Tôi thường nghe chuyện ma hay bắt trẻ con, đặc biệt là những bé gái cứng đầu, không biết vâng lời. Nhiều lần bà đã nói to cho hết thảy những người chung quanh nghe rằng tôi và em tôi rơi khỏi ruột một con ngỗng ngu ngốc, hai quả trứng không ai màng, ngay cả để đập vào cháo người ta cũng không muốn dùng đến. Bà nói như vậy để ma không bắt chúng tôi đi. Vậy là bạn thấy đó, đối với bà, chúng tôi cũng quí giá lắm đấy chứ.
Suốt cả đời tôi, bà luôn luôn làm cho tôi sợ. Tôi càng sợ hơn khi bà ngã bệnh. Dạo đó, vào năm 1923, khi ấy tôi được chín tuổi. Bà bị sưng phù như một quả bí chín quá mức, nên toàn bộ thịt da mềm nhũn và thối rữa thành một mùi khó chịu. Bà đã gọi tôi vào phòng bà đầy mùi hôi kinh khủng và kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện - “An Mỹ” - Bà gọi tên ở trường của tôi - Cháu nghe kỹ đây - Rồi bà kể cho tôi nghe những câu chuyện tôi không hiểu được.
Có một chuyện kể về một cô gái tham lam bụng càng ngày càng to ra. Cô gái đã uống thuốc độc tự tử sau khi từ chối không tiết lộ cô đang mang thai với ai. Khi thầy cúng cắt người cô ra, họ thấy bên trong có một quả dưa to màu trắng.
- Nếu cháu tham ăn, chính vật bên trong cháu là cái khiến cho cháu luôn đói khát - Bà nói.
Lần khác, bà kể cho tôi nghe chuyện một cô gái không chịu nghe lời người lớn. Một ngày khi cô lắc đầu quyết liệt không chịu làm theo lời người dì thì một quả banh rơi ra khỏi tai cô rồi não cô cũng tuôn tràn ra theo, trông cứ như là nước luộc gà.
Bà bảo tôi: các ý nghĩ của cháu quá bận rộn bơi nhảy bên trong đó nên mọi thứ khác phải bị đẩy ra ngoài.
Ngay trước khi bà ngã bệnh nặng đến á khẩu, bà kéo tôi đến gần và nói về mẹ tôi - Ðừng bao giờ gọi đến tên mẹ cháu. - Bà cảnh cáo - Gọi tên mẹ cháu tức là cháu đã phỉ nhổ lên nấm mồ của cha cháu đấy.
Người cha duy nhất mà tôi biết đến là một bức chân dung to, treo ở phòng khách. Ðó là một người cao lớn, nghiêm nghị, có vẻ khổ sở vì cứ phải ở mãi trên tường. Ðôi mắt bồn chồn của ông theo dõi tôi khắp nơi. Ngay cả tận phòng tôi ở cuối hành lang, tôi cũng cảm thấy được đôi mắt dõi theo của ông. Bà tôi nói rằng ông canh chừng tôi có dấu hiện gì hỗn hào không. Thế nên đôi khi tôi ném đá vào bạn ở trường, hoặc vô ý làm mất một quyển sách, tôi đi mau đến bên ông với ánh mắt làm như không biết gì và giấu mình trong góc phòng để ông không thấy được mặt tôi.
Tôi cảm thấy quá khổ sở trong nhà, nhưng em tôi dường như không nghĩ vậy. Nó chạy xe đạp trong sân đuổi theo đám gà vịt và bọn trẻ con khác, phá lên cười khi gặp nạn nhân nào thét lên to nhất. Bên trong ngôi nhà lặng lẽ, nó nhảy lên nhảy xuống các trường kỷ nhồi lông đẹp nhất của dì cậu khi họ đi thăm viếng bạn bè trong làng.
Nhưng rồi niềm sung sướng của em tôi cũng tan biến. Một ngày hè oi bức, lúc ấy bà đã bệnh nặng lắm rồi, chúng tôi đứng bên ngoài xem một đám ma đang hành lễ đi ngang qua sân. Ngay lúc đám rước vừa qua khỏi cổng nhà tôi, bức ảnh lồng khung nặng nề của người chết bỗng rơi khỏi giá đặt và lăn xuống nền đất. Một bà già hét lên và bất tĩnh. Em tôi bật cười và dì tôi tát tai nó.
Dì tôi là người rất bẳn tính đối với trẻ con, dì bảo rằng em tôi không có lễ độ, không biết kính trọng tổ tiên và gia đình, giống như mẹ tôi. Dì có giọng nói như kéo xẻ vải, sắc lịm. Khi em trai tôi liếc đi oán hờn, dì nói mẹ tôi thật vô tâm vội bỏ đi ra Bắc, không kịp mang theo của hồi môn khi lấy cha tôi, quên mang theo chục đũa ngà, quên kính bái mộ cha tôi mộ tổ tiên. Khi em tôi buộc tội dì đã làm mẹ tôi kinh sợ phải bỏ đi, dì hét lên rằng mẹ tôi đã lấy một ông tên Vũ Tình, trước đó đã có một người vợ, hai cô hầu và một lũ con hư hỏng.
Em tôi cũng hét lại rằng dì là một con gà biết nói mà không có đầu óc, dì đẩy em tôi vào cổng rào và tát vào mặt nó. Dì mắng:
- Mày nói hỗn với tao, mà mày chẳng là thứ gì cả. Mày là con của một đứa không biết kính trên nhường dưới, một kẻ phản bội tổ tiên. Mẹ mày hèn kém hơn tất cả mọi người, đến nỗi ma quỷ cũng còn khinh khi. Đó là lúc tôi bắt đầu hiểu được các câu chuyện bà kể cho tôi nghe, đó là bài học về mẹ mà tôi bắt buộc phải biết. Khi cháu bị mất danh dự - Bà thường nói - An Mỹ à, cũng giống như cháu đánh rơi chuỗi đeo cổ xuống giếng, cách duy nhất để có thể tìm lại được nó là cháu phải lao theo nó xuống giếng.
Giờ thì tôi có thể hình dung được mẹ tôi, một người vô tâm, hay cười gằn, lắc đầu, nhúng đũa vào đĩa đến mấy lần để gắp một miếng mứt, sung sướng vì được giải phóng khỏi tay mẹ; khỏi người chồng bất hạnh trên tường, và khỏi hai đứa con ngổ nghịch. Tôi cảm thấy bất hạnh vì người ấy là mẹ của tôi và bất hạnh vì mẹ đã bỏ chúng tôi mà đi. Ðó là những điều tôi nghĩ mỗi khi trốn mình trong góc phòng để lẩn tránh ánh mắt của cha tôi.
*
* *
Tôi đang ngồi trên đầu cầu thang khi mẹ đến. Tôi biết ngay đó là mẹ tôi mặc dù tôi không còn nhớ mặt. Mẹ đứng ngay giữa lối đi, gương mặt quay vào trong tối. Mẹ cao hơn dì tôi nhiều, cao gần bằng cậu tôi. Trông mẹ cũng lạ lùng nữa, như các bà truyền giáo ở trường của chúng tôi, nhìn trang nghiêm, uy quyền trong bộ quần áo kiểu ngoại quốc, mang giày cao gót và tóc cắt ngắn.
Dì tôi quay ngoắt đi, không thèm gọi tên bà, cũng không mời bà vào uống trà, một lão gia nhân bỏ chạy với một cái nhìn khó chịu. Tôi cố gắng ngồi yên, nhưng tim tôi đập rộn ràng như lũ dế cào cấu tìm đường thoát khỏi lồng giam. Mẹ tôi ắt hẳn cũng nghe được, bởi vì bà đã nhìn lên, và khi ấy tôi bắt gặp chính khuôn mặt của tôi đang nhìn tôi. Đôi mắt mở rộng và đã thấy rất nhiều điều.
Nơi phòng của bà tôi, dì tôi phản đối khi mẹ tôi bước đến gần giường của bà - Quá muộn, quá muộn rồi! - Nhưng vẫn không ngăn được mẹ tôi.
- Con về rồi, về ở lại đây - Mẹ tôi nói thầm với bà - Con gái của mẹ đã về đây - Ðôi mắt của bà đang mở rộng, nhưng tâm trí bà đang ở tận đâu đâu. Nếu bà còn sáng suốt, chắc bà đã đưa hai tay lên mà tung mẹ tôi ra khỏi phòng.
Tôi quan sát mẹ tôi, lần đầu tiên được ngắm nhìn mẹ, người phụ nữ xinh đẹp với nước da trắng và gương mặt trái xoan, không quá tròn như gương mặt dì hoặc quá choắt như gương mặt bà. Mẹ có chiếc cổ cao trắng ngần như cổ con ngỗng bà bảo đẻ ra tôi. Mẹ đi qua lại thoăn thoắt như một bóng ma, đắp khăn mát lên gương mặt sưng húp của bà, thủ thỉ những lời lo lắng cho bà. Tôi quan sát mẹ rất kỹ, giọng nói của mẹ làm tôi phân vân, một giọng nói quen thuộc từ một giấc mơ quên lãng nào đó tôi đã từng trải qua.
- Khi tôi quay về phòng vào buổi xế chiều, mẹ đã đứng sừng sững nơi đó. Và vì tôi nhớ bà đã dạy tôi đừng bao giờ gọi tên mẹ, nên tôi cũng đứng lặng im. Mẹ nắm tay tôi đưa đến bên trường kỷ. Rồi mẹ ngồi xuống với dáng điệu quen thuộc như đã từng ngồi ở đây mỗi ngày. Mẹ tôi xổ bím tóc tôi ra và nhẹ nhàng chải tóc cho tôi - An Mỹ, con có ngoan không? - Mẹ hỏi tôi và mỉm cười với một cái nhìn bí ẩn.
Tôi nhìn mẹ bằng gương mặt làm như không hay biết gì, nhưng thực sự bên trong tôi đang run rẩy. Tôi là cô bé trong bụng đang có một trái dưa không màu sắc.
- An Mỹ, con biết ta là ai chứ? - Mẹ nói với vẻ thoáng một chút trách mắng, lần này tôi không dám nhìn lên vì sợ đầu tôi sẽ nổ tung ra và bao nhiêu não sẽ tuôn chảy ra ngoài tai hết.
Mẹ ngừng tay chải. Tôi cảm thấy những ngón tay dài, êm mịn của bà xoa dưới cằm tôi, tìm vết sẹo đã liền da nơi cổ. Khi bà xoa lên vết sẹo, tôi lặng người đi, chừng như bà vừa gợi cho tôi nhớ lại quá khứ. Đoạn bà buông tay xuống và bắt đầu khóc nức nở, giọng bi thương. Khi ấy tôi chợt nhớ lại giấc mơ với giọng nói của bà.
—★—
Thuở ấy tôi lên bốn. Tôi ngồi, cằm vừa chạm tới mặt bàn, em trai tôi ngồi trong lòng bà kêu khóc với gương mặt giận dỗi. Tôi nghe có giọng nói ca ngợi món cháo sẫm màu bốc khói được đặt trên bàn, có giọng nói dỗ dành nhỏ nhẹ - Nào, ăn đi, ăn nhé!
Rồi mọi tiếng im bặt đi. Cậu tôi đứng dậy khỏi ghế. Mọi người quay đầu nhìn ra cửa, một người phụ nữ dong dỏng cao đang đứng nơi đó. Tôi là người duy nhất bật lên tiếng kêu:
- Mẹ ơi! - Tôi chồm ra khỏi ghế, nhưng dì tôi đã tát vào mặt tôi và đẩy tôi ngồi xuống. Giờ thì mọi người đều đứng lên và lớn tiếng quát nạt. Tôi nghe giọng mẹ tôi gọi tôi - An Mỹ! An Mỹ! - Nhưng vượt át lên trên, tiếng bà the thé:
- Bóng ma này là ai vậy? Ðâu phải một góa phụ đoan trang, chỉ là một con hầu hàng thứ ba. Nếu mày mang con gái mày theo, nó sẽ trở nên giống như mày. Không còn mặt mũi nào. Không bao giờ nó dám ngẩng đầu lên cả.
Mẹ tôi vẫn cứ đứng đó gọi tôi đến. Tôi còn nhớ giọng mẹ rất rõ - An Mỹ! An Mỹ! - Tôi có thể thấy gương mặt mẹ tôi bên kia chiếc bàn. Giữa chúng tôi là nồi cháo đặt trên bếp lò, lắc lư, tròng trành. Thêm một tiếng gọi nữa và rồi cả nồi cháo sôi đổ ụp vào cổ tôi, như tất cả sự giận dữ của mọi người vừa trút xuống cho tôi.
Ðó là cơn đau đớn kinh khủng mà một đứa bé như tôi không bao giờ nên nhớ lại. Nhưng nó vẫn còn dấu vết trên da tôi. Tôi đã òa khóc to, nhưng không khóc được lâu, vì chẳng bao lâu thịt da bên trong của tôi dường như cũng bị cháy bỏng và cắt nghẹn hơi thở của tôi.
Tôi không nói được nên lời vì cảm giác nghẹt thở kinh khủng này. Tôi cũng không trông thấy được gì bởi vì bao nhiêu nước mắt đã tuôn trào ra, dường như muốn rửa sạch cơn đau. Bà và dì kêu to lên, và giọng của mẹ chìm đi mất.
Ðêm đó, có tiếng bà nói với tôi:
- An Mỹ, cháu nghe kỹ đây! - Giọng bà giống hệt như lúc thường trách mắng tôi chạy đùa giỡn ngoài hành lang - An Mỹ, ta đã cho đặt quần áo liệm và giày liệm cho cháu, tất cả đều hàng vải trắng.
Tôi nghe mà kinh hoàng. Bà lại thầm thì nói, giọng càng êm ái hơn:
- An Mỹ, quần áo liệm của cháu rất giản đơn, không cầu kì, vì cháu hãy còn nhỏ. Nếu cháu chết, cháu sẽ có một cuộc đời ngắn ngủi, tuy vậy cháu vẫn phải mang nợ của gia đình cháu. Đám tang của cháu sẽ nhỏ thôi, và thời gian chịu tang sẽ ngắn.
Bà còn nói thêm một điều còn tệ hơn vết bỏng trên cổ tôi:
- Ngay cả khi mẹ cháu đã khóc hết nước mắt và bỏ đi rồi. Nếu cháu không khỏi bệnh nhanh, mẹ cháu sẽ quên mất cháu luôn.
Mỗi đêm tôi đều khóc đến nỗi như cả mắt tôi lẫn cổ tôi đều nóng bỏng. Bà ngồi cạnh giường tôi, rót nước mát lên cổ tôi, mãi đến khi tôi thở nhẹ nhàng và ngủ thiếp đi. Buổi sáng bà dùng những ngón tay sắc như lưỡi nhíp để bóc đi những lớp da chết trên vết bỏng.
Trong khoảng thời gian hai năm, vết sẹo của tôi nhẵn bóng đi và tôi không nhớ gì về mẹ nữa. Đó là một vết thương, tự khép miệng lành da, và khi đã lành, người ta không còn thấy gì bên dưới nó cả, không thấy được cái gì đã gây ra vết thương.
—★—
Tôi đã tôn thờ mẹ trong mơ. Nhưng người đàn bà đứng cạnh bên giường bà không giống như người mẹ trong trí nhớ của tôi. Tuy vậy, tôi vẫn thấy yêu mến người mẹ này, không phải bởi vì người đã đến bên tôi và xin tôi tha thứ cho người. Mẹ đã không làm việc đó. Mẹ không cần giải thích rằng bà đã đuổi mẹ ra khỏi nhà lúc tôi đau gần chết. Mẹ không cần bảo với tôi rằng mẹ lấy ông Vũ Tinh là đánh đổi nỗi bất hạnh này lấy một nỗi bất hạnh khác. Tôi biết tất cả.
Tôi vào phòng bà lúc đêm khuya. Dì tôi bảo bà đã đến giờ hấp hối và tôi phải cúng bái. Tôi mặc y phục sạch sẽ và đứng giữa dì và cậu ở chân giường bà. Tôi cũng khóc một ít, nhưng không khóc to.
Tôi nhìn thấy mẹ tôi ở phía bên kia. Lặng lẽ và buồn bã. Mẹ đang nấu cháo. Bỏ thêm lá thuốc vào một nồi nước đang sôi. Rồi tôi thấy mẹ kéo tay áo lên và lấy ra một con dao sắc. Mẹ đặt lưỡi dao vào phần mềm mại nhất trên tay. Tôi cố nhắm mắt, nhưng không kịp.
Mẹ cắt một miếng thịt của mình bỏ vào nồi cháo, theo kiểu chuyện ngày xưa một người con có hiếu đã cứu sống mẹ mình bằng cách nấu thịt như vậy. Mẹ mở miệng của bà ra, giờ đây đã cứng chặt vì cố giữ linh hồn lại. Rồi mẹ cho bà ăn cháo, nhưng đêm đó bà đã mất.
Mặc dù tôi còn nhỏ, nhưng tôi hiểu được cơn đau thể xác và giá trị của cơn đau đó.
Đấy là cách một người con gái đã tôn kính mẹ mình. Nó tiềm ẩn tận sâu trong xương người ta. Cơn đau thể xác không là gì cả. Cơn đau rồi phải quên đi. Bởi vì đôi khi quên đi là cách duy nhất để nhớ những gì trong xương của mình. Cho đến lúc đó thì không còn gì nữa cả. Không còn sẹo. Không còn da. Không còn thịt.