Sapiens: Lược Sử Loài Người

CUỘC HÔN NHÂN GIỮA KHOA HỌC VÀ ĐẾ QUỐC

CUỘC HÔN NHÂN GIỮA KHOA HỌC VÀ ĐẾ QUỐC

Mặt trời và Trái đất cách nhau bao xa? Đó là câu hỏi kích thích trí tò mò của nhiều nhà thiên văn thời cận đại, đặc biệt là sau khi Copernicus đã cho rằng Mặt trời, chứ không phải Trái đất, nằm ở trung tâm của vũ trụ. Một số nhà thiên văn học và toán học đã cố gắng để tính toán khoảng cách này, nhưng những phương pháp của họ cho ra các kết quả rất khác biệt. Một phương pháp đo đạc tin cậy cuối cùng được đưa ra vào giữa thế kỷ 18. Cứ vài năm, quỹ đạo Sao Kim lại cắt ngang qua khoảng không giữa Mặt trời và Trái đất. Chỉ cần sự khác biệt rất nhỏ trong góc nhìn của người quan sát sẽ thấy thời gian của hiện tượng cắt ngang là khác nhau khi nhìn từ những điểm cách xa nhau trên bề mặt Trái đất. Nếu có thể đồng thời quan sát cùng một lần di chuyển cắt ngang này từ những lục địa khác nhau, chỉ cần dùng lượng giác cơ bản là tính được khoảng cách chính xác giữa chúng ta và Mặt trời.

Các nhà thiên văn học dự đoán rằng những lần cắt ngang tiếp theo của Sao Kim sẽ xảy ra vào năm 1761 và năm 1769. Vì vậy, những đoàn thám hiểm đã từ châu Âu tỏa đi khắp thế giới để quan sát hiện tượng này từ càng nhiều điểm cách xa nhau càng tốt. Năm 1761, các nhà khoa học đã quan sát hiện tượng cắt ngang của Sao Kim từ Siberia, Bắc Mỹ, Madagascar và Nam Phi. Khi năm 1769 đến gần, cộng đồng khoa học châu Âu đã hết sức nỗ lực để gửi các nhà khoa học đi thật xa như tới miền Bắc Canada, và California (lúc đó còn là một vùng đất hoang dã). Hội khoa học Hoàng gia London về Cải thiện Kiến thức Tự nhiên đã kết luận rằng như thế vẫn chưa đủ. Để có được những kết quả chính xác nhất, bắt buộc phải gửi một nhà thiên văn học đến tận Tây Nam Thái Bình Dương.

Hội khoa học Hoàng gia đã quyết định cử một nhà thiên văn học xuất sắc, Charles Green đến Tahiti mà không quản công sức hay tiền bạc. Nhưng khi đã tài trợ cho một chuyến thám hiểm tốn kém như vậy, thật vô nghĩa nếu chỉ sử dụng nó để làm một việc duy nhất là quan sát thiên văn. Do đó, đồng hành với Charles Green là một đội tám nhà khoa học khác, từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu, đứng đầu là hai nhà thực vật học Joseph Banks và Daniel Solander. Nhóm nghiên cứu cũng gồm các họa sĩ có nhiệm vụ vẽ lại những vùng đất, các loài thực vật, động vật và những tộc người mới, mà họ chắc chắn sẽ bắt gặp. Được trang bị những thiết bị khoa học tân tiến nhất mà các ngân hàng và Hội khoa học Hoàng gia có thể mua được, đoàn thám hiểm đã lên đường dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng James Cook, một nhà hàng hải lão luyện đồng thời là một nhà địa lý học và dân tộc học tài năng.

Đoàn thám hiểm rời Anh năm 1768, quan sát hiện tượng cắt ngang của Sao Kim từ Tahiti vào năm 1769, thảm dò một số quần đảo ở Thái Bình Dương, đến thăm Australia và New Zealand, và trở về Anh vào năm 1771. Chuyến đi mang về một lượng rất lớn dữ liệu thiên văn, địa lý, khí tượng, thực vật, động vật và nhân học. Những khám phá này đã đóng góp rất lớn vào một số ngành học, thổi bùng óc tưởng tượng của người châu Âu trước những câu chuyện kỳ diệu của vùng Nam Thái Bình Dương, và truyền cảm hứng cho những thế hệ các nhà tự nhiên học và thiên văn học tương lai.

Một trong những lĩnh vực được hưởng lợi từ cuộc thám hiểm của Cook là y học. Vào thời đó, những con tàu giương buồm ra khơi hướng đến những bờ biển xa xôi, dù biết trước hơn một nửa thủy thủ đoàn sẽ chết dọc đường. Sự báo ứng không đến từ những người bản xứ giận dữ, những tàu chiến đối phương, hay nhớ nhà, mà tư căn bệnh bí ẩn gọi là scurvy. Những người mắc bệnh này uể oải và chán nản, nướu răng và những mô tế bào mềm khác bị chảy máu. Khi bệnh tiến triển, răng sẽ bị rụng, lở loét xuất hiện và họ bị sốt cao, vàng da, chân tay mất kiểm soát. Giai đoạn giữa thế kỷ 16 và 18, bệnh scurvy ước tính đã cướp đi sinh mạng của khoảng hai triệu thủy thủ. Không ai biết nguyên nhân của căn bệnh này, và bất chấp mọi nỗ lực điều trị, những thủy thủ tiếp tục chết hàng loạt. Bước ngoặt đến vào năm 1747, khi một bác sĩ người Anh, James Lind, tiến hành một thí nghiệm có kiểm chứng đối với những thủy thủ đã nhiễm bệnh. Ông phân chia họ ra thành nhiều nhóm, và áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau cho mỗi nhóm. Một trong những nhóm thí nghiệm đã được cho ăn những loại trái cây trong họ cam quýt (citrus), một phương pháp dân gian phổ biến để trị bệnh scurvy. Những bệnh nhân trong nhóm này đã hồi phục nhanh chóng. Lind không biết những trái cây họ cam quýt có chứa thứ gì mà cơ thể thủy thủ đang thiếu, nhưng giờ đây chúng ta biết rằng đó là vitamin C. Một thực đơn thông thường trên tàu tại thời đó đặc biệt thiếu những loại thực phẩm giàu tinh chất thiết yếu này. Trên những hải trình dài ngày, thủy thủ thường sống bằng bánh quy và thịt bò khô, và hầu như không ăn trái cây hay rau.

Những thí nghiệm của Lind không thuyết phục được Hải quân Hoàng gia, nhưng thuyết phục được James Cook. Ông kiên quyết chứng minh vị bác sĩ này đã đúng. Ông cho chất lên tàu một lượng lớn bắp cải muối chua (sauerkraut), ra lệnh cho thủy thủ đoàn ăn thật nhiều trái cây tươi và rau quả mỗi khi đoàn thám hiểm có dịp ghé vào bờ. Cook đã không mất một thủy thủ nào vì bệnh scurvy. Trong hàng thập kỷ sau đó, mọi lực lượng hải quân trên thế giới đều học theo chế độ ăn uống trên biển của Cook, nên đã cứu được vô số sinh mạng của thủy thủ và hành khách.

Tuy nhiên, chuyến thám hiểm của Cook đã đem lại một kết quả khác, kém tốt đẹp hơn nhiều. Cook không chỉ là một nhà hàng hải và địa lý lão luyện, mà còn là một sĩ quan hải quân. Hội khoa học Hoàng gia đã tài trợ phần lớn chi phí của chuyến thám hiểm, nhưng con tàu lại được Hải quân Hoàng gia cấp cho. Họ cũng phái một đoàn gồm 85 thủy thủ và lính thủy đánh bộ với khí tài đầy đủ, trang bị pháo binh, súng trường, thuốc súng và những loại vũ khí khác cho con tàu. Phần lớn những thông tin thu thập được trong chuyến thám hiểm, đặc biệt là những dữ liệu về thiên văn, địa lý, khí tượng và nhân học – rõ ràng đã đem lại nhiều giá trị về mặt chính trị và quân sự. Việc tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh scurvy cũng góp phần rất lớn vào sự kiểm soát của Anh đối với những vùng biển trên thế giới, và vào năng lực gửi quân đội sang những khu vực ở bên kia thế giới. Cook đã tuyên bố chủ quyền cho Anh ở rất nhiều quần đảo và vùng đất do ông “tìm ra,” đáng chú ý nhất là châu Úc. Chuyến thám hiểm của Cook đã đặt nền móng cho sự chiếm đóng của Anh ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương; cho sự chinh phục châu Úc, Tasmania, và New Zealand; cho sự định cư của hàng triệu người châu Âu trên những thuộc địa mới; và cho sự hủy diệt văn hoá bản địa và hầu hết dân cư bản địa.

Trong thế kỷ tiếp theo chuyến thám hiểm này, hầu hết những vùng đất màu mỡ nhất của châu Úc và New Zealand đã bị những người định cư từ châu Âu tước khỏi tay những cư dân trước đây. Dân số cư dân bản địa giảm đến 90%, và những người sống sót đã phải chịu một chế độ đàn áp chủng tộc hà khắc. Đối với những thổ dân châu Úc và bộ tộc Maoris ở New Zealand, đoàn thám hiểm của Cook là sự khởi đầu cho một thảm họa mà họ không bao giờ khắc phục được.

Một số phận còn thê thảm hơn đã giáng xuống những người bản địa của đảo Tasmania. Sau khi đã tồn tại 10.000 năm trong sự cô lập tuyệt đối, họ đã hoàn toàn bị xóa sổ cho đến người đàn ông, đàn bà và trẻ em cuối cùng, chỉ trong vòng một thế kỷ kể từ khi đoàn thám hiểm của Cook đến đây. Những người định cư châu Ấu ban đầu đưa họ ra khỏi những khu vực giàu có nhất của hòn đảo, và sau đó, vẫn còn thèm muốn cả những vùng hoang dã còn lại, đã săn lùng, giết hại họ một cách có hệ thống. Một số ít người sống sót đã bị lùa vào trại tập trung để cải đạo, nơi những người truyền giáo, dù đầu óc đẩy những thiện ý nhưng đặc biệt không chút cởi mở, đã cố gắng truyền giáo cho họ để họ sống theo lối sống hiện đại. Những người Tasmania sống sót đã được dạy đọc và viết, theo đạo Ki-tô và học những “kĩ năng sản xuất” như dệt may và trồng trọt. Nhưng họ đã từ chối học. Họ trở nên u buồn hơn, thôi không sinh con, không còn quan tâm đến cuộc sống nữa, và cuối cùng đã chọn con đường duy nhất để thoát khỏi thế giới hiện đại của khoa học và tiến bộ – cái chết.

Chao ôi, khoa học và sự tiến bộ vẫn còn theo đuổi họ sang tận thế giới bên kia. Thi thể của những người Tasmania cuối cùng đã bị những nhà nhân học và người phụ trách bảo tàng thu giữ nhân danh khoa học. Chúng đã bị mổ xẻ, cân đo, và phân tích để phục vụ cho nghiên cứu. Những chiếc sọ và bộ xương sau đó được trưng bày trong những viện bảo tàng và những bộ sưu tập nhân chủng học. Chỉ đến năm 1976, viện bảo tàng Tasmania mới từ bỏ và cho chôn cất hài cốt của bà Truganini, người bản địa Tasmania cuối cùng, đã chết từ 100 năm trước đó. Hội phẫu thuật Hoàng gia Anh đã giữ những mẫu da và tóc của bà cho đến năm 2002.

Có phải hải trình của Cook là một chuyến thám hiểm khoa học được lực lượng quân sự hộ tống, hay là đó là một đoàn thám hiểm quân sự với vài nhà khoa học đi theo? Câu hỏi đó giống như việc hỏi bình xăng của bạn đẩy một nửa, hay vơi một nửa. Cả hai đều đúng. Cách mạng Khoa học và chủ nghĩa đế quốc hiện đại là không thể tách rời. Những người như Thuyền trưởng James Cook và nhà thực vật học Joseph Banks đều khó có thể tách khoa học khỏi đế quốc. Người phụ nữ kém may mắn Truganini cũng vậy.

Tại sao lại là châu Âu?

Chuyện những người từ một đảo lớn ở phía bắc Đại Tây Dương đã chinh phục một đảo lớn ở phía nam châu Úc là một trong những sự kiện còn kỳ lạ hơn của lịch sử. Không lâu trước chuyến thám hiểm của Cook, quần đảo Anh và Tây Âu nói chung chỉ là những vùng ao tù nước đọng xa xôi của thế giới Địa Trung Hải. Những điều quan trọng hiếm khi xảy ra ở đó. Ngay cả Đế chế La Mã – đế chế châu Âu quan trọng duy nhất ở thời kỳ tiền hiện đại – cũng chỉ trở nên giàu có nhờ những lãnh thổ thuộc địa ở Bắc Phi, Balkan, và Trung Đông. Còn những lãnh thổ miền Tây Âu của La Mã là một vùng Viễn Tây hoang dã, có đóng góp rất ít ngoại trừ khoáng sản và nô lệ. Vùng Bắc Âu thì quá hẻo lánh và hoang dã, đến mức nó không bõ công để chinh phục.

 

Hình 34. Truganini, người bản địa Tasmania cuối cùng.

Chỉ đến cuối thế kỷ 13, châu Âu mới trở thành một khu vực sôi động với nhiều sự phát triển về quân sự, chính trị, kinh tế và văn hoá quan trọng. Giữa năm 1300 và 1750, Tây Âu đã lấy được đà và trở thành ông chủ của “Thế giới Bên ngoài,” gồm hai lục địa của châu Mỹ và các đại dương. Tuy nhiên, ngay cả khi đó châu Âu vẫn không sánh được với những cường quốc ở châu Á. Châu Âu chinh phục thành công châu Mỹ và đạt được uy thế trên biển, chủ yếu là do những cường quốc châu Á ít thể hiện sự quan tâm đến chúng. Thời kỳ đầu kỷ nguyên hiện đại là thời hoàng kim của Đế chế Ottoman ở Địa Trung Hải, Đế chế Safavid thuộc Ba Tư, Đế chế Mughal ở Ấn Độ, nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Hoa. Những đế chế này đã mở rộng lãnh thổ một cách đáng kể và có được mức tăng trưởng dân số và kinh tế chưa từng có. Năm 1775, châu Á chiếm 80% quy mô kinh tế thế giới. Chỉ hai nền kinh tế của Ấn Độ và Trung Hoa đã chiếm tới hai phần ba sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu là một “người lùn” về kinh tế.

Trung tâm quyền lực thế giới chỉ chuyển sang châu Âu vào khoảng giữa những năm 1750 và 1850, khi người châu Âu làm nhục những cường quốc châu Á bằng một loạt các cuộc chiến tranh và xâm chiếm phần lớn châu Á. Đến năm 1900, châu Âu kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế và hầu hết các lãnh thổ trên thế giới. Năm 1950, Tây Âu và Mỹ đã chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu, trong khi đó phần của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 5%. Dưới sự bảo hộ của châu Âu, một trật tự thế giới mới và nền văn hoá toàn cầu đã xuất hiện. Ngày nay, tất cả mọi người, ở một mức độ lớn hơn nhiều so với mức họ thường muốn thừa nhận, đều có trang phục, tư tưởng và thị hiếu của châu Âu. Họ có thể chống châu Âu quyết liệt trong lời nói, nhưng hầu như tất cả mọi người trên hành tinh đều có những quan sát chính trị, y học, chiến tranh và kinh tế qua đôi mắt châu Âu, lắng nghe âm nhạc được viết theo thang âm châu Âu với phần lời bằng ngôn ngữ châu Âu. Ngay cả nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển ngày nay, có thể sớm lấy lại vị trí đứng đầu trên thế giới, cũng được xây dựng trên mô hình sản xuất và tài chính châu Âu.

Làm thế nào những người ở vùng đất hình dạng như một “ngón tay giá lạnh” của lục địa Á-Âu lại có thể xoay xở để thoát khỏi cái góc hẻo lánh của họ và chinh phục toàn thế giới? Công trạng này thường được trao cho những nhà khoa học châu Âu. Không nghi ngờ gì, từ năm 1850 trở đi, sự thống trị của châu Âu dựa trên những tổ hợp quân sự-công nghiệp-khoa học và phép màu phi thường của công nghệ. Tất cả những đế quốc thành công thời kỳ cận đại đều nuôi dưỡng các nghiên cứu khoa học với hy vọng gặt hái được những sự đổi mới về kĩ thuật, và nhiều nhà khoa học đã dành hầu hết thời gian của họ để nghiên cứu các lĩnh vực vũ khí, y học và máy móc cho những ông chủ đế quốc của họ. Một câu nói phổ biến giữa những người lính châu Âu đối với kẻ thù người châu Phi là, “Dù sao đi nữa, ta có súng máy, còn chúng thì không”. Kĩ thuật dân sự cũng quan trọng không kém. Thực phẩm đóng hộp nuôi dưỡng binh lính, đường sắt và tàu hỏa vận chuyển binh lính cùng nhu yếu phẩm của họ, trong khi một kho những loại thuốc mới đã cứu chữa cho binh lính, thủy thủ và những kĩ sư hỏa xa. Những tiến bộ về mặt hậu cần này đóng một vai trò quan trọng hơn so với những cỗ súng máy trong cuộc chinh phục châu Phi của châu Âu.

Nhưng đó không phải là những gì xảy ra trước năm 1850. Những tổ hợp quân sự-công nghiệp-khoa học vẫn còn trong trứng nước; những thành quả công nghệ của Cách mạng Khoa học vẫn chưa chín muồi; và khoảng cách công nghệ giữa những cường quốc châu Âu, châu Á và châu Phi vẫn chưa rõ nét. Năm 1770, James Cook chắc chắn đã có kĩ thuật tốt hơn nhiều so với những thổ dân châu Úc, nhưng người Trung Hoa và người Ottoman cũng vậy. Tại sao lúc đó Thuyền trưởng James Cook lại khám phá và chiếm châu Úc làm thuộc địa, chứ không phải là Thuyền trưởng Wan Zhengse hay Thuyền trưởng Hussein Pasha? Quan trọng hơn, nếu năm 1770 châu Âu đã không có lợi thế về kĩ thuật đáng kể so với những người Hồi giáo, Ấn Độ và Trung Hoa, thì trong thế kỷ tiếp theo họ đã làm cách nào để thành công trong việc nới rộng khoảng cách với phần còn lại của thế giới?

Tại sao những tổ hợp quân sự-công nghệ-khoa học lại bùng nổ ở châu Âu chứ không phải là Ấn Độ? Khi Anh nhảy vọt về phía trước, tại sao Pháp, Đức và Mỹ đã nhanh chóng đi theo, trong khi Trung Hoa vẫn tụt lại đằng sau? Khi khoảng cách giữa những quốc gia công nghiệp và phi công nghiệp đã trở thành yếu tố kinh tế và chính trị rõ ràng, tại sao những nước như Nga, Ý và Áo lại thành công trong việc san bằng nó, trong khi Ba Tư, Ai Cập và Đế chế Ottoman lại thất bại? Xét cho cùng, công nghệ của làn sóng công nghiệp lần thứ nhất khá đơn giản. Tại sao Trung Hoa, hay Đế chế Ottoman lại gặp nhiều khó khăn trong việc thiết kế động cơ hơi nước, chế tạo súng máy và xây những tuyến đường sắt?

Tuyến đường sắt thương mại đầu tiên trên thế giới đã được khai trương vào năm 1830 ở Anh. Đến năm 1850, các quốc gia phương Tây đã có một hệ thống chằng chịt gần 40.000 km đường sắt – toàn bộ châu Á, châu Phi và Mỹ Latin chỉ có 4.000 km đường sắt. Năm 1880, phương Tây tự hào vì có hơn 350.000 km đường sắt, trong khi đó phần còn lại của thế giới chỉ có 35.000 km (và hầu hết trong số này do người Anh xây dựng ở Ấn Độ). Tuyến đường sắt đầu tiên ở Trung Hoa đến năm 1876 mới được mở. Nó dài 25 km và do người châu Âu xây dựng – nhưng chính quyền Trung Hoa đã phá hủy nó vào năm tiếp theo. Năm 1880, Đế chế Trung Hoa không có lấy một tuyến đường sắt hoạt động. Tuyến đường sắt đầu tiên ở Ba Tư đến nám 1888 mới được xây, và nó nối Tehran với một thánh địa Hồi giáo cách thủ đô này khoảng 10 km về phía nam. Nó do một công ty của Bỉ xây dựng và điều hành. Năm 1950, tổng chiều dài mạng lưới đường sắt của Ba Tư chỉ vỏn vẹn có 2.500 km với một quốc gia có kích thước gấp bảy lần nước Anh.

Người Trung Hoa và Ba Tư không thiếu những phát minh kĩ thuật giống như động cơ hơi nước (vốn có thể được sao chép tự do hoặc mua lại). Họ thiếu những giá trị, những câu chuyện huyền thoại, guồng máy tư pháp và những cấu trúc chính trị xã hội vốn phải mất nhiều thế kỷ mới thành hình và trưởng thành ở phương Tây, điều mà họ không thể sao chép và tiếp thu một cách nhanh chóng. Pháp và Mỹ nhanh chóng tiếp bước Anh, vì người Pháp và Mỹ đã chia sẻ cùng những huyền thoại và những cấu trúc xã hội quan trọng nhất với người Anh. Người Trung Hoa và Ba Tư không thể bắt kịp, vì khác biệt trong suy nghĩ và tổ chức xã hội của họ.

Lời giải thích này đã làm sáng tỏ giai đoạn từ năm 1500 đến 1850. Trong suốt thời kỳ này, châu Âu không được hưởng bất kỳ ưu thế rõ ràng nào về kĩ thuật, chính trị, quân sự hoặc kinh tế so với những cường quốc châu Á, thế nhưng lục địa này lại xây dựng được một tiềm năng độc đáo mà tầm quan trọng của nó đột nhiên trở nên rõ ràng vào khoảng những năm 1850. Sự cân bằng hiển nhiên giữa châu Âu, Trung Hoa và thế giới Hồi giáo vào năm 1750 là một phép màu. Hãy tưởng tượng hai người thợ xây, mỗi người đều bận rộn xây những tòa tháp rất cao. Một người dùng gỗ và gạch, trong khi người kia dùng thép và bê tông. Lúc đầu, dường như không có nhiều khác biệt giữa hai phương thức này, vì cả hai tòa tháp đều cao dần lên với tốc độ tương đương, và đạt độ cao tương ứng. Tuy nhiên, một khi vượt qua được ngưỡng quyết định, tòa tháp bằng gỗ và gạch không thể chịu được lực nén và sẽ sụp đổ, trong khi tòa tháp bằng thép và bê tông cao dần hết tầng nọ đến tầng kia, vươn ngút tầm mắt.

Tiềm năng nào đã phát triển ở châu Âu thời kỳ cận đại cho phép họ có khả năng thống trị thế giới hiện đại sau này? Có hai câu trả lời bổ sung cho câu hỏi này: khoa học hiện đại và chủ nghĩa tư bản. Những người châu Âu đã quen với suy nghĩ và hành xử theo phương thức khoa học và chủ nghĩa tư bản, ngay cả trước khi họ được hưởng bất kỷ một lợi thế kĩ thuật đáng kể nào. Khi sự thịnh vượng về kĩ thuật bắt đầu, những người châu Âu có thể khai thác lợi thế đó giỏi hơn nhiều so với bất kỳ ai khác. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà khoa học và chủ nghĩa tư bản đã hình thành nên di sản quan trọng nhất mà chủ nghĩa đế quốc châu Âu để lại cho thế giới hậu châu Âu thế kỷ 21. Châu Âu và những con người ở đó đã thỏi không cai trị thế giới nữa, nhưng khoa học và chủ nghĩa tư bản đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những chiến thắng của chủ nghĩa tư bản sẽ được xem xét trong chương sau. Chương này dành riêng cho chuyện tình giữa chủ nghĩa đế quốc châu Âu và khoa học hiện đại.

Tâm lý của sự chinh phục

Khoa học hiện đại đơm hoa kết trái và được nương nhờ nơi những đế quốc châu Âu. Những thành quả này rõ ràng mang nợ rất lớn đối với truyền thống khoa học thời cổ đại, như truyền thống khoa học cổ đại của Hy Lạp, Trung Hoa, Ấn Độ và Hồi giáo, nhưng đặc tính độc đáo của nó chỉ bắt đầu hình thành trong thời kỳ cận đại, liên quan chặt chẽ đến sự bành trướng đế quốc của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Nga và Hà Lan. Trong thời kỳ cận đại, những người Trung Hoa, Ấn Độ, Hồi giáo, người bản địa châu Mỹ, và người Đa đảo (Polynesia) đã tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho Cách mạng Khoa học. Những hiểu biết sâu sắc của các nhà kinh tế học Hồi giáo đã được Adam Smith và Karl Marx nghiên cứu, những phương pháp điều trị tiên phong của các thầy thuốc người bản địa châu Mỹ đã được đưa vào những văn bản y học bằng tiếng Anh, và những dữ liệu do người Đa đảo cung cấp đã cách mạng hoá ngành nhân học ở phương Tây. Nhưng cho đến giữa thế kỷ 20, những người đã kiểm tra đối chiếu vô số khám phá khoa học này, tạo ra các ngành khoa học trong quá trình đó, chính là giới tinh hoa trí tuệ và giới cầm quyền của những đế chế châu Âu toàn cầu. Thế giới Viễn Đông và Hồi giáo cũng sinh ra những trí tuệ thông minh và ham hiểu biết không kém người châu Âu. Tuy nhiên, giữa những năm 1500 và 1950, họ đã không đưa ra được bất cứ thứ gì có thể sánh với vật lý học của Newton hay sinh vật học của Darwin.

Điều này không có nghĩa rằng chỉ có người châu Âu mới có một gen khác thường dành cho khoa học, hoặc họ sẽ mãi mãi thống trị việc nghiên cứu vật lý và sinh học. Cũng giống như đạo Hồi bắt đầu là sự độc quyền của người Ả-rập, nhưng sau đó đã lần lượt được truyền bá cho người Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư, nền khoa học hiện đại đã bắt đầu như một đặc sản của châu Âu, nhưng ngày nay đang trở thành một công trình đa sắc tộc.

Điều gì đã tạo nên mối ràng buộc lịch sử giữa khoa học hiện đại và chủ nghĩa đế quốc châu Âu? Công nghệ là một nhân tố quan trọng trong thế kỷ 19 và 20, nhưng ở thời kỳ đầu của kỷ nguyên hiện đại, nó chỉ có tầm quan trọng hạn chế. Nhân tố quan trọng là các nhà thực vật học tìm kiếm cây cỏ và các sĩ quan hải quân tìm kiếm thuộc địa cùng chia sẻ một tư duy tương đồng. Cả nhà khoa học và kẻ chinh phục đã bắt đầu bằng việc thừa nhận sự ngu dốt – họ đều nói rằng, “Tôi không biết có những gì ở ngoài kia”. Họ đều cảm thấy bắt buộc phải đi ra ngoài kia để có những khám phá mới. Và cả hai bên đều hy vọng những kiến thức mới có được sẽ giúp họ trở thành những ông chủ của thế giới.

Chủ nghĩa đế quốc châu Âu hoàn toàn không giống như tất cả những di sản đế chế khác trong lịch sử. Những người chinh phục trước đây có xu hướng cho rằng họ đã hiểu biết về thế giới rồi. Việc chinh phục chỉ đơn thuần là khai thác và truyền bá tư tưởng của họ về thế giới. Người Ả-rập là một ví dụ, họ đã không chinh phục Ai Cập, Tây Ban Nha hay Ấn Độ để khám phá thứ gì đó mà mình không biết. Người La Mã, Mông Cổ và người Aztec ở Mexico đã khao khát chinh phục những vùng đất mới để tìm kiếm quyền lực và sự giàu có – chứ không phải kiến thức. Ngược lại, các đế chế châu Âu thì lên đường đến những bờ biển xa xôi với hy vọng có được kiến thức mới cùng với những vùng đất mới.

James Cook không phải là nhà thám hiểm đầu tiên suy nghĩ theo cách này. Những nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào thế kỷ 15 và 16 cũng từng như vậy. Hoàng tử Henry Nhà hàng hải và Vasco da Gama đã thám hiểm những bờ biển châu Phi, và trong quá trình đó, đã nắm lấy quyền kiểm soát những hòn đảo và bến cảng. Christopher Columbus “tìm ra” châu Mỹ và ngay lập tức tuyên bố chủ quyền trên những vùng đất mới của nhà vua Tây Ban Nha. Ferdinand Magellan tìm thấy tuyến đường biển vòng quanh thế giới, và đồng thời đặt nền móng cho sự chinh phục quần đảo Philippines của Tây Ban Nha.

Theo thời gian, công cuộc chinh phục kiến thức và chinh phục lãnh thổ trở nên gắn bó chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Trong thế kỷ 18 và 19, hầu hết những cuộc thám hiểm quân sự quan trọng từ châu Âu đi đến những vùng đất xa xôi đều có những nhà khoa học trên boong tàu, những người ra đi không phải để chiến đấu mà là tìm kiếm những phát kiến khoa học. Khi Napoleon xâm lăng Ai Cập năm 1798, ông đem theo 165 học giả đi cùng. Ngoài những vấn đề khác, họ đã thành lập một ngành khoa học hoàn toàn mới, ngành Ai Cập học, và có những đóng góp quan trọng cho việc nghiên cứu tôn giáo, ngôn ngữ học và thực vật học.

Năm 1831, Hải quân Hoàng gia gửi tàu HMS Beagle ra khơi để vẽ bản đồ những vùng bờ biển Nam Mỹ, quần đảo Falklands và quần đảo Galapagos. Hải quân Anh cần những kiến thức này để chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp chiến tranh. Thuyền trưởng của tàu, vốn là một nhà khoa học nghiệp dư, đã quyết định đưa thêm một nhà địa chất học vào đoàn thám hiểm để nghiên cứu những quá trình hình thành địa chất mà họ có thể gặp trên đường đi. Sau khi một số nhà địa chất chuyên nghiệp từ chối lời mời của ông, thuyền trưởng đã trao nhiệm vụ này cho một thanh niên 22 tuổi mới tốt nghiệp Đại học Cambridge, Charles Darwin. Darwin đã từng học tập để trở thành một cha xứ nhà thờ Anh, nhưng lại quan tâm nhiều đến địa chất học và khoa học tự nhiên hơn là Kinh Thánh. Ông chớp lấy thời cơ, và chuyện sau đó thì ai cũng biết. Thuyền trưởng đã dành thời gian của mình trong chuyến hành trình để vẽ những bản đồ quân sự, trong khi Darwin thu thập những dữ liệu thực nghiệm và xây dựng những hiểu biết sâu sắc mà cuối cùng sẽ trở thành thuyết tiến hoá.

Ngày 20 tháng Bảy năm 1969, Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên bề mặt của Mặt trăng. Trong những tháng chuẩn bị cho cuộc thám hiểm này, những phi hành gia của phi thuyền Apollo 11 đã. được huấn luyện trong một sa mạc hẻo lánh có đặc điểm giống Mặt trăng ở phía Tây nước Mỹ. Khu vực này là quê hương của nhiều cộng đồng người Mỹ bản địa, và có một câu chuyện – hay truyền thuyết – mô tả một cuộc gặp gỡ giữa những phi hành gia và một người thổ dân.

Một ngày nọ, khi họ đang huấn luyện, những phi hành gia ngẫu nhiên gặp một cụ già người Mỹ bản xứ. Cụ già hỏi họ đang làm gì ở đó. Họ trả lời rằng mình là một phần của chuyến thám hiểm nghiên cứu mà trong thời gian ngắn nữa sẽ đi lên Mặt trăng. Khi nghe nói thế, cụ già đã im lặng trong vài phút, rồi nhờ những phi hành gia xem liệu có thể làm ơn giúp mình một việc không.

“Cụ muốn gì?” họ hỏi.

“Vâng,” cụ già nói, “những người cùng bộ tộc của tôi tin rằng những thần linh linh thiêng sống trên Mặt trăng. Tôi không biết liệu anh có thể chuyển một thông điệp quan trọng từ dân tộc chúng tôi đến cho họ không”.

“Thông điệp gì vậy?” những phi hành gia hỏi.

Cụ già thốt ra điều gì đó bằng ngôn ngữ bộ lạc của mình, và sau đó yêu cầu những phi hành gia nhắc đi nhắc lại câu nói đó nhiều lần, cho đến khi họ thuộc lòng nó thật chính xác.

“Nó có nghĩa gì vậy?” những phi hành gia hỏi.

“Ồ, tôi không thể nói cho các ông nghe. Đó là một bí mật chỉ có bộ lạc chúng tôi và những thần linh thiêng trên Mặt trăng mới được phép biết”.

Khi họ trở về cần cứ, những phi hành gia đã cố tìm một người có thể nói ngôn ngữ của bộ lạc đó, và nhờ anh ta dịch thông điệp bí mật này. Sau khi lặp lại những gì họ đã thuộc lòng, người phiên dịch bắt đầu phá ra cười. Khi anh ta đã bình tĩnh lại, những phi hành gia hỏi anh ta nó có nghĩa gì. Người phiên dịch giải thích rằng câu nói mà họ đã thuộc lòng rất cẩn thận nghĩa là, “Đừng tin dù chỉ một từ những người này nói với ngài. Họ đến để đánh cắp đất đai của ngài”.

Những tấm bản đồ trống

Tâm lý “khám phá và chinh phục” thời hiện đại được minh họa rõ nét bằng sự phát triển của bản đồ thế giới. Nhiều nền văn hoá đã vẽ nên những bản đồ thế giới trước thời kỷ hiện đại rất lâu. Rõ ràng, không một nền văn hoá nào trong số đó thực sự biết được toàn thể thế giới. Không có nền văn hoá Á-Phi nào đã biết về châu Mỹ, và không có nền vân hoá châu Mỹ nào biết về lục địa Á-Phi. Những khu vực xa lạ chỉ đơn giản là bị bỏ trống, hoặc chứa đầy quái vật và kỳ quan tưởng tượng. Những tấm bản đồ này không có khoảng trống. Chúng đã cho ta ấn tượng về một sự thân thuộc với toàn thể thế giới.

Trong thế kỷ 15 và 16, người châu Âu bắt đầu vẽ bản đồ thế giới với rất nhiều khoảng trống – một dấu hiệu của sự phát triển tư duy khoa học, cũng như sự cố gắng của đế chế châu Âu. Những tấm bản đồ trống là một bước đột phá về tâm lý và tư tưởng, một sự thừa nhận rõ ràng rằng những người châu Âu đã không biết gì về những phần rộng lớn của thế giới.

Bước ngoặt quan trọng đã đến vào năm 1492, khi Christopher Columbus giương buồm từ Tây Ban Nha đi về hướng Tây, tìm một hải trình mới để đến vùng Đông Á. Columbus vẫn tin vào những tấm bản đồ thế giới “hoàn chỉnh” trước đây. Khi sử dụng chúng, Columbus tính rằng Nhật Bản hẳn phải nằm ở vị trí khoảng 7.000 km về phía tây của Tây Ban Nha. Trên thực tế, khoảng cách là hơn 20.000 km và toàn bộ một lục địa chưa được biết đến đã phân cách giữa Đông Á với Tây Ban Nha. Ngày 12 tháng Mười năm 1492, vào khoảng 2:00 sáng, đoàn thám hiểm của Columbus tiếp cận một lục địa chưa từng được biết đến. Juan Rodriguez Bermejo, đứng quan sát trên cột buồm của tàu Pinta, nhìn thấy một hòn đảo mà ngày nay chúng ta gọi là đảo Bahamas, và hét lên “Đất liền! Đất liền!”

 

Hình 35. Một bản đồ thế giới của châu Âu từ năm 1459 (châu Âu nằm ở góc trên cùng bên trái). Bản đồ được lấp đầy bằng những chi tiết, thậm chí cả những khu vực được mô tả là một thế giới hoàn toàn xa lạ với người châu Âu, như Nam Phi.

Columbus tin rằng mình vừa đặt chân đến một đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Đông Á. Ông gọi những người mình gặp ở đó là “người Ấn Độ”, vì ông nghĩ mình đã đổ bộ lên Ấn Độ – vùng mà ngày nay chúng ta còn gọi là Đông Ấn hoặc quần đảo Indonesia. Columbus đã mang theo sự nhầm lẫn này trong suốt phần đời còn lại. Ý tưởng về chuyện đã tìm ra một lục địa hoàn toàn chưa được biết đến, với ông và nhiều người cùng thế hệ ông là một điều gì đó không thể tưởng tượng được. Trong hàng nghìn năm, không chỉ những nhà tư tưởng và những học giả vĩ đại nhất, mà những lời thánh kinh không thể sai lầm cũng chỉ biết đến châu Âu, châu Phi và châu Á. Có lẽ nào tất cả chúng đều đã sai? Có thể nào Kinh Thánh đã bỏ quên mất một nửa thế giới? Việc này cũng khó tin như chuyện giả dụ năm 1969, trên đường tới Mặt trăng, phi thuyền Apollo 11 lại va vào một mặt trăng khác mà từ trước đến nay chưa từng được biết đến, cũng quay quanh Trái đất mà tất cả những quan sát thiên văn trước đây không hề phát hiện ra. Với việc từ chối thừa nhận sự ngu dốt, Columbus vẫn là một con người thời trung cổ. Ông tin rằng mình đã biết trọn vẹn về thế giới, và thậm chí chính sự khám phá lớn lao của ông cũng không thuyết phục ông nghĩ khác đi.

Con người hiện đại đầu tiên là Amerigo Vespucci, một thủy thủ người Ý, người đã tham gia vào nhiều cuộc thám hiểm tới châu Mỹ trong những năm 1499-1504. Giữa những năm 1502 và 1504, hai văn bản mô tả những cuộc thám hiểm này đã được xuất bản ở châu Âu. Chúng được cho là do Vespucci ghi lại. Những văn bản này lập luận rằng những vùng đất mới được Columbus tìm ra không phải là những đảo ngoài khơi bờ biển Đông Á, mà đúng hơn là toàn bộ một lục địa mà Kinh Thánh, những nhà địa lý cổ điển, và những người châu Âu đương thời đều chưa biết đến. Năm 1507, bị thuyết phục bởi những lập luận này, một người vẽ bản đồ rất được kính trọng, tên là Martin Waldseemüller, đã công bố một bản đồ thế giới được cập nhật, trước tiên cho thấy nơi mà những đội tàu đi về hướng tây của châu Âu đã đặt chân đến chính là thuộc một lục địa riêng biệt. Khi vẽ nó, Waldseemủller đã đặt cho lục địa này một tên gọi. Do nhầm lẫn rằng Amerigo Vespucci là người tìm ra lục địa này, Waldseemüller đặt tên lục địa này là America để vinh danh Vespucci. Bản đồ Waldseemüller trở nên rất phổ biến, và đã được nhiều nhà vẽ bản đồ khác sao chép, truyền bá cái tên mà ông đã đặt cho vùng đất mới. Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho sự thật là một phần tư của thế giới, và hai trong số bảy lục địa của nó, được đặt tên theo một người Ý ít tiếng tăm, người đã có can đảm để phát ngôn tuyên bố độc nhất khiến ông trở nên nổi tiếng, “Chúng ta không biết”.

Việc tìm ra châu Mỹ là nền tảng của Cách mạng Khoa học. Nó không chỉ dạy người châu Âu ủng hộ những quan sát hiện tại thay vì các truyền thống trong quá khứ, mà khao khát chinh phục châu Mỹ cũng buộc người châu Âu tìm kiếm kiến thức mới với tốc độ chóng mặt. Nếu họ thực sự muốn kiểm soát những vùng lãnh thổ mới rộng lớn, họ phải thu thập một khối lượng khổng lồ những dữ liệu mới về địa lý, khí hậu, thực vật, động vật, ngôn ngữ, các nền văn hoá và lịch sử của lục địa mới. Kinh Thánh của đạo Ki-tô, những cuốn sách địa lý cổ lỗ và những truyền thống truyền miệng cổ xưa đã có rất ít tác dụng trong việc này.

Từ đó về sau, không chỉ những nhà địa lý châu Âu, mà cả những học giả châu Âu trong hầu hết các lĩnh vực tri thức khác đều bắt đầu vẽ bản đồ với khoảng trống để sau này điền vào. Họ bắt đầu thừa nhận rằng lý thuyết của họ không phải hoàn hảo, và có nhiều điều quan trọng mà họ đã không biết.

Những người châu Âu đã bị các khoảng trống trên bản đồ thu hút như thể chúng là những cục nam châm, và bắt đầu tiến hành lấp đầy chúng ngay. Trong suốt thế kỷ 15 và 16, những nhà thám hiểm châu Âu đi vòng quanh châu Phi, khám phá châu Mỹ, vượt qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra một mạng lưới gồm các căn cứ và thuộc địa trên toàn thế giới. Họ đã thiết lập những đế quốc toàn cầu chính hiệu đầu tiên, và đan chúng vào nhau tạo thành mạng lưới thương mại toàn cầu đầu tiên. Những cuộc viễn chinh đế quốc của người châu Âu đã biến đổi lịch sử thế giới: chuỗi lịch sử của các dân tộc và các nền văn hoá bị cô lập đã trở thành lịch sử của một xã hội loài người thống nhất.

 

Hình 36. Bản đồ thế giới của Salviati, 1525. Trong khi bản đồ thế giới năm 1459 đầy những lục địa, đảo và chú giải chi tiết, thì bản đồ Salviati gần như trống rỗng. Người quan sát lang thang dọc theo phía nam của bờ biển châu Mỹ, cho đến khi chìm dần vào sự trống trải. Bất cứ ai nhìn vào bản đồ chắc chắn sẽ tò mò muốn hỏi, “Ngoài khu vực này là gì?”. Tấm bản đồ không trả lời. Nó mời gọi người quan sát ra khơi và tìm cho ra đáp án.

Những cuộc thám hiểm khám-phá-và-chinh-phục này của người châu Âu đã quá quen thuộc với chúng ta đến mức chúng ta có xu hướng phớt lờ việc chúng từng phi thường đến thế nào. Không có gì như thế từng xảy ra trước đây. Những chiến dịch viễn chinh không phải là một nhiệm vụ tự phát. Trong lịch sử, hầu hết những xã hội loài người đều quá bận rộn với những xung đột địa phương và những tranh chấp lân bang, nên chuyện thám hiểm và chinh phục những vùng đất xa xôi chưa từng được họ xem xét đến. Hầu hết những đế chế vĩ đại chỉ mở rộng sự kiểm soát của mình trên những nước láng giềng liền kề – nếu có vươn đến những vùng đất xa xôi thì cũng chỉ đơn giản là vì lại tiếp tục xuất hiện những nước láng giềng khác. Vậy nên những người La Mã chinh phục Etruria để bảo vệ thành Rome (khoảng năm 350-300 TCN). Sau đó, họ đã chinh phục thung lũng Po để bảo vệ Etruria (khoảng năm 200 TCN). Tiếp đó họ đi đến chinh phục vùng Provence để bảo vệ thung lũng Po (khoảng năm 120 TCN), rồi xứ Gaul để bảo vệ Provence (khoảng năm 50 TCN), và quốc đảo Anh để bảo vệ xứ Gaul (khoảng năm 50). Phải mất 400 năm để đi từ Rome đến London. Năm 350 TCN, không có người La Mã nào nghĩ đến chuyện dùng thuyền đi thẳng đến Anh và chinh phục vùng đất đó.

Đôi khi một bậc quân vương hay nhà thám hiểm đầy tham vọng sẽ bắt tay vào một chiến dịch chinh phục có phạm vi rất xa, nhưng theo sau chúng thường là những tuyến đường thương mại hoặc đế chế quen thuộc. Ví dụ, các chiến dịch của Alexander Đại đế đã không dẫn đến việc thành lập một đế chế mới, mà đúng hơn là sự tiếm quyền một đế chế đang tồn tại của người Ba Tư. Tiền lệ gần đây nhất của đế quốc châu Âu hiện đại là những đế chế hải quân thời cổ đại của Athens và Carthage, và đế chế hải quân thời trung cổ của Majapahit, vốn nắm giữ sự thống trị trên nhiều phần của quần đảo Indonesia trong thế kỷ 14. Tuy nhiên, ngay cả những đế chế này cũng hiếm khi mạo hiểm tiến vào các vùng biển chưa được biết đến – những kỳ tích hàng hải của họ chỉ là những nhiệm vụ mang tính cục bộ khi so với những hải trình mạo hiểm ở quy mô toàn cầu của người châu Âu hiện đại.

Nhiều học giả cho rằng, những chuyến hải trình của Đô đốc Trịnh Hòa thời nhà Minh ở Trung Hoa đã làm lu mờ hành trình khám phá của người châu Âu. Giữa những năm 1405 và 1433, Trịnh Hòa dẫn bảy đội tàu khổng lồ từ Trung Hoa đến những vùng xa xôi của Ấn Độ Dương. Đội tàu lớn nhất trong số này gồm gần 300 tàu, chở gần 30.000 người. Họ đã đi đến Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ và Đông Phi. Những con thuyền Trung Hoa thả neo ở Jedda hải cảng chính của Hejaz, và ở Malindi trên bờ biển Kenya. Đội tàu của Columbus vào năm 1492 – trong đó bao gồm ba tàu biển nhỏ gồm 120 thủy thủ – chỉ giống như bộ ba con muỗi, so với bầy rồng mà Trịnh Hòa chỉ huy.

Tuy nhiên có một sự khác biệt rất quan trọng. Trịnh Hòa đã thám hiểm các đại dương, và trợ giúp những nhà cầm quyền thân Trung Hoa, nhưng ông đã không cố gắng để chinh phục hoặc định cư ở những quốc gia ghé đến. Hơn nữa, những cuộc thám hiểm của Trịnh Hòa đã không có nhiều ảnh hưởng với nền chính trị và văn hoá Trung Hoa. Khi phe nắm quyền ở Bắc Kinh thay đổi trong những năm 1430, những bậc quân vương mới đột ngột chấm dứt hoạt động của chiến dịch. Đội tàu lớn bị tháo dỡ, kiến thức về kĩ thuật và địa lý quan trọng bị mất mát, và không có nhà thám hiểm Trung Hoa nào với tầm cỡ và phương tiện như vậy, lại một lần nữa khởi hành từ một hải cảng của Trung Hoa. Giới cầm quyền Trung Hoa trong những thế kỷ tiếp sau, giống như hầu hết giới cầm quyền Trung Hoa trong những thế kỷ trước, chỉ giới hạn mối quan tâm và tham vọng của họ ở những vùng đất lân cận liền kề với xứ Trung Nguyên này.

Những cuộc thám hiểm của Trịnh Hòa đã chứng minh rằng châu Âu không có một nền công nghệ tiến bộ vượt bậc. Cái đã làm cho những người châu Âu trở nên khác biệt chính là tham vọng chưa từng có, cùng sự tham lam vô độ muốn khám phá và chinh phục. Mặc dù có khả năng, nhưng người La Mã chưa từng có ý muốn chinh phục Ấn Độ hay bán đảo Scandinavia, người Ba Tư chưa từng muốn chinh phục Madagascar hay Tây Ban Nha, và người Trung Hoa đã không cố để chinh phục Indonesia hay châu Phi. Cả Nhật Bản nằm ngay sát, hầu hết giới cầm quyền Trung Hoa cũng không hề đả động gì đến. Không có gì khác thường về điều này. Điều kỳ lạ chính là những quốc gia châu Âu đầu thời kỳ hiện đại đã lên một cơn sốt khiến họ giương buồm đến những vùng đất xa xôi và hoàn toàn không được biết đến, với những nền văn hoá xa lạ, nhảy một bước lên những bãi biển đó, và ngay lập tức tuyên bố, “Ta tuyên bố tất cả lãnh thổ này thuộc về nhà vua của ta!”

 

Hình 37. Tàu đô đốc của Trịnh Hòa, bên cạnh là thuyền của Columbus.

Sự xâm lăng từ bên ngoài

Khoảng năm 1517, những thực dân Tây Ban Nha ở quần đảo Caribe, bắt đầu nghe được những tin đồn mơ hồ về một đế chế hùng mạnh ở đâu đó trong trung tâm đất liền Mexico. Chỉ vỏn vẹn bốn năm sau, kinh đô Aztec đã là một đống đổ nát cháy âm ỉ, Đế chế Aztec chỉ còn là quá khứ, và Hernán Cortés làm chúa tể một đế chế Tây Ban Nha mới rộng lớn ở Mexico.

Những người Tây Ban Nha đã không dừng lại để chúc mừng chính họ, hoặc thậm chí để lấy lại hơi thở bình thường. Họ lập tức bắt đầu những chiến dịch khám phá và chinh phục theo mọi hướng. Những nhà cai trị trước đây của vùng Trung Mỹ – người Aztec, Toltec, Maya – gần như không biết có một Nam Mỹ tồn tại, và chưa bao giờ có bất kỳ nỗ lực nào để chinh phục nó trong suốt 2.000 năm. Thế mà, trong vòng chỉ hơn 10 năm sau sự kiện chinh phục Mexico của Tây Ban Nha, Prancisco Pizarro đã tìm ra Đế chế Inca ở Nam Mỹ và chế ngự nó trong năm 1532.

Nếu như người Aztec và Inca quan tâm nhiều hơn một chút đến thế giới quanh họ – và nếu như họ biết những gì người Tây Ban Nha đã làm với láng giềng của họ – họ đã có thể chống lại sự xâm lược của Tây Ban Nha kiên trì và thành công hơn. Trong những năm kể từ cuộc hành trình đầu tiên của Columbus đến châu Mỹ (1492) tới cuộc đổ bộ của Cortés vào Mexico (1519), người Tây Ban Nha đã xâm chiếm hầu hết những quần đảo vùng Caribe, thiết lập một chuỗi thuộc địa mới. Đối với những người bản xứ bị khuất phục, các thuộc địa này là địa ngục trần gian. Họ đã bị cai trị bằng bàn tay sắt của chế độ thực dân tham lam và vô liêm sỉ, những kẻ đã bắt họ làm nô lệ và đẩy họ vào làm việc trong những hầm mỏ và đồn điền, giết hại bất cứ ai dám mảy may kháng cự. Hầu hết cư dân bản địa chẳng bao lâu đã bị giết sạch, hoặc do điều kiện làm việc khắc nghiệt, hoặc do những căn bệnh chết người theo đến châu Mỹ trên các con tàu lớn của kẻ xâm lược. Trong vòng 20 năm, gần như toàn bộ dân số bản địa vùng Caribe bị xóa sổ. Những thực dân Tây Ban Nha đã bắt đầu phải nhập khẩu nô lệ châu Phi để lấp chỗ trống.

Sự diệt chủng này đã diễn ra ngay trên ngưỡng cửa của chính đế chế Aztec, nhưng khi Cortés đổ bộ lên bờ biển phía đông, những người Aztec đã không biết gì về chuyện đó. Việc những người Tây Ban Nha đến đây tương đương với một cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh từ không gian. Người Aztec đã tự cho rằng họ hiểu biết toàn thể thế giới, và rằng họ cai trị hầu hết thế giới đó. Đối với họ, thật không thể tưởng tượng được ngoài lãnh thổ của mình lại có thể tồn tại bất cứ cái gì đó giống như những người Tây Ban Nha này. Khi Cortés và người của ông ta đặt chân lên bãi biển đầy nắng thuộc thành phố Vera Cruz ngày nay, đó là lần đầu tiên những người Aztec gặp một đám người từ trước tới nay họ chưa từng gặp.

Người Aztec đã không biết nên phản ứng ra sao. Họ gặp khó khăn để xác định xem những kẻ xa lạ này là ai. Không giống như tất cả những giống người mà họ từng biết, những kẻ xa lạ này có làn da trắng. Họ cũng có rất nhiều lông trên mặt. Một số có màu tóc như màu của Mặt trời. Họ bốc mùi khủng khiếp (vệ sinh của người bản địa tốt hơn rất nhiều so với người Tây Ban Nha. Khi những người Tây Ban Nha đầu tiên đến Mexico, người bản địa mang theo đèn đốt hương trầm đã được giao nhiệm vụ đi theo người Tây Ban Nha đến bất cứ nơi nào họ tới. Người Tây Ban Nha đã nghĩ đó là một dấu hiệu của lòng tôn kính thiêng liêng. Chúng ta biết từ những nguồn tư liệu bản địa cho rằng người dân ở đấy thấy những kẻ mới đến có mùi không thể chịu nổi.)

 

Bản đồ 7. Đế chế Aztec và Inca ở thời điểm cuộc chinh phục của Tây Ban Nha.

Văn hoá vật chất của những kẻ xa lạ này thậm chí còn gây bối rối hơn. Họ đến bằng những con thuyền khổng lồ mà người Aztec không bao giờ tưởng tượng đến, chứ đừng nói tới việc từng nhìn thấy. Họ cưỡi trên lưng những con vật khổng lồ và gây khiếp sợ, chạy nhanh như gió. Họ có thể tạo ra sấm sét từ những cây gậy kim loại sáng bóng. Họ có những thanh kiếm dài lấp lánh và áo giáp không thể xuyên thủng, nên những thanh kiếm gỗ và cây giáo gắn đá lửa nhọn của người bản xứ đã trở nên vô dụng khi so với những thứ vũ khí đó.

Một số người Aztec đã nghĩ rằng đây hẳn là các vị thần. Những người khác lại cho rằng họ là những quỷ thần, hay hồn ma của người chết, hoặc những thầy phù thủy quyền năng. Thay vì tập trung tất cả lực lượng sẵn có và quét sạch người Tây Ban Nha, người Aztec lại chần chừ cân nhắc, lãng phí thời gian và thỏa hiệp. Họ thấy không có lý do gì để phải vội vàng. Suy cho cùng thì Cortés cũng không có nhiều hơn 330 người Tây Ban Nha đi cùng. 550 người thì có thể làm gì được một đế quốc của hàng triệu người?

Cortés cũng không biết gì về người Aztec, nhưng ông ta và những người đồng hành đã nắm được lợi thế đáng kể so với đối thủ của mình. Trong khi người Aztec không có kinh nghiệm để chuẩn bị cho sự xuất hiện của những kẻ trông rất lạ lùng và bốc mùi này, thì người Tây Ban Nha lại hiểu rằng Trái đất đầy những vương quốc của những người chưa được biết đến, và không ai thành thạo hơn họ trong việc xâm lược những vùng đất xa lạ và đối phó với các tình huống mà họ hoàn toàn không lường trước được. Đối với những người chinh phục châu Âu hiện đại, cũng như những nhà khoa học châu Âu hiện đại, lao mình vào tìm hiểu những điều chưa từng được biết là một niềm vui thú.

Vì vậy, khi Cortés thả neo ngoài khơi bãi biển đầy nắng đó vào tháng Bảy năm 1519, ông ta đã không ngần ngừ để hành động. Như một người ngoài hành tinh trong truyện khoa học viễn tưởng xuất hiện từ con tàu vũ trụ của mình, ông ta tuyên bố với người dân địa phương đang khiếp sợ: “Chúng tôi đến trong hòa bình. Hãy đưa chúng tôi đến chỗ người lãnh đạo của các bạn”. Cortés giải thích rằng ông ta là một sứ giả hòa bình của vị vua Tây Ban Nha vĩ đại, và yêu cầu một cuộc gặp gỡ ngoại giao với người cai trị Aztec, Montezuma II. (Đây là một lời nói dối vô liêm sỉ. Cortés đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm độc lập gồm những người thám hiểm tham lam. Nhà vua Tây Ban Nha chưa bao giờ nghe nói về Cortés, cũng như về người Aztec.) Cortés đã được nhận một vài hướng dẫn, thực phẩm và một số hỗ trợ quân sự từ những kẻ thù địa phương của người Aztec. Sau đó ông ta hành quân về phía kinh đô của Aztec, thủ phủ lớn Tenochtitlan.

Người Aztec đã để những người lạ này hành quân đến tận kinh đô, sau đó kính cần dẫn người lãnh đạo của nhóm người này đến gặp Hoàng đế Montezuma. Giữa cuộc gặp gỡ, Cortés ra hiệu, và những người Tây Ban Nha trang bị vũ khí bằng sắt thép đã tàn sát vệ sĩ của Montezuma (những người chỉ được vũ trang bằng gậy gỗ và lưỡi đá sắc). Người khách danh dự đã bắt giữ người chủ nhà đón tiếp mình làm tù nhân.

Cortés lúc bấy giờ đang ở trong một tình thế rất nhạy cảm. Đã bắt được Hoàng đế, nhưng Cortés bị bao vây bởi hàng chục ngàn chiến binh đối phương giận dữ, hàng triệu thường dân thù địch, và toàn bộ một lục địa mà ông ta gần như không biết gì về nó. Ông ta chỉ có trong tay mình vài trăm người Tây Ban Nha, và lực lượng tiếp viện Tây Ban Nha gần nhất là ở Cuba, cách đó hơn 1.500 km.

Cortés giam cầm Montezuma trong cung điện, nhưng bề ngoài làm như thể nhà vua vẫn đang tự do và cai quản mọi việc, và như thể “ngài đại sứ của Tây Ban Nha” vẫn chỉ là một vị khách. Đế chế Aztec là một chính thể tập quyền tuyệt đối, và tình thế chưa từng có tiền lệ này đã khiến nó tê liệt. Montezuma tiếp tục cư xử như thể vẫn cai trị đế chế, và tầng lớp những người ưu tú Aztec vẫn tiếp tục tuân lệnh ông, có nghĩa là họ tuân lệnh Cortés. Tình trạng này kéo dài trong vài tháng, trong thời gian đó Cortés tra hỏi Montezuma và những người tùy tùng của nhà vua, huấn luyện những người phiên dịch một số ngôn ngữ địa phương, và gửi những đoàn thám hiểm nhỏ người Tây Ban Nha đi mọi hướng, để quen thuộc với Đế chế Aztec và những bộ lạc, dân tộc, thành phố khác nhau mà nó cai trị.

Cuối cùng, nhóm người thiểu số ưu tú của Aztec đã nổi dậy chống lại Cortés và Montezuma, bầu một vị hoàng đế mới, và đuổi người Tây Ban Nha ra khỏi thành Tenochtitlan. Tuy nhiên, bây giờ có rất nhiều vết nứt đã xuất hiện trong thành trì của Đế chế này. Cortés sử dụng những kiến thức đã đạt được để thọc sâu vào những vết nứt này, làm cho nó rộng hơn nữa, và gây chia rẽ nội bộ. Ông ta đã thuyết phục nhiều dân tộc bị trị của Đế chế hợp tác với mình chống lại giới ưu tú Aztec cầm quyền. Những người bị trị đã mắc sai lầm tai hại. Họ ghét những người Aztec, nhưng không biết gì về Tây Ban Nha, hay sự diệt chủng ở quần đảo Caribe. Họ cho rằng với sự giúp đỡ của Tây Ban Nha, họ có thể thoát khỏi ách cai trị của người Aztec. Ý nghĩ rằng người Tây Ban Nha sẽ thế chỗ người Aztec không bao giờ xuất hiện trong đầu họ. Họ chắc chắn rằng nếu Cortés và vài trăm tay sai của ông ta gây ra bất kỳ rắc rối nào, họ đều có thể áp đảo dễ dàng. Những bộ tộc nổi loạn đã cung cấp cho Cortés một đội quân gồm hàng chục ngàn lính địa phương, và với sự giúp đỡ của họ, Cortés đã bao vây Tenochtitlan và chiếm thành phố này.

Ở giai đoạn này, ngày càng nhiều quân lính và những người định cư Tây Ban Nha bắt đầu kéo đến Mexico, một số từ Cuba, những số khác đến từ tận Tây Ban Nha. Khi người dân địa phương nhận ra những gì đang xảy ra thì đã quá muộn. Trong một thế kỷ sau cuộc đổ bộ ở Vera Cruz, dân số bản địa châu Mỹ đã giảm khoảng 90%, chủ yếu do những căn bệnh mới đến của những kẻ xâm lược. Những người bản địa sống sót thấy rằng dưới sự cai trị của một chế độ tham lam và phân biệt chủng tộc, bản thân họ còn ở trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với dưới sự cai trị của người Aztec.

10 năm sau khi Cortés đặt chân lên Mexico, Pizarro đã đến bờ biển của Đế chế Inca. Ông ta còn có ít binh sĩ hơn cả Cortés – đoàn thám hiểm chỉ có 168 người! Tuy nhiên, Pizarro đã được hưởng lợi từ tất cả những kiến thức và kinh nghiệm thu được trong những cuộc xâm lăng trước đó. Những người Inca, ngược lại, không biết gì về số phận của những người Aztec. Pizarro đã ăn cắp ý tưởng của Cortés. Ông ta tuyên bố mình là một sứ giả hòa bình của Vua Tây Ban Nha, mời Vua Inca, Atahualpa, đến một cuộc hội đàm ngoại giao, và sau đó bắt cóc nhà vua. Pizarro tiếp tục việc chinh phục một đế chế đã tê liệt, với sự giúp đỡ của những đồng minh địa phương. Nếu những dân tộc bị trị của Đế chế Inca biết số phận của những người ở Mexico, họ đã không ném số phận của họ vào tay những kẻ xâm lược. Nhưng họ đã không biết.

Những dân tộc bản địa châu Mỹ không phải là những người duy nhất phải trả một giá đắt cho cách nhìn thiển cận của họ. Các đế chế vĩ đại của châu Á – Ottoman, Safavid, Mughal, và Trung Hoa – rất nhanh chóng hay tin rằng người châu Âu đã tìm ra thứ gì đó to lớn. Tuy nhiên, họ chẳng mấy quan tâm đến những khám phá này. Họ tiếp tục tin rằng thế giới chỉ quay quanh châu Á, và không có nỗ lực nào để tranh giành với người châu Âu trong việc kiểm soát châu Mỹ hoặc các tuyến đường biển mới ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ngay cả những vương quốc châu Âu nhỏ bé như Scotland và Đan Mạch cũng đã gửi một vài đoàn thám hiểm để khám-phá-và-chinh-phục tới châu Mỹ, nhưng không một cuộc thám hiểm để thâm dò hay chinh phục nào được gửi tới châu Mỹ từ thế giới Hồi giáo, Ấn Độ hay Trung Hoa. Cường quốc phi châu Âu đầu tiên từng cố gửi một đoàn thám hiểm quân sự đến châu Mỹ là Nhật Bản. Sự kiện đó xảy ra vào tháng Sáu năm 1942, khi một đoàn thám hiểm của Nhật Bản đã chinh phục Kiska và Attu, hai hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Alaska, trong quá trình đó đã bắt giữ 10 binh sĩ Mỹ và một con chó. Người Nhật Bản chưa từng tiến về đất liền gần thêm nữa.

Thật khó có thể biện luận rằng những người Ottoman hay Trung Hoa ở quá xa, hay là họ thiếu tiền để đầu tư cho kĩ thuật, kinh tế hay quân sự. Những nguồn tài lực cho phép Trịnh Hòa đi từ Trung Hoa đến Đông Phi trong những năm 1420 đủ để đến được châu Mỹ. Người Trung Hoa chỉ đơn giản là không quan tâm. Bản đồ thế giới đầu tiên của Trung Hoa có xuất hiện châu Mỹ đã không được phát hành cho đến tận năm 1602 – và khi đó là do một nhà truyền đạo người châu Âu đem tới!

Trong 300 năm, những người châu Âu đã tận hưởng vị trí độc bá ở châu Mỹ và châu Đại Dương, ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Các cuộc tranh giành đáng kể ở những khu vực đó chỉ là giữa những cường quốc châu Âu với nhau. Sự giàu có và những tài nguyên mà người châu Âu đã tích lũy cuối cùng cũng cho họ khả năng xâm chiếm châu Á, đánh bại những đế chế châu Á, rồi cùng nhau chia phần. Khi những người Ottoman, Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa thức tỉnh và bắt đầu chú ý, thì đã quá muộn.

Chỉ đến thế kỷ 20, những nền văn hoá phi châu Âu mới tiếp nhận một tầm nhìn toàn cầu thực sự. Đây là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến sự sụp đổ quyền bá chủ của châu Âu. Thế nên, trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria (1954-1962), những du kích Algeria đã đánh bại quân đội Pháp có lợi thế áp đảo về số lượng, kĩ thuật và kinh tế. Những người Algeria đã thắng, vì họ được hỗ trợ bởi một mạng lưới chống thực dân toàn cầu, và vì họ đã tìm ra cách khai thác phương tiện truyền thông thế giới để phục vụ cho sự nghiệp của họ – cũng như dư luận quần chúng ở chính nước Pháp. Cách mà miền Bắc Việt Nam nhỏ bé đã giáng đòn xuống người khổng lồ Mỹ cũng dựa trên một chiến lược tương tự. Những lực lượng du kích này đã cho thấy ngay cả các siêu cường cũng có thể bị đánh bại nếu một cuộc đấu tranh địa phương trở thành một sự nghiệp toàn cầu. Thật thú vị khi nghĩ về những gì có thể xảy ra nếu như Montezuma có khả năng vận động dư luận quần chúng ở Tây Ban Nha, và được sự hỗ trợ từ một trong những đối thủ của Tây Ban Nha – như Bồ Đào Nha, Pháp, hay đế chế Ottoman.

Những loài nhện hiếm có

và những hệ thống chữ viết bị lãng quên

Khoa học hiện đại và những đế quốc hiện đại đều được thúc đẩy bởi một cảm giác không yên rằng có lẽ có một điều gì đó quan trọng đang chờ đợi ở phía sau đường chân trời – một cái gì đó mà tốt hơn là họ nên khám phá và làm chủ. Tuy nhiên, sự liên kết giữa khoa học và đế quốc đã trở nên sâu sắc hơn nhiều. Không chỉ động lực, mà những công việc thực tiễn của những người xây dựng đế quốc đã bị ràng buộc rối rắm với công việc của những nhà khoa học. Đối với người châu Âu hiện đại, xây dựng một đế quốc là một dự án khoa học, trong khi thiết lập một ngành khoa học là một dự án của đế quốc.

Khi người Hồi giáo chinh phục Ấn Độ, họ đã không mang theo những nhà khảo cổ để nghiên cứu một cách hệ thống về lịch sử Ấn Độ, những nhà nhân học để nghiên cứu văn hoá Ấn Độ, những nhà địa chất để nghiên cứu thổ nhưỡng của Ấn Độ, hay những nhà động vật học nghiên cứu về quần thể động vật của Ấn Độ. Khi người Anh xâm chiếm Ấn Độ, họ đã làm tất cả những điều này. Ngày 10 tháng Tư năm 1802, cuộc Khảo sát Lớn về Ấn Độ đã được khởi động. Nó đã kéo dài 60 năm. Với sự giúp đỡ của hàng chục ngàn người lao động, học giả và hướng dẫn viên người bản địa, người Anh đã lập bản đồ một cách cẩn thận toàn bộ Ấn Độ, đánh dấu những đường biên giới, đo các khoảng cách, và thậm chí lần đầu tiên tính toán chiều cao chính xác của ngọn Everest và những đỉnh núi Himalaya khác. Người Anh thăm dò những nguồn lực quân sự của các tỉnh thuộc Ấn Độ, và vị trí những mỏ vàng của chúng, nhưng họ cũng không ngại khó để thu thập thông tin về loài nhện hiếm của Ấn Độ, để lập danh mục về những loài bướm đấy màu sắc, để truy tìm nguồn gốc cổ đại của những ngôn ngữ Ấn Độ đã bị mai một, và để đào xới những di tích bị bỏ quên.

Mohenjo-daro là một trong những thành phố chính của nền văn minh thung lũng Indus, phát triển thịnh vượng trong thiên niên kỷ 3

TCN, và đã bị hủy hoại vào khoảng năm 1900 TCN. Không ai trong số những người cai trị của Ấn Độ thời kỳ trước khi bị Anh xâm chiếm – không phải những người Mauryas, không phải những người Guptas, cũng không là những sultan Delhi, cũng không phải những Mughal vĩ đại – đã liếc qua đến lần thứ hai những tàn tích này. Chính một chuyến khảo cổ của người Anh đã chú ý đến di tích này vào năm 1922. Một đoàn nghiên cứu người Anh sau đó đã khai quật, và khám phá ra nền văn minh vĩ đại đầu tiên của Ấn Độ mà không một người Ấn Độ nào từng biết trước đó.

Một ví dụ sống động khác về sự ham tìm hiểu khoa học của người Anh là sự giải mã hệ thống chữ viết hình nêm. Đây là hệ thống chữ viết chính được sử dụng khắp Trung Đông trong gần 3.000 năm, nhưng người cuối cùng có thể đọc được nó có thể đã chết trong khoảng những năm đầu của thiên niên kỷ 1. Kể từ đó, dân chúng trong khu vực này thường xuyên bắt gặp những câu khắc chữ hình nêm, trên những bức tượng, dinh thự, bia, di tích cổ và những chậu, bình, lọ vỡ. Nhưng họ hoàn toàn không có một ý tưởng nào về cách đọc những vết trẩy xước có góc cạnh lạ lùng này, trong chừng mực mà chúng ta biết, họ chưa bao giờ cố gắng làm điều này. Chữ khắc hình nêm được những người châu Âu để ý vào năm 1618, khi Đại sứ Tây Ban Nha tại Ba Tư đi tham quan những di tích của thành cổ Persepolis, nơi ông đã thấy những dòng chữ khắc mà không ai có thể giải thích cho ông hiểu. Tin tức về những chữ viết chưa từng được biết đến này đã lan rộng trong giới khoa học châu Âu và khiến họ tò mò. Năm 1637, những học giả châu Âu đã công bố bản dịch đầu tiên của một văn bản chữ hình nêm của Persepolis. Ngày càng có nhiều bản dịch khác theo sau, và trong gần hai thế kỷ, những học giả phương Tây đã cố gắng giải mã chúng. Không một ai thành công.

Trong những năm 1830, một sĩ quan người Anh tên là Henry Rawlinson, đã được gửi đến Ba Tư để giúp nhà vua (shah) xứ này đào tạo quân đội theo phong cách châu Âu. Trong thời gian rảnh rỗi, Rawlinson đã đi thăm thú khắp Ba Tư, và một ngày ông được một người hướng dẫn địa phương đưa đến một vách đá trong dãy núi Zagros, và chỉ cho ông thấy hình khắc trên bờ vách đá Behistun khổng lồ. Cao khoảng 15 mét, rộng 25 mét, nó được khắc ở phía cao trên mặt vách đá, theo lệnh của Vua Darius I, vào khoảng năm 500 TCN. Đó là những chữ hình nêm với ba thứ tiếng: tiếng Ba Tư cổ, tiếng Elamite và tiếng Babylon. Hình khắc trên vách đá này rất quen thuộc với những người dân địa phương, nhưng không ai có thể đọc được nó. Rawlinson tin rằng nếu có thể giải mã những dòng chữ đó, ông và những học giả khác có thể đọc được rất nhiều những văn bia và văn bản đã được tìm thấy khắp vùng Trung Đông vào thời đó, mở ra cánh cửa bước vào một thế giới cổ bị lãng quên.

Bước đầu tiên trong việc giải mã những chữ khắc là tạo ra một bản sao chính xác để có thể gửi về châu Âu. Rawlinson đã bất chấp cả tính mạng để làm việc này, leo lên vách đá dốc thẳng đứng để sao chép những chữ cái kỳ lạ. Ông đã thuê một số người dân địa phương để giúp mình, đáng chú ý nhất là một cậu bé người Kurd đã trèo lên hầu hết những phần không thể tiếp cận được của vách đá, để sao chép phần phía trên của những câu khắc này. Năm 1847, dự án đã hoàn tất, và một bản sao đấy đủ và chính xác được gửi về châu Âu.

Rawlinson đã không ngủ quên trên chiến thắng. Là một sĩ quan quân đội, ông phải thực hiện những nhiệm vụ quân sự và chính trị, nhưng bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, ông đều suy nghĩ để tìm ra lời giải đáp về thứ chữ viết bí ẩn này. Ông đã cố gắng thử hết phương pháp này đến phương pháp khác, và cuối cùng đã thành công trong việc giải mã phần tiếng Ba Tư cổ của những chữ khắc trên vách núi. Đây là việc đơn giản nhất, vì tiếng Ba Tư cổ không khác biệt mấy so với tiếng Ba Tư hiện đại mà Rawlinson biết rõ. Hiểu biết về phần chữ Ba Tư cổ đã cho ông chìa khoá cần thiết để giải mã những bí mật của những phần tiếng Elamite, và tiếng Babylon. Cánh cửa lớn mở toang, và kết quả là sự tấp nập của những tiếng nói cổ xưa nhưng sống động – những hàng quán náo nhiệt của người Sumer, những tuyên bố của các vị vua Assyria, những lập luận của giới chức thành Babylon. Nếu không có nỗ lực của những con dân mẫu quốc châu Âu hiện đại như Rawlinson, chúng ta sẽ không biết nhiều về số phận của các đế chế Trung Đông thời cổ đại.

Một học giả đáng chú ý khác là William Jones. Ông đã tới Ấn Độ vào tháng Chín năm 1783 để làm thẩm phán tại Tòa án tối cao của Bengal. Bị mê hoặc bởi những điều kỳ diệu của Ấn Độ, trong vòng chưa đầy sáu tháng sau khi đến, ông đã thành lập Hội châu Á. Tổ chức học thuật này đã nỗ lực nghiên cứu các nền văn hoá, lịch sử và xã hội của châu Á, và đặc biệt là của Ấn Độ. Trong vòng hai năm, Jones đã cho xuất bản công trình Nghiên cứu về ngôn ngữ Sanskrit, bước tiên phong của ngành ngôn ngữ học so sánh.

Trong những công trình của mình, Jones đã chỉ ra sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa Sanskrit, một ngôn ngữ Ấn Độ cổ vốn đã trở thành tiếng mẹ đẻ thiêng liêng của nghi thức Hindu, với những ngôn ngữ Hy Lạp và Latin, cũng như sự tương đồng giữa tất cả những ngôn ngữ này và tiếng Gothic, Celtic, tiếng Ba Tư cổ, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh. Thế nên, trong tiếng Sanskrit, “mẹ” là “matar”, trong tiêng Latin nó là “mater”, và trong Celtic cổ nó là “mathirJones đã phỏng đoán rằng tất cả những ngôn ngữ này phải có chung một nguồn gốc, phát triển từ cùng một tổ tiên cổ nay đã bị lãng quên. Như vậy, ông là người đầu tiên, nhận biết được những gì sau này được gọi là hệ ngôn ngữ Ấn-Âu.

Công trình nghiên cứu của Jones là một cột mốc quan trọng, không chỉ đơn thuần là do giả thuyết táo bạo (và chính xác) của Jones, mà còn do phương pháp mang tính khoa học mà ông đã phát triển để So sánh các ngôn ngữ với nhau. Nó đã được những học giả khác chấp nhận, giúp họ nghiên cứu một cách hệ thống sự phát triển của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới.

Ngành ngôn ngữ học nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ mẫu quốc. Những đế quốc châu Âu tin rằng để cai trị hiệu quả, họ phải biết những ngôn ngữ và văn hoá của những đối tượng bị trị của họ. Những công chức người Anh đến Ấn Độ thường phải dành đến ba năm trong một trường đại học ở Calcutta, nơi mà họ nghiên cứu về luật của đạo Hindu và đạo Hồi bên cạnh luật của Anh; ngôn ngữ Sanskrit, Urdu và Ba Tư cùng với tiếng Hy Lạp và Latin; văn hoá Tamil, Bengali và Hindustani cùng với toán học, kinh tế học và địa lý. Nghiên cứu về ngôn ngữ học cung cấp sự giúp đỡ vô giá trong việc hiểu rõ về cấu trúc và ngữ pháp của những ngôn ngữ địa phương.

Nhờ công trình của những người như William Jones và Henry Rawlinson, những người chinh phục từ châu Âu đã hiểu biết tường tận về các thuộc địa của họ, thậm chí còn hiểu rõ hơn bất kỳ những người xâm lược nào trước đó, hoặc thậm chí hơn cả chính dân bản xứ. Kiến thức vượt trội của họ có lợi thế thực tế rất rõ ràng. Nếu không có lượng kiến thức như vậy, thật khó để một số rất ít người Anh có thể thành công trong việc cai quản, đàn áp và khai thác hàng trăm triệu người Ấn Độ trong hai thế kỷ. Trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, có chưa đầy 5.000 viên chức Anh, khoảng 40.000-70.000 quân lính Anh, và có lẽ thêm 100.000 doanh nhân Anh, cùng tùy tùng, vợ con là đủ để xâm chiếm và thống trị 300 triệu người Ấn Độ.

Tuy nhiên, những lợi thế thực tế này không phải là lý do duy nhất khiến các đế chế tài trợ cho việc nghiên cứu về ngôn ngữ học, thực vật học, địa lý và lịch sử. Không kém phần quan trọng là thực tế rằng khoa học đã đem lại cho đế quốc sự bào chữa mang tính ý thức hệ. Người châu Âu hiện đại đều tin rằng có được kiến thức mới luôn là điều tốt. Thực tế là các đế quốc đã tạo ra một dòng tri thức mới liên tục và cho rằng chúng chính là những công trình đầy tiến bộ và tích cực. Thậm chí ngày nay, lịch sử của những ngành khoa học như địa lý, khảo cổ học và thực vật học không thể không nhắc đến công lao của những đế chế châu Âu, chí ít là theo cách gián tiếp. Lịch sử của ngành thực vật học đã chỉ nhắc rất sơ lược về sự đau khổ của thổ dân châu Úc, nhưng lại thường có những lời tri ân dành cho James Cook và Joseph Banks.

Hơn nữa, những kiến thức mới được các đế quốc tích lũy ít nhất là về mặt lý thuyết có thể để làm lợi cho cư dân bị chinh phục, và đem lại cho họ những lợi ích của “sự tiến bộ” – cung cấp cho họ dịch vụ y tế và giáo dục, xây dựng những tuyến đường sắt và các kênh đào, bảo đảm sự công bằng và thịnh vượng. Những thực dân tuyên bố mẫu quốc của họ không chỉ chăm chăm vào việc khai thác bóc lột phạm vi rộng mà đúng hơn còn tiến hành công cuộc khai hoá, được thực hiện vì lợi ích của những chủng tộc phi châu Âu – trong những lời của nhà văn Rudyard Kipling trong cuốn Gánh nặng của Người Da Trắng.

Khoác lên mình gánh nặng của Người Da Trắng 

Gửi tới những dòng giống tốt nhất của bạn 

Hãy trói buộc các con trai bạn vào cuộc sống lưu vong 

Để phục vụ nhu cầu của những kẻ bị giam giữ;

Để chờ đợi trong những bộ yên cương nặng nề,

Trên đám người xao xuyến phập phồng và hoang dã

Những con người mới bị bắt với vẻ mặt u sầu,

Nửa ma quỷ và nửa trẻ con.

Dĩ nhiên, thực tế thường ngược lại với huyền thoại này. Người Anh đã chinh phục Bengal, tỉnh giàu nhất Ấn Độ, trong năm 1764. Những nhà cai trị mới hầu như chỉ quan tâm đến việc làm giàu cho bản thân. Họ đã thông qua một chính sách kinh tế tai hại khiến cho một vài năm sau đó dẫn đến sự bùng phát của Nạn đói lớn Bengal. Nó bắt đầu vào năm 1769, đạt mức độ thảm họa năm 1770, và kéo dài cho đến năm 1773. Có khoảng 10 triệu người Bengal, tức một phần ba dân cư vùng đó, đã bỏ mạng trong thảm họa này.

Quả thật, câu chuyện về sự áp bức và bóc lột, cũng như câu chuyện về “Gánh nặng của Người Da Trắng”, đều không khớp với thực tế. Những đế quốc châu Âu đã làm rất nhiều việc khác nhau trên một quy mô rộng lớn như vậy, khiến bạn có thể viện dẫn rất nhiều ví dụ để ủng hộ bất kỳ quan điểm trái ngược nào. Bạn nghĩ rằng những đế quốc này quái dị xấu xa, đã gieo rắc chết chóc, áp bức và bất công trên khắp thế giới? Bạn có thể dễ dàng viết hẳn một bộ bách khoa toàn thư về những tội ác của đế quốc. Bạn muốn lập luận rằng trên thực tế chủ nghĩa đế quốc đã cải thiện điều kiện sinh sống của cư dân bị trị, với những loại thuốc mới, các điều kiện kinh tế và an ninh tốt hơn? Bạn có thể viết hẳn một bộ bách khoa toàn thư khác về những thành tựu của đế quốc. Nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ với khoa học, những đế quốc này nắm giữ quá nhiều quyền lực và đã thay đổi thế giới đến mức độ mà có lẽ chúng không thể chỉ đơn giản bị dán nhãn là tốt hay xấu. Chúng đã tạo ra thế giới như chúng ta biết, bao gồm cả những ý thức hệ chúng ta sử dụng để đánh giá chúng.

Nhưng khoa học cũng được các đế quốc sử dụng vào những mục đích xấu xa hơn. Những nhà sinh học, nhân học và thậm chí cả những nhà ngôn ngữ học cung cấp bằng chứng khoa học cho thấy người châu Âu ưu việt hơn tất cả các chủng tộc khác, và do đó có quyền (nếu không nói là trách nhiệm) cai trị những chủng tộc khác. Sau khi William Jones lập luận rằng tất cả các ngôn ngữ Ấn-Âu đều bắt nguồn từ một ngôn ngữ cổ đại duy nhất, nhiều học giả đã háo hức để khám phá xem dân tộc nào là những người đã từng nói ngôn ngữ đó. Họ nhận thấy rằng, những người nói tiếng Sanskrit thời kỳ đầu là những người từ Trung Á đã xâm chiếm Ấn Độ hơn 3.000 năm trước, đã tự xưng là Arya. Những người nói tiếng Ba Tư đầu tiên, đã tự xưng là Airiia. Do đó, các học giả châu Âu đã phỏng đoán những người nói thứ ngôn ngữ nguyên thủy, vốn đã sinh ra cả tiếng Sanskrit lẫn tiếng Ba Tư (cũng như Hy Lạp, Latin, Gothic và Celtic), hẳn đã tự xưng là người Arya. Liệu có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nếu những người đã đặt nền móng cho các nền văn minh vĩ đại của Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp và La Mã, tất cả đều là người Arya?

Tiếp theo, các học giả người Anh, Pháp và Đức đã kết hợp học thuyết ngôn ngữ về những người Arya cần cù với học thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin, và thừa nhận rằng những người Arya không chỉ là một nhóm ngôn ngữ, mà là một thực thể sinh học – một chủng tộc. Và không chỉ là một chủng tộc bất kỳ nào, mà là một chủng tộc sinh ra để làm chủ với vóc dáng cao lớn, tóc vàng, mắt xanh, làm việc chăm chỉ, và là những con người hết sức lý trí, giống người đã xuất hiện từ sương mù Bắc Âu, để đặt nền tảng cho văn hoá trên toàn thế giới. Đáng tiếc, người Aiya khi xâm chiếm Ấn Độ và Ba Tư, đã kết hôn với người bản địa mà họ gặp ở những vùng đất này, làm mất đi nước da trắng và mái tóc vàng, và cùng với đó cũng mất đi cả lý trí và tính cần mẫn của họ. Những nền văn minh Ấn Độ và Ba Tư do đó mà suy tàn. Mặt khác, ở châu Âu, người Axya đã bảo tồn được sự thuần chủng của họ. Đây là lý do mà người châu Âu đã thành công trong công cuộc chinh phục thế giới, và tại sao họ thích hợp với việc cai trị nó – miễn là họ phải đề phòng, đừng để pha trộn với những chủng tộc thấp kém.

Những thuyết kỳ thị chủng tộc kiểu như vậy, đã chiếm ưu thế và được coi trọng trong nhiều thế kỷ, đã trở thành lời nguyền rủa giữa những nhà khoa học và các chính trị gia. Con người tiếp tục tiến hành công cuộc đấu tranh anh dũng chống lại sự kỳ thị chủng tộc mà không nhận thấy rằng cục diện đã thay đổi, và chỗ đứng của kỳ thị chủng tộc trong tư tưởng đế quốc giờ đã được thay thế bằng “ký thị văn hoá”. Chẳng có từ ngữ nào như vậy, nhưng đã đến lúc chúng ta đặt tên cho nó. Trong giới tinh hoa ngày nay, những khẳng định về các phẩm chất tương phản của những nhóm người khác nhau, gần như luôn được che đậy bằng sự khác biệt lịch sử giữa những nền văn hoá chứ không phải là sự khác biệt sinh học giữa các chủng tộc. Chúng ta không còn nói, “Nó ở trong máu của họ”. Chúng ta nói, “Đó là văn hoá của họ”.

Thế nên, những phe cánh hữu châu Âu, vốn phản đối tình trạng nhập cư của người Hồi giáo, thường cẩn thận để tránh nhắc đến từ ngữ kỳ thị chủng tộc. Những người soạn diễn văn của Marine le Pen sẽ bị tống ra cửa ngay lập tức nếu họ đề nghị lãnh tụ của Mặt trận Quốc gia lên truyền hình tuyên bố rằng, “Chúng ta không muốn những người Semite thấp kém đó pha loãng dòng máu Arya của chúng ta, và làm hư hỏng nền văn minh Arya của chúng ta”. Thay vào đó, Mặt trận Quốc gia Pháp, Đảng Hà Lan Tự do, Liên minh vì Tương lai của Áo, và những phe phái giống như họ, có khuynh hướng biện luận rằng văn hoá phương Tây, như nó đã tiến hoá ở châu Âu, được đặc trưng bởi những giá trị dân chủ, sự khoan dung và bình đẳng giới, trong khi đó văn hoá Hồi giáo, đã tiến hoá ở Trung Đông, được đặc trưng bởi nền chính trị phân cấp, sự cuồng tín, và tư tưởng kỳ thị phụ nữ. Vì hai nền văn hoá rất khác biệt, và vì nhiều người nhập cư Hồi giáo không muốn (và có lẽ không thể) tiếp nhận những giá trị của phương Tây, không nên cho phép họ nhập cư, kẻo họ sẽ kích động những xung đột nội bộ, và làm xói mòn nền dân chủ và chủ nghĩa tự do của châu Âu.

Lý lẽ của những người kỳ thị văn hoá được nuôi dưỡng bằng những nghiên cứu khoa học trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đã làm nổi bật cái được gọi là sự va chạm của các nền văn minh, và sự khác biệt cơ bản giữa các nền văn hoá khác nhau. Không phải tất cả những nhà sử học và nhân học đều chấp nhận những lý thuyết này, hoặc ủng hộ việc sử dụng chúng vào mục đích chính trị. Nhưng trong khi các nhà sinh học ngày nay có thể dễ dàng từ bỏ sự kỳ thị chủng tộc, chỉ nhờ lời giải thích đơn giản rằng khác biệt về mặt sinh học giữa những chủng tộc ngày nay là rất nhỏ nhặt, thì những nhà sử học và nhân học lại khó từ bỏ sự kỳ thị văn hoá hơn nhiều. Xét cho cùng, nếu sự khác biệt văn hoá của con người là không đáng kể, tại sao chúng ta phải cần giới sử học và nhân học nghiên cứu về chúng?

Các nhà khoa học đã cung cấp cho mẫu quốc những kiến thức thực tế, những biện minh ý thức hệ và những tiện ích công nghệ. Nếu không có sự đóng góp này, việc châu Âu có thể chinh phục được thế giới rất khó xảy ra. Mẫu quốc đã đền đáp lại bằng việc cung cấp cho những nhà khoa học thông tin và sự bảo hộ, hỗ trợ tất cả những dự án kỳ lạ và hấp dẫn, và truyền bá cách suy nghĩ khoa học đến những nơi xa xôi của Trái đất. Nếu không có sự ủng hộ của mẫu quốc, khoa học hiện đại chắc cũng khó có thể tiến xa. Có rất ít lĩnh vực khoa học không bắt đầu tồn tại như những công cụ của sự phát triển đế quốc, và không mắc nợ lớn đối với sự ân sủng hào phóng mà các sĩ quan quân đội, thuyền trưởng hải quân và các thống đốc uy quyền dành cho những khám phá, bộ sưu tập, công trình và nghiên cứu.

Nhưng rõ ràng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Khoa học đã nhận được hỗ trợ từ các tổ chức khác, không chỉ từ những đế quốc. Và những đế quốc châu Âu đã nổi lên và phát triển mạnh mẽ cũng nhờ các nhân tố khác ngoài nhân tố khoa học. Đằng sau sự thành công nhanh chóng của khoa học và đế quốc, tiềm ẩn một sức mạnh đặc biệt quan trọng: chủ nghĩa tư bản. Nếu không vì những doanh nhân đang tìm cách kiếm tiền, Columbus đã không đến châu Mỹ, James Cook đã không đến châu Úc, và Neil Armstrong đã chẳng thể dạo bước trên bề mặt của Mặt trăng.