Phúc Lạc Hội Truyện Full

PHÚC LẠC HỘI

Ba tôi bảo tôi giữ chân thứ tư trong PHÚC LẠC HỘI. Tôi sẽ thế chỗ mẹ tôi. Từ khi bà chết, chỗ của bà ở bàn mạt chược bỏ trống đã hai tháng nay. Ba tôi cho rằng chính những suy nghĩ của mẹ tôi đã giết chết bà.

Ông nói:

“Mẹ con có một ý mới trong đầu. Trước khi mẹ con có thể nói ra, ý nghĩ đó đã phát triển quá lớn và vỡ tung, chắc hẳn đó là một ý nghĩ chẳng hay ho tí nào.”

Bác sĩ nói mẹ tôi chết bởi chứng phình mạch não. Và những người bạn của mẹ tôi ở PHÚC LẠC HỘI nói bà chết y như một con thỏ: chết một cách nhanh chóng và để lại công việc còn đang dở. Kỳ họp mặt tới của PHÚC LẠC HỘI là tới phiên mẹ tôi đãi đằng.

Trước khi chết một tuần, bà gọi tôi, đầy tự hào và sức sống, bà nói: “Dì Linh nấu chè đậu đỏ. Mẹ sẽ nấu chè chế mè phủ”.

“Thôi đừng phô trương, mẹ ơi”.

“Không phải là phô trương” - bà nói, hai loại chè gần giống nhau, chabudwo. Hoặc là bà có thể nói butong, chẳng giống nhau tí nào hết. Ðây là một trong những cách nói của người Hoa có nghĩa là phần tốt hơn của những ý nghĩ lẫn lộn. Tôi không thể nào nhớ được những gì mà từ thoạt đâu tôi đã không hiểu.

Mẹ tôi bắt đầu có ý tưởng lập PHÚC LẠC HỘI ở San Francisco vào năm 1949, trước khi sinh tôi hai năm. Ðó là năm cha mẹ tôi chạy khỏi Trung Quốc chỉ mang theo một chiếc giỏ bằng da cứng chứa đầy những áo dài lụa lạ kỳ. “Không có thời giờ xếp những thứ khác”, mẹ tôi đã giải thích như thế với cha tôi. Sau khi hai người lên tàu. Tuy nhiên, cha tôi vẫn điên cuồng bới tay giữa những tấm lụa trơn để tìm những chiếc áo vải và quần len của mình.

Khi đến San Francisco, cha tôi bắt mẹ tôi giấu mớ quần áo bóng bẩy này. Mẹ tôi mặc mỗi chiếc áo xẩm carô nâu đến khi Hội Cứu Tế Người Tị Nạn bố thí cho bà hai chiếc áo cũ, cả hai đều lớn quá cỡ ngay cả cho phụ nữ Mỹ. Hội Cứu Tế bao gồm một nhóm nữ truyền giáo đã lớn tuổi ở nhà thờ rửa tội cho người Trung Hoa đầu tiên. Và vì đã nhận quà, cha mẹ tôi không thể từ chối mời lời gia nhập giáo phái của họ. Hơn nữa, cha mẹ tôi không thể bỏ qua lời khuyên rất thiết thực của những phụ nữ lớn tuổi này. Cha mẹ tôi có thể học thêm tiếng Anh ở lớp học kinh thánh vào tối thứ tư hàng tuần và sau này, hát hợp xướng mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần. Ðó là lý do mẹ tôi gặp gia đình họ Tô, họ Chung và họ St. Clair. Mẹ tôi có cảm giác là những người đàn bà trong những gia đình này cũng đã trải qua những nỗi khổ không tả xiết bên Trung Hoa và có những hy vọng họ không thể nào diễn tả được bằng tiếng Anh ít ỏi của mình. Hay ít nhất, mẹ tôi nhận ra được vẻ chết lặng trên khuôn mặt những người đàn bà này. Và bà thấy họ mừng rỡ thế nào khi bà đề xuất ý kiến lập PHÚC LẠC HỘI.

PHÚC LẠC là ý nghĩ mẹ tôi nhớ được từ thời bà mới lấy chồng lần đầu ở Quế Lâm, trước khi bọn Nhật tới. Do đó, tôi nghĩ tới PHÚC LẠC như câu chuyện Quế Lâm của bà. Đó là câu chuyện bà thường kể cho tôi nghe mỗi khi bà buồn, mỗi khi không có chuyện gì làm, mỗi khi rửa chén và lau bàn xong, mỗi khi cha tôi đọc báo, hút hết điếu Pall Mall này tới điếu Pall Mall khác, đó là dấu hiệu không được quấy rầy ông. Những lúc đó, mẹ tôi lấy ra cái hộp đựng áo len trượt tuyết cũ do họ hàng chẳng bao giờ gặp bên Vancouver gởi qua. Bà thường cất lại một chiếc áo len, kéo ra một sợi chỉ quăn và đặt sợi chỉ lên một miếng bìa cứng. Và khi bà bắt đầu quấn chỉ nhanh nhẹn, nhịp nhàng, bà bắt đầu kể chuyện. Mười mấy năm ròng rã, bà chỉ kể cho tôi nghe một câu chuyện duy nhất, trừ phần kết thúc câu chuyện ngày càng đen tối hơn, ám ảnh đời bà dai dẳng và cuối cùng, ám ảnh cả đời tôi.

“Ta mơ thấy Quế Lâm ngay cả trước khi ta thấy tận mắt”, mẹ tôi bắt đầu kể bằng tiếng Hoa - “Ta mơ thấy những đỉnh núi lởm chởm chạy dài theo một con sông uốn khúc, hai bên bờ phủ rêu xanh rờn. Sương mù trắng lơ lững trên những đỉnh núi. Và nếu như ta thả mình theo dòng nước và lấy rêu làm thức ăn, ta sẽ có đủ sức leo lên tới đỉnh núi. Nếu như không may ta trượt té, ta chỉ ngã vào một thảm rêu êm như nhung và cười lớn. Nhưng một khi ta lên được tới đỉnh, ta có thể nhìn khắp xung quanh và cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên để cả đời không bao giờ cảm thấy lo lắng nữa.”

Bên Trung Quốc, mọi người đều mơ về Quế Lâm. Khi ta tới đó, ta mới nhận thấy giấc mơ của ta mới tồi tàn và ý nghĩ của ta mới nghèo nàn làm sao. Khi ta thấy những ngọn đồi, ta vừa cười vừa rùng mình. Những đỉnh núi trông như những đầu cá chiên khổng lồ cố nhảy ra khỏi thùng dầu. Phía sau mỗi ngọn đồi, ta có thể nhìn thấy bóng của một con cá khác, rồi một con khác nữa. Và khi những đám mây chỉ lay động một chút thôi thì bỗng nhiên những ngọn đồi biến thành một đàn voi kỳ quái đang chậm rãi tiến về phía ta. Con có thể tưởng tượng được không? Và ở chân đồi là những hang động bí mật. Bên trong có những tảng đá treo có hình dáng và màu sắc như cải bắp, dưa tây, củ cải, củ hành. Con sẽ chẳng bao giờ có thể tưởng tượng được những tảng đá này kỳ lạ và đẹp đẽ đến dường nào.

Nhưng ta không đến Quế Lâm để ngắm cảnh đẹp.

Người đàn ông đã từng là chồng ta mang ta và hai con đến QUẾ LÂM vì ông nghĩ rằng chúng ta sẽ an toàn ở đó. Ông là một sĩ quan trong quân đội Quốc Dân Ðảng, và sau khi ông an vị chúng ta trong một căn phòng nhỏ ở một căn nhà hai tầng, ông lại ra đi về hướng Tây - Bắc, đến Trùng Khánh.

Chúng ta biết là bọn Nhật đang thắng thế, ngay cả khi báo chí nói không phải vậy. Mỗi ngày, mỗi giờ, hàng ngàn người đổ về thành phố, chen chúc trên vỉa hè, cố tìm chỗ sinh sống. Nghèo có, giàu có, người Thượng Hải có, người Quảng Ðông có, người từ phía Bắc có, và không chỉ người Hoa, mà có cả người ngoại quốc và những vị truyền giáo của đủ thứ tôn giáo. Và dĩ nhiên là có cả Quốc Dân Đảng và những sĩ quan trong quân đội, những người này nghĩ là họ phải hơn hẳn những người khác.

Chúng ta là một đám người ô hợp bị bỏ lại phía sau. Giả sử không có bọn Nhật, chắc hẳn sẽ có rất nhiều lý do để những người này đánh nhau. Con có hiểu không? Người Thượng Hải với nông dân vùng biển phía Bắc, thợ rẫy với thợ hớt tóc, phu kéo xe với người tị nạn từ Miến Ðiện. Người này khinh người kia. Chẳng ai để ý là mọi người đều ở chung trên một vỉa hè để khạc nhổ, đều cùng bị dịch tả hoành hành. Ai cũng hôi hám, nhưng người này cứ than phiền người kia hôi nhất. Còn ta? Ta chúa ghét bọn sĩ quan không quân Mỹ cứ suốt ngày bô bô habba - habba, làm ta phải đỏ mặt. Nhưng tệ nhất là bọn nông dân miền Bắc hỉ mũi vào tay, chen lấn với người khác và cuối cùng lây bệnh cho người khác.

Do đó, Quế Lâm mất hết vẻ thơ mộng đối với ta. Ta không còn leo lên đỉnh núi để thốt lên rằng những ngọn đồi này mới đáng yêu làm sao! Ta chỉ tự hỏi, bọn Nhật đã đến được những ngọn đồi nào. Ta thường ngồi chờ trong bóng tối của căn nhà, hai tay ẵm hai con, sẵn sàng chạy. Khi còi báo động có máy bay rít lên ta và mấy người bên cạnh đứng bật dậy và hối hả chạy về phía hàng sau để trốn như thú rừng. Nhưng con không thể ở lâu trong bóng tối. Cái gì đó trong con mờ dần và con như trở thành một người chết đói, thèm khát ánh sáng đến điên cuồng. Bên ngoài, ta có thể nghe thấy tiếng bom. Bùm! Bùm! Và rồi tiếng đá rơi như mưa. Và bên trong, ta chẳng còn thèm khát những tảng đá có hình bắp cải hay củ cải. Ta chỉ có thể thấy lòng một ngọn đồi cổ xưa nhỏ nước, lúc nào cũng có thể đổ sập lên đầu ta. Con có thể tưởng tượng được như thế này không, không muốn ở bên trong, cũng không muốn ở bên ngoài, không muốn ở đâu cả, chỉ muốn biến đi.

Khi tiếng ném bom chỉ còn ở xa xe, chúng ta lại chui ra như những con mèo con tìm đường về thành phố. Và lúc nào cũng vậy, ta rất ngạc nhiên khi thấy những ngọn đồi trên nền trời nóng bỏng đã không bị xé toạc ra.

Ta đã nghĩ ra PHÚC LẠC HỘI vào một tối mùa hè nóng đến nỗi muỗi cũng rơi xuống đất, cái nóng ẩm ướt làm cho cánh chúng quá nặng. Khắp nơi đều đông đúc đến nỗi không thể hít thở không khí trong lành. Mùi cống rãnh không chịu nổi dâng lên cửa sổ lầu hai của ta, và không biết đi đâu, chúng bèn chui vào mũi ta. Suốt cả ngày đêm, ta luôn nghe những tiếng hét la. Ta không biết có phải đó là tiếng một người nông dân gào rát cổ tìm heo đi lạc hay tiếng người sĩ quan đánh đập một người nông dân gần chết vì nằm giữa đường đi của hắn trên vỉa hè. Ta không đi đến cửa sổ để tìm xe. Ích gì? Và đó là lúc ta nghĩ mình đâu phải có người giúp đỡ mới di chuyển nổi.

Ta có ý định tụ tập một nhóm bốn phụ nữ, mỗi người giữ một tay ở bàn mạt chược của ta. Ta biết mình muốn mời những người nào. Họ đều còn trẻ như ta, gương mặt đầy khát vọng. Một người là vợ sĩ quan quân đội, giống như ta. Một người là một cô gái dáng điệu rất thanh lịch, xuất thân từ một gia đình giàu có ở Thượng Hải. Cô đã trốn đi, mang theo chỉ một ít tiền bạc. Còn một cô nữa, từ Nam Kinh tới, có mái tóc đen nhánh, ta chưa từng thấy bao giờ. Cô này xuất thân từ một gia đình cấp thấp, nhưng xinh đẹp và vui vẻ. Cô lấy một ông chồng già, sau ông chết để cô ở lại với một cuộc sống khá hơn.

Cứ mỗi tuần, một người trong nhóm của ta mời bạn bè họp lại để có dịp phát tài và cũng để phấn chấn tinh thần. Người chủ nhà phải đãi thức ăn đặc biệt, ngõ hầu mang lại may mắn khắp mọi mặt: Bánh bao mang hình nén bạc, bún gạo cọng dài chúc sống lâu, đậu phộng nấu mong sinh con trai, và dĩ nhiên còn có thêm nhiều cam để cuộc sống được đầy đủ, ngọt ngào.

Với khả năng đạm bạc mà bọn ta đãi đằng nhau tươm tất đến thế đấy! Bọn ta không để ý rằng bánh bao được nhồi nhân bí, xắt dày, và cam thì lốm đốm đầy những lỗ có sâu. Bọn ta ăn dè xẻn, không phải vì dường như không có đủ thức ăn, nhưng để có thể phân trần vì sao không cắn thêm được miếng nữa, bọn ta phải tự nhồi đầy bụng từ sáng sớm. Bọn ta biết mình có được những thứ xa xỉ mà ít người đạt tới. Bọn ta là những người may mắn.

Sau khi no bụng, bọn ta bỏ tiền vào đầy một cái bát và mang đặt trước mặt mọi người. Rồi bọn ta ngồi vào bàn mạt chược. Chiếc bàn của dòng họ nhà ta bằng gỗ đỏ rất thơm, không phải loại gỗ gõ đâu, đấy là loại gỗ hồng đào rất tốt, chưa thấy có tên gọi tiếng Anh về loại gỗ này. Mặt bàn rất dày, khi những quân bài được tung lên bàn, người ta chỉ còn nghe tiếng những thỏi ngà chạm vào nhau.

Một khi bọn ta đã bắt đầu chơi, không ai chuyện trò gì với nhau, trừ khi kêu lên “Hên quá!”, hoặc “Ăn rồi!”. Khi cầm một quân bài lên, bọn ta phải chơi một cách nghiêm túc và chẳng nghĩ ngợi đến điều gì khác, ngoại trừ niềm vui khi thắng cuộc. Nhưng sau 16 ván, bọn ta lại ăn uống, lần này là để ăn mừng vận may. Và rồi bọn ta sẽ trò chuyện qua đêm cho tới sáng, kể chuyện về những ngày vui trong quá khứ và những ngày vui sẽ đến.

Ồ! Chuyện kể hay làm sao! Bọn ta cười gần chết đi được. Nào là chuyện con gà trống chạy vào nhà, quang quác kêu lên trên đống bát chén mà ngay ngày hôm sau nó lại bị xẻ thịt ra từng miếng để cho vào đấy. Chuyện về cô gái đã viết thư tình giùm cho hai người bạn cùng yêu một chàng. Và chuyện một bà người nước ngoài đã ngất xỉu trong nhà vệ sinh khi người ta đốt pháo gần đó.

Có người cho rằng bọn ta sai lầm khi yến tiệc mỗi tuần, trong lúc nhiều người trong thành phố bị chết đói, phải ăn cả chuột, và sau đó còn ăn đến những thứ mà lũ chuột đói khát nhất đã từng dùng để ăn. Người khác lại nghĩ rằng bọn ta bị quỉ ám - họp mặt liên hoan trong khi ngay cả chính gia đình của bọn ta cũng bị mất đi nhiều thế hệ, mất nhà cửa và cơ may, bị phân tán, vợ xa chồng, anh xa em, con xa mẹ. Hừ! Làm sao bọn ta lại có thể cười được nhỉ? Người ta tự hỏi thế. Không phải bọn ta không có tim, không có mắt, nên không biết đau. Tất cả bọn ta đều sợ hãi. Tất cả bọn ta đều khổ sở. Nhưng mơ ước lấy lại những gì đã bị mất đi thì sẽ thất vọng. Hoặc kéo dài những gì đã không chịu đựng nổi. Người ta mơ được bao nhiêu về một chiếc áo ấm từng yêu thích đã treo trong tủ, đặt nơi ngôi nhà cháy rụi mà có cả cha mẹ mình trong đó? Người ta hình dung được bao lâu trong đầu về cảnh chân tay bị treo lên bằng dây điện thoại và cảnh những con chó đói chạy rong xuống phố với bàn tay người đang nhai dỡ, ngậm ló ra ở mõm? Điều gì tệ hơn, bọn ta tự hỏi nhau, ngồi và đợi cái chết đến bằng những gương mặt sầu não đúng điệu? Hoặc chọn lấy một niềm an ủi riêng cho mình?

Vì thế bọn ta mở tiệc và giả vờ mỗi tuần đều bắt đầu năm mới. Mỗi tuần, bọn ta có thể quên đi những điều tệ bạc của ngày qua. Bọn ta không được phép nghĩ quẩn. Bọn ta liên hoan, cười đùa, chơi bài, thắng và thua, kể cho nhau nghe những câu chuyện hay nhất và mỗi tuần, bọn ta có thể hy vọng gặp may.

Niềm hy vọng ấy là niềm vui độc nhất của bọn ta. Và vì thế, bọn ta gọi nhóm người nhỏ của mình là PHÚC LẠC HỘI.”

Mẹ tôi chấm dứt câu chuyện bằng một điểm lưu ý, bà khoe về tài chơi bài của mình: “- Ta thắng hoài và may mắn nhiều đến nổi những người khác trêu ta rằng ta đã học được ngón nghề của một tên bịp đại tài”. - Bà nói: “- Ta đã thắng nhiều vạn Nhân dân tệ. Nhưng ta chẳng giàu có gì. Không đâu. Vào thời đó, tiền giấy xem như vô giá trị.”

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng câu chuyện kể về Quế Lâm như một điều gì khác hơn là một câu chuyện cổ tích Trung Hoa. Các đoạn kết luôn luôn thay đổi. Đôi khi bà bảo, bà đã dùng tờ giấy bạc 1.000 Nhân dân tệ vô giá trị đó để mua nửa bát gạo. Rồi bà lại đổi nửa bát gạo đó thành một nồi cháo. Bà đem bán cháo, lấy hai khúc móng giò heo. Hai chiếc móng giò heo trở thành sáu quả trứng, rồi trứng biến thành sáu con gà. Câu chuyện cứ thế luôn luôn phát triển thêm lên.

Một buổi tối nọ, tôi năn nỉ bà mua cho tôi một chiếc radio transitor. Sau khi bà từ chối và tôi mặt ủ mày chau lặng thinh hằng giờ, bà bảo: - “Tại sao con lại nghĩ rằng con thiếu một vật con chưa từng có?” - Và rồi bà kể cho tôi nghe một đoạn kết hoàn toàn khác.

“Một sĩ quan quân đội đến nhà ta vào một buổi sáng sớm”, - bà nói. - “Và bảo ta đi nhanh đến gặp chồng ở Trùng Khánh. Ta biết những gì đã xảy ra cho sĩ quan và gia đình của họ khi quân Nhật đến. Nhưng làm sao ta đi được? Không có xe lửa khởi hành ở Quế Lâm. Một người bạn của ta từ Nam Kinh đến, rất tử tế với ta. Cô ta hối lộ một người để đánh cắp chiếc xe đẩy dùng để kéo than. Cô ta cũng hứa sẽ báo cho các bạn bè khác biết.

Ta gói ghém vật dụng và đặt hai đứa con của ta vào trong chiếc xe và bắt đầu đẩy tới Trùng Khánh, bốn ngày trước khi bọn Nhật tiến vào Quế Lâm. Trên đường đi, ta nghe tin nhiều người bị tàn sát. Thật là khủng khiếp. Ngay đến ngày cuối cùng, Quốc Dân Ðảng vẫn còn nhất mực cho rằng Quế Lâm vẫn an toàn, và được quân đội Trung Quốc bảo vệ. Nhưng sau đó, trong ngày, đường phố Quế Lâm tràn ngập báo chí đưa tin về các chiến thắng của Quốc Dân Ðảng vĩ đại, và trên đầu những trang báo này, từng hàng người, đàn ông, đàn bà, trẻ nít nằm xếp lớp như cá ở chợ, những người không bao giờ đánh mất hy vọng, nhưng thay vào đó đã đánh mất mạng sống của mình. Khi ta nghe tin này, ta càng vào bước nhanh thêm, mỗi bước lại tự hỏi mình: Họ điên à? Hay họ can đảm?

Và ta đẩy xe chạy mãi về Trùng Khánh, cho đến khi chiếc xe của ta bị vỡ ra. Ta bỏ lại chiếc bàn chơi mạt chược bằng gỗ hồng đào tuyệt đẹp. Nhưng ta không còn đủ cảm xúc còn lại trong người để bật khóc. Ta cột khăn choàng lại thành những tay nải và mang trên vai mỗi bên một đứa con. Ta xách túi trong tay, một tay là quần áo, một tay là thức ăn. Ta xách những thứ này cho đến khi tay ta khía sâu những vết hằn. Và cuối cùng, ta đánh rơi từng túi khi tay ta bật máu và tự nhiên trơn tuột không cầm nổi vật gì.

Dọc đường, ta thấy những người khác cũng làm như vậy, họ dần dần từ bỏ hy vọng. Con đường giống như được khảm bởi các kho tàng. Từng sàng vải vóc, sách vở. Tranh ảnh về tổ tiên và dụng cụ thợ mộc. Mãi đến khi người ta có thể thấy các chuồng vịt, giờ phút này vịt im bặt vì khát nước và sau đó lại thấy các bình bằng bạc bỏ lăn lóc trên đường, nơi đó người ta quá mệt mỏi không còn muốn mang chúng theo để hy vọng gì ở tương lai. Vào lúc ta đến Trùng Khánh, ta đã đánh mất tất cả mọi thứ ngoại trừ ba chiếc áo lụa lộng lẫy mà ta mặc chồng vào nhau trên người.

- Mẹ bảo “mọi thứ” nghĩa là sao? - Tôi thảng thốt ở đoạn kết. Tôi sững sờ khi nhận biết được câu chuyện đúng là có thật - Còn về phần hai đứa bé ra sao?

Bà không ngừng lại chút nào để suy nghĩ, bà nói một cách đơn giản, cho thấy câu chuyện không còn gì để kể thêm nữa - “Cha của con không phải là người chồng đầu tiên của ta. Con không phải là mấy đứa bé đó”.

*

*  *

Khi tôi đến nhà họ Tô, nơi PHÚC LẠC HỘI họp mặt tối nay, người đầu tiên tôi gặp là cha tôi. - “Cô ấy đến rồi đấy! Không bao giờ đúng giờ” - cha tôi kêu lên. Đúng vậy. Mọi người đã tề tựu sẵn nơi đây, bảy người bạn của gia đình trong độ tuổi sáu mươi và bảy mươi. Họ nhìn lên và cười với tôi, luôn luôn chậm trễ, một đứa ở tuổi ba mươi sáu thế đấy.

Tôi rùng mình, cố kềm hãm nội tâm. Lần trước tôi gặp họ tại đám tang, khi ấy tôi đang suy sụp tinh thần và khóc nghẹn từng cơn. Ắt hẳn giờ đây họ đang tự hỏi làm thế nào mà một người như tôi có thể thay chỗ mẹ tôi được. Một người bạn đã có lần bảo tôi rằng tôi và mẹ tôi giống nhau, rằng chúng tôi đều có những cử chỉ xoắn tay giống nhau, cũng một nụ cười e ấp thiếu nữ, và tia mắt nhìn nghiêng. Khi tôi bẽn lẽn kể cho mẹ tôi nghe như vậy, bà có vẻ phật lòng và nói: “Con chẳng biết một chút gì về ta cả! Làm sao mà con là ta được?”. Và bà đã đúng. Làm sao tôi có thế là mẹ tôi ở tại PHÚC LẠC HỘI?

- Chào dì, chào dượng. Tôi liên tục gật đầu chào từng người ở dây. Tôi đã quen gọi những người bạn cũ của gia đình là Dì và Dượng. Ðoạn tôi bước đến, đứng cạnh cha tôi.

Gian nhà họ TÔ sực nức mùi dầu mỡ. Rất nhiều bữa ăn của người Trung Hoa được nấu nướng trong một gian bếp quá nhỏ hẹp, quá nhiều mùi thơm xào nấu quyện vào nhau thành một làn hơi dầu mỡ vô hình. Tôi còn nhớ mẹ tôi đã từng đi vào nhà của những người khác và các quán ăn, khỉnh mũi và thì thào nhận xét: - “Ta thấy được và cảm thấy được mùi dính đặc bằng mũi của ta”.

Ðã nhiều năm rồi tôi chưa đến nhà họ TÔ, nhưng gian phòng khách vẫn giữ y nguyên như trong trí nhớ của tôi. Hai mươi lăm năm về trước, khi dì An Mỹ và dượng Giang dời nhà từ khu phố Tàu đến quận Sunset, họ mua sắm bàn ghế mới. Giờ chúng vẫn còn đây, trông vẫn hãy còn mới dưới lớp nilon ngả vàng. Cũng vẫn chiếc trường kỷ màu xanh biếc hình bán nguyệt bọc vải len. Những chiếc bàn bằng gỗ phong dày. Chiếc đèn cẩn các mảnh sứ giả. Chỉ có mành cuốn làm theo chiều dài, được Ngân hàng Quảng Ðông biếu không là còn thay đổi theo mỗi năm.

Tôi nhớ rõ hết các đồ đạc này, vì khi tôi còn nhỏ, dì An Mỹ không cho chúng tôi sờ đến những bàn ghế mới của dì qua lớp nilon trong suốt bọc bên ngoài. Vào các đêm PHÚC LẠC HỘI tụ họp, cha mẹ tôi đưa tôi đến viếng gia đình họ Tô. Bởi vì tôi là lớn, tôi phải chăm sóc tất cả lũ trẻ, quá đông trẻ nít, nên dường như luôn luôn có một đứa khóc ré lên vì va đầu vào chân bàn.

- Con chịu trách nhiệm đấy! - Mẹ tôi bảo. Thế có nghĩa là tôi sẽ bị quở trách nếu có vật gì bị đánh bể, cháy khét, mất mát, rơi vỡ hoặc lấm lem dơ bẩn. Tôi phải chịu trách nhiệm, dù bất kỳ ai gây ra. Mẹ tôi và dì An Mỹ diện áo dài Trung Quốc trông buồn cười với cổ cao cứng ngắc và những cành hoa thêu dính trên ngực. Y phục này rất rực rỡ đối với người Trung Hoa, tôi nghĩ, và rất lạ lùng đối với người Mỹ. Trong những ngày đó, trước khi mẹ tôi kể cho tôi nghe câu chuyện về Quế Lâm, tôi tưởng tượng PHÚC LẠC HỘI là một hội đáng xấu hổ như hội kín của đảng 3K hoặc chương trình múa tom - tom của người Da Đỏ trên truyền hình khi chuẩn bị chiến tranh.

Nhưng đêm nay, không có gì là bí ẩn cả. Các dì trong PHÚC LẠC HỘI thảy đều mặc quần tây, áo kiểu in hoa màu sáng, và mang giày đủ kiểu. Tất cả chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn ăn dưới ngọn đèn trông như chùm đèn nến Tây Ban Nha. Dượng Giang mang bình vào và bắt đầu buổi họp bằng bài đọc biên bản, như sau:

- Tài khoản vốn của chúng ta hiện giờ có 24.825 đôla, tức mỗi cặp có khoảng 6.206 đôla, 3.103 đôla mỗi người. Chúng ta bán lỗ cổ phần ở Subaru và chúng ta mua 100 cổ phần ở Công ty Smith International. Chúng ta xin cảm ơn Chung Linh Ða và Ty về món chè đậu đỏ ngon đặc biệt. Cuộc họp tháng ba được hoãn lại cho đến khi có thông báo mới. Chúng ta rất tiếc phải quyến luyến chia tay bạn thân của chúng ta là Tố Uyên và xin chia buồn cùng gia đình Vũ Cẩm Ninh. Xin kính chào quí vị. Tô Giang, Hội trưởng kiêm thư ký.

Thế đấy. Tôi cứ nghĩ là mọi người sẽ bắt đầu nói chuyện về mẹ tôi, về tình bạn tuyệt vời mà họ đã chia sẻ cùng nhau, và tại sao tôi lại ở đây thay mặt cho bà, và tiếp tục thực hiện ý định bà đã nghĩ ra vào một ngày mùa hè ở Quế Lâm.

Nhưng mọi người chỉ gật đầu tán đồng biên bản. Cha tôi cũng gật gù theo thói quen. Tôi nghĩ câu chuyện về cuộc đời của mẹ tôi đã được mọi người gác lại để cùng lo việc làm ăn mới.

Dì An Mỹ đứng lên khỏi bàn khoan thai bước vào bếp để chuẩn bị thức ăn. Dì Linh, người bạn thân nhất của mẹ tôi, bước đến chiếc trường kỷ bọc len xanh biếc. Dì Chân Ảnh, lúc nào tôi cũng thấy dì co ro, đang với tay lấy chiếc giỏ và lôi ra một chiếc áo len xanh, nhỏ xíu, vừa được đan những mũi dạo đầu.

Các cậu trong PHÚC LẠC HỘI bắt đầu nói chuyện về các loại chứng khoán họ đang quan tâm định mua. Cậu Bách, em trai của dì Chân Ảnh là một tay giỏi làm việc trong một công ty khai thác vàng nọ ở Canada. Cậu cất tiếng dõng dạc:

- Lạm phát đã được ngăn chặn nhiều rồi đấy.

Cậu nói tiếng Anh giỏi, hầu như không nhấn giọng. Tôi nghĩ mẹ tôi nói tiếng Anh dở nhất, nhưng bà luôn luôn cho rằng bà nói tiếng Hoa hay nhất. Bà nói tiếng Quan thoại hơi pha giọng Thượng Hải.

- Ðêm nay chúng ta không chơi mạt chược à? - Tôi nói khá lớn tiếng với dì Chân Ảnh, vì bà hơi bị lãng tai.

- Lát nữa đã - Dì đáp - Ðể sau nửa đêm đã!

- Này các bà ơi! Các bà còn đang dự họp không đấy? - Dượng Giang lên tiếng gọi.

Sau khi mọi người nhất trí biểu quyết tham gia chứng khoán bằng vàng ở Canada, tôi đi vào bếp để hỏi dì An Mỹ tài sản PHÚC LẠC HỘI bắt đầu đầu tư vào chứng khoán.

- Chúng ta đã từng chơi mạt chược, người thắng cuộc lấy hết. Nhưng cứ người nào thắng là thắng mãi, người thua luôn thua mãi - Bà nói trong khi đang nhồi món hoành thánh - Cháu không thể gặp may trong khi kẻ khác thật sự có tài. Từ lâu rồi, chúng ta đã quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nơi ấy không cần tài cán gì cả. Ngay cả mẹ cháu cũng đã đồng ý việc ấy.

Dì An Mỹ đếm bánh hoành thánh trong chiếc khay trước mặt. Dì đã làm được năm hàng bánh, mỗi hàng tám cái - Bốn mươi bánh, tám người, mỗi người mười cái, thêm năm hàng nữa - Dì tự nói lớn với chính mình, rồi tiếp tục nhồi nhân thịt vào bánh - Chúng ta đã tự sáng suốt ra. Bây giờ thì bọn ta có thể thắng và thua đều nhau. Chúng ta có thể gặp vận may ở thị trường chứng khoán. Và chúng ta vẫn có thể chơi mạt chược cho vui vậy thôi, chỉ một vài đôla, và người thắng có thể lấy hết. Người thua vẫn còn một ít đến để mang về nhà. Vì thế mọi người đều vui vẻ cả. Khôn ngoan đấy chứ, hả?

Tôi nhìn dì An Mỹ làm thêm bánh hoành thánh. Dì có những ngón tay nhanh nhẹn, thiện nghệ. Dì làm mà không cần phải chú ý gì cả. Đó là điều mà mẹ tôi hay từng than phiền, rằng dì An Mỹ không bao giờ suy nghĩ về việc đang bàn.

Vào một dịp nọ, mẹ tôi nhận xét về dì:

- Cô ấy không ngốc đâu, nhưng cô ấy không cương quyết. Tuần trước, ta có một ý hay cho cô ta. Ta bảo cô, chúng ta hãy đi đến Tòa Lãnh sự và xin giấy tờ cho anh trai của cô đi. Cô ta gần như muốn bỏ tất cả mọi việc để đi liền ngay lúc đó. Nhưng sau đó cô lại đi nói chuyện với một người khác. Ai biết được người đó là ai? Và người đó bảo rằng việc cô ta làm có thể gây rắc rối cho anh trai của cô tại Trung Quốc. Người đó nói rằng FBI sẽ đưa tên cô vào danh sách và gây rắc rối cho cô trong suốt quãng đời còn lại ở Mỹ. Người đó lại cho rằng nếu có xin mua nhà chịu, họ sẽ không cho nợ, bởi vì anh cô là Cộng sản. Ta bảo, cô đã có nhà nội kia mà! Ấy vậy mà cô ấy vẫn cứ sợ. Dì An Mỹ cứ nghiêng sang bên này, ngả sang bên kia như thế đấy, - mẹ tôi bảo - và dì ấy cũng không biết tại sao nữa.

Tôi quan sát dì An Mỹ, một bà già thấp bé lưng còng đang ở tuổi bảy mươi, ngực nặng nề và đôi chân gầy không hình dạng. Dì có những đầu ngón tay mềm phẳng của một bà già. Tôi tự hỏi dì đã làm gì khiến khơi dậy cả tràng nhận xét, phê bình của mẹ tôi như vậy. Một lần nữa, tôi lại thấy dường như mẹ tôi luôn luôn không hài lòng với tất cả bạn bè của bà, với tôi, và ngay cả với cha tôi. Luôn luôn, bà thấy thiếu một cái gì đó. Luôn luôn cần phải cải thiện một cái gì đó. Rồi lại một điều gì đó chưa được quân bình. Người này hoặc người kia có quá nhiều một yếu tố, nhưng lại không đủ yếu tố khác.

Các yếu tố theo sự phân chia hóa hữu cơ của mẹ tôi, bà cho tôi biết, người nào cũng được tạo thành bởi năm yếu tố. Ai mang quá nhiều “hỏa”, sẽ có tính khi nóng nảy. Giống như cha tôi vậy, người luôn luôn bị mẹ tôi chỉ trích vì thói hút thuốc, và luôn luôn hét lại rằng bà biết gì, im đi, đừng lắm điều. Tôi nghĩ chắc bây giờ ông đang cảm thấy có lỗi đã không cho bà bộc bạch hết ý mình qua lời nói. Người nào quá ít “mộc” sẽ nhanh chóng uốn mình tuân theo ý kiến của người khác, không thể nào tự đứng vững được. Chẳng hạn như dì An Mỹ. Quá nhiều “thủy”, người đó sẽ tuôn chảy khắp mọi hướng, như tôi vậy, bắt đầu học ngành sinh vật, lấy bằng cấp đang dang dở, lại học nữa chừng về nghệ thuật, để rồi chẳng tốt nghiệp được bên nào, bèn đi làm thư ký cho một hãng quảng cáo nhỏ, sau lại thành một người viết quảng cáo.

Tôi đã từng bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của bà, càng không thích nghe những điều dị đoan kiểu Trung Hoa, những niềm tin phù hợp với hoàn cảnh một cách thuận tiện. Khi tôi đang ở độ mới hai mươi, học lớp Tâm lý nhập môn, tôi cố gắng giải thích cho mẹ tôi biết vì sao bà không nên chỉ trích nhiều, tại sao điều ấy không dẫn đến môi trường học hỏi lành mạnh. Tôi bảo:

- Có một trường về tâm lý dạy cha mẹ không nên chỉ trích con cái, thay vào đó, nên khuyến khích thì hơn. Mẹ biết không, người ta vươn lên theo niềm kỳ vọng của người khác, và nếu mẹ cứ chỉ trích, có nghĩa là mẹ chỉ kỳ vọng điều thất bại.

- Rắc rối là ở chỗ ấy. - Mẹ tôi nói - Con không bao giờ chịu vươn lên. Lười biếng đứng dậy. Lười biếng vươn theo sự kỳ vọng.

- Ðến giờ ăn rồi nhé! - Dì An Mỹ vui vẻ thông báo, dì mang ra một xẻng bánh hoành thánh vừa mới gói xong. Hàng lớp thức ăn trên bàn, được dọn theo kiểu tự phục vụ như các buổi tiệc ở Quế Lâm. Mùi nước lèo hoành thánh thật hấp dẫn với những nhánh lá ngò thả bồng bềnh trên mặt. Tôi bị lôi kéo đầu tiên bởi một đĩa to đựng món xá xíu, thịt heo cắt từng lát hình đồng tiền, rồi đến một loạt món ăn nho nhỏ - bánh bột vỏ mỏng nhồi thịt heo, thịt bò, tôm băm và còn các thứ khác không biết tên mà mẹ tôi đã từng diễn tả là “các thức ăn bổ dưỡng”.

Ăn uống không phải là một sự kiện thanh lịch tại nơi đây. Dường như mọi người đang chết đói. Họ tọng các nĩa đầy thức ăn vào miệng, rồi ghim thêm thịt mỡ, liền tay lấy thức ăn. Họ không giống các phụ nữ ở Quế Lâm, những người, theo tôi, luôn luôn hình dung ăn uống với một vẻ thanh cao.

Sau đó, cũng nhanh nhẹn gần như khi họ bắt đầu, phe đàn ông đứng lên và rời bàn. Phe đàn bà thu vén các mẩu thức ăn sau cùng và mang tất cả bát đĩa vào nhà bếp cho vào bể rửa. Các bà thay phiên nhau rửa tay, kỳ cọ dữ dội. Ai khởi xướng nghi thức này thế nhỉ? Tôi cũng đặt đĩa của tôi vào chậu và rửa tay. Các bà bắt đầu nói chuyện về chuyến đi Trung Quốc của gia đình họ Chung, rồi họ kéo nhau về gian phòng ở phía sau nhà. Chúng tôi đi qua một căn phòng nữa, ngày trước đã từng là phòng ngủ của bốn đứa con trai của gia đình họ Tô. Những chiếc giường đôi với cầu thang xiêu vẹo vẫn còn đó. Các dượng trong PHÚC LẠC HỘI đã ngồi tề tựu vào bàn chơi bài. Dượng Giang đang chia bài thoăn thoắt, làm như học được kỹ thuật này ở sòng bạc vậy. Cha tôi đã hút xong gói Pall Mall, một điếu vẫn còn đong đưa trên môi ông.

Chúng tôi đi vào gian phòng ở phía sau nơi từng là phòng của ba cô con gái gia đình họ Tô. Họ đều là bạn của tôi thời nhỏ, giờ thì tất cả đã khôn lớn, đi lấy chồng, và tôi lại đến chơi trong căn phòng của họ một lần nữa. Ngoại trừ mùi long não, mọi thứ khác vẫn như xưa, tưởng chừng đâu Hồng, Luyến, Gia Ninh sắp bước vào với mái tóc quấn tròn lên cao như lon nước cam và buông xuống những chiếc kẹp giống hệt nhau. Mấy tấm drap trắng trải giường dùng quá lâu nên gần như trắng mỏng ra. Hồng và tôi đã từng nằm rứt dây viền khi ngồi kháo chuyện với nhau về đám bạn trai của chúng tôi. Mọi vật đều y như xưa, trừ ra giờ đây có thêm một chiếc bàn mạt chược gỗ đào đặt ở giữa phòng. Và cạnh đó là một cây đèn đặt trên sàn có chân dài màu đen với ba ngọn đèn hình bầu dục gắn vào như ba chiếc lá to bản mọc trên thân cây cao su.

Không ai bảo tôi “Ngồi đây đi, đây là chỗ mẹ cháu đã từng ngồi”, thế nhưng tôi biết chỗ nào, ngay cả trước khi mọi người ngồi xuống. Chiếc ghế sát cửa ra vào hãy còn trống, nhưng chiếc ghế thực sự không có gì quan trọng, mà chính là vị trí của bà trên bàn kia. Không ai nói, nhưng tôi biết góc của bà trên bàn ở hướng đông.

“Hướng đông là hướng của mọi sự bắt đầu”, mẹ tôi đã có lần bảo với tôi như thế. Hướng mặt trời mọc, hướng ngọn gió bắt nguồn.

Dì An Mỹ ngồi phía bên trái tôi để những quân bài xuống mặt bàn nỉ xanh, rồi nói với tôi: - Bây giờ chúng ta xoa bài nhé. - Chúng tôi dùng tay xoa các con bài đi theo vòng tròn, chúng chạm vào nhau rào rào.

- Cháu cũng thắng giống mẹ cháu chứ? - Dì Linh ngồi đối diện hỏi tôi, không cười.

- Ở trường Ðại học, cháu cũng có chơi chút ít với những người bạn Do Thái của cháu.

- A! Mạt chược chơi kiểu Do Thái hả? - Dì nói với vẻ khinh dễ - Không giống kiểu này đâu - Mẹ tôi cũng từng nói như vậy, mặc dù bà không bao giờ giải thích rõ được vì sao.

- Có lẽ tối này cháu không chơi. Cháu chỉ ngồi xem thôi - Tôi đề nghị.

Dì Linh trông muốn nổi nóng lên, chừng như tôi chỉ là một đứa con nít. - Làm sao chúng ta chơi được nếu chỉ có ba người? Tỉ như một cái bàn chỉ có ba chân, lấy gì thăng bằng? Khi chồng của dì Chân Ảnh mất, dì ấy bảo anh của dì tham gia vào cuộc. Cha của cháu thì bảo cháu. Như vậy mọi sự đã được quyết định rồi.

- Mạt chược kiểu Do Thái và kiểu Trung Hoa khác nhau chỗ nào? - Tôi đã có lần hỏi mẹ tôi. Khi bà trả lời, tôi không thể biết được trò chơi ấy khác nhau hay chính thái độ phân biệt của bà giữa người Trung Hoa và người Do Thái khác nhau.

- Cách chơi hoàn toàn khác nhau - Bà lên giọng diễn giải - Người Do Thái chơi mạt chược chỉ chăm chú vào quân bài riêng của họ, chỉ chơi bằng mắt mà thôi. Còn người Trung Hoa chơi mạt chược phải dùng tới cái đầu, rất mưu lược. Người phải xem những người khác loại đi những gì và phải ghi nhớ trong đầu. Và nếu không có ai chơi giỏi, bàn chơi sẽ trở thành mạt chược kiểu Do Thái. Tại sao phải chơi làm chi? Không có chiến lược gì cả. Người ta chỉ ngồi rình người khác phạm lỗi mà thôi.

Những kiểu giải thích như thế khiến tôi có cảm tưởng mẹ tôi và tôi nói hai thứ tiếng khác nhau. Thật vậy đấy, tôi nói với bà bằng tiếng Anh, bà trả lời lại bằng tiếng Hoa.

- Thế mạt chược kiểu Do Thái và kiểu Trung Hoa khác nhau chỗ nào? - Tôi hỏi dì Linh.

- Ai da! - Dì kêu lên với vẻ trách móc mỉa mai - Mẹ cháu không dạy cháu gì hết sao?

Dì Chân Ảnh phát vào tay tôi - Cháu là một cô gái thông minh. Cháu cứ nhìn các dì đây rồi làm giống như vậy. Giúp các dì chồng những quân bài lại làm thành bốn tụ nào!

Tôi làm theo lời dì Chân Ảnh, những hầu như tôi chăm chú nhìn dì Linh hơn. Dì là người chơi nhanh nhất. Dì Chân Ảnh thảy viên xúc xắc ra, và tôi nghe nói dì Linh thành ngọn gió phía đông. Tôi là ngọn gió phía bắc, đi cuối cùng. Dì Chân Ảnh phía nam và dì An Mỹ phía tây. Chúng tôi bắt đầu cầm bài, thảy xúc xắc, đếm trở lại trên tụ bài.

- Mẹ cháu chơi giỏi nhất đấy, như một tay nhà nghề - Dì An Mỹ nói, trong khi xếp lại các quân bài của dì, chậm rãi cân nhắc từng quân một.

Bây giờ chúng tôi bắt đầu chơi, nhìn xuống tay, ném các quân bài ra, nhặt lấy những quân khác với một nhịp độ tự nhiên, thoải mái. Các dì trong PHÚC LẠC HỘI bắt đầu nói chuyện phiếm, nhưng không thực sự lắng nghe nhau mấy. Họ dùng ngôn ngữ đặc biệt, nửa tiếng Anh lõm bõm, nửa tiếng Hoa địa phương. Dì Chân Ảnh kể mới mua sợi dệt rẻ được một nửa ở đâu đó ngoài đường. Dì An Mỹ khoe về chiếc áo len dì đan cho con mới sinh của Luyến - “Nó cứ nghĩ rằng tôi mua ở tiệm đấy chứ”. - Dì hãnh diện nói.

Dì Linh kể chuyện dì đã bực mình cỡ nào khi cô bán hàng không cho dì trả lại chiếc váy bị gãy dây kéo - tôi bị lừa thế đấy - Dì vẫn còn tức giận - Tôi giận đến chết đi được.

- Nhưng Linh Ða, chị vẫn còn đây với chúng tôi, đâu có chết! - Dì Chân Ảnh cất tiếng trêu, và khi dì đang cười, dì Linh kêu lên “Hên quá!” và trải các quân bài của dì ra, lần này tới phiên dì cười dì Chân Ảnh trong khi đếm điểm. Chúng tôi lại bắt đầu xoa bài, mọi người lại lặng yên. Tôi bắt đầu cảm thấy chán nản và buồn ngủ.

- Ồ, tôi có câu chuyện này đây - Dì Chân Ảnh kêu to làm mọi người giật mình. Dì Chân Ảnh luôn luôn là một người hơi lập dị, kiểu người luôn chìm đắm trong thế giới riêng của mình. Mẹ tôi đã từng nói: “Dì Chân Ảnh không phải lãng tai. Dì ấy ít chịu lắng nghe người khác”.

- Cảnh sát đã bắt con của bà Emerson hôm cuối tuần rồi - Dì nói với giọng hãnh diện của người đầu tiên biết được tin quan trọng - Bà Trần kể với tôi ở nhà thờ, người ta tìm thấy rất nhiều máy truyền hình trong xe hơi của anh ta.

Dì Linh nói ngay: “Aii-da, bà Emerson đáng kính” - Ý dì muốn nói bà Emerson không dáng có một đứa con kinh khủng như thế. Nhưng giờ tôi cũng vừa nhận ra dì muốn ám chỉ chuyện con trai út của dì An Mỹ cũng bị bắt cách đây hai năm về tội bán máy thu thanh trong xe hơi ăn cắp được. Dì An Mỹ đang vuốt các quân bài cẩn thận trước khi bỏ ra. Trông dì có vẻ đau khổ.

- Bây giờ ở Trung Quốc ai cũng có máy truyền hình - Dì Linh đổi đề tài - Gia đình chúng tôi ở đó cũng có, không phải chỉ đen trắng đâu nhé, máy truyền hình màu điều khiển từ xa cơ! Họ có đủ hết. Vì thế khi chúng tôi hỏi họ cần chúng tôi mua thứ gì cho họ, họ bảo không cần gì hết, chúng tôi đến thăm họ, vậy là đủ rồi. Nhưng dù sao chúng tôi cũng có mua cho họ thứ khác, đầu vidéo và máy Sony Walkman cho lũ trẻ. Họ bảo “Thôi! Ðừng cho tụi tôi” nhưng dì biết họ thích lắm.

Dì An Mỹ tội nghiệp càng xát tay vào các quân bài mạnh hơn. Tôi nhớ mẹ tôi kể về chuyến du lịch về Trung Quốc của gia đình họ Tô cách đây ba năm. Dì An Mỹ để dành được hai ngàn đô la để chỉ dùng cho phí tổn của cả gia đình. Dì cho mẹ tôi xem bên trong cái túi xách nặng trĩu. Một cái nhét đầy kẹo đậu phộng, kẹo sô-cô-la M&M’s, kẹo hạt điều, sô-cô-la nóng uống liền có hạt thục quì nghiền nhỏ. Mẹ tôi bảo tôi, còn túi xách kia chứa đầy quần áo kiểu cọ kỳ cục, tất cả đều mới tinh: đồ tắm kiểu California màu sáng chói, nón chơi bóng chày, quần tây bằng vải có lưng thun, áo kiểu phi công, áo sơ mi ngắn tay, bít tất v.v...

Mẹ tôi bảo dì: - Ai cần những thứ vô dụng này? Họ chỉ cần tiền thôi - Nhưng dì An Mỹ bảo rằng em của dì quá nghèo so với dì. Thế là dì không màng đến lời khuyên của mẹ tôi, xách mấy giỏ đồ hàng và hai ngàn đô la đi Trung Quốc. Khi họ đến Hàng Châu, cả gia đình từ Ninh Ba đã ra đó sẵn để đón họ. Không chỉ có em trai của dì An Mỹ, còn có cả em cùng cha khác mẹ của vợ cậu ta, và một lô họ hàng xa lắc khác. Họ lại còn mang theo tất cả mẹ vợ, con cái, và ngay cả bạn bè trong làng, những người kém may mắn không có thân nhân ở nước ngoài để khoe khoang với mọi người.

Mẹ tôi kể: “Dì An Mỹ trước kia đã khóc khi sắp đi Trung Quốc, dì nghĩ rằng sẽ giúp cho em trai của dì giàu có và sung sướng hơn so với tiêu chuẩn Cộng sản. Nhưng khi dì về đến nhà, dì cũng khóc với mẹ rằng mọi người đến chìa tay ra mà dì là người đến bằng tay không.”

Mẹ tôi đã khẳng định được sự nghi ngờ của bà. Không ai cần áo sơ mi kiểu cọ và những quần áo vô dụng đó. Kẹo M&M’s bị ném vào khoảng không tan biến. Khi chiếc xách tay được lấy hết đồ đạc ra, thân nhân của dì đã hỏi rằng gia đình họ Tô còn mang theo gì khác cho họ nữa không? Dì An Mỹ và dượng Giang đã sạch túi, không chỉ tiêu hai ngàn đô la để mua máy truyền hình, tủ lạnh, mà còn phải trả tiền trú ngụ qua đêm cho hai mươi sáu người ở khách sạn, ba bàn tiệc ở nhà hàng phục vụ khách nước ngoài, ba món đặc biệt cho mỗi người thân, và cuối cùng, một món nợ trị giá năm ngàn Nhân dân tệ cho một người gọi là chủ của một người bà con muốn mua xe gắn máy, sau đó hắn đã biến mất luôn cùng với số tiền. Khi xe lửa rời Hàng Châu ngày hôm sau gia đình họ thấy mình tiêu sạch chín ngàn đô la vì thiện chí. Nhiều tháng sau đó, sau một buổi lễ Giáng sinh ở nhà thờ Rửa tội của người Trung Hoa, dì An Mỹ cố gắng gỡ gạc bằng cách nói rằng: cho được phước hơn là nhận. Mẹ tôi đồng ý, người bạn thân thiết của bà sẽ được nhiều ân phước ít nhất là mấy đời sau nữa.

Nghe dì Linh khoe khoang về những đức tính của gia đình dì ở Trung Quốc, tôi thấy dì quá thờ ơ không nghĩ đến nỗi đau của dì An Mỹ. Dì Linh có xấu tính không hay mẹ tôi không bao giờ kể cho ai nghe khác hơn ngoài tôi về câu chuyện xấu hổ của gia đình dì An Mỹ?

- À, Linh Muội, bây giờ cháu còn đi học không? - Dì Linh hỏi.

- Cô ấy tên June, bọn nó bây giờ có tên Mỹ hết rồi. - Dì Chân Ảnh nói.

- Không sao đâu dì ơi! - Tôi đáp, mà thực là như vậy.

Hiện giờ, những người Trung Hoa sinh ra ở Mỹ đang thích dùng tên tiếng Hoa của họ hơn.

- Cháu không còn đi học nữa - Tôi nói - Cháu đã nghỉ học từ mười năm về trước rồi.

Dì Linh nhướng mắt - Có lẽ dì lầm với con bà khác - Dì nói vậy, nhưng tôi biết dì nói dối. Tôi biết có lẽ mẹ tôi kể cho dì nghe rằng tôi sẽ quay lại học tiếp cho xong cái bằng, bởi vì khoảng sáu tháng trước tôi và mẹ tôi đã tranh cãi về sự thất bại sự gián đoạn học hành nửa chừng của tôi, và về ý định tôi sẽ quay lại học tiếp.

Một lần nữa, tôi đã nói với mẹ tôi điều mà bà muốn nghe: “Mẹ đúng đấy. Ðể con xem lại việc đó”.

Tôi luôn luôn cho rằng tôi và mẹ tôi có một sự thông hiểu nhau dù không nói ra về việc này: bà không có ý thực sự nghĩ tôi là một kẻ thất bại, và tôi có ý thực sự muốn tôn trọng ý kiến của bà nhiều hơn. Nhưng tối nay nghe dì Linh nói, tôi biết tôi và mẹ tôi chưa bao giờ thực sự thông hiểu nhau. Chúng tôi diễn dịch ý nghĩ của nhau và có vẻ tôi nghe ít hơn những điều bà nói, còn bà lại nghe nhiều hơn những điều tôi nói. Thảo nào bà kể cho dì Linh nghe việc tôi sắp đi học trở lại để lấy bằng.

Dì Linh và mẹ tôi vừa là bạn vừa là địch thủ của nhau, luôn luôn đem con cái ra so sánh. Tôi lớn hơn Chung Vỹ Lý, con gái của dì, một tháng. Từ thời chúng tôi còn nhỏ xíu, hai bà mẹ cứ luôn luôn so sánh từng nếp gấp ở rốn chúng tôi, hình dáng vành tai của chúng tôi, khi té trầy đầu gối thì đứa nào mau lành hơn, tóc đứa nào dày và đen hơn, mang mòn bao nhiêu đôi giày trong một năm, và về sau nữa, Vỹ Lý đã chơi cờ thông minh cỡ nào, tháng qua mang về được bao nhiêu giải thưởng, bao nhiêu tờ báo nhắc đến tên nó, bao nhiêu thành phố nó đã viếng thăm.

Tôi biết mẹ tôi phật ý khi nghe dì Linh kể về Vỹ Lý trong khi bà không có gì để khoe lại. Ðầu tiên, mẹ tôi cố gắng vun xới những thiên hướng tiềm ẩn trong tôi. Bà làm việc nhà cho một ông thầy dạy đàn già về hưu ở dưới nhà để ông ta dạy tôi và cho tôi dùng đàn để tập miễn phí. Khi tôi thất bại không trở thành nhạc sĩ dương cầm trong ban hòa nhạc hay ngay cả người đệm đàn cho ca đoàn thiếu niên ở nhà thờ, bà lại giải thích rằng tôi chậm phát triển thiên tài, kiểu như Einstein, ai cũng cho rằng ông chậm chạp cho mãi đến ngày ông phát minh được một quả bom.

Bây giờ thì lại đến phiên dì Chân Ảnh thắng ván mạt chược này, vì thế chúng tôi đếm điểm và bắt đầu chơi ván mới.

- Chị có biết cháu Lena dọn đến ở Woodside không? - Dì Chân Ảnh hành diện nói, dì đang nhìn xuống các quân bài, và có vẻ không rõ đang muốn nói chuyện với riêng người nào. Dì cười nhẹ và cố gắng tạo vẻ khiêm tốn - Dĩ nhiên, đó không phải là căn nhà đẹp nhất ở khu đó, làm gì đến một triệu đôla, nhưng đó là một chuyến đầu tư tốt đẹp. Tốt hơn phải đi thuê nhà. Tốt hơn là để người ta đặt mình dưới ngón tay cái rồi đè bẹp dí đi.

Giờ thì tôi biết chắc Lena, con gái dì Chân Ảnh, đã kể cho dì nghe về việc tôi bị đuổi ra khỏi căn hộ ở khu đồi Nga. Mặc dù tôi và Lena là bạn, nhưng chúng tôi thường dè chừng không kể cho nhau nghe quá nhiều. Vậy mà dù ít dù nhiều khi đã kể, câu chuyện thường được nghe lại dưới lớp vỏ khác. Bao giờ cũng thế, người ta thường nhiều chuyện nói đi nói lại lòng vòng.

- Trời tối rồi - Tôi nói khi xong ván bài, và bắt đầu đứng lên, nhưng dì Linh đẩy tôi ngồi xuống ghế.

- Khoan, ở lại đã. Ðể các dì còn trò chuyện với nhau - dì nói - Lâu quá rồi.

Tôi biết đây là một cử chỉ lịch sự của Hội các dì, chỉ là cái cớ các dì muốn giữ tôi lại, trong khi thực sự các dì cũng nóng lòng muốn tiễn tôi đi như chính tôi đang nóng lòng muốn đi - Không, cháu thực sự phải về đây, cám ơn, cám ơn các dì - Tôi đáp, mừng vì mình đã nhớ ra điều giả vờ của các dì.

- Cháu phải ở lại chứ! Các dì có điều quan trọng muốn nói với cháu, chuyện của mẹ cháu! - Dì Chân Ảnh bật nói to tiếng. Những người khác trông có vẻ bất an, chừng như họ sắp sửa tiết lộ với tôi một tin không hay.

Tôi ngồi xuống lại. Dì An Mỹ thoắt ra khỏi phòng và quay trở lại với một tô đậu phộng, dì nhẹ nhàng đóng cửa lại. Mọi người đều lặng im, dường như không ai biết phải bắt đầu như thế nào.

Cuối cùng, chính dì Chân Ảnh đã lên tiếng - Dì nghĩ rằng mẹ cháu chết đi còn vương vấn một chuyện quan trọng trong trí - Dì nói bằng tiếng Anh giọng ngập ngừng, rồi dì bắt đầu chuyển sang nói tiếng Hoa dịu dàng điềm đạm:

- Mẹ cháu là một phụ nữ mạnh mẽ, một người mẹ hiền. Bà yêu cháu rất nhiều, nhiều hơn chính bản thân của bà kia. Và đó là lý do tại sao cháu có thể hiểu được vì sao một người mẹ như bà không thể quên những đứa con gái kia của bà được. Bà biết chúng đều còn sống, nên trước khi chết bà muốn tìm lại những đứa con đó ở Trung Hoa.

Những đứa bé bị bỏ lại ở Quế Lâm. Tôi không phải là những đứa bé đó. Những đứa bé bỏ trong tay nải, địu trên vai. Tôi cảm thấy chừng như đang ở Quế Lâm, giữa làn bom đạn và tôi thấy được hai đứa bé đang nằm trên vệ đường, miệng ngậm ngón tay cái đỏ hồng, kêu khóc. Một người nào đó đã nhặt chúng về. Chúng được an toàn tính mạng. Và giờ đây mẹ tôi đã rời xa tôi vĩnh viễn để về Trung Quốc tìm lại những người con. Tôi mơ hồ nghe giọng dì nói:

- Mẹ cháu đã tìm kiếm nhiều năm liền, viết thư tới lui, và năm vừa rồi bà có được địa chỉ. Bà đã kể chuyện cho cha cháu nghe. Aii-da, thật là đáng tiếc. Một đời chờ đợi. Dì An Mỹ phấn khởi cất lời:

- Thế là các dì viết thư về địa chỉ đó. Các dì nói rằng một nhóm người nào đó, chính là mẹ cháu muốn gặp một nhóm nào đó ở Trung Quốc. Rồi nhóm này viết thư lại cho các dì. Họ chính là các chị của cháu đó, Linh Muội.

Các chị của tôi, tôi tự lặp lại với chính mình, lần đầu tiên tôi mới gọi tiếng chị trong đời.

Dì An Mỹ cầm một tờ giấy mỏng dính. Theo các hàng dọc thẳng tắp tôi thấy các nét chữ Trung Hoa được viết bằng mực viết máy màu xanh. Có chữ bị lem. Nước mắt chăng? Tôi cầm lá thư bằng đôi bàn tay run rẩy, ngạc nhiên, khâm phục các chị phải thông minh lắm mới đọc và viết được chữ Hoa như vậy.

Tất cả các dì đang mỉm cười nhìn tôi, hình như tôi là một người chết vừa mới được hồi sinh bằng phép lạ. Dì Chân Ảnh đưa cho tôi một phong bì khác, bên trong là một chi phiếu trị giá 1.200 đô la gửi tên June Vũ. Tôi không tin nổi việc này.

- Các chị của cháu gửi tiền này cho cháu à? - Tôi hỏi.

- Không, không. - Dì Linh kêu lên với giọng bi thương giả tạo - Mỗi năm các dì để dành lại tiền thắng cuộc thi chơi mạt chược để tổ chức liên hoan tại nhà hàng sang trọng. Phần lớn số tiền này là của mẹ cháu, vì bà hay thắng cuộc nhất. Các dì góp thêm vào chút ít, thế nên cháu có thể đi Hồng Kông, đáp xe lửa về Thượng Hải để thăm các chị. Không sao, các dì có nhiều tiền mà cũng mập quá rồi - Dì vỗ vào bụng như để chứng minh.

- Thăm các chị của cháu ư? - Tôi sững sờ nói, cố tưởng tượng viễn ảnh cuộc tương ngộ sẽ như thế nào. Và tôi cảm thấy bối rối khó chịu vì câu chuyện liên hoan cuối năm các dì dựng ra để không cho tôi thấy lòng từ tâm của các dì. Giờ thì tôi cũng bật khóc, vừa khóc lại vừa cười; ghi nhận, nhưng cũng hiểu được trọn vẹn tình nghĩa thủy chung của các dì đối với mẹ tôi.

- Cháu phải đi gặp các chị của cháu và kể cho mấy đứa tụi nó nghe về cái chết của mẹ cháu - Dì Chân Ảnh nói - Nhưng quan trọng hơn hết, cháu phải kể cho chúng nghe về cuộc đời của mẹ cháu, người mẹ mà chúng chưa từng bao giờ biết đến, mà giờ đây chúng phải biết.

- Gặp các chị của cháu, kể cho họ nghe về mẹ của cháu - Tôi gật đầu lập lại - Cháu sẽ nói những gì? Cháu biết nói gì đây về mẹ cháu? Cháu không biết gì cả. Chỉ biết bà là mẹ của cháu thôi.

Các dì nhìn tôi làm như tôi bỗng hóa điên trước mặt họ rồi.

- Không biết gì về mẹ ruột của cháu à? - Dì An Mỹ kêu lên bàng hoàng - Sao cháu lại có thể nói như vậy được? Mẹ cháu chính là xương thịt của cháu! - Cháu hãy kể cho chúng nghe chuyện của gia đình cháu ở đây. Mẹ cháu đã thành công như thế nào - Dì Linh gợi ý.

- Kể cho chúng nghe những câu chuyện mẹ cháu đã kể cho cháu, những bài học bà dạy cho cháu, những gì bà truyền đạt từ tâm hồn bà giờ đã trở thành của cháu - Dì Chân Ảnh nói - Mẹ cháu là một phụ nữ rất thông minh.

Các dì đồng loạt tranh nhau nói - Kể cho chúng nghe đi chứ - Các dì cố nghĩ thêm để kể ra thật nhiều:

- Mẹ cháu thật tử tế.

- Khôn ngoan nữa.

- Tận tụy lo cho gia đình.

- Luôn hy vọng, đó là điều quan trọng đối với bà.

- Nấu ăn rất khá.

- Thử nghĩ xem! Một đứa con gái mà không biết hết về mẹ mình.

Trường hợp của tôi là như vậy, nhưng tôi thấy các dì đang sợ, vì qua tôi, các dì thấy được con gái của các dì cũng thế, cũng thờ ơ, cũng không để tâm đến những niềm kỳ vọng mà các bà mẹ đã mang sang nước Mỹ. Họ thấy con gái của họ sốt ruột khi nghe mẹ nói chuyện bằng tiếng Hoa, chê mẹ dốt khi giải thích sự việc bằng tiếng Anh đứt đoạn. Họ thấy rằng niềm vui và điều may mắn không có nghĩa lý đối với các con của họ, rằng trong đầu óc bít kín của những trẻ sinh ra ở Mỹ này, “phúc lạc” không phải là một từ, không hiện hữu. Họ thấy những đứa con gái họ sinh con đẻ cháu mà không hề truyền đạt lại niềm kỳ vọng nào từ thế hệ này sang thế hệ khác.

- Cháu sẽ kể hết cho các chị cháu nghe - Tôi đáp gọn, và các dì nhìn tôi bằng những gương mặt nghi ngờ.

- Cháu sẽ nhớ hết mọi điều về mẹ cháu và sẽ kể hết cho các chị cháu nghe - Tôi trả lời cứng giọng hơn. Thế là lần lượt từng người một, các dì mỉm cười và vỗ nhẹ vào tay tôi. Trông họ vẫn còn chưa yên tâm, làm như còn lưỡng lự điều gì. Tuy nhiên, trông họ cũng có vẻ hy vọng tôi không nói dối. Họ biết đòi hỏi gì hơn? Tôi biết hứa hẹn gì hơn?

Các dì trở lại ăn đậu phộng luộc mềm, kể chuyện cho nhau nghe. Họ như trở lại thời xuân xanh, nhớ về quãng đời tươi đẹp đã qua và mơ ước những điều tốt đẹp sẽ đến. Một người em ở Ninh Ba sẽ làm cho bà chị mừng rơi nước mắt khi gửi lại cho bà chín ngàn đô la kèm theo tiền lời. Một cậu con út với công việc kinh doanh sửa chửa máy truyền hình phát đạt để có tiền dư gửi về Trung Quốc. Những đứa cháu ngoại biết bơi giỏi như cá tại một hồ bơi đẹp đẽ ở Woodside. Những chuyện hay như thế đấy. Hay nhất. Những câu chuyện may mắn.

Còn tôi, vẫn đang ngồi nơi chỗ cũ của mẹ tôi tại chiếc bàn mạt chược, tại hướng đông, hướng bắt đầu mọi sự.