Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 5

Người ta đang thì thào nói đến một trận tấn công. Chúng tôi lên tuyến thứ nhất sớm hơn lệ thường hai ngày. Dọc đường, chúng tôi đi qua một ngôi trường bị đại bác phá hoại. Hai dãy quan tài sáng màu, mới tinh, đóng bằng ván không bào, xếp dọc ngôi nhà, thành một bức tường kép cao ngất.

Chúng còn sặc mùi nhựa, mùi gỗ thông và mùi rừng, ít ra là một trăm chiếc.

- Trận tấn công được chuẩn bị kỹ nhỉ! - Muynlơ nói, có vẻ ngạc nhiên.

- Để cho cánh mình đấy mà. - Đêtơrinh lằm bằm.

- Bậy nào! - Cát mắng nó.

- Nếu cậu được một cái áo quan thì còn phúc cho cậu đấy - Jađơn cười khẩy, - khéo họ chỉ cho cái hạng bia đỡ đạn các cậu một miếng vải bạt thôi.

Những đứa khác cũng ném ra những câu bông đùa, những câu bông đùa không thú vị gì mấy, vì chúng tôi còn biết nói gì hơn? Những quan tài ấy dành cho chúng tôi thật. Đối với những chuyện ấy việc tổ chức thật là đâu ra đấy.

Khắp nơi, phía trước chúng tôi, có một cái gì đang ngấm ngầm. Đêm đầu tiên, chúng tôi thử tìm phương hướng. Khu vực này tương đối yên tĩnh, nên chúng tôi có thể nghe rõ tiếng xe vận tải chạy liên miên ở hậu tuyến quân địch, cho đến lúc tảng sáng. Cát nói chúng nó không rút đâu, chúng chở thêm quân lính, đạn dược và đại bác đến đấy.

Pháo binh quân Anh được tăng viện, chúng tôi nhận thấy ngay. Phía bên phải khu trại, ít ra phải có thêm bốn khẩu 205 nữa và sau thân cây bạch dương chúng nó đặt những khẩu phóng bom. Ngoài ra, còn không biết bao nhiêu là thứ súng quái ác bắn pháo hiệu nổ của tụi Pháp.

Tinh thần sút kém. Chúng tôi nấp trong hầm đến hai tiếng đồng hồ; này đây, chính pháo binh nhà mình lại dọt xuống chiến hào của chúng tôi. Đây là lần thứ ba trong vòng bốn tuần lễ. Nếu chỉ là tính toán nhầm thì cũng chẳng ai bảo sao, nhưng lại là do nòng đại bác mòn quá, làm cho đường đạn đi chệch choạc, nhiều lần đạn rơi vung vãi cả vào khu vực chúng tôi.

Đêm nay, chúng tôi có hai người bị thương vì thế.

Trận địa là một cái lồng trong đó người ta phải ngồi đợi một cách bứt rứt những biến cố xảy ra.

Chúng tôi nằm dưới một lớp lưới do đường đạn trái phá tạo nên và chúng tôi sống trong trạng thái căng thẳng, không biết cái gì sẽ đến. Sự may rủi bay lượn trên đầu. Khi một viên đạn bắn tới, tôi chỉ còn biết cúi xuống, thế thôi. Tôi không thể biết chính xác nó sẽ rơi xuống đâu, và cũng chẳng tài gì thay đổi được điểm rơi của nó.

Chính sự may rủi đã làm chúng tôi thản nhiên.

Cách đây vài tháng, có lần tôi ngồi trong một hầm trú ẩn đánh bài; một lát sau, tôi đứng dậy, đi thăm vài tay quen ở một hầm khác. Khi tôi quay lại, cái hầm thứ nhất đã tan tành không còn một mảnh; nó đã bị một quả đại bác hạng nặng nghiền nát như tương. Tôi quay lại cái hầm thứ hai, thì cũng vừa kịp đến để giúp vào việc thu dọn, vì cũng vừa đến lượt nó bị phá hủy.

Thật là do tình cờ mà thoát cũng như do tình cờ mà bị. Trong một cái hầm “tha hồ bom dội”, tôi có thể bị tan xác ra từng mảnh, thế mà có khi nằm trơ ra ngoài trời mười giờ liền dưới trận mưa đại bác, có thể tôi chẳng bị qua vết thương nào. Chính nhờ sự may rủi mà người lính sống sót. Cho nên bất kỳ anh lính nào cũng tin tưởng và tín nhiệm cái rủi may.

Chúng tôi phải để ý đến cái khoản bánh. Gần đây, từ dạo các chiến hào không được trông nom cẩn thận, chuột sinh sôi nảy nở ra nhiều quá. Đêtơrinh cho đó là triệu chứng thế nào cũng sắp có chuyện đây.

Những con chuột ở đây, kinh tởm một cách đặc biệt, vì chúng to ghê quá. Đó là thứ chuột mà người ta thường gọi là: “Chuột xác chết”. Chúng có cái đầu gớm ghiếc, dữ tợn, trọc lốc và chỉ nhìn cái đuôi dài nghêu, nhẵn thín của chúng người ta cũng đủ phát ốm.

Chúng có vẻ rất đói ăn. Chúng đã gặm bánh mì của hầu hết mọi người. Cốp đã phải bọc bánh của nó vào trong một miếng vải bạt rồi gối đầu lên. Nhưng nó không thể ngủ yên được vì lũ chuột chạy cả lên mặt nó để mò đến cái bánh. Đêtơrinh muốn tỏ ra láu hơn; nó buộc lên trần nhà một sợi dây thép nhỏ rồi móc cái túi dết trong có cái bánh vào đấy. Ban đêm, lúc bấm đèn túi lên, nó thấy cái dây đang đung đưa, thì ra một chú chuột béo thật lực đang cưỡi lên cái bánh của nó.

Cuối cùng chúng tôi phải đi tới một quyết định.

Chúng tôi cắt bỏ cẩn thận những chỗ bánh bị chuột gặm đi; bất luận thế nào, chúng tôi cũng không thể vất cả cái bánh đi được, vì làm thế thì ngày mai sẽ chẳng có cái gì ăn. Cùng một lúc chúng tôi xếp tất cả những khoanh bánh đã cắt ra đấy vào giữa hầm. Mỗi người cầm cái xẻng của mình, và nằm dài ra, chuẩn bị đập.

Đêtơrinh, Cốp và Cát cầm đèn bấm.

Vài phút sau, chúng tôi nghe thấy những tiếng loạt soạt đầu tiên của lũ chuột đến gặm bánh. Tiếng động to dần. Ở đấy, hiện có không biết bao nhiêu là bàn chân nhỏ xíu. Thế là, bất thình lình, đèn bấm lóe lên và tất cả mọi người bổ nhào xuống cái đám đen ngòm vừa chạy tán loạn vừa kêu choe chóe. Kết quả tốt. Chúng tôi vất những xác chuột bị đập nát qua lũy của chiến hào, rồi chúng tôi lại lĩnh.

Còn thành công được ba lần nữa. Sau đó lũ chuột đã nhận thấy cái gì đó hoặc đã đánh hơi thấy mùi máu. Chúng không đến nữa. Ấy thế mà, sáng hôm sau, lũ chuột đã tha đi hết tất cả những mẩu bánh trên mặt đất.

Trong khu vực bên cạnh, chuột đã tấn công hai con mèo to và một con chó, cả ba con này đều bị chuột cắn chết và ăn thịt.

Ngày hôm sau, có pho mát Hà Lan. Mỗi người được lĩnh gần một phần tư tảng. Một mặt, đó là điều hay, vì pho mát Hà Lan ăn ngon tuyệt, nhưng mặt khác, lại là điều xấu. Vì từ trước đến nay, những tảng to tròn màu đỏ ấy bao giờ cũng báo hiệu những trận đánh ác liệt. Sự linh cảm của chúng tôi càng rõ rệt hơn khi người ta phát rượu Sinich[5]. Uống thì uống thôi, nhưng chẳng vui gì.

Suốt ngày chúng tôi thi nhau bắn chuột và la cà khắp nơi. Những kho dự trữ đạn và lựu đạn ngày càng đầy ắp. Chúng tôi thân hành kiểm tra lại lưỡi lê. Quả nhiên có những lưỡi lê mà cái sống là một lưỡi cưa. Bọn đối phương mà tóm được thằng nào vũ trang lưỡi lê như thế thì chúng giết thẳng cánh ngay.

Trong khu vực bên cạnh, chúng tôi đã thấy nhiều anh bị cắt mũi và khoét mắt vì những lưỡi lê răng cưa ấy. Rồi chúng nhét đầy mùn cưa vào mồm vào mũi cho chết ngạt. Vài chú tân binh còn thứ lưỡi lê ấy; chúng tôi vất biến ngay đi và xoay cho họ những cái khác. Thật ra, lưỡi lê không còn tác dụng mấy nữa. Bây giờ, nhiều người có kiểu xung phong chỉ bằng lựu đạn và xẻng.

Cái xẻng mài sắc là một thứ vũ khí thuận tiện và lợi hại hơn nhiều. Không những nó có thể cắm phập vào yết hầu quân địch, mà nhất là còn có thể quật những nhát hết sức mạnh. Đặc biệt, nếu quai một nhát chéo góc khoảng giữa cổ và vai, nó có thể xả đến tận ngực như chơi. Nhiều khi lưỡi lê mắc ngập vào vết thương, phải đạp mạnh vào bụng tên địch rồi mới rút ra được, trong lúc ấy rất có thể chính mình cũng bị một nhát. Ngoài ra, lưỡi lê bị gãy cũng không phải ít.

Ban đêm, người ta thả hơi ngạt phía trước mặt chúng tôi. Chúng tôi nằm chờ cuộc tấn công, với đầy đủ mặt nạ, và sẵn sàng lột nó ra ngay khi những bóng người đầu tiên xuất hiện.

Tảng sáng cũng không có gì xảy ra. Phía bên kia, suốt ngày đêm chỉ ì ầm tiếng xe chạy gặm nhấm thần kinh, những đoàn tàu, những xe vận tải; chúng nó tập trung những gì bên ấy thế? Pháo binh của chúng tôi bắn liên tục, nhưng tiếng ầm ĩ vẫn không ngừng, tưởng như không bao giờ chấm dứt...

Mặt mũi chúng tôi bơ phờ, chúng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nhau nữa. “Lại giống trận sông Xom, ở đấy, sau hết là đại bác nã liền tù tì bảy ngày bảy đêm”, Cát nói một cách ủ rũ. Bây giờ anh ta không đùa nữa, từ khi chúng tôi tới đây, đó là dấu hiệu không hay vì Cát là tay lính cựu trào, đánh hơi được những gì đang chuẩn bị. Chỉ có Jađơn là hài lòng với những miếng ăn ngon và rượu rum; thậm chí nó lại còn cho rằng chẳng có quái gì xảy ra đâu, và chúng tôi lại đến quay về nghỉ thôi.

Mọi người hầu như tin lời nó. Ngày lại ngày trôi qua chẳng có gì mới lạ. Ban đêm ngồi trong hố trinh sát, trên đầu tôi, bay lên lượn xuống đủ các thứ pháo hiệu và đèn dù. Tới hết sức thận trọng, ruột gan như thắt lại, tim đập thình thình. Tôi luôn luôn để mắt nhìn mặt đồng hồ dạ quang. Những chiếc kim không nhúc nhích. Giấc ngủ bám trĩu lấy mi mắt; tôi ngọ nguậy đầu ngón chân trong đôi ủng để cố tỉnh ngủ.

Không có gì xảy ra cho đến lúc tôi được thay phiên; vẫn chỉ có cái tiếng ầm ĩ liên miên ở phía bên kia. Dần dần chúng tôi bình tĩnh lại, lại đánh bài Soát hoặc bài Ram cả ngày. Có lẽ chúng tôi có số may chăng?

Bầu trời suốt ngày đẩy những khí cầu thám thính. Người ta bảo rằng hiện nay, trong lúc tấn công, quân địch ở đây cũng có cả xe tăng và máy bay phối hợp với bộ binh. Nhưng cái đó không làm chúng tôi chú ý bằng những điều người ta nói về loại súng phun lửa mới chế tạo.

Nửa đêm, chúng tôi chợt thức dậy. Mặt đất rung chuyển ầm ầm. Trên đầu chúng tôi, cả một trận pháo kích khủng khiếp. Chúng tôi co rúm người trong các ngóc ngách. Chúng tôi có thể phân biệt đủ các cỡ đạn.

Anh nào anh nấy đặt tay lên đồ lề của mình, luôn luôn xem chúng còn nguyên đấy không. Hầm của chúng tôi rung lên, bóng đêm chỉ còn là gầm rống và chớp giật. Dưới ánh lửa đạn sáng lòe, chúng tôi ngồi nhìn nhau, mặt tái đi, môi mím lại, chúng tôi lắc đầu.

Ai cũng cảm thấy tận trong thớ thịt mình, những quả đại bác hạng nặng đang giật tung thành lũy chiến hào, đang lao ngập xuống bờ hào, đang xé vụn những khối bê tông phía trên. Chúng tôi chú ý đến phát nổ mạnh nhất, dữ dội nhất của một viên đạn rơi trúng vào chiến hào; tưởng như một con thú dữ gầm rống, vồ vào chúng tôi. Buổi sáng, mấy chú tân binh, nhợt nhạt cả người nôn thốc nôn tháo. Họ chưa có kinh nghiệm.

Một tia sáng đục lờ và ghê rợn từ từ lọt vào các hầm chúng tôi, làm cho ánh chớp trái phá rơi càng thêm nhợt nhạt. Trời sáng. Bây giờ tiếng mìn nổ chen lẫn tiếng đại bác. Sức chấn động của chúng kinh khủng không thể tưởng tượng được, chỗ nào có mìn nổ, chỗ đó thành một cái hố chôn chung.

Những đơn vị thay phiên đi ra, những trinh sát viên lảo đảo bước trở về, khắp người nhem nhuốc và run lẩy bẩy. Một cậu nằm im trong một xó và ăn; một cậu khác, lính trù bị, khóc nức nở; không khí bị dồn ép trong khi đạn nổ đã hai lần hất cậu ta lên mặt lũy làm thần kinh cậu ta bị kích động, chứ không bị thương tích gì cả. Tụi tân binh nhìn cậu ta. Cái này rất là mau lây; chúng tôi phải coi chừng lắm mới được, vì miệng nhiều cậu đã bắt đầu mếu xệch. Trời sáng thì tốt hơn; có lẽ trận tấn công sẽ nổ ra ngay sáng nay.

Trận pháo kích vẫn không giảm. Nó lan ra cả phía sau chúng tôi. Khắp nơi chỗ nào tầm mắt có thể nhìn tới đều thấy vọt lên những cột bùn và sắt. Như thế là pháo binh đã phủ cả một khu vực rất rộng. Trận tấn công không nổ ra, nhưng pháo kích vẫn tiếp tục. Dần dần, chúng tôi đâm điếc đặc cả. Chẳng ai nói nữa; vả lại cũng chả ai hiểu ai nói cái gì.

Chiếc hào của chúng tôi gần như bị phá hủy. Ở nhiều nơi, nó không còn đến năm mười phân nữa. Khắp nơi chằng chịt những hốc sâu, những hố hình phễu, những núi đất. Một quả đại bác nổ tung ngay trước căn hầm của chúng tôi. Thế là tối sầm cả lại. Chúng tôi bị vùi xuống đất và phải cố tìm cách nhoai ra; gần một giờ sau, lối ra mới được khơi thông, lúc này chúng tôi bình tĩnh hơn một chút vì trí óc bị hút vào công việc. Viên chỉ huy đại đội của chúng tôi bò đến chỗ chúng tôi và cho biết là có hai cái hầm đã bị tiêu tan. Bọn lính mới có vẻ yên tâm khi nhìn thấy ông ta. Ông ta nói là chiều nay người ta sẽ xoay sở để có cái ăn.

Đó là một tin mừng. Chưa ai nghĩ đến chuyện ấy cả, trừ Jađơn. Thế là, chúng mình lại sắp nhận được cái gì đó từ bên ngoài đưa tới. Mà người ta còn nghĩ đến việc tiếp tế thì chắc hẳn tình hình cũng không đến nỗi bi quá, bọn lính mới nghĩ như vậy. Chúng tôi không muốn làm họ hoang mang, chúng tôi biết rằng lương thực cũng cần như đạn dược và chính vì thế mà người ta phải đi xoay sở.

Nhưng không ăn thua gì cả. Một toán tạp dịch thứ hai lên đường, rồi cũng phải trở lại. Sau cùng, Cát ra tay, nhưng chính anh ta cũng về tay không. Không một ai đi qua được. Đến con ruồi cũng đừng hòng bay lọt một cái lưới lửa như thế[6].

Chúng tôi thít dây lưng vào thêm một nấc, và mỗi một miếng ăn nhỏ chúng tôi nhai lâu gấp ba lần. Thế mà cũng chẳng đi đến đâu. Chúng tôi đói hoa cả mắt lên. Tôi chỉ còn một mẩu đầu bánh; tôi ăn chỗ ruột, rồi cất miếng vỏ vào túi dết; thỉnh thoảng tôi nhấm một ít.

Ban đêm thật là khó chịu. Chúng tôi không tài nào ngủ được, cứ mở mắt nhìn trừng trừng và ngủ gà ngủ gật. Jađơn tiếc rằng chúng tôi đã phí phạm vất cho chuột những mẩu bánh mà chúng đã gặm. Đáng lẽ nên cất đi cẩn thận mới phải. Hẳn bây giờ chẳng ai chê. Nước cũng thiếu, nhưng không khổ vì cái ấy lắm.

Gần về sáng, lúc còn mờ mờ, đã xảy ra một chuyện náo động; một đàn chuột chạy trốn đã lao vào cửa hầm chúng tôi. Chúng leo lên dọc khắp các bức tường. Các ngọn đèn bấm chĩa vào cái đám hỗn độn ấy. Tất cả mọi người kêu ầm lên, chửi rủa, và đập lũ chuột túi bụi. Thế là mối giận dữ và thất vọng bấy lâu chứa chất được dịp trút tung ra. Mặt nhăn tay đập; lũ chuột kêu rít lên. Phải khó khăn mới ngừng tay lại được và chỉ một li nữa là chúng tôi xông vào đập lẫn nhau.

Trận xung phong này làm chúng tôi mệt lử.

Chúng tôi lại nằm xuống và đợi. Thật là một sự kỳ lạ, hầm chúng tôi chưa ai việc gì cả. Đó là một trong số ít căn hầm sâu còn đứng vững được.

Một thầy cai bò vào, mang theo một cái bánh. Ba chú lính, ban đêm đã vượt qua được hàng rào lửa, mang vào được ít lương thực. Họ cho biết là trận pháo kích, không hề giảm cường độ, đã tràn cả đến vị trí pháo binh. Người ta tự hỏi, đối phương đã kiếm đâu ra lắm súng thế?

Chúng tôi cứ phải đợi, đợi mãi. Khoảng giữa trưa, điều chúng tôi lo sợ đã xảy ra. Một cậu lính mới lên cơn. Từ lâu, tôi đã chăm chú theo dõi hắn, trong khi hắn luôn luôn nghiến răng, nắm và ghì chặt bàn tay.

Chúng tôi đã quen với những đôi mắt trố ra và hoảng hốt như vậy. Mấy giờ gần đây, chỉ có bề ngoài là hắn bình tĩnh hơn; hắn buông phịch người xuống như một cây gỗ mục.

Bây giờ, hắn lại nhổm dậy, len lên bò qua hầm, dừng lại một lát rồi trườn ra cửa. Tôi vừa ngăn lại vừa hỏi:

- Cậu định đi đâu thế?

- Tôi về ngay bây giờ mà, - hắn vừa nói vừa toan đi qua mặt tôi.

- Đợi một tí, súng sắp ngớt đấy.

Hắn vểnh tai lên và phút chốc mắt hắn trở nên linh lợi. Rồi đôi mắt hắn lại đục ngầu như mắt chó dại; hắn im lặng và tìm cách gạt tôi ra.

- Đợi một phút đã, anh bạn! - Tôi quát lên.

Tiếng quát làm cho Cát chú ý, và giữa lúc hắn đẩy tôi một cái thì Cát túm lấy hắn và hai chúng tôi giữ hắn thật chặt.

Thế là cậu lính ta phát khùng lên:

- Buông tôi ra! Cho tôi ra ngoài! Tôi muốn ra ngoài!

Hắn chẳng nghe thấy gì cả và đấm đạp lung tung, hắn sùi bọt mép và bật ra những tiếng nửa chừng, chẳng có nghĩa lý gì cả. Đó là cơn điên vì sợ hãi, phát sinh trong những hầm chiến hào. Hắn có cảm giác bị chết ngạt ở đây và chỉ còn nghĩ đến một điều: phải ra khỏi nơi đây. Nếu để hắn ra, hắn sẽ nhảy lung tung, chẳng ẩn nấp gì cả. Hắn không phải là người đầu tiên mắc phải chứng đó.

Vì hắn rất hung, và mắt đã long lên sòng sọc, nên chúng tôi không còn cách nào hơn là nện cho hắn một trận cho tỉnh người ra. Chúng tôi quai luôn, không thương xót gì cả. Kết quả là tạm thời hắn lại lặng yên ngồi xuống. Những cậu khác trông thấy, đến sợ tái đi. Cũng mong sao sự việc này gây cho họ một mối sợ hãi bổ ích. Trận pháo kích liên miên, vượt cả sức chịu đựng của cái bọn khốn khổ này; họ đã đi thẳng từ trại tân binh đến đây, rơi vào một cái địa ngục mà ngay cả đến lính cũ cũng phải xanh mặt.

Sau đó, không khí ngột ngạt trở lại, càng thử thách cân não của chúng tôi hơn nữa. Chúng tôi như ngồi trong nhà mồ, chỉ còn chờ một điều là cái nhà mồ ấy đổ ụp xuống. Bất thình lình, có tiếng gầm thét và những ánh chớp lóe khác thường; tất cả các khớp của căn hầm chúng tôi chuyển răng rắc vì nó vừa bị quật một phát vào chính giữa. May sao, viên đạn thuộc cỡ nhỏ, và những tảng bê tông đã chống đỡ được. Tiếng kim khí va chạm nhau loảng choảng nghe rợn cả người.

Những bức tường nghiêng ngả, súng ống, mũ mãng, đất bụi, và các thứ bẩn thỉu bay tung cả lên. Một đám hơi lưu huỳnh lùa thốc vào tận chỗ chúng tôi.

Nếu không ở cái hầm chắc chắn hạng nhất này, mà lại ở trong loại hầm trú ẩn ọp ẹp như người ta làm hiện nay, thì đừng một ai hòng sống sót.

Nhưng hậu quả của phát đại bác ấy lại thật khá buồn. Cậu lính mới ban nãy, lại bắt đầu dãy dụa và hai cậu lính khác cũng thế. Một trong ba người lọt được ra ngoài rồi chạy biến mất. Hai gã còn lại làm chúng tôi mệt quá. Tôi vừa đuổi theo gã chạy trốn vừa nghĩ có nên bắn một phát vào chân hắn không.

Bỗng một tiếng rít nổi lên, tôi nằm bẹp xuống và khi nhổm dậy thì mép hào đã phủ đầy những mảnh trái phá bỏng rẫy, những mảnh thịt và quân phục rách bươm. Tôi quay lại hầm.

Gã tân binh thứ nhất hình như điên thật sự. Nếu buông hắn ra, là hắn húc đầu vào tường y như một con dê đực vậy. Ban đêm, phải đưa hắn về hậu tuyến. Hiện giờ, chúng tôi trói hắn lại, nhưng bằng cách, nếu có tấn công có thể lập tức cởi ra cho hắn ngay được.

Cát gạ đánh bài Soát. Còn biết làm gì hơn? Có lẽ đánh bài sẽ giúp chúng tôi chịu đựng được tình huống. Nhưng kết quả thật thảm hại. Chúng tôi lắng nghe từng quả đại bác rơi xuống chung quanh thành ra đếm nhầm cả bài ăn, hoặc ra quân không đúng nước. Chúng tôi đành bỏ không đánh bài nữa. Thật chẳng khác gì ngồi trong một cái nồi hơi âm vang mãnh liệt mà người ta đập chan chát lên nó khắp ba bề bốn bên.

Lại một đêm nữa. Hiện giờ có thể nói rằng chúng tôi bị rong cả người vì thần kinh căng thẳng. Đó là một trạng thái căng thẳng chết người, không khác gì lấy một con dao mẻ nạo suốt dọc tủy xương sống. Chân chúng tôi rã rời; tay run lật bật; thân thể chúng tôi chỉ còn là một tấm da mỏng bọc lấy một cơn mê sảng; khó khăn lắm mới vượt qua được và che dấu một tiếng hét bất tận mà chúng tôi không thể kìm hãm được nữa. Chúng tôi chẳng còn thịt, cũng chẳng còn bắp thịt; chúng tôi không dám nhìn nhau nữa, vì khiếp sợ một cái gì không thể lường được. Thế là chúng tôi mím môi lại, cố nghĩ rằng: rồi nó sẽ qua... Rồi nó sẽ qua... Có lẽ thoát được đấy. Đột nhiên, trái phá ngừng rơi xuống chung quanh chúng tôi. Trận pháo kích tiếp tục nhưng chuyển đến phía sau chúng tôi; chiến hào chúng tôi được tự do. Chúng tôi vớ lấy lựu đạn ném về phía trước hào, rồi nhảy vọt ra ngoài. Hỏa lực phá hoại đã ngừng, nhưng trái lại, phía sau chúng tôi là cả một lưới lửa bắn chặn dữ dội. Cuộc tấn công bắt đầu.

Không ai tin được trong cái chốn hoang tàn xơ xác này lại có thể còn có con người; thế mà lúc này, những chiếc mũ sắt nhô lên khắp nơi trong chiến hào. Và cách chúng tôi năm chục thước, ngay lúc đó, một ổ súng máy bắt đầu nổ ròn rã.

Những công sự phòng thủ bằng dây thép đều bị phá hủy. Tuy vậy chúng còn tạo ra được ít nhiều chướng ngại. Chúng tôi nhìn thấy bọn xung kích đang xông tới. Trọng pháo của chúng tôi lóe chớp.

Súng máy rền rĩ, súng trường đùng đoàng. Bọn đối phương cố hết sức tiến lên. Hai và Cốp bắt đầu sử dụng lựu đạn. Chúng nó ra sức ném thật nhanh.

Những quả lựu đạn chuyền cho chúng nó đều đã sẵn sàng, chỉ việc ném đi. Hai ném được tới sáu chục thước. Cốp năm chục thước. Tầm ném trước đây đã được kiểm tra và đó là một điều rất quan trọng. Bọn đối phương vì mải chạy, cho nên trước khi chúng đến cách ba chục thước thì không có gì nguy hiểm lắm.

Chúng tôi nhận ra những bộ mặt nhăn nhó và những chiếc mũ sắt. Đó là quân Pháp. Chúng đã tới chỗ dây thép gai bị phá tung và chúng đã bị thiệt hại nặng nề. Cả một hàng người bị khẩu súng máy cạnh chúng tôi quét sạch; nhưng sau đó chúng tôi bị mấy lần súng hóc, nên bọn xung kích đã tiến đến sát.

Tôi thấy một đứa trong bọn chúng ngã vật lên hàng rào lông nhím, mặt ngẩng cao. Cái mình hắn khuỵu xuống như một chiếc bao tải, hai tay chắp lại như cầu nguyện. Thế rồi cả cái thân người tách rời hắn ra, chỉ còn có hai bàn tay cùng với những khúc cánh tay bị đạn tiện đứt còn mắc lại trong đám dây thép gai.

Lúc chúng tôi lùi lại, có ba cái mặt nhô lên khỏi mặt đất. Dưới một chiếc mũ sắt, hiện ra một bộ râu nhọn hoắt, đen sì và hai con mắt nhìn thẳng vào tôi.

Tôi giơ tay lên nhưng không thể nào ném quả lựu đạn của tôi về phía hai con mắt lạ lùng ấy được.

Trong một lúc điên loạn, tất cả trận đánh quay cuồng chung quanh tôi và chung quanh đôi mắt ấy, riêng có đôi mắt ấy là không động đậy; rồi trước mặt tôi, cái đầu ngẩng lên, tôi nhìn thấy một bàn tay, một động tác thế là lập tức quả lựu đạn của tôi phóng ra, bay thẳng về phía ấy.

Chúng tôi vừa lùi vừa chạy, chúng tôi kéo phăng đám hàng rào lông nhím vào trong chiến hào và chúng tôi để rơi lại phía sau những quả lựu đạn đã đập kíp, để có thể lui mà vẫn duy trì được hỏa lực. Từ vị trí liền đó, súng máy vẫn nhả đạn.

Chúng tôi trở nên những con thú dữ nguy hiểm, chúng tôi không đánh nhau, chúng tôi chỉ tự vệ chống lại sự tiêu diệt. Không phải chúng tôi ném lựu đạn để giết những con người, vì lúc ấy chúng tôi chỉ cảm thấy có một điều: cái chết kia kìa, đang đuổi bắt chúng tôi dưới hình thù những bàn tay và những cái mũ kia. Từ ba ngày nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể nhìn cái chết tận mắt. Từ ba ngày nay, đây là lần đầu tiên mà chúng tôi có thể chống cự lại nó. Sự giận dữ đang sôi sục trong chúng tôi thật là vô lý. Chúng tôi không còn là những người bị đặt nằm bất lực trên máy chém nữa, nhưng chúng tôi có thể tiêu diệt bắn giết để thoát thân... để thoát thân và để trả thù.

Chúng tôi nấp sau từng ngóc ngách, sau từng trụ dây thép gai, và trước khi rút xa hơn, chúng tôi ném vào chân bọn đang xông tới, từng gói thuốc nổ. Tiếng lựu đạn nổ khô dòn dội lại cánh tay và ống chân chúng tôi rất mạnh. Co dúm lại như những con mèo, chúng tôi chạy, chìm ngập trong cái làn sóng đang lôi cuốn chúng tôi, làm chúng tôi trở nên dữ tợn, làm chúng tôi thành những tên tướng cướp lục lâm, những tên sát nhân và thậm chí những con quỷ dữ nữa - cái làn sóng làm tăng sức lực chúng tôi lên gấp mấy lần giữa cơn hoảng hốt điên cuồng và thèm khát, cái làn sóng tìm cách cứu thoát chúng tôi và kể ra cũng đã cứu được. Nếu bố anh mà có mặt trong hàng ngũ bọn đối phương, chắc anh sẽ chẳng ngần ngại gì mà không ném một quả lựu đạn vào giữa ngực ông ta.

Những chiến hào ở tuyến thứ nhất đã rút hết. Có còn là những chiến hào nữa không? Chúng đã bị đạn chằng chịt, đã bị tiêu hủy; chỉ còn là những mảnh xác xơ của chiến hào, những cái lỗ thông nhau bằng đường chữ chi, và không biết bao nhiêu là hố đại bác. Nhưng sự thiệt hại của đối phương mỗi lúc một tăng. Chúng không ngờ đến sức kháng cự mãnh liệt dường ấy.

Trưa. Mặt trời nóng gay gắt; mồ hôi chảy xuống mắt khó chịu; chúng tôi lấy tay áo quệt mồ hôi, nhiều lúc có cả máu. Bây giờ chúng tôi đến một dãy chiến hào khá hơn một chút. Quân chúng tôi đang đóng ở đấy và chuẩn bị phản công. Họ đón chúng tôi. Pháo binh chúng tôi hoạt động mãnh liệt và khóa chặt lấy vị trí.

Những hàng người phía sau chúng tôi dừng lại, chúng không thể tiến được nữa. Đợt tấn công đã bị pháo binh của chúng tôi bẻ gãy. Chúng tôi đang lăm lăm thủ thế. Này đây, đường đạn trọng pháo bên chúng tôi kéo dài thêm ra một trăm thước, thế là chúng tôi dành lại thế công. Bên cạnh tôi, một anh binh nhất bị văng mất đầu. Anh ta còn bước thêm mấy bước nữa trong khi máu ở cổ phụt ra như suối.

Nói cho đúng, chưa phải là đánh giáp lá cà vì bọn kia đã bắt buộc phải lùi. Chúng tôi không những lấy lại được những đoạn chiến hào, lại còn vượt qua đó nữa.

Ôi, những trận phản kích! Anh đã về, đến phòng tuyến hậu bị che chở cho anh, anh muốn lẩn lút sau nó và biến đi, thế mà lại phải đằng sau quay và trở lại cái xứ sở của khủng khiếp. Nếu chúng tôi không phải là những con người máy thì lúc đó chúng tôi đã nằm ì, kiệt lực, không còn chút ý chí nào nữa. Nhưng chúng tôi lại bị lôi cuốn một cách bất đắc dĩ về phía trước và với cả một sự căm giận điên cuồng nữa, chúng tôi muốn giết, vì những người phía bên kia giờ đây là những kẻ tử thù; Súng trường và lựu đạn của chúng nhắm vào chúng tôi. Nếu chúng tôi không giết chúng thì chúng cũng giết chúng tôi.

Đất nâu, cái dãy đất nâu tan tành xơ xác hắt ra một ánh sáng lờ mờ bóng nhẫy dưới những tia sáng mặt trời, là bối cảnh của một việc tự động âm ỉ và không ngừng; tiếng thở dốc của chúng tôi là tiếng lò xo của bộ máy; môi chúng tôi khô, đầu chúng tôi nặng trĩu hơn cả sau một đêm say rượu. Chính trong cái trạng thái ấy mà chúng tôi lảo đảo tiến lên; một hình ảnh đã thâm nhập một cách đau đớn xé lòng vào tâm hồn chúng tôi, cái tâm hồn lổm chổm như những cái muôi hớt bọt; đó là hình ảnh dãy đất nâu này với ánh mặt trời bóng nhẫy này, với những người lính chết và thoi thóp đang nằm kia, như một số phận không thể nào tránh khỏi, hoặc tóm lấy chân chúng tôi và kêu gào lên trong khi chúng tôi nhảy qua xác họ.

Chúng tôi đã mất hết cả tình đồng đội. Chúng tôi chỉ thoáng nhận ra nhau khi hình ảnh của người khác đập vào đôi mắt của chúng tôi, của con thú bị săn đuổi. Chúng tôi là những người chết vô tri vô giác, do một thứ phép lạ và một thứ bùa chú nguy hại, còn đủ sức chạy và giết.

Một tên Pháp trẻ tụt lại đằng sau; nó bị đuổi kịp, nó giơ tay lên; trong một bàn tay vẫn còn khẩu súng lục, người ta không hiểu nó định bắn hay định hàng.

Một nhát xẻng chẻ mặt nó ra làm hai. Một tên khác trông thấy vậy toan chạy, nhưng một lưỡi lê rít lên, cắm phập vào lưng nó. Nó chồm lên, hai cánh tay giang ra, mồm há hốc và rú lên, nó lảo đảo trong khi chiếc lưỡi lê rung rinh ở xương sống nó. Tên thứ ba vất khẩu súng và nép mình xuống đất, hai tay bịt mắt. Chúng tôi để nó lại đằng sau, cùng với mấy tù binh khác để khiêng thương binh.

Đột nhiên, trong khi truy kích, chúng tôi tới phòng tuyến địch. Chúng tôi bám sát địch đến nỗi chúng tôi gần như lọt vào đấy cùng một lúc với chúng. Nhờ thế, chúng tôi không bị thiệt hại mấy. Một khẩu súng máy bắt đầu sủa, nhưng một quả lựu đạn bắt nó câm họng ngay. Tuy vậy, chỉ trong có mấy giây nó hoạt động cũng đủ làm thủng bụng năm người bên chúng tôi.

Giáng cái báng súng, Cát đập vỡ mặt một trong những thằng bắn súng máy chưa bị thương. Chúng tôi đâm những thằng khác bằng lưỡi lê trước khi chúng rút được lựu đạn. Thế rồi, khát quá, chúng tôi nốc ừng ực nước trong bình làm nguội súng.

Khắp nơi, lách tách tiếng kìm cắt dây thép đang hoạt động; khắp nơi, những tấm ván đặt bừa lên trên đống công sự ngổn ngang, chúng tôi nhảy xuống các chiến hào qua những cửa vào nhỏ hẹp. Hai cắm phập lưỡi xẻng của nó vào cổ họng một thằng Pháp đồ sộ và ném quả lựu đạn đầu tiên; chúng tôi nấp vài giây sau một bức lũy; sau đó, tất cả khoảng chiến hào chạy dọc trước mặt chúng tôi trở nên trống rỗng. Lựu đạn chúng tôi vèo vèo xiên vào các ngóc ngách, thế là quét sạch. Vừa chạy, chúng tôi vừa ném lựu đạn vào các hầm chúng tôi chạy qua. Đất rung chuyển; chỉ còn là khói, là tiếng gầm và tiếng nổ. Chúng tôi vấp, trượt trên những tảng thịt, những thân người mềm nhũn; tôi ngã xuống một cái bụng phanh toác ra, trên úp một cái mũ sĩ quan mới toang và rất sạch.

Trận đánh dịu đi. Sự tiếp giáp với quân địch bị gián đoạn. Vì chúng tôi không thể giữ chỗ này được lâu nên người ta lại điều chúng tôi về vị trí cũ, dưới sự che chở của pháo binh. Vừa được biết lệnh thoái triệt, chúng tôi vội vàng xông vào các hầm gần đấy để khoắng tất cả những đồ hộp nhìn thấy, nhất là những hộp thịt bò ướp và bơ, rồi mới leo ra khỏi chiến hào.

Chúng tôi rút lui trong những điều kiện thuận lợi.

Lúc ấy, không có đợt tấn công nào của địch nữa.

Trong hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi nằm dài ra, thở hồng hộc, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Chúng tôi mệt đừ đến nỗi đói cào đói cấu mà cũng chẳng thiết gì đến đám đồ hộp kia. Rồi dần dần, chúng tôi mới trở lại gần như những con người.

Món thịt bò ướp của đối phương nổi tiếng khắp mặt trận. Thậm chí, có lần cái món ăn ấy là lý do chính của một trong những đợt xuất kích bất thình lình của chúng tôi, vì thức ăn của chúng tôi thường là tồi; chúng tôi luôn luôn bị đói.

Chúng tôi vớ được năm hộp tất cả. So với chúng tôi là những đứa đói meo chỉ có món xu hào nấu nhừ, thì những thằng bên kia được ăn khoái quá; ở bên chúng nó, thịt thà ê hề; chỉ cần chìa tay ra là có ngay. Ngoài ra, Hai còn vớ được một cái bánh mì trắng, tròn lưng lửng của bọn Pháp, nó giắt vào thắt lưng y như một cái xẻng. Một đầu bánh hơi vấy máu, nhưng cắt đi cũng dễ thôi.

Bây giờ chúng tôi đã có cái ăn ngon, thật là hạnh phúc; chúng tôi còn cần đến sức nhiều, ăn cho no cũng có ích như có một cái hầm tốt, vì vậy chuyện ăn uống mới làm bận tâm chúng tôi đến thế, thực tế nó có thể cứu sống chúng tôi.

Jađơn lại còn vớ thêm được hai bình rượu Cô nhắc. Chúng tôi chuyền cho nhau uống.

Pháo binh ban phước lành buổi tối cho chúng tôi. Đêm đến, những đám sương mù từ những hố trái phá dâng lên. Người ta ngỡ rằng những cái hố ấy chứa chất đầy những sự kỳ dị, giống như ma quái.

Làn hơi trắng, trườn đi đây đó một cách rụt rè, trước khi dám dâng lên miệng hố, rồi những tà áo dài nhẹ mỏng kéo lê từ hố này sang hố khác.

Trời lạnh. Tôi đứng gác và nhìn trân trân vào bóng tối. Tôi thấy mệt mỏi rã rời như sau mỗi trận đánh; vì thế khi phải đứng lẻ loi với những ý nghĩ của mình tôi thấy thật là khổ. Nói cho đúng, đó không phải là những ý nghĩ, mà là những ký ức lúc này đang ám ảnh tôi trong phút yếu lòng, đang kích động tôi một cách kỳ lạ. Những quả pháo sáng vọt lên trời và tôi thấy hiện lên trong tôi một hình ảnh: một buổi chiều hè, tôi đứng trong khu kín của nhà thờ, tôi ngắm những cây hồng cao nở hoa giữa mảnh vườn nhỏ, nơi để chôn các thầy tu. Chung quanh là những tượng đá của các chặng đường thánh giá. Không một bóng người. Yên lặng hoàn toàn ngự trị trên mảnh vườn nở hoa ấy; mặt trời hun những tảng đá lớn màu xám: tôi đặt tay lên và cảm thấy chúng nóng quá. Ở đầu bên phải của cái mái lợp đá đen ngọn tháp màu xanh của nhà thờ vươn lên trong màu xanh nhạt và mờ đục của chiều tà. Giữa những cột nhỏ, bóng bẩy, chạy quanh khắp khu kín, tràn ngập cái bóng tối mát rượi chỉ các nhà thờ mới có; tôi đứng đó, im lìm, nghĩ đến chuyện năm hai mươi tuổi, tôi sẽ được biết những niềm rạo rực với đàn bà.

Do một hiện tượng lạ lùng, cái hình ảnh ấy đến sát bên tôi, gần như chạm vào tôi, trước khi bị xóa nhòa dưới ánh lửa của chiếc pháo hiệu sau.

Tôi cầm lấy khẩu súng và kiểm tra lại. Nòng súng âm. Tôi đặt tay lên, nắm chặt lại, và lấy ngón tay lau nòng súng.

Giữa những đồng cỏ, phía sau thành phố của chúng tôi, có một hàng cây bạch dương già chạy dọc theo một ngòi nước. Từ rất xa, người ta đã nhìn thấy chúng và thường gọi là con đường bạch dương mặc dầu chỉ có một hàng cây. Ngay hồi còn bé, chúng tôi đã rất thích hàng bạch dương ấy, bị chúng thu hút mà không hiểu tại sao. Chúng tôi suốt ngày quấn quít bên những gốc cây, nghe chúng thì thầm nhẹ nhàng. Chúng tôi ngồi dưới bóng cây, trên bờ ngòi, thả chân xuống dòng nước trong veo và chảy xiết.

Những làn hơi nước thanh khiết và tiếng gió du dương trong những cành bạch dương, bao trùm cả tâm trí chúng tôi. Sao mà yêu chúng thế! Hình ảnh của những ngày ấy trước khi xóa mờ, còn làm tim tôi thổn thức. Thật là lạ lùng, tất cả những ký ức gợi lại trong lòng chúng tôi đều có hai tính chất. Những kỷ niệm ấy trầm lặng, đó là cái đặc điểm rõ rệt nhất, và dù cho trong thực tế, có khác đi nữa, chúng vẫn gây cho ta cảm giác như vậy. Đó là những hình ảnh câm, chúng thầm lặng nói với tôi bằng mắt, bằng cử chỉ, chẳng cần đến lời; và sự thầm lặng ấy, xúc động xiết bao, khiến tôi phải ghì lấy tay áo và khẩu súng, để khỏi rơi mình vào chỗ mơ màng, chan chứa, mà thể xác tôi muốn nhẹ nhàng buông thả để chạy theo cái sức mạnh câm lặng ẩn sau sự vật ấy.

Những bóng hình ấy yên lặng, chính vì sự yên lặng là một hiện tượng chúng tôi không hiểu được. Ở mặt trận, không có yên lặng, và ảnh hưởng của mặt trận bao trùm đến nỗi chúng tôi không thể nào thoát khỏi nó. Ngay cả ở những trạm xa hỏa tuyến, những nơi chúng tôi quay về nghỉ, tiếng gầm thét và tiếng ồn ào đã dịu đi của hỏa lực, cũng vẫn còn văng vẳng bên tai. Không bao giờ chúng tôi được đi xa hơn để khỏi phải nghe thấy nó. Nhưng, tất cả những ngày gần đây, thật là không chịu nổi.

Sự yên lặng ấy là lý do tại sao những hình ảnh quá khứ thức tỉnh trong chúng tôi nhiều buồn rầu hơn là mong ước, một mối sầu mênh mông và cuồng loạn. Những cái đó đã có thật, nhưng sẽ không quay lại nữa. Chúng đã qua rồi, và thuộc về một quãng đời đã trọn vẹn đối với chúng tôi. Trong những sân trại lính, chúng kích thích một ý muốn dữ tợn và ngỗ ngược; thế là chúng còn gắn bó với chúng tôi, chúng tôi còn thuộc về chúng và chúng còn thuộc về chúng tôi, dù rằng giữa chúng tôi và những hình ảnh ấy đã có sự cách biệt. Những hình ảnh ấy còn nổi lên trong những bài ca của lính mà chúng tôi thường hát khi đi tập ở đồng hoang, chân bước giữa ánh bình minh và những hình dáng đen tối của rừng sâu; chúng tạo nên một kỷ niệm mãnh liệt ở trong chúng tôi và cũng toát cả ra ngoài chúng tôi.

Nhưng ở đây, trong những chiến hào, kỷ niệm ấy bị mất đi. Nó không dâng lên trong chúng tôi nữa; chúng tôi đã chết và nó ở tận xa tít phía chân trời; nó như một thứ hiện hình, một ánh hồi quang huyền diệu đến với chúng tôi; chúng tôi sợ nó mà lại yêu nó, bằng một mối tình tuyệt vọng. Kỷ niệm ấy mãnh liệt và lòng mong muốn của chúng tôi cũng mãnh liệt; nhưng chúng tôi biết rằng không với được tới nó. Nó cũng hão huyền như cái hy vọng trở nên đại tướng.

Và dù người ta có trả lại chúng tôi cái phong cách ấy của thời thơ ấu, chúng tôi cũng chẳng biết dùng nó để làm gì. Những sức mạnh tế nhị và kín đáo mà nó kích thích trong chúng tôi, không thể sống lại được nữa. Chúng tôi tha hồ mà sống, mà cựa quậy trong nó, chúng tôi tha hồ mà nhớ lại, mà quý mến nó, mà xúc động trước hình bóng đó, nhưng cũng chẳng khác nào bức ảnh của một người bạn đã chết xâm chiếm ý nghĩ chúng ta; đó là nét mặt anh ta, là khuôn mặt anh ta, là những ngày sống chung với anh ta; chúng sống lại trong óc chúng ta một cách giả tạo, nhưng không phải là chính anh ta.

Chúng tôi sẽ chẳng còn gắn bó với cái phong cảnh ấy như trước đây nữa. Không phải sự hiểu biết vẻ đẹp và tâm hồn của nó đã lôi cuốn chúng tôi đến với nó, mà là sự cảm thông, ý thức về một mối tình ruột thịt với những sự vật và biến cố của bản thân chúng tôi, mối tình ruột thịt ấy ngăn cách chúng tôi, thường làm cho chúng tôi không hiểu nổi cái thế giới của các bậc cha mẹ; vì có thể nói rằng chúng tôi luôn luôn tha thiết mê say và bị lãng quên trong cái thế giới riêng của chúng tôi, và những sự vật nhỏ bé nhất đối với chúng tôi bao giờ cũng tận cùng ở con đường vô tận. Có lẽ, đó chỉ là cái đặc ân của thời niên thiếu; thời ấy chúng tôi chưa nhìn thấy một giới hạn nào, và chúng tôi chẳng cho đâu là đích cả; chúng tôi có trong người cái men say của dòng máu kết hợp chúng tôi với bước đường đời chúng tôi.

Ngày mai, có lẽ chúng tôi sẽ đến thăm phong cảnh thời thơ ấu như những người du khách. Chúng tôi đã bị sự đời làm cho tiều tụy, chúng tôi biết phân biệt những chi tiết như những gã lái buôn, và thấy được nhu cầu như những tay bán thịt. Chúng tôi không còn vô tư lự nữa, chúng tôi lạnh lùng một cách đáng sợ. Chúng tôi sẽ ở đây, nhưng có phải chúng tôi sống không?

Chúng tôi bơ vơ như những đứa trẻ và thạo đời như những cụ già; chúng tôi thô lỗ, u sầu và hời hợt, tôi cho rằng chúng tôi đã hỏng hết.

Bàn tay tôi lạnh toát và da nổi gai lên. Vậy mà, đêm vẫn nóng, chỉ có làn sương mù là lạnh lẽo, cái sương mù quái gở ấy bò xung quanh những người chết trước mặt chúng tôi và hút lấy giọt sống cuối cùng còn dấu kín. Ngày mai, họ sẽ nhợt nhạt, máu họ sẽ tím đen và đóng cục. Những pháo sáng vẫn bay lên trời và tỏa ánh sáng tàn nhẫn trên cái quang cảnh sững sờ đầy hố hình phễu, một ánh sáng lạnh lẽo như ánh trăng. Dòng máu chảy trong người tôi chứa đựng nỗi lo âu kinh hãi của những ý nghĩ yếu đuối và run rẩy; chúng đòi hỏi sức nóng và sự sống.

Chúng không thể cầm cự được nếu không có nguồn an ủi và ước mơ; chúng rối loạn trước hình ảnh trắng trợn của tuyệt vọng.

Nghe có tiếng xoong nồi lích kích, tôi thèm thức ăn nóng quá. Nó sẽ làm cho tôi dễ chịu và bình tĩnh lại. Tôi đành phải khổ tâm chờ đến lúc đổi gác.

Rồi tôi xuống hầm và thấy có một bát cháo bột để phần tôi. Có cả mỡ, ngon thật; tôi ăn thong thả. Nhưng tôi vẫn im lặng, mặc dầu những người khác có vẻ tươi hơn vì trận pháo kích đã ngớt.

Ngày lại ngày trôi qua, và mỗi giờ trôi qua vừa khó hiểu lại vừa rõ ràng, minh bạch. Những đợt tấn công xen với những đợt phản công, xác chết chồng chất bên các hố đại bác giữa các tuyến. Thường thường chúng tôi có thể đi tìm những người bị thương nằm không xa quá: nhưng dù sao vẫn còn nhiều người phải nằm đó thật lâu và chúng tôi nghe thấy họ chết.

Có một người chúng tôi ra sức tìm đã hai ngày hôm nay. Có lẽ hắn ta nằm sấp và không trở mình được. Đó là nguyên nhân duy nhất khiến chúng tôi không tài nào tìm ra được chỗ hắn nằm, vì khi gọi mà mồm để sát đất, thì thật khó mà biết tiếng gọi từ đâu tới. Chắc hẳn hắn ta bị một vết thương nặng, một vết thương tai ác, không đến nỗi nặng quá để có thể đánh gục anh ngay và làm anh chết trong cơn mê sảng, nhưng lại quá nặng khiến anh không chịu nổi đau đớn và không mong gì chữa khỏi. Cát cho rằng hắn bị gẫy xương chậu hoặc bị một phát vào xương sống. Chắc không phải bị thương ở ngực; nếu bị, thì làm gì có nhiều hơi đến thế để kêu. Nếu vết thương ở chỗ khác, tất nhiên hắn đã phải trở mình.

Dần dần, tiếng kêu trở nên khàn khàn. Cái âm thanh phát ra oái oăm đến nỗi người ta tưởng nó từ cả bốn phương bay lại; họ tưởng đã tìm đúng hướng và họ bò về phía ấy, nhưng khi lắng tai, thì tiếng kêu lại từ phía khác vọng đến.

Họ tìm kiếm cho mãi đến sáng vẫn vô ích. Ban ngày, chúng tôi sục sạo địa thế bằng ống nhòm; nhưng không thấy gì hết. Ngày thứ hai, tiếng kêu của hắn, yếu hơn; chúng tôi biết là môi và miệng hắn đã khô rồi!

Viên chỉ huy đại đội chúng tôi hứa cho người nào tìm thấy hắn sẽ được nghỉ phép trước kỳ hạn, lại được thêm ba ngày nữa. Đó là nguồn động viên rất mạnh, nhưng dẫu chẳng có cái ấy, thì chúng tôi cũng vẫn cố hết sức tìm vì những tiếng kêu ấy nghe khiếp quá. Có một lần Cát và Cốp đang buổi chiều cũng ra đi tìm. Anbe bị một viên đạn xẻo mất một mẩu tai. Táo bạo vô ích, chúng nó cũng chẳng tha được hắn về. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hiểu rõ hắn kêu những gì.

Đầu tiên hắn không ngừng gọi người đến cứu; đêm thứ hai, có lẽ hắn hơi bị sốt; hắn nói với vợ và các con; chúng tôi luôn luôn nghe thấy tên Elidơ. Hôm nay, hắn chỉ khóc. Chiều nay, giọng hắn tắt đi và chỉ còn tiếng rên. Nhưng hắn vẫn còn than thở khe khẽ suốt cả đêm. Chúng tôi nghe thấy rất rõ, vì gió thổi về phía chiến hào chúng tôi. Sáng hôm sau, lúc chúng tôi tưởng hắn đã yên nghỉ từ lâu, thì một tiếng rên ú ứ trong cổ họng lại một lần nữa bay đến phía chúng tôi...

Ban ngày nóng bỏng, mà những người chết vẫn nằm kia, chi chít liền nhau. Chúng tôi không thể mang họ đi hết; chúng tôi cũng không biết làm thế nào với họ nữa. Chính những viên đạn trái phá sẽ chôn họ. Thỉnh thoảng, bụng họ trương lên như một quả bóng. Họ phì ra, oi lên và cựa quậy. Đó là những luồng hơi còn rậm rịch trong người họ.

Trời xanh, không một bóng mây. Buổi chiều nặng nề và hơi nóng từ mặt đất bốc lên. Khi thổi về phía chúng tôi, gió lại mang đến cho chúng tôi mùi máu, cái mùi nặng nề, nhạt nhẽo kinh tởm ấy, cái mùi chết chóc bốc lên từ những hố đại bác, giống như một thứ thuốc mê trộn lẫn với mùi thối rữa, làm cho chúng tôi khó chịu.

Nhiều đêm đã trở lại yên tĩnh, chúng tôi bắt đầu đi lùng những chiếc đai đồng của đạn trái phá và những chiếc dù lụa pháo sáng của quân Pháp. Thực ra, chẳng ai hiểu tại sao những chiếc đai đạn trái phá lại quý đến thế. Những tay sưu tầm chỉ quả quyết một điều là chúng có giá trị. Có những cậu khuân nhiều đến nỗi khi xuống hào, phải cúi gập cả người lại vì nặng quá.

Riêng Hai, ít ra nó cũng có một lý do: nó định gửi những chiếc đai đạn ấy về cho vợ chưa cưới của nó để làm nịt bít tất!

Nghe thấy vậy, tất nhiên mấy anh chàng quê xứ Phridơ cười như nắc nẻ; chúng nó vừa vỗ đùi vừa nói: “Đến chết cười chứ không phải. Lạy Chúa tôi, cái anh chàng Hai này thế mà dí dỏm quá quắt!”. Nhất là Jađơn, nó không nhịn được, nó cầm cái đai đạn to nhất rồi luôn luôn cho chân vào để xem còn rộng bao nhiêu nữa. “Hai này, chắc rằng có những cái bắp chân... phải, những cái bắp chân, phải nói rằng ý nghĩ của nó còn lên cao hơn cái điều ấy một chút - và chắc nàng cũng phải có những cái mông đít, phải, như... như một con voi!”. Với cái đà vui nhộn ấy, nó còn đùa dai mãi, “ái chà, với cô nàng, tớ chỉ muốn chơi cái trò vỗ chân giò nhau thôi, thật đấy...”. Hai ta phổng cả mũi. Vì không ngờ vợ chưa cưới của nó lại trội đến thế, và đắc ý nó nói gọn lỏn: “Gái ra gái nhé!”. Những cái dù lụa có ích lợi thiết thực hơn. Tùy theo khổ người, ba hay bốn chiếc là được một cái áo khóac. Cốp và tôi lấy làm khăn tay. Những đứa khác thì gửi về nhà. Nếu các bà mà biết nỗi nguy hiểm thường xảy ra khi đi lùng những miếng giẻ rách mỏng mảnh này, chắc các bà ấy phải sợ run lên.

Cát bắt chợt gặp Jađơn đang thản nhiên đập một viên đạn trái phá khổng lồ để tháo lấy đai. Vào tay người khác, cái món ấy nhất định phải nổ rồi, nhưng Jađơn, bao giờ cũng có số may.

Hai con bướm vàng nhởn nhơ suốt buổi chiều trước chiến hào chúng tôi, cánh chúng lốm đốm đỏ. Cái gì đã lôi kéo chúng đến đây? Không có qua một cái cây, một bông hoa nào quanh vùng cả. Chúng đỗ xuống hàm răng một cái sọ người. Những con chim cũng vô tư lự như thế, từ lâu chúng nó đã quen với chiến tranh. Sáng sáng, những con chim sơn ca bay tít lên trời, giữa phòng tuyến địch. Một năm trước, chúng tôi đã thấy những con chim ấy đang ấp và chúng cũng nuôi được con nữa.

Trong chiến hào, lũ chuột đã để chúng tôi yên.

Chúng tôi biết tại sao chúng ở phía trước mặt. Lũ chuột béo múp ra. Thấy con nào là chúng tôi bắn ngay. Ban đêm chúng tôi lại nghe thấy tiếng ầm ĩ ở phía bên kia. Ban ngày, chỉ có những trận pháo kích bình thường, nên chúng tôi có thể sửa chữa lại chiến hào. Cũng có cả trò giải trí nữa. Tụi phi công đóng vai chính. Hàng ngày, những trận không chiến rất là đắt khách. Chúng tôi không bực mình lắm về những máy bay chiến đấu, nhưng chúng tôi ghét cay ghét đắng cái lũ máy bay thám thính, vì chúng chỉ điểm cho pháo binh. Chỉ vài phút sau khi chúng nó xuất hiện là y như có một trận mưa đạn sơrápnen[7] và trái phá.

Vì thế, chỉ trong một ngày chúng tôi thiệt mười một người, trong số đó có năm cứu thương. Hai người bị tan xác đến nỗi Jađơn nói rằng người ta có thể lấy thìa nạo những chỗ còn dính ở vách hầm, và dùng một cái nồi làm quan tài. Một người khác bị tiện văng mất cái bụng dưới và hai chân. Anh ta chết, nửa mình dựng đứng trong chiến hào, mặt màu vàng chanh và điếu thuốc vẫn lập lòe trong bộ râu; điếu thuốc còn đỏ cho đến khi chạm môi anh ta mới thôi. Chúng tôi tạm thời đặt những người chết vào một hố trái phá lớn. Cho đến bây giờ, đã có đến ba lượt chồng chất lên nhau rồi.

Đột nhiên, hỏa lực lại bắt đầu ầm ầm dữ dội. Thế là chẳng mấy chốc, chúng tôi lại rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu, chờ đợi một cách thụ động.

Tấn công, phản công, xung kích, phản kích, đó chỉ là những từ ngữ, nhưng chúng chứa đựng biết bao ý nghĩa nữa? Chúng tôi thiệt rất nhiều người, nhất là tân binh. Trong khu vực chúng tôi, những chỗ trống đã được viện binh lấp vào. Do đó, chúng tôi nhận được một trung đoàn trong số những trung đoàn vừa mới tổ chức, hầu như toàn bộ là những cậu trẻ măng thuộc các toán lính mới mộ. Trước khi ra trận, chúng nó chỉ được huấn luyện qua loa, chỉ mới biết những động tác cơ bản. Chắc chúng nó cũng hiểu thế nào là quả lựu đạn, nhưng chúng biết rất ít về cách ẩn nấp, nhất là thiếu sự tinh nhanh. Mặt đất phải gồ lên đến năm mươi phân, chúng nó mới nhận ra.

Dù rằng viện binh đối với chúng tôi là rất cần nhưng những cậu lính mới chỉ tổ làm bận chúng tôi hơn là giúp ích chúng tôi. Trong khu vực chiến đấu ác liệt này, chúng nó bị mất hết tinh thần, ngã như sung rụng[8]. Chiến tranh trận địa ngày nay đòi hỏi người lính phải có kiến thức và kinh nghiệm; phải nắm được địa hình, tai nghe phải biết phân biệt các loại đạn và biết tác hại của chúng; phải biết tính trước viên đạn sẽ rơi xuống đâu, phạm vi phá hoại của nó bao nhiêu, và phải ẩn nấp ra sao.

Dĩ nhiên tất cả những cậu lính trẻ này hầu như chưa biết gì về những cái đó. Các cậu chết nhiều là vì chưa biết phân biệt đạn xì với đạn nổ; chúng nó chết như rạ là vì chúng hốt hoảng chăm chú nghe tiếng gầm của những “hòm than” vô hại và sẽ rơi rất xa còn cái tiếng rì rào, xì xì nhè nhẹ của những con quái vật nhỏ bé, nổ tung ngay sát mặt đất thì chúng nó lại không nghe thấy. Đáng lẽ phải tản ra thì chúng nó lại nép vào nhau như đàn cừu, cả đến những cậu đã bị thương rồi mà vẫn còn để cho tụi phi công bắn chết như bắn thỏ. Chao ôi! Những bộ mặt khờ dại xám ngoét ấy, những bàn tay co quắp đáng thương ấy, sự can trường thảm hại ấy của những con chó khốn khổ ấy bất chấp sự đời, vẫn xông lên và tấn công; những con chó khốn khổ ấy, những con chó can đảm ấy, bị đe dọa đến nỗi không dám kêu lên và mặc dầu chân, tay, ngực, bụng đã bị rách nát, cũng chỉ dám rên lên khe khẽ gọi mẹ, nhưng khi người ta vừa nhìn chúng thì chúng lại im ngay tức khắc. Những khuôn mặt của chúng nhọn hoắt, đầy lông to và chết cứng, thiếu một cách đáng sợ cái thần sắc của những xác trẻ con.

Chúng tôi nghẹn ngào khi nhìn thấy chúng nó chồm lên, chạy và ngã xuống. Chúng tôi muốn đánh cho chúng một trận vì chúng nó ngu quá, lại cũng muốn ôm chúng vào lòng và mang chúng đi khỏi cái nơi không phải là của chúng. Chúng nó mặc quần áo màu xám, đi ủng lính, nhưng với số đông thì bộ quân phục rộng quá, lật phật quanh tay chân, vai chúng nó gầy quá, mình chúng nhỏ quá, không có thứ quân phục nào vừa cỡ bọn trẻ con ấy cả.

Một anh lính cũ ngã xuống, thì cũng phải từ năm đến mười chú tân binh chết.

Một trận tấn công bất thình lình bằng hơi ngạt đã giết hại một số lớn. Thậm chí, chúng nó không biết cả đến sự nguy hiểm có thể xảy ra nữa. Chúng tôi thấy một căn hầm đầy những cái đầu xám ngoét, những cặp môi tím đen lại. Trong một hố đại bác, chúng nó đã bỏ mặt nạ ra sớm quá. Chúng nó không biết rằng hơi ngạt đọng lại trong những chỗ trũng lâu hơn; khi thấy những người lính khác đứng phía trên không đeo mặt nạ, chúng nó đã vội bỏ mặt nạ ra và đã hít phải số lượng hơi ngạt đủ làm cháy phổi.

Tình trạng của chúng nó thật là tuyệt vọng; những bãi máu khạc ra như xé phổi, và những cơn tức thở nhất định sẽ dẫn chúng nó đến chỗ chết.

Trong một đoạn chiến hào, đột nhiên tôi chạm trán Himmenxtôt. Hai người cùng nấp trong một cái hầm. Mọi người đều nằm xuống, thở hổn hển, và chờ đợi lúc tiến đánh.

Lúc ra khỏi hầm, tuy tôi bị kích động, nhưng một ý nghĩ vẫn thoáng qua trong óc; tôi không trông thấy Himmenxtôt nữa? Tôi vội vàng lộn trở xuống, và thấy hắn chui vào một xó; hắn chỉ hơi trầy da một chút, nhưng hắn làm ra bộ bị thương. Nhìn mặt hắn, người ta tưởng hắn vừa bị ai nện cho một trận. Hắn đang lên cơn sợ: phải nói rằng ở đây hắn là ma mới. Nhưng cái điều làm tôi tức điên lên là những tân binh đã ra ngoài cả rồi mà hắn lại nằm chúi ở đây cơ chứ!

Tôi điên tiết quát lên:

- Ra ngay!

Hắn không nhúc nhích, môi hắn run lên và bộ râu mép phập phồng.

- Ra ngay!

Hắn dũi cứng chân ra, nép sát vào tường và nhe răng ra, y như một con chó.

Tôi tóm lấy tay hắn và định bắt hắn phải đứng dậy. Thế là hắn khóc. Tôi phát điên lên. Tôi nắm lấy cổ hắn, lắc như lắc bị, đến nỗi cái đầu hắn vật bên nọ sang bên kia. Tôi quát vào giữa mặt hắn.

- Đồ khốn nạn, mày có ra không thì bảo. Đồ chó, đồ bò cái, mày muốn trốn phải không?

Mắt hắn trở nên lờ đờ, tôi đập đầu hắn vào tường: “Đồ cứt!”. Tôi đá cho hắn một cú vào cạnh sườn: “Đồ con lợn!”. Tôi đùn hắn lên, đẩy đầu hắn ra trước.

Vừa vặn lúc ấy, một đợt các bạn tôi đi qua. Trong số đó có một trung úy; ông ta nhìn chúng tôi và hét:

- Tiến lên! Tiến lên! Dồn hàng lại! Dồn hàng lại!

Thật là những quả đấm của tôi đã không có hiệu lực bằng cái tiếng ấy. Himmenxtôt đã nghe thấy tiếng cấp trên của hắn; hắn nhìn quanh, như chợt tỉnh lại và chạy theo những người khác...

Tôi chạy theo hắn và thấy hắn chồm lên. Hắn đã trở lại cái gã Himmenxtôt sắc nhọn của sân trại. Hắn đã bắt kịp cả viên trung úy và đi ngay ở hàng đầu...

Bắn dồn, bắn rào, lưỡi lửa, mìn, hơi ngạt, xe tăng, súng máy, lựu đạn, đó chỉ là những từ ngữ, những từ ngữ, nhưng chúng chứa đựng tất cả sự khủng khiếp trên đời.

Mặt chúng tôi đóng vẩy dầy cộp; tư tưởng chúng tôi đã bị hủy hoại; chúng tôi mệt chết đi được. Khi tấn công nổ ra, có nhiều đứa phải đấm cho một quả mới tỉnh lại và chạy theo được. Mắt đỏ ngầu, bàn tay rách nát, đầu gối rướm máu, khuỷu tay dập nát.

Có phải những tuần, những tháng, những năm đã trôi qua như thế chăng? Chỉ là những ngày mà thôi. Chúng tôi thấy thời gian trôi qua, bên chúng tôi trên khuôn mặt mất sắc của những kẻ hấp hối; thìa chúng tôi đổ thức ăn vào cơ thể của chúng tôi, chúng tôi chạy, chúng tôi ném lựu đạn, chúng tôi bắn súng, chúng tôi giết, chúng tôi bạ đâu nằm đấy, chúng tôi đã kiệt quệ và trở nên đần độn; chỉ có một điều an ủi chúng tôi: còn có những kẻ kiệt quệ hơn, đần độn hơn, hủy hoại hơn, mắt mở thao láo nhìn chúng tôi như những vị thần, chúng tôi, những kẻ đôi khi có thể thoát chết.

Trong những giờ nghỉ ngơi rất hiếm, chúng tôi lên lớp cho chúng nó: “Này, cậu nhìn cái nồi[9] đang lập lòe kia nhé! Ấy là một quả mìn sắp bay đến đấy. Cứ nằm im, nó sẽ rơi thật xa. Nhưng nếu nó như thế này này, thì phải cút ngay. Chạy thật mau có thể tránh kịp đấy!”. Chúng tôi luyện cho tai chúng nó quen với tiếng rì rầm ác hại của những viên đạn cỡ nhỏ rất khó nghe thấy, cần phải cho chúng nó nhận ra cái tiếng muỗi vo vo của những viên đạn ấy giữa đám ầm ầm hỗn loạn; chúng tôi dạy cho chúng nó biết những viên đạn ấy nguy hiểm hơn những viên lớn mà người ta nghe thấy trước khá lâu. Chúng tôi chỉ dẫn cho chúng nó cách tránh con mắt tụi phi công, cách giả vờ chết, khi bọn xung kích vượt qua, cách đập kíp lựu đạn để cho nó nổ đúng nửa giây trước khi chạm đích.

Chúng tôi lại dạy chúng nó cách lao người thật nhanh xuống hố đại bác khi gặp loại đạn nổ bắn tới. Chúng tôi bày cho chúng nó cách quét sạch một chiến hào bằng lựu đạn chùm; chúng tôi cắt nghĩa cho chúng nó hiểu lựu đạn địch khác lựu đạn ta về thời gian cháy mồi như thế nào; chúng tôi lưu ý chúng nó về tiếng nổ của lựu đạn hơi ngạt, và chúng tôi giảng cho chúng nó tất cả những mánh khóe để có thể thoát chết được. Chúng lắng nghe bọn tôi, tỏ ra dễ dạy, nhưng khi trận đánh lại bắt đầu, chúng thường xúc động quá làm sai bét cả.

Hai Vethut bị gẫy xương sống, phải khiêng đi; mỗi lần nó thở, phổi nó lại phập phồng qua vết thương. Tôi vẫn còn bắt tay nó được. “Chết mất, Pôn ạ!”. Nó vừa rên rỉ, vừa cắn vào cánh tay vì đau quá.

Chúng tôi thấy có những người đã bị mất sọ mà vẫn sống; chúng tôi thấy có những người lính đã bị đạn tiện đứt hai chân mà vẫn chạy; họ lảo đảo lết trên những khúc chân cụt rập nát cho đến cái hố trái phá gần đấy; một anh binh nhất bò bằng hai tay suốt hai cây số, lê theo cặp đầu gối vỡ toát; một anh khác, hai tay ôm bộ ruột lòng thòng, đi đến tận trạm cứu thương; chúng tôi thấy những người không có mồm, không có hàm dưới, không có mặt; chúng tôi đã gặp một anh lấy răng cắn thật chặt mạch máu ở cánh tay, trong hai giờ liền, để khỏi mất hết máu; mặt trời mọc, đêm tối đến, trái phá rít lên, sự sống ngừng lại.

Tuy vậy, cái mảnh đất rách nát mà chúng tôi đang ở, vẫn còn giữ vững được, mặc dầu trước những lực lượng trội hơn và chỉ phải hy sinh có một trăm thước đất thôi. Nhưng mỗi thước đất là một mạng người.

Chúng tôi được thay phiên. Bánh xe lăn dưới chân chúng tôi, chở chúng tôi về hậu tuyến. Chúng tôi đứng trên xe y như người mất hồn; mỗi khi có tiếng “Chú ý, dây đấy!”. Chúng tôi co gối lại, cúi thấp người xuống. Dạo trước, chúng tôi qua đây là mùa hạ, cây cối còn xanh; bây giờ, chúng nhuộm vẻ thu, trời đêm xám và ẩm. Đoàn xe đỗ lại, chúng tôi bước xuống, một dúm người bị ném ra một cách lộn xộn, phần sót lại của bao nhiêu tên người. Hai bên đường, trong bóng tối, người ta gọi số hiệu các trung đoàn và các đại đội. Sau mỗi tiếng gọi, một tốp nhỏ tách ra khỏi đám người, một dúm lính bẩn thỉu, nhợt nhạt, một con số đã bị giảm đi một cách kinh khủng, một cái cặn còn lại vô cùng ít ỏi. Này đây, có người hô to số hiệu chúng tôi; chúng tôi nhận ra tiếng viên chỉ huy đại đội. Thế là ông ta đã trở về. Chúng tôi đi lại phía ông ta và tôi nhận ra Cát và Anbe. Chúng tôi đứng sát bên nhau, chúng tôi tựa vào nhau và chúng tôi nhìn nhau. Và lại một lần nữa, lại một lần nữa người ta gọi số hiệu chúng tôi. Người ta có thể gọi thật lâu; trong những trạm cứu thương, trong những hố trái phá nữa, không ai nghe thấy gì cả.

Lại một lần nữa: “Đại đội hai, lại đây!”. Rồi thấp giọng hơn: “Đại đội hai không còn ai nữa à?”. Ông ta im lặng. Giọng ông hơi lạc đi, khi ông ta hỏi: “Đủ rồi chứ?”. Và ông ta ra lệnh: “Điểm số”.

Buổi sáng xám đục; khi chúng tôi ra đi, còn là mùa hè và có một trăm năm mươi người. Bây giờ chúng tôi cảm thấy lạnh - chúng là mùa thu; lá cây rì rào, những giọng mệt mỏi cất lên: “một, hai, ba, bốn...”. Sau con số ba mươi hai, là im bặt...

Yên lặng một lúc lâu, rồi một giọng cất lên: “Còn ai nữa không?”. Đợi một lúc, rồi cũng cái giọng ấy nói khẽ: “Đi từng tổ!”. Thế nhưng, cái giọng ấy ngừng đi và nói hết câu một cách khó nhọc: “Đại đội hai... đại đội hai, đi thường, bước!”.

Một dòng người, một dòng người ngắn ngủi lần bước trong buổi trời mai.

Ba mươi hai người.