Ông quá đỗi ngạc nhiên khi thấy nhà thờ đông nghẹt chật cứng đến nỗi ông phải cho một số con chiên ngồi lên sát tận bàn thờ, nếu không nhiều người sẽ chỉ còn cách đứng bên ngoài. Dân chúng chen chúc nhễ nhại mồ hôi khiến ông linh mục không cho chạy lò sưởi điện gắn trên trần mà còn ra lệnh cho mở hai ô cửa sổ ở hai bên rồi tự hỏi chính mình nguyên do gì dẫn đến cái cảnh chen chúc như nêm thế này – do oi bức quá chăng hay do nỗi lo lắng bóp nghẹt tất cả mọi người.
Cả thị trấn đều tập trung đến nhà thờ chỉ trừ Prym (có lẽ do xấu hổ với mọi người vì những điều trót nói trước đó) và bà lão Berta khiến mọi người kính sợ như một mụ phù thuỷ mà đối với bà lão lễ trọng của Cơ đốc giáo là thứ không thể chịu nổi.
Nhân danh Cha, Con và Thánh thần!
Tiếng "Amen" râm ran lan toả dưới những nếp mái vòm nhà thờ. Ông linh mục bắt đầu buổi lễ bằng bài Tín Kinh và như thường lệ, giao cho một trong số các con chiên nữ ngoan đạo nhất của mình cao giọng xướng bài kinh nguyện. Với vẻ trang trọng, ông ngâm tụng thánh ca, rồi cất giọng đều đều và rành rọt đọc kinh Phúc Âm. Sau đó ông đề nghị mọi người nhanh chân kiếm chỗ ngồi trên các hàng ghế băng ngồi xuống, còn những người khác tạm đứng vậy.
Đến phần thuyết giáo.
Trong Sách Phúc Âm Luca kể rằng, có một viên quan đến bên Chúa Jesus và hỏi "thưa thầy nhân từ, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Và tất cả cùng kinh ngạc khi Chúa Jesus phán rằng, "sao ngươi gọi ta là nhân từ? Chỉ có một Đấng nhân từ là Đức Chúa Trời".
Suốt bao năm qua, tôi đã trăn trở nghĩ suy về đoạn ngắn này trong Kinh Thánh để cố hiểu xem Chúa của chúng ta có ý gì khi nói rằng Người không nhân từ. Toàn bộ Cơ đốc giáo được xây dựng trên tư tưởng nhân từ, dựa trên những giới luật của một người tự coi mình là đại diện của cái Ác là nghĩa làm sao? Và rồi cuối cùng tôi đã hiểu, bấy giờ Chúa Kitô muốn nói đến bản chất con người của mình, ở tư cách này trong Người tràn ngập cái Ác, còn với phẩm cách thánh thần, Người là hiện thân của cái Thiện.
Ông linh mục ngừng lời để các con chiên hiểu ra cái thâm ý trong những lời ông vừa nói. Tuy nhiên, ông đã lừa dối chính mình, vì vẫn như trước đây ông không thể hiểu nổi những lời nói của Chúa Kitô bởi nếu Người – với tư cách là một con người – luôn chất chứa cái Ác, thì từ lời nói đến hành động của Người cũng phải như vậy chứ. Mà thôi, cứ để cho các học giả thần học nghiền ngẫm về điều này, còn hiện giờ không phải là lúc để làm việc đó, lúc này cần phải làm sao cho những lời biện giải nghe thật có sức thuyết phục.
- Hôm nay tôi sẽ nói thật ngắn gọn. Chỉ mong sao tất cả các vị nhận thức được mỗi người phải luôn hiểu rằng, tất cả chúng ta vê bản chất là những kẻ thấp hèn và lầm lạc. Vì thế, phải chịu sự đầy đoạ đời đời nơi địa phủ, nếu như Chúa Jesus không quên mình tuẫn tử để cứu vớt nhân loại. Tôi nhắc lại sự hy sinh ccc người con của Đức Chúa Trời đã cứu vớt chúng ta, sự hy sinh của một người đi cứu vớt toàn nhân loại.
Để kết thúc bài thuyết giảng, tôi xin nhắc các vị nhớ lại phần đầu trong một cuốn sách thánh của Cựu Ước – Sách Job. Một ngày kia, Satan đến ra mắt Đức Chúa Trời đang ngự trên ngôi cao. Đức Chúa Trời bèn phán hỏi Satan rằng "Ngươi ở đâu đến?" Satan thưa "Tôi ngao du khắp thế gian".
"Ngươi có thấy Job, tôi tớ của ta chăng? Ngươi có thấy nó kính sợ ta, dâng cho ta đủ mọi thứ lễ vật không?"
"Nói cho cùng, Job có đủ mọi thứ, vậy nên làm sao Job không kính sợ Đức Chúa Trời và dâng hiến lễ vật cho được?" – Satan cười sằng sặc và trả lời – "Người cứ thử tước đi tất thảy những gì đã ban cho nó xem, liệu khi đó, nó còn kính sợ Người như trước chăng?"
Đức Chúa Trời chấp nhận cuộc thách đố này. Hết năm này sang năm khác, Người trút đủ mọi nỗi đau đớn bất hạnh xuống đầu kẻ đã trung thành với Người đến thế. Job phải đương đầu với một sức mạnh siêu phàm và coi nó là biểu hiện cho sự Công Bình của Đấng Tối Cao, mặc dù bị tước đi mọi thứ của cải mình có, mất đi con cái và đau đớn vì ung nhọt nổi đầy thân thể. Cứ như thế cho đến khi ông ta nếm trải đủ mùi cay đắng và buông lời than trách Chúa Trời. Chỉ đến lúc ấy, Đức Chúa Trời mới trả lại cho ông ta mọi thứ đã mất.
Đã bao năm rồi, tôi cùng các vị phải chứng kiến thị trấn của chúng ta suy sụp như thế nào và giờ đây tôi nghì phải chăng đó là sự trừng phạt của Đức Chúa Trời giáng xuống đầu chúng ta, vì chúng ta đã tiếp nhận mọi việc đang diễn ra một cách nhẫn nhục đến thế, như thể chúng ta đáng bị mất đi cái nơi chúngta đã sinh ra và lớn lên, những cánh đồng gieo trồng lúa mì, những đồng cỏ để chăn thả đàn cừu của chúng ta, những ngôi nhà mà cha ông chúng ta từng mơ ước. đã đến thời khắc chúng ta vùng lên hay chưa? Nếu Đức Chúa Trời buộc Job phải nổi cơn thịnh nộ, phải chăng Người cũng đang thúc giục chúng ta như thế?
Người ban phát cho anh ta đó là sự ban ơn chứ không phải là sự ban thưởng cho phẩm hạnh tốt đẹp. Nếu cho rằng mình tốt đẹp, chúng ta đã phạm vao tội cao ngạo và chính vì thế, chúng ta phải hứng chịu sự trừng phạt.
Đức Chúa Trời đã giao ước thách đố với Satan. Thoạt nhìn, Người đã hành động bất công, nhưng xin các vị hãy nhớ lại, hãy nghĩ cho thấu đáo. Người giao ước thách đố với Satan và Job đã thấu hiểu bài học cho mình và đã sám hối, bởi vì ông ta, cũng như chúng ta, đã mắc phải cái tội cao ngạo khi tự cho mình là chính trực.
Không có ai nhân từ - Chúa đã phán. Không có một ai. Chỉ cần chúng ta nghĩ mình là thánh thần, vậy đã là báng bổ Đức Chúa Trời, đã đến lúc cần phải chấp nhận những gì yếu hèn và tội lỗi của chúng ta và nếu một khi cần phải giao ước với quỷ dữ, chúng ta hãy nhớ rằng, Đức Chúa Trời, Đấng Tối Cao cũng đã hành động như thế vì để cứu rỗi linh hồn Job, kẻ tôi tớ của mình".
Bài thuyết giảng kết thúc, ông linh mục yêu cầu mọi người đứng dậy và tiếp tục làm lễ. Không còn nghi ngờ gì nữa, các con chiên đã hiểu rất rõ lời nhắn nhủ từ vị cha xứ của mình.