“Pablo,” tôi kinh hoàng nói, “anh không biết điều anh vừa nói rồi. Nhường người tình cho kẻ khác để lấy tiền thì đối với chúng ta đó là điều đáng phỉ nhổ nhất. Coi như tôi không nghe thấy điều anh vừa đề nghị, Pablo ạ.”
Anh ta nhìn tôi vẻ thương hại. “Ông không muốn. Đượt thôi, ông Harry ạ. Ông chỉ toàn tự gây khó khăn cho mình thôi. Vậy đêm nay ông không ngủ với Maria, nếu ông thích thế hơn. Dẫu sao hãy cứ đưa tôi tiền, tôi sẽ hoàn lại. Tôi rất cần.”
“Để làm gì?”
“Cho Agostino, ông biết cái cậu nho nhỏ chơi cây vĩ cầm thứ hai ấy. Cậu ta ốm đã tám ngày nay mà chẳng ai chăm sóc; cậu ta không một xu dính túi, còn tôi cũng hết nhẵn tiền rồi.”
Vì tò mò và phần nào cũng để tự trừng phạt mình, tôi cùng đi với anh ta tới thăm Agostino; anh ta mang sữa và thuốc men đến căn phòng của cậu này trên gác xép, một căn phòng thật thảm hại; anh ta giũ chăn nệm, mở cửa cho thoáng khí và quấn thật gọn gàng, điệu nghệ quanh đầu kẻ bị sốt một miếng gạc; anh ta làm rất nhẹn, dịu dàng và thành thạo không khác một nữ y tá giỏi. Cũng tối hôm ấy tôi thấy anh ta chơi nhạc trong quán Đô Thị tới tận sáng.
Tôi thường trò chuyện với Hermine rất lâu và cụ thể về Maria, về hai bàn tay, đôi vai, hông nàng, về cách nàng cười, hôn và khiêu vũ.
“Nàng đã dạy anh cách này chưa?” có lần Hermine hỏi và diễn tả với tôi một kiểu hôn đặc biệt bằng lưỡi. Tôi yêu cầu nàng đích thân chỉ cho tôi, nhưng nàng nghiêm nghị từ chối. “Sau này hẵng hay,” nàng nói, “bây giờ em vẫn chưa là người tình của anh mà.”
Tôi hỏi do đâu Hermine biết nghệ thuật hôn cùng một số đặc điểm bí mật trong cuộc sống của Maria mà chỉ người tình của nàng mới rõ.
“Ô hay,” nàng đáp, “chúng em là bạn bè mà. Bộ anh nghĩ chúng em giữ bí mật trước nhau à? Em ngủ quá thường ở nhà nàng và chơi đùa với nàng mà. Này, thế là anh đã vớ được một cô gái đẹp sành sỏi hơn nhiều người khác đấy nhé.”
“Hermine này, anh nghĩ rằng em với Maria vẫn còn giấu nhau nhiều điều bí mật đấy. Hay em cũng đã nói với nàng hết mọi điều em biết về anh?”
“Không, đó là những chuyện khác mà có lẽ nàng sẽ không hiểu đâu. Maria đúng là tuyệt vời, anh may lắm đấy, nhưng giữa anh và em có những chuyện mà nàng chẳng có ý niệm gì. Em đã nói với nàng nhiều về anh, tất nhiên, nhiều hơn là có lẽ anh muốn lúc đó. Em phải quyến rũ nàng cho anh mà! Nhưng bạn ơi, Maria không đời nào và cũng chẳng có ai khác hiểu anh như em. Em cũng đã biết thêm đôi chút về anh từ nàng đấy nhé. Những gì Maria biết về anh thì em cũng được biết luôn. Em biết anh hầu như rất rõ, chẳng khác mình từng thường ngủ với nhau.”
Lúc gặp lại Maria, tôi có cảm giác kỳ lạ và khó hiểu khi biết nàng cũng thương yêu Hermine như yêu tôi, nàng cũng vuốt ve, hôn hít, thưởng thức, xem xét chân tay, đầu tóc và da thịt Hermine hệt như nàng làm những điều ấy với tôi. Những liên hệ mới, những giao kết mới, những khả năng mới trong tình yêu và cuộc sống, gián tiếp và phức tạp, xuất hiện trước mắt tôi và tôi nghĩ đến một nghìn linh hồn đề cập trong Luận thuyết về Sói Thảo Nguyên.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, giữa lần quen biết Maria và vũ hội hóa trang, tôi gần như rất hạnh phúc, nhưng lại không hề có cảm giác đây là sự cứu rỗi, là niềm hạnh phúc đạt được rồi, mà cảm thấy rất rõ rằng tất cả chỉ là màn giáo đầu và chuẩn bị, mọi thứ cứ cuồng nhiệt xông tới, còn điều chính yếu tới sau.
Tôi học nhảy khá thành thạo rồi, nên thấy nay đã có thể tham dự buổi vũ hội mà mỗi ngày mỗi được bàn tán nhiều hơn ấy. Hermine có một điều bí mật, nàng quyết không tiết lộ với tôi rằng sẽ xuất hiện trong bộ phục trang nào. Tôi sẽ nhận ra nàng mà, nàng bảo, và nếu không thì nàng sẽ giúp tôi, nhưng tôi không được phép biết gì trước. Nàng cũng hoàn toàn chẳng tò mò về những dự tính hóa trang của tôi, còn tôi quyết định sẽ không hóa trang gì cả. Về phần Maria, khi tôi muốn mời nàng cùng đi dự, nàng bảo đã có một bạn nhảy rồi, luôn cả vé vào cửa cho buổi vũ hội nữa. Tôi hơi thất vọng, vì thấy sẽ phải đi một mình. Đó là vũ hội thanh lịch nhất của thành phố, hằng năm được Hội Nghệ sĩ tổ chức trong Sảnh đường Địa Cầu.
Những ngày này tôi ít gặp Hermine, nhưng hôm trước buổi vũ hội nàng tạt qua tôi một lúc - nàng đến để lấy chiếc vé tôi tìm giúp. Nàng hiền lành ngồi chuyện vãn với tôi; buổi trò chuyện này thật lạ lùng và đã gây cho tôi một ấn tượng sâu đậm.
“Bây giờ thì anh tươm lắm rồi,” nàng nói, “khiêu vũ thật là hợp với anh. Ai không gặp anh trong bốn tuần qua hẳn sẽ không nhận ra anh đâu.”
“Đúng vậy,” tôi công nhận, “nhiều năm rồi anh mới lại kha khá như thế này. Tất cả là nhờ em đấy, Hermine ạ.”
“Ô, thế không phải là nhờ cô nàng Maria xinh đẹp của anh à?”
“Không. Cả nàng cũng là món quà em đã tặng anh mà. Nàng thật tuyệt vời.”
“Nàng là người tình mà anh cần, Sói Thảo Nguyên ạ. Xinh đẹp, trẻ trung, tính tình dễ thương, rất mực khôn khéo trong chuyện yêu đương và không phải ngày nào cũng có được. Nếu anh không phải chia sẻ nàng với những kẻ khác, nếu đối với anh nàng không luôn chỉ là một người khách chợt đến chợt đi thì sẽ chẳng được như thế đâu.”
Đúng, tôi cũng phải công nhận điều ấy.
“Thế là anh có đủ mọi thứ anh cần rồi, phải không?”
“Không đâu, Hermine ơi, không phải thế đâu. Anh đã có được một thứ tuyệt đẹp và mê ly, một niềm vui lớn, một niềm an ủi thân thương. Anh hầu như rất hạnh phúc...”
“Đấy! Vậy anh còn muốn gì thêm?”
“Anh muốn nhiều hơn nữa. Anh không hài lòng với việc được hạnh phúc. Anh sinh ra không phải cho chuyện ấy, đó không phải là số phận của anh. Số phận của anh ngược lại.”
“Nghĩa là phải bất hạnh à? Chà, điều này anh từng có thừa rồi mà, hồi đó, khi anh không dám về nhà vì sợ con dao cạo ấy.”
“Không phải vậy đâu, Hermine ơi, chuyện này khác. Hồi đó anh rất bất hạnh, đồng ý. Nhưng đó là một bất hạnh ngớ ngẩn, vô bổ.”
“Sao thế?”
“Vì nếu không thì anh đã chẳng phải mang nỗi sợ này trước cái chết mà anh vẫn ước ao! Điều bất hạnh mà anh cần và khao khát có khác. Nó là thứ khiến anh đau khổ vì đam mê và chết trong hoan lạc. Đó mới chính là sự bất hạnh hoặc hạnh phúc anh chờ đợi.”
“Em hiểu anh. Trong chuyện này mình là anh em. Nhưng điều gì khiến anh phản đối niềm hạnh phúc đã tìm thấy với Maria lúc này? Sao anh không hài lòng?”
“Anh chẳng có gì để phản đối hạnh phúc ấy; không đâu, anh yêu quý nó, anh biết ơn nó chứ. Nó thật rực rỡ như một ngày nắng đẹp trong một mùa hè mưa tầm tã. Nhưng anh cảm thấy nó không lâu bền. Cả thứ hạnh phúc này cũng vô bổ. Nó làm anh hài lòng đấy, nhưng sự hài lòng không phải là thực phẩm cho anh. Nó khiến Sói Thảo Nguyên buồn ngủ, làm con sói no cành. Nhưng đó không phải là thứ hạnh phúc để phải chết vì nó.”
“Nghĩa là cần phải chết ư, Sói Thảo Nguyên?”
“Anh nghĩ rằng cần! Anh rất hài lòng với hạnh phúc của mình, anh còn có thể chịu đựng nổi nó lâu thêm nữa. Nhưng nếu thỉnh thoảng hạnh phúc cho anh được một giờ để anh thức tỉnh và có được khao khát, thì nỗi khát khao của anh hoàn toàn không hướng tới sự giữ gìn hạnh phúc này mãi mãi, mà hứng chịu lại đau khổ, nhưng đẹp và ít thảm hại hơn xưa. Anh thèm khát thứ đau khổ khiến anh sẵn sàng và vui lòng chết.”
Hermine dịu dàng nhìn vào mắt tôi, một cái nhìn đột nhiên rất mực buồn bã. Ôi, đôi mắt tuyệt vời và đáng sợ! Nàng chậm rãi lựa từng lời, đắn đo sắp xếp rồi mới nói thật khẽ khiến tôi phải cố gắng mới nghe được.
“Hôm nay em muốn nói với anh đôi điều, đôi điều em đã biết từ lâu, cả anh cũng biết nữa, nhưng có thể anh chưa nói với chính anh thôi. Bây giờ em nói với anh những điều em biết về em, về anh và về số phận của chúng mình. Harry ơi, anh từng là một nghệ sĩ và nhà tư tưởng, một người đầy niềm vui và niềm tin, lúc nào cũng đi tìm sự vĩ đại và vĩnh cửu, không bao giờ hài lòng với điều tầm thường và đơn giản. Nhưng cuộc đời càng thức tỉnh anh, khiến anh thấu hiểu chính mình bao nhiêu thì tình trạng cùng quẫn của anh càng lớn bấy nhiêu, anh càng chìm sâu thêm, đến tận cổ, trong đau khổ, lo âu, tuyệt vọng; mọi điều trước đây anh thấy là đẹp đẽ, thiêng liêng và anh yêu quý, tôn sùng, mọi niềm tin trước đây của anh vào con người và về sứ mạng cao cả của chúng ta đều đã không thể giúp được anh, chúng đã trở nên vô dụng và nát vụn. Niềm tin của anh không tìm được không khí để thở nữa. Và chết ngộp thì thật đau khổ. Đúng thế không, Harry? Có phải đó là số phận của anh không?”
Tôi gật lấy gật để.
“Đầu óc anh sẵn mang một hình ảnh của cuộc đời, một niềm tin, một đòi hỏi; anh từng sẵn sàng hành động, hứng chịu đau khổ và hy sinh, nhưng rồi dần dà nhận thấy rằng thế giới không đòi hỏi ở anh hành động và hy sinh cùng những điều tương tự, rằng cuộc đời không phải là một thiên anh hùng ca với những vai người hùng và những vai này nọ, mà chỉ là một căn buồng tiện nghi trưởng giả, ở đấy người ta hoàn toàn hài lòng với chuyện ăn uống, cà phê cà pháo, đan vớ, chơi bài Ta rô và nghe nhạc từ radio. Còn ai thích lối sống khác, ai mang trong người chí khí anh hùng, yêu cái đẹp, tôn sùng những thi hào hay các bậc thánh thì người ấy là một kẻ dại khờ, một kỵ sĩ kiểu Don Quichotte. Đấy. Bạn ơi, em cũng từng như thế đấy! Em vốn là một cô gái nhiều năng khiếu, được sinh ra để sống theo một tấm gương cao cả, đặt cho mình những đòi hỏi lớn lao và hoàn thành những nhiệm vụ cao quý. Em có thể chọn cho mình một định mệnh to tát, thành vợ một ông vua, thành người tình một nhà cách mạng, em gái một thiên tài, mẹ một kẻ tuẫn đạo. Nhưng cuộc đời chỉ cho em thành một cô điếm thượng lưu với khiếu thẩm mỹ tàm tạm - chỉ điều này thôi cũng đủ làm em khó khăn rồi! Hoàn cảnh em như thế đấy. Em tuyệt vọng mất một lúc và tự trách mình trong thời gian khá lâu. Cuộc đời nhất định phải luôn luôn có lý, em nghĩ thế, thành thử khi cuộc đời nhạo báng những giấc mộng đẹp của em thì bởi vì chúng vớ vẩn và sai lầm. Nhưng trách móc cũng chẳng ích gì. Và vì mắt em tinh, tai em thính và cũng bởi em hơi tò mò, nên em mới quan sát thật kỹ cái gọi là cuộc đời, quan sát những người quen biết và hàng xóm của em, năm mươi con người cùng số phận, hoặc hơn nữa, và Harry ơi, em thấy rằng những giấc mơ của em là đúng đắn, nghìn lần đúng đắn, cũng như những giấc mở của anh vậy. Còn cuộc đời, thực tại mới nhầm lẫn. Việc một người đàn bà thuộc loại như em không tìm được chọn lựa nào khác hơn là gõ máy chữ, phục vụ một tay giỏi kiếm chác, rồi già đi thảm hại và vô nghĩa hoặc lấy một kẻ giỏi kiếm chác như thế vì tiền, hoặc thành một thứ gái điếm, điều ấy cũng đúng chẳng kém việc một người như anh, cô đơn và nhút nhát, phải tuyệt vọng chụp lấy lưỡi dao cạo. Có thể sự khốn khổ nơi em thiên về vật chất và đạo đức, còn ở anh nặng về tinh thần hơn, nhưng cũng là con đường ấy thôi. Anh cho rằng em không hiểu nổi việc anh sợ hãi điệu Foxtrott, việc anh chán ghét những quán rượu và những sàn nhảy, việc anh không ưa nhạc Jazz cùng mấy thứ vớ vẩn đó ư? Em hiểu quá đi chứ, hiểu luôn cả sự kinh tởm của anh trước chính trị, sự buồn phiền của anh về trò tào lao và bộ tịch vô trách nhiệm của các đảng phái, của báo chí, nỗi tuyệt vọng của anh về chiến tranh, về cuộc chiến vừa qua và sẽ đến, về cung cách ngày nay người ta suy nghĩ, đọc sách báo, xây dựng, soạn nhạc, cử hành lễ lạc, tiến hành giáo dục! Sói Thảo Nguyên ơi, anh có lý, có lý nghìn lần, thế nhưng anh vẫn tiêu vong. Anh đòi hỏi quá nhiều và quá ham muốn đôi với cái thế giới bình dị, thoải mái, dễ hài lòng hiện nay; nó tống anh ra, vì anh vượt trội hơn nó cả một kích cỡ. Ngày nay ai muốn sống và vui hưởng cuộc đời thì người ấy không thể giống như anh và em. Cái thế giới xinh đẹp này đây không phải là quê hương cho kẻ đòi hỏi âm nhạc thật sự thay vì tiếng ò e, hân hoan thay vì lạc thú, tâm hồn thay vì tiền bạc, lao động thật sự thay vì náo nhiệt, đam mê thật sự thay vì đùa nghịch...”
Nàng nhìn xuống sàn nhà, trầm ngâm.
“Hermine,” tôi dịu dàng kêu, “em gái ơi, em nhìn đời rõ biết bao! Thế mà em đã dạy Foxtrott cho anh đấy! Nhưng em nghĩ gì khi bảo rằng những người như chúng ta, những người thừa một kích cỡ, không thể sống ở đây? Nguyên do tại đâu? Chỉ thời đại chúng ta ngày nay mới thế? Hay đã mãi vậy rồi?”
“Em không rõ. Vì danh dự của thế giới nên em muốn cho rằng chỉ thời đại chúng ta mới thế, rằng đó chỉ là một thứ bệnh, một bất hạnh nhất thời. Trong khi các nhà lãnh đạo chuẩn bị bền bỉ và hữu hiệu cho cuộc chiến tranh sắp tới thì lũ chúng ta nhảy nhót, kiếm tiền và ăn sô cô la - trong một thời đại như thế này thì quả thật thế giới phải làm ra vẻ rất thanh đạm. Hy vọng những thời đại trước kia khấm khá hơn và rồi mai đây sẽ lại tốt đẹp hơn, giàu sang hơn, phong phú hơn, tận hưởng hơn. Nhưng chúng mình cũng chẳng khá gì hơn. Có lẽ đã luôn như thế này rồi...”
“Luôn như ngày nay à? Luôn là một thế giới cho lũ chính trị gia, bọn gian thương, đám bồi bàn và bọn ăn chơi, còn chẳng có không khí cho con người sao?”
“Chà, điều này em không biết, không ai biết cả. Vả lại, biết hay không cũng vậy thôi. Nhưng bạn ơi, bây giờ em nghĩ tới người mà anh quý mến và thỉnh thoảng vẫn kể và đọc cả thư cho em nghe, em nghĩ đến Mozart. Chuyện của ông ta như thế nào? Hồi đó ai thống trị thế giới, hớt phần béo bở nhất, giữ vai trò quyết định và được chú ý: Mozart hay những kẻ vụ lợi, Mozart hay đám người tầm thường nông cạn? Ông ta đã chết và được chôn cất như thế nào[17]? Đấy, em nghĩ, có lẽ nó đã và sẽ mãi luôn như thế. Còn cái trong trường học gọi là ‘Lịch sử thế giới’ mà ta phải thuộc lòng để nâng cao kiến thức, với những đấng anh hùng, những bậc thiên tài, những hành động và tình cảm vĩ đại - đó chỉ rặt là dối trá thôi, do mấy ông thầy nghĩ ra cho mục đích giáo dục, để lũ trẻ có chuyện làm trong những năm học đã được quy định[18]. Lũ hèn mọn và tầm thường nắm giữ thời gian và thế giới, tiền tài và quyền lực, còn những người khác, những con người đích thực, lại chẳng có gì hết - ngoài cái chết; điều này đã luôn như thế và sẽ mãi như thế.”
[17] Khi chết, thi hài Mozart bị vùi lấp trong một ngôi mộ tập thể ở Vienne.
[18] Năm 1925, Hesse viết trong “Sơ yếu lý lịch”: “Tuy trong môn học thú vị mà các thầy gọi là Lịch sử thế giới chúng tôi được dạy rằng thế giới luôn luôn được cai trị, lèo lái, thay đổi bởi những con người đặt ra luật lệ riêng của họ và đoạn tuyệt với những luật lệ kế thừa của quá khứ, rằng họ là những bậc đáng kính ngưỡng, nhưng khổ nỗi điều này cũng dối trá như hết thảy môn học nọ, vì khi có ai trong chúng tôi - thành tâm hay không - dám to gan phản kháng bất kỳ một điều cấm đoán nào, hoặc chỉ phản đối một thói quen hay một mốt ngu xuẩn, người đó sẽ chẳng được khen ngợi hay được coi là tấm gương cho chúng tôi, mà còn bị trừng phạt, nhạo báng và bị sức mạnh áp đảo hèn nhát của quý thầy đè bẹp gí.”
“Họ không có gì khác à?”
“Có chứ, sự vĩnh cửu.”
“Em muốn nói tới danh tiếng và vinh quang nơi hậu thế?”
“Không đâu, Sói Thảo Nguyên thân mến ơi, không phải vinh quang - nó có giá trị gì chăng? Bộ anh tưởng mọi con người thật sự chân chính và hoàn hảo đều nổi tiếng và được hậu thế biết đến ư?”
“Không, dĩ nhiên không.”
“Nghĩa là không phải vinh quang rồi nhé. Vinh quang chỉ có cho sự giáo dục thôi, nó là chuyện của các thầy giáo. Đó không phải là vinh quang, không đâu! Nhưng đấy là cái em gọi là sự vĩnh cửu. Những người sùng tín gọi đó là nước Chúa. Em tự nghĩ: hết thảy bọn người chúng ta, những kẻ đòi hỏi cao hơn, mang khát vọng, thừa một kích cỡ, có lẽ không thể nào sống được nếu ngoài thứ không khí của thế giới này ra chẳng có một thứ không khí nào khác để chúng ta thở, nếu ngoài thời gian không có thêm cả sự vĩnh hằng, và đó chính là vương quốc của sự đích thực. Nó bao gồm âm nhạc của Mozart và những bài thơ của các thi hào anh quý mến, nó gồm cả các vị thánh, những bậc đã làm nên phép lạ, đã hứng chịu sự tuẫn đạo và thành một tấm gương vĩ đại cho con người. Nhưng trong sự vĩnh cửu có cả hình ảnh của mỗi hành động chân chính, sức mạng của mỗi tình cảm thật sự, dù không ai biết, trông thấy, ghi chép lại và gìn giữ cho hậu thế. Trong sự vĩnh cửu không có hậu thế, mà chỉ có cùng thế hệ thôi.”
“Em có lý,” tôi nói.
“Những người sùng tín,” nàng trầm ngâm nói tiếp, “biết rõ những điều này hơn cả. Vì thế họ đã dựng nên các vị thánh và cái mà họ gọi là ‘Cộng đồng các thánh’. Các thánh chính là những con người đích thực, là các em của Đấng Cứu Thế. Suốt đời chúng ta tìm đến với họ, bằng mỗi việc thiện, mỗi ý tưởng dũng cảm, mỗi tình thương yêu. ‘Cộng đồng các thánh’ - xưa kia được các họa sĩ minh họa trong một bầu trời dát vàng, rực rỡ, tươi đẹp và đầy yên bình - không là gì khác hơn cái em vừa mới gọi là ‘sự vĩnh cửu’. Đó là một vương quốc ở phía bên kia của thời gian và cái biểu hiện. Chúng ta thuộc về đó; nơi đó là quê hương của chúng ta, con tim chúng ta vươn tới đó, Sói Thảo Nguyên ơi, vì thế nên chúng ta khao khát chết. Ở đó anh sẽ lại tìm thấy Goethe, Novalis và Mozart của anh, còn em sẽ tìm thấy lại những vị thánh của em, thánh Christopher, thánh Philipp xứ Neri và tất cả các vị khác. Trước khi thành thánh, nhiều vị đã phạm tội ghê gớm lắm; cả tội lỗi cũng có thể là một con đường dẫn tới sự thánh thiện, cả tội lỗi và thói hư, tật xấu. Hẳn anh sẽ cười, nhưng em thường tự nghĩ có thể cả anh bạn Pablo của em cũng là một vị thánh đang ẩn mặt. Chao ôi, Harry ơi, chúng ta phải mò mẫm qua bao nhơ bẩn và phi lý đến thế để về nhà! Và chúng ta không có ai dẫn đường, chỉ lối; hướng đạo duy nhất của chúng ta là nỗi nhớ nhà.”
Những lời cuối cùng này nàng lại nói thật khẽ; giờ đây căn phòng tĩnh lặng với vẻ yên bình, mặt trời đang lặn hắt ánh sáng lóng lánh lên những chứ dát vàng trên gáy nhiều quyển trong tủ sách của tôi. Tôi ôm mái đầu Hermine trong đôi tay, hôn lên trán nàng, áp má nàng vào má tôi, như thể anh em; chúng tôi đứng một lúc lâu như thế. Tôi ước ao cứ được mãi thế này và hôm nay không phải đi ra ngoài nữa. Song tối nay, đêm cuối cùng trước buổi đại vũ hội, Maria đã hứa dành cho tôi.
Nhưng trên đường tới gặp Maria tôi lại không nghĩ tới nàng, mà chỉ nghĩ đến những điều Hermine vừa nói. Tất cả những điều này, theo tôi, có lẽ không phải là ý tưởng của chính nàng, mà của tôi; nàng, người có khả năng nhìn thấu những điều vô hình, đã đọc được chúng, đã hấp thụ, rồi thuật lại với tôi, khiến chúng trở nên có hình dáng, thành mới lạ đối với tôi. Tôi đặc biệt biết ơn nàng đã nói ra ý tưởng về sự vĩnh cửu vào lúc ấy. Tôi cần nó, thiếu nó tôi không thể sống và cũng không thể chết. Hôm nay tôi được người bạn gái, đồng thời là cô giáo dạy tôi khiêu vũ, tặng lại cái thế giới bên kia thiêng liêng, phi thời gian, thế giới của giá trị vĩnh cửu, của thực thể thần thánh. Tôi phải nghĩ đến giấc mơ đã gặp Goethe, đến hình ảnh bậc trí giả già nua đã cười cợt quá mức, đã đùa bỡn tôi kiểu những người bất tử. Mãi lúc này tôi mới hiểu tiếng cười của Goethe, tiếng cười của những người bất tử. Nó không có đối tượng, tiếng cười này ấy mà, nó chỉ là ánh sáng, là sự sáng ngời; nó là cái còn sót lại khi một con người đích thực đã trải qua những đau khổ, tật xấu, lầm lạc, đam mê và ngộ nhận của con người, đi vào cõi vĩnh hằng, vào khoảng không của vũ trụ. Và “sự vĩnh cửu” không là gì khác hơn sự giải thoát của thời gian; có thể gọi đó là sự trở về với sự hồn nhiên của nó, sự chuyển hóa trở lại của nó vào không gian.
Tôi tìm Maria nơi chúng tôi thường hay ăn tối với nhau, nhưng nàng chưa đến. Tôi ngồi chờ nàng ở cái bàn đã được bày biện sẵn sàng trong cái quán im ắng ở ngoại ô, đầu óc vẫn còn vương vấn buổi trò chuyện với Hermine. Tôi thấy tất cả những ý tưởng xuất hiện đột ngột giữa nàng và tôi đều rất quen thuộc, đều đã biết từ lâu, được cấu thành từ thần thoại và thế giới hình ảnh của tôi, hoàn toàn của riêng tôi! Những con người bất tử đang sống trong khoảng không phi thời gian, trầm mặc, trở thành hình ảnh, quanh họ là sự vĩnh cửu kết tinh tựa ê te và sự trong sáng lạnh lẽo, rực rõ như trăng sao của cõi siêu trần ấy - từ đâu mà tất cả những điều đó lại quen thuộc với tôi đến thế? Tôi ngẫm nghĩ và chợt nhớ mấy đoạn trong bài Cassations[19] của Mozart, bài Das wohltemperierte Klavier[20] của Bach; tôi thấy dường như trong loại nhạc này đâu đâu cũng rạng ngời thứ ánh sáng mát mẻ lấp lánh sao trời và sự dao động của vĩnh cửu trong vắt tựa ê te. Phải, chính thế, chính âm nhạc này là thứ gì đấy tực như thời gian đông cứng lại thành không gian và một niềm hân hoan siêu phàm, tiếng cười thần thánh bất tuyệt, nhẹ vỗ đôi cách miên viễn bên trên nó. Chà, cụ Goethe già trong giấc mơ của tôi cũng rất hợp vào đấy! Và đột nhiên tôi nghe chung quanh vang dội tiếng cười khó hiểu kia, tôi nghe những người bất tử ấy cười. Tôi ngồi như bị hớp hồn và xuất thần moi túi áo vét tìm bút chì, tìm giấy. Thấy tấm bảng giá rượu vang trước mặt, tôi lật ngược nó lại, viết lên mặt kia những vần thơ mà mãi hôm sau tôi mới lại phát hiện trong túi áo. Những vần thơ ấy như sau:
NHỮNG NGƯỜI BẤT TỬ
Từ những lũng sâu nơi trần thế
Mãi bốc lên tới tận chúng ta nỗi khát khao mãnh liệt của cuộc đời,
Cảnh bần hàn cùng cực, cảnh thừa thãi mê cuồng,
Làn khói đẫm máu của hàng nghìn bữa ăn cuối cùng của đám tử tội,
Khoái lạc vật vã, dục vọng không cùng,
Những bàn tay của lũ sát nhân, những bàn tay của bọn cho vay cắt cổ,
những bàn tay chắp lại của kẻ nguyện cầu,
Bầy người bị nỗi sợ và dục vọng quất túi bụi
Chúng toát mùi thịt sống, nóng ẩm và thối rữa,
Chúng hít thở lạc thú và niềm hưng phấn man dại,
Chúng nhai nhau nghiến ngấu rồi lại ọe ra,
Chúng hoạch định những cuộc chiến tranh và bàn tính về mỹ thuật,
Chúng trang hoàng bằng cuồng vọng ngôi nhà chứa đang ngùn ngụt lửa,
Chúng ăn sống, nuốt tươi và phóng đãng
qua những trò vui chơi nơi chợ phiên huyên náo thế giới trẻ thơ của chúng
Nó vươn lên từ những làn sóng cho mỗi trẻ sơ sinh
Như nó từng rã thành cát bụi cho mỗi con người
Chúng ta, ngược lại, đã ngự
Trong giá băng rực rỡ sao trời trên Thượng giới[21]
Chúng ta không cần biết đến tháng ngày, giờ khắc,
Không phân chia nam nữ, trẻ già.
Tội lỗi hay niềm lo nỗi sợ của các người.
Hành vi sát nhân hay lạc thú nhục dục của các người
Đối với chúng ta chỉ là cảnh tượng như các vầng dương đang luân chuyển,
Đối với chúng ta mỗi một ngày đều là ngày dài nhất.
Chúng ta nhìn xuống cảnh sống nhốn nháo của các người mà lặng lẽ gật gù,
Rồi lặng thinh ngẩng nhìn tinh tú vần xoay.
Chúng ta hít thở mùa đông của vũ trụ,
Làm bạn với thiên long,
Kiếp trường sinh của chúng ta lạnh lẽo và bất biến,
Tiếng cười vĩnh cửu của chúng ta lạnh lẽo và sáng rực ánh sao.
[19] Những tổ khúc ngắn của Mozart.
[20] Klavier: tên gọi chung mọi loại đàn có bàn phím để gõ lên bộ dây - chẳng hạn đàn piano (vì thế trong tiếng Đức Klavier thường được hiểu là dương cầm) - Theo Wikipedia, Das wohltemperierte Klavier (tên tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt là Tuyển tập phức điệu bình quân luật) là một tập hợp những “khúc nhạc dạo đầu” (prelude) và những “fuga” (fugue) hay “tấu khúc” do Johann Sebastian Bach soạn vào những năm 1722 và 1740-1742 cho các loại đàn nói trên.
[21] Thượng giới: một nghĩa của Äther (Ête), nơi Ánh sáng và các thần linh ngự trị (theo thần thoại Hy Lạp).
Rồi Maria đến. Sau bữa ăn vui vẻ tôi cùng nàng đi tới căn phòng nhỏ của chúng tôi. Tối hôm ấy nàng đẹp hơn, nồng nàn hơn, gắn bó hơn bao giờ hết và nàng cho tôi nếm những mơn trớn và đùa giỡn mà tôi cảm thấy đó là sự hiến dâng trọn vẹn.
“Maria,” tôi nói, “bữa nay em hào phóng như một nữ thần. Nhưng chớ làm hai đứa mình thành dở sống dở chết nhé, vì mai là vũ hội hóa trang rồi. Mai em sẽ đi với người bạn nhảy thuộc loại nào? Bông hoa bé nhỏ yêu quý của anh ơi, anh sợ đó là một hoàng tử trong truyện thần thoại và em sẽ bị y bắt cóc, không bao giờ tìm được đường về với anh nữa. Đêm nay em yêu anh khác nào những kẻ yêu nhau tha thiết trước lúc chia tay, chia tay lần cuối.”
Nàng áp sát môi vào tai tôi, thì thầm:
“Đừng nói thế, Harry ơi! Lần nào cũng đều có thể là lần cuối. Nếu Hermine lấy mất anh, anh sẽ không tới với em nữa. Có thể ngày mai nàng lấy mất anh rồi.”
Tôi chưa bao giờ cảm nhận được cái cảm giác đặc biệt mãnh liệt của những ngày này, vừa ngọt ngào vừa cay đắng lạ kỳ, như vào cái đêm trước vũ hội. Điều tôi cảm thấy chính là hạnh phúc: sắc đẹp cùng sự dâng hiến của Maria; tôi tận hưởng, vuốt ve, hít thở hàng trăm thứ dục cảm thanh nhã và tinh tế mà mãi sau này, khi về già, tôi mới tìm hiểu; nó như tiếng róc rách trong một làn sóng đu đưa nhè nhẹ của sự thỏa mãn. Nhưng đó chỉ là lớp vỏ ngoài thôi, còn bên trong mới thật đầy ý nghĩa, căng thẳng, định mệnh; trong khi tôi trìu mến và dịu dàng bận rộn với những chuyện lặt vặt ngọt ngào và xúc động của tình yêu, như thể đang ngụp lặn trong hạnh phúc ấm áp thì lòng tôi cảm thấy định mệnh của mình đang cắm đầu cắm cổ lao tới trước, như con ngựa bị săn đuổi và đánh đập nên sợ hãi, phi về phía vực thẳm, về phía nó sẽ rơi xuống, đầy hãi sợ, đầy khao khát, đầy hiến dâng cho cái chết. Giống như không lâu trước đây tôi còn chống lại sự cẩu thả thoải mái của tình yêu thuần nhục cảm, cũng như từng cảm thấy sợ hãi trước sắc đẹp cười cợt sẵn sàng hiến dâng của Maria, giờ đây tôi cảm thấy sợ hãi trước cái chết - nhưng đó là sự sợ hãi do ý thức rằng chẳng mấy chốc nó sẽ trở thành dâng hiến và giải thoát.
Trong khi chúng tôi lặng lẽ đắm chìm trong những vui thú của tình yêu và thuộc về nhau hơn bao giờ hết thì tâm hồn tôi vĩnh biệt Maria, vĩnh biệt hết thảy những gì liên quan tới nàng và có ý nghĩa với tôi. Tôi đã học được ở nàng, một lần nữa trước khi kết thúc, sự phó thác mình cho trò chơi ngoài mặt của cuộc đời như một đứa trẻ, tìm kiếm những thú vui rất mực phù du, vừa trẻ thơ vừa thú vật trong sự hồn nhiên của giới tính - một trạng thái mà trong cuộc đời trước kia tôi chỉ biết như những ngoại lệ hiếm hoi, vì đối với tôi cuộc sống của giác quan và giới tính hầu như luôn có dư vị cay đắng của tội lỗi, cái hương vị ngọt ngào nhưng bồn chồn của thứ trái cấm mà một người trí thức phải cảnh giác. Nay Hermine cùng Maria đã cho tôi xem khu vườn này với tất cả sự tinh khiết vô tội của nó và tôi thầm biết ơn được là người khách của khu vườn ấy - nhưng sắp đến lúc tôi lại tiếp tục lên đường rồi. Trong khu vườn này quá đẹp và quá ấm. Số phận của tôi là tiếp tục cố đạt tột đỉnh cuộc sống, tiếp tục sám hối tội lỗi vô hạn của cuộc đời. Một cuộc sống dễ dàng, một tình yêu dễ dài, một cái chết nhẹ nhàng - những điều này hoàn toàn không phải cho tôi.
Qua những lời úp úp mở mở của hai nàng tôi đoán rằng người ta dự định sẽ có nhiều thú vui độc đáo và lắm trò trụy lạc tại buổi vũ hội ngày mai, hoặc tiếp sau đó. Có thể đấy sẽ là màn kết thúc, có thể Maria đã linh cảm đúng và đêm nay chúng tôi gần gũi nhau lần cuối, có thể ngày mai bắt đầu cuộc vận hành mới của định mệnh? Tâm hồn tôi chất chứa đầy khát khao nóng bỏng, đầy âu lo đến ngạt thở và tôi cuồng dại ghì chặt Maria, một lần nữa chạy qua mọi lối mòn và bụi rậm trong khu vườn của nàng với ánh mắt bừng bừng thèm khát, một lần nữa cắn vào quả ngọt của cây trái thiên đường.
Hôm sau tôi ngủ bù cho cái đêm thức suốt này. Sáng ra tôi đi xe tới chỗ tắm[22], rồi đi xe về nhà, mệt rã rời, kéo màn cho tối căn phòng ngủ; lúc thay quần áo tôi có thấy bài thơ trong túi, nhưng chẳng buồn xem mà lăn ngay ra giường, quên Maria, quên Hermine cùng buổi vũ hội hóa trang. Tôi ngủ vùi suốt ngày, chiều mới dậy; mãi lúc cạo râu mới sực nhớ chỉ một giờ nữa thôi buổi vũ hội sẽ bắt đầu và tôi phải lúc tìm một chiếc sơ mi trắng để mặc với áo đuôi tôm. Tôi vui vẻ đóng bộ rồi ra khỏi nhà, trước tiên để đi ăn tối.
[22] Ở châu Âu, nhiều ngôi nhà xây vào đầu thế kỷ 20, hoặc trước nữa, không có buồng tắm. Người dân phải sử dụng các nhà tắm công cộng của thành phố.
Đây là buổi vũ hội hóa trang đầu tiên tôi tham dự. Xưa kia, thỉnh thoảng tôi cũng đến những dạ hội kiểu này, đôi khi thấy cũng hay hay, nhưng tôi không nhảy mà chỉ làm khán giả thôi, nên luôn thấy thật là khôi hài khi nghe người khác kể lể và mừng vui chờ đợi nó. Còn hôm nay buổi vũ hội cũng là một biến cố đối với tôi và tôi hân hoan chờ đón với tâm trạng căng thẳng và không phải không âu lo. Vì không dẫn theo bạn nhảy nữ nên tôi quyết định sẽ đến đó trễ, chính Hermine cũng đã khuyên như thế.
Dạo gần đây tôi hiếm khi tới quán Mũ Sắt, chốn ẩn dật của tôi ngày trước, nơi những người đàn ông chán nản ngồi cho qua buổi tối, nốc vang, đóng vai thanh niên độc thân; quán ấy không còn phù hợp với cuộc sống hiện giờ của tôi nữa. Song tối nay tôi lại bị kéo tới đó, hoàn toàn tự động. Trong tâm trạng hân hoan lẫn âu lo trước định mệnh và sự vĩnh biệt, cái tâm trạng đang chết ngự tâm hồn tôi lúc ấy, mọi chốn tôi đã dừng chân và mọi nơi ghi dấu hồi tưởng trong đời tôi đều ngời lên một lần nữa vẻ huy hoàng tươi đẹp đau đớn của quá khứ, và như thế có cả cái quán nhỏ mù khói thuốc lá, nơi gần đây tôi còn là một trong những khách hàng quen thuộc, nơi trước đây không lâu cái chất làm đê mê tầm thường của một chai vang nhẹ trong vùng cũng đã đủ để động viên tôi lại trở về được một đêm với cái giường cô quạnh của mình, để có thể chịu đựng thêm một ngày của cuộc sống. Từ ấy tôi đã thử những thứ thuốc khác, kích thích mạnh hơn, đã nuốt những chất độc ngọt ngào hơn. Tôi mỉm cười bước vào cái quán ngày trước ấy, được bà chủ đon đả và những người khách quen thuộc đang trầm mặc khẽ gật đầu chào đón. Bà giới thiệu món gà tơ quay rồi bưng cho tôi một con; vang Alsace màu tươi - loại còn non - được rót vào chiếc ly thủy tinh dày kịch kiểu nông thôn; những chiếc bàn gỗ sạch sẽ màu trắng và lớp ván ốp tường cũ kỹ màu vàng thân mật nhìn tôi. Trong lúc ăn uống, lòng tôi trào lên cảm giác của sự tàn phai cùng buổi tiệc chia ly, cái cảm giác ngọt ngào và đớn đau thầm kín của mối gắn bó tuy chưa hề tách rời hẳn, nhưng nay đã đủ chín muồi để chia ly với mọi nơi và mọi sự vật trong cuộc đời trước kia của tôi. Con người “hiện đại” gọi thế là đa cảm; y không còn yêu quý những sự vật này nữa, kể cả chiếc ô tô là thứ thiêng liêng nhất của y mà y hy vọng sớm có thể đổi sang một hiệu khác tốt hơn. Con người hiện đại này táo bạo và tự tin, tháo vát, khỏe mạnh, lạnh lùng và nghiêm ngặt, một mẫu người xuất sắc; y sẽ chứng tỏ điều này một cách phi thường trong cuộc chiến tranh sắp tới. Tôi chẳng màng gì mấy thứ ấy, tôi là người không hiện đại cũng chẳng lạc hậu, tôi đã thoát ra khỏi thời gian, tôi thôi thúc mình cận kề cái chết và quyết tâm vươn tới cái chết. Tôi chẳng còn chống đối gì sự đa cảm, ngược lại tôi mừng và biết ơn khi còn cảm thấy trong trái tim đã khô héo của mình chút gì đấy như thể cảm xúc. Cho nên tôi đã thả hồn mình vào những kỷ niệm với ngôi quán cũ kỹ này, vào nỗi quyến luyến của tôi với những chiếc ghế cũ kỹ cục mịch, thả hồn vào mùi khòi thuốc và rượu vang, vào một thoáng của thói quen, của hơi ấm, của một cái gì đấy giống như Tổ quốc mà tất cả những điều này đã tạo cho tôi. Tạ từ đi thôi, lòng tôi khẽ bảo. Tôi yêu cái ghế cứng ngắc này, cái ly nhà quê này, yêu vị trái cây mát lạnh của vang Alsace, yêu sự thân thiết giữa tôi với tất cả và với mỗi thứ trong căn phòng này, yêu gương mặt của những người mơ màng ngồi uống rượu, những kẻ thất vọng mà tôi từng là anh em của họ từ lâu. Những gì tôi cảm nhận ở đây chính là sự đa cảm trưởng giả, đượm chút hương vị lãng mạn lỗi thời của quán rượu thời tôi còn nhỏ, khi mà tửu lầu, rượu vang và thuốc lá vẫn còn là những món kỳ lạ và tuyệt vời, bị cấm đoán. Nhưng chẳng con sói thảo nguyên nào nhổm dậy, nhe nanh xé tan tính đa cảm của tôi ra thành từng mảnh. Tôi ngồi thanh thản ở đấy, nóng bừng bởi quá khứ, bởi tia sáng yếu ớt của một vì sao vừa tắt lịm.
Một người bán hàng rong bước vào quán mời hạt dẻ nướng, tôi mua một vốc. Một bà lão bán hoa bước vào, tôi mua vài bông cẩm chướng tặng bà chủ quán. Chỉ khi tôi định trả tiền mà tìm mãi không thấy cái túi áo khoác quen thuộc, mới sực nhớ mình đang mặc áo đuôi tôm. Vũ hội hóa trang! Hermine!
Nhưng hãy còn quá sớm, tôi lưỡng lự có nên tới Sảnh đường Địa Cầu ngay bây giờ chưa. Vả lại, tôi cảm thấy - như mọi lần vui chơi trong thời gian gần đây - lòng mình đầy phản kháng và ngần ngại, một mối ác cảm đối với việc vào trong những sảnh đường rộng lớn, đông nghẹt và quá ồn ào, một sự nhút nhát kiểu học trò trước những bầu không khí xa lạ, trước thế giới của những kẻ ăn chơi, trước cảnh khiêu vũ.
Tôi lững thững đi ngang một rạp xi nê, thấy đèn đuốc và những tấm quảng cáo màu mè khổng lồ sáng lóa; qua được vài bước tôi quay lại, vào rạp. Tôi có thể thoải mái ngồi yên ở đây trong bóng tối đến quãng mười một giờ. Theo anh chàng soát vé cầm đèn bấm dẫn đường, tôi bước cao bước thấp đi qua tấm màn cửa vào căn phòng âm u, tìm được một chỗ ngồi rồi bỗng dưng thấy mình ở ngay trong Cựu Ước. Đây là một trong những bộ phim trên danh nghĩa không phải để hốt bạc, lại được quay thật công phu và tốn kém vì những mục đích cao cả và thiêng liêng, nên thậm chí học trò còn được các ông thầy dạy giáo lý dẫn tới xem suất xế trưa. Phim diễn tả sự tích Moses[23] và dân Do Thái thời ở Ai Cập, với cơ man người, ngựa, lạc đà, dinh thự, sự huy hoàng của các Pharaon và nỗi thống khổ của dân Do Thái trong sa mạc nóng bỏng. Tôi thấy Moses - một Moses tuyệt đẹp trên sân khấu, tóc tai chải chuốt hao hao bắt chước Walt Whitman[24] - chốn cây gậy dài, bước chân như của thầm Wotan[25], sôi nổi và buồn bực đi qua sa mạc, dẫn đầu đám dân Do Thái. Tôi thấy ông cầu khẩn Chúa Trời nơi Biển Đỏ, rồi Biển Đỏ tẽ ra, để lộ một con đường, một cái khe giữa hai làn nước bị chặn lại tựa núi cao vòi vọi (các cậu học trò chịu lễ kiên tin[26] được ông linh mục dẫn xem bộ phim tôn giáo này sẽ tranh cãi dài dài việc các nhà quay phim dựng cảnh nọ bằng cách nào), tôi thấy nhà tiên tri băng qua biển trên con đường ấy cùng với đám dân hãi sợ, thấy chiến xa của Pharaon xuất hiện phía sau họ, thấy quân Ai Cập thảng thốt và lưỡng lự nơi bở biển, rồi táo bạo tiến theo, thấy hai núi nước ập vào nhau, vùi lấp Pharaon giáp trụ vàng rực rỡ cùng các chiến xa và binh lính của y, tôi không khỏi nhớ đến bài song ca bất hủ của Händel cho hai giọng trầm, ca ngợi thật tuyệt vời biến cố này. Tôi tiếp tục thấy Moses leo lên núi Sinai, một đấng anh hùng u sầu trên núi đá hoang vu ảm đạm và thấy Đức Jehova đã dùng bão tố, phong ba và sấm chớp truyền cho ông mười điều răn[27] như thế nào, trong khi dưới chân núi đám dân hèn hạ của ông dựng tượng con bê vàng và buông thả vào những trò tiêu khiển khá cuồng nhiệt. Tôi thật rất lạ lùng và không tin nổi đã cùng xem tất cả những chuyện này, những sự tích thiêng liêng cùng với các anh hùng và phép lạ - những sự tích mà thời thơ dại xưa kia đã hé mở cho chúng tôi trí tưởng tượng mơ hồ đầu tiên về một thế giới khác, một thế giới siêu phàm - tại nơi đây, trước đám khán giả trả tiền vào cửa để được xem với lòng đầy biết ơn và đang lặng lẽ nhai những ổ bánh mì con mang theo từ nhà. Đây quả là một tấm hình rời nho nhỏ xinh xắn từ đống hàng khổng lồ rẻ tiền và bán tống bán tháo văn hóa của thời đại này. Chúa ơi, để điều tồi tệ này đừng xảy ra thì tốt hơn lẽ ra ngày trước không chỉ người Ai Cập, mà cả người Do Thái và hết thảy mọi người khác cũng nên bị diệt vong luôn, chết bằng bạo lực và thích đáng, thay vì chết mòn ghê rợn như chúng ta ngày nay. Thế đấy!
[23] Moses: theo Cựu Ước, hơn 1000 năm trước Công nguyên, ông được Chúa Trời giao sứ mạng giải thoát dân Chúa (dân Do Thái) khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, đưa họ vượt bao trở ngại - như Biển Đỏ và sa mạc Sinai - trong cuộc hành trình gian khổ kéo dài “40 năm” về miền Đất Hứa.
[24] Walt Whitman (1819-1892): nhà thơ Mỹ nổi tiếng.
[25] Wotan: còn gọi là Wodan hay Odin, một vị thần của tộc German.
[26] Còn gọi là “lễ thêm sức”, tiếp nhận các thiếu niên đạo Tin Lành đạt đủ trình độ cơ bản về giáo lý làm thành viên chính thức của họ đạo.
[27] Mười điều răn này trở thành luật đạo Do Thái.
Những ngại ngùng thầm kín, nỗi e ngại ngấm ngầm của tôi trước buổi khiêu vũ hóa trang không giảm đi sau cuốn phim và sự kích thích của nó, mà còn tăng thêm thật khó chịu và tôi đã phải nghĩ tới Hermine để cuối cùng tự thúc đẩy mình đi xe đến Sảnh đường Địa Cầu và vào trong đấy. Lúc ấy đã muộn rồi và buổi dạ vũ đã đến hồi náo nhiệt nhất từ lâu; tôi, tỉnh rượu và nhút nhát, chưa kịp cởi áo khoác, đã lọt ngay vào một đám người mang mặt nạ xô đẩy nhau dữ dội; họ thân mật thụi tôi, các cô gái đòi tôi dẫn đến quầy sâm banh, các anh hề vỗ mạng vai tôi, gọi tôi là bồ tèo. Tôi không tham gia mà vất vả luồn lách trong những căn phòng đầy ứ người tới chỗ gửi áo khoác. Khi được trao thẻ số, tôi hết sức cẩn thận cất vào túi áo, thầm nghĩ chắc lại sắp dùng đến nó, khi chán cảnh huyên náo này.
Vũ hội diễn ra trong khắp mọi phòng của tòa nhà lớn; sảnh đường nào cũng có khiêu vũ, cả dưới tầng hầm; mọi hành langvà cầu thang đều tràn ngập người hóa trang, khiêu vũ, âm nhạc, tiếng cười và cảnh đeo đuổi ve vãn. Tôi bối rối lách qua đám đông, từ chỗ ban nhạc da đen tới ban nhạc đồng quê, từ chính sảnh to rộng sáng choang đến các lối đi, cầu thang gỗ, các quầy rượu, những quầy thức ăn, tới những quầy rượu sâm banh. Các bức tường phần lớn treo những bức tranh vui nhộn và hoang dại của những họa sĩ rất trẻ. Nơi đây có đủ mọi hạng người, nghệ sĩ, nhà báo, học giả, doanh nhân và tất nhiên toàn giới ăn chơi của thành phố. Ở một trong các dàn nhạc có Mister[28] Pablo đang ngồi say sưa thổi chiếc kèn uốn cong của anh; khi nhận ra tôi, anh lớn tiếng chào như hát. Tôi bị đám đông xô đẩy hết vào phòng này tới phòng khác, hết lên cầu thang lại xuống cầu thang; một lối đi trong tầng hầm được các nghệ sĩ dàn cảnh thành địa ngục và ở đấy có một ban nhạc quỷ sứ chơi như hóa cuồng. Dần dần tôi bắt đầu chăm chú tìm Hermine và Maria. Nhiều phen tôi cố chen vào phòng chính, nhưng lần nào cũng nhầm đường hoặc bị đám đông cản lối. Tới nửa đêm vẫn chưa tìm thấy một ai, chưa khiêu vũ mà tôi đã nóng ran và chóng mặt; buông mình xuống chiếc ghế gần nhất, giữa những người lạ hoắc, tôi gọi rượu vang và nhận thấy những buổi lễ hội ồn ào thế này chẳng hợp tí nào với một kẻ già nua như mình. Tôi chán nản uống ly vang, đăm đăm nhìn những cánh tay và lưng trần của đám phụ nữ, nhìn những hình hài
[28] Tiếng Anh trong nguyên bản.