Quiet – Sức Mạnh Của Người Hướng Nội

Giới Thiệu

Hai cực Bắc–Nam của tính cách con người

Montgomery, Alabama. Ngày 1 tháng Mười Hai, năm 1955. Trời vừa chập tối. Một chiếc xe buýt dừng lại bên bến, và một người đàn bà phục sức giản dị, tuổi chừng bốn mươi bước lên xe. Bà đứng thẳng người, bất chấp việc đã dành suốt cả ngày hôm đó cúi gập bên bàn ủi quần áo, trong căn tiệm may ẩm thấp, tối tăm của mình tại khu bách hóa Montgomery Fair. Bàn chân bà sưng tấy vì mệt mỏi, hai bả vai đau nhức. Bà ngồi yên lặng trên hàng ghế đầu tiên của dãy ghế dành cho người Da màu, ngắm nhìn từng tốp, từng tốp hành khách chậm chạp lấp đầy dần từng băng ghế trống trên chiếc xe. Cho đến khi người tài xế đột nhiên yêu cầu bà phải đứng dậy và nhường chỗ cho một hành khách người da trắng.

Người phụ nữ bé nhỏ chỉ thốt ra một từ duy nhất, một từ ngữ đã châm ngòi cho một trong những phong trào dân quyền lớn nhất của thế kỷ 20, một từ ngữ đã giúp cho nước Mỹ tìm thấy bản ngã khác tốt hơn cho chính mình.

Bà đã nói: “Không.”

Người tài xế đe dọa sẽ báo bắt bà nếu bà không chịu làm theo yêu cầu. “Ông có thể làm thế.” Rosa Parks trả lời.

Một viên cảnh sát tới nơi. Ông ta hỏi Parks tại sao bà không chịu đứng dậy. “Tại sao tất cả các người cứ mãi o ép chúng tôi?” bà chỉ đơn giản hỏi lại. “Tôi không biết”, viên cảnh sát nói. “Nhưng luật là luật, và bà sẽ bị bắt”.

Trong buổi chiều ngày diễn ra phiên tòa tuyên án Parks tội “gây rối trật tự công cộng”; Hiệp Hội Vì Montgomery Tiến Bộ (Montgomery Improvement Association) tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ Parks tại Giáo đường Baptist Phố Holt, trong khu nghèo nhất của cả thành phố. Năm nghìn người tụ tập để ủng hộ hành động dũng cảm đơn độc của Parks. Họ lấp đầy sảnh đường nhà thờ, đông đến nỗi những băng ghế của sảnh đường rút cục không thể chứa thêm được nữa. Những người còn lại lặng lẽ chờ đợi bên ngoài, lắng nghe qua những chiếc loa. Vị linh mục Martin Luther King Jr. nói với đám đông: “Sẽ có một lúc con người không thể chịu đựng được việc tiếp tục bị giày xéo bởi gót chân sắt của sự đàn áp”, ông nói. “Sẽ có một lúc con người không thể chịu đựng được việc tiếp tục bị đẩy ra khỏi ánh nắng ấm áp của mặt trời tháng Bảy, và bị bỏ lại một mình trong cái lạnh cắt thịt của tháng Mười Một nơi miền núi An-pơ.”

Ông ngợi ca hành động dũng cảm của Parks, và ôm lấy bà. Bà đứng đó, lặng yên, chỉ sự có mặt của bà cũng đủ để khích động cả đám đông. Tổ chức đã phát động một phong trào tẩy chay xe buýt kéo dài đến 381 ngày sau đó. Những người dân lê bước hàng nhiều dặm đường để đến nơi làm việc. Họ đi nhờ xe với những người mới gặp. Họ thay đổi con đường lịch sử của cả Liên Bang Hoa Kỳ.

Tôi đã luôn hình dung về Rosa Parks như là một kẻ rất hiên ngang, oai vệ, một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán; có thể dễ dàng đối mặt với cả chiếc xe buýt chứa đầy các hành khách với những ánh nhìn cay độc. Nhưng khi bà mất vào năm 2005 ở tuổi 92, cơn lũ ồ ạt các bài cáo phó đăng trên các trang báo đều miêu tả bà như một người rất nhỏ nhẹ, dịu dàng, và thậm chí vóc người của bà cũng rất thấp bé. Họ nói bà rất “rụt rè và nhút nhát”, nhưng có “lòng dũng cảm của một con sư tử”. Các tờ báo viết về bà đều tràn ngập những lời ca ngợi như “sự khiêm tốn cấp tiến” và “sự ngoan cường tĩnh lặng”. Nghĩa là thế nào khi một người có thể ngoan cường một cách tĩnh lặng? - những lời này dường như muốn ngầm hỏi. Làm thế nào bạn có thể vừa rụt rè, lại vừa thật dũng cảm?

Parks có vẻ nhận rõ nghịch lý này, gọi tên cuốn tự truyện của mình là “Sức mạnh im lặng” (Quiet Strength)—một tiêu đề có vẻ như muốn thách thức những nhận định của chúng ta. Tại sao im lặng lại không thể có sức mạnh? Và im lặng thực sự còn làm được những gì nữa, mà trước giờ chúng ta chưa bao giờ chịu nhìn nhận?

Cuộc sống của chúng ta được định hình bởi tính cách cũng sâu sắc như nó bị ảnh hưởng bởi giới tính hay chủng tộc vậy. Và phương diện quan trọng nhất trong tính cách của một con người—“Hai cực Bắc– Nam của tính cách”, như một nhà khoa học đã nói—là ở việc chúng ta rơi vào đâu trên trục nối giữa hai thái cực Hướng Nội—Hướng Ngoại. Vị trí của chúng ta trên thang nối này tác động tới cách chúng ta chọn bạn bè và người tình, cách chúng ta bắt đầu một cuộc trò chuyện, tìm giải pháp cho những sự khác biệt, và thể hiện tình yêu. Nó ảnh hưởng tới sự nghiệp mà chúng ta chọn, và góp phần quan trọng quyết định xem liệu chúng ta có thành công trong sự nghiệp đó hay không. Nó điều khiển việc chúng ta thực hiện thường xuyên đến đâu các hoạt động như tập thể thao, ngoại tình, làm việc hiệu quả mà không cần ngủ, học từ những sai lầm trong quá khứ, đặt những canh bạc lớn trên thị trường chứng khoán, bỏ qua món lợi tức thời để có được lợi ích về lâu dài trong tương lai, làm một nhà lãnh đạo giỏi, và đặt những câu hỏi như : “Nếu trong trường hợp đó thì mọi việc sẽ ra sao?”2. Nó được phản chiếu ngay trong trục thông tin trong não bộ của mỗi con người, trong từng nơ-ron truyền dẫn xung điện, và trong từng góc khuất nhỏ nhất trong hệ thần kinh của mỗi chúng ta. Ngày nay, sự hướng nội và hướng ngoại là hai trong số những chủ đề được nghiên cứu nhiều nhất trong tâm lý học tính cách, làm khích động trí tò mò của hàng trăm nhà khoa học khắp nơi trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu này đã có những khám phá vô cùng thú vị, với sự hỗ trợ đắc lực từ những công nghệ mới nhất; nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ trong một lịch sử lâu dài về nghiên cứu tâm lý con người. Các thi gia và các nhà triết học cổ đại đã có những suy nghĩ về người hướng nội và hướng ngoại ngay từ những năm tháng đầu tiên của lịch sử có thể ghi chép được. Cả hai loại tính cách này đều xuất hiện trong Kinh Thánh, cũng như trong ghi chép của các thầy thuốc từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại; và một số nhà nghiên cứu tâm lý tiến hóa (evolutionary psychologists) đã khẳng định rằng lịch sử của hai loại tính cách này còn vươn xa hơn thế nữa: vương quốc của loài vật cũng có “hướng nội” và “hướng ngoại”, như rồi chúng ta sẽ thấy, từ ruồi giấm cho đến cá vược, đến động vật linh trưởng. Cũng như với tất cả các cặp tương hỗ khác: nam tính và nữ tính; phương Đông và phương Tây; tự do và bảo thủ— nhân loại sẽ khác đi đến mức không thể nhận ra, cũng như suy biến đến một cách vô cùng, nếu không có đủ cả hai dạng tính cách khác biệt này.

2 Câu trả lời: tập thể dục: hướng ngoại; ngoại tình: hướng ngoại; hoạt động tốt mà không cần ngủ: hướng nội; học từ những sai lầm trong quá khứ: hướng nội; mạo hiểm những canh bạc lớn: hướng ngoại; ưu tiên lợi ích lâu dài hơn là phần thưởng trước mắt: hướng nội; làm một nhà lãnh đạo giỏi: trong một số trường hợp là người hướng ngoại, trong các trường hợp khác là người hướng nội, tùy thuộc vào nhu cầu lãnh đạo của từng trường hợp cụ thể; đặt câu hỏi “Nếu vậy thì sao?”: hướng nội.

Có thể thấy ngay điều đó trong mối quan hệ hợp tác giữa Rosa Parks và Martin Luther King Jr : Một nhà diễn thuyết quả quyết, hùng hồn, dữ dội từ chối nhường ghế của mình trên một chuyến xe buýt phân biệt chủng tộc chắc chắn sẽ không thể có cùng một tác động như một người phụ nữ khiêm tốn, rõ ràng là thích giữ im lặng hơn, trừ khi tình huống cực kỳ cần thiết như Rosa Parks. Và Parks chắc chắn cũng không có năng lực để thu hút đám đông, nếu bà cố đứng lên và nói với tất cả rằng bà có một giấc mơ 3.

Nhưng với sự giúp đỡ của King, bà đã không cần phải làm thế.

Ấy vậy nhưng ngày nay, chúng ta chỉ dành chỗ cho một phạm vi tính cách rất hẹp. Chúng ta được dạy rằng người mạnh dạn sẽ là những người tuyệt vời, và kẻ quảng giao sẽ là kẻ hạnh phúc hơn. Chúng ta tự nhìn nhận bản thân như một quốc gia của những người hướng ngoại—một điều nói lên rằng chúng ta đã mất hẳn đi nhận thức về việc chúng ta thực sự là ai. Tùy thuộc vào việc bạn tham khảo nghiên cứu nào, một phần ba cho tới một phần hai dân số nước Mỹ là những người hướng nội—nói một cách khác, cứ hai hoặc ba người mà bạn biết thì có một là người hướng nội. (Cứ xét đến việc Mỹ là một trong số những quốc gia hướng ngoại nhất trên thế giới, tỷ lệ người hướng nội ở các nước khác chắc chắn cũng phải cao ít nhất như vậy). Nếu chính bản thân bạn không phải là một người hướng nội, vậy thì chắc chắn con cái bạn, nhân viên của bạn, vợ/chồng của bạn, hay người tình của bạn phải là một người như vậy.

Nếu những số liệu này làm bạn ngạc nhiên, thì có lẽ là vì rất nhiều trong số đó luôn giả vờ là những người hướng ngoại. Những người hướng nội bí mật dễ dàng lướt qua bạn mà không hề bị phát hiện trong mỗi sân chơi, bên mỗi tủ để đồ trường học, và trong mỗi dãy hành lang của toàn thể Liên Bang Hoa Kỳ. Một số đánh lừa cả chính họ, cho tới khi một diễn biến thay đổi cuộc đời nào đó xảy ra—khi bị sa thải, khi con cái lớn lên và bắt đầu rời xa, hoặc một món thừa kế khổng lồ từ trên trời rơi xuống, một thứ giúp giải phóng và cho phép họ tự do phung phí thời gian để làm bất cứ thứ gì mà họ muốn—và xốc họ trở về với đúng bản chất tự nhiên thực sự của mình. Bạn có thể chỉ cần đưa chủ đề của cuốn sách này vào một cuộc nói chuyện với bạn bè và người quen của mình là đủ để phát hiện ra, những người bạn ít ngờ đến nhất sẽ tự nhận họ là người hướng nội.

3 "Tôi có một giấc mơ" (tên gốc tiếng Anh: "I Have a Dream") là tên phổ biến của bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, Jr., khi ông nói, với sức mạnh thuyết phục của tài hùng biện, về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng. Ngày 28 tháng 8 năm 1963, King đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Linco ln, trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do. Đó là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ.

Khởi đầu với lời gợi nhắc đến bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, văn kiện năm 1863 công bố sự tự do cho hàng triệu nô lệ, King đưa ra nhận xét, "nhưng một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do." Khi sắp kết thúc bài diễn văn, King rời bỏ bản thảo soạn sẵn để trình bày một điệp ngữ đầy tính ngẫu hứng, khi ông nhắc đi nhắc lại câu, "Tôi có một giấc mơ", có lẽ theo yêu cầu của Mahalia Jackson, “Martin, hãy nói cho họ biết về giấc mơ!”. Đây là thời khắc đẩy cảm xúc người nghe lên đỉnh điểm, và khiến nó trở nên phần nổi tiếng nhất của bài diễn văn: King kể cho họ nghe giấc mơ của ông, phác họa những hình ảnh về sự tự do và bình đẳng đang trỗi dậy từ vùng đất nô lệ và đầy hận thù. "Tôi có một giấc mơ" đứng đầu danh sách 100 bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20, theo sự bình chọn năm 1999 của giới học giả về diễn thuyết trước công chúng. (Nguồn: Wikipedia)

Thực ra rất hợp lý khi nghĩ đến lý do tại sao nhiều người hướng nội lại cố che giấu sự rụt rè của mình đến vậy, thậm chí là ngay cả với chính bản thân họ. Chúng ta sống trong một hệ giá trị mà tôi gọi là Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng (the Extrovert Ideal)—một niềm tin có vẻ có mặt ở khắp mọi nơi rằng một con người lý tưởng với xã hội phải là một kẻ hoạt bát, xông xáo, năng nổ, hăng hái giao du rộng rãi, và có thể hoàn toàn thoải mái khi là trung tâm của mọi sự chú ý. Người hướng ngoại lý tưởng ưa thích hành động chứ không phải tư duy; mạo hiểm chứ không phải xét đoán; và chắc chắn chứ không phải hoài nghi. Anh ấy sẽ ưu tiên những quyết định thật nhanh chóng, kể cả khi phải mạo hiểm rằng mình có thể sai. Cô ấy sẽ làm việc vô cùng hiệu quả trong nhóm và giao du rộng rãi với tập thể. Chúng ta luôn thích nghĩ rằng mình luôn trân trọng mọi đặc tính cá nhân; nhưng quá thường xuyên, chúng ta chỉ trân trọng một loại đặc tính cá nhân mà thôi—loại có thể thoải mái “dấn thân mình ra ngoài kia”. Chắc rồi, chúng ta cho phép những thiên tài công nghệ đơn độc, người đã xây dựng những tập đoàn cả tỷ đô chỉ từ trong ga-ra ô tô nhà mình, có thể có bất cứ thể loại tính cách nào mà họ muốn. Nhưng họ là những ngoại lệ, chứ không phải quy luật; và sự hào phóng của chúng ta cũng chỉ dừng lại ở những người có thể trở nên vô cùng giàu có, hoặc những ai có tiềm năng sáng giá có thể làm được như vậy mà thôi.

Sự hướng nội—cùng với những họ hàng của nó như tính nhạy cảm, lòng nghiêm túc, và sự rụt rè—giờ đây đã trở thành những đặc điểm tính cách hạng hai, đâu đó nằm giữa một nỗi thất vọng và một chứng bệnh về tâm lý. Người hướng nội sống dưới hệ giá trị xã hội của Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng cũng giống như phụ nữ trong một thế giới của đàn ông—không được đếm xỉa đến bởi một thứ từ sâu trong bản chất của họ, bởi bản tính tự nhiên đã sinh ra cùng và quyết định họ là ai. Hướng ngoại là một tính cách cực kỳ hấp dẫn, nhưng chúng ta đã vô tình biến nó thành một thứ tiêu chuẩn đàn áp, và khiến cho phần lớn trong chúng ta cảm thấy mình buộc phải tuân theo.

Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng đã được đề cập đến trong rất nhiều nghiên cứu, mặc dù những nghiên cứu này chưa bao giờ được tập hợp lại dưới một cái tên duy nhất. Người hay nói, ví dụ, thường được đánh giá là thông minh hơn, có hình thức đẹp hơn, có tính cách thú vị hơn, và, dễ được lòng người hơn là những người ít nói. Tốc độ nói cũng ảnh hưởng nhiều ngang với mức âm lượng khi nói: chúng ta có xu hướng coi những người nói nhanh là đủ năng lực và dễ mến hơn những người nói chậm. Tiêu chuẩn ứng xử này cũng hiện diện trong các hoạt động nhóm, khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong nhóm, người nói lớn thường được đánh giá là thông minh hơn những người dè dặt kín đáo—kể cả khi không có một chút liên quan nào giữa khả năng nói liên tục và khả năng có được những ý tưởng xuất sắc. Thậm chí chính bản thân từ “hướng nội” (introvert) cũng bị bêu xấu—một nghiên cứu không chính thức, tiến hành bởi nhà tâm lý học Laurie Helgoe, đã chỉ ra rằng những người hướng nội miêu tả vẻ ngoài của riêng mình với ngôn ngữ rất rõ ràng (“mắt xanh”, “như người nước ngoài”, “xương gò má cao”); nhưng khi được yêu cầu miêu tả chân dung một người hướng nội nói chung, họ vẽ nên một bức tranh nhạt nhẽo và thiếu hấp dẫn (“vụng về”, “lóng ngóng”, “sắc da nhàn nhạt”, “mặt mụn”).

Nhưng chúng ta đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi luôn đề cao Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng một cách quá thiếu suy xét. Một lượng không ít trong số những ý tưởng, tác phẩm nghệ thuật và phát minh vĩ đại nhất của lịch sử loài người—từ thuyết tiến hóa cho đến những đóa hướng dương của Van Gogh, cho đến những chiếc máy tính cá nhân—tất cả đều đến từ những con người lặng lẽ, kín đáo và thông thái; những người biết cách truy nhập vào thế giới rộng lớn bên trong họ và biết về những kho báu quý giá có thể tìm thấy được ở nơi đó. Thiếu đi những người hướng nội, thế giới của chúng ta sẽ không bao giờ có:

định luật vạn vật hấp dẫn thuyết tương đối

“The Second Coming” của W. B. Yeats

các bản dạ khúc của Chopin

bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” của Proust

Peter Pan

các tiểu thuyết “Một chín tám tư” và “Trại súc vật” của Orwell “The Cat in the Hat”

Charlie Brown

“Schindler’s List”, “E.T.”, và “Close Encounters of the Third Kind”

Google

Harry Potter 4

4 Theo thứ tự từ trên xuống: Isaac Newton, Albert Einstein, W. B. Yeats, Frédéric Chopin, Marcel Proust, J. M. Barrie, George Orwell, Theodor Geisel (Dr. Seuss), Charles Schulz, Steven Spielberg, Larry Page, J. K. Rowling.

Như cây bút chuyên về khoa học Winifred Gallagher đã viết: “Điều minh diệu nhất của một tính cách có thể dừng lại để suy xét về nhân tố tác động, thay vì xông xáo lao tới và tác động lại với chúng, đó là ở mối quan hệ chặt chẽ đã có từ rất lâu giữa nó với trí tuệ thông thái và những thành tựu nghệ thuật vĩ đại của loài người. Cả E=mc2 5 lẫn Thiên đường đã mất 6 đều không được tạo ra nguệch ngoạc vội vàng bởi một sinh vật của đám đông.” Kể cả trong những phương diện rõ ràng là ít hướng nội nhất, như kinh tế, chính trị, hay các phong trào dân quyền, một lượng không nhỏ trong số những diễn biến lớn nhất của chúng cũng được lãnh đạo và tiến hành bởi những người hướng nội. Trong cuốn sách, rồi chúng ta sẽ bàn đến và xem xét xem làm thế nào những hình tượng như Eleanor Roosevelt, Al Gore, Warren Buffett, Gandhi—và cả Rosa Parks—đã đạt được những gì họ đạt được, không phải bất chấp, mà chính là nhờ vào sự hướng nội của họ.

5 E=mc2 : Phương trình nổi tiếng thể hiện công thức tương đương khối lượng-năng lượng của Albert Einstein. (Nguồn: Wikipedia)

6 Thiên đường đã mất (tiếng Anh: Paradise Lost)—là một thiên sử thi bằng thơ không vần (blank verse) của John Milton kể về lịch sử của con người đầu tiên—Adam. Thiên đường đã mất in lần đầu tiên năm 1667 gồm 10 quyển. Bản in năm 1674 gồm 12 quyển. (Nguồn: Wikipedia)

Ấy vậy nhưng, như Im lặng rồi sẽ chỉ ra, rất nhiều trong số các học viện và môi trường giáo dục quan trọng bậc nhất ngày nay của chúng ta đều được thiết kế cho những người ưa thích làm việc theo nhóm, và thoải mái với một sự kích thích ở mức độ cao. Khi còn là trẻ em, các bàn học ở trường của chúng ta được thiết kế thành từng “khối” một quay mặt vào nhau, thiết kế phù hợp hơn cho việc làm bài tập theo nhóm. Các nghiên cứu cũng cho thấy phần lớn các giáo viên tin rằng một học sinh lý tưởng là một người hướng ngoại. Chúng ta ngày ngày xem những chương trình ti-vi nơi nhân vật chính không còn là hình mẫu “cô bé hàng xóm ngoan hiền” như những Cindy Brady hay Beaver Cleaver của ngày xưa nữa; mà là những ngôi sao nhạc Rock, hay dẫn chương trình của website nổi tiếng, như Hannah Montana và Carly Shay của iCarly. Thậm chí ngay cả Sid cậu nhóc Khoa học (Sid the Science Kid), một hình mẫu nhân vật được đông đảo trẻ em mến mộ trên một chương trình do PBS tài trợ, cũng bắt đầu mỗi ngày đi học của mình bằng cách biểu diễn những điệu nhảy với các bạn (“Nhìn tôi mà xem! Tôi là một siêu sao!”).

Là người lớn, rất nhiều trong số chúng ta làm việc cho những tổ chức luôn kiên quyết rằng các nhân viên của họ cần phải làm việc theo nhóm, và cho những nhà quản lý đề cao “kỹ năng giao tiếp” (“people skills”) trên tất cả mọi nhân tố khác khi đánh giá nhân viên. Để thăng tiến trong sự nghiệp, chúng ta được kỳ vọng là phải biết tiếp thị bản thân mình một cách mạnh dạn nhất có thể. Các nhà khoa học có đề tài nghiên cứu được cấp vốn để triển khai thường là những người có bản tính hết sức tự tin, đôi lúc quá tự tin. Những họa sĩ mà tranh của họ trang hoàng lộng lẫy cho những bức tường trong bảo tàng và triển lãm luôn được bắt gặp đang bắt tay và tạo những dáng đứng ấn tượng trong những buổi khai mạc triển lãm của mình. Các tác giả có sách được chấp nhận xuất bản—những người từng có một thời được cả xã hội chấp nhận như là những kẻ luôn ẩn dật trốn đời—nay được các nhà xuất bản điều tra kỹ lưỡng, để chắc chắn rằng họ có thể sẵn sàng diễn thuyết và xuất hiện trên mọi chương trình truyền hình để quảng bá cho tác phẩm của mình. (Bạn sẽ không được đọc cuốn sách này, nếu tôi đã không xoay sở đế thuyết phục được nhà xuất bản của tôi rằng tôi đủ hướng ngoại để có thể quảng bá cho cuốn sách mình đã viết ra).

Nếu bạn là một kẻ hướng nội, bạn chắc chắn cũng biết sự thiên vị của xã hội chống lại người hướng nội có thể tạo ra những vết thương tinh thần lớn thế nào. Khi còn là một đứa trẻ, bạn có thể đã nghe thấy cha mẹ bạn xin lỗi mọi người vì tính rụt rè nhút nhát của bạn (“Sao con không thể giống bọn nhóc nhà Kennedy hơn được một chút chứ?” cha mẹ một người đàn ông tôi phỏng vấn đã liên tục hỏi con của mình câu đó khi ông còn nhỏ). Hoặc ở trường, có lẽ bạn đã bị ép phải “ra khỏi cái vỏ của mình”—một lối diễn đạt rất nguy hiểm, hoàn toàn thất bại trong việc nhận ra rằng có những loài vật luôn tự nhiên mang theo vỏ và mai của mình theo dù tới bất cứ đâu, và rằng với một số người mọi chuyện cũng chỉ hoàn toàn giống vậy. “Tất cả những lời bình luận đó từ ngày còn nhỏ tới tận giờ vẫn còn vang lên bên tai tôi, ám ảnh tôi rằng mình thực chất chỉ là một kẻ lười biếng và ngu ngốc, chậm chạp và buồn chán.” một thành viên của một diễn đàn có tên “Chốn bình yên của người Hướng Nội” (Introvert Retreat) đã viết vậy trong một e-mail. “Đến khi tôi đã đủ lớn để nhận ra rằng chẳng có gì bất ổn ở tôi cả, rằng tôi chỉ đơn giản là một người hướng nội mà thôi; thì nó đã thành một phần của tôi rồi, cái nhận thức như là có cái gì đó không bình thường ở tôi. Tôi chỉ ước gì có một cách nào đấy để có thể tóm được một chút nghi ngờ còn sót lại đó, và vứt bỏ được nó đi hoàn toàn mà thôi”.

Giờ đây khi đã là một người trưởng thành, có lẽ bạn vẫn cảm thấy một cảm giác thật tội lỗi khi từ chối một lời mời ăn tối để đi đọc một quyển sách mới thú vị. Hoặc có lẽ bạn thích dùng bữa tối tại nhà hàng một mình, và sẽ dễ chịu hơn rất nhiều nếu không có những ánh nhìn thương hại từ những vị thực khách xung quanh. Hoặc có lẽ bạn vẫn được bảo rằng bạn “ở trong đầu của mình quá nhiều”, một câu nói vẫn được tận dụng triệt để để chống lại những người ít nói và thích suy nghĩ.

Nhưng tất nhiên, có một cái tên khác cho những người như vậy: “thinkers”—những kẻ ham tư duy.

Tôi đã chứng kiến tận mắt khó khăn đến đâu cho những người hướng nội để nhận ra và khai thác năng lực thực sự của mình, và tuyệt diệu đến đâu khi cuối cùng họ làm được thế. Trong suốt hơn mười năm tôi đã đào tạo cho rất nhiều người ở đủ mọi ngành nghề—các luật sư kinh tế và sinh viên đại học, các quản lý tài chính và cả các cặp vợ chồng—về kỹ năng đàm phán. Tất nhiên, chúng tôi luôn dạy đủ những kiến thức cơ bản: cách chuẩn bị cho một buổi đàm phán, khi nào thì cần ra giá trước, và phải làm gì khi người bên kia nói “hoặc giá đấy, hoặc không gì cả!”. Nhưng tôi cũng giúp các khách hàng của mình tìm ra bản tính tự nhiên của mỗi người họ, và làm cách nào để có thể tận dụng được nó một cách tốt nhất.

Khách hàng đầu tiên của tôi là một cô gái trẻ có tên Laura. Cô là một luật sư kinh tế ở phố Wall, nhưng là một người ít nói, hay mơ mộng, rất sợ phải làm trung tâm của sự chú ý, và căm ghét mọi sự công kích cũng như bạo lực. Cô đã xoay sở để bằng cách nào đó sống sót qua được luyện ngục của Đại học Luật Harvard—nơi các giờ học được thực hiện trong những giảng đường khổng lồ, lớn ngang những khán đài xem võ sĩ giác đấu của người La Mã cổ đại, và là nơi một lần cô đã căng thẳng tới mức nôn mửa ngay trên đường tới lớp. Giờ khi đã bước ra cuộc đời thực, cô vẫn luôn e ngại rằng mình không đủ mạnh bạo để có thể đại diện cho các khách hàng của mình theo những cách họ vẫn mong chờ được.

Trong ba năm đầu tiên của sự nghiệp, Laura vẫn còn giữ những chức vụ quá thấp đến mức cô chưa bao giờ phải kiểm tra giả thiết này của mình. Nhưng rồi đến một ngày, luật sư cấp trên của cô, lúc đó đang trong một kỳ nghỉ, đã giao lại cho cô chịu trách nhiệm chính trong một buổi đàm phán rất quan trọng. Khách hàng là một nhà sản xuất ở Nam Mỹ đang sắp không trả nổi một món nợ ngân hàng, và hy vọng cô có thể giúp họ đàm phán lại những thỏa thuận của món nợ. Một nhóm ủy viên đặc trách của ngân hàng nắm giữ món nợ nguy hiểm đó ngồi đối diện với họ ở phía bên kia của bàn thảo luận.

Nếu được chọn, Laura thà được trốn dưới gầm chiếc bàn này còn hơn, nhưng cô đã học cách chiến đấu chống lại được những cảm giác thôi thúc mãnh liệt như này rồi. Liều lĩnh, nhưng vẫn rất căng thẳng, cô ngồi xuống vị trí của mình ở chính giữa, hai bên là các khách hàng của cô: tổng cố vấn doanh nghiệp (general counsel) ở một bên và cán bộ kiểm soát tài chính cấp cao (senior financial officer) ở phía còn lại. Đây tình cờ lại là dạng khách hàng ưa thích nhất của Laura: nhã nhặn, lịch sự và ngôn từ luôn rất nhỏ nhẹ, khác hẳn so với dạng khách hàng tôi-là-bá-chủ-của-vũ-trụ mà hãng luật của cô vẫn thường đại diện. Trong quá khứ, Laura đã từng đưa viên tổng cố vấn doanh nghiệp tới một trận bóng bóng chày của đội The New York Yankees, và giúp ngài cán bộ kiểm soát tài chính cao cấp chọn một chiếc túi xách làm quà cho cho em gái của ông ấy. Nhưng giờ những khung cảnh ấm cúng này—đúng kiểu giao tiếp mà Laura ưa thích—dường như đã cách xa cô cả một thế giới nào đó. Ngồi quanh bàn giờ đây là chín cán bộ ngân hàng cáu kỉnh trong những bộ com-lê cao cấp và giày da bóng lộn; được hộ tống bởi luật sư đại diện của bên họ, một người phụ nữ với quai hàm vuông cương nghị và một phong thái hết sức mạnh bạo, chủ động. Chắc chắn không thuộc loại người thiếu tự tin về năng lực của bản thân, người phụ nữ lập tức khởi động ngay một bài diễn thuyết vô cùng ấn tượng về việc các khách hàng của Laura sẽ may mắn đến đâu nếu họ chỉ đơn giản chấp nhận tất cả các điều khoản của phía ngân hàng. Nó, như lời cô ta nói, đã là một đề xuất quá hào phóng rồi.

Tất cả mọi người đều đợi câu trả lời của Laura, nhưng cô quả thực không nghĩ ra gì để đáp lại cả. Vậy nên cô chỉ cứ ngồi đó. Chớp mắt. Mọi ánh nhìn đều đổ về phía cô. Các khách hàng của cô cựa quậy một cách không thoải mái trên những chiếc ghế của họ. Suy nghĩ của cô quay tròn theo một vòng lặp quen thuộc: Mình quá rụt rè cho những hoạt động kiểu này, quá khiêm tốn, quá mải suy nghĩ. Cô hình dung về một người sẽ phù hợp hơn để cứu nguy cho tình huống này: ai đó mạnh bạo, tự tin, ăn nói trôi chảy, sẵn sàng đấm sầm xuống bàn để thể hiện thái độ kiên quyết không nhượng bộ. Ở trường cấp II, một người như vậy, không giống như Laura, sẽ được gọi là “năng động” (“outgoing”), thành tích cao nhất mà các đồng bạn lớp 7 của Laura biết, cao hơn cả “xinh đẹp”, với con gái, và “giỏi thể thao” với con trai. Laura tự hứa với mình rằng cô chỉ cần cố sống sót qua hết ngày hôm ấy nữa thôi. Ngày mai cô sẽ đi tìm một công việc khác.

Rồi cô nhớ ra điều tôi đã dặn đi dặn lại cô: cô là người hướng nội, và là một người như vậy, cô có một năng lực đặc biệt trên bàn đàm phán—có lẽ chỉ kém hiển nhiên hơn, nhưng không hề kém đáng sợ hơn một chút nào. Cô gần như chắc chắn là đã chuẩn bị kỹ hơn tất cả mọi người ngồi đây. Cô có một phong cách nói tuy nhẹ nhàng, nhưng rất chắc chắn. Cô gần như không bao giờ nói mà không suy nghĩ kỹ trước khi mở miệng. Là người điềm đạm bình tĩnh, cô có thể có những bước tấn công hết sức quyết liệt, mạnh bạo, và vẫn tạo được ấn tượng là mình đang rất vừa phải và hợp lý. Cô có xu hướng hay đặt ra các câu hỏi—rất nhiều câu hỏi—và thực sự lắng nghe những câu trả lời, một điều mà, bất kể tính cách của bạn có là gì, vẫn là cực kỳ quan trọng trên bàn đàm phán.

Vậy nên Laura bắt đầu làm điều đến tự nhiên nhất với cô.

- “Thử dừng lại một chút đã nào. Các số liệu bên chị được căn cứ vào đâu?”

- “Chúng ta hãy thử kết cấu khoản vay theo cách này, các vị nghĩ liệu có được không?”

- “Cách kia?”

- “Hay một cách nào đó khác?”

Ban đầu những câu hỏi của cô vẫn còn khá rụt rè. Dần dần cô bắt đầu càng lúc càng mạnh bạo hơn, thúc đẩy bên kia quyết liệt hơn, thể hiện rõ cho họ thấy rằng cô đã làm bài tập về nhà đầy đủ, và nhất định sẽ không chịu đầu hàng một cách dễ dàng. Nhưng cô cũng đồng thời trung thành với phong cách riêng của mình, không bao giờ lên giọng hay mất bình tĩnh. Cứ mỗi lần phe chủ ngân hàng đưa ra một tuyên bố cuối cùng với một vẻ chắc nịch, như thể không còn cách nào thay đổi được nữa, Laura lại cố tỏ ý xây dựng: “Có phải ý chị là đó là cách duy nhất? Nếu chúng ta thử tiếp cận vấn đề theo một cách khác thì sao?”

Dần dần cuối cùng những câu hỏi đơn giản của cô đã làm thay đổi không khí trong căn phòng, đúng như trong sách giáo khoa về đàm phán đã nói. Phía ngân hàng không còn hăng hái diễn thuyết và hùng hổ chiếm thế chủ động nữa, những hoạt động mà Laura cảm thấy mình yếu thế một cách vô vọng, và hai bên bắt đầu có một cuộc nói chuyện thực sự.

Vẫn tiếp tục thảo luận. Vẫn chưa đi đến được một thống nhất nào. Một trong các ủy viên bên phe ngân hàng lại kích động lên lần nữa, vùng đứng dậy, quăng tất cả tài liệu xuống mặt bàn và đùng đùng bước ra khỏi phòng. Laura phớt lờ thái độ này, một phần lớn là vì cô không biết phải làm gì khác trong trường hợp như thế. Về sau có người nói với cô rằng vào thời điểm then chốt đó, Laura đã có một nước đi vô cùng đúng đắn, trong một trò chơi vẫn được gọi là “Nhu thuật Thương thuyết” (“negotiation jujitsu”); nhưng cô biết rằng cô chỉ làm điều mình đã học được một cách rất tự nhiên khi làm một người lặng lẽ, trong một thế giới luôn to mồm mà thôi.

Cuối cùng hai bên cũng ký kết được một thỏa thuận. Các ủy viên ngân hàng rời tòa nhà, những khách hàng ưa thích của Laura lên xe tới sân bay, còn Laura thì trở về nhà, cuộn tròn mình lại với một cuốn sách, và cố quên đi tất cả những căng thẳng đã diễn ra trong ngày.

Nhưng sáng hôm sau, luật sư đại diện cho phía ngân hàng hôm qua—người phụ nữ quả quyết với quai hàm vuông cương nghị—gọi điện lại cho cô và đề xuất một lời mời làm việc. “Tôi chưa bao giờ được gặp ai vừa nhẹ nhàng lại vừa cương quyết đến vậy”, cô ấy nói. Và ngày hôm sau nữa, phía ngân hàng hôm nọ cũng gọi điện cho Laura, và hỏi liệu hãng luật của cô có thể đại diện cho công ty của họ trong tương lai được không. “Chúng tôi cần một người có thể giúp chúng tôi đạt được mọi thỏa thuận mà không để cho cái tôi của mình ngáng đường” ông ta nói.

Bằng cách trung thành với phong cách nhẹ nhàng của riêng mình, Laura đã đưa được về cho hãng luật của mình thêm một thỏa thuận thành công, tìm được một đối tác mới cho hãng, và có cả một lời đề nghị việc làm cho riêng mình. Lên giọng và đấm xuống mặt bàn đã được chứng tỏ là hoàn toàn không cần thiết.

Ngày nay Laura hiểu rất rõ rằng thiên tính hướng nội là một phần quan trọng, cốt yếu của con người cô, và cô càng trân trọng hơn bản tính thích suy nghĩ của mình. Cái vòng lặp trong đầu Laura, thứ vẫn liên tục buộc tội cô là quá rụt rè, quá khiêm tốn, nay đã xuất hiện càng lúc càng ít hơn. Laura giờ đây biết rằng cô luôn có thể xoay sở mọi thứ ổn thỏa bằng chính sức của mình khi cần thiết.

Chính xác thì ý tôi là gì khi nói Laura là một người hướng nội ? Khi tôi bắt đầu bắt tay vào viết cuốn sách này, thứ đầu tiên tôi muốn tìm hiểu là chính xác thì các nhà nghiên cứu định nghĩa những khái niệm hướng nội và hướng ngoại (introversion và extroversion) như thế nào. Tôi biết rằng vào năm 1921, nhà tâm lý học có ảnh hưởng hàng đầu Carl Jung đã xuất bản một cuốn sách bom tấn, “Phân loại Tâm lý học” (Psychological Types), giúp phổ biến các thuật ngữ sự hướng nội và sự hướng ngoại như những khái niệm cơ bản nhất để xây dựng nên bản đồ tính cách con người. Người hướng nội sẽ bị thu hút hướng vào thế giới bên trong của suy nghĩ và cảm xúc, Jung nói, trong khi người hướng ngoại hướng ra cuộc sống bên ngoài với con người và các hoạt động. Người hướng nội tập trung vào giải thích ý nghĩa của những sự kiện, sự vật diễn ra xung quanh họ; người hướng ngoại thì lao mình vào chính các sự kiện và sự vật đó. Người hướng nội nạp lại năng lượng cho mình bằng cách ở một mình; người hướng ngoại thì cần phải nạp thêm năng lượng mỗi khi họ không giao tiếp đủ nhiều. Nếu bạn đã bao giờ thử làm bản Trắc nghiệm tính cách tâm lý Myers-Briggs 7, được thiết kế dựa trên cơ sở nghiên cứu của Jung và được sử dụng rộng rãi bởi phần lớn các trường đại học và các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới; thì có lẽ bạn đã quá quen thuộc với các khái niệm này rồi.

7 Trắc nghiệm tính cách Myers-Briggs, hay Chỉ số phân loại Myers-Briggs (Myers-Briggs Type Indication), thường được viết ngắn gọn là MBTI, là một phương pháp sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để tìm hiểu tâm lý, tính cách cũng như cách con người nhận thức thế giới xung quanh, đưa ra quyết định cho một vấn đề. Phương pháp kiểm kê tính cách này khởi nguồn từ các lý thuyết phân loại trong cuốn “Psychological Types” của Carl Gustav Jung xuất bản năm 1921 và được phát triển bởi Katharine Cook Briggs cùng con gái của bà, Isabel Briggs Myers, từ khoảng Thế chiến thứ hai. (Nguồn: Wikipedia)

Thế nhưng còn các nhà tâm lý học hiện đại thì nói gì? Tôi nhanh chóng nhận ra rằng không có một định nghĩa toàn diện nào về hướng nội và hướng ngoại cả: không hề có một thể loại nghiên cứu thống nhất nào mà ở đó tất cả mọi người đều có thể đồng ý về những đặc điểm chung để có thể cho vào nhóm, không như các nhóm “những người tóc quăn” hay “những người 16 tuổi”. Ví dụ, những người ủng hộ trường phái Ngũ Đại (Big Five) trong tâm lý tính cách (tranh cãi rằng tính cách con người có thể được phân tách ra thành 5 xu hướng chính) định nghĩa hướng nội không phải theo phương diện có một thế giới nội tâm phong phú, mà là ở việc thiếu hụt những đặc tính như sự quả quyết hay khả năng dễ dàng hòa đồng với tập thể. Có bao nhiêu nhà tâm lý học tính cách thì dường như có bấy nhiêu định nghĩa về hướng nội và hướng ngoại, và những người này bỏ ra rất nhiều thời gian để tranh cãi xem định nghĩa của ai mới là chính xác nhất. Một số thì nghĩ rằng ý tưởng của Jung đã quá lỗi thời rồi; số khác lại quả quyết rằng ông là người duy nhất nói đúng.

Nhưng mặc dù vậy, các nhà tâm lý học ngày nay nói chung vẫn nhất trí ở một số điểm lớn: ví dụ, người hướng nội và hướng ngoại cần những mức độ kích thích khác nhau để có thể hoạt động một cách bình thường. Người hướng nội có thể cảm thấy “vừa đủ” với mức độ kích thích thấp hơn, như là nhấp một ngụm rượu vang với vài người bạn thân, chơi giải ô chữ trên báo, hay đọc một cuốn sách. Người hướng ngoại thì ưa thích yếu tố bất ngờ, khích động từ những hoạt động như gặp gỡ ai đó lần đầu tiên, lao mình trượt tuyết trên những sườn núi đổ dốc, hay vặn lớn bộ dàn loa stereo tới mức âm lượng tối đa. “Với họ, những người khác luôn quá khích động”, nhà tâm lý học tính cách David Winter nói, giải thích lý do tại sao một người hướng nội điển hình sẽ thà dành trọn kỳ nghỉ của mình đọc sách bên một bờ biển vắng người còn hơn là tiệc tùng thâu đêm trên những du thuyền sang trọng. “Họ khích động với những đe dọa, sợ hãi, bạo lực, và cả tình yêu. 100 con người có tác động kích thích cao hơn rất nhiều so với 100 quyển sách, hay 100 hạt cát trên bờ biển”.

Rất nhiều nhà tâm lý học cũng đồng ý rằng người hướng nội và người hướng ngoại làm việc theo những cách rất khác nhau. Người hướng ngoại có xu hướng xông xáo lao đến và giải quyết vấn đề một cách mau lẹ. Họ đưa ra những quyết định nhanh chóng (đôi lúc thiếu suy xét), không gặp vấn đề gì khi phải làm nhiều việc cùng lúc, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Họ thích thú tận hưởng “khoái cảm mạo hiểm” của công việc để hướng đến những phần thưởng có giá trị như của cải hay địa vị.

Người hướng nội lại thường làm việc chậm chạp hơn, và chú tâm lên kế hoạch cụ thể hơn. Họ thích tập trung vào giải quyết lần lượt từng vấn đề một, và có một sức mạnh tập trung đáng nể phục. Họ gần như miễn dịch với sức cám dỗ của tiền bạc hay danh vọng.

Tính cách của chúng ta cũng đồng thời định hình phong cách giao tiếp của chúng ta. Người hướng ngoại sẽ là những người đem sức sống đến cho những bữa tiệc của bạn, bật cười một cách sảng khoái trước những câu chuyện cười bạn kể. Họ thường rất quả quyết, chủ động, và luôn cần có bạn bè. Người hướng ngoại nghĩ ra đằng miệng, nghĩ ngay tại chỗ và gần như ngay lập tức. Họ ưa thích nói hơn là lắng nghe; rất hiếm khi thấy bí không biết phải nói gì, và thỉnh thoảng buột miệng nói ra những điều mà họ không bao giờ thực sự có ý nói. Họ rất thoải mái với những xung đột, nhưng hoàn toàn không thể chịu được những nơi vắng vẻ, tĩnh mịch.

Người hướng nội thì ngược lại, một vài trong số họ có thể có kỹ năng giao tiếp rất tốt, hoàn toàn thoải mái với các buổi tiệc và các bữa tối với đối tác, nhưng sau một thời gian sẽ bắt đầu ước gì giá mà giờ họ được nằm ườn ở nhà, trong bộ py-ja-ma. Họ thường ưa thích dành năng lượng giao tiếp của mình cho chỉ một vài người bạn thân, đồng nghiệp, hay các thành viên gia đình gần gũi nhất với họ. Họ lắng nghe nhiều hơn là nói, luôn nghĩ kỹ trước khi mở miệng, và thường cảm thấy rằng họ diễn đạt bản thân mình bằng chữ viết tốt hơn là lời nói. Họ thường có xu hướng cố tránh các cuộc xung đột. Rất nhiều người sợ nói chuyện phiếm, nhưng lại hoàn toàn ưa thích những cuộc trao đổi thực sự, sâu sắc về những chủ đề ưa thích của mình.

Có một số thứ không phải là một người hướng nội: hướng nội không phải là một từ đồng nghĩa với ẩn dật hay khinh người. Người hướng nội có thể là những người này, nhưng phần lớn họ đều hết sức thân thiện và hoàn toàn dễ gần. Một trong những cụm từ nhân đạo nhất của tiếng Anh—“Only connect!”— “Chỉ có kết nối!”—được viết ra bởi một người hướng nội vô cùng rõ rệt, E. M. Forster, trong một cuốn tiểu thuyết khai phá câu hỏi làm cách nào để đạt được “tình yêu giữa người với người ở sắc thái tuyệt đối nhất của nó.”

Cũng không phải cứ hướng nội thì là người rụt rè. Nhút nhát, rụt rè là nỗi sợ sự không chấp nhận của xã hội, sợ bị bẽ mặt; trong khi hướng nội là sự ưa thích những môi trường không quá kích thích. Tính nhút nhát rụt rè có thể gây thương tổn tinh thần rất sâu đậm; tính hướng nội thì hoàn toàn không. Một trong những lý do khiến mọi người luôn nhầm lẫn hai khái niệm này là việc đôi lúc chúng giao nhau (mặc dù các nhà tâm lý học vẫn còn tranh cãi là đến mức độ nào). Một số nhà tâm lý học thể hiện hai xu hướng này trên một đồ thị với một trục đứng và một trục nằm ngang, với trục ngang là khoảng dao động giữa hai thái cực hướng nội-hướng ngoại, và trục đứng tương ứng với khoảng bình thản-lo lắng. Với mô hình này, bạn có được bốn phân loại khác nhau của tính cách con người, tương ứng với bốn góc phần tư của đồ thị: người hướng ngoại bình thản, người hướng ngoại lo lắng (hoặc bốc đồng), người hướng nội bình thản, và người hướng nội lo lắng. Nói một cách khác, bạn có thể là một người hướng ngoại nhút nhát như Barbra Streisand 8, người có một tính cách hết sức đặc sắc và thu hút, nhưng vẫn sợ đến tê liệt cả người đi mỗi khi phải bước lên sân khấu; hoặc một người hướng nội không-nhút-nhát, như Bill Gates 9, người mà về mọi phương diện đều tránh phải tiếp xúc với mọi người, nhưng chưa bao giờ phải lo lắng vì áp lực ý kiến của người khác.

Bạn cũng có thể, tất nhiên, vừa là một người hướng nội, vừa là một người nhút nhát. T. S. Eliot 10, một con người đơn độc nổi tiếng, đã viết trong bài thơ Đất hoang (The Waste Land) rằng ông có thể “chỉ cho bạn thấy nỗi sợ trong mỗi một nắm tay bụi đất”. Rất nhiều người nhút nhát chọn hướng mình vào thế giới nội tâm, một phần như một cách tị nạn để thoát khỏi cái xã hội ngoài kia đã gây cho họ biết bao nhiêu căng thẳng và lo lắng. Và nhiều người hướng nội cũng rất nhút nhát, một phần là vì họ luôn nhận được thông điệp từ xã hội rằng có gì đó không ổn với họ, rằng có gì đó sai trái trong việc họ thích suy nghĩ và bỏ thời gian nghiền ngẫm về mọi thứ; và cũng một phần do đặc trưng tâm lý của họ, như chúng ta rồi sẽ bàn đến, luôn khiến họ thấy không thoải mái và phải tránh xa các môi trường có tính kích thích cao.

8 Barbra Joan Streisand (sinh ngày 24 tháng 4 năm 1942) là một nhà sáng tác nhạc, nữ diễn viên điện ảnh, kịch và ca sĩ Mỹ, đồng thời cũng là nhà hoạt động chính trị cấp tiến, nhà sản xuất phim và nhà đạo diễn phim. Bà đã giành được giải thưởng Oscar cho danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Bài hát hay nhất trong phim cũng như các giải Emmy, Grammy, Quả Cầu Vàng. Streisand đã được xếp vào hàng nghệ sĩ nữ có album bán chạy nhất mọi thời đại ở Hoa Kỳ trong vòng hơn 30 năm, theo RIAA. Bà được xem như một trong những nghệ sĩ biểu diễn nữ thành công nhất trong lịch sử ngành giải trí hiện đại và là nữ ca sĩ bán được nhiều album nhất trong lịch sử âm nhạc Mỹ, được RIAA xác nhận là hơn 71 triệu đĩa ghi âm. (Nguồn: Wikipedia)

9 William Henry "Bill" Gates III (sinh ngày 28 tháng 10, 1955) là một doanh nhân người Mỹ, nhà từ thiện, tác giả và chủ tịch tập đoàn Microsoft, hãng phần mềm khổng lồ mà ông cùng với Paul Allen đã sáng lập ra. Ông luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới, và là người giàu nhất thế giới từ 1995 tới 2009, ngoại trừ năm 2008, khi ông chỉ xếp thứ ba. Tháng 5 năm 2013, Bill Gates đã giành lại ngôi vị người giàu nhất thế giới với tài sản 72,7 tỉ đô la Mỹ. (Nguồn: Wikipedia)

10 Thomas Stearns Eliot (26 tháng 9 năm 1888—4 tháng 1 năm 1965) là một nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học Anh gốc Hoa Kỳ đoạt giải Nobel văn học năm 1948. Eliot thường đi vào những chủ đề triết lí, phản ánh mâu thuẫn giữa thực tại và thế giới tinh thần, sự yên bình của tâm hồn và lo âu trong đời sống con người, sự chuộc tội của linh hồn qua thời gian... Eliot là người có đầu óc cách tân trong ngôn ngữ thơ và thi pháp, đấu tranh cho "thơ tự do", thoát khỏi khuôn sáo của thơ đương thời. Eliot là nhà thơ lớn nhất của nước Anh trong thế kỉ 20, có ảnh hưởng rộng lớn đến văn học các nước phương Tây. (Nguồn: Wikipedia)

Nhưng với tất cả những khác biệt như thế, tính nhút nhát và sự hướng nội vẫn có một điểm chung rất sâu sắc. Trạng thái tâm lý của một người hướng ngoại nhút nhát ngồi nín thinh bên bàn họp của một doanh nghiệp có thể sẽ rất khác so với trạng thái tâm lý của một người hướng nội bình tĩnh—người nhút nhát vì quá sợ nên không dám nói, còn người hướng nội chỉ đơn giản là đang bị quá tải bởi môi trường xung quanh có nhiều nhân tố kích thích hơn mức họ có thể chịu đựng. Nhưng với thế giới bên ngoài, hai người họ trông chẳng khác gì nhau. Điều này có thể giúp cho cả hai loại người này hiểu rõ hơn về việc quá kính trọng và đề cao “vị trí dẫn đầu” hướng ngoại có thể khiến chúng ta bỏ qua những thứ thực sự tốt, thông minh và thông thái đến thế nào. Vì những lý do rất khác nhau, người nhút nhát và người hướng nội có thể sẽ chọn dành thời gian của mình cho những công việc hậu trường, như phát minh, hay tiến hành nghiên cứu, hay ở bên và nắm lấy tay những người đang trong cơn bệnh—hoặc ở vị trí lãnh đạo, họ giải quyết công việc với một phong thái tĩnh lặng. Đây không phải vị trí tiên phong dẫn đầu, nhưng những người đảm đương những vị trí đó vẫn cứ là những hình mẫu đáng để ta học tập và noi gương.

Nếu bạn vẫn không chắc chắn liệu mình rơi vào đâu trên khoảng giữa hai thái cực hướng nội-hướng ngoại, bạn có thể tự đánh giá mình ở đây. Hãy trả lời mỗi câu hỏi này bằng cách đáp “Đúng” hoặc “Sai”, chọn câu trả lời nào đúng với bạn thường xuyên hơn.11

1. Tôi thích những cuộc nói chuyện một-đối-một hơn là hoạt động nhóm.

2. Tôi thường thích thể hiện mình qua chữ viết hơn là lời nói.

3. Tôi thích chỗ yên tĩnh, và được ở một mình.

4. Tôi có vẻ ít quan tâm tới tiền tài, danh vọng hay địa vị… hơn là các bạn cùng lứa của tôi.

5. Tôi ghét nói chuyện phiếm, nhưng ưa thích bàn luận sâu sắc về những chủ đề quan trọng với tôi.

11 Đây chỉ là một bài trắc nghiệm không chính thức, không phải là một bài kiểm tra xác định tâm lý tính cách được xác nhận có cơ sở khoa học chặt chẽ. Các câu hỏi được đặt dựa vào những đặc tính của người hướng nội tiêu biểu, được chấp nhận một cách rộng rãi bởi đông đảo các nhà tâm lý học hiện đại nói chung.

6. Mọi người nói tôi là một người rất giỏi lắng nghe.

7. Tôi không giỏi chấp nhận rủi ro, mạo hiểm.

8. Tôi thích những công việc cho phép tôi hoàn toàn “cắm đầu vào làm” mà không bị ngắt quãng.

9. Tôi thích tổ chức sinh nhật với quy mô nhỏ, chỉ có gia đình hoặc một hai người bạn thật thân mà thôi.

10. Mọi người thường miêu tả tôi là “điềm đạm” hoặc “chín chắn”.

11. Tôi thường không thích cho ai khác xem công việc của mình cho đến khi nó đã hoàn tất.

12. Tôi không thích xung đột hay mâu thuẫn.

13. Tôi làm việc tốt nhất khi được ở một mình.

14. Tôi thường nghĩ kỹ trước khi nói.

15. Sau khi đi chơi nhiều với mọi người tôi thường cảm thấy năng lượng như đã bị rút cạn hết, mặc dù có thể tôi cũng đã chơi rất vui.

16. Tôi thường để cho các cuộc gọi rơi vào hộp thư thoại.

17. Nếu phải chọn một trong hai, tôi thà chọn một Chủ Nhật hoàn toàn không có gì để làm hơn là một ngày cuối tuần với quá nhiều công việc đã được lên kế hoạch sẵn.

18. Tôi không thích làm nhiều việc cùng lúc.

19. Tôi có thể hoàn toàn tập trung vào một việc rất dễ dàng.

20. Trong tình huống phòng học, tôi thích nghe giáo viên giảng sẵn hơn là tham gia vào những buổi seminar. 12

12 * Seminar có thể hiểu đơn giản là một hình thức học tập mà ở đó người học chủ động hoàn toàn tư khâu chuẩn bị tài liêu, trình bày nội dung đưa dẫn chứng, trao đổi, thảo luận với các thành viên khác và cuối cung tự rút ra nội dung bài học hay vấn đề khoa học cũng như đề xuất các ý kiến để mở rộng nội dung.

* Vai trò của người thầy là

· Tìm được các chủ đề phù hợp nội dung của bài giảng, có nguồn tư liệu đầy đủ.

· Cung cấp tài liệu hoặc hướng dẫn tìm tài liệu.

· Giải đáp thắc mắc của sinh viên trong khâu chuẩn bị.

· Lắng nghe và bổ sung hoặc sửa chữa các chỗ thiếu sót của người học.

· Tổng kết vấn đề.

· Nếu sinh viên chưa quen thì trong những lần đầu tiên có thể điều hành việc trao đổi thảo luận.

Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa học seminar và nghe giảng là trong giờ seminar, học sinh phải nói và tranh luận rất nhiều.

Càng có nhiều câu trả lời “đúng”, bạn càng có khả năng là một người hướng nội (introvert) nhiều hơn; nếu ngược lại, bạn càng có khả năng là một người hướng ngoại (extrovert). Nếu bạn thấy mình có một số lượng câu trả lời “đúng” và “sai” tương đối bằng nhau, vậy thì có thể bạn là một ambivert—vâng, thực sự có riêng một từ dành cho những người như vậy đấy ạ.

Nhưng kể cả nếu bạn chỉ chọn một phương án duy nhất cho tất cả các câu hỏi ở đây, điều đó cũng không có nghĩa là hành động của bạn có thể dễ dàng dự đoán trước được trên tất cả mọi phương diện. Chúng ta không thể nói mọi kẻ hướng nội đều là những con mọt sách hay mọi người hướng ngoại đều quậy tới bến ở những bữa tiệc tưng bừng với bạn bè—cũng hệt như việc chúng ta không thể khẳng định chắc nịch rằng mọi phụ nữ đều là những người giỏi lắng nghe, và mọi người đàn ông đều thích những môn thể thao va chạm—như bóng đá hay bóng bầu dục chẳng hạn (chú thích của người dịch). Như Jung đã nói, một cách rất chính xác, rằng: “Không hề có thứ gì gọi là một kẻ hoàn toàn hướng ngoại hay một kẻ hoàn toàn hướng nội hết. Một kẻ như thế chắc chắn sẽ chỉ có thể kết thúc mình trong một nhà thương điên”.

Một phần của lý do ở đây là vì chúng ta đều là những sinh vật phức tạp đến đáng kinh ngạc, nhưng một phần khác cũng là bởi có vô cùng nhiều các kiểu hướng nội và hướng ngoại khác nhau. Tính hướng nội và hướng ngoại tương tác với những nét tính cách khác cũng như với quá khứ riêng của từng người, tạo ra vô số những kiểu người khác nhau. Vậy nên nếu bạn là một thanh niên Mỹ có thiên hướng nghệ thuật, luôn bị cha mình bắt ép tham gia đội tuyển bóng bầu dục của trường như người anh trai sôi nổi- ăn to nói lớn của bạn; bạn sẽ là một dạng hướng nội rất khác so với, ví dụ, một nữ doanh nhân người Phần Lan có cả bố và mẹ đều là những người giữ hải đăng. (Phần Lan là một quốc gia nổi tiếng hướng nội. Truyện cười người Phần Lan: Làm thế nào để bạn biết một anh chàng Phần Lan có thích bạn hay không? Câu trả lời: Anh ta sẽ nhìn chằm chằm vào mũi giày của bạn, thay vì vào mũi giày của chính anh ta!)

Rất nhiều người hướng nội cũng “đặc biệt nhạy cảm”(“highly sensitive”); nghe có vẻ rất thi vị, nhưng đó thực tế là một thuật ngữ chuyên môn trong ngành tâm lý học. Nếu bạn thuộc dạng nhạy cảm, vậy có lẽ bạn sẽ phù hợp hơn nhiều những người khác để cảm thấy tuyệt đối hạnh phúc dễ chịu khi nghe bản “Xô-nát ánh trăng” của Beethoven, một câu đáp bằng tiếng Anh thật hoàn hảo, hay một nghĩa cử cao đẹp đến đáng khâm phục. Bạn cũng sẽ nhanh cảm thấy phát bệnh hơn khi phải chứng kiến bạo lực hay những thứ xấu xí đáng ghê tởm, và bạn có một lương tâm vô cùng lành vững. Khi còn là một đứa trẻ, rất có thể bạn đã luôn bị bảo là “quá nhút nhát”, và cho tới tận bây giờ vẫn luôn cảm thấy rất căng thẳng mỗi khi bị người khác đánh giá, như khi phải diễn thuyết trước một đám đông, hoặc trong lần hẹn hò đầu tiên. Rồi chúng ta sẽ bàn đến tại sao tập hợp các đặc tính tưởng chừng ít liên quan cho lắm đến nhau này lại thường thuộc về cùng một người, và tại sao người này lại thường là người hướng nội. (Không ai biết chính xác thì có bao nhiêu người hướng nội cũng là người đặc biệt nhạy cảm, nhưng chúng ta biết có khoảng 70% người nhạy cảm là người hướng nội, và 30% còn lại báo cáo rằng họ cũng thường cần rất nhiều “khoảng nghỉ” trước khi có thể hoạt động lại bình thường sau một cơn chấn động).

Tất cả những rắc rối phức tạp này có nghĩa là, không phải mọi thứ viết trong Im lặng đều có thể áp dụng đúng với bạn, kể cả khi bạn tự thấy mình là một kẻ hướng-nội-toàn-tập. Ví dụ, chúng ta sẽ dành một lượng thời gian để bàn về tính nhút nhát và sự nhạy cảm, những đặc tính mà có thể bạn tự thấy là mình hoàn toàn không có. Nhưng kể cả thế cũng không sao. Hãy cứ áp dụng những cái có thể áp dụng được với bạn, và dùng những kiến thức còn lại để cải thiện mối quan hệ của bạn với những người xung quanh.

Điều đó nói ra, trong Im lặng này chúng ta sẽ cố gắng không lệ thuộc quá nhiều vào các định nghĩa. Những thuật ngữ được định nghĩa nghiêm ngặt là đặc biệt quan trọng với các nhà nghiên cứu, những người mà công trình của họ phụ thuộc chặt chẽ vào việc xác định chính xác đến đâu thì tính hướng nội dừng lại, và từ đâu thì các đặc tính khác, ví dụ, như tính nhút nhát, bắt đầu. Nhưng trong Im lặng, chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến thành quả của những nghiên cứu đó. Các nhà tâm lý học ngày nay, kết hợp với các nhà khoa học thần kinh (neuroscientist) cùng những thiết bị quét não bộ của họ, đã khám phá ra được những phát hiện vô cùng sáng giá có thể thay đổi được cách chúng ta nhìn nhận thế giới— và cả chính bản thân mỗi chúng ta. Họ đang trả lời cho những câu hỏi như: Tại sao một số người nói rất nhiều, trong khi một số khác thì đo đếm từng chữ một mình nói ra? Tại sao một số người lao mình vào công việc, trong khi một số khác thì tổ chức những bữa tiệc sinh nhật tưng bừng ngay tại nơi làm việc? Tại sao một số người không gặp vấn đề gì với việc nắm trong tay quyền lực, trong khi một số khác thì lại không thích cả việc lãnh đạo lẫn việc bị người khác lãnh đạo? Liệu người hướng nội có thể làm nhà lãnh đạo tốt được hay không? Liệu xu hướng ưu ái những người hướng ngoại của chúng ta là một kết quả của tiến hóa tự nhiên, hay là do chịu ảnh hưởng từ văn hóa và xã hội? Nếu bạn là một người hướng nội, liệu bạn có nên cống hiến hết thời gian và sức lực của mình cho những hoạt động tự nhiên nhất đối với bạn; hay liệu bạn nên cố gồng mình để vượt qua các thử thách của cộng đồng, như Laura đã làm trên bàn đàm phán ngày hôm đó?

Câu trả lời có lẽ sẽ khiến bạn ngạc nhiên.

Mặc dù vậy, nếu chỉ có duy nhất một điều bạn có thể lấy ra được từ cuốn sách này, tôi hy vọng đó sẽ là một cảm nhận mới về quyền được phép là chính bạn. Tôi có thể tự mình cam đoan về về tác dụng thay đổi cuộc đời một khi bạn đã đạt được đến thái độ, quan điểm này. Các bạn còn nhớ về người khách hàng đầu tiên mà tôi đã kể với các bạn không, cô gái trẻ mà tôi đã gọi là Laura để bảo vệ danh tính thật cho cô ấy ấy?

Đó thực ra là câu chuyện về chính tôi. Tôi chính là khách hàng đầu tiên của mình.