Phần Một: KHUÔN MẪU HƯỚNG NGOẠI LÝ TƯỞNG
Chương 1: SỰ TRỖI DẬY CỦA HÌNH TƯỢNG “ANH BẠN VÔ CÙNG DỄ MẾN”
Làm Thế Nào Người Hướng Ngoại Trở Thành Hình Mẫu Lý Tưởng Của Xã Hội
Ánh mắt của những người lạ, tò mò và khắt khe,
Liệu bạn có thể đối diện chúng một cách thật tự hào—can đảm—và không hề sợ hãi?
—MẪU QUẢNG CÁO TRÊN BÁO CỦA HÃNG XÀ BÔNG WOODBURY, 1922
Thời gian: năm 1902. Địa điểm: Nhà thờ Harmony, bang Missouri, một thị trấn nhỏ, chỉ-một-chấm-con trên bản đồ nước Mỹ, tọa lạc bên một vùng bờ sông, cách thành phố Kansas hơn 100 dặm. Nhân vật chính trẻ tuổi của chúng ta: một cậu học sinh trung học nhân hậu, tốt bụng, nhưng thiếu tự tin vào bản thân tên Dale.
Gầy gò, ủ dột và ốm yếu, Dale là con trai trong một gia đình nông dân đứng đắn về đạo đức nhưng đã từ lâu sống trong cảnh bần hàn bằng nghề chăn nuôi lợn. Cậu kính trọng cha mẹ mình, nhưng tận thâm tâm không bao giờ muốn lại bước tiếp theo con đường nghèo đói của gia đình. Dale cũng lo lắng về những thứ khác nữa: sấm sét, bị đày xuống địa ngục, và bị cứng họng vào đúng những thời khắc quan trọng nhất. Cậu thậm chí còn sợ cả chính lễ cưới của mình sau này: Nhỡ cậu không thể nghĩ ra điều gì để nói với người vợ tương lai của mình thì sao?
Một ngày nọ, một diễn giả Chautauqua tới thị trấn của cậu. Phong trào Chautauqua, ra đời năm 1873 tại phía Bắc, ngoại ô New York, gửi những diễn giả tài năng đi khắp đất nước để đem những tri thức về văn hóa, khoa học, và tôn giáo tới mọi người. Những vùng nông thôn nước Mỹ quý trọng những diễn giả này bởi ánh hào quang thành thị họ mang tới từ thế giới bên ngoài—và ở sức mạnh của họ trong việc mê hoặc đám đông. Người diễn giả này đã đặc biệt thu hút Dale bởi câu chuyện đổi đời của của chính ông: có một thời ông cũng là một cậu bé con nhà nông dân thấp kém với một tương lai mịt mờ, nhưng rồi ông dần dần phát triển một phong cách diễn thuyết đầy lôi cuốn và chiếm lĩnh sân khấu ở Chautauqua. Dale lắng nghe chăm chú như nuốt lấy từng lời của ông.
Một vài năm sau, chàng thanh niên Dale lại một lần nữa bị ấn tượng mạnh bởi giá trị của khả năng diễn thuyết. Gia đình của anh chuyển tới sống tại một trang trại chỉ cách thành phố Warrensburg, Missouri ba dặm, để Dale có thể theo học đại học tại đó mà không cần phải đi thuê phòng hoặc ở nhờ nhà ai. Dale để ý thấy rằng những học sinh giành chức vô địch trong những cuộc thi hùng biện của trường luôn được kính nể như những nhà lãnh đạo, và anh hạ quyết tâm cũng phải trở thành được một người như vậy. Anh ghi danh đăng ký trong mọi cuộc thi, và lao vội về nhà mỗi khi hết giờ học để vùi đầu vào luyện tập. Cứ thua rồi anh lại thua nữa; Dale rất quyết tâm, nhưng anh vẫn chưa thực sự là một nhà hùng biện giỏi. Nhưng dù vậy, cuối cùng thì những nỗ lực của anh cũng bắt đầu được đền đáp xứng đáng. Anh lột xác trở thành một nhà vô địch hùng biện, một người hùng của toàn thể học sinh trong trường học. Những học sinh khác bắt đầu tìm đến anh để hỏi xin kinh nghiệm diễn thuyết, anh đào tạo họ, và họ cũng bắt đầu giành được giải thưởng nữa.
Đến khi Dale rời trường đại học vào năm 1908, cha mẹ của anh vẫn nghèo như vậy, nhưng nước Mỹ liên hiệp đang bắt đầu lột xác. Henry Ford đang bán những mẫu xe hơi Model Ts đắt như tôm tươi, sử dụng câu khẩu hiệu: “vì công việc, và vì cả niềm vui” (“for business and for pleasure”). J.C. Penney, Woolworth, và Sears Roebuck đã trở thành những thương hiệu đồ gia dụng hàng đầu. Ánh đèn điện thắp sáng mọi căn nhà của tầng lớp trung lưu; hệ thống nước máy được bơm dẫn vào từng nhà, giải phóng họ khỏi những chuyến đi ra nhà ngoài để xách nước về hàng đêm.
Nền kinh tế mới cần đến một kiểu người mới—một người bán hàng, một nhà hùng biện trong giao tiếp, ai đó luôn sẵn sàng với một nụ cười thường trực, một cái bắt tay chuyên nghiệp, sở hữu khả năng hòa đồng với bất cứ một đồng nghiệp nào, nhưng đồng thời vẫn luôn có thể tỏa sáng lấn át tất cả bọn họ. Dale tham gia vào tầng lớp những người bán hàng đang lên này, bước ra ngoài cuộc đời với gần như không một tư trang gì khác ngoài cái lưỡi vàng của mình.
Tên cuối của Dale là Carnegie13 (thực ra là Carnagey, ông về sau đã đổi lại cách viết tên của mình, nhiều khả năng là để tưởng nhớ Andrew Carnegie, nhà cách mạng công nghiệp vĩ đại). Sau một vài năm chật vật chào bán thịt bò cho hãng Armour and Company, ông thành lập một lớp học về kỹ năng diễn thuyết. Carnegie mở lớp của mình đầu tiên tại một trường học buổi đêm của Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA), tọa lạc trên phố 125th ở New York. Ông đòi mức lương 2 đô-la một giờ học như mức thông thường của một giáo viên dạy ban đêm. Giám đốc của trường, tuy vậy, nghi ngờ việc một lớp học về kỹ năng nói trước công chúng có thể thu hút được nhiều người, đã từ chối chi trả một khoản tiền như vậy,
13 Dale Breckenridge Carnegie (24 tháng 11 năm 1888—1 tháng 11 năm 1955) là một nhà văn, nhà thuyết trình Mỹ và là người phát triển các lớp tự giáo dục, nghệ thuật bán hàng, huấn luyện đoàn thể, nói trước công chúng và các kỹ năng giao tiếp giữa mọi người. Ra đời trong cảnh nghèo đói tại một trang trại ở Missouri, ông là tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm (“How to Win Friends and Influence People”), được xuất bản lần đầu năm 1936, một cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất và được biết đến nhiều nhất cho đến tận ngày nay. (Nguồn: Wikipedia)
Nhưng hóa ra lớp học đã trở thành một hiện tượng chỉ trong một thời gian ngắn, và Carnegie tiếp tục tiến tới thành lập Học Viện Dale Carnegie, cống hiến hết mình để giúp tất cả mọi người nhổ bật đi sự thiếu tự tin đã từng kìm chân chính ông trong quá khứ. Vào năm 1913, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, "Nói trước Công chúng và Gây ảnh hưởng tới mọi Người trong Kinh doanh” (“Public Speaking and Influencing Men in Business”). “Trong những ngày mà phòng tắm và đàn piano còn là những thứ vô cùng xa xỉ”, Carnegie viết, “con người xem khả năng diễn thuyết như là một khả năng kỳ lạ, chỉ có những người như luật sư, giáo sĩ truyền đạo, và những chính khách mới cần đến một thứ như vậy. Nhưng ngày nay chúng ta nhận ra rằng đó chính là thứ vũ khí vô cùng thiết yếu, không thể thay thế được của những người muốn tiến lên hàng đầu trong cuộc đua tranh quyết liệt của thương trường.”
Quá trình lột xác của Carnegie từ cậu bé nông dân trở thành người bán hàng, rồi thành biểu tượng hùng biện của thời đại cũng chính là câu chuyện về sự trỗi dậy của Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng. Hành trình của Carnegie phản ánh sự tiến hóa của xã hội và đã chạm đến bước thay đổi toàn diện khi bước vào thế kỷ 20, thay đổi mãi mãi việc chúng ta là ai và chúng ta ngưỡng mộ ai, chúng ta hành xử thế nào trong những buổi phỏng vấn việc làm và chúng ta đòi hỏi những gì ở một nhân viên, cách chúng ta chọn bạn tình thế nào và nuôi dạy con cái ra sao. Nước Mỹ đã chuyển mình từ thứ mà nhà sử học văn hóa có ảnh hưởng lớn Warren Susman gọi là “Nền Văn Hóa Của Đức Tính” (Culture of Character) sang “Nền Văn Hóa Của Tính Cách” (Culture of Personality)—và mở ra một chiếc hộp Pandora giải phóng trăm vạn những nỗi lo lắng cá nhân, mà từ đó chúng ta vẫn chưa bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn được.
Trong Nền Văn Hóa Của Đức Tính, con người lý tưởng là kẻ nghiêm túc, có kỷ luật, ngay thẳng và chính trực. Thứ được quan tâm không phải là ấn tượng một người có thể tạo ra với đám đông, mà là cách một người cư xử thế nào khi chỉ có một mình. Thậm chí từ ngữ “tính cách” (personality) vẫn còn chưa tồn tại trong tiếng Anh cho đến tận thế kỷ thứ 18, và ý tưởng về việc “có một tính cách tốt” (“having a good personality”) chưa bao giờ được phổ biến rộng rãi trước thế kỷ thứ 20.
Nhưng khi chúng ta đã đi theo Nền Văn Hóa Của Tính Cách, người Mỹ bắt đầu dần quan tâm nhiều hơn đến cách những người khác nhìn nhận mình như thế nào. Họ bị tuyệt đối thu hút bởi những người bạo dạn và có phong cách nói chuyện hấp dẫn, lôi cuốn. “Vai trò mới mà xã hội đòi hỏi ở tất cả trong Nền Văn Hóa Của Tính Cách là vai trò của một người biểu diễn”, như một lời viết nổi tiếng của Susman. “Mỗi người Mỹ đều phải trở thành một cá nhân biểu diễn”.
Sự trỗi dậy của nước Mỹ công nghiệp đã là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy chu trình tiến hóa toàn diện này của xã hội. Cả đất nước nhanh chóng chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp với những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên sang một nền văn minh đô thị, mà ở đó “công việc của nước Mỹ là kinh doanh” (“the business of America is business”). Trong những năm tháng quá khứ của miền quê, hầu hết mọi người Mỹ sống cũng như gia đình của Dale Carnegie: trong những nông trại, trong những thị trấn nhỏ vô danh trên bản đồ, tương tác chủ yếu với những người họ đã biết cả cuộc đời họ. Nhưng khi thế kỷ 20 đến, một cơn bão toàn diện của những doanh nghiệp lớn, của đô thị hóa, và những cuộc di cư ồ ạt bắt đầu quét qua nước Mỹ, cuốn dân số của nó tới những đô thị lớn. Vào năm 1790, chỉ có khoảng 3% dân số Mỹ sống ở những thành phố; đến năm 1840, vào khoảng 8%; và đến 1920, hơn một phần ba dân số toàn quốc đã là những cư dân thành thị. “Tất cả chúng ta không thể đều sống hết ở thành phố”, biên tập viên tin tức Horace Greeley đã viết vậy vào năm 1867, “ấy vậy nhưng có vẻ ai cũng quyết tâm phải tới sống ở đó bằng được”.
Những người Mỹ giờ đây thấy mình không còn làm việc chung với những hàng xóm láng giềng như xưa nữa, mà với toàn những người xa lạ. “Công dân” giờ chuyển hóa thành “nhân viên”, họ đối mặt với câu hỏi: làm thế nào để tạo ấn tượng tốt với những người mà họ không hề có quan hệ đồng hương hay họ hàng gì? “Lý do một người này được thăng chức hay một người khác bị xã hội tảng lờ và tẩy chay”, nhà sử học Roland Marchand viết, “càng ngày càng ít phụ thuộc hơn vào những sự ưu tiên thiên vị lâu dài hay những mối thâm thù với một dòng tộc gia đình nào đấy. Trong một nền kinh tế và những mối quan hệ càng lúc càng giấu danh tính của thời đại mới, người ta hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng mọi thứ—kể cả ấn tượng lần gặp mặt đầu tiên—đều có thể tạo ra những khác biệt cực kỳ quan trọng”. Người Mỹ phản ứng lại những áp lực này bằng cách cố gắng trở thành người bán hàng, những người có thể tiếp thị và bán không chỉ những sản phẩm tinh xảo mới nhất của công ty, mà còn có thể tiếp thị và chào bán cả chính họ nữa.
Một trong những góc nhìn quan trọng nhất mà qua đó ta có thể thấy được sự thay đổi của Nền Văn Hóa Tính Cách là truyền thống tự-giúp-đỡ-bản-thân (self-help) mà ở đó Dale Carnegie đã đóng góp một phần công sức lớn. Những cuốn sách tự-giúp-đỡ-bản-thân từ cách đây rất lâu đã luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí mỗi người dân Mỹ. Phần lớn các cuốn sách hướng dẫn thời kỳ đầu tiên là những truyện ngụ ngôn mang màu sắc tôn giáo, như The Pilgrim’s Progress, xuất bản năm 1678, một câu chuyện cảnh báo người đọc rằng nếu không biết kiềm chế bản thân, họ sẽ không bao giờ tới được thiên đường. Những cuốn sách khuyên bảo của thế kỷ 19 đã dần ít chất tính tôn giáo hơn, nhưng vẫn đề cao giá trị của việc có một nhân cách cao quý. Chúng kể những câu chuyện về cuộc đời của những vĩ nhân như Abraham Lincoln, được ngưỡng mộ không chỉ bởi khả năng giao tiếp tuyệt vời, mà còn bởi là một con người vô cùng khiêm tốn, người mà, như triết gia Ralph Waldo Emerson đã viết, “không bao giờ bị vấy bẩn bởi uy quyền”. Những cuốn sách cũng ca ngợi cả những con người bình thường nhưng có hành động thể hiện tư cách đạo đức cao quý. Một cuốn sách khuyên bảo khá nổi tiếng xuất bản năm 1899 có tên: “Nhân cách: Điều Vĩ Đại Nhất Trên Đời” (Character: The Grandest Thing in the World) kể về một cô bé chủ một cửa hàng nhỏ, đã đem toàn bộ số tiền kiếm được ít ỏi của mình tặng cho một kẻ hành khất đang co ro nơi góc phố, và rồi vội vã chạy đi thật nhanh trước khi có ai kịp nhìn thấy hành động của mình. Đức hạnh của cô, như mọi người đọc đều hiểu, không chỉ đến từ lòng nhân ái, mà còn cả từ ước muốn được ẩn danh của cô nữa.
Nhưng đến năm 1920, những cuốn sách tự-giúp-đỡ-bản-thân nổi tiếng đều đã chuyển từ tập trung vào đức hạnh bên trong của con người sang việc xây dựng khả năng mê hoặc và bề ngoài để thu hút và chinh phục người khác—“biết phải nói gì, và nói nó như thế nào”, như một cuốn nói. “Tạo ra một tính cách thu hút là tạo ra sức mạnh”, một cuốn khác khuyên. “Hãy cố luôn thường trực một tác phong để khiến cho người khác phải nghĩ: “anh ta quả là một anh bạn vô cùng dễ mến”, một cuốn thứ ba bàn. “Đó là cách xây dựng danh tiếng cho một nhân cách”. Tạp chí Success và cả tuần báo The Saturday Evening Post giới thiệu những chuyên mục mới hướng dẫn người đọc về nghệ thuật giao tiếp. Orison Swett Marden, cũng chính tác giả của cuốn sách Nhân cách: Điều Vĩ Đại Nhất Trên Đời vào năm 1899, đã xuất bản một tác phẩm nổi tiếng khác vào năm 1921, tiêu đề: “Tính Cách Bá Chủ” (Masterful Personality).
Hầu hết các sách hướng dẫn này được viết dành cho nam giới thuộc tầng lớp doanh nhân, nhưng phụ nữ cũng bị thôi thúc phải cải thiện một kỹ năng bí ẩn khác có tên “sức quyến rũ”. Lớn lên trong thập kỷ 1920 là sinh ra trong một cuộc đua tranh quyết liệt hơn nhiều những gì bà hay mẹ của họ đã phải trải qua, một cuốn hướng dẫn chăm sóc sắc đẹp cảnh báo, và muốn thành công họ cần phải có một vẻ ngoài ấn tượng. “Những người đi ngang qua ngoài phố sẽ không biết được là bạn thông minh và quyến rũ, trừ khi bạn trông giống vậy.”
Những lời khuyên kiểu này—rõ ràng đều nhằm để cải thiện cuộc sống của con người—hẳn đã phải khiến kể cả những người khá là tự tin cũng phải cảm thấy không thoải mái. Susman đã thống kê những từ ngữ xuất hiện nhiều nhất trong các cuốn sách hướng dẫn của đầu thế kỷ 20, và so sánh chúng với từ ngữ trong những cuốn sách đề cao đạo đức nhân cách của thế kỷ 19. Những cuốn sách của thế kỷ trước nhấn mạnh hơn vào những phẩm chất mà bất cứ ai cũng có thể cải thiện được, được miêu tả bằng những từ như:
Bổn phận công dân
Nghĩa vụ Việc làm
Nghĩa cử cao đẹp Danh dự
Danh tiếng
Tư cách đạo đức Cách hành xử lễ độ
Chính trực, ngay thẳng
Nhưng những cuốn sách hướng dẫn của thế hệ mới thì tôn vinh những phẩm chất mà—bất kể Dale Carnegie có làm cho nó nghe có vẻ dễ dàng đến đâu—vẫn khó hơn rất nhiều để đạt được. Hoặc là bạn có được chúng, hoặc là không—không có lựa chọn thứ ba.
Lôi cuốn Quyến rũ
Gây choáng ngợp
Có sức hấp dẫn mãnh liệt Vượt trội
Quả quyết, mãnh liệt
Luôn tràn đầy năng lượng
Hoàn toàn không phải trùng hợp ngẫu nhiên mà vào những thập kỷ 1920 và 1930, hết thảy người dân Mỹ đều bị ám ảnh bởi những minh tinh màn bạc. Làm gì còn ai tốt hơn một siêu sao điện ảnh để thể hiện được sức mạnh của một vẻ ngoài quyến rũ mê hoặc chứ?
Người dân Mỹ cũng đồng thời nhận được những lời khuyên về cải thiện kỹ năng tiếp thị bản thân—bất kể họ có thích chúng hay không—từ ngành công nghiệp quảng cáo. Nếu những quảng cáo thời kỳ đầu đi thẳng vào ca ngợi chất lượng của sản phẩm (“Giấy mỏng vân lụa của Eaton’s Highland: Loại giấy viết trong sạch và tươi mát nhất trên thế giới.”); thì quảng cáo của thời kỳ tôn vinh tính cách khắc họa khách hàng như những người phải chuẩn bị biểu diễn mà vẫn còn run sợ, và chỉ có sản phẩm của nhà quảng cáo mới có thể giúp họ có thể tiếp tục tự tin tiến lên. Những quảng cáo này đặc biệt chú trọng tới cái nhìn đầy đe dọa của mọi người xung quanh: “Khắp nơi xung quanh, mọi người đều đang âm thầm đánh giá bạn”, một quảng cáo xà bông của Woodbury cảnh báo. “Những ánh mắt vô cùng nghiêm khắc đang bủa vây lấy bạn ngay chính lúc này đây!”, quảng cáo của Kem Cạo Râu Williams Luxury khuyên.
Những quảng cáo này đã nhắm thẳng vào mối lo lắng của rất nhiều doanh nhân và quản lý thuộc tầng lớp trung lưu. Trong một quảng cáo của kem đánh răng Dr. West, một anh chàng dáng vẻ bệ vệ ngồi sau một bàn giấy, hai tay chống tự tin vào hông, và hỏi bạn “Đã bao giờ thử tự chào bán chính bạn cho chính bạn chưa? Một ấn tượng đầu tiên ưa nhìn chính là nhân tố quan trọng nhất để thành công, bất kể là trong kinh doanh hay trong đời sống xã hội!”. Kem Cạo Râu Williams Luxury quảng cáo một người đàn ông tóc bóng mượt, để ria, thúc giục người đọc “Hãy để gương mặt của bạn bộc lộ sự tự tin, chứ không phải lo lắng! Hãy nhớ, “diện mạo” của bạn chính là thứ người khác dùng để đánh giá bạn nhiều nhất!”
Những quảng cáo khác nhắc nhở phụ nữ rằng thành công của họ trong trò chơi ái tình giờ không chỉ phụ thuộc vào vẻ ngoài hấp dẫn, mà còn cả vào tính cách của họ nữa. Một quảng cáo của Xà bông Woodbury vào năm 1921 giới thiệu một cô gái ủ rũ, trở về nhà một mình sau một buổi tối đi chơi đáng thất vọng. Cô đã “luôn khát khao được hạnh phúc, được thành công, được chiến thắng”, mẩu quảng cáo nói với vẻ cảm thông. Nhưng không có sự trợ giúp của đúng loại xà bông, người phụ nữ trẻ chỉ có thể là một thất bại trong quan hệ xã hội mà thôi.
Mười năm sau, bột giặt Lux đăng một quảng cáo trên mặt báo giấy, giới thiệu một lá thư buồn bã gửi Dorothy Dix, một “Chị Thanh Tâm” của thời kỳ đó. “Thưa cô Dix,” lá thư viết, “Tôi phải làm thế nào để có thể trở nên nổi tiếng hơn đây? Tôi cũng khá là ưa nhìn và không phải là một đồ ngốc, nhưng tôi lại quá rụt rè và e thẹn trước mặt mọi người. Tôi luôn chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ thích tôi…”— Joan G.
“Cô Dix” đã trả lời lại, dứt khoát và rõ ràng: Giá mà Joan đã dùng bột giặt Lux trên váy áo, rèm cửa, sofa của mình, cô chắc chắn đã sẽ sớm có được “một niềm tin sâu đậm, chắc chắn, mãnh liệt vào sự quyến rũ của chính mình”.
Việc khắc họa việc hẹn hò như thể nó là một màn biểu diễn với đầy những rủi ro đã phản ánh rõ những quy chuẩn hoàn toàn mới của Nền Văn Hóa Tính Cách. Dưới những giới hạn (đôi lúc áp chế) của những quy chuẩn của Nền Văn Hóa Đức Tính, cả hai giới tính đều thể hiện phần nào sự kín đáo, dè dặt trong cuộc yêu đương. Người nữ mà ăn nói quá to, hay có những ánh nhìn không đứng đắn với nam giới thì đều bị coi là trâng tráo, không biết thẹn, không biết xấu hổ. Những phụ nữ thuộc tầng lớp trên có nhiều quyền tự do để giao tiếp hơn là những người cùng giới với họ ở đẳng cấp dưới, và họ quả thực được đánh giá một phần vào tài năng của họ trong những lời đối đáp mau lẹ và thông minh, nhưng kể cả họ cũng được khuyên là nên biết tỏ ra ngượng ngùng và xấu hổ. Họ được các cuốn sách hướng dẫn cảnh báo rằng “sự kín đáo lạnh lùng nhất” là “phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhất ở một người phụ nữ mà một người đàn ông muốn lấy làm vợ, hơn tất cả mọi sự thân mật không cần thiết nào”. Mọi người đàn ông đều có thể có được một cung cách xử sự lặng lẽ, từ tốn, một sự bình tĩnh và một thứ sức mạnh không cần thiết phải luôn tự khoe khoang về nó. Mặc dù sự rụt rè nhút nhát tự nó vẫn luôn là một điều không thể chấp nhận được, kín đáo lại là một dấu hiệu của một người bạn đời lý tưởng.
Nhưng với sự xuất hiện của Nền Văn Hóa Tính Cách, những giá trị của sự mực thước bắt đầu sụp đổ dần, với cả nam và nữ. Thay vì dùng những kính ngữ trang trọng khi giao tiếp với phụ nữ và nghiêm túc tuyên bố sự chú ý của mình tới đối phương, nam giới giờ đây được kỳ vọng là phải biết chinh phục cuộc hẹn hò bằng nghệ thuật của ngôn từ, mà ở đó họ tung ra một lời “tán” đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Những người đàn ông quá kín tiếng trước mặt phụ nữ sẽ phải chịu nguy cơ bị tưởng là “pê-đê”; như một cuốn hướng dẫn chuyện yêu đương năm 1926 đã quan sát thấy: “những người đồng tính luyến ái luôn luôn rất kín đáo, nhút nhát, rụt rè, không thích đám đông”. Phụ nữ nữa, cũng vậy, được kỳ vọng là phải biết cân bằng giữa đứng đắn và bạo dạn. Nếu phản ứng quá rụt rè trước những động thái lãng mạn, họ có thể bị coi là “lạnh nhạt”.
Cả phương diện tâm lý học cũng bắt đầu chật vật với áp lực phải thể hiện sự tự tin. Vào thập kỷ 1920, nhà tâm lý học có tầm ảnh hưởng Gordon Allport đã tạo ra một bài trắc nghiệm chẩn đoán về mức độ “Thống trị-Nhượng bộ” (Ascendance-Submission), nhằm xác định mức độ thống trị trong giao tiếp xã hội. “Nền văn minh đương đại của chúng ta”, Allport nhận xét, người mà chính bản thân ông cũng rất kín đáo và nhút nhát, “có vẻ đặt giá trị cao hơn vào những con người hùng hổ, người ‘xông lên đoạt lấy phần thưởng’“. Ngay từ những năm 1921, Carl Jung đã nhận thấy vị trí xã hội đang bắt đầu bị đe dọa của sự hướng nội. Chính Jung coi người hướng nội như là “những nhà giáo dục và những kẻ khuyến khích của tương lai”, những kẻ đã thể hiện giá trị của “một thế giới nội tại luôn rất cần thiết trong nền văn minh của chúng ta”. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng “sự kín đáo và những nỗi ngượng ngùng dường như rất vô căn cứ (của họ), sẽ tự nhiên khơi dậy rất nhiều ác cảm của xã hội với loại người này”.
Nhưng không ở đâu nhu cầu cần phải có một dáng vẻ tự-tin lại rõ ràng hơn ở định nghĩa khái niệm mới của các nhà tâm lý học, về thứ gọi là “Phức cảm tự ti” (inferiority complex). Hội chứng IC, như nó sau này được biết đến rộng rãi hơn trên báo chí (viết tắt từ hai chữ cái đầu của tên gốc tiếng Anh, the Inferiority Complex), được đề xuất lần đầu vào những năm 1920 bởi nhà tâm lý học người Viên Alfred Adler, để định nghĩa về cảm giác tự ti và những hậu quả của nó. “Bạn có hay tự cảm thấy bất an không?” một cuốn sách do Adler viết, vào hàng bán chạy nhất thời điểm đó, hỏi. “Bạn có hay thiếu tự tin không? Bạn có dễ nhượng bộ không?”. Adler giải thích rằng tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều cảm thấy tự ti, khi phải lớn lên trong một thế giới của người lớn và những anh chị lớn khác của chúng. Trong một quá trình lớn lên bình thường, hầu hết mọi người sẽ học cách hướng những cảm xúc này vào làm động lực để theo đuổi những mục tiêu của mình. Nhưng nếu có gì đó đi chệch hướng khi họ trưởng thành, họ có thể bị đóng chặt mãi mãi với một căn ác bệnh có tên “Hội chứng IC”, hay “Phức cảm tự ti”—một trở ngại chết người, đặc biệt trong một thế giới càng ngày càng cạnh tranh quyết liệt hơn.
Ý tưởng về việc đóng gói tất cả mọi nỗi lo lắng với đời sống xã hội của mình vào một cái gói gọn ghẽ của “Hội chứng IC” đã làm vừa ý rất nhiều người Mỹ. Phức Cảm Tự Ti trở thành một lời giải thích tuốt- tuồn-tuột cho mọi vấn đề trên hầu khắp mọi phương diện của xã hội, từ chuyện tình cảm yêu đương cho tới việc làm cha làm mẹ, tới cả công danh sự nghiệp. Vào năm 1924, tạp chí Collier đăng một câu chuyện về một người phụ nữ đang sợ phải cưới người mà mình yêu, vì e ngại rằng anh ta đã mắc phải một hội chứng IC quá nặng, không còn cách chữa. Một tạp chí nổi tiếng khác thì cho đăng một bài báo có tựa đề: “Con Của Bạn Và Cái Chứng Phức Cảm Thời Thượng Kia”, giải thích cho các bà mẹ thứ gì dẫn đến hội chứng IC ở trẻ nhỏ, và làm cách nào để ngăn chặn hoặc chữa trị được nó. Như thể tất cả mọi người đều bị mắc phải hội chứng IC này vậy; nhưng, với một số người, nghịch lý thay, đó lại chính là dấu hiệu để nhận biết họ. Lincoln, Napoleon, Teddy Roosevelt, Edison, và cả Shakespeare—tất cả đều đã phải chống chọi với chứng bệnh IC, theo lời một bài báo của Collier năm 1939. “Vậy nên”, tờ tạp chí kết luận, “nếu bạn có một hội chứng Phức Cảm Tự Ti to bự đang phát triển, vậy thì bạn đã thực sự may mắn đến hết mức mà bạn có thể mong đợi rồi đấy, miễn là bạn có đủ chất để chống lưng cho nó”.
Nhưng bất chấp giọng điệu lạc quan của bài báo này, các chuyên gia nuôi dạy trẻ nhỏ của thập kỷ 1920 vẫn hạ quyết tâm giúp đỡ trẻ em phát triển một “tính cách để chiến thắng”. Cho đến tận lúc đó, những người làm nghề này chủ yếu vẫn chỉ phải đương đầu với những bé gái phát triển tâm sinh lý quá sớm, hay những bé trai thích tập tành đua đòi làm băng đảng, du côn. Nhưng giờ những nhà tâm lý học, nhân viên công tác xã hội, và bác sĩ chú tâm hơn vào những đứa trẻ bình thường hàng ngày “có tính cách và tâm lý không bình thường”—đặc biệt là những em rụt rè và nhút nhát. Sự nhút nhát có thể dẫn đến những hậu quả đáng sợ, những cuốn sách hướng dẫn này cảnh báo, từ nghiện rượu cho đến tự tử; trong khi một tính cách năng động, xông xáo sẽ đem tới thành công cả về tài chính lẫn tinh thần. Các chuyên gia khuyên các vị phụ huynh hãy bắt trẻ em hòa đồng với tập thể hơn, khuyến khích trường học phải chuyển trọng tâm của mình từ học-trong-sách-vở sang “định hướng và dẫn đường cho sự phát triển tính cách của trẻ nhỏ”. Các nhà giáo dục đã tiếp nhận vai trò này một cách vô cùng nồng nhiệt. Đến năm 1950, câu khẩu hiệu của Hội Nghị Nhà Trắng Nửa Thế Kỷ về Thanh Thiếu Niên đã là: “Một tính cách lành mạnh cho mọi con em của chúng ta”.
Những bậc phụ huynh—hoàn toàn có ý tốt—của thập kỷ 1950 đồng ý rằng im lặng là một thứ tính cách hoàn toàn không thể chấp nhận được, và tính hòa đồng tập thể là lý tưởng cho cả nam lẫn nữ. Một số còn ngăn cấm con em tiếp xúc với những thú vui quá nghiêm túc và cô độc, như âm nhạc cổ điển, e sợ rằng những thứ như vậy có thể khiến con họ trở nên kém nổi tiếng trong mắt bạn bè và những người xung quanh. Họ càng ngày càng gửi con mình đến trường sớm hơn, với mục tiêu chủ yếu là để các em học được cách hòa nhập vào với hoạt động tập thể một cách sớm nhất. Những trẻ em hướng nội thường bị đánh dấu như là những trường hợp có vấn đề (một tình huống cũng tương tự với bất cứ ai có con là người hướng nội ngày nay).
Tác phẩm của William Whyte, “Con người của Tổ Chức” (The Organization Man), một trong những sách bán-chạy-nhất của năm 1956, đã miêu tả chi tiết việc các bậc cha mẹ định sửa chữa toàn diện tính cách ít nói của con trẻ như thế nào. “Việc học hành của Jonny ở trường giờ đang không được tốt cho lắm”, Whyte nhớ lại một người mẹ đã kể với ông. “Thầy giáo có giải thích với tôi rằng điểm học tập của thằng bé thì ổn, nhưng vấn đề là sự tương tác xã hội của nó không được tốt như mong đợi. Nó thường chỉ chọn lấy một hay hai người bạn thật thân để chơi cùng mà thôi, và đôi lúc rất thoải mái dù phải ở một mình nữa”. Các bậc cha mẹ hoan nghênh những sự can thiệp kịp thời như vậy, Whyte nói. “Chỉ trừ một vài bậc cha mẹ tính nết kỳ lạ, hầu hết đều rất biết ơn nhà trường đã làm việc hết sức nỗ lực để hạn chế xu hướng hướng nội cũng như bất kể sự phát triển tính cách bất bình thường nào khác”.
Những bậc cha mẹ theo đuổi xu hướng này hoàn toàn không hề ác độc, hay thậm chí chậm hiểu ngu ngốc gì. Họ chỉ đơn giản là đang chuẩn bị cho con trước khi chúng phải bước chân vào “thế giới thật”. Khi những đứa trẻ này lớn lên và nộp đơn xin vào học đại học, rồi sau đó nữa là xin việc, các em sẽ phải đối mặt với cùng một hệ tiêu chuẩn hướng ngoại như vậy. Những ủy ban xét tuyển của các trường đại học tìm kiếm không chỉ những ứng cử viên vượt trội nhất, mà còn phải là những người hướng ngoại nhất. Tổng Giám Sự Hành Chính (provost) của đại học Harvard, Paul Buck, đã tuyên bố vào những năm 1940 rằng: Harvard nên khước từ tất cả những người “dễ nhạy cảm, dễ hoảng loạn”, và cả những người “quá học thuật”; để ưu tiên cho những người có một tính cách “hướng ngoại lành mạnh”. Vào năm 1950, hiệu trưởng trường đại học Yale, Alfred Whitney Griswold, tuyên bố rằng một Yalie (sinh viên trường Yale) lý tưởng không phải là một kẻ “mặt lầm mày lì, chỉ biết chú tâm vào học thuật chuyên ngành, mà phải là một con người phát-triển-toàn-diện”. Một chủ nhiệm khoa khác thì nói với Whyte rằng “khi chọn lọc hồ sơ từ những trường cấp III, ông thấy hoàn toàn hợp lý khi luôn cân nhắc đến không chỉ những điều mà trường đại học muốn, mà cả những điều mà bốn năm sau này, các chủ doanh nghiệp sẽ muốn ở các cử nhân mới tốt nghiệp. “Họ thích những người hướng ngoại, chủ động”, ông nói. “Vậy nên với chúng tôi, ứng cử viên hoàn hảo nhất là những người đạt khoảng 80 đến 85 điểm học thuật trung bình ở trường, và có vô số các chứng nhận hoạt động ngoại khóa trong học bạ. Chúng tôi gần như không có việc gì để dùng đến những loại người người hướng nội ‘siêu thông minh’”.
Vị trưởng khoa này hiểu rất rõ rằng các nhân viên hiện đại của của thập niên giữa thế kỷ 20—kể cả ở những ngành nghề hiếm khi cần đến phải diễn thuyết trước đám đông và công luận nhất, như một nhà khoa học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm—không phải là những người thích đào sâu tư duy sâu sắc nữa, mà là một người hướng ngoại thân thiện, với tính cách của một người bán hàng hoàn hảo. “Như một thói quen, cứ mỗi khi từ ngữ ‘thông minh’ được dùng” Whyte nói, “nó đều hoặc được nối tiếp ngay sau bởi một chữ ‘nhưng’ ( trong ‘Chúng tôi luôn cần những người thông minh, nhưng…’ ); hoặc đi kèm với những từ như ‘tính khí thất thường’, ‘lập dị, ‘hướng nội’, ‘tâm thần không ổn định’, v…v… “. “Những người này sẽ phải thường xuyên giao tiếp với các thành viên còn lại của công ty”, trích lời một giám đốc trong thời những năm 1950, “và sẽ rất có ích nếu họ có thể tạo một ấn tượng tốt trong mắt những người đó”.
Công việc của một nhà khoa học không chỉ còn là tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm nữa, mà còn phải là chào bán được nó; và cái đó đòi hỏi một phong cách gật-đầu-cười-rạng-rỡ-khi-gặp-lướt-bạn-ở-hành- lang. Ở IBM, một tập đoàn rất trân trọng ý tưởng về “con người của công ty”, mỗi sáng bộ phận bán hàng đều tập trung lại thành từng nhóm lớn và hát vang bài ca truyền thống của công ty, “Mãi Mãi Tiến Lên”, và cùng hòa nhịp với bài hát “Cùng bán IBM”, dựa vào giai điệu bài hát “Singin’ in the Rain”. “Cùng bán IBM”, bài hát bắt đầu, “chúng ta bán IBM. Thật là một cảm giác tuyệt vời, cả thế giới là bè bạn của ta.”
Rồi họ bắt đầu tỏa đi các nơi để xử lý các công việc của họ, chứng minh rằng những người thuộc ủy ban tuyển sinh của đại học Harvard và Yale có lẽ hẳn đã đúng: chỉ có một loại người nhất định mới có thể nhiệt tình hào hứng khởi động mỗi buổi sáng của mình bằng cách như thế này.
Những người còn lại trong biên chế nhân viên chỉ còn cách cố gắng xoay sở hết mức có thể của họ mà thôi. Và nếu lịch sử tiêu thụ thuốc và chế phẩm y học có thể chỉ ra điều gì đó, thì đấy là: rất nhiều người đã vô cùng suy sụp khi phải đối mặt với những áp lực như thế này. Vào năm 1955, một công ty dược phẩm có tên Carter-Wallace cho ra mắt sản phẩm thuốc-chống-khủng-hoảng mới của mình có tên Miltown, định nghĩa lại căng thẳng và lo lắng như là những kết cục tự nhiên của một xã hội mới, luôn cạnh tranh quyết liệt và không khoan nhượng. Miltown được quảng cáo nhắm tới nam giới, và ngay lập tức trở thành nhãn hiệu dược phẩm bán chạy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, theo lời của nhà sử học xã hội Andrea Tone. Đến 1956, cứ hai mươi người Mỹ thì có một người đã dùng thử nó, và đến 1960, một phần ba trong số những đơn thuốc của các bác sĩ là Miltown hoặc một loại thuốc khác có cùng tính năng tương tự, tên Equanil. “Lo lắng và căng thẳng là những vấn đề chung của toàn xã hội”, quảng cáo in của Equanil nói rõ. Vào những năm 1960, quảng cáo thuốc an thần Serentil còn tuyên bố trực tiếp hơn thế nữa vào khả năng hấp dẫn của nó trong việc cải thiện năng lực biểu diễn trước xã hội của con người. “Cho những mối lo lắng và căng thẳng đến từ cảm giác không thể hòa nhập cùng số đông”, mẩu quảng cáo đó nói, giọng đầy cảm thông.
Tất nhiên, Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng không phải là một phát minh gì mới chỉ có ở xã hội hiện đại. Hướng ngoại là thành tố có trong cả từng nhiễm sắc thể của mỗi chúng ta. Dấu hiệu truy được về nó, tuy vậy, ở Châu Á và Châu Phi ít hơn hẳn so với ở Châu Mỹ và Châu Âu, những nơi dân số chủ yếu là con cháu của những người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Cũng rất hợp lý, các nhà nghiên cứu chỉ ra, khi thấy những người du hành khắp thế giới sẽ hướng ngoại hơn nhiều những người ở lại quê nhà—và rồi sau đó họ lại truyền lại những đặc tính đó cho con cháu của họ, rồi con cháu của con cháu của họ. “Vì đặc điểm tính cách cũng được di truyền một cách sinh học”, nhà tâm lý học Kenneth Olson viết, “mỗi một cơn sóng di cư thành công lại đưa đến sự trỗi dậy của một quần thể dân số mới, hướng ngoại hơn nhiều những người ở lại quê hương ban đầu”.
Chúng ta cũng có thể lần ra nguồn gốc sự ngưỡng mộ của chúng ta với đặc tính hướng ngoại từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại, những người mà với họ khả năng diễn thuyết là một kỹ năng tối thượng; và từ đế chế La Mã, nơi của những người mà với họ hình phạt nặng nề nhất là bị trục xuất ra khỏi thành phố, xa khỏi cuộc sống nhộn nhịp ồn ã của nó, mãi mãi. Cũng tương tự như vậy, chúng ta tôn trọng những nhà lập quốc của chúng ta (đang nói tới nước Mỹ - chú thích của người dịch) chính xác là vì họ rất hùng hồn khi nói về chủ đề tự do: Cho tôi tự do, hoặc hãy cho tôi cái chết! Thậm chí cả những cuộc phục hưng Thiên Chúa giáo ở Mỹ, từ tận giai đoạn thời kỳ Đại Tỉnh Thức đầu tiên vào thế kỷ 18, cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng trình diễn của những vị mục sư, những người sẽ được coi là thành công nếu họ có thể khiến được đám đông, vốn bình thường ít nói và kín đáo, phải sụp xuống khóc lóc, hô vang, và dần dần mất cả tự chủ. “Không gì khiến tôi đau khổ và lo lắng hơn là phải nhìn một vị mục sư đứng gần như bất động, cứ rề rà đều đều giảng kinh như thể một nhà toán học đang bình tĩnh tính khoảng cách từ Mặt Trăng đến Trái Đất”, một tờ báo tôn giáo phát hành năm 1837 phàn nàn.
Cứ theo đà này sự khinh thị tiếp tục phát triển, những cư dân Mỹ bắt đầu ngưỡng mộ hành động và dần nghi ngờ trí tuệ; liên hệ hoạt động tư duy với thứ lối sống kiểu quý tộc Châu Âu yếu đuối, rề rà, kém hiệu quả mà họ đã bỏ lại phía sau. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1828, một giáo sư đại học Harvard, John Quincy Adams14, tranh cử một-đối-một với Andrew Jackson15, một vị tướng lĩnh quả quyết của quân đội Hoa Kỳ. Một áp phích vận động bỏ phiếu cho Jackson đã nêu cao câu khẩu hiệu phân biệt rõ rệt hai người với nhau: “John Quincy Adams người có thể viết / Và Andrew Jackson người có thể chiến thắng chiến tranh” ( Nguyên bản: “John Quincy Adams who can write / And Andrew Jackson who can fight.”—Sự không chính xác ở ngôn từ là một sự cố ý để nhằm truyền tải phần nào tính vần điệu của nguyên bản—Chú thích của người dịch).
14 John Quincy Adams (1767-1845) là tổng thống Hoa Kỳ thứ 6 (1826-1829) và là con trai đầu, con thứ hai của vị tổng thống Hoa Kỳ thứ hai John Adams (tại nhiệm 1797-1801) và Abigail Adams . Ông đắc cử tổng thống năm 1826 và là tổng thống cuối cùng của Đảng Dân Chủ Cộng Hòa Hoa Kỳ cho đến khi ông bị Andrew Jackson đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1828 và chỉ phục vụ được 1 nhiệm kỳ. (Nguồn: Wikipedia)
15 Andrew Jackson (15 tháng 3 năm 1767 - 8 tháng 6 năm 1845) là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 7(1829-1837) và đã thoát khỏi vụ ám sát năm 1835. Ông là tổng thống đầu tiên của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ. Trước khi đắc cử, Jackson từng là 1 nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ ở Florida và đã chỉ huy quân đội Mỹ năm (1815) trong trận chiến New Orleans. Ông đánh bại John Quincy Adams trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1828. (Nguồn: Wkipedia)
Và kết quả của chiến dịch tranh cử đó? Kẻ biết chiến đã đánh bại kẻ biết viết, theo cách nói của nhà sử học văn hóa Neal Gabler. (John Quincy Adams, tình cờ, được giới tâm lý học chính trị nhận định là một trong số rất ít người hướng nội đã từng làm tổng thống).
Nhưng sự trỗi dậy của Nền Văn Hóa Tính Cách đã làm căng thẳng thêm cho sự thiên vị đó, giúp nó không chỉ dừng lại ở địa hạt chính trị và tôn giáo nữa, mà còn cả tới tất cả mọi người dân bình thường khác. Và mặc dù các nhà sản xuất xà bông có thu được lợi nhuận cao hơn nhờ sự chuyển hướng tập trung vào vẻ thu hút và tác phong lãnh đạo, không phải ai cũng thấy thoải mái với sự phát triển này. “Sự tôn trọng mà chúng ta có dành cho những tính cách cá nhân đã chạm xuống mức thấp nhất trong lịch sử”, một học giả phát biểu năm 1921. “Và thật là mỉa mai đến thi vị rằng không có một quốc gia nào trên thế giới lại luôn miệng nói về tính cách con người nhiều như chúng ta. Chúng ta thực sự có cả những trường học cho việc “tự thể hiện bản thân” và “tự phát triển tính cách”, mặc dù hầu hết ý của chúng ta là những sự thể hiện và sự phát triển tính cách của một nhân viên môi giới nhà đất phát đạt”.
Một nhà phê bình khác lên án về sự chú ý rất ăn theo mà mọi người dân Mỹ đang dành cho những người làm giải trí: “Thật kỳ lạ khi nghĩ về mức độ chú ý mà sân khấu và những thứ khác gắn liền với nó đang nhận được mỗi ngày trên các mặt báo và tạp chí”, ông phàn nàn. Chỉ 20 năm trước đó thôi—trong Nền Văn Hóa Của Đức Tính—những chủ đề như vậy sẽ bị coi là không phải phép, không đúng mực; vậy nhưng giờ đây chúng đã trở thành “một phần vô cùng quan trọng của xã hội, đến mức mà chúng đã trở thành chủ đề bàn luận trong tất cả các lớp học trên khắp đất nước”.
Thậm chí cả bài thơ nổi tiếng của T. S. Eliot viết năm 1915, Bản tình ca của J. Alfred Prufrock—mà ở đó ông phàn nàn về nhu cầu phải “chuẩn bị một khuôn mặt để gặp những khuôn mặt mà bạn sẽ phải gặp”—cũng có vẻ như một tiếng kêu xé lòng về nhu cầu mới quá lớn của xã hội trong việc tự tiếp thị bản thân. Trong khi những nhà thơ của thế kỷ trước có thể đi lang thang như những đám mây trôi vô định qua các miền quê (Wordsworth, vào năm 1802), hoặc đắm mình trong sự tĩnh lặng của Walden Pond (Thoreau, vào năm 1845); chàng trai Prufrock của Eliot luôn lo sợ bị nhìn bởi “những ánh mắt xa lạ, đóng khung bạn trong một lời miêu tả đã được công thức sẵn”, và ghim bạn, bất chấp sự vùng vẫy chống trả, thật chặt vào một bức tường.
Tua nhanh lại gần một trăm năm sau, và những lời phản đối của Prufrock được nhập vào chương trình học chính thức của học sinh phổ thông, nơi nó được máy móc học thuộc lòng một cách miễn cưỡng— rồi nhanh chóng quên lãng—bởi những thế hệ thiếu niên càng ngày càng thành thạo hơn trong việc định hình phong cách cả trên mạng lẫn ngoài đời của họ. Những học sinh này lớn lên trong một thế giới nơi mà danh hiệu, thu nhập, và cảm giác hài lòng với bản thân phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào khả năng đáp ứng những đòi hỏi của Nền Văn Hóa Tính Cách. Áp lực phải biểu diễn, phải tiếp thị bản thân, và không bao giờ phải lo lắng vì “không thể hòa nhập” được tiếp tục tăng lên mạnh mẽ. Số lượng những người Mỹ tự coi mình là nhút nhát, rụt rè tăng từ 40% vào những năm 1970 lên 50% vào thập kỷ 1990, có lẽ là vì chúng ta đã tự đo đếm mình dựa vào những tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều của việc tự-tiếp-thị- bản-thân một cách bạo dạn. “Chứng rối loạn lo lắng xã hội” (Social anxiety disorder)—vốn ban đầu để chỉ đến chứng sợ hãi vô căn cứ—bây giờ được coi là ảnh hưởng tới một phần năm dân số của chúng ta. Phiên bản mới nhất của cuốn Diagnostic and Statistical Manual (DSM-IV), được coi là Kinh Thánh trong việc chữa các chứng bệnh rối loạn tâm lý, coi nỗi sợ hãi khi phải thuyết trình trước đám đông là một trạng thái bệnh lý—không phải một nỗi phiền muộn, không phải một mối bất lợi, mà là một căn bệnh— nếu nó ảnh hưởng tới khả năng làm việc của của những người mắc phải. “Sẽ là không đủ”, Daniel Goleman, một quản lý cấp cao ở Eastman Kodak nói với tác giả của cuốn sách, “nếu bạn chỉ có thể ngồi bên bàn máy tính và hào hứng vì một bản báo cáo thực trạng của công ty rất khả quan nào đấy, trong khi lại e ngại phải trình bày những kết quả tuyệt vời đó với ban lãnh đạo của công ty”. (Và có vẻ ngược lại, sẽ là hoàn toàn OK nếu bạn ngại phải bỏ công sức ra làm một bản báo cáo thực trạng của công ty, nhưng lại rất hào hứng được diễn thuyết).
Nhưng có lẽ cách tốt nhất để đo đếm được mức độ ảnh hưởng của Nền Văn Hóa Tính Cách trong thế kỷ 21 là quay trở lại với những trung tâm tự-giúp-đỡ-bản-thân. Ngày hôm nay, tròn một thế kỷ sau ngày Dale Carnegie lần đầu tiên thành lập lớp dạy nói trước đám đông đó ở YMCA, tác phẩm nổi tiếng hàng đầu của ông, Đắc Nhân Tâm, vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong số các sách bán chạy nhất của các nhà xuất bản trên thế giới. Học Viện Dale Carnegie giờ vẫn cung cấp các khóa học mở rộng từ lớp học gốc ban đầu của Carnegie, và khả năng giao tiếp thuần thục, trôi chảy vẫn giữ nguyên là thành tố quan trọng nhất trong cả giáo trình. Toastmasters, một tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 1924, với các thành viên gặp mặt nhau mỗi tuần một lần để để luyện tập nói trước công chúng, và với những người sáng lập tuyên bố rằng: “tất cả mọi nói chuyện đều là để bán hàng và tất cả mọi sự bán hàng đều phải qua nói chuyện” (“all talking is selling and all selling involves talking”), hiện nay vẫn đang phát triển vô cùng lớn mạnh, với hơn 12.500 câu lạc bộ trải dài trên khắp 113 nước khác nhau trên thế giới.
Video quảng cáo cho website của Toastmasters giới thiệu hai người đồng nghiệp, Eduardo và Sheila, ngồi trong hàng ghế khán giả của “Hội Nghị Kinh Doanh Toàn Cầu Lần Thứ Sáu”. Ở phía xa, có một diễn giả căng thẳng đang hết sức vụng về giới thiệu một bài diễn thuyết thảm hại tới tội nghiệp trên khán đài.
“Tôi thật mừng mình không phải là anh ta,” Eduardo thì thầm.
“Anh đang đùa đấy phải không?”, Sheila hỏi lại với một nụ cười đắc thắng. “Chẳng lẽ anh không nhớ tới buổi thuyết trình về doanh số của công ty với các khách hàng mới vào tháng trước ư? Lúc đó tôi còn tưởng là anh sẽ ngất luôn trên bục diễn thuyết đấy”.
“Thôi nào, chắc chắn là tôi không tệ đến mức đấy chứ?”
“Ồ có, anh thực sự đã tệ đến mức vậy đấy. Rất tệ. Tệ nhất tôi đã từng thấy, nếu tôi có thể nói vậy”.
Eduardo trông hiển nhiên xấu hổ một cách rất hợp lý, trong khi người đồng nghiệp có vẻ rất thiếu tế nhị tên Sheila vẫn tiếp tục.
“Nhưng”, Sheila nói, “anh hoàn toàn có thể sửa được nó. Anh hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Anh đã bao giờ nghe đến Toastmasters chưa?”
Sheila, một nữ doanh nhân tóc nâu trẻ và xinh đẹp, kéo Eduardo tới một buổi gặp mặt định kỳ của
Toastmasters. Ở đó, cô tình nguyện xung phong làm mẫu cho một hoạt động có tên “Sự Thật hay Giả Dối”, ở đó người tham gia có nhiệm vụ phải kể cho 15 khán giả có lẻ một câu chuyện về cuộc đời mình, để sau đó họ sẽ quyết định xem liệu đó có phải là sự thật hay không.
“Tôi cá là mình có thể lừa tất cả mọi người”, cô nói nhỏ với Eduardo, trước khi dõng dạc tiến tới bục sân khấu. Cô kể một câu chuyện vô cùng tỉ mỉ về những năm tháng của cuộc đời mình khi còn là một ca sĩ opera, kết thúc với quyết định dứt khoát nhất của cuộc đời cô là rời bỏ tất cả sự nghiệp đó để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Khi cô kết thúc, ủy viên Toastmaster có mặt tại đó hỏi mọi người xem liệu họ có quyết định tin vào câu chuyện của Sheila hay không. Tất cả mọi người đều giơ tay. Người ủy viên sau đó liền quay trở lại phía Sheila, và hỏi xem liệu đó có phải là một câu chuyện thật hay không.
“Tôi thậm chí còn không thể xướng nổi dù chỉ một nốt!” cô cười rạng rỡ.
Sheila có thể hiện lên như một người thiếu thành thật, nhưng cũng dễ có thể cảm thông được. Cũng như những độc giả đầy lo lắng của những cuốn sách tự-giúp-đỡ của thập kỷ 1920, cô chỉ đang cố vượt lên dẫn đầu trong văn phòng của mình. “Có quá nhiều sự cạnh tranh trong môi trường làm việc của tôi”, cô bộc bạch trước máy quay, “và nó khiến việc luôn giữ cho các kỹ năng của tôi thật sắc bén quan trọng hơn bao giờ hết”.
Nhưng thật sự thì “giữ những kỹ năng của mình sắc bén” là gì? Có phải chúng ta có nên tập luyện thật thành thạo những kỹ năng tự-tiếp-thị-bản-thân, để có thể che giấu hoàn toàn mục đích và ý đồ thực sự của mình trước mặt người khác? Có phải chúng ta nên học cách làm-chủ-sân-khấu giọng nói của chúng ta, cử chỉ, ngôn ngữ hình thể của chúng ta, để chúng ta có thể nói—không, bán—bất cứ câu chuyện nào mà chúng ta muốn? Đây có vẻ là một ham muốn rất thiếu trung thực, một mốc đánh dấu việc chúng ta đã đi xa được đến đâu—và không phải theo bất cứ nét nghĩa tốt nào của câu nói này—kể từ những năm tháng thơ ấu của Dale Carnegie.
Cha mẹ của Dale có những tiêu chuẩn đạo đức rất cao; họ muốn con trai họ theo đuổi sự nghiệp trong ngành giáo dục, hoặc tôn giáo, chứ không phải bán hàng. Có vẻ sẽ rất khó có chuyện họ chấp nhận một kỹ thuật cải-thiện-bản-thân như là “Sự Thật hay Giả Dối”. Hay, cũng như thế, những lời khuyên bán- chạy-hàng-đầu của Carnegie về việc làm thế nào để khiến người khác ngưỡng mộ và làm theo ý bạn. Cuốn sách Đắc Nhân Tâm đầy các chương với những tựa đề như “Khiến người khác vui lòng làm những gì bạn muốn”, hay “Làm thế nào để khiến người khác thích bạn ngay tức thì”.
Tất cả đều đưa đến một câu hỏi: Làm thế nào mà chúng ta đã đi từ Nền Văn Hóa Của Đức Tính tới Nền Văn Hóa Của Tính Cách, mà không nhận ra mình đã hy sinh rất nhiều thứ vô cùng ý nghĩa trên đường đi?