Phía Tây Không Có Gì Lạ

Giới thiệu

“Phía Tây không có gì lạ” (tiếng Đức: Im Westen nichts Neues) của nhà văn Đức Erich Maria Remarque là cuốn tiểu thuyết được xếp vào số những tác phẩm văn học Đức ăn khách nhất thế giới, với lượng phát hành đã lên tới 20 triệu cuốn, in bằng 50 thứ tiếng. Thậm chí nó được coi là “cuốn tiểu thuyết phản chiến của thế kỷ 20”. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, anh lính trẻ Paul Bäumer, sau những ngày tháng kinh hoàng trên chiến trường cuối cùng đã ngã xuống và đoạn kết của cuốn sách là: “Anh ta chết tháng mười, năm 1918, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh, đến nỗi bản báo cáo quân đội chỉ ghi vắn tắt một dòng: Phía Tây không có gì lạ để thông báo”.

Với cái kết đó, tác phẩm của Remarque đã nói được hết sự vô nghĩa của chiến tranh. Ông viết tác phẩm này dựa trên trải nghiệm của chính mình cũng như của các đồng đội khi họ phải ra chiến trận trong Thế chiến I.

Tác phẩm lấy bối cảnh của mặt trận phía Tây (Thế chiến thứ nhất) trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Nhân vật chính và cũng là người tường thuật câu chuyện theo ngôi thứ nhất là Paul Bäumer, một người lính Đức 19 tuổi. Anh và những người bạn học cùng lớp của mình đã bị thuyết phục bởi người thầy dạy học Kantorek gia nhập quân đội đế quốc Đức để tham gia chiến tranh. Họ được đưa ra mặt trận phía Tây, nơi đang diễn ra những trận đánh ác liệt giữa liên quân Anh-Pháp và Đức. Tác phẩm đã miêu tả một cách chân thật cuộc sống chiến đấu gian khổ và tàn khốc của những người lính này trong những chiến hào của thế chiến thứ nhất khi phải thường xuyên đối mặt với những trận pháo kích cường độ cao, hơi độc và cả xe tăng của đối phương. Nhiều người bạn của Paul lần lượt ngã xuống còn bản thân anh thì ngày càng tỏ ra chán ghét chiến tranh vì những nỗi kinh hoàng mà nó mang lại cũng như chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ và những người đồng đội của anh.

Kết thúc tác phẩm là cái chết của Paul Bäumer vào một ngày tháng 10 năm 1918, một ngày mà các báo cáo quân sự từ mặt trận phía Tây chỉ chứa gọn một câu “Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh” và nó đã được lấy làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết. Tác phẩm kết thúc bằng gương mặt yên bình của Bäumer khi chết và có vẻ như anh sung sướng vì sự kết thúc đã đến.


Cuốn sách này không phải là một bản cáo trạng, cũng không phải là một bản phát biểu chính kiến. Nó chỉ thử nói về một thế hệ bị chiến tranh hủy hoại. Ngay cả khi thế hệ ấy đã thoát khỏi những viên đạn đại bác.