TÍN NGƯỠNG TƯ BẢN
Tiền bạc là yêu cầu thiết yếu cho công cuộc xây dựng đế quốc lẫn thúc đẩy khoa học. Nhưng có phải tiền bạc là mục tiêu cuối cùng của những công cuộc này hay chỉ là một nhu cầu nguy hiểm?
Không dễ để nắm bắt được vai trò thực sự của kinh tế trong lịch sử hiện đại. Rất nhiều đầu sách viết về việc tiền bạc đã xây dựng và hủy hoại những quốc gia, đã mở ra những chân trời mới và biến hàng triệu người thành nô lệ, đã di chuyển những bánh xe kĩ nghệ, và đã đẩy hàng trăm loài vào tình trạng tuyệt chủng như thế nào. Tuy nhiên, để hiểu lịch sử kinh tế hiện đại, thực ra chỉ cần hiểu một từ duy nhất. Từ này là sự tăng trưởng. Dù có tốt hơn hay tệ hơn, lúc ốm đau lẫn khi khỏe mạnh, nền kinh tế hiện đại đã phát triển như một thiếu niên được tiêm hoóc-môn. Nó hấp thụ mọi thứ có thể tìm thấy, và tăng trưởng nhanh hơn ta có thể ước tính.
Nền kinh tế giữ nguyên quy mô trong hầu hết các giai đoạn lịch sử. Đúng là sản lượng toàn cầu đã tăng lên, nhưng hầu hết là do tình trạng tăng dân số, và việc định cư ở những vùng đất mới. Sản lượng bình quân đầu người vẫn không thay đổi. Nhưng mọi thứ đã thay đổi ở thời hiện đại. Năm 1500, sản lượng hàng hoá và dịch vụ trên toàn thế giới tương đương khoảng 250 tỉ đô-la; ngày nay nó dao động ở tầm 60.000 tỉ đô-la. Quan trọng hơn, vào năm 1500, sản lượng bình quân đầu người hằng năm trung bình là 550 đô-la, trong khi ngày nay, mọi người, nam nữ và trẻ em, trung bình sản xuất khoảng 8.800 đô-la một năm. Điều gì có thể giải thích cho sự tăng trưởng kỳ diệu này?
Kinh tế học là một chủ đề nổi tiếng phức tạp. Để có thể hiểu được mọi vấn để dễ dàng hơn, chúng ta hãy hình dung một ví dụ đơn giản.
Samuel Greedy, một nhà tài chính thông minh, sáng lập ra một ngân hàng ở El Dorado, California.
A. A. Slyter, một nhà thầu tháo vát sống ở El Dorado, khi kết thúc công việc lớn đầu tiên, nhận được thanh toán bằng tiền mặt lên tới 1 triệu đô-la. Ông liền gửi số tiền này vào ngân hàng của Greedy. Ngân hàng lúc đó có số vốn 1 triệu đô-la.
Trong khi đó, Jane McDoughnut, một đầu bếp giàu kinh nghiệm nhưng nghèo ở El Dorado, nghĩ rằng cô nhìn thấy một cơ hội kinh doanh – không có tiệm bánh nào thực sự ngon trong khu phố của cô. Nhưng cô không có đủ tiền để mua một cơ sở thích hợp, trang bị đầy đủ những lò nướng, chậu rửa, dao và nồi chảo. Cô đến ngân hàng, trình bày kế hoạch kinh doanh của mình với Greedy, và thuyết phục ông rằng đó là một vụ đầu tư sinh lợi. Ông đồng ý cho cô vay số tiền 1 triệu đô-la, bằng việc ghi số tiền nợ đó vào tài khoản ngân hàng của cô.
McDoughnut sau đó thuê nhà thầu Slyter xây dựng và trang bị cho tiệm bánh của cô. Giá thuê Slyter là 1 triệu đô-la.
Khi cô trả công bằng một tấm séc trích từ tài khoản của cô, Slyter đem gửi số tiền đó vào tài khoản cá nhân ở ngân hàng của Greedy.
Như vậy, Slyter có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng của mình? Đúng, 2 triệu đô-la.
Bao nhiêu tiền, tiền mặt, thực sự nằm trong két sắt của ngân hàng? Vâng, 1 triệu đô-la.
Chuyện không dừng lại ở đó. Do thói quen của nhà thầu, sau hai tháng vào việc, Slyter thông báo với McDoughnut rằng, do những vấn đề và chi phí bất ngờ, hoá đơn cho công việc xây dựng tiệm bánh thực tế là 2 triệu đô-la. McDoughnut không hài lòng, nhưng cô khó có thể ngừng công việc nửa chừng. Vì vậy, cô đến ngân hàng lần nữa, thuyết phục Greedy cho cô vay thêm một món tiền, và ông đặt thêm khoản nợ 1 triệu đô-la vào tài khoản của cô. Cô chuyển tiền vào tài khoản của nhà thầu.
Giờ đây Slyter có bao nhiêu tiền trong tài khoản của mình? Ông có 3 triệu đô-la. Nhưng bao nhiêu tiền thực sự nằm trong két sắt ngân hàng? Vẫn chỉ là 1 triệu đô-la. Trong thực tế, vẫn là món tiền 1 triệu đô-la trong ngân hàng từ đầu đến giờ.
Luật ngân hàng Mỹ hiện hành cho phép nhà băng có thể lặp lại hoạt động này bảy lần. Cuối cùng nhà thầu có thể sẽ có 10 triệu đô-la trong tài khoản của mình, mặc dù ngân hàng vẫn chỉ có 1 triệu đô-la trong tài khoản. Các ngân hàng được phép cho vay 10 đô-la cho mỗi 1 đô-la mà họ thực sự sở hữu, có nghĩa là 90% tất cả số tiền trong các tài khoản ngân hàng của chúng ta không phải là tiền kim loại và tiền giấy có thể rút được. Nếu tất cả các chủ tài khoản ngân hàng Barclays đột nhiên đòi rút tiền của họ, Barclays sẽ sụp đổ ngay lập tức (trừ phi chính phủ can thiệp vào để cứu nó). Điều này cũng sẽ xảy ra với những ngân hàng như Lloyds, Deutsche Bank, Citibank, và tất cả những ngân hàng khác trên thế giới.
Nghe có vẻ giống như một mô hình Ponzi đa cấp khổng lồ? Nhưng nếu đó là một sự lừa đảo, thì toàn bộ nền kinh tế hiện đại về bản chất cũng là một sự lừa đảo. Thực ra, nó không phải là một trò lừa gạt, mà đúng hơn là một phần trong khả năng tưởng tượng tuyệt vời của con người. Những gì cho phép các ngân hàng – và toàn bộ nền kinh tế – có thể tiếp tục tồn tại và phát triển được, là kỳ vọng của chúng ta vào tương lai. Sự kỳ vọng này là cơ sở duy nhất cho hầu hết tiền bạc trên thế giới.
Trong ví dụ về tiệm bánh, sự khác biệt giữa số liệu tài chính của nhà thầu và số tiền thực tế trong ngân hàng chính là tiệm bánh của McDoughnut. Greedy đã bỏ tiền của ngân hàng vào một tài sản, tin tưởng rằng một ngày nào đó nó sẽ sinh lợi. Tiệm bánh chưa nướng một ổ bánh nào, nhưng McDoughnut và Greedy dự đoán một năm sau sẽ bán được hàng ngàn ổ bánh mì, bánh cuộn, bánh ga-tô, bánh quy mỗi ngày và thu lãi lớn. McDoughnut khi đó sẽ có thể trả khoản tiền vay của cô cùng với tiền lãi. Nếu tại thời điểm đó, Slyter quyết định rút khoản tiết kiệm của mình, Greedy sẽ có đủ tiền mặt để trả. Do đó, toàn bộ nền kinh tế được thiết lập dựa trên sự kỳ vọng vào một tương lai giả định – sự kỳ vọng của những doanh nhân và ngân hàng vào tiệm bánh trong các giấc mơ của họ, cùng với sự kỳ vọng của nhà thầu vào khả năng thanh toán trong tương lai của ngân hàng.
Chúng ta vừa thấy rằng tiền là một thứ đáng kinh ngạc, vì nó có thể đại diện cho vô vàn những đối tượng khác biệt và hầu như có thể chuyển đổi qua lại giữa mọi thứ. Tuy nhiên, trước kỷ nguyên hiện đại, khả năng này bị giới hạn. Trong hầu hết các trường hợp, tiền chỉ có thể đại diện và chuyển đổi thành những gì thực sự hiện hữu. Điều đó đã áp đặt một giới hạn khắt khe lên sự tăng trưởng, vì nó đã khiến việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động thương nghiệp trở nên rất khó khăn.
Hãy xem xét tiệm bánh của chúng ta một lần nữa. Liệu McDoughnut có thể mở tiệm bánh nếu tiền chỉ có thể đại diện cho những đối tượng hữu hình? Không, hiện tại, cô có rất nhiều ước mơ, nhưng lại không có những nguồn lực hữu hình. Cách duy nhất để xây tiệm bánh của cô là tìm một nhà thầu sẵn sàng làm việc hôm nay và sẽ nhận thanh toán tiền công trong một vài năm nữa, nếu và khi tiệm bánh bắt đầu kiếm ra tiền. Than ôi, những nhà thầu như vậy thuộc dạng rất hiếm. Vì vậy, doanh nhân của chúng ta đã bị ràng buộc. Nếu không có tiệm bánh, cô không thể làm bánh. Nếu không có bánh làm ra, cô không thể kiếm được tiền. Nếu không có tiền, cô không thể thuê nhà thầu. Nếu không có nhà thầu thì cô không có tiệm bánh.
Loài người bị mắc kẹt trong tình trạng khó khăn này đã hàng ngàn năm. Kết quả là, các nền kinh tế vẫn tiếp tục bị đóng băng. Cách thoát khỏi cái bẫy này chỉ được tìm ra trong kỷ nguyên hiện đại, với sự xuất hiện của một hệ thống mới dựa trên sự kỳ vọng vào tương lai. Trong đó, con người chấp nhận hình dung ra hàng hoá ảo – vốn không tồn tại trong hiện tại – với một dạng đặc biệt của tiền mà họ gọi là “tín dụng”. Tín dụng cho ta khả năng xây dựng hiện tại bằng chi phí của tương lai. Nó được thiết lập dựa trên giả định rằng những nguồn lực tương lai chắc chắn sẽ dồi dào hơn những nguồn lực hiện tại. Một loạt các cơ hội mới và tuyệt vời mở ra nếu chúng ta có thể xây dựng những thứ trong hiện tại bằng thu nhập tương lai.
Nếu tín dụng là một điều tuyệt vời như vậy, tại sao không ai nghĩ đến nó trước đây? Dĩ nhiên con người đã nghĩ đến. Những thỏa thuận tín dụng ở dạng này hay dạng khác đã tồn tại trong mọi nền văn hoá từng biết đến của con người, chí ít là từ thời Sumer cổ đại. Trong những thời kỳ trước, không phải không có người có ý tưởng hoặc biết cách dùng nó thế nào. Vấn đề là mọi người hiếm khi muốn tăng lượng vốn tín dụng, vì họ chẳng mấy tin tương lai sẽ tốt hơn hiện tại. Họ thường tin rằng quá khứ tốt đẹp hơn so với hiện tại, rằng tương lai sẽ còn tệ hơn, khả quan lắm thì cũng chỉ bằng hiện tại là cùng. Theo thuật ngữ kinh tế, họ tin rằng tổng lượng của cải là giới hạn, nếu không muốn nói là suy giảm. Do đó, họ thấy quá liều lĩnh khi giả định rằng cá nhân họ, hay vương quốc của họ, hay toàn thế giới, sẽ sản xuất được nhiều của cải hơn trong chục năm nối tiếp sau đó. Kinh doanh giống như một trò chơi có tổng bằng không. Dĩ nhiên, lợi nhuận của một tiệm bánh đặc biệt nào đó có thể tăng, nhưng chỉ dựa trên thiệt hại của những tiệm bánh bên cạnh. Venice có thể phát triển thịnh vượng, nhưng chỉ bằng cách vắt kiệt Genoa. Nhà vua Anh có thể làm giàu cho bản thân, nhưng chỉ bằng cách cướp bóc của vua nước Pháp. Bạn có thể cắt chiếc bánh theo nhiều cách khác nhau, nhưng nó không bao giờ biến thành chiếc bánh lớn hơn.
Điều này giải thích tại sao nhiều nền văn hoá đã kết luận rằng kiếm nhiều tiền là tội lỗi. Như Jesus đã nói, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn kẻ giàu đặt chân vào vương quốc của Chúa” (Matthew 19:24). Nếu chiếc bánh là y nguyên, và tôi có một miếng bánh lớn, thì tôi hẳn phải lấy phần của một người nào khác. Người giàu đã bị buộc phải ăn năn sám hối cho hành vi độc ác của họ, bằng cách đem của cải dư thừa đi làm từ thiện.
Thế lưỡng nan của người khởi nghiệp
Nếu chiếc bánh toàn cầu giữ nguyên kích thước thì sẽ không có chỗ cho việc vay tín dụng. Tín dụng là sự chênh lệch giữa chiếc bánh ngày nay và chiếc bánh ngày mai. Nếu chiếc bánh trước sau không đổi, tại sao lại phải vay tín dụng? Nó sẽ là một việc liều lĩnh không chấp nhận được, trừ phi bạn tin rằng người thợ làm bánh hoặc nhà vua hỏi vay tiền của bạn có thể lấy cắp một lát bánh từ đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, thật khó để có thể vay mượn trong thế giới thời kỳ tiền hiện đại, và khi bạn nhận được một khoản vay như thế, nó thường là khoản vay nhỏ, ngắn hạn, chịu lãi suất cao. Do đó, những người khởi nghiệp thấy thật khó để mở những tiệm bánh mới, và các vị vua vĩ đại muốn xây cung điện hay phát động chiến tranh, không có lựa chọn nào khác để tăng nguồn tài chính cần thiết ngoài cách tăng các loại thuế.
Vòng tròn ma thuật của nền kinh tế hiện đại
Việc này vẫn ổn với các vị vua (miễn là thần dân của họ vẫn dễ bảo như cũ), nhưng với một người hầu gái làm việc ở phòng rửa bát, đang có một ý tưởng lớn là mở một tiệm bánh mì và muốn vươn lên trong xã hội, nói chung chỉ có thể mơ đến sự giàu có trong khi cọ rửa sàn nhà bếp của hoàng gia.
Đây chính là tình huống đôi bên cùng thua thiệt. Vì nguồn tín dụng bị hạn chế, người dân gặp khó khăn khi tìm vốn cho hoạt động thương nghiệp mới. Vì có rất ít hoạt động thương nghiệp mới, kinh tế sẽ không tăng trưởng. Vì kinh tế không tăng trưởng, người ta cho rằng nó sẽ không bao giờ tăng trưởng, và những người có vốn cũng thận trọng trong việc cho vay tín dụng. Dự báo về sự đình trệ đã tự ứng nghiệm thành sự thật.
Miếng bánh đang lớn dần
Thế rồi Cách mạng Khoa học và ý tưởng về sự tiến bộ đã xuất hiện. Ý tưởng về sự tiến bộ được xây dựng dựa trên quan niệm, nếu chúng ta thừa nhận sự ngu dốt của mình và đầu tư các nguồn lực vào nghiên cứu, thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Ý tưởng này đã sớm được chuyển thành những thuật ngữ kinh tế. Bất cứ ai tin tưởng vào sự tiến bộ đều tin rằng những phát kiến địa lý, phát minh khoa học kĩ thuật và phát triển về mặt tổ chức có thể làm tăng tổng sản lượng hàng hoá, hoạt động thương mại và sự giàu có của con người. Những tuyến đường thương mại mới ở Đại Tây Dương có thể phát triển mạnh mẽ mà không làm hỏng những tuyến đường cũ ở Ấn Độ Dương. Các loại hàng hoá mới có thể được sản xuất mà không làm giảm sản lượng của các hàng hoá cũ. Ví dụ, một người có thể mở một tiệm bánh mới chuyên bán bánh sô-cô-la và bánh sừng bò mà không làm cho những tiệm bánh chuyên bán bánh mì bị phá sản. Mọi người chỉ đơn giản là phát triển những khẩu vị mới và ăn nhiều hơn. Tôi có thể giàu có mà không làm bạn nghèo; tôi có thể ăn đến béo phì và không có chuyện bạn phải chết đói. Toàn bộ chiếc bánh toàn cầu có thể nở ra.
Tóm tắt lịch sử kinh tế thế giới
Trong hơn 500 năm qua, ý tưởng về sự tiến bộ đã thuyết phục con người đặt ngày càng nhiều niềm tin vào tương lai. Sự tin tưởng này đã tạo ra nguồn tín dụng; tín dụng đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế thực sự; và sự tăng trưởng củng cố niềm tin vào tương lai, mở đường cho càng nhiều lượng tín dụng thêm nữa. Quá trình đó không diễn ra trong phút chốc – nền kinh tế hoạt động giống một tàu siêu tốc lượn lên lượn xuống hơn là một quả bóng bay. Nhưng về lâu dài, khi những chỗ gập ghềnh được san phẳng, chiều hướng tổng thể là cực kỳ rõ nét. Ngày nay, có quá nhiều lượng tín dụng trên thế giới để chính phủ, các tập đoàn kinh tế và các hộ kinh doanh cá thể có thể dễ dàng nhận được những khoản vay lớn, dài hạn với lãi suất thấp vượt xa thu nhập hiện tại.
Niềm tin vào việc chiếc bánh toàn cầu đang nở ra cuối cùng đã dẫn đến sự thay đổi to lớn. Năm 1776, nhà kinh tế học người Scotland, Adam Smith đã xuất bản cuốn Của cải của các dân tộc (The Wealth of Nations), đây có lẽ là bản tuyên ngôn kinh tế học quan trọng nhất mọi thời đại. Trong chương 8 của tập 1, Smith đã đưa ra lập luận mới lạ sau đây: khi một chủ đất, một người thợ dệt, hoặc một người thợ đóng giày có được lợi nhuận nhiều hơn nhu cầu mà anh ta cần để nuôi gia đình, anh ta sẽ dùng phần thặng dư để thuê thêm người giúp việc làm tăng thêm lợi nhuận của mình. Càng nhiều lợi nhuận, càng có thể thuê nhiều người giúp việc hơn. Suy ra sự gia tăng lợi nhuận của những cá nhân khởi nghiệp sẽ là cơ sở cho việc gia tăng sự giàu có và thịnh vượng của tập thể.
Bạn có thể không coi đây là một ý tưởng đột phá, vì tất cả chúng ta đang sống trong một thế giới tư bản đã tiếp nhận lập luận của Smith như một điều hiển nhiên. Chúng ta nghe các biến thể của chủ đề này trong những tin tức hằng ngày. Tuy nhiên, tuyên bố của Smith cho rằng ham muốn vị kỷ mạnh mẽ của loài người muốn tăng lợi nhuận cá nhân là cơ sở cho sự giàu có của tập thể, chính là một trong những ý tưởng đột phá nhất trong lịch sử loài người – đột phá không chỉ từ viễn kiến kinh tế, mà còn cả từ viễn kiến đạo đức và chính trị. Thực tế, Smith nói rằng tham lam thì tốt, và bằng cách trở nên giàu có hơn, tôi đã đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, không chỉ cho riêng bản thân mình. Vị kỷ chính là vị tha.
Smith đã dạy mọi người suy nghĩ về nền kinh tế như là một “tình huống đôi bên cùng có lợi”, trong đó lợi nhuận của tôi cũng là lợi nhuận của bạn. Không chỉ mỗi người chúng ta đều có thể thưởng thức một phần to hơn của chiếc bánh, mà phần bánh tăng thêm của bạn phụ thuộc vào phần bánh tăng thêm của tôi. Nếu tôi nghèo, bạn cũng sẽ nghèo, vì tôi không thể mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Nếu tôi giàu, bạn cũng sẽ giàu, vì bạn có thể bán cho tôi thứ gì đó. Smith phủ nhận mâu thuẫn truyền thống giữa sự giàu có và đạo đức, và mở ra những cánh cửa thiên đường cho những người giàu có. Giàu có nghĩa là đạo đức. Trong câu chuyện của Smith, mọi người trở nên giàu có không phải bằng việc bóc lột những người xung quanh mà bằng cách làm tăng kích thước của toàn bộ chiếc bánh. Và khi chiếc bánh to lên, mọi người đều hưởng lợi. Theo như thế, người giàu là những người hữu ích nhất và rộng lượng nhất trong xã hội, vì họ đã quay các bánh xe tăng trưởng phục vụ lợi ích của mọi người.
Tuy nhiên, tất cả điều này còn phụ thuộc vào việc liệu người giàu có sử dụng lợi nhuận của họ để mở nhà máy mới và thuê nhân công mới hay không, thay vì lãng phí chúng vào những hoạt động phi sản xuất. Do đó, Smith nhắc đi nhắc lại câu châm ngôn rằng, “Khi lợi nhuận tăng, người chủ đất hoặc người thợ dệt sẽ thuê thêm người giúp việc”, chứ không phải là, “Khi lợi nhuận tăng, ông già Keo kiệt sẽ cất tiền trong một két sắt, và chỉ lấy ra khi cần đếm chúng”. Một phần chủ yếu của kinh tế chủ nghĩa tư bản hiện đại là sự xuất hiện của một nguyên tắc đạo đức mới, theo đó lợi nhuận phải được tái đầu tư vào sản xuất. Quá trình này đem lại lợi nhuận mới, thứ mà một lần nữa lại được tái đầu tư vào sản xuất, mang lại lợi nhuận nhiều hơn, và cứ thế… đến vô tận. Những khoản đầu tư có thể được biểu hiện bằng nhiều cách: mở rộng nhà máy, tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển những sản phẩm mới. Tuy nhiên, tất cả những khoản đầu tư này, theo cách nào đó, phải làm tăng sản lượng và chuyển thành lợi nhuận lớn hơn. Trong tín ngưỡng tư bản mới, điều răn thứ nhất và thiêng liêng nhất là: “Lợi nhuận của sản xuất phải được tái đầu tư vào sự gia tăng sản xuất”.
Điều đó giải thích tại sao lý thuyết kinh tế về tiền bạc được gọi là “chủ nghĩa tư bản”. Chủ nghĩa tư bản phân biệt giữa “tư bản” với “của cải” đơn thuần. Tư bản bao gồm tiền bạc, hàng hoá và những nguồn lực được đầu tư vào sản xuất. Mặt khác, của cải thì được chôn xuống đất, hoặc bị lãng phí vào những hoạt động phi sản xuất. Một vị Pharaoh đổ nhiều nguồn lực vào một kim tự tháp phi sản xuất không phải là một nhà tư bản. Một tên cướp biển đã cướp một hạm đội châu báu của Tây Ban Nha và chôn một thùng đầy tiền vàng lấp lánh trên bãi biển của hòn đảo Caribe nào đó không phải là một nhà tư bản. Nhưng một người thợ máy làm việc chăm chỉ, đầu tư một phần thu nhập của mình vào thị trường chứng khoán, chính là một nhà tư bản.
Quan niệm cho rằng “Lợi nhuận của sản xuất phải được tái đầu tư vào sự gia tăng sản xuất” nghe có vẻ bình thường. Tuy nhiên, trong lịch sử nó lại xa lạ với hầu hết mọi người. Trong thời kỳ tiền hiện đại, ít nhiều người ta đã tin rằng quy mô sản xuất gần như bất biến. Vì vậy, tại sao phải tái đầu tư lợi nhuận của bạn, nếu quy mô sản xuất sẽ không tăng lên nhiều, bất kể bạn có làm gì đi nữa? Vì vậy, những quý tộc thời trung cổ chỉ biết đi theo những quy chuẩn của sự hào phóng và tiêu dùng xa xỉ. Họ dành lợi tức của mình cho những cuộc cưỡi ngựa đấu thương, yến tiệc, dinh thự và chiến tranh, vào các tổ chức từ thiện và những nhà thờ đồ sộ. Một số ít đã thử tái đầu tư lợi tức bằng việc tăng sản lượng nông nghiệp trên đất của họ, trồng những loại lúa mì tốt hơn, hay tìm kiếm những thị trường mới.
Trong thời kỳ hiện đại, giới quý tộc đã bị thay thế bởi một tầng lớp ưu tú mới, những thành viên của tầng lớp này là tín đồ đích thực của tín ngưỡng tư bản. Tầng lớp ưu tú tư bản mới không bao gồm các công tước và hầu tước, mà gồm những chủ tịch hội đồng quản trị, chuyên gia chứng khoán và các nhà tư bản công nghiệp. Sự giàu có của những nhà tài phiệt này vượt xa các quý tộc thời trung cổ, nhưng họ không mấy chú ý đến chuyện tiêu xài hoang phí, và phần lợi nhuận dành cho những hoạt động phi sản xuất chiếm tỉ lệ nhỏ hơn nhiều.
Các quý tộc thời trung cổ đều vận trang phục sặc sỡ bằng vàng hay bằng lụa, và dành nhiều thời gian để tham dự yến tiệc, lễ hội và những trận cưỡi ngựa đấu thương sôi nổi. Trong khi đó, các quý ông CEO hiện đại, khoác những bộ đồng phục đơn điệu, gọi là com-lê, khiến tất cả họ trông như một đàn quạ, và họ có rất ít thời gian cho các lễ hội. Một nhà tư bản mạo hiểm điển hình sẽ vội vã lao từ cuộc họp kinh doanh này sang cuộc họp kinh doanh khác, cố gắng tìm ra chỗ để đầu tư vốn của mình, và theo dõi sự lên xuống của những cổ phiếu và trái phiếu mà ông ta sở hữu. Đúng vậy, quần áo của ông ta có thể mang nhãn hiệu Versace, và ông ta có thể đi khắp nơi bằng máy bay riêng, nhưng các chi phí này không đáng là bao so với những gì mà ông ta đầu tư vào sự tăng trưởng kinh tế của con người.
Không chỉ các doanh nhân có thế lực, mặc quần áo đắt tiền hiệu Versace, mới là những nhà đầu tư làm tăng trưởng kinh tế. Người dân bình thường và cơ quan chính phủ cũng có chung suy nghĩ như vậy. Có bao nhiêu cuộc trò chuyện trong bữa tối ở những khu phố bình dân không sớm thì muộn cũng bị sa lầy trong sự tranh luận bất tận về chuyện chẳng biết nên đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào thị trường chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản? Các chính phủ cũng cố gắng để đầu tư tiền thuế vào những hoạt động kinh doanh sản xuất sẽ làm gia tăng lợi nhuận trong tương lai – ví dụ, việc xây dựng một bến cảng mới có thể giúp xuất khẩu sản phẩm từ các nhà máy dễ dàng hơn, khiến họ có thể đóng thuế nhiều hơn, vì vậy tiền thu thuế của chính phủ trong tương lai sẽ tăng lên. Một chính phủ khác có thể thích đầu tư vào giáo dục hơn, dựa trên nền tảng là những công dân có học thức sẽ tạo cơ sở cho những ngành công nghiệp mới có kĩ thuật cao và sinh lời lớn, đóng nhiều thuế mà không cần những hải cảng có cơ sở thiết bị đắt tiền.
Chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu như một lý thuyết về cách vận hành của nền kinh tế. Nó vừa mang tính mô tả vừa mang tính quy tắc -nó giải thích về cách thức hoạt động của tiền bạc, và đưa ra ý tưởng rằng sự tái đầu tư lợi nhuận trong sản xuất sẽ dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Nhưng chủ nghĩa tư bản dần trở nên vượt xa hơn một học thuyết kinh tế rất nhiều. Hiện nay, nó bao gồm một lý thuyết đạo đức – một bộ những bài giảng về cách mọi người nên ứng xử ra sao, giáo dục con cái của họ và suy nghĩ như thế nào. Nguyên lý cơ bản của nó cho rằng tảng trưởng kinh tế chính là ân điển tối cao, hoặc chí ít là đại diện cho ân điển tối cao, vì công lý, tự do và thậm chí cả hạnh phúc, tất cả đều phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Hãy hỏi một nhà tư bản làm cách nào mang cống lý và tự do chính trị đến một nơi như Zimbabwe hay Afghanistan, và hẳn bạn sẽ nhận được một bài giảng, rằng sự sung túc kinh tế và việc tầng lớp trung lưu phát triển mạnh là không thể thiếu cho những cơ chế dân chủ ổn định như thế nào, và về sự cần thiết của việc khắc sâu những giá trị của tự do kinh doanh, tiết kiệm, và tự lực vào tâm trí những người dân bộ lạc ở Afghanistan.
Tín ngưỡng mới này cũng đã có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của khoa học hiện đại. Nghiên cứu khoa học thường được tài trợ bởi chính phủ hoặc doanh nghiệp tư nhân. Khi chính phủ tư bản và các doanh nghiệp xem xét việc đầu tư vào một dự án khoa học cụ thể, những câu hỏi đầu tiên thường là, “Dự án này có cho phép chúng ta gia tăng sản xuất và lợi nhuận hay không? Nó có tạo ra tăng trưởng kinh tế hay không?” Một dự án mà không thể vượt qua được những chướng ngại này thì có rất ít cơ hội tìm được nhà tài trợ. Không một tiến trình lịch sử nào của khoa học hiện đại có thể loại bỏ chủ nghĩa tư bản ra khỏi bức tranh toàn cảnh.
Trái lại, sẽ không thể hiểu được lịch sử của chủ nghĩa tư bản nếu không đưa khoa học vào. Niềm tin của chủ nghĩa tư bản vào sự tăng trưởng kinh tế không ngừng đã đi ngược lại với những gì mà hiện tại chúng ta biết về vũ trụ. Một xã hội của loài sói sẽ vô cùng ngu xuẩn nếu tin rằng nguồn cung những con cừu sẽ tiếp tục tăng vô hạn. Tuy vậy, nền kinh tế của con người vẫn thành công trong việc tăng trưởng theo cấp số nhân trong suốt kỷ nguyên hiện đại, nhờ vào việc cứ mỗi vài năm, các nhà khoa học lại đưa ra một khám phá hay một cải tiến mới – chẳng hạn như châu Mỹ, động cơ đốt trong hoặc cừu nhân bản. Các ngân hàng và chính phủ in tiền, nhưng cuối cùng, chính các nhà khoa học mới là người trả tiền cho những hoá đơn.
Trong những năm vừa qua, các ngân hàng và chính phủ đã in tiền giấy một cách điên cuồng. Mọi người đều sợ rằng khủng hoảng kinh tế thời nay có thể gây gián đoạn cho sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, họ đã in khống hàng ngàn tỉ đô-la, euro và yên Nhật từ hư không, bơm vốn tín dụng với lãi suất thấp vào hệ thống, và hy vọng rằng những nhà khoa học, kĩ thuật viên và kĩ sư sẽ thành công trong việc đưa ra thứ gì đó thực sự to lớn, trước khi bong bóng nổ tung. Mọi chuyện phụ thuộc vào những người làm việc trong các phòng thí nghiệm. Những khám phá mới trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học và công nghệ nano có thể tạo ra toàn bộ những ngành công nghệ mới, mà lợi nhuận của chúng có thể bù đắp cho hàng ngàn tỉ tiền ảo mà ngân hàng và chính phủ đã tạo ra kể từ năm 2008. Nếu các phòng thí nghiệm không thể biến những kỳ vọng này thành hiện thực trước khi bong bóng nổ tung, thì chúng ta đang đi đến những giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Columbus tìm kiếm một nhà đầu tư
Chủ nghĩa tư bản đã đóng vai trò quyết định không chỉ trong sự phát triển của khoa học hiện đại, mà còn trong sự xuất hiện của chủ nghĩa đế quốc châu Âu. Và chính chủ nghĩa đế quốc châu Âu đã tạo ra hệ thống tín dụng của chủ nghĩa tư bản. Dĩ nhiên, vốn tín dụng không được phát minh ở châu Âu hiện đại. Nó đã tồn tại trong hầu hết những xã hội nông nghiệp, và vào đầu thời kỷ hiện đại sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản châu Âu gắn liền với sự phát triển kinh tế ở châu Á. Hãy nhớ rằng, đến cuối thế kỷ 18, châu Á đã là cường quốc kinh tế lớn của thế giới, có nghĩa là người châu Âu nắm giữ rất ít tư bản trong tay so với những người Trung Hoa, Hồi giáo hay Ấn Độ.
Tuy nhiên, trong các hệ thống chính trị xã hội của Trung Hoa, Ấn Độ và thế giới Hồi giáo, tín dụng chỉ đóng một vai trò thứ yếu. Các thương gia và ngân hàng ở những thị trường của Istanbul, Isfahan, Delhi và Bắc Kinh có thể đã suy nghĩ theo phương thức của chủ nghĩa tư bản, nhưng các vị vua, tướng lĩnh trong những cung điện và pháo đài có xu hướng coi thường các thương gia và tư tưởng thương mại. Hầu hết các đế chế ngoài châu Âu ở đầu kỷ nguyên hiện đại đều được thiết lập bởi những nhà chinh phục vĩ đại như Nurhaci và Nader Shah, hoặc bởi tầng lớp quan lại và quân sự ưu tú như nhà Thanh và Đế chế Ottoman. Những cuộc chiến được tài trợ bằng tiền thuế và sự cướp bóc (mà không có sự phân định rạch ròi với nhau), chúng phụ thuộc rất ít vào hệ thống tín dụng, và họ còn ít quan tâm hơn nữa đến lợi nhuận của các ngân hàng và nhà đầu tư.
Mặt khác, ở châu Âu, các vua chúa và tướng lĩnh dần tiếp nhận lối suy nghĩ của thương nhân, cho đến khi các thương gia và ngân hàng trở thành thiểu số ưu tú thống trị. Công cuộc chinh phục thế giới của châu Âu ngày càng được tài trợ bằng vốn tín dụng hơn là tiền thuế, và ngày càng được dẫn dắt bởi nhiều nhà tư bản mà tham vọng chính là tối đa hoá lợi nhuận trên khoản đầu tư của họ. Những đế chế được xây dựng bởi các ngân hàng và thương gia mặc áo choàng đội mũ có chóp cao, đã đánh bại những đế chế được xây dựng bởi vua chúa và quý tộc trong y phục vàng lấp lánh và áo giáp sáng loáng. Những đế chế thương mại chỉ đơn giản là khôn ngoan hơn nhiều trong việc tài trợ cho những cuộc chinh phục của họ. Không ai muốn phải nộp thuế, nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ đầu tư.
Năm 1484, Christopher Columbus đã đến gặp Vua Bồ Đào Nha để đề nghị vị vua này tài trợ một đội tàu sẽ đi về hướng tây nhằm tìm kiếm một tuyến đường thương mại mới đến Đông Á. Những cuộc thám hiểm như vậy rất liều lĩnh và tốn kém. Cần rất nhiều tiền để đóng tàu đi biển, mua nhu yếu phẩm, trả lương cho thủy thủ và quân đội -không có gì bảo đảm rằng việc đầu tư sẽ mang lại kết quả. Vua Bồ Đào Nha đã từ chối.
Giống như một doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp ngày nay, Columbus đã không bỏ cuộc. Ông trình bày ý tưởng của mình với những nhà đầu tư có tiềm năng khác ở Ý, Pháp, Anh, và thêm một lần nữa ở Bồ Đào Nha. Lần nào ông cũng bị từ chối. Sau đó, ông đã thử vận may của mình với Ferdinand và Isabella, những người đang cai trị vương quốc Tây Ban Nha vừa thống nhất. Ông bắt đầu với một số nhà vận động hành lang đầy kinh nghiệm, và với sự giúp đỡ của họ, ông đã thuyết phục thành công Nữ hoàng Isabella đầu tư vào chuyến thám hiểm. Như ai cũng biết, Isabella đã trúng số độc đắc. Những khám phá của Columbus đã cho phép người Tây Ban Nha có thể chinh phục châu Mỹ, nơi họ thiết lập những mỏ khai thác vàng bạc, cũng như những đồn điền trồng mía và thuốc lá, từ đó giúp làm giàu cho các vị vua Tây Ban Nha, ngân hàng và thương gia, vượt xa giấc mơ điên rồ nhất của họ.
100 năm sau, các vua chúa và ngân hàng đã sẵn sàng nới thật rộng hạn mức vay tín dụng cho những người nối nghiệp Columbus, và họ đã có thêm nhiều vốn đầu tư trong tay, nhờ vào các kho vàng bạc đoạt được từ châu Mỹ. Quan trọng không kém, các vua chúa và ngân hàng đã tin tưởng nhiều hơn vào tiềm năng của việc thám hiểm, sẵn sàng đầu tư thêm tiền của họ. Đây là vòng tròn ma thuật của chủ nghĩa tư bản đế quốc: tín dụng tài trợ cho những chuyến thám hiểm mới; những chuyến thám hiểm tìm ra các thuộc địa mới; thuộc địa cung cấp lợi tức; lợi tức xây dựng niềm tin; và niềm tin lại biến thành nhiều tín dụng hơn. Nurhaci và Nader Shah đã cạn nguồn lực sau một vài nghìn cây số. Những nhà tư bản chỉ cần tăng thêm đòn bẩy tài chính của họ từ cuộc chinh phục này sang cuộc chinh phục khác.
Nhưng những cuộc thám hiểm này vẫn là các chuyện đầy may rủi, vì vậy thị trường tín dụng vẫn còn khá thận trọng. Nhiều đoàn thám hiểm đã quay về châu Âu với hai bàn tay trắng, sau khi không tìm được thứ gì có giá trị. Ví dụ, người Anh đã tốn rất nhiều tiền đầu tư trong nỗ lực vô vọng nhằm khám phá ra một tuyến đường phía tây bắc nối liền với châu Á ngang qua vùng biển Bắc cực. Nhiều đoàn thám hiểm khác đã không trở về. Những con tàu đâm vào băng, hay chìm trong bão nhiệt đới, hoặc trở thành nạn nhân của cướp biển. Để tăng số lượng nhà đầu tư tiềm năng và giảm thiểu rủi ro họ phải gánh, người châu Âu đã chuyển sang những công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn. Thay vì một nhà đầu tư đơn lẻ đặt cược tất cả tiền bạc của mình vào một con tàu ọp ẹp đơn độc, công ty cổ phần thu tiền từ một nhóm nhiều nhà đầu tư, mỗi người chỉ mạo hiểm đầu tư một phần nhỏ số vốn của mình. Do đó, rủi ro đã được giảm thiểu, nhưng không làm hạn chế lợi nhuận. Chỉ cần một khoản đầu tư nhỏ nhưng đặt đúng con tàu đã có thể biến bạn thành một triệu phú.
Sau nhiều thập kỷ, Tây Âu đã chứng kiến sự phát triển của một hệ thống tài chính phức tạp có thể nhanh chóng gây dựng được những quỹ tín dụng rất lớn để cho các thương gia tư nhân và chính phủ tùy nghi sử dụng. Hệ thống này có thể tài trợ cho những cuộc thám hiểm và chinh phục hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ vương quốc hay đế chế nào. Sức mạnh mới phát lộ của vốn tín dụng có thể được thấy trong cuộc tranh chấp gay gắt giữa Tây Ban Nha và Hà Lan. Thế kỷ 16, Tây Ban Nha là quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu, họ thống trị một đế chế toàn cầu rộng lớn. Họ cai trị phần lớn châu Âu, một phần rất lớn của Bắc và Nam Mỹ, quần đảo Philippines, và một chuỗi những căn cứ dọc theo các bờ biển châu Phi và châu Á. Mỗi năm, những hạm đội châu báu của châu Mỹ và châu Á trở về cảng Seville và Cadiz. Trong khi đó, Hà Lan là một vùng đầm lầy nhỏ và nhiều gió, chẳng có tài nguyên thiên nhiên, chỉ bằng một góc nhỏ lãnh địa của Vua Tây Ban Nha.
Năm 1368, người Hà Lan, chủ yếu theo đạo Tin Lành, đã nổi dậy chống lại những lãnh chúa người Tây Ban Nha theo Công giáo. Lúc đầu, quân nổi dậy dường như đóng vai Don Quixote, can đảm đánh nhau với những chiếc cối xay gió bất khả chiến bại. Tuy nhiên, trong vòng 80 năm, người Hà Lan không chỉ giành lại độc lập từ tay người Tây Ban Nha, mà còn thành công trong việc thay thế người Tây Ban Nha và đồng minh Bồ Đào Nha của họ để trở thành chủ nhân của những tuyến vận tải đường biển, dựng lên một đế chế Hà Lan toàn cầu, và trở thành quốc gia giàu nhất châu Âu.
Bí quyết thành công của Hà Lan là vốn tín dụng. Những thị dân Hà Lan, những người không thích việc nếm mùi chiến đấu trên bộ, đã thuê những đạo quân tay sai để thay mình chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha. Trong khi đó, người Hà Lan đã ra biển với những đội tàu ngày càng lớn hơn. Những đạo quân đánh thuê và hạm đội gắn đại bác tiêu tốn cả một gia sản kếch xù, nhưng người Hà Lan có thể tài trợ cho các chuyến viễn chinh quân sự của họ dễ dàng hơn là Đế quốc Tây Ban Nha khổng lồ, bởi họ tạo được sự tin tưởng nơi hệ thống tài chính châu Âu mới phát triển, trong khi đó, Vua Tây Ban Nha vì bất cần đã làm xói mòn niềm tin của hệ thống này dành cho ông ta. Những nhà tài phiệt nới rộng vốn tín dụng đủ cho người Hà Lan xây dựng quân đội và hạm đội, chúng đã giúp Hà Lan kiểm soát những tuyến đường thương mại trên thế giới, từ đó mang lại lợi nhuận hậu hĩnh. Lợi nhuận cho phép người Hà Lan trả nợ các khoản vay, từ đó tăng cường sự tin tưởng của những nhà tài phiệt. Không chỉ nhanh chóng trở thành một trong những hải cảng quan trọng nhất châu Âu, Amsterdam còn là thánh địa tài chính của châu lục này.
Chính xác thì người Hà Lan đã gây dựng được sự tin tưởng của hệ thống tài chính bằng cách nào? Thứ nhất, họ tuân thủ triệt để việc trả nợ đúng hạn và đầy đủ, làm cho việc tăng vốn tín dụng ít gây rủi ro cho người cho vay. Thứ hai, hệ thống tư pháp của đất nước họ có được sự độc lập và bảo vệ những quyền cá nhân – đặc biệt là quyền tư hữu. Nguồn tư bản đã rò rỉ khỏi các quốc gia độc tài vì không bảo vệ được những cá nhân và tài sản của họ. Thay vào đó, nó chảy vào những quốc gia duy trì được nguyên tắc của luật pháp và quyền tư hữu.
Hãy tưởng tượng rằng bạn là con trai của một gia đình có quyền thế thuộc giới tài chính Đức. Cha bạn thấy một cơ hội mở rộng kinh doanh bằng cách mở các chi nhánh tại những thành phố lớn ở châu Âu. Ông gửi bạn đến Amsterdam, và em trai bạn đến Madrid, cho mỗi người 10.000 đồng tiền vàng để đầu tư. Em trai bạn đem vốn khởi nghiệp của mình cho Vua Tây Ban Nha vay lấy lãi, vị vua này cần nó để xây dựng một đạo quân chiến đấu chống lại Vua Pháp. Còn bạn quyết định cho một thương gia Hà Lan vay tiền, người này muốn đầu tư vào miếng đất đầy bụi cây ở cực nam một hòn đảo trơ trọi gọi là Manhattan, chắc chắn rằng giá trị địa ốc ở đó sẽ tăng vọt khi sông Hudson trở thành tuyến đường thương mại huyết mạch. Cả hai khoản vay sẽ được hoàn trả trong vòng một năm.
Một năm qua đi. Thương gia Hà Lan bán mảnh đất ông ta đã mua với một món lợi nhuận hậu hĩnh, và trả lại khoản tiền đã vay của bạn với lãi suất như đã hứa. Cha của bạn rất hài lòng. Nhưng em trai bạn ở Madrid bắt đầu lo lắng. Cuộc chiến với Pháp đã kết thúc tốt đẹp với Vua Tây Ban Nha, nhưng bây giờ ông ta lại đang bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ta cấn từng xu để tài trợ cho cuộc chiến mới, và cho rằng việc này quan trọng hơn nhiều so với chuyện trả những món nợ cũ. Em trai bạn gửi thư đến cung điện và hỏi bạn bè có quen biết với triều đình để nhờ can thiệp, nhưng không có kết quả. Em bạn không những chẳng nhận được đồng lãi nào như đã hứa – cậu ta còn bị mất cả vốn. Cha bạn không hài lòng.
Bây giờ, để làm cho vấn đề tệ hơn, nhà vua phái một viên chức kho bạc đến gặp em trai bạn, bảo cậu ta, bằng những lời lẽ không chắc chắn, rằng nhà vua mong nhận được một khoản vay tương đương khác ngay lập tức. Em trai bạn không có tiền cho vay. Cậu ta viết thư về nhà cho cha, cố gắng thuyết phục cha mình rằng lần này nhà vua sẽ thành công. Người cha có tình yêu đặc biệt với đứa con út của mình đã đồng ý với một trái tim nặng trĩu lo buồn. Thêm 10.000 đồng tiền vàng biến mất vào kho bạc Tây Ban Nha và không bao giờ được thấy chúng trở lại. Trong khi đó tại Amsterdam, mọi việc trở nên xán lạn. Bạn cho những thương gia ở Hà Lan, vốn trả nợ đúng hạn và đầy đủ, vay nhiều hơn. Nhưng may mắn của bạn không giữ được vĩnh viễn. Một trong những khách hàng thường xuyên của bạn linh cảm rằng đôi guốc mộc sắp trở thành cơn sốt thời trang tiếp theo ở Paris, nên hỏi vay bạn một khoản tiền để xây dựng một trung tâm thương mại giày dép tại thủ đô Pháp. Bạn cho ông ta mượn tiền, nhưng tiếc là phụ nữ Pháp không thích mốt guốc mộc, và thương gia bất mãn này từ chối trả nợ.
Cha bạn rất giận dữ, và nói với cả hai đứa con, đây là lúc cần đến các luật sư. Em trai bạn đệ đơn kiện Vua Tây Ban Nha ở Madrid, trong khi bạn nộp đơn kiện tại Amsterdam để chống lại cựu thiên tài bán guốc mộc. Tại Tây Ban Nha, tòa án phục tùng nhà vua – những thẩm phán phục vụ nhà vua, và sợ bị trừng phạt nếu không làm theo ý muốn của ông ta. Tại Hà Lan, tòa án là một nhánh riêng biệt của chính phủ, không phụ thuộc vào những thị dân và vương hầu của đất nước. Tòa án ở Madrid đã bác bỏ đơn kiện của em trai bạn, trong khi tòa án ở Amsterdam ủng hộ bạn, và cho phép bạn quyền nắm giữ tài sản của thương gia guốc mộc cho đến khi ông ta thanh toán hết nợ. Cha của bạn đã học được bài học của mình. Tốt nhất là kinh doanh với thương gia hơn là với nhà vua, và tốt nhất là làm việc đó ở Hà Lan hơn là ở Madrid.
Nhưng công việc nhọc nhằn của em bạn vẫn chưa xong. Vua Tây Ban Nha cần thêm rất nhiều tiền để trả cho quân đội. Ông ta chắc rằng cha bạn vẫn còn tiền dự trữ. Vì vậy, ông ta kiếm cớ vu cho em trai bạn tội phản quốc. Nếu em bạn không nộp đủ 20.000 đồng tiền vàng ngay lập tức, thì sẽ bị tống vào ngục tối và mục rữa ở đó đến chết.
Cha bạn có đủ tiền. Ông trả tiền chuộc cho đứa con yêu của mình, nhưng thể sẽ không bao giờ kinh doanh ở Tây Ban Nha nữa. Ông đóng cửa chi nhánh ở Madrid và quyết định chuyển em bạn đến Rotterdam. Hai chi nhánh cùng ở Hà Lan bây giờ được xem như một ý tưởng thực sự hay ho. Ông nghe tin ngay cả những nhà tư bản Tây Ban Nha cũng đang lén chuyển tài sản của họ ra nước ngoài. Những người này cũng nhận ra nếu họ muốn giữ tiền của mình và sử dụng chúng để được giàu có hơn, tốt hơn là nên đem tiền đó đi đầu tư ở nơi có tinh thần thượng tôn pháp luật, nơi mà quyền tư hữu được tôn trọng – chẳng hạn như ở Hà Lan.
Bằng cách như vậy, Vua Tây Ban Nha đã phung phí niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời thương gia Hà Lan đã chiếm được sự tin cậy của họ. Và chính thương gia Hà Lan – chứ không phải nhà nước Hà Lan – đã xây dựng nên Đế chế Hà Lan. Vua Tây Ban Nha tiếp tục cố chu cấp và duy trì những chuyến viễn chinh bằng cách tăng những thứ thuế không được tán đồng và gây bất mãn cho dân chúng. Thương gia Hà Lan tài trợ cho các chuyến viễn chinh bằng nhiều khoản vay, và cũng tìm cách tăng chúng lên bằng cách rao bán cổ phần để những người sở hữu chúng nhận được một phần lợi nhuận của công ty. Những nhà đầu tư thận trọng, vốn sẽ không bao giờ đưa tiền của mình cho Vua Tây Ban Nha và sẽ cân nhắc kĩ trước khi tăng vốn tín dụng cho chính phủ Hà Lan, đã sung sướng đầu tư tài sản vào các công ty cổ phần Hà Lan, trụ cột của đế quốc mới.
Nếu bạn nghĩ rằng một công ty sắp tạo được lợi nhuận lớn, nhưng toàn bộ cổ phần của nó đã được bán hết, bạn có thể mua số cổ phần này từ những người đang sở hữu chúng, có lẽ với một giá cao hơn so với giá gốc. Nếu bạn mua cổ phần và sau đó phát hiện ra công ty này đang lâm vào hoàn cảnh chật vật, bạn có thể cố bán những cổ phần này với một giá thấp hơn. Kết quả của việc buôn bán cổ phần công ty đã dẫn đến sự thành lập thị trường chứng khoán, nơi mua bán cổ phần công ty ở hầu hết các thành phố lớn của châu Âu.
Công ty cổ phần nổi tiếng nhất Hà Lan, công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie), hoặc gọi tắt là VOC, được thành lập và giao đặc quyền vào năm 1602, đúng lúc Hà Lan đã xóa bỏ được ách thống trị của Tây Ban Nha, và tiếng đại bác Tây Ban Nha vẫn có thể nghe thấy cách không xa thành lũy Amsterdam. VOC đã dùng tiền thu được từ việc bán cổ phần để đóng tàu, gửi chúng đến châu Á, và mang về hàng hoá Trung Hoa, Ấn Độ, Indonesia. Họ cũng đầu tư cho các hoạt động quân sự, sử dụng những con tàu của công ty để chống lại đối thủ cạnh tranh và cướp biển. Cuối cùng, VOC đã đầu tư cho công cuộc chinh phục Indonesia.
Indonesia là quần đảo lớn nhất thế giới. Hàng ngàn hòn đảo ở đó đã bị cai trị trong những năm đầu thế kỷ 17 bởi hàng trăm vương quốc, tiểu vương quốc, các vương quốc Hồi giáo và những bộ tộc. Khi các thương gia VOC lần đầu đặt chân đến Indonesia vào năm 1603, mục tiêu của họ tuyệt đối chỉ là thương mại. Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích thương mại của họ và tối đa hoá lợi nhuận của cổ đông, các thương gia VOC bắt đầu đấu tranh chống lại nhà cầm quyền địa phương đã làm thuế quan tăng vọt, cũng như chống lại những đối thủ cạnh tranh từ châu Âu. VOC trang bị cho đội tàu buôn những khẩu đại bác; họ tuyển mộ lính đánh thuê từ châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia; và họ đã xây pháo đài, tiến hành chiến tranh tổng thể và công thành. Hoạt động kinh doanh này nghe có vẻ hơi lạ với chúng ta, nhưng vào đầu thời kỳ hiện đại, việc các công ty tư nhân thuê không chỉ lính tráng, mà cả tướng lĩnh và đố đốc, đại bác và tàu chiến, thậm chí nguyên một đạo quân là rất phổ biến. Cộng đồng quốc tế đón nhận điều này như một điều hiển nhiên, và chẳng ai nhíu mày khi một công ty tư nhân thành lập nên một đế chế.
Hết đảo này đến đảo khác lần lượt rơi vào tay lính đánh thuê của VOC, và phần lớn Indonesia đã trở thành thuộc địa của họ. VOC đã cai trị Indonesia trong gần 200 năm. Cho đến năm 1800, nhà nước Hà Lan đã nhận lấy quyền kiểm soát Indonesia, biến nó trở thành thuộc địa của Đế chế Hà Lan trong 150 năm tiếp sau. Ngày nay, một số người cảnh báo rằng những công ty của thế kỷ 21 đang tích lũy quá nhiều quyền lực. Lịch sử cận đại cho thấy đúng là nếu những doanh nghiệp được phép theo đuổi lợi nhuận mà không bị kiểm soát, họ có thể tiến rất xa.
Trong khi VOC hoạt động ở vùng biển Ấn Độ Dương, thì công ty Tây Ấn Hà Lan (Netherland West Indies), gọi tắt là WIC, lại miệt mài qua lại Đại Tây Dương. Để kiểm soát việc buôn bán trên con sông Hudson huyết mạch, WIC xây dựng một khu định cư, gọi là New Amsterdam trên một hòn đảo ở cửa sông. Thuộc địa này bị thổ dân da đỏ đe dọa, và liên tục bị người Anh tấn công, cuối cùng họ đã chiếm được nó vào năm 1664. Người Anh đã đổi tên vùng đất này thành New York. Những phần còn lại của bức tường thành đã được WIC xây dựng để bảo vệ thuộc địa của nó chống lại thổ dân da đỏ và người Anh, ngày nay được xây trùm lên và trở thành con phố nổi tiếng nhất thế giới -Wall Street.
Vào cuối thế kỷ 17, các cuộc chiến tranh thuộc địa liên miên tốn kém đã khiến người Hà Lan không chỉ đánh mất New York, mà còn cả vị trí đầu tàu tài chính và đế quốc dẫn đầu châu Âu. Vị trí bỏ trống đó được Pháp và Anh tranh giành nhiệt tình. Ban đầu dường như Pháp được xem là có vị thế vững chắc hơn rất nhiều. Pháp lớn hơn Anh, giàu hơn, đông dân hơn, và có quân đội đông hơn và nhiều kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, Anh đã chiến thắng trong việc giành được sự tin tưởng của những hệ thống tài chính, trong khi Pháp đã chứng tỏ họ không đáng tin cậy. Cách ứng xử của người mang vương miện nước Pháp đặc biệt rất tệ hại trong sự kiện được gọi là Bong bóng Mississippi, cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất châu Âu thế kỷ 18. Câu chuyện cũng bắt đầu với một còng ty cổ phần chuyên xây dựng đế chế.
Năm 1717, công ty Mississippi, được thành lập tại Pháp, đã xây dựng một thuộc địa ở vùng thung lũng hạ lưu sông Mississippi, và trong quá trình đó đã thành lập thành phố New Orleans. Để đầu tư cho những kế hoạch đẩy tham vọng của công ty, nhờ có những mối liên hệ tốt với triều đình của Louis XV, họ đã bán cổ phần trên thị trường chứng khoán Paris. John Law, Giám đốc công ty, cũng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp. Thêm nữa, nhà vua đã bổ nhiệm ông ta làm Trưởng ban Quản lý tài chính trung ương, một chức vụ gần như tương đương với Bộ trưởng Tài chính ngày nay. Năm 1717, vùng thung lũng hạ lưu sông Mississippi chỉ có rất ít cơ hội làm ăn hấp dẫn bên cạnh đầm lầy và cá sấu, nhưng công ty Mississippi đã cho lan truyền các câu chuyện bịa đặt về sự giàu có và những cơ hội vô biên. Giới quý tộc Pháp, những doanh nhân và thành viên mà khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm trang lạnh lùng của giai cấp tư sản thành thị đều rơi vào cái bẫy ảo tưởng này, khiến giá cổ phiếu của công ty Mississippi tăng vọt. Ban đầu, cổ phiếu được chào bán với giá 500 livre một cổ phiếu. Ngày 1 tháng Tám năm 1719, cổ phiếu được mua bán ở mức 2.750 livre. Ngày 30 tháng Tám, giá cổ phiếu là 4.100 livre, và ngày 4 tháng Chín, chúng đã đạt ngưỡng 5.000 livre. Ngày 2 tháng Mười hai, giá cổ phiếu của Mississippi vượt ngưỡng 10.000 livre. Sự phấn chấn quét qua những đường phố Paris. Người ta bán tất cả tài sản của mình, và vay những khoản nợ khổng lồ để mua cổ phiếu Mississippi. Mọi người đều tin rằng họ đã tìm ra con đường dễ dàng để trở nên giàu có.
Hình 38. New Amsterdam vào năm 1660, ở mũi bán đảo Manhattan. Bức tường bảo vệ khu định cư, ngày nay đã được xây trùm lên thành Wall Street.
Ít ngày sau đó, cơn hoảng loạn bắt đầu. Một số nhà đầu cơ nhận ra giá cổ phiếu hoàn toàn phi thực tế và không bền vững. Họ tính toán rằng tốt hơn nên bán khi giá cổ phiếu đã ở đỉnh. Khi nguồn cung cổ phiếu tăng, giá bán chúng sẽ giảm đi. Khi những nhà đầu tư khác thấy giá đi xuống, họ cũng muốn thoát ra thật nhanh. Giá cổ phiếu càng tụt nhanh hơn, bắt đầu lao dốc. Để bình ổn giá, Ngân hàng trung ương Pháp – theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng là John Law – đã mua vào cổ phiếu Mississippi, nhưng Ngân hàng không thể làm như vậy mãi được. Cuối cùng họ cũng hết tiền. Khi điều này xảy ra, Trưởng ban Quản lý tài chính trung ương, vẫn là John Law, ủy quyền in thêm tiền để mua thêm cổ phiếu. Điều này đặt toàn bộ hệ thống tài chính Pháp vào trong một quả bong bóng. Và ngay cả thiên tài trong lĩnh vực tài chính này cũng không thể cứu vãn được thảm họa. Giá cổ phiếu của công ty Mississippi đã giảm từ 10.000 livre xuống 1.000 livre, sau đó sụp đổ hoàn toàn, và những cổ phiếu đó cũng mất nốt giá trị đến đồng xu cuối cùng. Đến khi đó, Ngân hàng trung ương và Kho bạc hoàng gia sở hữu một lượng lớn cổ phiếu vô giá trị, và không có tiền. Phần lớn các nhà đầu tư lớn thì bình an vô sự – họ đã bán tháo kịp thời. Những nhà đầu tư nhỏ mất sạch, và nhiều người đã tự tử.
Bong bóng Mississippi là một trong những sự kiện sụp đổ tài chính khủng khiếp nhất lịch sử. Hệ thống tài chính hoàng gia Pháp không bao giờ hồi phục hoàn toàn sau sự sụp đổ này. Cách thức mà công ty Mississippi dùng ảnh hưởng chính trị của họ để thao túng giá cổ phiếu, và đổ thêm dầu vào lửa gây nên tình trạng điên cuồng mua cổ phiếu, khiến công chúng mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng Pháp và sự hiểu biết về tài chính của Vua Pháp. Louis XV thấy rằng ngày càng khó để vay vốn tín dụng. Điều này đã trở thành một trong những lý do chính khiến thuộc địa Pháp ở nước ngoài rơi vào tay người Anh. Trong khi người Anh có thể vay tiền dễ dàng với lãi suất thấp, thì Pháp gặp nhiều khó khăn khi bảo đảm vay nợ, và phải trả lãi suất cao. Để trả cho những khoản nợ ngày càng tăng của mình, Vua Pháp tiếp tục vay thêm tiền với lãi suất cao hơn và cao hơn nữa. Cuối cùng, năm 1780, Louis XVI, người đã lên ngôi khi ông nội mình qua đời, nhận ra một nửa ngân sách hằng năm của ông ta đã bị giữ lại để dành cho việc trả nợ lãi vay của ông nội mình, và rằng ông ta sắp bị phá sản. Bất đắc dĩ, trong năm 1789, Louis XVI triệu tập Nghị viện (Estates General), vốn không họp suốt một thế kỷ rưỡi nay, để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Thế là Cách mạng Pháp bắt đầu.
Trong khi hệ thống thuộc địa Pháp đổ vỡ, Đế quốc Anh lại đang mở rộng nhanh chóng. Giống như Đế chế Hà Lan trước đó, Đế quốc Anh đã được thiết lập và điều hành chủ yếu bởi các công ty cổ phần tư nhân có mặt trên thị trường chứng khoán London. Những khu định cư của người Anh đầu tiên ở Bắc Mỹ đã được thiết lập vào đầu thế kỷ 17 bởi các công ty cổ phần như London, Plymouth, Dorchester và Massachusetts.
Tiểu lục địa Ấn Độ cũng không phải do chính quyền Anh đô hộ, mà do quân đội đánh thuê của công ty Đông Ấn Anh (British East India Company). Công ty này còn thành công hơn cả công ty VOC. Từ trụ sở chính ở phố Leadenhall, London, họ đã cai trị Đế chế Ấn Độ hùng mạnh trong khoảng một thế kỷ, duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ lên đến 350.000 binh lính, đông hơn nhiều quân đội hoàng gia Anh. Chỉ đến năm 1858, hoàng gia Anh mới quốc hữu hoá Ấn Độ cùng với quân đội riêng của công ty Đông Ấn. Napoleon đã chế giễu dân Anh, gọi họ là quốc gia của những chủ hiệu buôn. Thế nhưng, những chủ hiệu buôn đã đánh bại chính Napoleon, và đế chế của họ đã trở thành đế chế lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay.
Nhân danh tư bản
Sự quốc hữu hoá Indonesia của hoàng gia Hà Lan (1800), và Ấn Độ của hoàng gia Anh (1858) hầu như không chấm dứt mối tương giao giữa chủ nghĩa tư bản với đế quốc. Ngược lại, mối liên hệ này còn mật thiết hơn trong thế kỷ 19. Các công ty cổ phần không cần phải thiết lập và cai trị những thuộc địa riêng nữa – người quản lý của chúng và những chủ cổ phần bây giờ đang giật những sợi dây quyền lực ở London, Amsterdam, Paris, họ có thể tin cậy vào nhà nước để chăm sóc cho những lợi ích của họ. Như Marx và các nhà phê bình xã hội khác đã châm biếm, những chính phủ phương Tây đang trở thành công đoàn của chủ nghĩa tư bản.
Ví dụ tai tiếng nhất về việc các chính phủ đã đòi hỏi những món tiền lớn như thế nào là Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất, nổ ra giữa Anh và Trung Hoa (1840-1842). Trong nửa đầu thế kỷ 19, công ty Đông Ấn Anh và nhiều doanh nhân Anh đã trở nên giàu có bằng việc xuất khẩu các loại thuốc, đặc biệt là thuốc phiện, sang Trung Hoa. Hàng triệu người Trung Hoa đã trở nên nghiện ngập, làm suy nhược nền kinh tế và xã hội của đất nước. Vào cuối những năm 1830, chính quyền Trung Hoa đã ban hành một lệnh cấm buôn bán bất hợp pháp thuốc phiện, nhưng các thương gia thuốc phiện người Anh đơn giản là làm ngơ luật này. Giới chức Trung Hoa bắt đầu tịch thu và tiêu hủy các chuyến hàng chở thuốc phiện. Những tổ chức kinh doanh thuốc phiện có sự liên hệ mật thiết với chính quyền Anh – nhiều nghị sĩ và bộ trưởng nội các trong thực tế đang nắm cổ phần ở những công ty thuốc phiện – vì vậy họ đã gây áp lực buộc chính phủ phải hành động.
Năm 1840, Anh đã tuyên chiến với Trung Hoa nhân danh “tự do thương mại”. Đây là một chiến thắng dễ dàng. Người Trung Quốc đầy tự tin đã không đọ sức nổi với những vũ khí kỳ diệu tân tiến của Anh -tàu hơi nước, đại bác hạng nặng, hỏa tiễn và súng liên thanh. Theo hiệp ước hòa bình sau đó, Trung Hoa đã đồng ý không giới hạn hoạt động buôn bán thuốc phiện của thương gia Anh, và đền bù cho những thiệt hại mà tuần cảnh Trung Hoa gây cho họ. Thêm nữa, người Anh đã yêu cầu và nhận được quyền kiểm soát Hồng Kông, nơi đã trở thành căn cứ an toàn cho các chuyến hàng vận chuyển buôn bán thuốc phiện (người Anh nắm giữ Hồng Kông đến tận năm 1997). Trong những năm cuối thế kỷ 19, khoảng 40 triệu người Trung Hoa, một phần mười dân số của đất nước, là những con nghiện thuốc phiện.
Ai Cập cũng vậy, đã phải học cách tôn trọng cánh tay vươn dài của chủ nghĩa tư bản Anh. Trong suốt thế kỷ 19, các nhà đầu tư Pháp và Anh đã cho giới cầm quyền Ai Cập vay những khoản tiền rất lớn, trước tiên để đầu tư cho dự án xây dựng kênh đào Suez, và sau đó để đầu tư cho những công trình ít thành công hơn nhiều. Khối nợ của Ai Cập tăng lên, và các chủ nợ châu Âu ngày càng can thiệp nhiều hơn vào những vấn đề chính trị của Ai Cập. Năm 1881, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ai Cập thấy đã quá đủ và tiến hành nổi dậy. Họ tuyên bố đơn phương xóa bỏ mọi khoản nợ nước ngoài. Nữ hoàng Victoria cảm thấy không vui. Một năm sau, bà đã phái quân đội và hải quân đến sông Nile, và Ai Cập nằm dưới sự bảo hộ của Anh cho đến tận sau Thế chiến II.
Đó không phải là những cuộc chiến duy nhất nổ ra vì lợi ích của các nhà đầu tư. Thực tế, chiến tranh tự nó có thể trở thành một loại hàng hoá, giống như thuốc phiện. Năm 1821, người Hy Lạp đã nổi dậy chống lại Đế chế Ottoman. Cuộc khởi nghĩa làm dấy lên sự đồng cảm sâu sắc trong giới tự do và lãng mạn ở Anh – nhà thơ Lord Byron thậm chí đã đi sang Hy Lạp để chiến đấu bên cạnh quân nổi dậy. Nhưng các nhà tài phiệt ở London cũng ngửi thấy một cơ hội tốt. Họ đề nghị những lãnh tụ nổi dậy phát hành Trái phiếu Khởi nghĩa Hy Lạp trên thị trường chứng khoán London. Người Hy Lạp hứa sẽ hoàn trả tiền trái phiếu, cộng với lãi suất, nếu và khi họ giành được độc lập. Những nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu vì muốn sinh lợi, hay vì đồng cảm với chính nghĩa của người dân Hy Lạp, hoặc cả hai. Giá của những trái phiếu này tăng và giảm trên thị trường chứng khoán London ăn nhịp với các thành công và thất bại quân sự trên chiến trường Hy Lạp. Người Thổ Nhĩ Kỳ dần chiếm được ưu thế. Với sự thất bại đến nơi của phe nổi dậy, những chủ trái phiếu phải đối mặt với viễn cảnh mất sạch tiền. Lợi ích của những chủ trái phiếu cũng là lợi ích quốc gia, vì vậy người Anh đã tổ chức một hạm đội quốc tế vào năm 1827, đánh chìm hạm đội Ottoman trong trận hải chiến Navarino. Sau nhiều thế kỷ bị nô dịch, Hy Lạp cuối cùng cũng được tự do. Nhưng tự do đến cùng với một khoản nợ khổng lồ mà một quốc gia mới không có cách nào trả nổi. Nền kinh tế Hy Lạp đã bị đem thế chấp cho những chủ nợ Anh trong nhiều thập kỷ.
Mối liên hệ mật thiết giữa tư bản và chính trị đã có những tác động sâu rộng lên thị trường tín dụng. Tổng lượng tín dụng của một nền kinh tế được xác định không chỉ bởi những yếu tố kinh tế thuần túy, như là tìm thấy một mỏ dầu mới hoặc phát minh ra một loại máy móc mới, mà còn bởi những biến cố chính trị như thay đổi chế độ hay những chính sách ngoại giao nhiều tham vọng hơn. Sau trận Navarino, các nhà tư bản Anh đã sẵn sàng đầu tư tiền của họ vào những thương vụ liều lĩnh ở nước ngoài. Họ đã thấy rằng nếu một con nợ nước ngoài từ chối hoàn trả vốn vay, đội quân của Nữ hoàng sẽ lấy lại tiền cho họ.
Hình 39. Trận hải chiến Navarino (1827).
Đây chính là lý do mà ngày nay xếp hạng tín dụng của một quốc gia rất quan trọng đối với tình trạng kinh tế lành mạnh của nó, hơn rất nhiều so với nguồn tài nguyên thiên nhiên. Xếp hạng tín dụng xác định một quốc gia có đủ khả năng trả nợ hay không. Bên cạnh dữ liệu kinh tế thuần túy, người ta đưa vào cân nhắc cả những yếu tố chính trị, xã hội và văn hoá. Một quốc gia có nhiều dầu, nhưng bị nguyền rủa vì một chính quyền chuyên chế, chiến tranh liên miên, và một hệ thống tư pháp tham nhũng thường sẽ bị xếp hạng tín dụng thấp. Kết quả là, quốc gia đó có thể vẫn còn tương đối nghèo vì không có khả năng huy động nguồn vốn cần thiết để khai thác phần lớn những mỏ dầu đầy ắp của mình. Một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng được hưởng hòa bình, có hệ thống tư pháp công bằng và chính phủ tự do, có thể nhận được một đánh giá tín dụng cao. Như vậy, họ có thể huy động đủ vốn với lãi suất thấp để hỗ trợ một hệ thống giáo dục tốt, và thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển thịnh vượng.
Sự sùng bái thị trường tự do
Tư bản và chính trị ảnh hưởng qua lại đến mức mối tương quan giữa chúng đã gây ra sự tranh luận sôi nổi giữa những nhà kinh tế, chính trị gia, cũng như giữa công chúng nói chung. Những nhà tư bản hăng hái có xu hướng biện luận rằng tư bản nên được tự do gây tác động lên chính trị, nhưng chính trị không được phép ảnh hưởng đến tư bản. Họ giải thích rằng khi các chính phủ can thiệp vào thị trường, những lợi ích chính trị khiến thị trường có những khoản đầu tư thiếu khôn ngoan, hậu quả là tăng trưởng diễn ra chậm hơn. Ví dụ, chính phủ có thể đánh thuế nặng vào những nhà tư bản công nghiệp, và dùng tiền này để trợ cấp thất nghiệp thật rộng rãi, điều vốn được đông đảo cử tri ưa thích. Theo quan điểm của nhiều doanh nhân, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chính phủ không đụng đến tiền của họ. Họ sẽ dùng khoản tiền đó, họ nói thế, để mở những nhà máy mới và thuê những người thất nghiệp vào làm việc.
Theo quan điểm này, chính sách kinh tế khôn ngoan nhất là giữ cho chính trị đứng ngoài kinh tế, giảm thuế và giảm quy định của chính phủ xuống mức tối thiểu, và cho phép sức mạnh thị trường hoàn toàn tự do đi theo con đường phát triển tự nhiên của chúng. Những nhà đầu tư tư nhân, không bị các vấn đề chính trị gây áp lực, sẽ đầu tư tiền của mình vào nơi mà họ có thể thu được nhiều lợi nhuận nhất, vì vậy con đường để bảo đảm sự tăng trưởng tốt nhất cho kinh tế – vốn sẽ có lợi cho tất cả mọi người, từ các nhà tư bản công nghiệp đến những người làm công – là khiến chính phủ can thiệp càng ít càng tốt. Lý thuyết thị trường tự do ngày nay là biến thể phổ biến nhất và có ảnh hưởng nhất của tín ngưỡng tư bản. Những người ủng hộ nhiệt thành nhất của thị trường tự do chỉ trích gay gắt các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài cũng như những chương trình trợ cấp xã hội trong nước. Họ đưa ra cùng một lời khuyên cho các chính phủ, như trước đây những thiền sư đã khẳng định: chỉ cần không làm gì cả.
Nhưng, việc tin tưởng một cách cực đoan vào thị trường tự do cũng ngây thơ như tin tưởng vào ông già Noel. Bởi đơn giản là không có một thị trường tự do nào đứng ngoài mọi khuynh hướng chính trị. Tài nguyên kinh tế quan trọng nhất là niềm tin vào tương lai, và tài nguyên này liên tục bị những tên trộm và lang băm đe dọa. Thị trường tự nó không đưa ra sự bảo vệ để chống lại gian lận, trộm cắp và bạo động. Đó là công việc của hệ thống chính trị để bảo đảm niềm tin bằng việc ban hành các biện pháp trừng phạt chống lại lừa đảo, để thiết lập và hỗ trợ cảnh sát, tòa án và nhà tù, những lực lượng sẽ thực thi pháp luật. Khi các vị vua thất bại trong việc điều hành thị trường một cách hợp lý, nó sẽ dẫn đến sự mất lòng tin, thu hẹp tín dụng và suy thoái kinh tế. Đó là bài học rút ra được từ sự kiện Bong bóng Mississippi năm 1719, và bất cứ ai quên điều đó sẽ lại được nhắc nhở bằng sự kiện bong bóng nhà đất Mỹ năm 2007, và cuộc khủng hoảng tín dụng và suy thoái kinh tế theo sau.
Địa ngục của các nhà tư bản
Có một lý do còn cơ bản hơn, giải thích tại sao thật nguy hiểm nếu trao cho thị trường một sự tự do hoàn toàn không kiểm soát. Adam Smith đã nói rằng, người thợ đóng giày sẽ dùng thặng dư của ông ta để thuê thêm nhiều người giúp việc hơn. Điều này ngụ ý là sự tham lam ích kỷ có lợi cho tất cả, vì lợi nhuận được dùng để mở rộng sản xuất và thuê thêm nhân viên.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu người thợ đóng giày tham lam, tăng lợi nhuận của mình bằng cách trả cho người làm công ít hơn, và tăng giờ làm việc của họ? Câu trả lời đúng chuẩn là thị trường tự do sẽ bảo vệ người làm công. Nếu người thợ đóng giày của chúng ta trả tiền quá ít, và đòi hỏi quá nhiều, những người làm công giỏi nhất sẽ tự rời bỏ ông ta để đến làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Người thợ đóng giày bạo ngược sẽ thấy mình bị bỏ lại với những người làm công tệ nhất, hoặc không có người nào ở lại. Ông ta sẽ phải cải thiện phương thức kinh doanh của mình, hoặc từ bỏ kinh doanh. Lòng tham sẽ bắt buộc ông ta phải đối xử tốt với nhân viên của mình.
Điều này nghe như có vẻ an toàn về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế, mọi thứ không dễ dàng như vậy. Trong một thị trường hoàn toàn tự do, không có sự giám sát của các vị vua và linh mục, những nhà tư bản tham lam có thể cấu kết độc quyền, hoặc thông đồng với nhau chống lại lực lượng lao động của họ. Nếu có một công ty duy nhất, kiểm soát tất cả các nhà máy giày của một quốc gia, hoặc nếu mọi người chủ của các nhà máy này âm mưu đồng thời giảm tiền lương, khi đó người lao động sẽ không thể tự bảo vệ mình bằng cách chuyển sang công việc khác.
Thậm chí tệ hơn nữa, những ông chủ tham lam có thể giới hạn sự tự do đi lại của người làm công qua hình thức ép làm thuê để trừ nợ, hoặc chế độ nô lệ. Vào cuối thời trung cổ, chế độ nô lệ hầu như chưa được biết đến ở châu Âu. Ở đầu thời kỳ cận đại, sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản châu Âu đã xuất hiện song song với sự trỗi dậy của việc buôn bán nô lệ trên Đại Tây Dương. Những sức mạnh không bị kiểm soát của thị trường, chứ không phải là các vị vua chuyên chế, hay những hệ tư tưởng kỳ thị chủng tộc, chịu trách nhiệm cho thảm họa này.
Khi người châu Âu xâm chiếm châu Mỹ, họ đã khai thác những mỏ vàng bạc, lập đồn điền mía đường, thuốc lá và bông. Những mỏ khai thác và đồn điền này đã trở thành trụ cột của việc sản xuất và xuất khẩu ở châu Mỹ. Đặc biệt quan trọng là những đồn điền mía đường. Trong thời trung cổ, đường mía là thứ xa xỉ hiếm hoi ở châu Âu. Nó được nhập khẩu từ Trung Đông với giá cực cao, và chỉ được dùng một cách dè sẻn như là một thành phần bí mật trong những món cao lương mĩ vị, và mấy loại thuốc giả vô giá trị. Sau khi những đồn điền trồng mía lớn được thiết lập ở châu Mỹ, lượng đường chuyển về châu Âu ngày càng tăng. Giá đường giảm, còn châu Âu thì nhiễm thói quen ăn ngọt vô độ. Các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu này bằng cách sản xuất đồ ngọt với số lượng rất lớn: bánh ngọt, bánh quy, sô-cô-la, kẹo, và những thức uống pha chất ngọt như cacao, cà phê và trà. Lượng đường tiêu thụ trung bình hằng năm trên đầu người Anh đã tăng gần như từ con số không trong những năm đầu thế kỷ 17, đến khoảng 8 kg vào đầu thế kỷ 19.
Tuy nhiên, chuyện trồng mía và ép mía lấy đường là một công việc kinh doanh đòi hỏi lao động nhọc nhằn. Rất ít người muốn làm việc nhiều giờ trên những cánh đồng trồng mía đầy mầm bệnh sốt rét, dưới ánh nắng nhiệt đới. Những người lao động làm theo hợp đồng sẽ tạo ra một mặt hàng quá đắt đối với sự tiêu dùng đại chúng. Nhạy cảm với những sức mạnh thị trường, tham lam với lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế, những chủ đồn điền châu Âu đã chuyển sang hình thức nô lệ.
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, khoảng 10 triệu nô lệ châu Phi đã được nhập cảng vào châu Mỹ. Khoảng 70% trong số đó làm việc ở những đồn điền mía đường. Điều kiện làm việc ở đó vô cùng tồi tệ. Hầu hết nô lệ đã sống một cuộc đời ngắn ngủi và khổ sở, và hàng triệu người đã chết trong những cuộc chiến được phát động để tìm bắt nô lệ, hoặc trong những chuyến hành trình dài từ châu Phi tới bờ biển châu Mỹ. Tất cả những điều đó chỉ nhằm mục đích để người châu Âu có thể thưởng thức trà đường và kẹo ngọt – và các ông trùm đường mía có thể hưởng những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Việc buôn bán nô lệ không bị bất kỳ nhà nước hay chính phủ nào kiểm soát. Nó là một hoạt động kinh tế thuần túy, được tổ chức và tài trợ bởi thị trường tự do theo quy luật cung cầu. Những công ty tư nhân chuyên kinh doanh nô lệ đã bán cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán Amsterdam, London và Paris. Tầng lớp trung lưu châu Âu tìm kiếm một cơ hội đầu tư tốt đã mua những cổ phiếu này. Dựa trên số tiền có được, các công ty đã đóng tàu, thuê thủy thủ và binh lính, mua nô lệ ở châu Phi và chở họ đến châu Mỹ. Ở đó, họ bán nô lệ cho chủ đồn điền, dùng tiền thu được để mua nông sản của đồn điền như: đường, cacao, cà phê, thuốc lá, bông và rượu rum. Họ quay trở lại chấu Âu, bán đường và bông vải với một giá hời, sau đó đi thuyền tới châu Phi, bắt đầu lại một vòng quay khác. Những người chủ cổ phần đều rất hài lòng với sự sắp xếp này. Trong suốt thế kỷ 18, lợi nhuận của những khoản đầu tư mua bán nô lệ là khoảng 6% một năm – siêu lợi nhuận, bất kỳ một cố vấn đầu tư nào ngày nay cũng sẽ đều nhanh chóng thừa nhận như vậy.
Điều này đã tạo động lực cho thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản. Không thể bảo đảm lợi nhuận thu được một cách công bằng, hoặc phân phối một cách công bằng. Ngược lại, sự thèm khát gia tăng lợi nhuận và gia tăng sản xuất đã làm mờ mắt người ta trước bất cứ thứ gì ngáng đường. Khi sự tăng trưởng trở thành ân điển tối cao, không bị giới hạn bởi bất cứ sự cân nhắc đạo đức nào khác, nó có thể dễ dàng dẫn đến thảm họa. Một số tôn giáo, như Ki-tô giáo và chủ nghĩa quốc xã, đã giết chết hàng triệu người trong hận thù cháy bỏng. Chủ nghĩa tư bản cũng đã giết chết hàng triệu người trong sự thờ ơ lạnh lẽo và tham lam. Việc buôn bán nô lệ trên Đại Tây Dương không xuất phát từ sự kỳ thị chủng tộc với người châu Phi. Những cá nhân mua cổ phiếu, những người môi giới đã bán họ, và những người quản lý của các công ty buôn bán nô lệ, hiếm khi nghĩ đến người châu Phi. Cũng không phải những ông chủ của các đồn điền mía đường. Nhiều người chủ sống xa đồn điền của họ, và thông tin duy nhất mà họ đòi hỏi là sổ sách kế toán ghi chép rõ ràng các khoản lãi lỗ.
Điều quan trọng cần nhớ rằng việc buôn bán nô lệ trên Đại Tây Dương không phải là vết nhơ duy nhất trong một lịch sử tưởng như sạch sẽ. Nạn đói lớn Bengal, đã thảo luận ở chương trước, cũng xuất phát từ nguyên do tương tự – công ty Đông Ấn Anh quan tâm đến lợi nhuận của mình hơn là mạng sống của 10 triệu người Bengal. Những chiến dịch quân sự của công ty VOC ở Indonesia đã được tài trợ bởi các thị dân Hà Lan đáng kính, những người yêu con cái của họ, đi làm từ thiện, yêu chuộng âm nhạc và mĩ thuật, nhưng không quan tâm đến sự đau khổ của các cư dân ở Java, Sumatra và Malacca. Vô số những tội ác nặng nề và sai lầm khác đã đi kèm với sự tăng trưởng của nền kinh tế hiện đại ở nhiều nơi khác trên hành tinh này.
Thế kỷ 19 đã không mang đến sự cải thiện trong vấn đề đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Cuộc cách mạng công nghệ đã tràn qua châu Âu, làm giàu cho các ngân hàng và những ông chủ tư bản, nhưng ép buộc hàng triệu người lao động vào một cuộc sống nghèo đói, khốn khổ. Ở các thuộc địa của châu Âu, tình trạng này còn tồi tệ hơn. Năm 1876, Leopold II của Bỉ đã thành lập một tổ chức nhân đạo phi chính phủ, tuyên bố là nhằm mục đích thám hiểm vùng Trung Phi và chống lại sự buôn bán nô lệ dọc theo sông Congo. Một nhiệm vụ được giao là cải thiện điều kiện sống cho cư dân của khu vực này bằng cách xây dựng đường giao thông, trường học và bệnh viện. Năm 1885, những cường quốc châu Âu đã đồng ý cho tổ chức này kiểm soát 2,3 triệu km² ở lưu vực sông Congo. Lãnh thổ này, lớn gấp 75 lần kích thước của Bỉ, từ đó về sau đã được biết đến như là Nhà nước Congo Tự do. Không một ai hỏi ý kiến của 20-30 triệu cư dân trên lãnh thổ này.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ chức nhân đạo này đã trở thành một doanh nghiệp, có mục đích thực sự là tăng trưởng và lợi nhuận.
Việc xây dựng trường học và bệnh viện đã bị lãng quên, thay vào đó, lưu vực sông Congo đầy những mỏ khai thác và đốn điền, chủ yếu do công chức Bỉ điều hành, họ bóc lột tàn nhẫn dân địa phương. Đặc biệt khét tiếng là ngành công nghiệp cao su. Cao su đã nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp chủ lực, và xuất khẩu cao su là nguồn thu quan trọng nhất của Congo. Những dân làng người Phi bị yêu cầu phải thu hoạch nhiều cao su hơn nữa. Những ai không đạt đủ chỉ tiêu quy định đã bị trừng phạt tàn nhẫn cho sự “lười biếng” của họ. Cánh tay của họ bị chặt bỏ, và đôi khi toàn bộ dân làng bị tàn sát. Theo ước tính khiêm tốn nhất, từ năm 1885 đến 1908, việc theo đuổi tăng trưởng và lợi nhuận này đã cướp đi mạng sống của 6 triệu người (ít nhất 20% dân số Congo). Theo một vài ước tính khác, con số này lên tới 10 triệu người.
Sau năm 1908, và đặc biệt là sau năm 1945, sự tham lam của các chủ tư bản đã phần nào được kiểm chế, ít nhất là do sự sợ hãi trước chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng vẫn còn tràn lan. Chiếc bánh kinh tế của năm 2014 lớn hơn rất nhiều so với chiếc bánh của năm 1500, nhưng nó được phân phối rất không đồng đều, khiến nhiều nông dân châu Phi và người lao động Indonesia sau một ngày làm việc vất vả trở về nhà với lượng thức ăn ít hơn so với tổ tiên của họ cách đây 500 năm. Rất giống Cách mạng Nông nghiệp, sự tăng trưởng của kinh tế hiện đại có thể trở thành một trò lừa đảo khổng lồ. Loài người và kinh tế toàn cầu có thể vẫn tiếp tục phát triển, nhưng rất nhiều cá nhân lại có thể sống trong nghèo đói.
Chủ nghĩa tư bản có hai câu trả lời cho sự chỉ trích này. Thứ nhất, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một thế giới mà chỉ có nhà tư bản mới đủ khả năng để điều hành nó. Từng có một nỗ lực nhằm quản lý thế giới theo cách khác, nhưng kết cục thì lại tệ hơn rất nhiều xét trên mọi phương diện, khiến không ai còn bụng dạ nào để thử lại lần nữa. Vào năm 8500 TCN, một người có thể nhỏ những giọt nước mắt cay đắng về Cách mạng Nông nghiệp, nhưng đã quá muộn để từ bỏ nông nghiệp. Tương tự như vậy, chúng ta có thể không thích chủ nghĩa tư bản, nhưng chúng ta không thể sống thiếu nó.
Câu trả lời thứ hai là chúng ta chỉ cần kiên nhẫn hơn – thiên đường đang cận kể, như lời hứa hẹn của các nhà tư bản. Đúng vậy, đã có những sai lầm, chẳng hạn như việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, và sự bóc lột giai cấp công nhân châu Âu. Nhưng chúng ta đã học được một bài học, và nếu chúng ta chỉ cần chờ đợi lâu hơn một chút, để cho chiếc bánh lớn hơn một chút nữa, mọi người sẽ nhận được một miếng bánh ngon hơn. Việc phân chia chiến lợi phẩm không bao giờ công bằng, nhưng sẽ có đủ để thỏa mãn nhu cầu của mỗi người, phụ nữ và trẻ em – ngay cả ở đất nước Congo.
Quả thực, một số dấu hiệu tích cực đã xuất hiện. Chí ít là khi chúng ta sử dụng những tiêu chuẩn vật chất thuần túy – như tuổi thọ, tỉ lệ tử vong ở trẻ em, và lượng calo thu nhận được – mức sống tiêu chuẩn của một người bình thường trong năm 2013 cao hơn đáng kể so với năm 1913, mặc dù dân số tăng trưởng theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, liệu chiếc bánh kinh tế có thể to ra vô hạn? Mỗi chiếc bánh đều đòi hỏi nguyên liệu và năng lượng. Những nhà tiên tri về ngày tận thế báo động rằng sớm hay muộn Homo sapiens sẽ làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu và năng lượng của hành tinh Trái đất. Rồi điều gì sẽ xảy ra sau đó?