ hai trăm ngày sinh của mình: Một sự hoang mang cực độ, và tùy từng ngày, có hôm thì muốn ngưng tất cả mọi việc lại, có hôm thì ngược lại - Cứ điên lên muốn xông vào làm ngay.

Đến mức là vào khoảng ngày 28 tháng sáu, khi Marc Lavater gọi điện thoại cho tôi, tôi không nói gì với anh ta cả. Anh hỏi tôi lập hồ sơ về công nghiệp khách sạn mà anh gửi cho tôi có giúp ích gì không. Tôi đánh trống lảng và trả lời là tôi yêu cầu tập hồ sơ ấy cũng chỉ vì tò mò thôi, và tôi chưa quyết định gì cả.

Điều đó thì đúng vào ngày 25 hay 26 và còn đúng hai ngày sau nữa, cho đến khi Lupino kêu điện thoại cho tôi. Anh ta gọi tôi ở khách sạn Pierre, lúc tôi vừa trở về sau một chuyến đi rất nhanh đến Québec. Tôi tới đó để xem qua cái công trường xây dựng khổng lồ ở vịnh James. Để đài thọ kinh phí, chính quyền Québec có phát hành những trái phiếu mà tôi muốn mua đề đầu tư vốn.

— Franz, mình tin là đã tìm được cho cậu một cái gì rồi đó.

— Ở Vegas à?

— Ở Atlantic City.

Ngay lúc đó, thấy như thất vọng. Tôi không biết Atlantic City. Tôi chỉ biết đó là một loại thành phố chết, một ghosttown[5], một thành phố ma.

— Có đáng gì không?

Giọng nói vui vẻ của cái gã cà chớn Lupino này:

— Nó đáng vào khoảng ba mươi triệu đô đấy, bồ ơi.

Mới đầu tôi tưởng gã nói giỡn. Khác hẳn với Rosen và Vandenberg lúc nào cũng vui vẻ như một cái nhà mồ, Lupino có một khiếu hài hước đến làm thủng cửa nhà người ta được. Gã nói thêm:

— Franz, đáng đồng tiền bát gạo đấy! Cậu phải đến xem đi.

Chẳng có một tý phấn khởi nào trong tôi. Mơ ước của tôi, mặc dầu là mơ hồ, nhưng tôi muốn một cái sòng bạc có kèm theo nắng, sa mạc và cái không khí rất đặc biệt của Las Vegas kia. Thế mà người ta lại định đưa cho tôi sương mù Đại Tây Dương ở một cái thành phố nhỏ mà hình như tương lai là ở sau lưng nó kia.

— Franz, phải lẹ lên mới được. Chúng ta không phải là những người duy nhất ở trong công việc này đâu.

— Ngày mai.

***

Chúng tôi hợp đồng với nhau ngày hôm sau đi bằng xe hơi vào lúc một giờ trưa. Jo Lupino nói qua cho tôi biết về “cái món hời” này: Một khách sạn khoảng 400 buồng, xây dựng từ đầu thế kỷ, cũng khá xuống cấp, nhưng có những phòng tiếp khách rộng mênh mông, ở bờ biển, ngay giữa thành phố, có đường đi ra biển và một cầu tầu riêng. Thêm 5 acres đất, tức là khoảng hai hecta nữa. Trang bị phải làm mới tất. Thêm một cái khó nữa: Căn nhà được xếp vào loại landmark[6], nghĩa là một công trình lịch sử, theo danh từ Pháp.

— Thế mình phải trả ba mươi triệu đô để chuộc lấy cái của nợ ấy à.

— Vẫn có thể mặc cả được - Nhưng theo bọn nhóc trong êkíp của mình, thì đáng giá đấy!

Tôi không tin. Đi xem cái đó thì chả thà đi treo cổ mình lên còn thú vị hơn đấy. Nhưng rồi cuối cùng.

— Đồng ý, Jo. Ngày mai, một giờ.

Tôi vẫn thường nhận xét: Một sự kiện không bao giờ đến một mình. Chắc phải có một cái loại quy luật nào đó làm cho “tất cả bao giờ cũng đến cùng một lúc”. Chứng cớ: Ngay chiều hôm cùng ngày, tôi tới ăn tối với gia đình Rosen. Đứa con trai cả của Jimmy sắp đi sang Âu Châu, nhất là tới Paris, là nơi nó sẽ ở lại một năm trước khi vào đại học. Jimmy hơi lo lắng về sự cô đơn sẽ chờ đợi con anh ta ở bờ bên kia Đại Tây Dương, nhất là ở Pháp, là cái nước “sa đọa hết biết”.

Tôi đề nghị sự giám hộ của gia đình Lavater, Marc và Frangoise.

— Ngày mai mình sẽ kêu điện thoại để báo trước cho họ.

Và tôi kêu điện thoại. Chỉ nghe cái tiếng thốt ra của cô thư ký người Paris của Marc cũng đủ biết có cái gì quan trọng nữa xảy ra. Cô ta la lên:

— Sao lại có sự ngẫu nhiên thế, ông Cimballi! Em đang sắp sửa quay số của ông ở New York thì chuông điện thoại của em reo, ông Lavater có một tin quan trọng muốn báo với ông...

Và quả nhiên, ngay sau đó là tiếng nói của Marc làn đầu tiên tôi thấy xúc động như vậy:

— Franz phải không? Vấn đề Hassan Fezzali đấy, ông ta vừa tái xuất hiện.

 

[5] Bằng tiếng Anh trong nguyên bản.

[6] Bằng tiếng Anh trong nguyên bản.