Đề cập tới những lãnh thổ hoàn toàn mới, trong đó vị lãnh tụ cũng như cơ cấu chính quyền đều mới cả, xin đừng ai lấy làm lạ khi thấy tôi đưa ra những tấm gương lịch sử vĩ đại, bởi vì còn người đại đa số luôn luôn noi theo con đường đã do người khác vạch sẵn, các hành vi cũng rập theo cùng một kiểu. Nhưng khốn nỗi không phải việc gì cũng đi đúng đường lối của tiền nhân được. Trên phương diện đạo đức cũng chưa chắc sánh kịp với người làm gương. Cho nên người khôn ngoan, thận trọng phải biết con đường hay của những bậc vĩ nhân có chân tài mà noi theo, để rồi nếu chính mình không đủ tài năng đúng mức thì ít ra cũng hưởng thụ được dư vị lưu truyền của tiền nhân. Ta lấy làm tỉ dụ các nhà thiện xạ. Họ biết ra tầm mức khả năng cây cung của họ, nếu cần bắn vào cái đích ở xa quá tầm, họ phải nhắm mũi tên cao hơn vị trí của đích. Sở dĩ tới đích được là vì mũi tên phải theo đường vòng lên cao rồi mới rơi xuống trúng đích.
Vậy khi tôi nói các lãnh thổ hoàn toàn mới, với một vị Chúa công mới, việc cai trị khó khăn hay dễ dãi là do chính sách nghiêm khắc hay nhu nhược của kẻ cầm quyền. Sau một cuộc phiêu lưu, kẻ bình dân nhảy lên được đến ngôi vị Chúa, ta phải đoán ngay kẻ ấy thành công là nhờ ở tài năng riêng hoặc nhờ ở số mệnh hên của hắn. Có được một trong hai điều kiện đó, vị tân Chúa cũng đỡ phần khó khăn trong việc trị quốc. Nhưng dù sao kẻ thật sự có chân tài sẽ ở vững trên địa vị hơn kẻ ỷ lại vào số mệnh may rủi. Kẻ này lại còn có thể thâu lượm thêm được nhiều chiến thắng. Khi đề cập đến những nhân vật hoàn toàn do tài năng riêng, chứ không nhờ tới số mệnh may rủi, mà trở nên bậc Chúa công, tôi xin kể những vị hiển hách nhất là Moise, Cyrus, Omulus, Thésée, và nhiều người khác nữa. Ta không cần phải phê bình tới Moise, vì Moise là vị thừa hành mệnh lệnh của Thượng đế, như vậy đủ để ta tôn kính rồi. Nhưng nếu ta nghĩ tới Cyrus và mấy vị khác, cùng những vị đã chiếm cứ đất đai và sáng lập nên những Vương quốc, ta thấy họ là những hạng người đáng tôn phục. Vì nếu ta xét kỹ công việc và cách hành sự của họ, ta sẽ thấy họ không kém gì Moise, luôn luôn được Thượng đế hướng dẫn. Khi xét kỹ sự nghiệp và tiểu sử của các vị này, ta thấy điều may mắn độc nhất của họ là đã gặp thời cơ. Thời cơ đem lại chất liệu để họ đúc tạc thành những hình thể mà họ ưa thích. Thời cơ đã đưa lại cho họ những vấn đề, những sự việc để họ giải quyết hay uốn nắn tùy theo sở thích. Nếu không có cơ hội, tài năng trí óc của họ đã bị tiêu ma và nếu không có tài năng trí óc thì cơ hội cũng trôi qua uổng phí.
Phải có cơ hội là lúc dân Do Thái (Israel) cư trú trên đất Ai Cập đang bị người nước này xem như nô lệ, đè nén, ức hiếp thì Moise mới được dân Do Thái phục tùng cầu khẩn xin cứu thoát khỏi vòng xiềng xích. Phải nhờ nguyên do Romulus đã sống trong khoảng đất quá chật hẹp của xứ Albe, và là một đứa trẻ bị ruồng bỏ từ thửa sơ sinh, ông mới trở thành vị anh hùng sáng lập nên kinh thành La Mã (Rome) và là chúa tể trên toàn xứ. Còn Cyrus nổi danh là nhờ sống giữa lúc dân tộc Perses (Ba Tư) đang oán ghét Đế quốc người Mèdes; giống người này vì đã được hưởng thụ thanh bình lâu quá nên trở thành ươn hèn nhu nhược. Thésée đã thi thố hết tài năng là vì lúc đó dân tộc Athéniens (Nhã Điển - Hy Lạp) đang ở trong tình trạng phân hóa chia rẽ. Vậy ta thấy cơ hội, thời thế đã tạo nên các vị anh hùng, và các vị anh hùng này có đủ trí ốc thông minh, tài năng để nắm lấy cơ hội, thời thế đó. Kết cuộc là xứ sở họ trở nên hùng mạnh và dân tộc họ sống trong hạnh phúc hoàn toàn.
Đề cập đến những kẻ khác cũng đi chiếm một Vương quốc cho mình (như các vị trên đây) bằng hành vi quyết liệt; khi chiếm đóng họ phải khó nhọc thật, nhưng đến lúc trị vì thì lại dễ dàng. Những khó khăn phải vượt qua do chỗ họ bắt buộc phải ban bố những sắc luật, đặt ra các định chế để sáng tạo nên một cơ cấu chính quyền và để củng cố uy quyền cá nhân họ. Không có gì khó giải quyết, khó thành công và nguy hiểm bằng cuộc phiêu lưu trong công tác sáng lập một chế độ mới toàn diện cho một Quốc gia.
Bởi vì người lãnh đạo cuộc cách mạng này sẽ gặp những kẻ thù, tức là những kẻ đã đã được hưởng nhiều lợi lộc của chế độ cũ, và bênh vực mình một cách hời hợt, họa chăng chỉ là những kẻ vừa được hưởng thụ những lợi lộc mới. Sự ủng hộ lừng khừng vì bọn cộng tác viên mới vẫn sợ sệt, kiêng nể kẻ thù đứng sau lưng pháp luật cũ, phần khác họ chưa thấy gì đảm bảo chắc chắn là chính sách của chế độ mới sẽ bền vững lâu dài. Do đó, ta thấy nhiều trường hợp những kẻ thù cũ phản công lại dễ dàng và bọn mới chỉ chống cự lại một cách hời hợt, yếu ớt để rồi bị thất bại.
Nếu muốn thấu triệt vấn đề ta phải tự hỏi người đi tìm cái mới có thể tự lực làm được gì hay còn phải tùy thuộc vào những người khác nữa? Nghĩa là muốn thành công cần phải kêu gọi sự giúp đỡ của người khác hay chỉ trông cậy vào sức mạnh của mình là đủ?
Trường hợp thứ nhất thì luôn luôn thất bại, trường hợp thứ hai, nếu biết tự lực và xử dụng sức mạnh của mình, thì it khi thất bại. Vậy ta có thể kết luận kẻ nào có binh lực hùng mạnh trong tay là phải thắng kẻ có binh lực thua kém. Ngoài những điểm nói trên, ta còn phải nghĩ tới tính chất bất nhất của tâm lý quần chúng. Ta có thể thuyết phục dễ dàng để họ tin theo một việc nhưng rất khó giữ vững niềm tin ấy trong lòng họ. Thế nên ta phải giữ vững trật tự để khi nào họ không tin nữa, ta có thể dùng sức mạnh bắt họ phải tin theo. Moise, Cyrus, Thésée nếu không có võ khí dồi dào cũng chẳng bảo vệ được lâu dài chế độ của họ. Ngay như thời đại đương kim ta thấy Linh mục Jérôme Savonarole đã bị lật đổ ngay khi đặt xong nền trật tự mới mà ông đã sáng lập. Bởi vì khi dân chúng bắt đầu hết tin ở ông thì ông lại không có đủ lực lượng đủ để giữ vững lòng tin của những kẻ đã tin và để thu phục thêm những kẻ chưa tin ông. Vậy những lãnh tụ ở trong hoàn cảnh như ông thật là khó khăn, biết bao nguy hiểm đặt giữa đường đi, phải có đủ tài năng mới vượt qua nổi. Khi những khó khăn đã vượt qua, những kẻ ghen ty đã bị diệt trừ hết, lúc đó được đám dân chúng tôn sùng quý mến, vị lãnh tụ sẽ ở yên ổn trên địa vị hùng cường, bảo đảm, với đầy đủ vinh quang và hạnh phúc.
Ngoài những tấm gương lịch sử vĩ đại nêu trên tôi muốn kể thêm một tỷ dụ nhỏ hơn, nhưng cũng cùng một tính chất, trong số nhiều trường hợp tương tự. Tôi muốn nói tới Hiéron xứ Syracuse: Vị này xuất thân là một thường dân sau trở thành một Chúa công.
Sự may mắn độc nhất của ông là đã gặp thời cơ. Nguyên do dân gian xứ Syracuse, bị thúc đẩy bởi chiến tranh và sự khẩn thiết nội bộ phải vội bầu Hiéron lên làm chỉ huy quân lực. Từ địa vị này, ông dần dần tỏ ra là một nhân vật đủ tư cách làm Chúa. Vốn dĩ từ khi chưa có địa vị, ông đã là người có rất nhiều tài năng lỗi lạc. Cho nên lúc đó đã có người bảo rằng ông chỉ thiếu Vương quốc để trở thành Đế vương. Ông giải tán hết đội quân dân vệ cũ để lập ngay một đoàn binh sĩ mới. Ngoài những thân hữu cũ vẫn luôn luôn được tôn trọng ông còn tạo thêm nhiều bạn đồng tâm đồng chí mới nữa. Như thế ông đã tự lực gây nên một đoàn thân hữu đồng chí và một đạo binh sĩ tin cẩn riêng của mình. Trên nền tảng vững như vậy, ông muốn xây cất lâu đài nào cũng được. Quả thật, khi tranh đấu khó nhọc bao nhiêu thì đến lúc thụ hưởng được thỏa mãn bấy nhiêu.