Những kẻ xuất thân từ lớp thường dân chỉ nhờ vận may mà trở thành Chúa, khi lên tới địa vị thì không khó nhọc gì, nhưng giữ vững được địa vị lại là việc khó khăn vô cùng. Gặp vận may bốc lên như diều, đường đi chẳng gặp chút chông gai, nhưng khi an vị, các công việc nan giải nảy ra liên miên. Đó là những kẻ mang tiền tài mua lấy địa vị, hoặc do người khác ban ân cho. Trường hợp này gặp nhiều trên đất Hy Lạp như ở các đô thị Lonie và Hellespont. Ở các nơi này Hoàng đế Darius tạo nên những Tiểu chúa để họ giữ gìn an ninh và uy danh cho Hoàng đế. Cả đến các Hoàng đế La Mã cũng vậy, ai có tiền bỏ ra nuôi được nhiều binh sĩ là có thể bước tới đế vị. Bọn Chúa công này được tại vị nhờ thế lực Thần Tài, và do ý muốn của những kẻ khác cắt đặt họ lên địa vị cao quý. Hai điều này chỉ là những điều thất thường và mong manh. Cứ thực mà nói, bọn họ không biết cách và không thể giữ nổi địa vị. Vì quen song trong giới hạ lưu, họ không biết quyền chỉ huy là gì, trừ khi họ có trí óc phi thường và có sự cuồng nhiệt trong hành động. Họ không thể làm gì được, vì họ không có trong tay một lực lượng trung kiên thành tín. Hơn nữa những lãnh thổ rơi vào tay họ quá lẹ, cũng như tất cả các thực vật thiên nhiên, vi sinh mọc lớn quá mau lẹ, nên không làm sao có đủ rễ, đủ sợi, đủ thớ để có thể đứng vững trước một trận cuồng phong đột khởi. Đó là số phận của những kẻ bột phát trở thành Chúa trong khoảnh khắc, nếu họ không có tài năng đặc sắc để nắm giữ những sự may mắn đưa đến tay, và nếu sau khi tại vị, họ không biết xây dựng nền móng vững vàng cho địa vị của họ, điều mà các người khác phải làm trước.
Bây giờ tôi muốn đưa hai tỷ dụ lịch sử tiêu biểu cho hai phương sách trở thành Chúa, hoặc do tài năng hoặc do của cải. Đó tức là trường hợp Francois Sforza và trường hợp César Borgia.
Sforza với tài năng siêu việt và những phương tiện thích ứng, xuất thân từ chức Quản quân thấp kém, đã trở nên Công tước cai trị Milan. Ông đã phải tự gầy dựng uy quyền bằng trăm ngàn công khó thì ông lại giữ vững địa vị một cách dễ dàng. Còn César Borgia, mà người ta thường gọi là Công tước Valentinois, đã chiếm giữ được nhiều lãnh thổ nhờ tài sản tiền bạc của đấng thân phụ ông. Cho nên sau thân phụ ông mất, các đất đai cũng mất theo luôn, dù ông đã làm đủ cách mà người đời có thể làm được. Ông mang hết tâm trí hoạt động như bất cứ người tài giỏi nào khác để mong cắm rễ sâu vào những lãnh thổ mà ông đã được thụ hưởng nhờ binh lực và tài sản, tiền bạc của người khác đem lại.
Như đã nói ở trên, vị Vương hầu nào khi lên ngôi chưa xây kịp một nền tảng cho uy quyền của mình, về sau làm cũng được, nhưng nền móng ấy sẽ nguy hiểm vô cùng và có thể làm cho cả tòa nhà suy sụp đổ.
Nếu xem kỹ tất cả sự nghiệp, công trình của Công tước, ta thấy rõ ông đã làm rất nhiều để xây đắp nền móng cho uy thế tương lai của ông. Khi trình bày dài dòng về vấn đề này, thiết nghĩ không phải tôi đã đi ra ngoài đề. Tôi xét không thể có phương châm nào hay hơn cho các tân Chúa, là noi gương những sự nghiệp của vị Công tước này. Và nếu về sau chính Công tước không được hưởng kết quả, công lao của mình, không phải do ông mà do một sự trớ trêu của số mệnh (Công tước đã chết yểu).
Giáo hoàng Alexandre VI (Cha đẻ của César Borgia) khi có ý muốn làm cho Công tước trở thành một vị Lãnh chúa uy liệt, Ngài đã gặp nhiều sự cản trở, ngay lúc ấy và cả sau này nữa. Một là Ngài không thể ban cho con một lãnh thổ nào không trực thuộc Giáo hội. Vả chăng Ngài cũng thừa biết trước dân tộc Vénitiens và Công tước xứ Milan không bao giờ ưng thuận để cho Ngài lấy đất của Tòa Thánh ban cho con mình. Thêm nữa, Faenza và Rimini từ xưa đến này vẫn được dân Vénitiens bảo trợ. Ngoài ra Ngài còn phải nhìn tới những lực lượng quân sự của Ý quốc. Tuy lúc nào Ngài cũng xử dụng được chúng, nhưng những quân lực này lại đặt dưới quyền chỉ huy của những nhân vật vốn sợ uy quyền Ngài lên cao quá. Những nhân vật này lại là người trong gia đình họ Orsini và Colonna cùng bè lũ thân tín nên Ngài không dám tin cẩn họ được. Bây giờ Ngài chỉ còn cách làm đảo lộn hệ thống đương thời, làm rối loạn trật tự trên tất cả các xứ của những người này, mới có lý do tách riêng một lãnh thổ cho con Ngài cai trị. Kế hoạch được Ngài thi hành thành công rất dễ dàng. Bởi cùng lúc đó dân Vénitiens, vì những lý do khác nữa, đang có ý định đưa người Pháp xâm nhập vào đất Ý. Không những không phản đối việc này, Ngài còn dang tay đón tiếp và ban ngay cho Vua Louis nước Pháp phép Thánh để ly dị cùng cựu Hoàng hậu. Vậy chính dân Vénitiens đã giúp và Giáo hoàng Alexandre ưng thuận để Vua Pháp du nhập vào đất Ý. Ngược lại, khi Giáo hoàng định thôn tính xứ Romagne, chính Vua Louis đã phải nhận mang nhân lực của mình giúp Ngài.
Công tước Borgia, con Ngài, lại mướn thêm cả quân sĩ của Orsini để đánh lại đoàn quân của Colonna đóng tại xứ này để chiếm cứ đất đai.
Sau đó, Công tước vừa lo giữ vững đất này, vừa có tham vọng bành trướng thế lực ra ngoài bờ cõi. Nhưng ông gặp ngay hai trở lực lớn: một là đoàn quân Orsini mà ông mướn thiếu hẳn lòng trung thành, hai là thâm ý của người Pháp. Nghĩa là Công tước rất sợ bọn quân đánh thuê của gia tộc Orsini manh tâm không những không giúp ông đi chiếm các xứ khác còn có thể trở mặt hất ông khỏi những đất đai đã chiếm. Ông còn sợ Pháp vương Louis cũng sẽ xử trí như vậy nữa. Đối với bọn quân Orsini, ông đã thấy một vài điểm báo hiệu lòng phản trắc của họ. Sau khi chiếm được xứ Faenza lúc tấn công xứ Bologne, ông thấy họ rất hờ hững ngoài chiến trận. Về phía Vua Louis, ông đã biết chắc thâm ý của nhà Vua. Sau khi đã chiếm xong đất Urbin, ông tấn công luôn sang đất Toscane, bị Vua cương quyết ngăn lại và bắt rút quân về.
Sau mấy biến cố này, ông đắn đo lợi hại, rồi quyết định từ nay không trông mong vào vận mệnh may rủi và cũng không nhờ cậy đến lực lượng của kẻ khác nữa. Theo phương châm, việc đầu tiên ông làm là hạ uy thế của Colonna và Orsini ngay tại thành phố La Mã (Rome). Ông đã lôi kéo tất cả bọn quần thần quý phái về phe ông. Ông ban cho họ quyền cao chức trọng lương to lộc lớn. Rồi tùy theo cấp bậc ông cho phép họ lập nên đội đoàn binh sĩ và gây cơ sở chính quyền địa phương đến nỗi chỉ trong mấy tháng, bọn quần thần quý tộc đều nhạt tình thân thiết với bè phái cũ đi theo về với ông. Sau đó, ông chỉ còn chờ dịp để diệt trừ bọn Orsini. Cơ hội đến đúng lúc, ông liền nắm lấy khai thác triệt để. Đó là lúc bọn Orsini tỉnh ngộ thấy rằng mình ở vào một tình trạng tối nguy, khi Công tước César Borgia cùng với Giáo hoàng trở nên mạnh. Họ đã ngấm ngầm hội họp ở tỉnh Magione, gần Pérouse, bàn định mưu kế gây loạn trong xứ Urbin và gây xáo trộn trật tự trong xứ Romagne cùng vô số sự rắc rối làm cho Công tước hoảng sợ. Nhưng ông đã lợi dụng ngay sự trợ lực của người Pháp để dẹp yên tất cả. Sau khi lấy lại được uy thế vững chắc, ông liền trở mặt không tin dùng người Pháp cùng với cả bọn ngoại nhân khác nữa. Thật là người tráo trở quay quắt. Ông làm mặt đạo đức, giả dối đến nỗi còn xin giảng hòa, xóa hết hận thù với bọn Orsini nhờ sự trung gian giàn xếp của Giám mục Paulo. Khi phải gây lòng tin để nhờ cậy, ông chiều nịnh Giám mục Paulo quá mức: dâng tặng luôn, nào lễ phục, nào tiền bạc, ngựa xe. Giám mục nể lời bèn ra công thuyết phục cho kỳ được bọn Orsini, tự kéo nhau tới tỉnh Sinigaglia, đặt mình dưới quyền ông. Bọn lãnh tụ chống đối đã bị tiêu diệt, dư đảng của chúng nay đã trở nên bạn của ông rồi. Ông đã xây dựng xong nền tảng cho uy thế. Ông nắm vững trong tay toàn cõi xứ Homagne và Vương quốc Urbin, toàn dân thần phục và tôn sùng ông, bởi vì họ đã bắt đầu thụ hưởng những ân huệ do ông ban bố.
Sau đây, tôi không muốn bỏ quên không kể một hành động rất nổi tiếng của vị Chúa công này mà kẻ khác cũng cần bắt chước. Sau khi chiếm cứ xong toàn cõi xứ Romagne, ông thấy xứ này bị chia xẻ bởi một lũ Tiểu chúa vô quyền. Họ chỉ chăm lo việc bóc lột nhân dân chứ không nghĩ tới việc cai trị khiến nhân dân càng ngày càng thêm chia rẽ, trong xứ đầy dẫy trộm, cướp, đâm chém lẫn nhau. Ông nghĩ ngay rằng cần phải dẹp yên bọn Tiểu lãnh chúa này, đưa họ vào một mối phục tùng Hoàng quyền, rồi lập lên trong xứ một cơ cấu chính quyền mạnh mẽ. Ông bèn giao phó trọng trách này cho một nhân vật hữu danh là Remy d’Orque, có tiếng là người tàn ác và lanh lẹ. Vị này được toàn quyền hành động. Trong một thời gian ngắn toàn xứ được thanh bình và thống nhất, thật là một đại danh dự cho ông. Nhưng sau đó ông thấy sự toàn quyền chém giết này không hợp thời nữa và có thể trở nên ghê tởm. Ông bèn thiết lập lên ở giữa tỉnh một tòa án nhân dân dưới quyền chủ tọa của một ông Chánh thẩm hiền đức và mỗi địa phương được cử một Trạng sư đại diện. Ông thừa biết trước là những biện pháp hà khắc vừa qua đã gây nhiều điều thất nhân tâm. Nay ông muốn tẩy xóa khỏi trí óc của nhân dân những hình ảnh đó để lấy lại tình thân hữu của họ. Ông muốn tỏ rõ cho tất cả biết là trước kia có những hành động tàn ác không phải do ông ra lệnh mà hoàn toàn do thiên tính xấu xa của kẻ thừa hành. Ông tìm ngay cơ hội. Một buổi sáng kia, giữa công trường tỉnh Césèna ông, ra lệnh mang Remy d’Orque chặt ra làm hai mảnh, phơi thây giữa trời, bên cạnh có một cái thớt và con dao đẫm máu. Cảnh tượng khủng khiếp này làm cho toàn dân ngẩn ngơ nhưng khoái trá.
Bây giờ ta trở lại khởi điểm của câu chuyện: Công tước César Borgia nay đã trở nên hùng cường, các mối nguy xa dần, bọn lân bang có thể hãm hại đều bị tiêu diệt cả rồi. Trên con đường bành trướng thế lực, ông chỉ còn e ngại người Pháp nữa thôi. Bởi vì ông biết rõ Pháp vương tuy đã nhận thức được sự nhầm lẫn của mình, nhưng không vì vậy mà cứ để cho sự nhầm lẫn kéo dài mãi.
Vì thế ông để tâm đi tìm kiếm thêm bạn đồng minh, đồng thời khởi sự châm chọc người Pháp, bắt đầu từ lúc họ kéo quân xuống xứ Naples tấn công quân Y Pha Nho đang vây hãm thành Gaète. Trong thâm tâm ông muốn kéo mọi người cùng mình chống lại người Pháp. Âm mưu này sắp thành tựu thì gặp ngay đức thân phụ của ông, Giáo hoàng Alexandre, băng hà.
Trên đây là những thủ đoạn của Công tước César Borgia đã thi hành trong giai đoạn lịch sử vừa qua. Một điều mà ông bắt đầu phải lo sợ từ khi Đức Giáo hoàng Alexandre qua đời: có thể vị nối ngôi sẽ không phải là một bạn che chở cho ông nữa. Người này sẽ cố tình hủy diệt những gì mà Đức Giáo hoàng Alexandre đã ban cho ông. Ông đã tiên liệu đề phòng bằng bốn cách sau đây:
Một là ông tru di hết gia tộc huyết thống của các Tiểu chúa mà ông đã bóc lột, tước đất của họ, để cho tân Giáo hoàng không còn có thể tái lập địa vị của họ được nữa. Hai là mua chuộc, thu phục về mình tất cả quần thần La Mã để họ bao vây kìm hãm Giáo hoàng. Ba là lôi kéo, áp bức, càng nhiều càng tốt, các vị Hồng Y giáo chủ về ông. Điểm thứ tư là ông tự gây cho mình uy thế hùng mạnh trước khi Đức Giáo hoàng qua đời để rồi độc lực ông có thể chống lại với bất cứ ai.
Trong bốn điểm, khi Đức Giáo hoàng Alexandre mất, ông mới hoàn tất được ba. Điểm thứ tư còn đang tiến hành dở dang. Thứ nhất, về những Tiểu chúa mà ông đã tước đoạt tài sản, bắt được ai là ông giết chết ngay, và chỉ có một số rất ít trốn thoát được. Về bọn quần thần quyền quý ở La Mã thì tất cả đã thần phục; các vị Hồng Y cũng vậy, đa số đã theo phe ông. Còn về những dự tính chinh phục tương lai, ông đã có mưu kế để trở nên chúa tể xứ Toscane, và đã thôn tính xong xuôi hai xứ Pérouse và Piombino, đặt nền bảo hộ trên xứ Pise. Đối với người Pháp, ông không còn đếm xỉa, nể nang gì nữa. Lý do là người Pháp đã bị người Y Pha Nho đuổi ra khỏi xứ Naples rồi. Thế nên bây giờ cả hai nước này đều phải vuốt ve, kết thân với ông, và ông đã ngang nhiên kéo quân sang xứ Pise. Sau đó, xứ Lucques và Sienne ngoan ngoãn xin liên kết ngay với ông và không kiêng nể gì người Florentins nữa, dù hai xứ ấy trước kia vẫn nể sợ xứ này. Đến như dân Florentins đồng minh là thế cũng còn xuýt bị ông chinh phục. Nếu ông chiến thắng nốt dân tộc này (giá ông khởi cuộc đúng vào năm Đức Giáo hoàng Alexandre từ trần, thì đã xong rồi), thì ông đã tụ tập dưới trướng được một quân lực hùng hậu và đã gây được uy danh tuyệt vời, đến mức có thể độc lực giữ vững ngôi bá chủ khỏi cần nhờ tới tài sản và sức mạnh của kẻ khác nữa.
Kể từ ngày ông bắt đầu mở cuộc chinh chiến, vừa đúng năm năm thì Đức Thánh Cha, Giáo hoàng Alexandre, băng hà, chỉ để lại cho ông được độc một xứ Romagne là yên ổn vững chắc. Ngoài ra, các xứ khác đều còn ở trong tình trạng bất ổn, lại còn bị kẹt vào giữa hai đạo quân thù nghịch rất mạnh. Và chính ông cũng ốm đau, bệnh tình luôn luôn trầm trọng. Nhưng may sao ông có một năng lực, một sức mạnh phi thường lại có biệt tài dụng nhân, biết trọng dụng người này, ruồng bỏ người khác. Hơn nữa những nền móng mà ông xây dựng trong thời gian ngắn đều đã kiên cố vô cùng. Nếu hai đạo quân thù nghịch chậm tấn công và nếu sức khỏe ông sớm vãn hồi, dù trăm nghìn sự khó khăn ông sẽ giải quyết được hết. Trên thực tế, ta thấy nền móng uy quyền quả thật vững chắc. Cho nên ông cố nán lại Romagne được hơn một tháng. Sau đó tại kinh thành La Mã, tuy đã lâm trọng bệnh, nửa sống nửa chết, bản thân ông vẫn được hoàn toàn an ninh. Bọn đối lập Baglioni, Vitteli và Orisni đều tập trung ở thành La Mã mà không kẻ nào đụng chạm tới ông.
Trong cuộc bầu người kế vị cho Đức Giáo hoàng Alexandre, tuy không làm cho ứng cử viên bù nhìn của ông được trúng cử, ông cũng đã cản không cho người ông ghét trúng cử được. Nếu ông không lâm bệnh khi Đức Giáo hoàng băng hà, thì mọi sự sẽ dễ dàng biết bao. Ngày Đức tân Giáo hoàng Jules II đắc cử, kế vị Giáo hoàng Alexandre vừa băng hà, chính ông đã nói với tôi rằng ông đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch giải quyết tất cả vấn đề khó khăn có thể xảy ra sau ngày cha ông mất. Ông có ngờ đâu là ngày Đức Giáo hoàng tịch cũng chính là ngày bệnh tình của ông bắt đầu nặng thêm để sắp đưa ông đến cõi chết.
Mang tất cả những sự nghiệp của Công tước tập họp lại rồi cứu xét kỹ càng, tôi không thấy điểm nào để chê trách. Hơn nữa ta còn nên đem làm gương cho những kẻ đã bước tới địa vị lãnh đạo những đất đai lớn hoặc các Vương quốc nhờ tài sản hay binh lực của người khác. Công tước là người có chí lớn và tâm hồn cao cả. Trong các sự việc nêu trên, ông không thể làm thế nào khác hơn được. Sự nghiệp của ông sở dĩ bị bỏ dở dang, vì cái chết của Thánh Cha Alexandre và bệnh trạng của chính ông.
Tóm lại kẻ nào khi nắm được chính quyền trên một lãnh thổ mới, xét thấy cần phải hành động thì làm như sau :
- Nắm vững kẻ thù trong tay.
- Kết thêm thân hữu.
- Dùng mưu kế hay sức mạnh để thắng các trở ngại.
- Xử trí cho dân vừa yêu mến, vừa sợ uy quyền.
- Làm cho binh sĩ phải kính trọng và tuân lệnh mình.
- Canh cải các tục lệ cổ hủ.
- Hủy diệt những kẻ có thể và chắc sẽ làm hại mình.
- Vừa nghiêm khắc vừa đại lượng, vừa cao thượng vừa khoáng đãng.
- Giải tán đoàn dân vệ cũ tỏ vẻ bất trung, lập đoàn mới thay thế.
- Duy trì chặt chẽ tình thân thiện với các Đại vương, Tiểu chúa, làm sao cho họ luôn luôn phục vụ mình và không bao giờ dám nghĩ tới làm hại mình.
Kẻ đó không thể tìm đâu những gương mẫu tân kỳ hơn là những hoạt động của vị Công tước Valentinois này tức César Borgia vậy.
Người ta chỉ chê ông ở chỗ đã để cho Giáo hoàng Jules II trúng cử. Sự lựa chọn này thật là dở. Vì như tôi đã nói, nếu ông không thể làm cho một nhân vật bù nhìn của ông trúng cử thì ít ra ông cũng phải gạt ra ngoài những kẻ mà ông không muốn thấy ở ngôi Giáo hoàng, nhất là những vị Hồng Y mà ông đã dám nhục mạ, và những kẻ khi trúng cử lên ngôi sẽ có thể sợ uy quyền ông lên quá cao. Bởi vì theo tâm lý thông thường, con người ám hại lẫn nhau là do lòng oán hận hoặc sợ hãi. Trong số những người bị ông hạ nhục, có những vị như là Hồng Y Saint Pierre es Liens, Colonna, Saint Georges và Ascagne. Số những vị còn lại, nếu đắc cử chắc chắn sẽ đều sợ sự bành trướng uy quyền của ông, ngoại trừ Đức Hồng Y Amboise và các Hồng Y người Y Pha Nho. Đức Hồng Y Amboise không e sợ uy quyền của Công tước, vì sau lưng Ngài còn có thế lực của Đại vương Pháp quốc. Các Hồng Y Y Pha Nho cũng không tìm cách hạ ông vì họ là đồng minh của ông.
Giữa tình hình lúc này, lý ra nếu ông không bầu được một vị Hồng Y Y Pha Nho lên ngôi Giáo hoàng thì ông phải nài ép khéo léo cho Hồng Y Amboise trúng cử mới phải. Ông lại đi mặc cả quyền lợi để đưa Hồng Y Saint Pierre es Liens lên ngôi tức là Giáo hoàng Jules II. Kẻ nào tưởng nghĩ rằng trong mối liên quan giữa các đại nhân, những ân huệ mới thi ban có thể làm quên được cái nhục xưa kia, thì thật là quá nhầm.
Vậy ta thấy rõ Công tước đã phạm một lỗi lầm trong việc bầu cử Giáo hoàng này.
Và do đó chính tự ông đã gây nên sự sụp đổ tối hậu cho tất cả công nghiệp của ông vậy.