Phúc Lạc Hội Truyện Full

TÔ AN MỸ

Hôm qua, con gái tôi bảo: - Cuộc hôn nhân của con đang tan vỡ.

Và nó chỉ còn biết nhìn cuộc hôn nhân tan vỡ. Nó nằm trên giường khám của bác sĩ tâm thần, trào lệ khóc cho nỗi nhục này. Tôi nghĩ nó sẽ nằm đó cho đến khi không còn gì tan vỡ, không còn gì để khóc lóc, mọi thứ đều khô kiệt.

Nó khóc. - Không có cách chọn lựa nào hết! Nó không biết. Nếu nó không nói ra, nó đang lựa chọn đấy. Nếu nó không cố gắng, nó có thể đời đời mất cơ hội.

Tôi biết, vì tôi được nuôi nấng theo kiểu Trung Hoa. Người ta dạy tôi không được khao khát, phải nuốt đau khổ của người khác và ngậm nỗi đắng cay của chính mình.

Dù tôi đã dạy con gái cách ngược lại, rồi ra nó vẫn y hệt như thế! Có lẽ nó là con gái tôi, còn tôi là con gái mẹ tôi. Tất cả chúng tôi như những bậc thang, bậc này nối bậc kia, lên lên xuống xuống, nhưng thảy đều một cách.

Tôi biết cái cảm giác phải im lặng nhìn và lắng nghe, tựa như đời mình chỉ là giấc mơ. Người ta có thể nhắm mắt khi không còn muốn nhìn nữa. Nhưng khi không còn muốn nghe nữa thì ta sẽ làm gì đây? Tôi vẫn còn nghe được những sự việc đã xảy ra cách đây hơn 60 năm.

Lần đầu tiên mẹ xuất hiện tại nhà cậu tôi ở Ninh Ba, mẹ đối với tôi là người lạ. Lúc ấy tôi lên chín và đã nhiều năm rồi tôi không được gặp mẹ. Nhưng tôi biết bà là mẹ tôi, vì tôi có thể cảm nhận nỗi đau của bà.

- Chớ có nhìn con đàn bà đó. - cô tôi đe - Nó sẽ giúi mặt xuống dòng suối chảy về hướng Ðông. Tinh thần tổ tiên của nó đã vĩnh viễn mất rồi. Cái kẻ mà cháu thấy đó chỉ là một đống thịt ác độc, bị thối đến tận xương.

Tôi đăm đăm ngó mẹ. Trông mẹ đâu có vẻ gì ác độc. Tôi muốn sờ gương mặt mẹ, gương mặt giống như tôi.

Ðúng là mẹ mặc Âu phục rất kỳ lạ, nhưng khi bị cô tôi chửi, mẹ không cãi lại. Ðầu mẹ thậm chí còn gục sâu hơn nữa khi bị cậu tôi tát tai vì tội đã dám gọi cậu tôi là anh. Mẹ nức nở khóc khi bà ngoại chết, dù bà ngoại đã tống cổ mẹ tôi ra khỏi nhà cách đây nhiều năm. Sau đám tang bà ngoại, mẹ tuân lệnh cậu tôi: sửa soạn trở về Tiên Sơn, nơi mẹ làm lẽ thứ ba cho một người giàu có khi chưa mãn tang chồng.

Làm thế nào mẹ đi mà không có tôi? Tôi không có thể trả lời câu hỏi đó. Tôi chỉ là một đứa bé. Chỉ có thể nhìn và nghe.

Ðêm trước khi mẹ ra đi, mẹ ôm đầu tôi vào lòng như che chở cho tôi khỏi một mối hiểm nguy vô hình tôi không thấy được. Mẹ chưa đi mà tôi đã kêu khóc giữ mẹ lại. Nằm trong lòng mẹ, mẹ kể chuyện tôi nghe.

- An Mỹ này, - mẹ thầm thì. - con có bao giờ thấy con rùa nhỏ sống dưới ao không? - Tôi gật đầu. Tôi thường chọc một cái que xuống mặt nước phẳng lặng trong chiếc ao vườn tôi để thúc con rùa nằm bên dưới tảng đá bơi ra ngoài.

- Hồi còn nhỏ xíu mẹ cũng từng biết con rùa thần đó. Mẹ hay ngồi bên ao ngắm nó bơi lên mặt nước, cái mỏ nhỏ đớp đớp không khí. Rùa thần cao niên lắm rồi.

Trong trí tôi hiện lên hình ảnh con rùa đó và tôi biết mẹ cũng hồi tưởng thấy nó.

- Rùa thần sống bằng suy nghĩ của chúng ta. Mẹ biết được điều đó hồi mẹ bằng tuổi con, vào cái ngày bà ngoại bảo mẹ không còn là con nít nữa. Ngoại bảo mẹ không được la hét, chạy nhảy, hay bắt dế nữa. Không bằng lòng cũng không được khóc. Mẹ phải im lặng nghe lời người trên. Còn nếu mẹ bất tuân, ngoại bảo sẽ gọt đầu mẹ tống vào chùa ở với mấy ni cô.

Ðêm đó sau khi ngoại bảo như vậy, mẹ ngồi bên bờ ao nhìn xuống mặt nước. Là người yếu đuối, mẹ bật khóc. Chợt mẹ thấy rùa trồi lên, đớp lấy những giọt nước mắt của mẹ ngay khi chúng vừa chạm mặt nước. Rùa đớp nhanh lắm, năm, sáu, bảy giọt liền liền, rồi leo lên ra khỏi ao, bò lên một phiến đá phẳng lì và cất tiếng nói:

- Ta đã ăn những giọt lệ của con, thế nên ta biết những nỗi khổ của con. Nhưng ta bảo cho con hay. Nếu con khóc, đời con sẽ khổ hoài.

Rồi rùa thần há họng tuôn ra năm, sáu, bảy cái trứng ngọc. Trứng vỡ ra, trong đó xuất hiện bảy con chim, vừa nứt khỏi vỏ là ríu rít ca hát liền. Nhìn cái ức trắng như tuyết và nghe tiếng chim hót lảnh lót, mẹ biết chúng là chim ác là, còn gọi là hỷ điểu, chim của niềm vui. Bảy con chim chúc mỏ xuống ao uống nước ừng ực. Khi mẹ vươn tay định bắt một con, cả bầy bay lên, vỗ đôi cánh đẹp vào mặt mẹ rồi vút lên trời cao, buông ra tiếng cười chế nhạo.

- Con đã thấy. - Rùa thần lặn xuống ao trở lại - Tại sao khóc là vô ích. Nước mắt đâu có cuốn trôi được nỗi buồn của con. Chúng chỉ nuôi cho niềm vui của kẻ khác. Ðó là lý do vì sao con phải học cách nuốt lệ của chính mình.

Khi mẹ dứt câu chuyện, tôi nhìn thấy bà đang khóc. Thế là tôi khóc theo, thân phận của mẹ con tôi là phải sống như hai con rùa cũng nhìn thấy thế giới nước mắt từ đáy chiếc ao nhỏ.

—★—

Sớm mai thức dậy tôi không nghe tiếng chim hót mừng, mà nghe tiếng ai quát tháo giận dữ đàng xa. Nhảy xuống giường tôi phóng đến bên cửa sổ.

Tôi thấy mẹ đang quỳ gối ngoài sân trước, ngón tay cào cấu lối đi bằng đá tựa như bà đã mất vật gì đó và biết không thể tìm lại được. Ðứng trước mặt mẹ là cậu tôi đang thét lên:

- Mày còn muốn đem con gái theo để hại đời nó nữa à? - Cậu dậm chân đùng đùng... Cuốn xéo đi!

Mẹ tôi lặng yên. Bà khom người trên mặt đất, lưng khum như mai con rùa trong ao. Bà khóc mà miệng mím chặt. Tôi cũng bật khóc y hệt như vậy, khóc mà nuốt những giọt lệ cay đắng xuống.

Tôi vội vàng thay quần áo. Khi tôi chạy xuống lầu, đến được phòng khách thì vừa lúc mẹ tôi sắp ra đi. Một gia nhân vác rương hành lý của bà ra ngoài. Cô tôi đang nắm tay em trai bé bỏng của tôi. Quên cả lời dặn phải câm miệng, tôi hét lên:

- Mẹ ơi!

- Thấy con gái mày tiêm nhiễm cái xấu của mày chưa kìa! - Cậu tôi gắt lên.

Mẹ, đầu còn cúi gằm, ngước lên nhìn mặt tôi. Nước mắt tôi chảy ràn rụa. Tôi nghĩ khi thấy mặt tôi như vậy, mẹ đã thay đổi. Bà đứng thẳng lưng dậy, hầu như còn cao hơn cả cậu tôi nữa. Bà chìa tay ra đón tôi và tôi chạy ào lại. Giọng bà điềm đạm, lặng lẽ: - An Mỹ, mẹ không đòi hỏi con, nhưng mẹ sắp quay về Tiên Sơn và con có thể đi theo mẹ..

Nghe vậy, cô tôi liền rít lên - Nhìn gương mẹ mày kìa An Mỹ! Mày tưởng leo lên xe là được xem điều gì mới lạ, nhưng trước mặt mày chỉ là mông đít con lừa già cũ mà thôi. Ðời mày rồi cũng như con người mày thấy trước mắt đó.

Lời cô chì chiết càng làm tôi quả quyết ra đi. Vì cuộc đời trước mắt tôi là ngôi nhà của cậu. Nó đầy rẫy những khổ đau và âm mưu đen tối, tôi không tài nào hiểu được. Thế nên tôi quay đầu không nhìn cô tôi mà hướng về mẹ.

Cậu tôi nhấc một lọ sành lên. - Mày muốn vất bỏ đời mày như thế này phải không? Nếu mày đi theo con đàn bà đó, mày sẽ chẳng bao giờ ngẩng đầu lên được. Cậu ném chiếc lọ xuống đất vỡ tan tành. Tôi nhảy dựng lên, và mẹ nắm lấy tay tôi.

Tay mẹ ấm quá. - Ði thôi An Mỹ. Nhanh nhanh lên! - Mẹ nói, tựa như trời sắp chuyển mưa.

- An Mỹ cháu ơi! - Tôi nghe cô gọi tên tôi thân thương đằng sau, nhưng cậu tôi đã ngăn! - Thôi, nó đã đổi lòng rồi.

Bước xa khỏi cuộc đời xưa, tôi tự hỏi cậu tôi nói có đúng không, phải chăng tôi đã thay đổi và sẽ chẳng bao giờ ngẩng đầu lên được. Thế nên tôi mới cố gắng. Ðể ngẩng đầu dậy.

Tôi thấy em trai tôi khóc nức nở khi cô tôi cố giữ tay nó lại. Mẹ không dám đem em theo. Con trai không bao giờ có thể đến nhà người khác sống. Nếu đến, nó sẽ mất tất cả hy vọng về tương lai. Nhưng tôi biết em tôi không nghĩ vậy. Nó khóc, vừa giận vừa sợ, vì mẹ không bảo nó đi theo.

Cậu tôi nói đúng. Sau khi thấy em tôi như vậy, tôi không thể ngẩng cao đầu nữa.

—★—

Trong chiếc xe kéo trên đường đến nhà ga, mẹ thầm thì:

- Con gái An Mỹ tội nghiệp của mẹ, chỉ mình con biết mẹ đã chịu đựng những gì. - Nghe mẹ tôi nói thế tôi thấy hãnh diện vì có mỗi mình tôi hiểu được những tâm tư thầm kín và sâu lắng của mẹ.

Nhưng khi lên xe lửa, tôi mới nhận ra tôi đã bỏ lại đời mình phía sau xa quá. Tôi đâm hoảng. Hai mẹ con đi bảy ngày, một ngày bằng xe lửa, sáu ngày bằng tàu thủy. Thoạt đầu mẹ rất vui. Mẹ kể tôi nghe những câu chuyện về Tiên Sơn mỗi khi tôi quay mặt hướng về quê cũ.

Mẹ kể về những người bán hàng giỏi dắn bán đủ các loại thức ăn: vịt quay, đậu nấu, món mẹ tôi thích nhất, bánh đậu đen nhân trứng, để một lớp bột mỏng trên vỉ, đập quả trứng vào giữa, trét nhân đậu đen vào rồi cuộn lại - nướng nóng hôi hổi bán cho khách ngay.

Mẹ tả bến cảng, các món đặc sản biển và bảo nó còn ngon hơn các món chúng tôi ăn ở Ninh Ba nữa. Sò bự, tôm càng, cua, mọi loại cá sông, cá biển hạng nhất - nếu không, sao khách nước ngoài đổ đến cảng này nhiều như vậy?

Mẹ kể về những con đường hẹp với chợ búa đông đúc. Buổi sáng dân quê bán những loại rau tôi chưa hề thấy, chưa hề ăn, mẹ bảo đảm chúng rất tươi, non, thơm, ngọt. Trong thành phố có những khu khác nhau cho từng loại ngoại kiều cư ngụ: khu người Nhật, người Nga, người Mỹ, người Đức. Họ không bao giờ sống chung với nhau, mỗi khu có tập quán riêng, khu thì dơ, khu thì sạch. Nhà của họ đủ màu đủ dạng, cái thì màu hồng, cái thì phòng ốc chia ra đủ góc, cái thì mái nhà nhọn hoặc gỗ chạm trổ sơn màu trắng trông hệt như ngà voi.

Mẹ bảo mùa đông sẽ thấy tuyết như cánh hoa mộc qua mùa xuân. Mẹ sẽ trùm quần áo lông thú lên tôi, nên dù lạnh căm căm cũng chẳng hề gì!

Mẹ kể nhiều chuyện hay lạ quá khiến tôi không còn quay đầu về phương cũ nữa mà nôn nao nhìn về ngôi nhà mới ở Tiên Sơn. Nhưng vào ngày thứ năm, khi đến gần vịnh Tiên Sơn, dòng nước chuyển từ màu vàng đục sang đen sì, tàu lắc lư chòng chành. Tôi hoảng sợ và bị say sóng. Ban đêm, tôi nằm mơ thấy dòng nước chảy về hướng đông mà cô tôi đã de dọa, dòng nước tối đen thay đổi cả đời người.

Từ giường bệnh nhìn xuống những dòng nước đen tối ấy, tội sợ hãi thấy cô tôi đã nói đúng. Tôi thấy mẹ tôi đã bắt đầu thay đổi, mặt bà âm u giận dữ, hay nhìn ra biển nghĩ ngợi riêng. Và suy nghĩ của tôi cũng âm u, rối bời.

Buổi sáng hôm chúng tôi định sẽ đến Tiên Sơn, mẹ vào phòng ngủ của chúng tôi, trên người mặc bộ đồ tang chế màu trắng. Khi trở về phòng khách ở tầng trên, mẹ trông như một người lạ. Lông mày kẻ đậm hình mác, mắt tô đen, mặt đánh phấn trắng, môi son đỏ chót. Mẹ đội một chiếc mũ nhỏ, màu nâu bạc màu gắn một chiếc lông chim lốm đốm nâu phủ hết phía trước. Tóc mẹ nhét hết vào mũ, chỉ lộ ra hai lọn tóc đẹp trên trán ngó nhau như hai nét sơn mài chạm trổ màu đen. Mẹ mặc một chiếc áo dài màu nâu, ve áo bằng đăng ten màu trắng dài xuống tận thắt lưng, cài lại bằng một bông hồng bằng lụa.

Thật là một cảnh tượng kinh hoàng. Chúng tôi còn đang thời kỳ tang chế mà. Nhưng tôi đâu có thể nói gì. Tôi chỉ là một đứa trẻ. Tôi làm sao mắng được mẹ ruột của mình chứ?

Tôi chỉ thấy nhục nhã vì mẹ mình đã quá trơ tráo phô bày nỗi nhục của bà.

Đôi tay đeo găng của mẹ cầm một cái hộp lớn màu kem, trên nắp có ghi dòng chữ nước ngoài. Âu phục thời trang, Tiên Sơn. Tôi nhớ mẹ đã đặt chiếc hộp xuống giữa hai mẹ con và bảo: - Mở đi con! Nhanh lên nào! - Mẹ nín thở, hân hoan mỉm cười. Cử chỉ lạ lùng của mẹ khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Nhiều năm sau này, khi tôi dùng chiếc hộp đó để cất giữ ảnh và thơ từ, tôi mới tự hỏi làm cách nào mẹ biết. Mặc dù đã nhiều năm hai mẹ con không gặp nhau, mẹ biết một ngày nào đó tôi sẽ lên đường theo mẹ, và ngày ấy tôi phải mặc một bộ quần áo mới màu trắng.

Mở nắp hộp ra, tất cả nỗi nhục, nỗi sợ hãi của tôi thảy đều tan biến. Trong hộp là một chiếc áo màu trắng mới toanh, còn cứng hồ. Áo có bèo nhún chung quanh cổ, và dọc theo tay áo, váy có sáu hàng bèo dún. Trong hộp còn có vớ trắng, giày da trắng, và một cái nơ màu trắng khổng lồ, chỉ cần thắt hai cái đuôi vào nhau là sẵn sàng.

Tất cả đều quá lớn đối với tôi. Cổ áo quá rộng cứ trễ xuống vai. Thân áo to gấp đôi tôi. Nhưng tôi chẳng thèm để ý đến rộng hẹp. Mẹ cũng vậy. Tôi giơ hai cánh tay lên, đứng thật im. Mẹ lấy kim cúc và chỉ khâu những chỗ thừa vào, nhét giấy vào trong đôi giày cho đến khi mọi thứ đều vừa vặn.

Mặc bộ đồ này vào, tôi thấy như mình vừa mọc chân tay mới và bây giờ phải tập cách đi đứng mới.

Rồi mẹ tĩnh tâm trở lại. Bà ngồi, tay chắp trên lòng, mắt dõi nhìn con tàu ngày càng gần bến.

- An Mỹ này, giờ con đã sẵn sàng bắt đầu cuộc đời mới. Con sẽ sống trong một căn nhà mới, sẽ có một người cha mới. Nhiều chị em và một em trai khác. Ăn ngon mặc đẹp. Con thấy thế có đủ hạnh phúc không?

Tôi lặng lẽ gật đầu, nghĩ về nỗi bất hạnh của em trai tôi ở Ninh Ba. Mẹ chẳng nói gì thêm về ngôi nhà, gia đình mới, hay hạnh phúc của tôi cả. Tôi cũng chẳng hỏi gì, vì một hồi chuông đã vang lên báo cho chúng tôi biết đã đến Tiên Sơn. Mẹ chỉ hai chiếc rương hành lý nhỏ của chúng tôi ra lệnh ngắn gọn cho người khuân vác và cho ông ta tiền, như thể bà vẫn làm việc này hàng ngày. Rồi mẹ cẩn thận mở một chiếc hộp khác, lôi ra khoảng năm hay sáu cái gì đó như xác cá chết, mắt tròn xoe, tay chân rũ rượi, đuôi xù. Bà quấn cái thứ dễ sợ đó quanh vai, quanh cổ, rồi nắm chặt tay tôi đi xuống, hòa theo dòng người.

Chả có ai trên bến đón chúng tôi cả. Mẹ chầm chậm đi xuống con dốc thoai thoải, qua kho hành lý, rồi dáo dác nhìn quanh.

- An Mỹ, đến đây! Sao con chậm thế? - Giọng mẹ tràn đầy sợ hãi. Tôi kéo lê đôi giày quá khổ, cố đứng vững trên mặt đất chao đảo. Nhìn lên tôi thấy mọi người ai nấy đều vội vã, hình như ai cũng buồn buồn. Có những gia đình bố mẹ đều già, tất cả đều mặc những màu u buồn, họ kéo, họ đẩy, thùng này, bao nọ hành lý của họ, các phụ nữ ngoại quốc da mai mái ăn mặc như mẹ tôi, họ đi với các ông ngoại quốc đội mũ, mấy bà mệnh phụ giàu sang mắng chửi đầy tớ, gia nhân đi đằng sau đang ẵm trẻ con và khuân các rương đồ đạc và giỏ thức ăn.

Mẹ con tôi đứng bên đường nơi xe tải xe kéo qua lại. Hai mẹ con nắm tay nhau, mỗi người theo đuổi suy nghĩ riêng, chúng tôi nhìn người này đến ga, người kia vội vã ra đi. Ðã gần trưa rồi, mặc dù bên ngoài có vẻ ấm, bầu trời xám xịt và đầy mây.

Đứng hồi lâu chẳng thấy ai, mẹ thở dài, đành phải gọi một chiếc xe kéo.

Trên đường đi, mẹ gây với người phu kéo xe vì ông ta muốn đòi thêm tiền chở hai người và hành lý. Rồi mẹ than phiền nào là xe kéo thốc nhiều bụi quá, đường phố hôi hám, gập ghềnh, trễ giờ, rồi lại đến cơn đau bao tử. Ca cẩm hết những thứ này rồi, mẹ lại chĩa sang càu nhàu tôi: chiếc áo mới bị một đốm dơ, tóc rối nùi, vớ cuốn cả lên. Tôi cố lấy lòng mẹ bằng cách chỉ một công viên nhỏ, một con chim bay trên đầu, một tàu điện dài rú còi chạy ngang qua và hỏi mẹ về chúng. Nhưng mẹ đâm quạu quọ hơn:

- An Mỹ, ngồi yên nào, chớ có lau chau như thế. Ta sắp tới nhà rồi.

Khi đến nhà thì cả hai mẹ con tôi đều mệt lả.

—★—

Ngay từ đầu, tôi đã biết ngôi nhà mới của chúng tôi không phải là một căn nhà bình thường. Mẹ đã bảo chúng tôi sẽ ở trong nhà của ông Vũ Sinh, một thương nhân rất giàu có. Mẹ bảo ông là chủ của nhiều nhà máy dệt thảm, sống trong một dinh thự tại Tô giới của người Anh ở Tiên Sơn, khu giàu nhất của thành phố. Chúng tôi sống không xa khu phố Bái Mã lắm, nơi dành riêng cho khách phương Tây. Chúng tôi cũng ở gần các tiệm buôn bán nhỏ chỉ bán thuần có một thứ hàng: tiệm bán toàn trà, toàn vải, hay toàn xà phòng.

Mẹ bảo dinh thự xây theo kiểu ngoại quốc. Ông Vũ Sinh thích đồ ngoại, vì ngoại nhân đã làm ông giàu. Thế là tôi biết tại sao mẹ phải ăn vận quần áo kiểu ngoại quốc, theo kiểu những người Hoa mới phất lên, muốn phô trương sự giàu có của mình cho thiên hạ biết.

Dù đã biết tất cả trước khi đến nơi, tôi vẫn sửng sốt trước cảnh tượng vừa thấy.

Mặt tiền ngôi nhà có một cổng bằng đá kiểu Tàu, vòm tròn, cánh của to bằng sơn mài màu đen, thềm cao phải bước qua. Tôi ngạc nhiên khi thấy vuông sân. Không liễu, không viên tạ, không bồn cá, không ghế ngồi bên ao. Thay vào đó là hai hàng cây tháp viền lối đi rộng lát gạch. Hai bên hàng cây là thảm cỏ bao la có các bồn phun nước. Ngôi nhà xây theo kiểu Tây, cao ba tầng, bằng đá và bê tông, mỗi tầng có ban công bằng sắt và mỗi góc mọc lên một ống khói.

Khi hai mẹ con tôi đến, một cô tớ gái reo mừng chạy ra đón mẹ, giọng the thé như xé vải: - Ôi, bà đã về! Con thật không ngờ! - Đó là Hàn Giang, tớ riêng của mẹ tôi, chị ta biết cách tâng bốc mẹ. Chị gọi mẹ tôi bằng cái tước hiệu danh dự là Bà tựa như mẹ là vợ chánh thất, vợ duy nhất của ông chủ vậy.

Hàn Giang lớn tiếng gọi các gia nhân khác mang hành lý của chúng tôi vào, lại gọi một người khác mang trà, chuẩn bị nước nóng để tắm. Chị vội vã giải thích rằng Bà Hai bảo mọi người rằng tối thiểu hơn một tuần nữa chúng tôi mới về. - Thật là xấu hổ! Chẳng có ai biết đi đón bà cả! Bà Hai với mấy người kia đã đi Bắc Kinh thăm thân quyến rồi. Con gái bà xinh quá, giống hệt bà vậy. Cô còn mắc cỡ hé? Bà lớn với mấy tiểu thư... đi chùa hành hương rồi...Tuần rồi có một ông chú người em họ đến thăm, hơi khùng khùng một chút, hóa ra chẳng phải chú, chẳng phải em họ gì cả...

Vừa bước chân vào dinh thự, mắt tôi ngợp trước bao nhiêu là vật đẹp, chiếc cầu thang trôn ốc cuốn lên cao cao mãi, trần nhà mỗi góc là một gương mặt, hành lang lượn vòng dẫn vào phòng này đến phòng khác. Bên tay phải tôi là một phòng thật rộng, rộng chưa từng thấy, đầy những bàn ghế bằng gỗ tếch cứng. Phía tay trái là một căn phòng tối hơn, một phòng khách khác, đầy những đồ đạc ngoại quốc: ghế nệm da màu xanh lá đậm, ghế bành, bàn giấy gỗ đào hoa tâm, các bức tranh về chó săn. Liếc mắt vào những phòng này, tôi thấy nhiều người khác. Hàn Giang bèn giải thích:

- Cái cô trẻ đó là tớ của Bà Hai. Còn cái con kia chẳng là ai cả, nó là con gái của người phụ bếp. Ông này làm vườn.

Chúng tôi lên cầu thang. Đến đầu cầu thang, tôi thấy mình lọt vào một phòng khách rộng khác. Chúng tôi rẽ sang trái, xuống hành lang, đi qua một phòng và bước vào một phòng khác. Ðây là phòng của mẹ cô, - Hàn Giang tự hào bảo. - Cô sẽ ngủ tại đây.

Vật duy nhất đập ngay vào mắt tôi là chiếc gương nguy nga. Nó vừa nặng lại vừa nhẹ: lụa màu hồng mềm mại với gỗ nặng bóng loáng, chạm rồng khắp chung quanh. Bốn cột giường treo một tấm trướng bằng lụa, mỗi cột lủng lẳng những sợi dây bằng lụa to bản để giữ màn. Giường đặt trên bốn chân sư tử đồ sộ, tựa như sức nặng của nó đã nghiền nát con sư tử bên dưới. Hàn Giang chỉ cho tôi cách dùng một chiếc ghế đẩu nhỏ để leo lên giường. Khi tôi nhào lên chiếc khăn trải giường bằng lụa, tôi bật cười khi khám phá chiếc nệm êm ái dày gấp mười lần chiếc giường của tôi ở Ninh Ba.

Ngồi trên giường, tôi chiêm ngưỡng mọi thứ, tựa như mình là một công chúa vậy. Phòng này có một cửa kính dẫn ra ban công. Phía trước cánh cửa sổ là một bàn tròn làm cùng thứ gỗ với chiếc giường. Bàn cũng đặt trên bốn chân sư tử có chạm trổ, chung quanh có bốn ghế. Một gia nhân đã đặt trà và bánh lên bàn, giờ đang châm chiếc honlu, một chiếc lò than nhỏ.

Nhà cậu tôi ở Ninh Ba không phải là nghèo. Thực ra cậu khá lắm chứ. Nhưng căn nhà ở Tiên Sơn này quả là lộng lẫy. Tôi tự nhủ: cậu tôi nói sai. Mẹ tôi lấy ông Vũ Sinh có gì là nhục đâu.

Ðang suy nghĩ, tiếng chuông đồng hồ “Clang, clang, clang” đột ngột vang lên làm tôi giật mình, tiếp theo đó là tiếng nhạc trỗi dậy. Trên bức tường đối diện chiếc gương có treo một chiếc đồng hồ lớn bằng gỗ, có chạm trổ hình một khu rừng có nhiều gấu. Cửa đồng hồ bật mở và một căn phòng nhỏ xíu đầy người từ từ đẩy ra. Trong số đó có một thiếu nữ mặc váy chơi vĩ cầm, tay vung lên giật xuống kéo mãi một điệu nhạc u buồn. Nhiều năm rồi trong đầu tôi vẫn còn in điệu nhạc da diết ấy. Ngắm cái đồng hồ tuyệt diệu ấy thì rất thích, nhưng nghe được một tiếng, hai tiếng, rồi hết giờ này sang giờ khác mãi, thật là bực mình quá sức, nhiều đêm tôi không tài nào ngủ được. Sau này tôi khám phá mình có thêm một khả năng: không lắng nghe một thứ gì đó vô nghĩa vang lên gọi mình.

*

* *

Mấy đêm đầu trong căn nhà thú vị đó, được ngủ trên chiếc giường êm ái rộng mênh mông với mẹ, tôi sung sướng vô cùng. Tôi thường nghĩ đến căn nhà của cậu tôi ở Ninh Ba, giờ mới biết hồi xưa mình bất hạnh quá và thấy tội nghiệp đứa em trai bé bỏng. Nhưng phần lớn suy nghĩ của tôi đều hướng về những điều mới lạ trong căn nhà này.

Nước nóng ở đâu chảy từ trong vòi ra, mà không phải chỉ ở trong nhà bếp, mà còn ở khắp bồn rửa mặt và bồn tắm suốt ba tầng lầu. Bô thì sạch bóng mà chẳng cần gia nhân đem đổ. Tôi thấy các phòng khác cũng lộng lẫy như phòng của mẹ vậy. Hàn Giang chỉ cho tôi biết phòng nào là của chánh thất phu nhân, phòng nào là của Bà Hai, Bà Ba. Vài phòng chẳng có ai ở. Hàn Giang bảo: mấy phòng đó dành cho khách.

Hàn Giang bảo các phòng trên tầng ba chỉ dành cho các nam gia nhân, có một phòng còn có cửa thông sang một cái tủ, đó là chỗ trú ẩn bí mật để trốn hải tặc.

Mẹ dường như đã trở lại bản chất khả ái cũ. Bà mặc lại y phục Trung Hoa, gấu may vải tang trắng. Ban ngày mẹ dạy cho tôi biết tên những vật dụng là lạ, hay hay như máy ảnh Brownie, khăn ăn, nĩa ăn rau trộn... Buổi tối rảnh rỗi, chúng tôi nói chuyện về gia nhân đầy tớ, ai khôn khéo, ai siêng năng, ai trung thành. Vừa tán gẫu, chúng tôi vừa nhâm nhi trứng cút và khoai lang luộc. Ban đêm, mẹ kể chuyện cho tôi nghe và tôi nằm trong lòng bà ngủ thiếp đi.

Nhìn lại cả cuộc đời tôi, tôi thấy chưa bao giờ mình được sung sướng nhàn hạ như quãng thời gian đó, chẳng hề lo âu, sợ hãi hay khao khát điều gì, cuộc đời sao êm ái đáng yêu như nằm cuộn trong một chiếc kén lụa hồng. Nhưng tôi còn nhớ rất rõ khi tất cả những sự an nhàn đó thôi không còn nữa.

Có lẽ khoảng hai tuần sau khi chúng tôi về nhà, khi ấy chúng tôi đang ở khu vườn sau chơi banh với hai con chó. Mẹ ngồi ở bàn ngắm tôi chơi. Rồi tôi nghe có tiếng còi xe phía xa xa, tiếng la hét, và hai con chó quên cả banh chạy ào ra sủa mừng cuống quít.

Mặt mẹ lộ vẻ sợ hãi y hệt như hồi mẹ ở bến cảng. Mẹ bước vội vào trong nhà. Tôi đi vòng hông nhà ra phía trước. Hai chiếc xe kéo màu đen bóng loáng vừa đỗ xuống, theo sau là một chiếc ô tô lớn màu đen. Một gia nhân đang nhấc hành lý từ trong xe kéo ra. Một cô tớ gái trẻ từ chiếc xe kéo kia nhảy xuống đất.

Tất cả kẻ ăn người ở bu quanh chiếc xe hơi, soi mặt vào chiếc vỏ kim loại sáng ngời, trầm trồ nhìn các khung cửa có kéo màn và ghế xe bọc nhung. Tài xế mở cánh cửa sau và một thiếu nữ trẻ bước ra. Tóc cô ta ngắn, uốn dợn sóng. Trông cô ta chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng ăn vận như phụ nữ, chân mang vớ dài, đi giày cao gót. Tôi nhìn xuống chiếc áo trắng lấm cỏ đất của mình và thấy xấu hổ.

Các gia nhân khom vào băng sau xe, từ từ nâng hai cánh tay một người đàn ông nhấc ra khỏi xe. Ðó là ông Vũ Sinh. Ông to, nhưng không cao, người phồng lên như một con chim. Ông già hơn mẹ nhiều, trán hói bóng lưỡng, có một nốt ruồi lớn màu đen trên một cánh mũi. Ông mặc Âu phục, chiếc vest bó cứng bụng, còn quần lại rất rộng. Ông lầu bầu rên rỉ rướn người ra khỏi xe. Giày vừa chạm đất, ông bước ngay vào nhà, làm như thể không trông thấy một ai, dù ai nấy đều cúi chào ông, người lật đật mở cửa, người đỡ túi xách, đón áo khoác của ông. Cô gái trẻ theo sau ông vào nhà, cô nhìn mọi người mỉm cười, điệu bộ tựa như họ đứng đó để tiếp đón cô. Cô chưa khuất khỏi cửa, tôi đã nghe một gia nhân bảo một người khác: - Bà Năm trẻ quá, đến nỗi chẳng mang theo người hầu, chỉ rước theo chị vú.

Tôi ngước lên thấy mẹ từ trên cửa sổ nhìn xuống mọi việc. Thế là mẹ đã biết ông Vũ Sinh vừa lấy thêm người thiếp thứ tư, một món đồ mua vui trang trí cho chiếc xe hơi mới.

Mẹ tôi không ghen tỵ với thiếu nữ trẻ, giờ được gọi là bà Năm. Ghen làm gì chứ? Mẹ đâu có yêu thương gì ông Vũ Sinh. Phụ nữ Trung Hoa không lấy chồng vì tình yêu. Họ lấy chồng vì địa vị. Còn địa vị của mẹ tôi, sau này tôi mới biết là địa vị kém nhất.

Sau khi ông Vũ Sinh và bà Năm về nhà, mẹ thường ở trong phòng thêu thùa. Buổi chiều, hai mẹ con thường yên lặng đón xe vào thành phố, tìm mua một khúc lụa mà mẹ không thể gọi tên màu. Nỗi bất hạnh của mẹ cũng thế. Mẹ không gọi được tên nó.

Thế là mọi việc dường như êm ả trôi qua, nhưng tôi biết không phải vậy. Quý vị có lẽ tự hỏi sao một đứa trẻ chín tuổi có thể biết những điều này. Chính tôi cũng thắc mắc. Tôi chỉ nhớ mình thấy khó chịu vô cùng, trong bụng tôi có thể cảm nhận điều gì đó kinh khủng sắp xảy ra. Tôi có thể nói rằng, bụng tôi đau quặn gần như y hệt 15 năm sau đó, khi bọn Nhật bắt đầu thả bom xuống và lắng nghe tiếng ì ầm từ đằng xa vọng lại, tôi biết bão tố sắp xảy đến không thể ngăn chặn nổi nữa.

Vài ngày sau khi ông Vũ Sinh trở về, nửa đêm khi đang say ngủ, tôi bị mẹ lắc lắc vai đánh thức dậy.

- An Mỹ, con ngoan nào. - giọng mẹ mệt mỏi - Con sang phòng Hàn Giang ngủ nhé.

Tôi dụi dụi mắt và chợt nhìn thấy một bóng đen. Ông Vũ Sinh. Tôi bật khóc.

- Yên đi con. Không có chuyện gì đâu. Sang phòng Hàn Giang đi. - Mẹ thì thầm.

Mẹ bế tôi ra khỏi giường, chầm chậm đặt xuống sàn nhà lạnh ngắt. Tôi nghe chiếc đồng hồ gỗ ngân nga khúc nhạc, còn ông Vũ Sinh, giọng trầm trầm than trời lạnh quá. Tôi sang phòng Hàn Giang, dường như chị đang đợi tôi và biết tôi sẽ khóc.

Sáng hôm sau, tôi không được phép gặp mẹ. Nhưng tôi thấy mặt bà Năm cũng sưng vù như mặt tôi. Bữa điểm tâm hôm đó, ngay trước mặt mọi người, cô ta đã nổi giận la mắng một gia nhân tàn tệ vì bà phục vụ cô ta quá chậm chạp. Mọi người, ngay cả mẹ tôi đều nhìn cô ta bất bình trước cách cư xử thô bạo đối với đầy tớ như thế. Tôi thấy ông Vũ Sinh trừng mắt nhìn cô ta như kiểu cha nhìn con khiến cô ta khóc òa. Thế mà lát sau cũng trong buổi sáng ấy, bà Năm đã cười tươi, tung tăng khắp nơi trong bộ quần áo mới, đôi giày mới.

Chiều hôm đó, lần đầu tiên mẹ nói đến nỗi bất hạnh của mình. Mẹ con tôi đang ngồi trên xe kéo trên đường ra cửa hiệu mua chỉ thêu. Mẹ khóc. - Con có thấy đời mẹ nhục nhã biết bao? Con có thấy mẹ chẳng có chút địa vị nào cả? Lão mang về nhà một con vợ mới, một đứa hạ lưu đen đúa thô tục, mua chỉ có mấy đô-la trong một gia đình dân quê nghèo nàn làm gạch ngói. Rồi ban đêm khi không còn sử dụng được nó nữa, lão mới mò đến mẹ, người nồng nặc toàn mùi bùn hôi hám của nó.

Mẹ vừa khóc vừa lảm nhảm như một mụ điên. - Con thấy chưa, vợ Tư còn thua kém cả vợ Năm. An Mỹ, con không được quên nghe không. Trước kia mẹ là vợ Nhất, vợ chánh thất của một nhà nho. Mẹ con không phải lúc nào cũng là vợ Tư, Sz Tai đâu!

Mẹ nói chữ Sz một cách khinh bỉ, căm phẫn đến độ tôi run sợ. Nghe hệt như từ “Sz” có nghĩa là chết. Tôi nhớ ngoại có lần bảo rằng số bốn là một số hết sức xui xẻo vì nếu ta đọc nó bằng giọng giận dữ, lúc nào nó cũng trại sang nghĩa khác.

*

* *

Mùa sương giá đến. Trời se lạnh. Bà Hai, bà Ba cùng con cái và gia nhân đã quay về ngôi nhà ở Tiên Sơn. Ngày họ trở về thật là huyên náo. Ông Vũ Sinh cho phép chính chiếc xe hơi mới đến nhà ga đón họ, nhưng đương nhiên là đâu đủ chỗ chở tất cả về được. Thế là sau lưng xe hơi có đến gần một chục chiếc xe kéo nhún lên nhún xuống như đàn dế theo đuôi một con cánh cam bự bóng người. Xe đỗ, đoàn phụ nữ tràn ra.

Mẹ đứng sau lưng tôi, sẵn sàng chào đón mọi người. Một bà mặc chiếc váy ngoại quốc giản dị, đi đôi giày xấu xí tiến đến chúng tôi. Ba cô gái, một người bằng tuổi tôi, theo sau bà.

- Ðây là bà Ba và ba con gái - mẹ tôi giới thiệu.

Ba cô gái còn xấu hổ hơn cả tôi. Họ cúi đầu xúm xít quanh chân bà Ba chẳng nói tiếng nào. Còn tôi thì cứ giương mất ngó. Ba cô con gái cũng tầm thường như bà mẹ: răng to, môi dày, mày rậm như chổi xể. Bà Ba vồn vã chào hỏi tôi và cho phép tôi mang một túi xách cho bà.

Tôi cảm thấy bàn tay mẹ cứng đờ trên vai tôi, bà thì thầm: - Còn đây là bà Hai. Bà muốn con gọi bà là Má Lớn.

Một bà khoác chiếc áo lông thú màu đen bên ngoài bộ Âu phục màu sậm rất đỏm dáng. Trên tay bà bế một cậu bé hai má bầu bĩnh hồng hồng, khoảng hai tuổi.

- Ðấy là Hoa Nhi, em trai út của con đấy - mẹ tôi bảo khẽ. Bé đội một chiếc mũ làm bằng lông thú, ngón tay nhỏ xíu đang mân mê vòng quanh xâu chuỗi hạt trai dài của bà Hai. Tôi tự hỏi sao bà lại có đứa con bé như thế. Bà Hai trông cũng phương phi, khỏe mạnh, nhưng đã lớn tuổi quá rồi, có lẽ đã đến 45. Bà trao thằng bé cho một gia nhân và bắt đầu ra lệnh cho đám đày tớ đang vây quanh.

Bà Hai bước về phía tôi, miệng mỉm cười, chiếc áo lông của bà ngời lên theo mỗi bước chân. Bà giương mắt ngó tôi như đang dò xét, như thể đã nhận biết tôi. Cuối cùng bà mới mỉm cười vỗ vỗ lên đầu tôi. Rồi đôi tay nhỏ nhắn của bà duyên dáng tháo xâu chuỗi ngọc trai ra và đeo vào cổ tôi.

Tôi chưa hề được chạm đến một món nữ trang nào đẹp như thế. Nó làm theo kiểu Tây phương, một xâu chuỗi dài, hạt nào cũng đều đặn một màu hồng hồng, có một chiếc khóa bạc để cài hai đầu dây lại với nhau.

Mẹ tôi phản đối tức thì - Nó còn bé quá, cho nó làm gì. Nó sẽ làm đứt hay làm mất thôi.

Nhưng bà Hai chỉ bảo tôi. - Một cô bé xinh xắn như thế này cần đeo một thứ gì đó cho rạng rỡ khuôn mặt.

Nhìn điệu bộ mẹ tôi yên lặng rụt tay lại, tôi biết mẹ đang giận. Mẹ không ưa bà Hai. Tôi phải thận trọng trong việc bộc lộ tình cảm của mình: chớ để mẹ nghĩ rằng bà Hai đã lấy lòng được tôi. Nhưng tôi sướng ra mặt vì bà Hai đã dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt này.

- Con xin cám ơn Má Lớn.

Tôi nhìn xuống để bà không trông thấy mặt tôi, nhưng tôi không sao ngăn nổi mình mỉm cười.

—★—

Chiều hôm đó khi hai mẹ con dùng trà trong phòng, tôi biết mẹ rất giận. Mẹ nói:

- An Mỹ này, con hãy cẩn thận. Ðiều con nghe không chân thật đâu. Bà ta tay này kéo mây, tay kia làm mưa. Bả muốn lừa con để con làm mọi việc theo ý bả.

Tôi ngồi yên, cố không để tai lời mẹ nói. Tôi nghĩ mẹ sao cứ ca cẩm hoài, có lẽ nỗi bất hạnh của bà phát sinh từ những lời càu nhàu đó. Làm sao để đừng nghe bà nói nữa.

- Ðưa xâu chuỗi cho mẹ - Mẹ đột nhiên bảo tôi.

Tôi nhìn mẹ bất động.

- Con không tin mẹ, vậy con phải đưa mẹ xâu chuỗi. Mẹ không để mụ ấy mua con với cái giá rẻ mạt thế đâu.

Tôi vẫn không nhúc nhích. Mẹ bèn đứng dậy bước sang chỗ tôi và tháo xâu chuỗi ra. Tôi chưa kịp khóc la phản đối thì bà đã quăng nó xuống chân và lấy giày đạp lên, rồi thảy nó lên bàn. Cái xâu chuỗi đã làm chao đảo trái tim khối óc tôi giờ lộ rõ một viên thủy tinh vỡ.

Mẹ tháo cái hột vỡ ra và thắt dây lại để xâu chuỗi trông vẫn nguyên vẹn. Mẹ bảo tôi đeo nó mỗi ngày trong vòng một tuần để nhớ rằng tôi đã bán rẻ mình để lấy một thứ đồ giả một cách quá dễ dàng. Khi tôi đã đeo xâu chuỗi ngọc trai giả này đủ lâu để nhớ bài học ấy, mẹ bảo tôi tháo nó ra. Rồi mẹ mở một cái hộp, quay lại hỏi tôi: - Bây giờ con phân biệt được thật giả rồi chứ?

Tôi gật đầu.

Mẹ đặt vào tay một vật. Một chiếc nhẫn thật nặng bằng lam ngọc, chính giữa có đính một ngôi sao trong suốt, cứ mỗi lần ngắm chiếc nhẫn thì tôi lại lặng người chiêm ngưỡng.

Trước khi sang tháng đông thứ hai, bà Nhất từ Bắc Kinh trở về. Bà Nhất có một căn nhà ở Bắc Kinh và sống với hai cô con gái chưa lập gia đình. Tôi nhớ hồi đó mình nghĩ bà Nhất sẽ làm cho bà Hai cúi đầu tuân phục. Vì bà Nhất là vợ chính thất, theo pháp luật và theo tục lệ.

Hóa ra bà Nhất chỉ là một bóng ma sống, chẳng đe dọa gì bà Hai, người có vía rất mạnh. Bà Nhất trông thật là yếu đuối, cổ lỗ, thân hình bà tròn trịa chân thì bó, bộ đồ xẩm kiểu xưa, gương mặt nhăn nheo, tầm thường. Giờ nhớ lại, tôi chắc bà không già lắm đâu, có lẽ trạc tuổi ông Vũ Sinh, nghĩa là khoảng năm mươi.

Lúc mới gặp bà Nhất, tôi tưởng bà mù. Bà làm như không thấy tôi. Không thấy ông Vũ Sinh, không thấy mẹ tôi. Vậy mà bà trông thấy hai cô con gái của mình: hai cô gái già đã quá tuổi lấy chồng, họ ít nhất đã hai mươi lăm. Bà lúc nào cũng lấy lại thị lực kịp lúc để mắng hai con chó chạy vào ngửi ngửi phòng bà, đào bới đất vườn bên ngoài cửa sổ hay đái bậy vào chân bàn.

- Sao bà Nhất lúc thấy lúc không vậy chị? - Tôi hỏi Hàn Giang một đêm nọ khi chị tắm cho tôi.

Bà Nhất bảo bà chỉ nhìn thấy điều thiện mỹ của đức Phật. Còn đối với phần lớn lỗi lầm thì bà sẽ mù không thấy.

Hàn Giang bảo bà Nhất cố tình giả mù trước nỗi bất hạnh trong cuộc hôn nhân của mình. Bà và ông Vũ Sinh đã được tác hợp trong “thiên địa”, do đó cuộc hôn nhân của hai người là một cuộc hôn nhân tinh thần do mai mối dàn xếp, tuân theo lệnh của cha mẹ đôi bên và được hương hồn của tổ tiên che chở. Ấy thế mà sau một năm chung sống, bà Nhất lại hạ sinh một bé gái chân dài chân quá ngắn. Ðiều vô phúc này khiến bà Nhất siêng lui tới chùa chiền, thắp hương, bố thí, may áo lụa vàng dâng Phật, khẩn cầu đức Phật làm cho chân con gái bà được dài ra. Kết quả là đức Phật ban cho bà một bé gái khác, lần này nó có đôi chân hoàn hảo, nhưng - ôi thôi - một vết chàm nâu đang bao phủ nửa gương mặt con bé. Sau tai ương lần thứ hai này, bà Nhất lên đường đi hành hương đến Chí Nam, nửa ngày đường xe lửa về phương Nam, thường xuyên đến nỗi ông Vũ Sinh mua cho bà một ngôi nhà gần Phật Vạn Sơn và Trúc Lâm Mạc Thủy. Mỗi năm ông lại tăng thêm số tiền trợ cấp cho bà để cai quản nhà cửa ở đó. Thế nên một năm hai lần, vào hai tháng nóng nhất và lạnh nhất trong năm, bà trở về Tiên Sơn để viếng thăm chồng và chịu đựng những cảnh không hay trong nhà chồng. Mỗi lần trở về, bà ở lì trong phòng, ngồi suốt ngày như đức Phật, hút thuốc phiện, nói chuyện lầm rầm với chính mình. Bà không xuống nhà dùng cơm. Bà nhịn đói hay ăn chay trong phòng. Mỗi tuần một lần, ông Vũ Sinh lên phòng thăm bà vào khoảng chín mười giờ, ngồi uống trà thăm hỏi sức khỏe bà trong nửa giờ. Ông chẳng hề làm phiền bà vào ban đêm.

Bóng ma ấy chẳng hành hạ gì mẹ tôi, mà thực ra đã gieo vào đầu mẹ những ý tưởng. Bà tin rằng bà cũng đã chịu đựng nhiều và xứng đáng được hưởng một căn nhà riêng, có lẽ không phải ở Chí Nam mà ở tỉnh Bắc Tài Hồ nhỏ bé ở phía đông, vùng nghỉ mát ven biển xinh đẹp đầy những sân chơi, vườn tược và các góa phụ giàu có.

- Mẹ con ta sẽ sống trong nhà riêng của chúng ta - mẹ vui mừng báo cho tôi biết vào ngày tuyết bắt đầu rơi xuống khắp nhà. Mẹ mặc chiếc áo lụa mới viền lông thú màu ngọc lam sáng. Nhà mình sẽ không lớn như nhà này, sẽ rất nhỏ. Nhưng chúng ta sẽ sống với nhau, với Hàn Giang và vài gia nhân khác. Ông Vũ Sinh đã hứa cho mẹ rồi.

Trong tháng đông lạnh giá nhất, người lớn cũng như trẻ con, tất cả đều thấy buồn tẻ. Chúng tôi không dám đi ra ngoài. Hàn Giang đe rằng da tôi sẽ cóng lại và nứt ra hàng ngàn mảnh. Các tôi tớ khác thì kháo nhau đủ mọi thứ chuyện nhìn thấy được ngoài phố.

Thế là chúng tôi ru rú ở trong nhà hết ngày này sang ngày khác, tìm mọi cách để giải trí. Mẹ xem các tạp chí ngoại quốc, cắt ra những mẫu áo quần mẹ thích rồi đi xuống nhà, bàn với thợ may cách dùng các loại vải có sẵn để lên áo như thế nào.

Hàn Giang và tôi thường rang hạt dẻ trên bếp than, vừa thổi vừa ăn hạt dẻ nóng hổi và đương nhiên là cùng cười khúc khích và tán đủ thứ chuyện gẫu. Tôi nghe tiếng đồng hồ điểm “cling, cleng” và bài ca u buồn lại vang lên. Hàn Giang giả bộ ca ô-pê-ra ồm ồm làm cả hai rú lên cười, nhớ lại màn biểu diễn hát của bà Hai tối hôm qua, giọng bà run lẩy bẩy, lại còn đệm đàn nguyệt trật lất nữa chứ. Màn ca hát của bà hành hạ hết thảy mọi người, cho đến khi ông Vũ Sinh tuyên bố đã hết sức chịu đựng bằng cách lăn ra ngủ khì trong ghế. Nhân khi cười vui đó, Hàn Giang bèn kể cho tôi nghe một câu chuyện về bà Hai.

“Cách nay hai mươi năm, bà là một ca sĩ nổi tiếng vùng Sơn Đông, một phụ nữ được kính trọng, đặc biệt trong giới các ông đã có vợ thường lui tới trà đình tửu quán. Bà không đẹp, nhưng khôn khéo, biết cách quyến rũ mê hoặc đàn ông. Bà biết chơi nhiều loại nhạc cụ ca cổ, giọng trong leo lẻo làm xúc động lòng người, biết nũng nịu làm duyên làm dáng, biết xếp đôi chân nhỏ xíu kiểu cách.

Ông Vũ Sinh hỏi bà về làm thiếp, không phải vì tình yêu mà vì muốn tạo uy tín đã sỡ hữu được thứ mà bao nhiêu đàn ông khác thèm muốn. Ca sĩ này sau khi trông thấy tài sản đồ sộ và người vợ cả nhu nhược của ông, đã bằng lòng.

Ngay từ đầu, bà Hai đã biết cách kiểm soát tiền bạc của ông Vũ Sinh. Thấy gương mặt ông xanh lè mỗi khi nghe tiếng gió thổi là bà biết ông rất sợ ma. Mọi người đều biết tự vẫn là cách duy nhất để một phụ nữ thoát khỏi cuộc hôn nhân và trả thù, làm bóng ma trở lại vung vẫy lá trà và phân tán của cải. Thế là khi ông từ chối không chịu cho bà một số tiền lớn, bà bèn giả chết. Bà nhai một miếng thuốc phiện sống đủ để ngã bệnh, rồi sai tớ gái báo với ông Vũ Sinh rằng bà đang hấp hối. Ba ngày sau đó, bà Hai nhận được món tiền còn nhiều hơn số bà đòi trước đây.

Bà giả chết hoài, bọn gia nhân các chị đâm nghi rằng bà không thèm ăn thuốc phiện làm chi nữa vì trò đóng kịch của bà cũng đủ hiệu lực rồi. Chẳng bao lâu bà hưởng được một căn phòng tốt hơn, có xe kéo riêng, có nhà riêng cho hai bố mẹ già, có tiền để ban lộc cho đền chùa.

Nhưng bà không có một thứ: con cái. Bà biết ông Vũ Sinh chẳng bao lâu nữa sẽ mong ngóng một cậu con trai để nối dõi tông đường. Thế nên trước khi để ông Vũ Sinh than phiền về việc bà Hai không đẻ con trai, bà bảo: - Tôi đã tìm được một nàng hầu để đẻ con trai cho ông. Cứ trông người cô ta là biết ngay vẫn còn trinh. Quả đúng như vậy. Bà Ba xấu như ma. Thậm chí còn không có đôi bàn chân bó nhỏ.

Đương nhiên bà Ba rất mang ơn bà Hai, thế nên đâu có chuyện tranh chấp về cai quản gia đình. Và mặc dù bà Hai chẳng cần động đến móng tay, bà coi sóc chuyện mua lương thực, đồ dùng, chuyện thuê mướn gia nhân và mời họ hàng đến dự lễ tiệc. Bà tìm vú nuôi cho cả ba cô con gái của bà Ba. Sau này, khi ông Vũ Sinh sốt ruột mong có con trai, và bắt đầu trác táng ở các trà đình trong các tỉnh khác, bà Hai bèn sắp xếp để mẹ em trở thành thiếp thứ ba và vợ thứ tư của ông.”

Hàn Giang thuật lại câu chuyện một cách hết sức tự nhiên và sống động đến nỗi tôi vỗ tay tán thưởng kết cục khéo léo của chị. Chúng tôi tiếp tục nhai hạt dẻ, cho đến khi tôi im lặng không nỗi nữa. - Bà Hai làm cách nào để mẹ em lấy ông Vũ Sinh? - Tôi rụt rè hỏi.

- Con nít không hiểu nổi chuyện đó đâu! - Chị mắng.

Tôi cúi đầu lặng yên. Rồi tiếng Hàn Giang bồn chồn vang lên, như thể tự bạch:

“Mẹ em là người quá tốt đối với gia đình này. Cách đây năm năm mẹ em và chị đến Hàng Châu để viếng Lục Hòa Tự phía bên kia Hồ Tây. Cha em mới mất được một năm, ông là một học giả đáng kính, tận tâm với lục đức của Phật giáo được trân trọng cất giữ trong ngôi chùa này. Mẹ em dập đầu khấn xin đức Phật cho thân, trí, ngôn được giao hòa, xin tránh vinh hoa, tránh khẩu nghiệp. Khi xuống thuyền sang sông, mẹ và chị ngồi đối diện một người đàn ông và một người đàn bà. Ðó là ông Vũ Sinh và bà Hai.

Ông Vũ Sinh chắc hẳn phải nhận thấy ngay vẻ đẹp của mẹ em. Hồi đó, mẹ em để tóc dài đến tận thắt lưng, bới cao trên đỉnh đầu. Da bà trắng hồng, mịn màng, sáng đẹp lạ thường. Trong bộ đồ tang chế trắng toát bà vẫn đẹp! Nhưng vì là một góa phụ, trên nhiều phương diện bà chẳng là gì cả. Bà không thể tái giá.

Nhưng điều đó không ngăn được bà Hai. Bà đã chán thấy cảnh tiền bạc trong nhà bị hoang phí trong khắp các trà đình tửu quán. Số tiền trong tay ông đó cũng đủ để nuôi thêm năm bà vợ nữa! Bà nóng lòng muốn dập tắt thói ăn chơi của ông Vũ Sinh. Thế là bà Hai âm mưu với ông Vũ Sinh để dụ mẹ em vào giường.

Bà bắt chuyện với mẹ em và biết ngày kế mẹ sẽ đến Linh Yên Tự. Thế là bà Hai cũng đến đó. Nói chuyện thân mật một hồi, bà mời mẹ em về nhà ăn cơm tối. Cô đơn không có người nói chuyện, mẹ em vui vẻ nhận lời. Sau bữa ăn, bà Hai bảo: - Em có biết chơi mạt chược không? Chơi dở cũng không sao đâu. Trong nhà có ba người đâu đủ tay bài, tối mai em ghé lại chơi nhé!

Tối hôm sau, sau khi chơi mạt chược rất lâu, bà Hai ngáp dài và ép mẹ em ở lại ngủ đêm. - Ở lại đây! Ở lại đây! Chớ có khiếm nhã thế! Làm vậy chị bực lắm. Việc gì phải đánh thức thằng phu kéo xe chứ? Nhìn này, giường chị rộng lắm, đủ hai người nằm mà.

Nửa đêm, khi mẹ em say ngủ trên chiếc giường của bà Hai, bà thức dậy, rời khỏi giường để ông Vũ Sinh vào thế chỗ. Khi mẹ em thức dậy, thấy ông Vũ Sinh đang sờ soạng bên dưới lớp quần áo lót, mẹ em bèn nhảy khỏi giường. Ông ta túm tóc mẹ em ném xuống sàn nhà, lấy chân chận lên cổ và ra lệnh cho mẹ em cởi quần áo. Khi ông đè mẹ em, bà chẳng la cũng chẳng khóc.

Sáng sớm hôm sau, mẹ lên xe kéo ra về, tóc xổ tung, mặt ràn rụa nước mắt. Mẹ chỉ thuật lại sự việc cho mỗi mình chị nghe. Còn bà Hai thì đi kể lể với bao nhiêu người rằng một mụ góa trơ tráo đã dụ dỗ ông Vũ Sinh vào giường. Làm cách nào một góa phụ hèn kém buộc tội một người đàn ông giàu có là nói láo được chứ?

Thế nên khi ông Vũ Sinh hỏi mẹ em làm thiếp để đẻ con trai cho ông ta, mẹ em còn chọn lựa nào khác nữa chứ? Bà đã bị coi thường như một con điếm. Khi trở về nhà người anh dập đầu chào ba lần, mẹ em đã bị anh đá, bị mẹ ruột cấm cửa vĩnh viễn không được vào nhà. Thế nên mãi đến khi bà ngoại em mất, em mới được gặp lại mẹ. Mẹ em đến Tiên Sơn sống để giấu nỗi nhục trong sự giàu có của ông Vũ Sinh. Ba năm sau, mẹ em sinh được một trai, và bà Hai nhận đó là con bà.”

- Và thế là chị đến sống trong nhà ông Vũ Sinh, - Chị Hàn Giang tự hào kết luận.

Thế là tôi biết bé Hoa Di sự thực là con ruột của mẹ tôi và là em trai út của tôi. Lẽ ra Hàn Giang không nên kể cho tôi nghe chuyện đời của mẹ. Người ta phải giữ bí mật ở xa trẻ con, như đậy chiếc vung trên nồi xúp để sự thật không sôi bùng trào ra ngoài.

Bây giờ tôi đã rõ mọi sự. Tôi đã nghe thấy những điều trước đây tôi không hề hiểu.

Tôi đã thấy tâm địa của bà Hai.

Tôi thấy bà thường cho bà Năm tiền để về quê nghèo và khuyến khích cô gái ngu ngốc này “khoe với bạn bè, gia đình em, cho họ thấy bây giờ em giàu sang thế này đây!” Và đương nhiên những chuyến về thăm làng như vậy luôn nhắc ông Vũ Sinh nhớ đến xuất thân hạ tiện của cô gái, ông thấy mình sao khờ dại để cái xác thịt trần tục của cô ta quyến rũ như vậy.

Tôi thấy bà Hai dập đầu kính cẩn bái lễ bà Nhất, nhưng lại đưa bà thêm nhiều thuốc phiện. Tôi đã hiểu tại sao quyền lực của bà Nhất đã bị rút tỉa hết.

Tôi thấy bà Ba lo sợ biết bao khi bà Hai kể cho bà nghe những câu chuyện về các hầu thiếp già bị đuổi ra đường. Tôi biết tại sao bà Ba nơm nớp để ý đến sức khỏe và niềm vui của bà Hai.

Tôi thấy mẹ đau đứt ruột khi bà Hai bế bé Hoa Di trong lòng, tưng tiu, nựng nịu, hôn hít như con ruột của mình, lại còn bảo: - Ngày nào mẹ là mẹ của con, con sẽ không bao giờ nghèo, không bao giờ khổ. Con sẽ lớn lên thừa hưởng cái gia tài này, trông nom lúc mẹ tuổi già.

Và tôi biết sao mẹ cứ khóc hoài trong phòng. Ông Vũ Sinh đã hứa cho mẹ một căn nhà vì mẹ đã đẻ cho ông ta đứa con trai duy nhất - Nhưng lời hứa đã biến mất ngày bà Hai giả chết một lần nữa. Mẹ biết. Mẹ chẳng thể làm gì đế lấy lại lời hứa đó.

Tôi đã đau đớn chịu đựng biết sao sau khi Hàn Giang kể tôi nghe chuyện đời của mẹ. Tôi muốn mẹ hét vào mặt ông Vũ Sinh, vào mặt bà Hai, vào mặt Hàn Giang nữa vì chị đã sai lầm kể cho tôi nghe những câu chuyện này. Nhưng mẹ đâu có quyền làm thế. Mẹ đâu có đường nào lựa chọn.

—★—

Hai ngày trước Tết âm lịch, Hàn Giang đánh thức tôi dậy khi bên ngoài trời còn tối om.

- Nhanh lên! - Chị vừa khóc vừa kéo tôi chạy theo khi tôi còn chưa hết ngái ngủ.

Phòng mẹ tôi sáng rực. Vừa bước vào trông thấy mẹ, tôi chạy ngay đến bên giường. Mẹ nằm ngửa, tay chân giật liên hồi. Mẹ như một chiến binh vung tay vung chân đều bước đến một nơi vô định, đầu hết quay phải lại quay trái. Rồi toàn thân mẹ thẳng chừ, ngay đơ, tựa như muốn duỗi hết thân ra khỏi xác. Hàm của mẹ trễ xuống và tôi thấy lưỡi của bà sưng phồng, mẹ ho rũ rượi như để tống văng nó ra.

- Mẹ ơi tỉnh dậy! - Tôi thầm thì gọi. Rồi tôi quay lại và thấy mọi người đều đứng đó, ông Vũ Sinh, Hàn Giang, bà Hai, bà Ba, bà Năm, lương y.

- Bà dùng nhiều thuốc phiện quá - Hàn Giang khóc. - Lương y đành bó tay. Bà đã tự đầu độc mình.

Thế là họ chẳng làm gì cả, chỉ chờ đợi. Tôi cũng phải đợi suốt bao nhiêu giờ đằng đẵng.

Âm thanh duy nhất vang lên là tiếng thiếu nữ trong đồng hồ dạo vĩ cầm. Tôi muốn thét lên bảo cái đồng hồ im ngay tiếng động vô nghĩa ấy đi, nhưng không thể.

Tôi lặng nhìn mẹ vùng vẫy trên giường. Tôi muốn nói những lời xoa dịu thể xác và tinh thần mẹ, thế nhưng cũng như mọi người khác, tôi đứng đó, im lặng, chờ đợi.

Chợt tôi nhớ lại câu chuyện mẹ kể về con rùa nhỏ và lời nó khuyên răn chớ nên khóc. Tôi muốn thét lên bảo mẹ rằng thế có ích gì đâu. Ðã có quá nhiều nước mắt rồi. Tôi cố nuốt những giọt nước mắt, nhưng lệ trào ra nhanh quá, và cuối cùng đôi môi mím chặt của tôi bật mở và tôi òa khóc, khóc hoài khóc mãi, cho mọi người no nê tiếng khóc của tôi.

Tôi ngất đi và người ta khiêng tôi về giường của Hàn Giang. Thế là buổi sáng hôm ấy, khi mẹ đang hấp hối, tôi nằm mơ, thấy mình rơi từ trên trời xuống đất, lọt vào một ao nước. Tôi hóa thành một con rùa nhỏ nằm dưới đáy ao.

Tôi có thể nhìn thấy hàng ngàn mỏ chim ác là đang chúc xuống uống nước trên đầu tôi, chúng hót líu lo và uống nước no căng chiếc bụng trắng như tuyết. Tôi khóc sướt mướt, lệ trào ra biết bao nhiêu thế mà chúng cứ uống hoài uống hủy, cơ man nào là chim, cho đến khi tôi ráo hoảnh và ao cạn sạch, mọi thứ đều khô như cát.

—★—

Sau này, Hàn Giang bảo tôi rằng mẹ đã nghe lời của bà hai định giả chết. Láo toét! Mẹ chẳng đời nào thèm nghe lời người đàn bà gây cho mẹ bao nỗi khổ đau.

Tôi biết mẹ nghe tiếng nói của trái tim mình, bảo thôi đừng giả vờ nữa. Vì nếu không, tại sao mẹ lại chọn quyên sinh vào hai ngày trước Tết âm lịch? Tại sao mẹ lại sắp đặt cái chết của mình cẩn thận quá thể để nó biến thành vũ khí chứ?

Ba ngày trước Tết, mẹ ăn loại bánh bao ngọt, dẻo mà mọi người ăn để mừng xuân. Mẹ ăn hết cái này đến cái khác. Tôi nhớ lời nhận xét lạ lùng của mẹ. - Con thấy đời là thế đó. Con chẳng thể ăn hết đắng cay này. - Vậy là mẹ đã ăn bánh bao ngọt, nhân là một loại thuốc độc đắng nghét, chứ không phải nhân mứt hay là thuốc phiện ngây ngất như Hàn Giang và các người khác đã nhầm tưởng.

Khi thuốc độc ngấm vào cơ thể, mẹ thầm thì bảo tôi rằng thà mẹ giết linh hồn yếu đuối của mẹ để cho tôi một linh hồn mạnh mẽ hơn.

Bột dẻo bám vào nội tạng mẹ. Người ta không thể tẩy thuốc độc và thế là mẹ chết, hai ngày trước năm mới. Họ đặt mẹ lên một tấm phản gỗ ở tiền sảnh. Tang phục của mẹ còn sang trọng hơn cả y phục mẹ vận lúc còn sống. Quần áo lót bằng lụa đỏ, thân mẹ được ấm mà không cần áo khoác lông thú nặng nề. Áo ngoài bằng lụa, thêu chỉ vàng, khăn trùm đầu bằng vàng, lam ngọc và bích ngọc. Đôi hài thanh thanh, đế bằng da mềm nhất, trên mũi hài có đính hai viên ngọc trai khổng lồ để soi sáng đường mẹ lên Niết bàn.

Khi nhìn mặt mẹ lần cuối, tôi nhào vào ôm xác mẹ. Mẹ từ từ mở mắt ra. Tôi không sợ. Tôi biết mẹ có thể nhìn thấy tôi và việc mẹ đã làm. Tôi lấy tay vuốt mắt mẹ và trái tim tôi nói: Thưa mẹ con cũng có thể nhìn thấy sự thực. Con cũng mạnh như mẹ.

Vì mẹ con tôi đều biết: Ngày thứ ba sau khi chết, hồn sẽ trở về để trả thù xưa. Trong trường hợp của mẹ tôi, nó sẽ rơi vào ngày đầu năm âm lịch. Vì là đầu năm mới, nên tất cả nợ nần, thù oán phải được thanh toán, nếu không tai họa và việc xui xẻo sẽ tiếp liền.

Ngày đầu năm, vì sợ hồn ma mẹ tôi báo oán, ông Vũ Sinh mặc bộ tang phục màu trắng bằng vải thô dày nhất. Ông trình với hồn mẹ rằng ông sẽ nuôi nấng bé Hoa Di và tôi như hai đứa con cưng nhất. Ông hứa sẽ thờ kính mẹ như vợ chánh thất, vợ duy nhất của ông vậy.

Ngày hôm ấy, tôi đưa cho bà Hai xem chuỗi ngọc trai giả bà đã cho tôi rồi nghiền nát nó dưới chân tôi.

Ngày hôm đó, tóc bà Hai đã hóa bạc.

Ngày hôm đó tôi đã biết thét lên.

—★—

Tôi biết sống cuộc đời như trong giấc mơ là như thế nào. Là nghe nhìn, thức dậy và cố hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Người ta không cần bác sĩ tâm thần làm chuyện đó. Bác sĩ tâm thần đâu có muốn người ta thức dậy. Ông ta bảo bạn hãy mơ thêm đi, để tìm thấy chiếc ao và nhỏ lệ xuống đó. Và thực ra, ông ta chỉ là một con chim khác xục mỏ xuống, uống nỗi bất hạnh của bạn.

Mẹ tôi đã chịu đựng đau khổ. Bà mất thể diện và cố giấu giếm điều đó. Bà chỉ gặp nỗi bất hạnh lớn hơn và cuối cùng không thể giấu giếm nó được nữa. Chẳng còn gì để hiểu. Trung Hoa là thế. Ngày xưa con người làm thế đó. Người ta không có sự lựa chọn. Người ta không thể lên tiếng phản kháng. Người ta không thể bỏ trốn. Số phận con người là thế.

Còn bây giờ người ta có thể làm khác. Bây giờ người ta không còn phải nuốt lệ hay chịu đựng lời mắng nhiếc của lũ ác là nữa. Tôi biết điều này nhờ đọc được bản tin trên một tạp chí từ Trung Quốc.

Bản tin viết rằng hàng ngàn năm nay chim chóc đã hành hạ nông dân. Chúng kéo đàn kéo lũ đến ngó nông dân còng người trên cánh đồng, cày thửa đất khô, đổ nước mắt trên luống đất để tưới cho hạt giống. Rồi khi nông dân vừa đứng dậy, lũ chim lao xuống uống cạn nước mắt và ăn hạt giống. Thế là trẻ con chết đói.

Nhưng một ngày kia, tất cả những người nông dân nhọc nhằn này, từ khắp miền Trung Quốc đã tập hợp lại trên khắp mọi cánh đồng. Họ nhìn lũ chim ăn uống. Họ bảo nhau: - Im lặng chịu đựng như thế là đủ rồi! - Họ bắt đầu vỗ tay và lấy dùi gõ vào nồi vào chảo, miệng thét lên:

- Chết! Chết! Chết tiệt chúng bay!

Lũ chim bay cả lên trời, hốt hoảng trước cơn thịnh nộ mới lạ của nông dân, chúng vỗ đôi cánh đen bay là là đợi cho cơn huyên náo lắng dịu. Nhưng tiếng hét của nông dân ngày càng giận dữ hơn, mạnh mẽ hơn. Lũ chim mệt lả, không thể đáp xuống được, không có miếng gì để ăn. Trận chiến kéo dài nhiều giờ rồi nhiều ngày, cho tới khi tất cả lũ chim - hàng trăm, hàng ngàn rồi hàng triệu con - chập choạng nhào xuống mặt đất, bất động rồi chết, cho đến khi không còn một bóng chim trên bầu trời.

Bác sĩ tâm thần của bạn sẽ nói gì nếu tôi kể với ông ta rằng tôi đã vui mừng thét lên khi tôi đọc báo, biết được điều đó đã thực sự xảy ra.